Mây Chiều
Chương III

Nghĩ lại giật mình vì sự bắt chước kỳ quặc. Cả nước ta bước vào trường kỳ kháng chiến, có nghĩa là ở đâu cũng có tổ chức của chính quyền, của đảng, được thế mới đánh nổi giặc ở Điện Biên Phủ chứ. Nhưng bây giờ đi làm cải cách về xã coi như không biết, không được phép biết, không chào hỏi không bắt tay- không mảy may giao thiệp với tổ chức sẵn có. Đội viên tôi một mình đeo ba lô lò mò vào xóm. Cứ đoán nhà nào xơ xác nhất thì vào “bắt rễ". Rễ ấy “xâu chuỗi” sang những nhà cố nông khác, cứ thế tôi lập nên trưởng thôn, chủ tịch, tổ đảng và chính quyền mới toanh. Người chỉ có miếng ruộng loại riêng ra mà chẳng có ruộng đất nhưng bị tố là có tội ác với nông dân thì cũng cùm ngay, gọi là tên cường hào cá biệt. Tài liệu từng chữ dạy thế, khu đoàn ủy Chu Văn Biên lên lớp dạy thế, lại nghe Trung ương Hồ Viết Thắng ngồi ô tô vôn ga đen mặc quần áo nâu về cắt nghĩa thế, “Nông dân là quân chủ lực", chúng tôi bắt đầu tự gọi chúng tôi là “quân ông Thắng". ôi thôi kế hoạch công tác phăm phắp từng ngày, chỉ còn cách trí trá, nói dối mới sản ra các báo cáo kịp được. Hôm đầu đến Đồng Tiến ở Nông Cống, tôi lảng vảng một lượt qua xóm rồi vào liều một nhà không có cổng ngõ- đến cái cổng ngõ cũng không có thì ăn chắc là cố nông rồi. Trời đã xẩm tối. Nhà chỉ có ba bố con, cởi trần. Thế là hay lắm. Đến lúc hỏi tỷ tê thì anh ấy nói người ta có cái số, số tôi nghèo, trước kia, cũng có mẫu ruộng hương hỏa, rồi bán dần. Tôi nghe mà rối ruột, thế là tại lười, tại không ăn nên làm ra, tại những gì gì nữa, anh này có bị địa chủ đè đầu cưỡi cổ không? Tôi hỏi, anh bảo: Không. Thế thì không phải bần cố rồi. Gà gáy, tôi đeo ba lô lủi tìm nhà khác, ba bố con còn ngủ ngáy kho kho.
Cái khi xuống Quảng Xương, nhớ lại vẫn còn hốt. Tôi tìm vào một nhà, cái ang đựng nước cũng làm bằng một mảnh trôn vại, nghèo quá. Đúng là rễ, mà rễ cái nữa. Thấy anh đội ba lô vào nhà mình, sướng tỉnh ngưòi, chập tối người chủ nhà cầm ở đâu về một bọc lá chuối.
- Cái gì thế?
- Cái dái trâu.
Rồi anh nói cho biết:
- Các xóm ngả trâu nhiều lắm, giết hết. Sợ bị lên địa chủ mà. Tôi bảo cho tôi cái này về thết anh, được ngay. ấy nhờ oai anh mà tối nay nhà tôi mới được ngửi hơi thịt trâu. Tôi cứ chạy đùng đùng, thằng Tào Tháo đuổi tôi cả đêm. May quanh bờ rào bãi hoang, bĩnh chỗ nào cũng được. Vào nằm rúm ró thở mà không dám rên.
Tôi bảo:
- Anh đi hái cho tôi mấy cái lá ổi, anh ơi!
- Để cho nó cầm à? Không nên đâu. Chốc nữa ăn cơm thì khắc khỏi.
Tôi lử lả, không còn hơi để hỏi tại sao ăn cơm lại khỏi tháo tỏng. Hãy còn tối đất, anh chủ nhà đem cái niêu mới bắc ở bếp xuống, tôi sờ tay thấy nóng, nhưng lại ram ráp như bột, không phải cơm.
Anh ấy nói:
- Đã lâu không biết mặt hạt gạo. Cám đấy. Nuốt cái này thì bụng cứng lại ngay, hết đi ỉa. Cố ăn một bát, anh ạ.
Cám thì như mạt cưa, mày gỗ, có lẽ cám đã hút tiệt phân lỏng trong bụng. Tôi hết đi ngoài. ăn hai bữa cám, cả tuần không đi ra được, bụng réo òng ọc, rồi đau cuộn lên, nổi từng cục. Đến bây giờ trông nhà nào tuềnh toàng, không có bức vách, lại nhớ nhà anh ấy ở Quảng Xương, tôi còn trợn.
Tổ trưởng Hoàng Trung Thông cắt đặt cho tôi với Phùng Quán, hai người làm một nhóm. Quán ở nhà khác, thường ngày đến chỗ tôi, lúc ngủ; lúc ngồi chơi, lúc bới ra việc làm. Quán bảo tôi:
- Anh trông ông lão nhà anh ở có giống ông Phan Khôi không?
Tôi lạ vì cái so sánh của Quán. Một ông đù đờ mù chữ với một ông khinh khỉnh bụng một bồ chữ, giống thế nào được. Nhưng rồi tôi để ý thấy Quán nói đúng, mặt ông Ngải mai mái, không trắng, không xạm. Người suốt đời ở ngoài đồng áng mà da không bắt nắng. Cái nước da nhờn nhợt ấy thì có giống ông Phan Khôi. Quán nhận xét tinh, nhưng chỉ bề ngoài Phan Khôi, tất nhiên. Về cái ngang ngạnh đốp chát của Phan Khôi thì chúa thằn lằn, tôi đã nếm mùi. Mấy năm cùng ông một cơ quan, khi Phú Thọ, khi sang Thái Nguyên, khi trên Tuyên Quang. Còn non tuổi, tôi đã đọc Phan Khôi trên báo Phụ Nữ Tân văn, Phụ Nữ Thời đàm ở Sài Gòn, ở Hà Nội, tôi nhớ bài thơ dài in cả trang báo Chơi thuyền trên sông Tân Bình bài này nhớ được, hay hơn bài Tình già, mặc dầu bài viết thể thơ cũ.
Ông ký Phan Khôi, Chương Dân, có khi ký Thông Reo tôi cũng nhận ra. Văn ông khác thường. Kinh thánh cả Tân ước, Cựu ước của hội đạo Tin Lành, người ta bảo ông dịch thuê, khi ấy ở Hải Phòng, tôi cũng đã đọc. Có chương Nhã ca lời rất thơ, Phan Khôi lại có cái tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra in trong Phổ thông Bán nguyệt san nhà xuất bản Tân Dân, nhưng viết nhạt đọc mãi mới hết, như gà ăn cám phải lắc cổ.
Tôi bảo Quán:
- Tôi thích lời Phan Khôi bình bài thơ Cái thước của Nguyễn Xuân Huy trên Phụ nữ Thời đàm. Nhưng sao không thấy in vào Chương Dân Thi Thoại. Có lẽ quyển này ra trước khi ông viết bài đó. Tôi hỏi, ông ý ngồi im không trả lời, chẳng ra khinh ngưòi, chẳng ra điếc. Tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra đọc chán bỏ xừ. Lý luận Phan Khôi chỉ thú vị lúc nào lời lẽ ngang như cua. Nhưng giáp mặt ông, tôi chỉ nói tâng ông: Văn Phan Khôi ngang tàng. Ông ấy cũng lặng thinh, chẳng nói sao.
- Ông Phan Khôi còn coi ai ra gì! ông ấy đánh giá tôi là thằng con nít. ấy thế mà ông lại thích bài Lời mẹ dặn của em.
- Chắc vì bài thơ ấy cũng ngang như cua.
Chúng tôi cùng cười. Tôi kể:
- Mình đọc Phan Khôi nhiều đến thế từ thuở bé, ông phải khoái lắm chứ. Thế mà ông ấy đốp một câu:
"Tôi chưa xem bài nào của anh. Chẳng biết anh viết có ra cái gì. Nghe có người nói anh viết truyện con giun, con dế".
Chuyện với ông Phan Khôi khi nào cũng ngại, nhưng lại vui và thích được khích ra những cái ngang ngạnh. Ông tuổi tác, được trên trọng vọng, nhưng ngạo đời, chúng tôi ở liền phải phục dịch ông và hứng những cái khó chịu. ở trên rừng, không có lĩnh lương tháng, ông chén tiểu táo- tiểu táo là chế độ cao cấp, còn chúng tôi ăn đại táo lại là hạng cơm ngữ với muối rang. Khi về Hà Nội ông được đãi tiêu chuẩn nhân sĩ, cả khi xảy ra Nhân Văn, ông có dính líu nhưng vẫn được hưởng thế, có người phục vụ là bà vợ bé của ông, cho đến khi ông mất. Các ông Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ, Hoàng Ngọc Phách còn khuya cũng chưa bằng. Cụ Ngô Tất Tố, cái khi bị ung thư gan đã nặng nằm nhà ở đồi Cháy trên Yên Thế còn ngậm ngùi vì chuyện ấy. Anh em xung quanh như tôi, dưới mắt ông, chỉ là bọn để sai phái “những thơ lại của chế độ", ông dửng dưng như không. ấy thế nhưng ông lại dễ chuyện các thứ tiếu lâm và có Yến Lan giúp việc thư ký giải thưởng hội Văn Nghệ, Yến Lan tính cẩn thận thì Phan Khôi cũng cẩn thận và chu đáo thế, ông sốt sắng viết báo khi tôi hỏi móc ông những chuyện hiểm: “Có phải năm 1946, ông làm Trung ương ủy viên Quốc Dân Đảng", mặt ông vẫn lạnh lùng nhợt nhạt thế. Rồi lại những chuyện tiếu lâm. Tôi vẫn trêu:
- Ông Ngô Tất Tố kể là hồi làm báo ở Sài Gôn, ông hay tranh luận sinh sự, nhiều người ghét muốn lánh ông, cho nên ông đi đâu cũng phải xách theo cái ba toong.
Ông Phan Khôi được gãi vào chỗ khó chịu, cười khẩy:
- Ông Ngô là thằng lý Đình Dù ra tỉnh mới tưởng thế chớ. Tôi cầm cái gậy song nạm bạc, có đấy. Nhưng cầm ba toong đội mũ phớt là ăn chơi mốt Tây thời ấy chớ đâu ba toong để đánh nhau, để phòng thân. Đồ nhà quê!
Tôi ngẫm có thể ông Phan Khôi nói đúng. Tận sau này cái thời tôi hai mươi tuổi, ở trong làng đi chơi chúng tôi cũng nhung nhăng áo pigima xanh trứng sáo, viền tím, tay chống ba toong song, trong túi có cái đèn Đe mông hai, ba pin.
Vì cái câu Phùng Quán nói ông Ngải giống ông Phan Khôi mà lại lan man. Quả là Hoàng Trung Thông đưa đến nhà ông Ngải ở xóm Đồng cạnh rìa luỹ, thông thống ra ruộng, xuống đến lợi nước mới lơ thơ mấy búi tre, búi hóp be bờ phòng mùa lũ khỏi lở.
Ông Ngải lúi húi dưới cầu ao, đương mổ con vịt.
Thông nháy mắt nhìn tôi:
- Thế nào, ở được chứ? ông chủ nhà giết vịt đón khách đấy.
Ông Ngải đã chùi tay vào mỏm cọc cầu ao rồi lên tựa lưng vào bụi tre. Quanh đấy, lỉnh kỉnh ống điếu cày, ấm nước, mấy mẩu gộc cây làm ghế cạnh cái bát đàn, như bàn uống nước ngồi chơi ngay bờ ao. Tôi mới để ý cái khóm tre lép. Nói đến tre, người ta tưởng lũy tre, khoanh tre chằng chịt, lởm chởm gai, trộm cướp và con lợn con gà không lách, không chui được. Chiều chiều, đàn cô bợ đi ăn về đậu ngất ngưởng trên ngọn.
Đêm gió bấc, những tay tre kẽo kẹt nghiến vào nhau.
Chẳng ai để mắt đến cái giống tre lép, cao hơn đòn gánh, bằng cây sậy mà không có gai, mọc thành búi trong các xó xỉnh ao chuôm.
Bụi tre lép lá lưa thưa nhợt nhạt. Tên là lép, đã biết là giống tre hèn, vót làm đũa, chẻ cái lạt cũng không xong. Mỗi búi vài mươi cây đầu xóm, bờ ao, ngõ ngang như bờ rào chỉ đường. Trẻ con chơi đánh hú rúc vào giữa bụi. Những con trâu, con bò dưới đồng về, đã thành lệ, bao giờ cũng đứng cọ sườn vào lưng cây. Con đỉa rơi phọt máu tươi, con ruồi trâu mải hút máu, chết kẹp giữa thân tre. Quanh búi tre, nơi cho người ngồi hóng gió. Ông Ngải luẩn quẩn quanh bụi tre lép, tha việc ra đấy làm, kể cả cái điếu, ấm nước
Người đi qua, khách vào nhà, cũng ghé xuống, vui chuyện đưa đà ngồi một lúc.
Chẳng biết từ bao giờ, cái búi tre lép ngoài bờ ao đã thành chỗ dừng chân chẳng khác cái quán dưới cây muỗm đầu làng. Những gộc tre đã lên nước sẫm như củ nâu. Lưng búi, những bó lạt cật quàng vào đấy. Cái rỏ, cái lờ, cái hom lươn ông Ngải đương đan rồi gác lên búi, như mái hiên. Ông Ngải nói: “Đêm hè ngủ ngoài này mát, gió hây hẩy bằng mấy quạt kéo, quạt điện ấy chứ". Cả cái xóm Đồng cũng chưa biết mặt cái quạt điện thế nào. Cạnh đấy, trên ba hòn gạch chỉ ông đầu rau, nồi nước luộc vịt đã sôi lăn tăn.
Ông Ngải bảo Thông:
- ở đây chốc nữa chén thịt vịt.
Thông cười:
- Ông thánh quá, đã bói được hôm nay nhà có khách.
- Ông khách số đỏ. Tối hôm qua, con cạc này phải rái lên ngoạm mất cái cổ. Tiết đông cả, mất hãm được tiết canh. May mà nghe tiếng vịt quác, tôi chạy ngay ra, không thì nó tha mất. Ngoài sông, ở những bờ bụi kia, lắm giống rái cá, cả con rắn hổ mang, hổ lửa nữa. Nhưng cũng chưa lắm bằng ngày trước.
Ông Ngải cầm chiếc đũa cả lật con vịt trong nồi cho được chín đều. Con vịt cụt cổ, tròn thu lu như cục thịt
Ông Ngải trỏ xuống bờ ao. Chỗ con rái cá bò trong ráy ra, mặt bùn còn nhẵn dài vệt bụng trườn
Thông nói:
- Thì bụng con cạp nong cạp nia, con mai gầm bò cũng hệt thế này. Biết sao được, há ông?
- Khác chứ. Có bận tôi chậm lùa vịt về, chặp tối rái đã ra rình. Ngày trước còn sẵn nữa, hôm nào giở giói đói mồi, rái nồi lên bơi cả đàn. à cái rượu đậm người ngoài Diêm mang vào, tôi vẫn để dành các ông, có dịp...
Thông thoái thác:
- Hôm nay ông cho tôi kiếu. Tôi đưa được ông bạn đến mọi khi tôi đã nói với ông. Bây giờ tôi phải lên xã họp. Chẳng biết việc gì mà mời hỏa tốc.
- Họp thì quanh năm chứ thịt vịt thì chẳng mấy khi...
Thông nói thêm mấy câu bãi ra, rồi mặc áo vào đi luôn, trong khi tôi cởi ba lô trên xe đạp đặt ghé xuống mép búi tre. Tôi không nghĩ xã có việc gấp. Thằng này phàm ăn phàm uống, thế mà có lẽ ghê con vịt bị rái cắn - con rái hay con rắn thì cũng nó cả.
Còn tôi chẳng để ý. Ông ngoại tôi có môn thuốc gia truyền chữa rắn cắn, rắn cạp nong cạp nia độc nhất cũng chữa được, đã cho tôi từ thuở nào cái cảm tưởng không sợ rắn. Ông tôi mất đã từ nửa thế kỷ rồi, ngày còn bé cũng chỉ được ông sai luyện thuốc, mật mai gầm trộn với hồng hoàng, nhựa duối rồi viên lại cho người bị rắn cắn nuốt chửng. Chứ tôi biết bàì thuốc rắn cắn thế nào. Có lẽ đã trông thấy nhiều rắn, lẽ cái không biết sợ từ ngày dại khờ mùa hạ mùa đông tha thẩn các cánh đồng, cái thuở bé sao mà lâu thế, dài thế. Bắt châu chấu bán cho người chơi chim hoạ mi. Bán không hết thì vặt cánh, bóp bụng cứt, rang khan với muối, ăn vã. Rồi thì kéo bọn đi hun chuột đồng, chuột luộc, chuột rán đều ngon. Quả sấu, quả nhót dầm nước mắm ớt, bây giờ đến mùa vẫn nhớ thèm và nói đến còn tứa nước rãi. Hôm nắng hanh thì lùng các bụi tre bắt rắn ráo ra phơi mình, chúng nó là rắn, nhưng rắn ráo, rắn nước, rắn mòng không có nọc độc, thịt mềm như thịt gà con luộc. Đến khi đi công tác, những năm ở rừng trên Tây Bắc, ở Mường Than uống rượu bọ hung sào với Lý Nủ Chu, hôm đến nhà thống lý Mo Chống Lầu ở Háng Chú dưới Phù Yên nhắm thịt ngựa luộc không muối. Có lần ở Bản phải uống rượu gấu tàu- cái rượu để đổ cho ngựa uống lấy sức lên dốc, vừa tợp một ngụm, hai môi đã run bần bật. Cũng bởi cái tính tạp ăn từ tuổi thơ, chẳng phải liều hay nhát, mà cả đời đã ăn tạp, thịt chó dại còn ăn được, con gà con vịt phải rắn cắn thì xá gì.
ở nhà ông Ngải mấy tháng, lại được chén bữa vịt rắn cắn, lần này thì đích con rắn chứ không còn ngờ rắn hay rái cá bò lên chuồng. Giữa trưa, đàn vịt đang rúc bèo cạnh bờ ao. Một con hổ mang trong hang trên bờ lao thẳng ra. Rõ ràng tôi thấy con vịt bỗng dưng như phải gió, gục cổ xuống, rãy cánh đành đạch trên mặt bèo. Ông Ngải nói: “Anh này số thật may, toàn được đánh chén, hôm đến thịt vịt, hôm đi lại vịt thịt".
Thông cho biết công tác sinh hoạt của tổ. Hàng tháng đem tem lên kho huyện lấy gạo, tiền ăn và gạo đưa chủ nhà. Chung với nhà chủ, có gì ăn nấy, việc nào đỡ tay được thì đỡ, nhà nào cũng vui vẻ cả. Tổ trưởng Thông đi họp xã, họp huyện. Chúng tôi tổ viên chỉ họp tổ sản xuất với xã viên. Thông với tôi là đảng viên thì họp tổ đảng ở xóm, họp chi bộ trên xã. Lâu lâu, tổ họp hội ý một lần. Thông la đà rượu nhưng công tác nhanh nhẹn đâu vào đấy, như tỉnh uỷ viên Hoàng Trung Thông ở Nghệ An năm xưa ra với chúng tôi trên Việt Bắc. Cuộc nào quá chén mà rồi có họp, Thông nói hăng hái, mạch lạc và dài hơn mọi khi. Ta đây có ngất ngưởng đâu. Riêng vẻ như thường mà khác thường ấy cũng đã là hơi hơi say rồi. Cuối xóm, lác đác mấy nhà đã ở lan ra ngoài bờ tre, lại sắp lên xóm mới. Đâu đâu cũng thêm người ra, nhà mọc như bè nghể. Trước kia, những nơi bị cháy, bị chết dịch, mất mùa, cái năm đói người bỏ đi, cả xóm thành gò hoang, bây giờ thì cứ ngày một chen chúc. Tôi về chưa được bao lâu, đã thấy chỗ gặt chỗ làm mùa, mặt lúa cao ngang bờ lũy. Lại ruộng xếp ải đã nỏ, đết uốn cong lên. Mùa màng liên tiếp mấy chiêm, mấy mùa, mấy màu, chẳng biết thế nào, trong làng ngoài đồng tất tả bộn rộn, không tưởng được mới vài ba năm trước cũng ở đây đưong yên lành bỗng nhiên sôi sục giảm tô, thổ cải, người chết bắn, người thắt cổ. Có hỏi đến cũng chẳng ai muốn nói lại cái hồi nhố nhăng ai oán kia.
Về sự tích khi cải cách thì mấy xóm mới này không địa chủ- cộng ruộng đất mà tính ra không nhà nào đến mức lên địa, mà phú cũng không có. Qui theo tỷ lệ khẩu cứ bổ năm phần trăm địa cho mỗi xã mà cũng không moi được ra đủ. Anh đội ấy bị đổi, vì bất lực, bao che, nhưng rồi đưa xã lên trọng điểm, cụm về, đoàn về cũng phân vân không tìm được đủ địa. Ai cũng tìm ra địa, qui thành địa, không ai nghĩ rằng ở đồng đất này người ta tự tay cày cuốc khai phá nên cái ăn.
Cả đời ông Ngải cuốc ra miếng ruộng, bây giờ ông vẫn ngồi dưới búi tre lép nhìn ra những miếng ruộng ấy.
Các tay chức việc mà đội gọi là tổ chức cũ chỉ có mỗi người trưởng thôn chẳng moi ra tội gì thì đã bị cách chức. Tề ngụy thời Tây vừa qua cũng có người ra làm thư ký xã uỷ. Một đêm, du kích ta lội sông sang trói lôi đi chắc bị ngỏm ngay đương lúc ấy. Nhưng ở đất tề gần bốt, lại có người ra làm. Bây giờ khôn, làm hai mang. Ban ngày việc tề, tối bắt mối làm Việt Minh.
Tôi và cả đoàn cũng phân vân, nhưng rồi quyết bắt xã uỷ Khế. Hai mang, thì một mang quốc dân đảng thế cũng là phản động cả. Đến hôm du kích chuỗi rễ sắp sẵn thừng chão đến bắt thì lão Khế hai mang đã lặn mất. Vậy nó là cường hào gian ác cá biệt, tịch thu miếng vườn, cái nhà lá ba gian, đuổi vợ con nó đi. Thế là đủ số địa, lại có cường hào ác bá thêm cả quả thực, đội đương lẹt đẹt hóa ra có thành tích.
Đến sửa sai, đội cải cách giải tán, rút đi, đội sửa sai về tuyên bố cởi cái oan, thì lão Khế lù lù ở đâu về. Hóa ra lão chẳng đi đâu, lão núp ở hầm bí mật ngoài chân tre, như hầm cán bộ thời kháng chiến. Ngày lão nằm hầm, tối thì xóm giềng xách cơm rượu ra cho lão. Có đêm mưa to lão vào ngủ gác bếp nhà nọ, người biết cũng mặc, chẳng trình báo ai cho lôi thôi ra. Lão Khế cười hề hề: “Làm cán bộ, làm tề ngụy, nằm hầm mãi đã cả bồ kinh nghiệm, đứa nào mà bắt nổi ông! ".
Cũng là khỏi vòng cong đuôi, chứ thật đã bạt vía và nghĩ ngợi lắm. Được trả lại nhà, vườn, lão gọi vợ con về ở còn lão kêu chán tình nghĩa cái làng này lắm. Rồi lão bỏ cả đảng viên, lão đi. Lên tỉnh hay đi đâu, có người nói thấy lão dựng cái quán nước ở cầu Bo, lại có người bảo lão ngồi xem bói chui bên chợ Rồng.
Thỉnh thoảng, lão Khế về, vẫn tươm tất bộ quần áo ka ki xi măng đại cán. Có khi vác cái rọ nhốt con chó đem về làm thịt, mời các ông đã phúc đức che tội cho lão hồi ấy, đến đánh chén. Hỏi việc làm ăn, vài chén vào rồi, lão cười ha hả “người làm ra của, còn người còn của, đâu chẳng kiếm được", rồi lại đi. Từ hồi xảy ra những nhố nhăng cây chuối mọc ngược, gà mái đạp gà trống, con cái vạch mặt bố mẹ, vợ tố chồng, nhiều người vẫn đăm chiêu, âm thầm như lão Khế. Nhưng tôi chưa được gặp ông Khế về lần nào.
Cái xóm Đồng lặng lẽ, ông Ngải nhà tôi ở chẳng bận những chuyện rối ren ấy. Từ thời Tây thì ông Ngải ở dưới ruộng lên, vẫn ngồi bên búi tre lép, rúc điếu thuốc, uống ngụm nước chè vò. Con sông nhỏ lấp lánh ôm vòng ngoài chân tre. Đến bây giờ có tôi thêm vào, tôi ngồi không rỗi rãi cả buổi chiều, ông đan hom lươn, tôi nhìn bóng chiều vàng từ mặt nước lên lan dần vào trong xóm. Đẹp đến ngẩn ngơ, tôi không biết vẽ cũng nghệch ngoạc mấy nét êm ả vào sổ tay.
Nhà cửa trong làng khang trang hơn các xóm ngoài tre. Hũm ao cạn cấy cần đã xanh om, gợi những tháng cuối năm sắp đến. Vườn chè loang loáng từng luống. Trong bóng căy đa ngôi đình có lớp cửa giữa mối xông lên tận nóc suýt bị dỡ bỏ hồi cải cách đã được đóng mới, uỷ ban cho các cụ phụ lão và ban văn hoá được ngả cây nhãn cổ thụ đầu làng xẻ lấy gỗ.
Giữa xóm, một ngôi nhà tường xây trên nền cao có thềm bước lên, trông vào thấy lóng lánh chiếc gương tàu in hình con phượng ngũ sắc trong gương, bên cạnh dán những tranh cắt ở báo ra, xanh đỏ rợ mắt. Cụ phó- không biết phó gì, cụ mất đã lâu, nhà có ba mẫu, hai chiêm một mùa, bị lên địa vì nhà tuy ruộng không nhiều nhưng không có lao động chính. Dũng, con trai cụ phó, làm chi uỷ từ thời bóng tối, bị tố phản động quốc dân đảng chui vào Đảng, đội bắt giam. Rồi sửa sai, Dũng được tha, xuống thành phần trung nông, phục hồi đảng viên, nhưng xem chừng Dũng sợ quá, cay quá người ngợm và nhà cửa chưa lại sức. Nhà ngang đã xiêu, phải chống hai cây tre. Một cót thóc cỏn con quây lại, như cái chỏm tóc trẻ nít. Ngày trước Dũng học trên tỉnh, lấy vợ rồi mới về làng. Đi gặt, không biết gánh. Vợ người thiên hạ, dân tỉnh, quấn tóc, răng trắng- trắng tự nhiên, không phải răng đen mới cạo, phảng phất chút phong lưu còn lại, không biết còn lại ở cái gì.
Chúng tôi gọi với lên: “Ông Dũng ơi! Đi họp".
Dũng ngồi bó gối trong phản nói vọng ra: “Tôi đương lên cơn sốt, không đi được, báo cáo các đồng chí". Rồi nghe tiếng rũ chiếu phành phạch. Xem chừng còn đau đầu, không biết thật hay vờ. Quốc bảo tôi thế.
Họp chi bộ buổi tối trong làng. Đi qua bóng tối bóng sáng le lói những cái đèn con đặt giữa ruộng mạ để bắt bướm, nắc nẻ, sâu đo, xa xa gần gần nhấp nháy chấp chới như ma trơi ra đêm mưa ngoài tha ma.
Cùng đi, chuyện với Quốc- một đảng viên kết nạp trong cải cách, vừa rồi bàu ban quản trị được ít phiếu, không trúng. Quốc cho là bị dân thành kiến đảng viên hồi bần cố. Nhưng Quốc vẫn phụ trách công an xă, lại kiêm công tác phân bón của hợp tác.
Quốc kể trong làng không êm ả như các xóm ngoài ấy mà cũng không phải chỉ có một mình chuyện ông Khế. Những cánh đồng, những bụi tre thì vẫn đìu hiu như bao đời vậy. Quốc là người được dìu dắt nên cán bộ mà lúc đó nghĩ lại Quốc còn rùng mình. Và dần dần Quôc nói tôi mới hay không phải chỉ có một chuyện đảng viên Khế.
Lý trưởng Vạn bị tố phải bắt, tự nhận là bí thư quốc dân đảng cả vùng. Những người biết nhưng không dám nói. Lý Vạn cũng chẳng đảng phái phản động gì đâu. Tội nó là làm lý trưởng, cán bộ về, nó không bắt, nhưng nó đuổi không cho vào làng. Lại khoe ầm lên làm thế để cho làng nước bình yên. Cái hôm đội vừa về địa chủ Lịch đuổi trâu qua sông, ngã chết đuối. Các tổ rễ chuỗi phân tích phát hiện là lý Vạn giết mụ Lịch để trẩm đầu mối. Mít tinh mừng chính quyền mới ra mắt, lý Vạn bị đem xử bắn đầu tiên... Nhưng thương nhất bác Đạt người giữ cống Bắc. Giữ cống, lĩnh lương của bốt, lại được tiền của ta vì đêm thì mở cống cho cán bộ bơi qua. Việc ấy chẳng mấy người biết, cũng không ai đem tố cho rắc rối.
Con gái bác Đạt là du kích, được đi canh gác, cứ ngứa tay thúc báng súng vào bụng lão địa chủ Vạn. Vạn hộc ra một đống máu rồi nói. “Bố mày đã xơi lương của bốt, lại ăn tiền của Việt Minh, mày về mà đấu đá khảo đả bố mày ấy". Không chỉ có một con gái ông Đạt mà cả tổ du kích nữ ở đấy. Thế là cái tin, ông Đạt ăn tiền hai mang loang ngay ra. Đến hôm đấu. Vạn còn rống lên: “Ông nông dân Đạt đã ra cây nhãn đầu làng nhận tài liệu Quốc dân đảng đem về cho tôi, các ông các bà nông dân có biết không".
Cán bộ đội phụ trách xóm ông Đạt bị gọi về trụ sở đội kiểm điểm để lọt lưới. Đêm ấy, họp xóm, đã thay cán bộ mới. Mọi người đến đông đủ, anh cán bộ mới quát to: “Địch ngồi lù lù với bà con, mà không ai biết à?” Hệt chuyện hồi tôi ở Nông Cống, cán bộ Lâm xóm Trúc không phát hiện ra địch, tôi được điều về thay. Tôi tính toán ra được một địa chủ hệt như đảng viên Dũng mà Quốc vừa kể, lúc nãy chúng tôi vừa đi qua nhà. Anh này cũng ở tỉnh về quê trông nom vườn ruộng. Một buổi sớm, dân quân du kích giải anh ta đi. Gặp tôi đầu xóm, anh ta vái tôi rồi sợ sệt lễ phép hỏi: “Ông cho em lên địa chủ ạ?".
Cả đám họp quay lại nhìn ông Đạt. Ông ấy đứng phắt lên, chạy thẳng ra đâm đầu xuống cống Bắc.
Mọi cái đều dữ dằn, Quốc bảo Quốc kể lại mà còn sợ, nhưng giọng Quốc lại nhẩn nha, dửng dưng, tôi không đoán được tâm trạng anh thế nào. Quốc là cốt cán hồi cải cách, nhưng bây giờ vẫn tích cực và được làm công tác. Quốc phàn nàn làm công an ngày ngày bắt thuốc lào, bắt rượu, bọn buôn chè tươi, chỉ mua thù chuốc oán. Nhiều lần đã bị ném gạch vào nhà.
"Chắc rồi tôi cũng không đậu được chân hội đồng nhân dân. Nhiều đứa ghét quá. Có nhà giết lợn, tôi bảo để lại cho cân thịt. Vợ nó cắp rổ thịt hẳn hoi, nói ráo hoảnh: thưa ông công an, hết rồi. Thịt này có phiếu người ta đặt, tôi phải đem lên chợ trả người ta. Nó ghét tôi vì hôm trước tôi hỏi: “Nhà mày không đóng sát sinh à? - Mà nó có đóng bao giờ đâu, nhiều nhà nấu rưọu lậu, tôi cũng lờ, thế mà...
Chi bộ mười lăm đảng viên, chưa kể hai chúng tôi, ngồi họp trên ổ rơm. Chương trình có đến một huyện việc, quá nửa đêm cũng chưa xong, phải dừng lại. Trước lúc họp đã bàn ưu tiên gọi hai mươi người sáu ngày dân công đào sông Diêm chống úng, tiêu chuấn thì tự túc. Một người nói: Thế thì đả thông khó đấy, điều dân công bảo được tiền thù lao mà". Bí thư Sự nói bừa đi, nhưng át giọng: “Đấy là đi dân công lúc kháng chiến, bây giờ thời bình thì khác. Nào bắt đầu họp, chương trình dài lắm. Một người lơ lửng chép miệng một câu ví von: “Bí thư nói đúng lắm. Sớm đúng, chiều sai, đến mai lại đúng, lúc nào cũng đúng".
Các việc bàn lần lượt: rút kinh nghiệm họp tác xã thí điểm vụ gặt đương lắm thắc mắc; cho các liên tổ đổi công học tập chuẩn bị lên hợp tác xã; chuyển thóc lên huyện vấn đề kết nạp đảng viên trong dịp đông xuân ; tuyên truyền thanh niên nghĩa vụ quân sự đầu 1959 ; công tác bán thóc vụ này cho chính phủ quản lý thị trường, tăng cường kiểm soát rưọu, thuốc lào, chè thuế sát sinh; hạn chế ăn uống lu bù đầu mùa, các tổ báo cáo làm phân, gieo mạ đúng kỹ thuật...
Chủ tịch xã nói chen chẳng vào trật tự mục nào:
- Nhà tôi thì gieo mạ lối cũ, khổ thế.
Nhiều người cười: Ông chẳng quảng bá thì cả làng biết rồi. Bà chủ tịch đã rêu rao khắp xóm: tôi học thế nhưng tôi không làm thế đâu. Giỏi thế thì ông mới làm được chủ tịch.
Đáng lẽ việc họp tác xã thí điểm và tổ đổi công lên hợp tác xã lắm ý kiến nhất thì lại êm đềm cho qua vì chẳng ai phát biểu. Có lẽ, ai cũng biết đằng nào rồi cũng lên, nói hay không cũng phải thí điểm phải lên. Còn mấy mục nữa, nhưng khuya quá, mấy người đã rúc vào ổ rơm ngáy rền rĩ vang gian nhà họp.
Bí thư Sự kết thúc, trịnh trọng nhấn một câu:
- Ta tiến lên lập hợp tác, vi như cái xe, là cái xe thì việc của cái xe là đi, dù đường còn xấu, còn gồ ghề, nhưng vẫn là có đường cho cái xe lăn bánh, ta phải cố gắng.
Bí thư đã nhớ câu này ai phát biểu ở cuộc họp nào trên huyện.
Một hôm, tôi sang chơi nhà Sự. Những đống thóc gặt hôm qua đã kéo xong. Sự đã tạm chia ngay cho mỗi nhà mười cân. Đương có nắng, phơi nhanh. Gặt ăn ngay, bây giờ đâm ra giáp hạt từng ngày. Trong làng mà biết, chắc lắm người cười thầm.
Vợ Sự người nhỏ con, đôi mắt lẳng đưa đẩy, vẻ như không phải người làng. Hỏi ra cũng nhà bên kia sông, làng bên.
Chị Sự kể chuyện lúc kháng chiến.
- Nhà tôi chạy giao thông rồi sang bộ đội chủ lực huyện, đi cả tháng, cả năm. Đêm tối trời, một trung đội đến trạm chờ trong làng đợi anh ấy dẫn sang sông.
Lúc ra sân nghe ngóng, thấy ở các gốc chuối lung lay nhấp nhô như người nấp. Bị động rồi, làm thế nào báo được vào trong trạm dừng lại. Ra bây giờ thì chúng nó gô cổ ngay. Tôi mới nói để tôi đi cho. Có lần tôi đã giả làm bà mụ đi đỡ đẻ đi gặp du kích ở xóm trong.
Lần này tôi làm ngươi đi cho sữa. Tôi cầm đòn gánh, khua cả vào bụi chuối, làu bàu râm ran: “Con đói sữa mà nửa đêm gà gáy mới gọi thế này, cha tiên nhân nhà mày". Trong bụi chuối không thấy nhúc nhích, tôi vào báo được cho trạm, lúc về lại cứ quơ đòn gánh, ca cẩm chửi. Thế là không ai ra đợi sang sông. Nhưng anh ấy vẫn nằm trong nhà, bây giờ đến đợt sợ nhỡ cái chúng nó sục vào...
"Đến khuya, có tiếng gọi khe khẽ- Bà chủ ơi bà chủ- Đứa nào thế? - Bà làm ơn cho mượn con dao tôi chặt cây chuối bơi qua sông, pạctidăng nó sắp tuần xuống đây rồi- Cha đẻ mẹ mày, đêm hôm nhà đàn bà con gái, bà thì.. “ Tôi là bộ đội - Bộ đội, đội thúng đội mẹt cái con đẻ mẹ chúng mày. Nhà tề đây có cút không thì bà gọi bảo hoàng nó xuống gông lại. Im lặng. Thế là yên đêm ấy".
Cũng chuyện ngày trước, câu chuyện ma quái này Phùng Quán nghe được có người kể, không phải chị Sự rỉ tai.
Đêm kia, Sự bơi qua sông về, trời sáng trăng. Sự trèo tường đất vào vạch cửa liếp đăng sau. Toan gõ vách làm hiệu như mọi khi. Nhưng trông vào chấn song, thấy rõ hai người nằm dưới đất. Một cái bóng thì đích là vợ Sự. Người kia là một thằng đàn ông, đen sâm như mặc áo rằn ri trên bốt. Sự nhấc chót cửa vào, lặng lẽ hai tay bóp cổ thằng đàn ông, lôi ra bờ sông, cho một nhát vỡ đôi đầu, ném xuống nước.
Vợ Sự vẫn nằm ngủ, không biết. Sự dựng con dao bầu vào vách, nằm xuống, vần vợ. Cho đến bây giờ, người ta còn thì thào đoán với nhau. Không biết cái thằng bị beng cổ chết mất xác là thằng nào. Chắc lính trên bốt. Hồi ấy làng không thấy thiếu người. Ai cũng đoán con mụ vờ ngủ. Chuyện đã lâu và cứt trâu đã hóa bùn, con quạ mổ vẫn đĩ tính, chua ngoa, chẳng ai dám dây. Nó chửi cả xóm, cả họ. Vợ Sự bảo chồng: “Nhà là đảng viên, là bí thư, là chủ nhiệm thì phải vào hợp tác cho có thành phần. Tôi ở ngoài, bao giờ làng này lên hợp tác xã hết thì mẹ con tôi cũng lên".
Việc lao động của các nhóm chúng tôi thì cứ nghĩ ra mà làm, hay đôi khi làm đỡ bà con tổ sản xuất
Không thì đi chơi, nằm đọc sách, đào giun cho vịt ăn. Cũng chẳng khi nào trò chuyện sáng tác tối tác ra sao.
Tổ trưởng đã bảo đợt đi này không có kế hoạch sáng tác, nhưng chúng tôi như có ý tránh những cái đã qua.
Kể cũng tế nhị, cùng một tổ, nhưng mỗi người mỗi nhẽ. Có anh chỉ dính với tập san Giai phẩm có tên ở cái quảng cáo trên bìa bốn của nhà xuất bản Minh Đức. Có anh không viết một chữ sai trái, nhưng bỏ đôi ba câu nói ngang. Tôi đã viết kiểm điểm trên báo để nông nỗi tình hình văn học xảy ra thế thì tôi câm như hến là đành một bề rồi. Nhưng tổ trưởng Hoàng Trung Thông vừa qua với bút danh Hồng Vân đã tả xung hữu đột những bài đao búa cùng những bài của nhà sử học Nguyễn Văn Phùng đã phang từ lý lịch Phan Khôi xuống. Trần Lê Văn thường kể những năm về sau, Hoàng Trung Thông đã rượu và yếu nhiều, mỗi khi gặp, hay hỏi: “Ngày ở Thái Bình, mình thế nào, có vấn đề gì không". Kể ra chẳng có vấn đề gì, nhưng mà lại có vấn đề, có mà không cái hồi ấy nó thế đấy.
Ngoài đồng có ruộng đã cày vỡ, đương cữ nắng, nhiều xứ đồng cao ở gần chân tre đã xếp ải. Vùng này làm ruộng có thói quen xếp ải - luống đất đã được cày lật, bê lên đặt từng dãy, phơi nắng ít lâu rồi tháo nước vào bừa. Làm thế, đất khô thoáng như bón phân. Chúng tôi ngày ngày ra đồng xếp từng tảng đất lên quanh bờ.
Có một việc tôi chỉ nghe kể lại. Khi tôi về Thái Ninh thì đã xong, đã vứt bỏ xó rồi. ấy là tổ trưởng Thông có sáng kiến thử cấy dày, hưởng ứng nước bạn đại nhảy vọt. Mỗi chân mạ không cắm hai ba dảnh, mà nhét bảy dảnh, mười dảnh một cụm. Có báo đã đăng tấm ảnh bên Trung Quốc, trẻ con trèo lên chạy chơi trên mặt thóc ruộng lúa cấy dày đã chín.