Chương 1

Trời mưa mãi. Cái quán giải khát của phố huyện chỉ một mình tôi ngồi. Cốc cà phê đã hết từ lâu, lớp nước đá tan đọng bên dưới. Góc này và góc kia, những chiếc bàn bằng đá li- tô nhớp nháp đứng giữa những chiếc ghế chân sắt, trông lạnh lẽo và thô bỉ. Làn ánh sáng trắng đục từ ngoài trời hắt vào như một thứ nhựa dính bám lên các đồ vật, khiến chúng thảm hại hơn. Ở quầy hàng, cô mậu dịch viên quai mồm ngáp, không buồn che đậy hai hàm răng đã hỏng men. Lát sau, cô lấy chiếc lược ra, cẩn thận chải lại mớ tóc uốn loăn xoăn, kiểu tóc thường thấy ở các thị xã xa đường quốc lộ. Một lũ ruồi vo ve lượn từ bàn này qua bàn khác, va đập vào tủ kính rồi tìm cách lọt vào trong, mon men bò trên những chồng bánh nướng bánh dẻo đã khô cứng.
Tôi cứ nhìn đồng hồ mãi, muốn điên lên vì cơn mưa rả rích. Thời tiết này, dễ phải chôn chân ở đây rồi kiếm một chỗ ngủ vạ vật cho qua đêm, chờ sáng mai mới về được. Tỉnh lỵ Q quê tôi ở bên kia một dòng sông lớn. Trời mưa này, nhà thuyền nghỉ không chở khách. Dù có hò rát cổ hay khóc hú lên họ cũng cứ khép cửa, neo thuyền không sang. Cầu không, phà không, mà phương sách cuối cùng là bơi vượt sông cũng không thể được vì tôi vốn nhát nước và yếu phổi.
- Mưa thối trời thối đất. Kiểu này đến phải đong thóc phòng đói thôi…
Cô mậu dịch viên nói bâng quơ. Hai bàn tay mập mạp của cô đập chiếc lược xuống mặt quầy hàng, rõ là đôi bàn tay của một người đã quen cày cấy.
Tôi hỏi cô:
- Mưa này hại lúa lắm phải không?
Cô gật đầu đáp:
- Lúa thối mà khoai ven bãi cũng thối luôn. Rồi còn đói vàng mắt.
Tôi nhìn những lớp nước xiên cheo chéo bên ngoài, không hề hứa hẹn một tia hy vọng nào, vừa lo vừa nản:
- Trời này tôi đành bó tay thôi.
Cô gái gốc quê gật mái đầu tóc quăn, có ý làm dáng:
- Bó tay là cái chắc. Nhưng từ giờ tới chiều còn một chuyến ô tô nữa, thế nào cũng có khách chờ đò. Anh kết bạn với họ mà thuê nhà trọ.
Ý nghĩ của cô ta xác thực. Chưa bao giờ tôi phải ngủ qua đêm ở phố huyện. Nhưng tôi thường nghe mọi người nói rằng muốn ngủ trọ ở đây ít nhất phải có một, hai người bạn đồng hành. Cái dãy phố ven sông này giống như cửa gió, nó đón mọi thứ gió của bốn phương trời hội tụ. Đủ các loại người buôn xuôi bán ngược, những kẻ lỡ độ đường, những người thất cơ lỡ vận theo đường tỉnh lộ và theo dòng sông mà ghé độ ở đây một vài đêm, một vài ngày, nghỉ ngơi hoặc toan tính, nuôi dưỡng những hy vọng hoặc chất chồng thêm những thất vọng cho quãng đường sắp tới của mình. Những câu chuyện ly kỳ về thân phận con người thường được truyền đi từ các phòng trọ. Các may mắn và tai ương cũng thường xảy ra nơi ấy, nhưng tai ương bao giờ cũng nhiều hơn. Tôi nhớ lại lần lượt những chuyện đã được nghe về phố huyện ven sông này. Rồi lo âu phấp phỏng, từ phút ấy tôi chỉ ngóng ngóng chờ xem chuyến xe thứ hai đã tới phố huyện hay chưa?
Chừng như hiểu được tâm trạng tôi, cô mậu dịch viên nói:
- Thế nào cũng có chuyến xe nữa. Mọi hôm nó tới bến lúc ba giờ.
Nhưng trời đất này, có khi phải sập tối.
Ngừng vài giây, cô nói thêm:
- Anh có đói bụng thì mua bánh mà ăn. Ở đây, chẳng - có gì hơn đâu.
Vâng, cám ơn cô.
Tôi đáp rồi bước tới quầy, mua một cặp bánh chưng. Quả tình tôi muốn chờ ngớt mưa đi tìm một quán bún hoặc phở khả dĩ ăn một bát cho ấm bụng. Nhưng tình thế này, suy tính ấy đã trở nên sai lạc. Trở lại chỗ ngồi của mình, tôi bóc bánh ăn. Mỗi chiếc bánh có một cục lá độn bên trong. Gạo nếp dẻo nhưng nhân lại bằng thứ đậu cua nhạt nhẽo. Cô bán hàng buồn bỗng cất tiếng hát một điệu chèo. Tiếng mưa rì rào không ngớt bên ngoài làm nhạc đệm cho khúc hát của cô. Xưa nay, tôi không thích nghe hát chèo, nhưng tôi biết làn điệu chèo đạt tới đỉnh cao những cảm xúc của con người. Không một ca khúc mới nào chiếm lĩnh được miền đất ấy, không ca khúc mới nào có thể gây cho con người trạng thái hoàn tất và trọn vẹn đến thế khi nó muốn dẫn dắt họ bước tới vùng hoan lạc khi hay trượt xuống vực sâu của nỗi xót xa. Những làn điệu thảm khốc của chèo dường như không còn là âm thanh đơn thuần mà chúng đã trở thành sự huyến dụ vật chất tựa bàn tay lôi kéo, tựa ánh mắt đắm chìm, tựa tiếng kêu xé ruột đẩy con người tới cõi tận cùng của đau đớn não nề. Phải chăng vì cơn mưa này, vì tiếng rì rào bất tận của dòng sông chìm trong màn nước trắng bạc kia, vì khoảng không gian bao la không còn hạn hẹp bởi các phố xá, tường vách, không còn chói chang bởi tiếng nhạc disco và ánh sáng đèn thuỷ ngân, phải chăng cảnh trí thay đổi đã đem lại cho tôi một tâm trạng mới và một cảm xúc thâm sâu khi tôi nghe tiếng hát chèo sai lạc…
Mải mê với ý nghĩ ấy, tôi chợt giật mình khi hai người khách mới bước vào quán. Bất thần, tôi liếc đồng hồ:
- Bốn giờ mười lăm phút. Chuyến ô tô thứ hai đã trễ không quá một tiếng rưỡi.
Hai người khách mới cởi áo mưa, rũ xoàn xoạt một cách tự nhiên, rồi quẳng chúng lên chiếc bàn trống gần cửa, bước vào tìm chỗ ngồi. Họ lượn đi lượn lại hai lần, để tìm chiêc bàn sạch nhất:\
- Thôi, ngồi đây.
Người cao gầy, trắng trẻo bảo bạn. Anh kia da bánh mật, thấp đậm, đôi mắt đen dài. Họ cùng xách thứ cặp giả da, mài đen với những khóa lớn, khóa nhỏ mạ kền. Chắc chắn đó là thứ hàng của nước ngoài.
- Kiếm vài chiếc bánh chưng chén đã. No bụng rồi muốn nói chuyện trên trời dưới biển gì cũng xong.
Người cao gầy nói tiếp. Đoạn, anh ta giơ tay vẫy cô mậu dịch viên:
- Đem cho anh vài chiếc bánh ra đây.
- Vâng ạ.
Cô gái to béo đáp rồi cung cúc xách chùm bánh chưng tới đặt trên bàn. Tôi chưa hết ngạc nhiên anh ta đã lại nói tiếp, cũng với giọng sai phái như lúc trước:
- Pha ấm chè tráng miệng nhé. Hồi này chè có khá hơn không hay vẫn thứ chè bồm ngang nhà lúc trước:
- Không đâu ạ…
Cô mậu dịch viên đáp: Em đã mua chè Thái chính cống rồi.
Nói xong, cô hối hả chụp chiếc nón vẫn ném lăn lóc dưới sàn lên đầu, vượt qua khoảng sân đang rào rào mưa để tới dãy nhà nhỏ phía sau, chắc hẳn là kho hay và bếp. Vẻ lười nhác thô lậu biến mất, cô gái xăng xái, tươi tỉnh hẳn lên. Và dường như một nỗi sợ hãi mơ hồ nào đó chế ngự cô, khiến ánh mắt cô vừa thăm dò lấm lét. Chừng hai phút sau, cô trở lại với chiếc phích Trung Quốc cũ, được bọc cẩn thận bằng giẻ vụn. Buông gấu quần xuống, cô lôi trong quầy ra một chiếc ấm trà nhỏ có lẽ đã mốc thếch từ lâu, rửa đi rửa lại bằng nước mưa hứng ở mái hiên. Rồi, cô tráng lần nữa bằng nước sôi trong phích, đổ trà vào pha. Trong lúc đó, hai vị khách bóc bánh ăn. Họ ăn tóp tép, ngon lành. Khi cô gái bưng đĩa ấm chén tới, bốn chiếc bánh chỉ còn là một đống lá trên mặt bàn.
- Dọn đi, dọn đi cho anh.
Người cao gầy hất hàm bảo cô mậu dịch. Dáng điệu uy quyền ấy càng khiến tôi tò mò. Trong lúc tôi đang cố cắt nghĩa mối quan hệ giữa người khách lạ với cô bán hàng thì chính anh ta đã ngẩng lên nhìn tôi qua đôi kính cận dày cộp:
- Lại đây, lại đây uống nước cậu.
Cách ăn nói suồng sã khiến tôi ngạc nhiên nhưng vẻ tự tin của anh ta chinh phục tôi. Dường như bị ảnh hưởng sự phục tùng tôi đi tới ngồi bên anh ta, trước chén nước trà nghi ngút khói.
Lúc đó, cô mậu dịch viên cất tiếng:
- Anh ấy cũng về Q đấy.
Người đeo kính trắng nhìn chõ vào mặt tôi:
- Cậu dân ở Q à?
Tôi gật đầu:
- Vâng.
Anh ta nhíu mày, lục tìm trí nhớ:
- Quái lạ, sao tôi không biết nhỉ. Hồi nhỏ, cậu học trường nào?
Tỉnh lỵ có ba trường phổ thông cấp I. Nhưng tôi không học ở một trong số ba trường ấy mà học ở một làng chuyên trồng thuốc lá với hành tây ngoại thị. Cái làng ấy nổi tiếng về sự trù phú cũng như về những người đàn bà có biệt tài ứng đối trong giao tiếp. Tôi đáp:
- Trường tôi học ở Ngàn Sơn.
- À, thể nào tôi không nhớ được mặt cậu. Nhưng dẫu sao, chúng ta cũng là đồng hương. Anh em ta kết bạn được đấy. Tôi là Vũ Sơn, nhà báo. Còn đây là thi sĩ Thanh Dương. Cậu tên là gì?
- Tôi tên Nam, làm thợ buồng tối.
Tôi đáp, với một chút mặc cảm vì nghề nghiệp của mình chẳng có gì đặc sắc so với họ. Nhưng Vũ Sơn đã thân mật vỗ vai tôi:
- Nghề ấy là sướng nhất đấy. Mưa không đến mặt nắng không đến đầu. Giá mà đổi được tôi đổi nghề cho cậu ngay. Thôi, uống nước đi cho nóng.
Bàn tay anh ta mỏng, mềm. Nhưng tôi thấy nó lạnh như con cá nhơm nhớp mồ hôi. Đó không chỉ là một cảm thức mơ hồ, mà giống như sự đoán định. Tuy thế, tôi cũng thầm cảm ơn vẻ hồ hởi của anh ta vì nó bớt cho tôi rất nhiều lo âu vẩn vơ và nỗi cô đơn. Chúng tôi lặng lẽ uống chè, hết tuần này tới tuần khác. Khi nước nhạt, Vũ Sơn lại gọi cô mậu dịch viên pha ấm trà khác. Cô gái vẫn ngồi phía sau quầy hàng, đon đả phục vụ ngay. Vẻ mặt cô ta ngoan ngoãn như vẻ mặt của một con cún tới bữa ăn. Tôi đưa mắt nhìn Vũ Sơn dò hỏi, nhưng anh ta dường như không thèm để ý tới vẻ băn khoăn của tôi. Gỡ kính lau song lại đeo vào, đầu ngẩng cao nghiêm nghị anh nhìn ra làn mưa trắng xóa. Những đợt nước rây chéo qua khung trời, lúc thưa lúc mau, không một phút ngừng. Ánh nắng chiếu qua màn nước lúc đang trưa ánh lên như bạc giờ đã ngã sang màu tro tím. Hơn năm giờ chiều rồi. Chẳng mấy chốc trời sẽ tối sập xuống ngay. Lẫn trong tiếng rì rào êm nhẹ của dòng sông, tôi đã nghe tháy những cơn gió reo qua dãy cột điện trong các khu vườn quanh phố.
- Có lẽ chúng ta nên đi tìm quán trọ.
Tôi rụt rè đề nghị hai người. Lúc này, nhà thơ Thanh Dương mới lên tiếng:
- Anh Nam có lý đấy. Đi thôi.
- Ờ, đi.
Vũ Sơn đáp với giọng thờ ơ rồi đứng lên. Chúng tôi trùm áo mưa đi tới quán trọ gần nhất. Suốt quãng đường, vẻ đăm chiêu trên gương mặt nhà báo khiến tôi không dám bắt chuyện. Anh ta đang mải nghĩ gì đó, những nếp nhăn hằn trên trán. Cần cổ gầy guộc vươn ra phía trước. Những giọt nước mưa bám đầy trên hai má và chảy dọc theo sống mũi nối nhau rơi xuống cằm.
Chúng tôi lội bùn lép nhép, cố giơ cao gót chân để bùn khỏi bắn lên. Đi ngược lại phía chúng tôi, một đứa bé dong chiếc xe bò chở gạch. Chú bé ở trần, mưa chảy thành dòng từ đầu xuống chân. Những món tóc tơ của nó dính bết vào trán. Nhiều lắm, nó mới được mười hai tuổi.
- Vắt rừ rừ rừ…
Chú bé quất cái dây da đen lên lưng con vật và đưa mắt tò mò nhìn chúng tôi. Đột nhiên, Vũ Sơn cất tiếng quát:
- Mưa gió thế này còn dong xe đi hử? Bố mẹ mày đâu rồi?
Chú bé đánh xe bò đứng khựng lại, sợ hãi nhìn người đàn ông không quen biết vừa quát nó một cách vô lý. Mắt anh ta đỏ hoe, giương lên sau cặp kính. Thằng nhỏ đứng như trời trồng, không nói năng chi. Tôi ngỡ rằng Vũ Sơn sẽ còn nói tiếp điều gì đấy với đứa trẻ, nhưng anh ta đã lằm lằm bỏ đi, giẫm những bước chân giận dữ xuống bùn khiến nhà thơ Thanh Dương lẫn tôi cuống cuồng bước theo và đứa bé nhìn ngơ ngác. Vượt qua hai ngôi nhà nữa, Vũ Sơn đột ngột cất tiếng:
- Thời tiết chó đẻ.
Chúng tôi cùng im lặng không đáp. Anh ta nói tiếp, với một giọng gộc lên vì đau đớn:
- Thật khốn nạn cho chúng ta. Trời đất này, con em người ta ngồi trong cung văn hóa tập múa, gõ đàn hay chơi bóng. Còn con em mình dong xe bò đi chở gạch kiếm tiền. Cái trái đất ông Bàn cổ nặn ra thì tròn mà số phận con người lại méo. Các cậu thử nghĩ xem có quốc gia nào nghèo khổ hơn nước mình hay không.
Cả nhà thơ trầm tư lẫn tôi đều im lặng. Chẳng có gì mới hơn để trả lời câu hỏi ấy. Nhưng tôi đồng cảm với nỗi cay đắng của Vũ Sơn. Anh ta vẫn bước đi hối hả, đầu cúi gằm, và từ đôi mắt đỏ hoe những giọt nước mắt thầm lén chảy qua mi, hòa với nước mưa, chảy dọc theo sống mũi nhọn.
Chừng dăm phút sau chúng tôi tới quán trọ. Một ngôi nhà rất rộng, với bốn căn phòng vuông như hình bánh chưng, các bức tường ám khói ẩm nước; những chiếc giường gỗ cũ kĩ, thô kệch kê đối diện nhau như giường ở bệnh viện. Cứ hai giường có một bàn nước nhỏ, trên đặt ngọn đèn dầu hỏa bóng hình trái đào. Một cái lọ thủy tinh khô khốc xưa kia dùng để cắm hoa, giờ là nơi trú náu cho vài ba con nhậy. Không có tủ đứng, cũng không có kệ chứa đồ nên khách trọ tùy ý đặt hành lý của mình ở cuối giường ngủ hoặc trên bàn nước. Chủ trọ là một người đàn bà to béo, khuôn mặt dài, hai hàm răng thô và khỏe như răng ngựa. Bà ta sắp cho ba chúng tôi ở phòng với một ông lão người Nùng, gầy gò, ủ ê. Ông cụ từ miền thượng du sông theo đò dọc xuống đây. Ngày mai, ông cụ sẽ gửi mua vé ô tô chợ đen để về Hà Nội thăm đứa con trai độc nhất mổ dạ dày.
Sáu giờ rưỡi, trời tối sập. Mưa càng nặng hạt hơn. Gió từ thượng nguồn sông đổ về. Tiếng rít lạnh lẽo, thâm chú bao quanh các căn nhà, vây bọc con người bằng những ảnh hình huyền bí, biến họ trở thành những đứa bé yếu đuối cần chở che. Vào thời khắc ấy không ai muốn bước chân ra ngoài. Những cây đèn trái đào được thắn lên trong các căn phòng. Khách trọ túm tụm tán chuyện hoặc theo hành lang chung đi tới căn bếp của bà chủ trọ. Ở đây bà chủ bán trứng vịt luộc, bánh sắn và xôi với giá cắt cổ. Trong ba người, tôi ít tuổi hơn cả nên tự nguyện xuống bếp, mua đồ ăn đem lên. Chúng tôi vừa ăn vừa hỏi chuyện ông lão người Nùng.
- Cậu có vợ con chưa?
- Chưa.
- Thế là khỏe xác.
Nhà báo nói to: Tôi một vợ hai con rồi. Cậu Thanh Dương này cũng thế. Chỉ có điều khác là vợ con tôi ở Q, còn cậu ta lấy được gái Hà Nội, gia đình ở cả bên ngoại.
Tôi nói:
- Không phải tôi muốn khỏe xác, mà tôi chưa tìm được người cả tôi lẫn bố mẹ tôi đều ưng thuận.
Vũ Sơn quay lại nhìn tôi như quái vật, rồi anh ta xì bọt qua kẽ răng:
- Tại sao cậu lại có những ý nghĩ đần độn thế. Cậu muốn bố mẹ cậu và cậu yêu chung một người à? Vậy thì hoặc là cậu hoặc là ông bà già của cậu phải mắc chứng liệt thần kinh và không còn làm chủ được ý nghĩ của bản thân nữa. Liệu cậu có muốn ôm ấp một cô nàng răng đen, váy lĩnh, tóc bỏ đuôi gà không? Nhưng đó chính là người đẹp lý tưởng của cố nội, cố ngoại, ông nội, ông ngoại cậu. Người cùng một thế hệ còn khó dung hòa được các quan niệm sống nừa là người cách biệt nhau hàng vài chục tuổi…
Nhà báo ngừng lại. Xưa nay, chưa ai nói nặng lời với tôi đến thế nhưng vẻ chân thành và nồng nhiệt của anh ta khiến tôi không mảy may tự ái. Vũ Sơn không để ý tới tôi, nói tiếp:
- Nếu còn tự do thì hãy giữ lấy tự do cc mình, được ngày nào hay ngày ấy. Vợ con là thứ xiềng xích ghê gớm nhất mà đã chui đầu vào anh chớ hy vọng thoát ra…
Dứt lời, anh ta vớ lấy điếu cày móc ở bàn nước, nạp thuốc châm lửa rít sòng sọc. Đốm lửa cháy sáng trên nỏ cày rọi vào gương mặt, rõ những nếp nhăn li ti trên gò má và đuôi mắt. Chợt, anh ta quay lại chăm chú nhìn tôi:
- Nhưng thôi, vớ được cô nào tử tế thì cưới tắp lự cho xong. Dễ mấy ai sống được cảnh độc thân trên cõi đời này. Có cha, có mẹ có vợ, có con còn buồn như trấu cắn nữa là trơ trọi một mình. Cậu tuổi gì nhỉ… Tuổi Sửu à, vậy thì sang năm cưới vợ là đúng số.
Thanh Dương ngồi bó gối từ lâu, lặng lẽ nhìn ngọn lửa, anh ta thuộc loại người thầm kín. Tôi cũng không nói gì thêm. Vũ Sơn nhắm đôi mắt mệt mỏi vài giây rồi lại mở ra, nhìn đăm đăm ô cửa. Bên ngoài lớp kính cũ kỹ, hoen ố, đêm đen như than. Thi thoảng, một tia chớp mỏng manh vẽ lên chân trời rạch lửa ngoằn ngoèo, sáng chói. Khoảnh khắc đó, thấy rõ những hạt mưa thu mài miệt rơi.