Truyện Cổ Tích Thằng Cuội - Etruyen.com

Thằng Cuội

Từ bé, chúng ta thường nghêu ngao ca hát :

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa,
Để trâu ăn lúa, gọi cha ời ời.
Cha còn cắt cỏ trên trời,
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên.
Ông thời cầm bút cầm nghiên,
Ông thời cầm tiền đi chuộc lá đa.
Rằm tháng tám, năm nào cũng nghe giọng ca nhi đồng hồn nhiên tươi thắm :
Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ...
Dù Cuội có sống đến già vẫn còn bị gọi là thằng. Người ta khinh thường Cuội quá. Chắc tại Cuội có tật hay nói dối. Tuy vậy cũng có người nổi ghen thấy Cuội được sống gần Hằng Nga. Chả thế mà Tản Đà nổi cơn ngông "Muốn làm thằng Cuội" :
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi
Cung quế đã ai ngồi đó chửa
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.
Cuội là ai ?
Các tự điển đều giải thích rằng Cuội là một nhân vật, có sách ghi là một đứa bé con của chuyện cổ tích, ngồi dưới gốc cây đa trên mặt trăng.

Tại sao Cuội đang sống đằng sau lũy tre làng tự dưng lại bay bổng lên tận mặt trăng, sống với chị Hằng như vậy ?

Chuyện kể rằng :

Một hôm Cuội vào đốn củi trong rừng gặp một ổ hổ con. Cuội lấy rìu đập chết. Chợt có tiếng hổ mẹ rống ở đằng xa, Cuội sợ quá leo tót lên một cây ngồi nấp. Hổ mẹ lồng lộn quanh đám hổ con, rồi bỏ đi về phía bờ suối. Cuội tụt xuống theo rình. Hổ mẹ đến cạnh một cây con, đớp ít lá, mang về nhai nát, rịt cho hổ con. Chỉ một lát hổ con tỉnh lại. Mẹ con hổ bỏ khu rừng đi chỗ khác.

Cuội ra bờ suối đào cây con mang về trồng trong vườn. Từ đấy Cuội có món thuốc cải tử hoàn sinh, cứu mọi người. Cuội rất quý cây thuốc, ngày nào cũng dặn vợ phải chăm sóc nó. Cuội cấm vợ không được đái vào gốc cây vì cây sẽ dông lên trời. Nghe dặn nhiều lần, vợ Cuội phát cáu. Đã vậy thì cứ đái xem chuyện gì xảy ra ?

Vợ Cuội vừa đái vào gốc cây xong thì cây bỗng rung động, tróc gốc bay lên trời. Đúng lúc Cuội ở rừng về, chỉ kịp bám rễ cây níu lại. Nhưng cây cứ bay lên, kéo Cuội tới tận mặt trăng.

Từ đó đến giờ Cuội vẫn còn ngồi ở gốc cây, sống bên cạnh chị Hằng.

Ý nghĩa câu chuyện thật là hóm hỉnh. Cuội là đứa chuyên nói dối, lừa ngừa khác. Lần nào cũng dùng mẹo đắc thắng đám cường hào, phú hộ. Đến khi Cuội muốn hoàn lương, ra tay cứu đời, thì lại bị thất bại. Cuội thay đổi bản chất nhưng cuộc đời xung quanh thì không thay đổi. Cuội phải đi sang một thế giới khác tìm đất sống.

Mỗi đêm sáng trăng, từ trời cao Cuội ngạo mạn ngó đám đàn em của mình đang khua môi múa mép, tung hoành nơi quê hương xa vời vợi.

(Theo Nghiêm Toản, Việt Nam văn học sử trích yếu, Khai Trí, Sài Gòn, 1968).

Cuội có mặt ở Việt nam từ lúc nào ? Chắc là đã từ lâu. Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳng Tịnh Của (1895) đã nói đến Cuội. Tên Cuội từ đâu ra ?

Lê Ngọc Trụ (Tầm Nguyên tự điển Việt Nam, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1993) cho rằng chữ Cuội có gốc Hán Việt là chữ "Quải". Chữ Quải (Thiều Chửu) hoặc Quảy(Đào Duy Anh) có nghĩa là lừa dối, dụ dỗ người khác mua hàng, bắt con nít đem bán (mẹ mìn).

Trong dân gian có chuyện thằng Quải và thần mặt trăng :

"Mặt trăng tính nóng nảy, lại hay xà xuống gần dòm ngó hạ giới làm cho dân chúng khốn khổ vì nóng bức. Bấy giờ có thằng Quải định tâm cho thần một vố. Nó nắm cát trèo lên cây cao ngồi đợi. Lúc mặt trăng xà xuống, nó ném cát túi bụi vào mặt thần. Mặt trăng từ đó bị cát làm mờ đi và cũng từ đó thần không dám xuống gần hạ giới, cho nên ở hạ giới đỡ nóng bức." (Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên, Văn học dân gian tập 2, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội 1973).

Thằng Quải chống lại thần mặt trăng, trong khi thằng Cuội thì lại bay lên sống trên mặt trăng. Nội dung hai chuyện mâu thuẫn nhau. Hay là thằng Quải và thằng Cuội chỉ là hai anh em họ của dòng họ nói dối chứ không phải là cùng một nhân vật ?

Để giải quyết mâu thuẫn, tôi cho rằng chữ Cuội còn có thể là do chữ hán việt "Cuống" mà ra. Cuống nghĩa là nói dối, lừa dối (Thiều Chửu, Đào Duy Anh).

Cũng nên nói thêm rằng thằng Cuội không dính dáng gì với hòn cuội (sỏi đá) của tiếng Việt.

Mãi đến năm 1937, tự điển Việt-Hoa-Pháp của Gustave Hue vẫn chưa có chữ cuội nghĩa là sỏi đá. Năm 1940 nhà xuất bản Tân Dân cho in "Vang bóng một thời" của Nguyễn Tuân, trong đó có truyện ngắn Hương Cuội, kể chuyện làm kẹo mạch nha bọc cuội. Chữ cuội (tiếng Pháp là galet, calcul) chính thức có mặt trong Dictionnaire vietnamien-chinois-fran硩s của Eugène Gouin (IDEO,
Saigon, 1957) kể từ năm 1957. Đào Đăng Vỹ (Việt Pháp từ điển, Nguyễn Trung, Sài gòn, 1961) dịch chữ cuội là caillou, galet.

Phải chăng chữ cuội (sỏi đá) đã đến từ chữ calcul hoặc caillou của tiếng Pháp ? Và kẹo cuội của Nguyễn Tuân đã được gợi ý từ kẹo cuội (dragée) của Pháp ?

Ngày nay, sỏi và cuội được định nghĩa là "đá nhỏ tròn và nhẵn, thường ở lòng sông, lòng suối" và cuội là hòn sỏi lớn, sạn là hòn sỏi nhỏ (từ điển tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, Nxb KHXH, Hà Nội, 1977)

Về kích thước hòn cuội, hòn sỏi, từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Nxb KHXH, Hà Nội, 1988) mô tả gần giống Larousse (cuội : 1-10 cm, sỏi : 2-10mm).