(Kịch Thơ)

Gần sân vận động tỉnh Vĩnh Long, cách một con lộ tráng nhựa là nhà máy đèn vào đầu thập niên còn chạy bằng than đá. Cũng theo con lộ đưa về một cái gò cao có trồng một cây da trên đỉnh gò. Dưới bóng rậm rịt của cây da, người ta xây một cái miễu mái ngói tráng men đỏ lẫn men mày thúy lục, mặt tiền sơn son thếp vàng. Trong miễu, nhang thắp suốt ngày. Người ta gọi cái miễu đó là miễu Cây Da Cửa Hữu. Ở đây gần Thánh Thất Cao Ðài, chủng viện đạo Gia Tô, trường tiểu học Vĩnh Long, bịnh viện Thánh Minh. Xa hơn nữa, ném về miệt Công-xi Heo, là lò heo và đất thánh An nam.
Khoảng giữa nhà máy đèn và miễu Cây Da Cửa Hữu có một ngôi Niệm Phật Ðường. Ðó là một căn nhà ba gian hai chái, tường đúc, hàng rào bông bụp vây quanh, lại còn bọc thêm một lớp hàng rào xương rồng vòng ngoài. Chỗ đó trang nghiêm khuất tịch, do vợ một thương gia Hoa kiều lập ra để tu niệm...
Ðối diện với Niệm Phật Ðường là một cái quán mái lá, bàn gỗ, ghế đẫu. Một chiếc sạp ván đặt bên trái quán, từ cửa ngó vào. Trên sạp bày đầy các keo lọ thủy tinh, cái đựng dưa kiệu, cái đựng dưa chuột, cái đựng nước mắm, cái đựng tương ớt...Kế bên mớ keo lọ đó là rổ rau, rổ bún. Bên sạp ván có hai chiếc hỏa lò luôn rực lửa. Một chiếc đặt chảo mỡ, chiếc kia đặt cái nồi đất để nấu trà huế. Chảo, nồi đều đóng khói đen ngòm. Ðây là giang san của bà Hai Ách. Bà bán bún chả giò, bún nem, bún bì, bánh cống, gỏi cuốn, bì cuốn, nem cuốn...Từ xà nhà, phía trên vạt tre, bà treo tòn ten những xâu nem bì, nem chua, những nải chuối già. Dưới vạt tre là thùng nước đá phủ mạt cưa, các két nước xá xị, nước cam, bạc hà, li-mô-nát, la de...
Cách đây hai năm, chú Tư Nghinh, em ruột của bà Hai Ách bảo bà:
- Chị mà bày bán thêm đồ nhậu và rượư thì thể nào cũng kiếm thêm mỗi ngày trên trăm bạc chớ không chơi.
Từ đó trên sạp ván bày thêm mớ khô cá đường, khô mực và thúng hột vịt lộn lẫn hột vịt ung luộc chín vùi vào trong trấu để giữ hơi nóng.
Bà Hai Ách bán quán nhậu nầy từ hồi trào Tây đến năm 1954 là chẵn mười năm. Bà thường nhắc nhở với các bà khách từ xa tới:
- Hồi trào Tây, cái Niệm Phật Ðường kia là....
Bà hạ thấp giọng, kề miệng sát tai bà khách. Ánh mắt họ rực lên thích thú, mặt họ tái nhợt vì bị kích thích.
Bà Hai Ách từ "hồi trào Tây" đã biết cái quá khứ, cái tiền thân của Niệm Phật Ðường kia. Vì rằng trước kia, hồi Tây cai trị xứ mình, chồng bà làm tới chức "ách" trong đội lính khố xanh. Ðến thời bình minh của nền Ðệ Nhứt Cộng Hoà thì ông Ách giải ngũ. Thiên hạ không có dịp kêu ông là ông thượng sĩ Trần văn Cảnh mà vẫn tiếp tục kêu ông Hai Ách, bà Hai Ách như xưa tuy rất ít người hiểu căn nguyên của nó.
Ông Hai Ách tuổi tuy đã 60 nhưng khí huyết hãy còn phương cường lắm nên ông tò tí với bà Tám Rớt nhỏ hơn ông tới mười tuổi. Bà Hai Ách tuy mới 56 mà đã chê việc ăn nằm với chồng. Tuy vậy bà cũng biết đau, biết ghen khi thấy chồng cưng vợ bé quá là cưng. Bà thường cùng hội bắt ghen lên tận nhà bà Tám Rớt để làm dữ. Sau cùng, ông Hai Ách điều đình với vợ, xin nộp nguyên vẹn tiền hưu trí mỗi tháng để ông được tự do hú hí với bà Tám Rớt. Ông mở phòng coi chỉ tay, quẻ diệc, nham độn và bàn xâm (gồm cả xâm Ông tức đức Quan Thế Ðế Quân và xâm Bà tức đức Thiên Hậu) kiếm ăn lai rai. Bà Tám Rớt thì bán cá ngoài chợ Vãng. Bà nầy về sau lân la tới vợ lớn của chồng mình, tỏ ra mềm mỏng dễ thương. Mỗi lần thăm viếng bà đều tặng cho bà Hai Ách khi thì bánh trái, lúc thì gà vịt. Bà Hai Ách bị khớp miệng và tê liệt tay chơn bởi cách xử sự của mụ vợ bé chồng mình, nên thay vì chửi đánh tình địch, bà kêu "dì nó" ngọt xớt, tay rót nước trà mời "dì nó uống cho thấm giọng" một cách ân cần.
Bà Hai Ách nhờ việc bán quán cốc nên đỡ buồn về chồng san sẻ tình nghĩa với người đờn bà khác. Bà có cặp lỗ tai rất thính, trí nhớ rất dẻo dai... Ðám thực khách đờn bà của bà lui tới quán có sẵn cả chục câu chuyện ngồi lê đôi mách để làm quà cho nhau. Mỗi câu chuyện một khi lọt qua tai bà thì nó được trí óc bà ghi nhận kỹ. Tuy nhiên, vì tuổi tác càng ngày càng chồng chất nên sự ghi nhận của ký ức bà giảm dần đôi phần chính xác. Nhưng không lo! Chỗ nào quên hoặc nhớ mù mờ thì bà tưởng tượng thêm vài tình tiết lý thú để trám vô chỗ thiếu thốn, hở hang đó.
Cái Niệm Phật Ðường đối diện quán cốc, bà Hai Ách biết rất rõ, từ lúc nó chỉ là bãi đất trống mọc đầy cỏ mần chầu và cỏ đuôi chồn, tới lúc ông thầu khoán Thái văn Bảnh mướn xe cam nhông chở vật liệu xây cất về để dựng lên một toà nhà bánh ếch kiểu Tây, và cho tới lúc bà bang trưởng Phúc Kiến bỏ tiền ra mua lại, thỉnh tượng A Di Ðà Tam Tôn về thờ ở căn giữa.
Gặp khách ở xa ghé qua quán ăn bì, ăn chả giò, bà Hai Ách thường chỉ ngôi Niệm Phật Ðường, bảo:
- Cái Niệm Phật Ðường Bê Em Xê (BMC) đó đó hồi bốn năm về trước...
Các bà khách vừa ăn vừa giảo lỗ tai lắng nghe bà chủ quán sành đời. Bà Hai Ách có lối kể thập phần hấp dẫn vì bà biết thêm thắt câu chuyện, biết nhấn giọng hoặc bào mỏng giọng cho câu chuyện thêm phần ly kỳ. Các bà thực khách cười ré lên từng chặp khoái trá, rồi làm ra màu mắc cỡ:
- À, té ra là vậy. Thiệt tình, tụi nầy đâu có dè...
Nhưng họ chỉ được nghe bà Hai Ách kể cho nghe chuyện năm xưa chớ không hề giải nghĩa ba tiếng "Bê Em Xê" là cái gì. Nhưng chính vì chỗ không hiểu rõ đó mà óc tưởng tượng của họ hoạt động nhiều hơn, cảm thấy chúng có nhiều ý nghĩa lý thú lắm!

*

Bà Phủ Long là một nhà giàu nổi tiếng ở cầu Cái Cá. Nhà bà cách chợ Vãng chừng hai cây số. Bà cũng nổi tiếng là một Phật tử thuần thành, một lòng quy y tam bảo, cố gắng giữ vẹn ngũ giới.
Vào kỳ rằm hạ nguơn năm đó, bà cùng cô con gái cưng là Năm Phụng Kiều xách dù đến quán bà Hai Ách. Hôm đó bà Hai bán đồ chay. Món chả giò chay, bì bún chay và món kiểm chay của bà thì trong trào ngoài quận ai cũng trầm trồ, ai cũng hít hà chắt lưỡi.
Năm nay tóc bà Phủ Long đã bạc như phết vôi, song sắc mặt bà hồng hào, cái nhìn của bà hãy còn sắc sảo, tròng mắt bà đưa đẩy rất mau. Bà mặc chiếc áo gấm màu dưa cải, tai đeo bông hột xoàn năm ly bự trưu trứu, cổ đeo dây chuyền mặt mề đai cẩn hột xoàn chấp chới. Cô Năm Phụng Kiều khuôn mặt phúc hậu, nước da trắng ăn phấn. Cô mặc chiếc áo nhiễu tím, quần sa-teng đen, đeo nữ trang khiêm tốn hơn mẹ: một chiếc kiềng trơn, một đôi bông tai cẩm thạch, một chiếc đồng hồ Thụy sĩ, một chiếc nhẫn hột xoàn....
Bà Phủ Long gọi sáu cuốn bì chay và sáu cuốn chả giò chay cùng bún, rau thơm, cải xà-lách, dưa leo xắt mỏng. Bà tằng hắng, bảo bà Hai Ách:
- Nè thím Hai Ách, tui nghe thiên hạ đồn thím bán đồ chay thiệt ngon, giá phải chăng nên tui hâm mộ lắm lắm. Bữa nay má con tui tới đây, trước là để thưởng thức món khéo của thím, sau nữa là để nói với thím một điều.
Bà Hai Ách hớn hở:
- Xin thỉnh bà Phủ ngồi chơi, rồi ăn uống cho đã đời, chê chán. Bà Phủ là bực giàu sang, danh giá ở tỉnh Vĩnh Long nầy, trong trào ngoài quận ai mà không biết!
Bà Phủ Long cuốn chả giò trong lá cải xà-lách đệm bún, rau thơm, dưa leo, chấm vào nước tương điểm ớt rồi nhai ngau ngáu. Bà nhìn qua Niệm Phật Ðường hỏi:
- Cái Niệm Phật Ðường kia do ai lập vậy?
Bà Hai Ách nói:
- Dạ, đó là do bà Bang Hậu lập ra. Chồng bả là bang trưởng bang Phước Kiến ở tỉnh nhà. Ổng có tiệm thuốc bắc gần Cầu Lầu. Tuy là chệt, nhưng ổng cũng là bực Ưu-bà-tắc, tu pháp môn Tịnh Ðộ tại nhà. Còn bả là người Việt, từ bốn năm nay đã xuống tóc làm vãi, làm ni, lập ngôi đạo tràng nầy để dễ bề tu hành tinh tấn.
Bà Phủ Long trợn mắt:
- Bộ Niệm Phật Ðường nầy không có tên hay sao mà thím cứ kêu là Niệm Phật Ðường Bê Em Xê rồi xúi thiên hạ kêu theo? Mà thím biết nghĩa Bê Em Xê là gì không?
Bà Hai Ách xẻn lẻn:
- Dạ thưa bà Phủ, Niệm Phật Ðường nầy không có tên, tui cứ y chang tên toà nhà cũ để kêu cho tiện.
Bà Phủ Long liếc xéo:
- Cho tiện hả? Tiện đâu tui chưa thấy, tui chỉ thấy thím bị mắc khẩu nghiệp, chừng chết sẽ sa xưống địa ngục A tỳ, bị qủy ngưu đầu mã diện cắt lưỡi.
Bà Hai Ách tái mặt:
- Kính trình bà lớn, phận tui dốt nát. Hồi xưa ở đây là nhà thổ, nhà đĩ của lính Tây có trương bảng đề chữ BMC. Tui không hiểu BMC là gì, nhưng thấy không có gì thô tục, không có phỉ báng Trời Phật thánh thần nên tui kêu đỡ vậy mà.
Bà Phủ Long hứ một cái:
- BMC tuy không phải là tiếng thô tục nhưng nó ác ôn lắm thím Ách à! - Bà quay qua cô con gái - Nè Năm, con nên giảng cho thím Hai đẫy rõ cái nghĩa BMC coi nào.
Cô Năm Phụng Kiều đỏ mặt sượng sùng:
- Thưa thím Hai, BMC là chữ viết tắt của Bordel Militaire Contrôlé, nghĩa là nhà thổ đỉ của binh sĩ, có đóng thuế cho chính phủ nhà nước bảo hộ Lang Sa. Mấy cô buôn hương bán phấn được bộ y tế của nhà nước kiểm soát kỹ để tránh bịnh...phong tình.
Cô Năm đặt tay lên ngực trái vì quả tim cô đập mạnh trong lúc giải nghĩa ba chữ BMC trời ơi đất hỡi kia. Chữ thì không tục không thanh, nhưng sự việc nằm trong chữ nghĩa đó quả thật là động trời, làm sao cô không sượng điếng cho được.
Tới phiên bà Hai Ách đổ mồ hôi hột. Mặt bà xanh dờn như bị xảo thai. Bấy lâu nay, bà cứ tưởng BMC là tên cái nhãn hiệu nào đó của Tây, cũng như BGI là tên của hãng la-de hiệu trái thơm vậy. Bà mếu máo:
- Thôi rồi, tui mắc khẩu nghiệp rồi! Dạ bẩm bà lớn, bà đừng chấp nhứt kẻ ngu si như tui đây, tội nghiệp! Ai mà dè tụi nó kêu tên tắt điên điên đảo đảo như vầy! Bẩm bà lớn, thưa cô Năm, tui vốn u mê ám chướng nhưng tui tu kỹ lắm. Trời ơi, công tui ăn chay một tháng mười ngày kể như đổ sông đổ biển rồi! Tui hùn tiền in kinh, đúc chuông kể như tiêu tùng rồi! Bà lớn ơi, xin bà thương tình vợ thằng Ách nầy, nhờ bà chỉ biểu coi tui phải làm sao hết tội bây giờ?
Bà Phủ Long cười:
- Thím làm như tui có đủ quyền thưởng phạt thiên hạ vậy. Thiệt ra tui cũng là người phàm phu như thím, dẫu tui có kim văn ngọc kệ lão thông cũng chỉ có thể làm bực thiện tri thức cho thím, chỉ biểu thím lánh đưòng cong nẻo lạc, để thẳng theo con đường Phật đã đi.
Cô Năm Phụng Kiều an ủi:
- Thôi thím chớ quá lo buồn. Chuyện đâu còn có đó. Lát nữa, má con tui qua bên Niệm Phật Ðường, nói phải quấy với am chủ, khuyên bả đặt cho cái cảnh già lam kia một cái tên rồi dựng bảng lên để thiên hạ khỏi kêu bậy kêu bạ nữa.
Bà Hai Ách nói xuôi:
- Trăm sự xin nhờ bà lớn và cô Năm.
Bà Phủ Long khuyên:
- Thím nên ăn năn sám hối, làm phước làm van thì may ra hoán cải nghiệp dữ thành nghiệp lành, biến ác khẩu thành tịnh khẩu.
Bà Phủ Long kêu thêm cho mẹ con bà mỗi người một tô bún chan với kiểm. Ngay từ giờ phút nầy bà Hai Ách coi bà Phủ Long và cô Năm Phụng Kiều là bực thiện tri thức của mình rồi. Bà bốc rau xắt ghém bỏ vào tô, trải bún rồi chan kiểm lên. Món kiểm nầy đủ bộ vận nào khoai lang, bầu, bí rợ, mướp xắt miếng cỡ ngón cẵng cái, rồi thì đậu đũa, đậu ve cắt khúc. Tất ca được nấu chín mềm trong nước cốt dừa. Hôm nay gặp bực thiện tri thức, bà Hai múc vào tô thiệt nhiều khoai lang, bí rợ và đậu trướckhi rải trên mặt tô một nhúm đậu phọng giã nhỏ.
Bà Hai Ách nhìn má con bà Phủ Long, ngẫm nghĩ. Cách đây mười năm, bà Phủ chuyên cho vay ăn lời cắt cổ, tánh tình ke re cắc rắc. Khi cất cái nhà bánh ếch ở cầu Cái Cân, bà cả gan đem kho mắm con dê chết để cho thợ mộc ăn. Có người thèo lẻo học lại, bọn thợ mộc đem bùa Lỗ Ban ra trù ếm bà. Từ đó, mấy đứa con trai bà học hành lận đận, đâm ra chơi bời phá phách. Chỉ có cô Năm Phụng Kiều là hiền lành thùy mị.
Ít lâu, bà Phủ Long bị tai nạn xe cộ. Khi chở tới nhà thương, bà được cứu sống. Trong cơn hôn mê suốt một tuần lễ, bà Phủ Long thấy lại hết quãng đời ác đức của mình, chứng kiến những hành vi bòn tro đãi trấu chẳng kể nhơn nghĩa, tội phước của mình. Khi bình phục, bà phát hùng tâm, xé bớt một mớ giấy nợ của lũ con nợ nghèo sặc máu. Dần dà bà xa lánh nghề cho vay ăn lời cắt cổ theo kiểu "xanh xít đít đui".
Cô Năm Phụng Kiều là con gái độc nhất của ông bà Phủ Long. Cô có tiền của riêng do bà dì của cô để lại. Cô cũng có bóng sắc mà cô không kiêu căng, hống hách. Càng lớn tuổi, bà Hai Ách càng ưa chuyện mai mối. Bà kiếm khắp tỉnh một trang văn nhơn hảo hớn để làm mai cho cô mà tìm hoài chưa gặp.

*

Từ bên dãy nhà lá, gần Niệm Phật Ðường, bỗng có tiếng the thé cất lên:
- Nè con đĩ Ba Lỷ, con đĩ mười thành, chín huyện, bảy phủ...Hồi trào Tây, mầy ỷ thế cậy thần thằng cò-mi Bù-rầy nên mầy tác quái tác yêu, tác oai tác phước. Giờ đây, mầy mà đỏng đảnh, hỗn hào là chết với tao. Tao sẽ xé tét mầy ra từng manh từng mún từng sợi để trộn gỏi bắp cải, gỏi đu đủ nghe chưa!
Người chửi là mụ đờn bà tuổi ngoài bốn mươi, mặc quần bô áo vải đen, từ căn nhà mái lợp tôn xẹt ra. Chị ta đứng dưới mái hiên, gần cái lu nước có cái gáo cán dài gác trên miệng lu. Mặt chị ta cùng hung cực ác, mắt long mày trợn, miệng mím chặt làm cho sát khí, nộ khí bừng bừng hiện ra như lửa cháy.
Bà Hai Ách than với hai mẹ con bà Phủ Long:
- Con Chín Sa-teng và con Ba Lỷ cứ sanh giặc, cứ hỗn chiến với nhau hoài nên lân lý ở đây bị náo động luôn luôn.
Một mụ thực khách, vốn là dân trong xóm, tay chỉ chỏ, miệng ré lên:
- Kìa, chị Ba Lỷ ra kia kìa.
Ba Lỷ từ căn nhà kế bên, có tấm tôn che phía trước mái hiên bước ra. Mặt chị ta xám như chì, môi thâm, vai rút. Rõ ràng đây là bợm ghiền á phiện, đệ tử của nàng tiên nâu. Ba Lỷ xáng cho địch thủ cái nhìn sấm sét, cất giọng kháp kháp như giọng vịt xiêm để trả đủa:
- Con đĩ điếm cỏ cầu sương, con đĩ chết ương chết sình, con đĩ chằng tinh gấu ngựa, con đĩ ma dựa quỷ ốp kia! Giờ đây mầy làm bà gì mà mầy hống hách lớn lối với tao? Tao ghiền, tao đau yếu, mầy đừng tưởng tao không đủ sức đốt nhà mầy. Mầy mà chọc tao là mầy lãnh thẹo, nghe chưa?
Trước đây, Ba Lỷ có nhan sắc nên nổi danh là bực huê khôi trong giới gái chơi bời ở tỉnh Vĩnh Long nầy. Ba Lỷ là tiếng kêu trại của cái tên Marie. Tên nầy do Tây đặt cho chị, chớ thiệt ra chị tên là Bảy Ðán. Lối xóm, láng giềng chị hầu hết là dân thợ, dân mua thúng bán bưng không quen bẻ miệng gọi chị là Marie nên đọc trại là Ba Lỷ cho gọn, cho nó tiện. Cũng vậy, thằng con trai Ba Lỷ tên là Pascal cũng được họ gọi là thằng Bánh Canh, còn con Hélène được gọi là con Ốc Len. Ðôi lúc Ốc Len nghĩ mình còn may mắn lắm mới được gọi trại như vậy, chớ nếu bà con cô bác trong xóm gọi nó là con Heo Lang thì nó cũng phải ráng mà chịu.
Ba Lỷ thường khoe:
- Ba tụi nó tên là Paul Brugeille, vậy mà tụi cùng đinh trong xóm cứ gọi là ông cò-mi Bốn Bù-rầy hoài. Ðáng lẽ con tui phải có tên là Pascal Brugeille và Hélène Brugeille mới phải. Ngặt vì ổng còn kẹt bà vợ bên Tây nên không dám nhìn tụi nó. Cái con mụ ó đâm đó bị lao nặng, chích thuốc trụ sinh như chích nước lã. Chừng nào nó chết rồi thì ổng sẽ rước mẹ con tui về bên Tây. Tui sẽ cai á phiện, o bế bóng sắc lại cho ổng cưng.
Bởi Ba Lỷ chót chét, xảnh xẹ quá nên ai cũng ghét. Chín Sa-teng ở sát vách với chị ta, cứ bị chị ta chê rằng Chín ta mặc sa-teng đen, đẹp đẽ đâu không thấy, chỉ thấy Chín ta láng mướt giống như con cá trê.
Sáng hôm nay, sau bốn điếu thuốc sái, Ba Lỷ mơ màng sống lại cái thời mình còn bóng sắc chói chan, cái thưở chưa xảy ra cuộc chiến tranh Ðông Dương. Chị thiệt ra là gái bao. Chị gặp ông Bù-rầy vào năm 1934, hồi chị còn đang dan díu với ông bác vật canh nông Trần Hữu Cảnh ở Mỹ Tho. Ông nầy là đại điền chủ. Cái bằng kỹ sư tuy không giúp ông hành nghề nhưng vẫn tô điểm hoa lá cành cho thân thế ông, cho gia tộc ông.
Sống ở chốn Cái Thia hẻo lánh quê mùa, bên cạnh tình nhơn già, chị đâm ra buồn nên xin qua Vĩnh Long thăm người em gái có chồng làm thư ký toà Bố. Tại đây chị gặp ông Bù-Rầy. Ông ta là bạn quần vợt với em rể Ba Lỷ nên tới nhà anh ta luôn. Ông cò-mi Bù rầy cường tráng, hét ra lửa lại hào huê phong nhã khiến Ba Lỷ quên cảnh Cái Thia mà khi mới về ăn ở với ông bác vật Cảnh, chị ta đã trầm trồ là cảnh thơ cảnh mộng, quên luôn người tình già mà chị hằng ca ngợi là "người quân tử".
Ông cò-mi Bù-rầy mua cho Ba Lỷ cái nhà bánh ếch ở gần dãy phố bà Thông Vịnh. Ngôi nhà nằm trong mảnh vườn trồng cây ăn trái hai mẫu. Nhà có bộ sa-lông bằng gỗ cẩm lai, tủ thờ bằng cây nu khảm xà-cừ, có tủ kiếng soi mặt bằng gỗ huỳnh đàn, có hai cái divan bằng gỗ giáng hương. Còn trong tủ chè, ngoài chén dĩa, độc bình xưa, chị còn dám mua sắm thêm đồ sứ nhập cảng từ bên Pháp. Lại nữa, Ba Lỷ cũng là một trong năm tay sắm radio đầu tiên trong tỉnh. Chị cũng đã có giàn máy hát, xe mui trần. Chiều chiều, chị trang điểm phấn son lộng lẫy, diện quần áo hực hỡ, đeo hột xoàn lấp loá rồi ngồi xe mui trần để dạo mát trước khi tới Bông-ga-lô (Bungalow) giải khát. Ðây là nhà hàng khách sạn sang trọng mà chỉ có mấy ông Tây bà Ðầm và dân Việt có quốc tịch Pháp lui tới.
Lúc gặp thời, Ba Lỷ kiêu căng với bọn gái làng chơi trong tỉnh. Chị ta đã từng đía những câu kiêu căng giảm phước như sau:
- Làm đĩ cũng có năm bảy hạng chứ! Con điếm đứng đường, con đượi ở Bộc-đền (Bordel) làm sao sánh được với Trà Hoa Nữ đã từng ăn nằm với các công tước, bá tước...Bọn công chức ở toà Bố, ở sở Trường Tiền, ở bộ Thanh tra Giáo dục, bọn thầy giáo, thầy ký, thầy thông...lương tháng của họ không đủ để trả tiền xăng nhớt cho chiếc xe Citroen của tui, có đâu để trả tiền Bông-ga-lô, tiền son phấn, dầu thơm cho tui nữa?
Bởi chị ta đía quá, phách lối quá nên dân trong tỉnh nói hành nói tỏi:
- Nó là con đĩ Bù-rầy, con đĩ bù-chét, con đĩ bù mắt đó bây ơi!
Khi tên cò-mi về nước, Ba Lỷ cặp với gã chệt Trương Chấn, chủ tiệm tạp hoá Hồng kông. Tên này cũng giàu có, cũng dám chi cho chị thật sộp. Nhưng tai hoạ lại đến. Ba Lỷ bị đụng xe trên đường từ Vĩnh Long qua Cần Thơ. Trương Chấn vừa chở tới nhà thương đã tắt thở. Còn Ba Lỷ thì được chở lên nhà thương Ðồn Ðất, giải phẩu nhiều lượt. Ðể làm dịu cơn đau cho chị, họ chích thuốc có chất morphine.
Sau nầy, khi Ba Lỷ về nhà, mỗi khi trở trời trái gió hay mưa lạnh, các vết thương lại rỉ rả hành hạ chị, làm chị đau nhức khủng khiếp. Rồi có người bày chị khi đau nhức, nếu hút vài điếu á phiện là hết ngay. Bịnh ghiền "cơm đen" bắt đầu từ đó. Xe mui trần, radio hiệu Philips, giàn hát máy hiệu Columbia di tản trước, rủ theo các món ngoạn khí, rồi tới bàn ghế tủ thờ. Sau cùng, Ba Lỷ bán vườn, bán nhà và dọn về ở gần nhà thổ đĩ BMC, lúc đó đã biến thành Niệm Phật Ðường. Thằng Bánh Canh đi học đóng giày, làm bóp da. Con Ốc Len thì sớm chiều đi bán hột vịt lộn ở khu quán nhậu gần chợ cá hoặc trước rạp hát bóng Lạc Thanh. Còn Ba Lỷ đôi khi gặp ngày rằm, ngày vía, chị bưng thúng xôi nhuộm màu tím lá cẩm đi bán dạo trong xóm, tiếng rao khàn đặc như sắp đứt hơi, nghe buồn vô hạn.
Dù cái ngày bà Bù-rầy từ giã cõi đòi còn xa, nhưng Ba Lỷ vẫn cứ hy vọng. Và dù bóng sắc của chị như chiều nghiêng bóng xế, như trời đã cuối thu sửa soạn sang đông, chị vẫn cứ mơ cơn bỉ cực rồi sẽ qua, thời thới lai sẽ đến bằng sự bao che của ông Bù-rầy.
Từ sáng tinh sương cho tới bây giờ, Ba Lỷ cảm thấy mình như sống lại thời oanh liệt cũ. Dư huởng thuốc phiện lảng vảng ở khứu giác, ở tế bào, ở óc não chị từng thoáng sảng khoái kỳ diệu. Chị cất giọng the thé hát một vài bản Tây mà hồi xưa ông Bù-rầy yêu qưí của chị đã dạy chị rồi xổ một tràng tiếng Tây giòn khấm khứu.
Chín Sa-teng bấy lâu nay vốn đã ghét Ba Lỷ từ hồi chị ta mới dọn về. Bạn láng giềng đâu không thấy, chỉ thấy đây là oan gia gặp oan gia, oán tằng hội khảo. Chiều hôm qua, con khô cá sưởu Chín Sa-teng treo ở xà bếp, vậy mà khi Ba Lỷ bước qua xin trái khế về ăn mắm chưng thì con khô không cánh mà bay mất. Chó treo mèo đậy. Con khô kia treo tòn teng, thử hỏi con mèo nào phóng tới nổi? Con chó nào đủ phép thần thông từ dưới đất chồm lên ngậm con khô tha đi chỗ khác? Ðây chắc là con Ba Lỷ, con mèo cũ của ông Bù-rầy chớ ai trồng khoai đất nầy? Bởi vậy vừa khi nghe Ba Lỷ độc thoại bằng tiếng Tây, Chín Sa-teng ré lên:
- Con đĩ chó! Mầy chửi tao đó hả?
Ba Lỷ đang mơ tới lớp ông Bù-rầy đón chị ở phi trường. Chị ngã vào vòng tay ông, úp mặt lên ngực ông vừa bệu bạo khóc vừa kể lể ân tình, bỗng chị nghe tiếng chửi. Tất cả những điều mường tượng kỳ thú đều tan theo khói, biến theo sương. Ba Lỷ dụi mắt thấy mình nằm trên vạt tre. Chiếc mùng cháo lòng phủ quanh giường có vài mụn vá. Bóng đèn trứng vịt đặt trên chiếc bàn gần lu gạo rọi một khoảng sáng, tuy nhỏ nhưng cũng đủ soi cả một hiện tại lam lũ và chán chường. Chị ta rít lên:
- Chín Sa-teng à, mầy điên vừa vừa chớ! Tao ca hát, tao nhắc lại những câu ân tình của chồng tao, tại sao mầy đổ hô tao chửi mầy? Cái thứ mầy tao coi như dế như trùn, có ra cái gì đâu để tao chửi? Thay vì chửi mầy, tao dành miệng để đọc kinh đọc kệ, để nói lời ngọt bùi với hai đứa con tao, để nói những câu mặn mòi ân nghĩa với chòm xóm có hơn không?
Chín Sa-teng hầm hừ:
- Con đĩ ngựa! Phải rồi, mầy đâu thèm chửi tao! Mầy để miệng ăn món ngon vật lạ mà! Mầy để miệng đặng ăn khô cá sưởu xé nhỏ trộn khế, dưa leo, rau răm mà...
Thế là cuộc chửi lộn bắt đầu, phừng phừng lửa dậy, sùng sục nước sôi. Cả hai cùng chạy ra hàng ba, chửi nhau muốn xé họng rách phổi, cốt cho lối xóm nghe ké nghe hùn.
Quả nhiên bên quán, bà Phủ Long, bà Hai Ách, cô Năm Phụng Kiều cùng các bà thực khách bước ra. Bên nầy hai đối thủ bắt đầu bêu xấu lẫn nhau, tàn sát nhau bằng ngôn ngữ. Luôn luôn họ khởi đầu bằng ba tiếng "hồi trào Tây" để lấy trớn bươi móc cái quá khứ mà đối thủ mình kiên trì che đậy.
Chín Sa-teng giọng chua như giấm tiều, giấm xủ:
- Hồi trào Tây, mầy bảnh quá mà! Ối bất quá cũng là thứ me Tây, thứ bán trôn cho bọn Phiên tặc, Phiên tướng, Phiên lang nên mới có cái tên Ma Ly, Mê Ly, Ba Lỷ đó đó... Mầy cậy thế cậy thần thằng Bù-rầy, bù chét, bù mắc, bù hung, úp cái hụi của bà Sáu Ngọc Lầu ở cầu Bà Ðiều, ai mà không biết!
Ba Lỷ cong cớn:
- Tao không bảnh hơn ai, nhưng bảnh hơn con Chín mặt rổ hoa mè, tóc rễ tre, miệng củ ấu, ưa bận đồ sa-teng láng mướt như con cá trê. Hồi trào Tây, chồng con đĩ thúi thây lầy lụa đó đi lính Partisan đóng ở bót Ô-nam bị Việt Minh bắn nát óc. Con đĩ đó tay dắt đứa con gái tám tuổi, tay bồng thằng con trai hai tháng trồi đầu về thành. Con đĩ đó bán mình cho thằng Ma-rốc cốc-keng tên là...
Ba Lỷ vụt quên tên chàng lính Bắc Phi nên khựng lại, cố tìm trong đáy thẳm của trí nhớ cái tên người tình cũ của Chín Sa-teng. Chín ta ngứa miệng, ré lên:
- Tên là Du-xép (Youself) nghe chưa con đĩ Long vương, con đĩ Hà bá, con đĩ Thủy quan! Tao bán mình nuôi con, tao không xấu hổ với vong hồn chồng tao. Tao là con đĩ cao thượng, biết chưa?
Ðau khổ cho Chín Sa-teng chưa! Cái thời kỳ đó là khoảng thời gian đen tối nhứt đời chị. Một thân góa bụa, chị dắt con gái, bồng con trai về thành phố, trong túi chỉ có vỏn vẹn năm đồng bạc. Chị phải năn nỉ bà chủ chứa để mẹ con chị được ở đậu trong căn nhà kho gần cầu tiêu. May mà chị gặp thằng Youself Kouari, người lính viễn chinh Maroc có lòng thương xót, cho chị chút ít tiền, trước để chị chữa dứt bịnh sốt rét kinh niên, sau để chị mua sữa hộp cho đứa con hãy còn trứng nước. Youself là trai mới lớn, mê lăn mê lóc thứ đờn bà đã có kinh nghiệm trong chuyện gối chăn. Khi đổi đi nơi khác, hắn giới thiệu Chín Sa-teng cho bạn bè mới đổi về. Tên nào dính vô Chín ta cũng đều mê man đắm đuối.
Khi góp nhóp được ít tiền làm vốn, Chín ta thôi nghề bán dâm cho khách ngoại kiều. Thời đen tối rồi cũng qua. Chị bày gánh cháo đậu bán ở trước sở Trường Tiền. Chị nấu cháo bằng gạo huyết rồng với đậu đỏ, khi chan nước cốt dừa thì ngon ơi là ngon, béo ơi là béo! Gạo huyết rồng là thứ gạo lức giã chưa sạch cám, nếu nấu dở thì nhai xảm cả lưỡi, cả miệng. Ðằng nầy Chín Sa-teng nấu cách nào không biết mà hột gạo thiệt mềm, thiệt nhừ, bỏ vô miệng là nó muốn tan ngay. Những món ăn với cháo Chín ta kho nấu cũng khéo ác ôn: dưa mắm trộn tỏi ớt dòn tan, cá bống trứng kho tiêu thấm tháp mặn mòi. Mỗi khi không có cá bống trứng để kho, chị kho cá cơm khô thay thế. Và trước khi nhắc tộ cá cơm kho khỏi bếp, Chín ta bỏ vào vài muỗng mỡ xắt hột lựu trước khi rắc tiêu cay. Nhưng khéo nhứt là món bắp chuối luộc, xé tơi trộn giấm ớt để ăn kèm với món mặn kia. Chi gia giảm giấm ớt vừa phải, trộn thêm đậu phọng, mè rang giả nhỏ, rắc thêm rau răm xắc nhuyển nên mới ngó qua, ai cũng tưởng món gỏi bắp chuối của chị là gỏi gà xé phay.
Gánh cháo đậu của Chín Sa-teng được các thực khách chiếu cố nồng nhiệt. Một tô cháo đậu rẻ hơn một tô bánh canh giò heo, dĩa cơm tấm bì, tô bún bò...Nó cũng không quá mắc hơn gói xôi, gói bắp nấu, gói bánh sùng bao nhiêu, rất vừa túi tiền của các chị mua gánh bán bưng, của các thợ thuyền trong hãng xưởng. Nhờ gánh cháo đậu mà Chín ta giã từ vĩnh viễn nghề bán phấn buôn hương, cho đứa con gái lớn vào học trường Cao Tiểu Vĩnh Long, cho đứa con trai theo người cậu họ vốn là linh mục học ở trường Thầy Dòng.
Cũng thời trào Tây, kẻ thì sung sướng hả hê khi nhắc tới, người thì trào nước mắt khi nghe ba tiếng quái ác kia.
Hai mụ háo chiến đào mồ cuốc mả tổ tiên nhau qua hai cái miệng tục tĩu, dữ dằn. Ba Lỷ hét:
- Ðồ con đĩ lanh miệng! Lanh ăn bánh canh không chừa cặn, ăn cá mặn không chừa xương, ăn lươn không chừa đầu, ăn mãn cầu không chừa vỏ, ăn c. lõ không chừa lông!
Chín Sa-teng không chịu thua:
- Sao mầy dám đem cái thứ c. lõ dơ dáy vô đây? Cái thứ đớ để chú mầy nhai, anh hai mầy gặm, cặm đầu cha mầy!
Sau đó cảm thấy chửi tục chưa đã nư giận, hai mụ lại chôn sống danh dự nhau bằng cách quật mồ dĩ vãng, bươi móc rác rến trong các góc kẹt tối tăm của quá khứ.
Bên Niệm Phật Ðường, tiếng tụng kinh Phổ Môn không sao át nổi câu chửi, lời thoá mạ.
Bà Hai Ách bên kia quán mơ màng như đứng trước một khung cảnh hồi bảy, tám năm về trước. Thuở đó, ngày nào tụi lính Lê Dương cũng ra vào tấp nập, nhứt là vào mỗi chiều thứ bảy. Bọn điếm lưu động có đóng thuế thì tới đây một thời gian ngắn, lớp nầy thay lớp khác. Ðó là thứ gái buôn hương bán phấn hạng xoàng, hạng bét, điểm tô son phấn lòe loẹt, xức dầu thơm rẻ tiền nồng nặc. Tụi nầy giỡn hớt, đú đởn với khách tìm hoa bất kể trời đất, quân thần. Lũ trẻ nít đứng ngoài vòng rào chỉ trỏ, cười nói theo họ rần rần như ong vỡ ổ, đôi lúc khiến mụ chủ chứa bực mình, phải lấy chổi chà rượt đuổi tụi nó đi chỗ khác.
Bà Hai Ách tỉnh giấc mơ về dĩ vãng để trở về thực tại có hai mụ cựu kỹ nữ đang chửi qua rủa lại làm náo động xóm làng. Xời ơi, giờ đây Tây tà đã về nước rồi, cuộc đất ô trọc nầy đã đổi thành nơi tôn nghiêm thì con Chín Sa-teng dữ tợn kia, con Ba Lỷ hỗn hào nọ phải quên quá khứ ô uế của nhau, để nơi nầy giữ trọn ý nghĩa thanh cao, siêu thoát mới là phải chớ.
Bà Hai Ách hét lớn:
- Thôi cho tao can! Không có ai là đĩ hết! Con nào nếu không là tiểu thơ, mạng phụ thì cũng là công chúa, quận nương hoặc vương phi, hoàng hậu ráo trọi. Mảnh gương trinh con nầy hãy còn trong ngọc trắng ngà thì tiết hạnh con kia như băng thanh ngọc khiết. Cả hai cùng toàn vẹn, chói rạng như nhau. Tao nói vậy, bây vừa lòng chưa?
Cô Năm Phụng Kiều ngã đầu lên vai mẹ cười hăng hắc. Bà Hai Ách nói:
- Hôm nay có bà Phủ và cô Năm không kể nắng nôi gió máy, chịu khó dời gót ngọc tới đây để thưởng thức món chay của tao, thôi thì tụi bây vị tình tao mà hưu chiến phứt cho rồi! Qua đây! Con Ba lẫn con Chín, qua đây hầu chuyện bà lớn và cô Năm, nghe bà lớn luận về kim văn ngọc kệ.
Thằng Bánh Canh từ trong nhà bước ra, măt sật sừ ngái ngủ. Thằng nầy lai nhưng chất Tây chiếm hết 80% nên coi nó bảnh trai và khôi vĩ lắm. Bánh Canh chắc lưỡi bảo bà Hai Ách:
- Rầu quá bà Hai à! Ðã là chòm xóm với nhau mà dì Chín và má con cứ ganh nhau từng cái ngáp, ghét nhau từng tiếng ho.
Minh Nguyệt, đứa con gái của Chín Sa-teng từ trong hẻm sâu bước ra, cặp mắt đỏ chạch vì khóc nãy giờ, từ đầu cuộc gấu ó giữa hai mụ đờn bà. Cô nữ sinh nầy trắng trẻo, tóc xoã vai như gái Huế, trông thiệt là đoan trang thùy mị. Minh Nguyệt năn nỉ Ba Lỷ:
- Xin dì Ba bớt giận! Bởi má con mất con khô cá sưởu nên đêm qua ngủ không ngon, sáng sớm dể nổi quạu.
Bánh Canh liếc qua Minh Ngưyệt, cặp môi đỏ của nó cười chúm chím, cặp mắt trong xanh híp lại. Ðang rầu rĩ, Minh Nguyệt cũng không bỏ lỡ cơ hội, liếc truyền ý, tuy miệng không cười hở răng nhưng cái nhếch mép làm cho sóng mắt nó ướt rượt, tình tứ. Cô Năm Phụng Kiều thấy hết, nghĩ thầm: « Hai bà mẹ hung hăng, lại sanh mấy đứa con ăn nói mềm mỏng. Ðã vậy mặt mày tụi nó rạng rỡ như kiếng soi, như trăng rằm. Hai đứa nầy xứng cặp với nhau quá chớ! »
Bánh Canh quay lại Chín Sa-teng:
- Xin dì Chín vuốt giận làm lành. Chỗ chòm xóm với nhau, mình phải nghĩ tới lúc trái gió trở trời, hoặc tới khi tắt đèn tối lửa mới là phải cho chớ.
Minh Nguyệt vỗ về mẹ:
- Má có chứng tức ngực lói hông, dẹp chưyện phiền não có hơn không? Má chớ quên hồi năm ngoái con đau ban cua, dì Ba nấu súp lê-ghim đem qua cho con ăn hoài đó.
Bà Hai Ách biểu đồng tình, mắng vãi hai đối thủ:
- Tụi bây có nghe hai đứa nhỏ nói không, bớ hai con đĩ chó? Thôi thì dầu bây có giận nhau chín xe mười giàn thì bây cũng nên bỏ qua, nên quên phứt là hơn. Hôm nay là ngày rằm, miệng mình nên ăn chay, niệm Phật, tụng kinh chớ đâu phải để chửi nhau! Cái trào Tây là cái trào xa lắc tí tè rồi! Hơi đâu mà bây bươi xấu lẫn nhau cái cái dở, cái thúi thuở đó! Qua đây! Qua đây, hai con đĩ ngựa. Tao đãi cho mỗi đứa một tô bún chả giò chay vun vĩ vèo để bây ăn cho thấm giọng rồi cùng nghe bà lớn và cô Năm đây luận chuyện nhơn nghĩa, thủy chung có phải hơn không?
Bà Phủ Long hớn hở:
- Thím Hai tính vậy cũng phải. Ngày rằm ngày vía mà mấy người cứ sân hận hoài thì sau nầy chết đi, mấy người sẽ thác sanh vô đường A-tu-la cho coi! Cũng bởi mấy nguời gọi Niệm Phật Ðường là Bê Em Xê nên cuộc đất nầy mới sanh ra đủ chuyện rắc rối tréo hèo như vầy.
Cô Năm Phụng Kiều nói với mẹ:
- Cái tỉnh Vĩnh Long mình nhỏ như cái chén chung. Tưởng ai đâu xa lạ, em Nguyệt và cậu Nghĩa (chỉ thằng Bánh Canh) nầy học chung lớp Anh văn với con do ông bà giáo sĩ đạo Tin Lành dạy đó má.
Bà Phủ Long niềm nở:
- Biểu hai đúa nhỏ qua đây ăn luôn, má bao hết cho.
Hai bà mẹ cùng Minh Nguyệt và Bánh Canh xẻn lẻn bước vô quán. Bánh Canh cứ tống tình Minh Nguyệt hoài. Phụng Kiều nghĩ thầm: "Nếu hai đứa nầy mà thành vợ chồng với nhau chắc hai bà mẹ bớt rầy lộn và hoà nhã với nhau hơn".

*

Nhờ bà Phủ Long can thiệp mà Niệm Phật Ðường gần Cây Da cửa Hữu tỉnh Vĩnh Long có cái tên mới: Niệm Phật Ðường Giác Ngộ. Phải lắm, có giác ngộ thì tâm phiền não, tâm phàm phu sẽ thành tâm Phật, tâm Bồ Ðề, còn cõi uế độ, cõi địa ngục thành cõi cực lạc, cõi niết bàn. Hồi trào Tây, nơi đây là kỹ viện, dâm phòng. Con người có giác ngộ mới biến chốn yên hoa thành nơi đạo tràng, tịnh xá, cảnh già lam. Mà đã là cảnh già lam thì phải tước bỏ ba tiếng BMC đi mới phải chớ.
Nhờ chí thú học tiếng Anh mà Bánh Canh và Ốc Len, sáu năm sau được đi làm sở Mỹ. Sau đó, khi vào quân đội, Bánh Canh trở thành thông dịch viên với cấp bậc trung sĩ đồng hoá, được biệt phái về ban cố vấn Mỹ ở tiểu khu Vĩnh Long. Bánh Canh không thích cái tên Bánh Canh do lối xóm gọi hay tên Pascal Brugeille ở cửa miệng mẹ mình. Chàng thích được là trung sĩ Trần Háo Nghĩa có quốc tịch Việt Nam, kết hôn với cô giáo trường tiểu học cộng đồng Long Hồ tên là Ðỗ thị Minh Nguyệt.
Ốc Len trong khai sanh tên là Trần thị Ái Lan, cũng là kêu trại tiếng Hélène nhưng nghe văn chương huê mỹ hơn cái tên Ốc Len dị dị nừng nừng nhiều. Ái Lan kết hôn với viên kỹ sư Mỹ đúng tuổi nhưng bảnh trai tên Cary Smith. Do đó trong giấy tờ, nàng có cái tên Helen Cary Smith thay vì Hélène Brugeille như mẹ con nàng từng ao ước.
Ba mẹ con Ba Lỷ cố quên cái ông cựu cò-mi Brugeille hồi trào Tây. Bà vợ ổng dù có chết vị bịnh lao phổi nhưng ông không thèm ngó ngàng tới Ba Lỷ và hai giọt máu rơi của mình. Ông Bù-rầy tục huyền với một quả phụ đồng chủng, xô gẫy nhịp cầu vốn đã mong manh nối liền giữa ông và Ba Lỷ từ bao năm qua.
Ba Lỷ và Chín Sa-teng càng lớn tuổi càng thân thiết nhau để lo săn sóc lũ cháu. Thỉnh thoảng cả hai thì thầm với nhau cả buổi và bắt đầu bằng: « Hồi trào Tây đó đó… » nhưng trào Tây đã không còn nhóm chút lưu luyến, kích thích nào với họ nữa. Giờ đây ở Niệm Phật Ðường, lời giảng kinh của pháp sư, lời cầu kinh của bổn đạo, tiếng chuông mõ lóc cóc leng keng dần dà đem lại sự thanh tịnh trong bầu tâm cảnh của hai mụ đối thủ thuở trước.
Ba Lỷ thường khoe với bà Hai Ách:
- Con Ốc Len của tui nếu trong khai sanh nó không được làm con của ông Paul Brugeille thì trong giấy hôn thú, nó được làm vợ của ông Cary Smith.
Bà Hai Ách ngạc nhiên:
- Cà-ri Xơ-mít hả? Ðời thuở nào mà xơ-mít đem nấu cà-ri bao giờ! Cái tên gì kỳ cục quá!
Ba Lỷ cười hề hề:
- Nghe nói Cary cũng là kêu tắt. Hai đứa con trai của con Ốc Len, đứa lớn tên Tom, đứa nhỏ tên Tab.
Bà Hai Ách chận ngang:
- Chắc Tôm hay Tép gì cũng là kêu tắt chớ gì? Cái con Ốc Len đặt tên cho con cũng ngộ quá! Mẹ tên Ốc Len, con tên Tôm, tên Tép, toàn là thứ ao hồ sông rạch dùng làm món nhậu không hà!
Cả hai cùng cười giòn khấm khứu…

Hết


Xem Tiếp: ----