Chương 1

– Thôi đi, anh đừng kể nữa!
Hạnh Nguyên cười ngặt nghẽo, tiếng cười trong như pha lê, hồn nhiên vô tư.
Kiến Trung vờ như không nghe, kể tiếp:
– Rồi em biết không, bé Bi nói...
Hạnh Nguyên vừa cười vừa xua tay:
– Anh thôi đi! Anh mà kể nữa, bụng em vỡ ra bây giờ. Chuyện của anh là chuyện tếu lâm, không đáng tin chút nào.
– Người ta chưa kể hết mà. Để anh kể hết cho em nghe. Chuyện có thật một trăm phần trăm.
– Thôi, anh phịa thì có.
Hạnh Nguyên bịt hai tai lại:
– Anh kể nữa, em chạy đi đó.
Kiến Trung nheo mắt vẻ hào hứng:
– Không muốn nghe? Được rồi, nói chuyện khác nha.
Hạnh Nguyên hất mặt một chút cho mái tóc đừng rủ xuống trán, hai chân cô tự nhiên co lại để lên ghế, mắt lườm Kiến Trung:
– Anh đó, tình kể chuyện chọc cười em để em quên tội của anh hả, một tên tội phạm khá nguy hiểm.
Kiến Trung phì cười:
– Nói anh dữ vậy em. Người ta nói “xấu chàng hổ thiếp” đó.
Hạnh Nguyên nhăn mặt:
– Cái gì mà xấu chàng hổ thiếp?
Rồi như tức giận, Hạnh Nguyên chồm người tới nhéo lên tay, lên vai Kiến Trung:
– Anh nói xấu anh thì xấu em, em làm cái gì đâu?
Kiến Trung vừa cười vừa kêu lên, vừa tránh móng tay nhọn của người yêu:
– Nè em! Hôm nay không phải là ngày Quốc tế Phụ nữ đâu nha. Đừng có vùng lên, coi chừng anh sẽ trừng phạt em đó.
Nói rồi lựa tư thế né tránh, anh ôm choàng qua người Hạnh Nguyên, kéo cô té ngã vào lòng mình. Hạnh Nguyên đỏ mặt, cô đẩy Kiến Trung ra. Anh càng ôm chặt cô hơn, đôi mắt như có lửa, ngọn lửa tình yêu dịu dàng.
– Buông em ra đi! Ai vào đây thấy thì sao?
– Có sao đâu. Hai nhà cho phép mình rồi chớ bộ.
– Mấy năm nữa kìa...
– Nhớ em quá, ôm em hay hôn em cũng là một cách biểu lộ tình yêu đó, cô bé cưng của anh.
Kiến Trung hôn vào đôi má của Hạnh Nguyên một cái. Làn môi nóng ấm chạm vào má Hạnh Nguyên, như có một luồng điện khiến người cô gai gai.
Hạnh Nguyên ngồi ngay dậy, tránh xa vòng tay Kiến Trung. Cô vờ nghiêm chỉnh:
– Bộ hai gia đình cho phép là anh có quyền ôm em, hôn em?
– Không cho anh ôm, anh sẽ ôm và hôn người khác đó.
– Dám!
Hạnh Nguyên giận dỗi:
– Phải rồi, đẹp trai, bay bướm, hào hoa như anh, lại có địa vị, nhà giàu, hội đủ những điều kiện đó, thiếu gì con gái chạy theo.
– Thì thiếu chứ đâu có đủ.
Mặt Hạnh Nguyên bùng thụng. Thương quá, Kiến Trung không đùa nữa.
Anh nắm tay cô âu yếm:
– Anh nói đùa thôi chứ anh yêu em muốn chết, làm sao có cô nào nữa. Sẽ không có ai khiến anh rung động và yêu như đã yêu em. Nhưng mà tình yêu cũng phải có nụ hôn nữa chứ em.
Kiến Trung kéo nhẹ tay Hạnh Nguyên vào mình toan hôn cô. Không hiểu sao Hạnh Nguyên lại tránh cử chỉ âu yếm của anh. Trung thoáng bất ngờ:
– Em sao vậy?
Hạnh Nguyên vờ nhăn mặt để trấn áp lòng mình:
– Anh khôn lắm! Mỗi lần hôn làm người ta muốn ngộp thở luôn.
Kiến Trung cười không vui:
– Em không hạnh phúc hay có cảm giác rung động khi anh hôn em sao? Như vậy em đâu có yêu anh.
Giọng Kiến Trung giận dỗi:
– Anh biết, còn có các anh chàng tò tò đưa đón em, cho nên em còn sàng lọc, lựa chọn.
– Ai sàng lọc lựa chọn hồi nào. Nói vậy cũng nói. Đàn ông gì mà mau hờn như con gái vậy.
Hạnh Nguyên chìa má ra:
– Hôn... một cái thôi nha. Nhanh thôi, kẻo có ai vào đó.
– Ai vào đây đâu.
Kiến Trung ôm lấy Hạnh Nguyên, anh đam mê tìm môi cô. Nụ hôn ngọt ngào và đầy tính cánh khai phá. Một tay Trung lần chạm vào ngực cô, và lần này cô giữ tay anh lại, xô mạnh ra:
– Thôi đi, tham lam ghê!
Kiến Trung cười thích thú. Bao giờ cũng vậy, những nụ hôn của anh làm cho mặt cô bé đỏ lên, đáng yêu vô cùng, để anh hôn một lần lại muốn hôn nữa...
– Anh rành ghê! Bộ hôn mấy cô ở ngoài nhiều lắm hả?
– Đâu có, nói oan cho anh không hà. Anh chỉ có mỗi mình em.
– Thôi đi, một mình em...Miệng anh dẻo còn hơn kẹo cao su. Nói nhớ nói yêu mà khi đi đâu, có khi cả nửa tháng, anh cũng không điện thoại cho em. Ai biết anh đi công việc hay đi tán tỉnh cô nào.
Kiến Trung nheo mắt:
– Anh thích được em ghen anh. Nhưng mà đa nghi không tốt đâu bé con.
Hạnh Nguyên nhăn mũi:
– Ai thèm ghen.
– A! Nói anh mới nhớ. Em trách anh không điện thoại, vậy chớ mỗi khi anh gọi vế, mẹ em hay nhóc Hiếu cứ bảo em đi vắng.
– Ai biểu gọi lúc người ta đi học, làm sao có mặt ở nhà để nghe điện thoại của anh.
– Anh cũng vậy. Khi đó người ta mới rãnh chớ bộ.
– Nói em mới nhớ, tại sai chiều hôm qua anh về không qua nhà tìm em, đến khuya mới điện thoại nói anh đã về, sáng bắt em qua đây cho anh gặp? Ghét!
– Chiều hôm qua...Nhà có việc.
Kiến Trung nói lấp lửng không có ý giải thích việc gì. Hạnh Nguyên khe khẽ – Bộ quan trọng lắm hả anh?
– Cũng không có gì. Chú An về.
Hạnh Nguyên ngẩn người ra:
– Chú An?
Cô chệch mặt ra như cô nhớ tên An, rồi vụt kêu lên:
– Chú An! Em nhớ rồi! Trời đất, đi những sáu tháng, bảy năm mới về. Chú ấy đi đâu hả anh?
– Nghe nói sang Lào hay Campuchia gì đó.
– Hình như anh có vẻ không vui khi chú An về?
– Đâu có. Bao nhiêu năm nay, nội anh cứ tưởng chú đã mất. Lúc nhấm mắt, ông còn trách bà nội và ba anh đã cư xử không tốt với chú, sự ra đi của chú làm gia đình xáo trộn một thời gian. Em thấy đó, chú về anh sợ lại xáo trộn nữa.
Anh không thích gia đình có chuyện lộn xộn.
– Đúng ra Kiến Trung và cả cha mình nữa, sợ chú An đòi quyền thừa kế trong một phần tài sản của ông nội để lại. Năm năm trước, chú cũng từng giúp công ty mang về nhiều lợi nhuận. Chú hơn Kiến Trung mười tuổi. Ở tuổi ba mươi hai, và sau sáu, bảy năm đi biệt trở về, chú vẫn dáng vẻ lãng tử và như bất cần đời.
Hạnh Nguyên vô tình:
– Chú An đã trở về, gia đình anh đoàn tụ vui chứ anh?
– Em không hiểu những gút mắt trong nhà đâu.
– Có phải anh muốn nói chú An không phải là anh em cùng mẹ với ba anh nên bà nội và ba anh không thích chú An, vậy là anh cũng không thích luôn?
Đang nói, bắt gặp cái nhìn khó chịu của Kiến Trung, Hạnh Nguyên bưng miệng:
– Em xin lỗi...
– Có gì đâu. Ở đây, ai không biết mẹ của chú An từng làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình của nội anh. Cái chết của bà ấy làm cho nửa đời còn lại của ông nội anh không sống trong trầm uất. Đêm qua, bà nội anh mắng chú An, đi tại sao không liên lạc về, ông nội chết mà không nhắm mắt được.
– Rồi chú An nói sao hả anh?
– Chú ấy chỉ im lặng, sau đó mới thắp nén nhang cho ông nội.
Hạnh Nguyên ngập ngừng:
– Thật ra, chú An đâu có lỗi.
Kiến Trung nhìn vào mắt Hạnh Nguyên, giọng anh hơi xẵng:
– Vậy em cho là bà nội và ba anh có lỗi?
Hạnh Nguyên ấp úng chống chế:
– Không phải... em đâu cố ý nói như vậy. Cô lảng ra cho câu chuyện bớt căng thẳng:
– Chú An có khác lắm không anh?
– Có vẻ già hơn, phong trần hơn.
Hạnh Nguyên mơ màng:
– Em nhớ hồi đó, chú An rất ít nói, lạnh lùng.
– Thôi nói chuyện chú An đi.
Kiến Trung ôm Hạnh Nguyên vào ngực mình:
– Bây giờ anh đưa em về bên nhà nghen. Anh phải đi công việc rồi.
– Mới về, anh lại đi nữa hả?
– Đâu có, chiều anh về lại nhà, anh sẽ sang tìm em, tụi mình đi chơi và đi ăn.
Nhớ đến cái hẹn đi học vi tính với Ngọc Trâm, Hạnh Nguyên lắc đầu:
– Tối nay em phải đi học vi tính với Ngọc Trâm. Bữa nay xe nó hư, em phải chở nó đi, không nghỉ được.
Kiến Trung nhăn mày:
– Thấy không. Anh rãnh rủ em đi chơi thì em bảo bận.
– Em bận thật chứ bộ. Em đi với Ngọc Trâm chứ có đi với ai đâu.
– Vậy tối nay, anh phải ở nhà xem ti vi?
– Cho đáng đời anh. Đùa thôi, chín giờ em về, tụi mình gặp nhau nghen?
– Vậy thôi bây giờ anh đi nghen. Em về nhà một mình được không?
– Dạ được.
Kiến Trung đi rồi, một mình Hạnh Nguyên thả bộ dài trên đường đi. Nhà cô ở đầu đường và nhà Kiến Trung ở cuối đường. Những lúc anh bận ra công ty ở Củ Chi, Hạnh Nguyên vẫn hay sang rủ Ngọc Trâm đi học. Tình bạn của hai người khắn khít vui vẻ. Đôi lúc Ngọc Trâm đùa:
– Tao cứ gọi mày là mày quen miệng rồi.
Ở nhà bảo sửa gọi bằng chị, khó gọi muốn chết.
Hạnh Nguyên cười nhún vai:
– Chuyện xưng hô đâu có quan trọng. Hạnh Nguyên và Kiến Trung quen nhau từ nhỏ, lớn lên được hai gia đình đồng ý. Đôi khi, cô cũng tự hỏi mình:
cô có thật sự yêu anh. Vì dường như cô không có cái cảm xúc hay rung động.
Những khi anh đi vắng cả tuần hay nửa tháng, cô chỉ thoảng nhớ rồi thôi. Cô thấy vui khi có anh, nhưng cũng có lúc, cô chợt nhận ra mình quá đỗi bình lặng khi ở bên anh. Có lẽ là sự quá quen thuộc về nhau đã khiến cô có cảm giác anh là của cô và không bao giờ nghĩ có một ai đó là người thứ ba xen vào.
Hạnh Nguyên tấp vào nhà thư viện của Kiến Trung. Thư viện nhà Kiến Trung khá lớn. Nhà Kiến Trung có nếp sống truyền thống của gia đình phong kiến, cho nên uy quyền của người chủ gia đình rất lớn. Điều đó phần nào mang đến cho Hạnh Nguyên một sự e ngại khi nghĩ đến một mai cô về sống với gia đình anh. Cô sợ cái cảm giác của người phụ nữ phải phục tùng hết mọi thứ.
Thở nhẹ, Hạnh Nguyên với tay lấy một quyển sách trên kệ thư viện. Cô thầm phục sự giàu có của gia đình Kiến Trung, và dù giàu có nhưng gia đình anh vẫn không quên đòi hỏi gắt gao ở con cháu một nền học vấn cao.
Lật nhẹ vài trang sách, Hạnh Nguyên cúi xem rồi rảo bước đi về hướng bàn đọc.
Bất chợt cô đâm sầm vào một người. Hoảng hồn, Hạnh Nguyên giật lùi.
Ngẩng nhìn lên, cô bối rối nhận ra một người đàn ông lạ, anh ta cũng đang bất ngờ như cô và ngước nhìn cô. Cuốn sách của anh ta rơi xuống đất. Không hẹn mà cả Hạnh Nguyên và anh ta cùng cúi nhặt lên.
Hạnh Nguyên lí nhí:
– Tôi xin lỗi...
Người đàn ông khá lúng túng sau cái bất ngờ va chạm. Anh ta nhanh hơn, nhặt cuốn sách của mình và quay lưng đi ngay.
Hạnh Nguyên ngẩn người nhìn theo. Ai vậy? Gia đình Kiến Trung, cô biết rỏ hết. Hay là...
Chưa kịp nghĩ ra nhưng Hạnh Nguyên giật lại vì sợ anh ta đi mất:
Anh này!
Người đàn ông quay đầu lại, giương mắt nhìn Hạnh Nguyên vẻ ngạc nhiên.
Đôi mắt sâu thăm thẳm và như biết nói ấy, không hiểu sao làm cho Hạnh Nguyên bối rối kỳ lạ. Cô bối rối:
– Tôi... thấy anh quen quen.
Đôi mắt với hàng chân mày rậm ri thoáng nhìn Hạnh Nguyên, rồi cười cười:
– Tôi cũng thấy cô quen quen.
Câu nói làm Hạnh Nguyên hơi thẹn. Cô bào chữa:
– Thật mà. Tôi thấy anh rất quen, nhưng không lại nhớ là gặp ở đâu.
Gương mặt hơi hất lên vẻ lạnh lùng, anh ta trả lời Hạnh Nguyên bằng câu hỏi:
– Cô là bạn của Ngọc Trâm?
– Dạ.
Lại một nụ cười nở trên môi anh ta, cho gương mặt bớt đi vẻ lạnh lùng, nhưng trông rất ngạo nghễ:
– Thế thì cô tìm Ngọc Trâm hỏi xem tôi là ai.
– Chuyện gì mà có tên Ngọc Trâm vậy?
Ngọc Trâm hiện ra nơi ngưỡng cửa, nụ cười của cô không được tự nhiên:
– Ủa! Chú Út mà Trâm tưởng là anh Trung ở đây.
Hạnh Nguyên thở mạnh. Sao cô có thể đãng trí như thế nhỉ! Chẳng phải lúc nãy Kiến Trung vừa nói với cô sự trở về của chú Út Kiến An. Cô kêu khẽ:
– Chú An! Hèn nào Nguyên thấy quen quen.
Kiến An cười trêu:
– Mình quen với nhau sao?
Ngọc Trâm ngơ ngác nhìn cả hai, cô giậm chân:
– Chú Út và Hạnh Nguyên nói gì vậy?
– Lúc nãy mình thấy chú An quen quen, nhưng rồi không tài nào nhớ nỗi đã gặp ở đâu.
– Tôi khác lắm sao? Già quá phải không?
Hạnh Nguyên lắc đầu, cô chưa kịp nói gì thì Ngọc Trâm đã lôi cô đi, rồi mới quay lại nói to:
– Xin lỗi nghen chú Út.
Ông Kiến Tường ngồi đối diện cúng Kiến An, dáng vẻ của ông đường vệ, đôi mắt lạnh lùng nhìn người em khác mẹ với mình.
Ông cao giọng:
– Chú đi sáu, bảy năm rồi sống như thế nào?
Giọng Kiến An không biểu lộ một chút cảm xúc:
– Thì ai thuê gì làm nấy. Trời sinh voi sinh cỏ mà.
Câu nói nửa như chua chát, nửa như đùa. Ông Kiến Tường khó chịu:
– Nhưng đại để là chú làm gì?
Kiến An trả lời miễn cưỡng:
– Em làm việc cho một công ty hóa chất, làm thêm nghề tay trái nữa:
trồng cây bon sai.
– Có tích lũy được chút nào không?
Kiến An cười lắc đầu. Ônh Kiến Tường không hài lòng:
– Trong chú lãng tử giống như dân xã hội đen vậy. Về đây rồi ở lại đây luôn đi. Lúc còn sống, ba dặn khi nào chú về, phải giữ chân chú lại.
– Em chưa định gì cả. Nhớ quê hương lúc tết sắp đến nên trở về. Vui thì ở lại, buồn thì đi.
Ông Kiến Tường hừ giọng:
– Chú vẫn vậy. Ai làm gì cho chú buồn? Chú đi, ở nhà ba cứ mong cho đến chết vẫn mong. Chừng má lớn bảo cứ đi đi, chú không về đâu, ông khóc nấc lên rồi đi luôn. Đám ma neo lại ba ngày, hy vọng chú về, vậy mà bốn năm sau, chú mới chịu về. Chưa mỏi bước giang hồ sao?
Kiến An cuối đầu, đâu phải anh không thương cha, nhưng anh là con dòng nhỏ, tủi lắm. Đi đâu người ta cũng bảo anh là đứa con rơi. Có ai hiểu mẹ anh đã yêu người đàn ông hơn mình gần hai mươi tuổi đã có vợ con, một tình yêu không biên giới tuổi tác, vẫn không qua định kiến. Mẹ của anh chết trong tủi hờn. Anh đã ra đi, sáu năm nào đủ để phôi pha những đau lòng trong quá khứ.
Ông Kiến Tường nói tiếp:
– Chú vào công ty đi, phụ với thằng Kiến Trung. Nó mới ra trường, chưa có kinh nghiệm điều hành công ty.
Kiến An trả lời nước đôi:
– Em mới về nhà, anh cho em nghỉ ngơi một thời gian đi.
– Chú nghỉ năm mười hôm đủ rồi.
– Để xem đã anh ạ.
Gương mặt lạnh lùng của ông Kiến Tường bực mình lẫn tức giận. Ông buôn giọng trách:
– Chú vẫn bướng. Cái tính ngày xưa không bỏ được. Sao chú cứ thích làm theo ý của mình thế?
Kiến An không đáp, đầu anh cúi xuống im lặng. Tính anh là vậy đó, khi anh đã quyết thì mọi chuyện sẽ là như vậy.
Ông Kiến Tường thở ra:
– Thôi tùy chú vậy. Chú trở về nhà là tốt rồi, thích vào công ty thì vào, tôi không ép.
– Vâng.
Câu chuyện chấm dứt nhạt nhẽo. Kiến An bỏ đi ra ngoài. Vạt nắng cuối cùng của một ngày vừa tắt cho chiều trở nên mênh mông.
Kiến An đưa tay hứng một vốc nước rồi hắt hết vào mặt, thêm một vốc nữa, anh cảm thấy tươi tỉnh. Với tay lấy chiếc khăn lông, anh lau nhè nhẹ lên mặt. Bên ngoài, nắng đã lên cao. Kiến An lắc đầu, xưa nay anh ít khi nào dậy muộn, vậy mà về đâu, anh cứ như vậy.
Trở ra ngoài, Kiến An rít một Ly nước uống. Tối qua, anh đến phòng đọc sách và ngủ quên ở đây luôn. Không gian ở đây yên ắng quá. Kiến An ao ước có ai đó xuất hiện, phá tan không gian tĩnh lặng này.
Nhưng rồi Kiến An cười một mình. Căn nhà này, nếp nhà này xưa nay luôn tĩnh lặng, mỗi người đều có một thế giới riêng, nếu có ở bên ngoài về nhà này, họ cũng thích cuộn mình vào thế giới riêng của họ.
Trên bàn có phần ăn của Kiến An được đậy cẩn thận bằng cái lồng bàn. Kiến An không muốn ăn, anh lấy nón đội lên đầu, bước ra vườn, tím lấy cái xẻng ngày hôm qua dựng một góc, Kiến An tiếp tục công việc ngày hôm qua. Thú vui của anh bây giờ là chăm sóc mấy cây kiểng trong vườn.
Nắng lên cao hơn. Cái nắng nóng và gay gắt. Kiến An đứng thẳng người lên.
Ở thành phố này mà có một khoảng sân vườn rộng lớn đầy bóng cây như nhà này thì quả sang nhất. Tuy nhiên Kiến An không có chút tự hào nào, anh vẫn luôn dặn mình:
mình vẫn luôn là một người ngoài đối với những người trong gia đình này.
Anh thích sân vườn này vì ở đây gợi cho anh nhiều kỉ niệm xưa, vui cũng có mà buồn cũng có, nhưng buồn có lẽ nhiều hơn. Rốt cuộc tất cả chỉ là kỷ niệm, kỷ niệm ngây ngô của thời trẻ dại, cũng buồn cười và cũng đau xót thân phận của đứa con ngoài giá thú.
Chợt, tiếng xích đu đẩy đưa đều đều góc cuối vườn làm cho Kiến An phải chú ý. Anh hiếu kỳ nhìn về phía cuối vườn. Anh bất ngờ nhận ra Hạnh Nguyên.
Ngày anh đi, cô bé mới mười ba, bây giờ mười tám, thành thiếu nữ dịu dàng thùy mị chứ không nghịch ngợm bướng bỉnh như ngày xưa. Anh vẫn thích nhìn lại cô, ánh mắt to đen nghịch ngợm, chiếc mũi hếch ương bước... tất cả những nét ngày xưa không thay đổi mấy, có điều cô bé bây giờ xinh quá.
Tuy nhiên, Kiến An vội cảnh giác mình ngay. Hạnh Nguyên là vợ hứa hôn của Kiến Trung, cô bé rồi sẽ đáng ghét như những người kia thôi. Hãy xem cô ta như người xa lạ, cũng như phút đầu tiên gặp cô, cả anh và cô ta đều thật xa lạ.
Anh không nghĩ kẻ tông vào mình là cô bé Nguyên ngày nào hay vòi vĩnh năn nỉ anh làm giùm chiếc lồng đèn Trung Thu, hay nhờ anh thắt con bọ dừa từ những chiếc lá dừa xanh.
Năm năm đi xa, và cô bé Hạnh Nguyên trở thành một thiếu nữ, vợ hứa hôn của Kiến Trung, đủ để tạo một khoảng cách xa lạ cho Kiến An. Anh lắc đầu cười một mình rồi quay lưng đi. Anh không muốn nói chuyện với cô nhỏ, điều đó có thể gây sự khó chịu cho Kiến Trung.
Nhưng...
– Chú An! Sao bỏ đi vậy?
Hạnh Nguyên gọi lớn. Đôi chân Kiến An vụt đứng lại lúng túng. Anh không nghĩ là cô bé thấy mình.
Kiến An cười nhẹ, quay người lại. Khỉ thật! Anh chợt hiểu ra là anh mắc bẫy cô bé. Tưởng cô bé đang mơ mơ mộng mộng, ai ngờ lại to tiếng gọi.
Bước đến gần, Kiến An vờ cười để che sự ngượng ngập của mình, một người lớn bị “con nít” phát hiện đi trốn.
– Hạnh Nguyên đến đây hồi nào vậy?
Hạnh Nguyên không đáp mà nhìn vào mắt Kiến An, rồi bất chợt hỏi:
– Sao vậy chú?
Đôi mày rậm của Kiến An cau lại:
– Sao là sao?
Hạnh Nguyên cong môi ra vẻ hờn trách lại vừa như hỏi tội:
– Sao chú An vừa gặp Nguyên đã bỏ đi? Hay tại chú...không muốn quen với Nguyên nữa?
Từng đứng trước nhiều cô gái như vậy, vậy mà lúc này, Kiến An lúng túng.
Anh chống chế:
– Hạnh Nguyên đến tìm Kiến Trung à? Sao không vào nhà?
– Nguyên tìm chú không được sao?
Hạnh Nguyên cong môi hỏi bướng. Kiến An lắc đầu:
– Thì được, nhưng để làm gì?
– Để xem chú thay đổi như thế nào.
– Tôi à? - Kiến An nhìn lại vào mắt cô bé – Thì vẫn như xưa. Có điều người ta nói giang sơn dễ đổi nhưng bản tánh khó dời.
Đôi mắt đen của Hạnh Nguyên ánh lên một chút tinh nghịch, vì cô tìm thấy lại chú An của ngày xưa hay dí dỏm, nhưng lại nghiêm túc:
– Không thay đổi thật sao chú? Có đấy.
– Nguyên nói rõ đi.
– Khó ưa.
Kiến An không ngờ cô bé dám nói mình như vậy, nên sầm mặt.
– Thì bao giờ tôi chẳng như vậy.
– Cho nên chú nhận ra Nguyên mà không nói, còn Nguyên thì...
– Lại quen mất tiêu ông chú hay được Nguyên vòi vĩnh làm giùm đèn Trung Thương hay những món thủ công của lớp học chứ gì?
– A! Vậy là chú còn nhớ, nhớ rất rõ, vậy mà làm mặt lạ với người ta. Đáng ghét!
Giọng Hạnh Nguyên thật nũng nịu, mà lâu lắm rồi, trái tim khô cằn của Kiến An chưa được ai dỗi hờn mình như thế. Tim của anh chợt rung động.
Hạnh Nguyên vô tình trách móc tiếp:
– Thật ra, chú thay đổi nhiều đó chứ, từ hình dạng đến tính tình. Có điều hồi đó chú khó ưa kiểu khác, bây giờ khó ưa kiểu khác.
Kiến An im lặng nhìn cô gái, sao mà anh chợt thấy thích được trách móc như thế. Ánh mắt của anh làm cho Hạnh Nguyên lúng túng:
– Nguyên nói không phải sao?
– Mỗi người đều phải có thay đổi theo thời gian chớ. Cũng như Nguyên vậy, ngày ấy mười ba, bé tí tẹo.
Hạnh Nguyên cãi lại, giọng ấm ức:
– Ý Nguyên không phải như vậy. Nguyên nói tính tình của chú kìa. Ngày trước, cái gì chú cũng chiều Nguyên, hay dẫn Nguyên đi chơi, ăn kem, thế má hôm nay gặp lại, chú làm như không quen. Bây giờ nhìn thấy Nguyên, chú bỏ đi. Nguyên đến đây, ra vườn ngồi là muốn gặp chú chớ bộ gặp anh Trung sao.
Chợt hiểu, Kiến An cười nhẹ:
– Lớn rồi cũng còn trẻ con sao Nguyên? Lúc trước Nguyên còn nhỏ, còn bây giờ Nguyên đã là một thiếu nữ, phải có một sự khác biệt chứ.
– Nguyên chẳng thấy có khác biệt gì cả. Chúng ta là người quen mà. Bộ bây giờ lớn rồi thì Nguyên và chú không quen nhau hả?
Kiến An cố giấu nụ cười thú vị, anh tìm thấy cô rồi đó. Cô bé Hạnh Nguyên bướng bỉnh, song Kiến An dập tắt ngay điều thú vị trong lòng mình. Anh ngồi xuống chiếc ghế xích đu đối diện, như thế trấn áp cảm xúc đang dần len vào tim mình. Không hiểu sao anh nghe lòng mình ấm áp kỳ lạ với cảm giác được có kẻ hờn dỗi.
– Cám ơn Nguyên nghe.
Hạnh Nguyên nhíu mày:
– Sao khi không chú lại nói cảm ơn.
– Có hơn năm năm rồi, tôi mới nghe...và Nguyên là người duy nhất vui khi tôi trở về.
– Đâu phải một mình Nguyên, anh Trung, Ngọc Trâm vẫn thỉnh thoảng nhắc chú.
Kiến An im lặng, ánh mắt anh xa vời. Có thật trong nhà này vẫn dành cho anh một tình cảm ruột thịt?
– Chú An! Chú nghĩ gì vậy? Nói gì đi chú!
Kiến An nhìn vào đôi mắt đẹp của cô bé:
– Nguyên muốn tôi nói gì? À, quên nữa! Có muốn gặp Kiến Trung không, để tôi vào nhà gọi cho?
Hạnh Nguyên giậm chân:
– Lúc nãy Nguyên nói là đến đây gặp chú mà. Nếu muốn gặp anh Trung, Nguyên đã vào nhà. Giờ này làm gì có anh Trung ở nhà.
Giọng Hạnh Nguyên dịu lại:
– Chú không đến công ty phụ việc mà ở nhà làm vườn, vườn có người làm mà. Hay là chú định đi nữa?
– Cũng...chưa biết.
– Hạnh Nguyên...hỏi chú một chuyện được không?
– Nói đi!
– Chú kể chuyện sống ở Campuchia hay Lào gì đó cho Nguyên nghe đi.
– Có gì đâu. Đó là cuộc sống phải làm để tự nuôi thân mình thôi.
– Chú có định ở lại nhà này không?
– Chưa biết.
– Hồi đó, sao chú bỏ đi vậy? Lúc đó Nguyên mới mười ba, nhưng Nguyên cũng hiểu được ngày nào cũng mong chú. Ông đi tìm chú khắp nơi rồi ông ngã bệnh vì cứ đi tìm chú.
Kiến An xúc động mạnh. Anh chưa bao giờ nghĩ cha dành cho mình một tình cảm như thế.
– Sao vậy chú? Chú giận bà nội?
Kiến An lắc đầu:
– Có nhiều chuyện không thể nói ra được đâu Nguyên ạ. Cho nên tôi không thể nói gì được cả.
– Còn cô thì sao hả chú?
Kiến An ngạc nhiên:
– Cô nào?
– Là vợ của chú đó, sao chú không đưa về cùng?
Kiến An bật cười:
– Chú làm gì có cô.
– Chú chưa... cưới vợ.
– Ừ. Ở tuổi ngoài ba mươi phải có vợ có con và có cả sự nghiệp nữa, phải không? Nhưng tương lai vẫn là những gì ở phía trước.
– Người nhà chú từ ông nội và các chú, ai cũng hào hoa. Vậy mà chú một mình, không biết có nên tin không. Chứ anh Trung...Nguyên thấy ảnh đi tán tỉnh con gái người ta nữa.
– Nguyên có gây lại không?
Hạnh Nguyên nhún vai:
– Để làm gì. Để tôn trọng nhau trong tình yêu phải có sự chung thủy chứ.
Nhưng cũng có đôi lúc, Nguyên tự hỏi không biết giữa anh Trung và Nguyên có gọi là tình yêu không? Có khi anh ấy ở Củ Chi cả chục ngày, không gọi điện về, còn Nguyên cứ thản nhiên vào việc học ở trường.
Kiến An hơi bất ngờ trước bộc bạch của cô bé. Anh cứ nhìn cô. Hạnh Nguyên mỉm cười:
– Còn những ba năm nữa mà, phải không chú? Cứ để cho tình cảm tự nhiên phát triển, còn bây giờ cứ thản nhiên, nghĩ làm gì cho thêm già.
Kiến An nhìn xuống chân mình, anh không biết góp lời nào cho chuyện tình cảm kia khi một bên là cháu của anh.
Hạnh Nguyên chấp hai tay lên ngực:
– Anh Trung vẫn cứ hay chê Nguyên không thực tế, chỉ biết mơ mộng. Cũng như lúc Nguyên chọn ngành thiết kế thời trang, ảnh đã mắng Nguyên:
cái ngành chết đói, đời bây giờ người ta học kinh tế, quản trị kinh doanh...
– Vậy Nguyên học về ngành thiết kế thời trang à? Công việc thích hợp cho Nguyên đấy chớ. Tôi còn nhớ hồi đó, Nguyên rất khéo tay.
Hạnh Nguyên vui vẻ:
– Vậy là Nguyên có đồng minh rồi. Anh Trung mà được như chú, Nguyên và anh ấy không hay cãi nhau.
Kiến An cười trêu:
– Cãi nhau cũng là một biểu hiện của tình yêu. Hạnh Nguyên như vậy là hạnh phúc nhất rồi. Cũng như khi gặp lại Nguyên, tôi không nghĩ là con bé còn lại biến thành cô thiên nga xinh xắn.
Hạnh Nguyên không vừa, cô lém lỉnh:
– Còn chú thì sao? Cũng thay đổi theo cấp số nhân chớ không sao.
Cả hai cùng nhau cười, họ cảm thấy gần nhau và thật dễ chịu.