Một hôm đang giữa bữa, con bé Thuỷ mười hai tuổi của vợ chồng Đoan, bỗng đặt bát xuống mâm, lơ lẻo hai con mặt, thao láo:
- Bố mẹ ạ, hình như bác Thảo bác ấy sắp lên chơi nhà mình hay sao ấy! Đêm qua con ngủ mê, thấy bác ấy gọi cửa. Con chạy ra, mừng quá, reo ầm lên. Nhưng con mời thế nào bác ấy cũng không vào nhà. Cứ đứng ở cửa khóc mếu. Mà mắt thì sưng vù, tím bầm. Còn quần áo thì rách tả tơi trông thương lắm cơ!
Vợ Đoan, mặt đang vui vẻ, nghe con gái nói, bỗng như bị dị ứng, nặng bình bịch. Y gắt:
- Mê với mẩn! Nghe mà phát kinh!
Không nhận ra thái độ khác thường của mẹ. Thuỷ nghênh má, hồn nhiên, tiếp: - Tự dưng con mê thấy thế mà mẹ.
- Ban ngày ban mặt mải đi xem các đám đánh chửi nhau ở phố nên đêm mới mê thế. Chứ gì. Thời buổi gì mà khiếp quá! Anh em ruột thịt, có khi chỉ vì vài câu nói, mấy mét nhà, tranh chấp nhau là có thể vác dao ra chém nhau rồi.
- Con có ra phố chơi đâu nào!
- Lại còn cãi! Thôi ăn đi. ở nhà quê bây giờ là sung sướng nhất. Có đâu bữa sớm lo bữa chiều như cán bộ, công nhân thành phố, như nhà máy. Tự dưng tự lành, ai đánh ai đập mà mặt mày sưng vù với cả tím bầm!
Đoan vốn ít lời, ngậm miệng nhai miếng cơm. Tâm tương do giấc mơ của con gái gọi, bỗng vương vương một hoài cảm man mác. Cuối thu rồi. Nắng rực như đất vàng. Và heo may như một linh hồn xa vắng từ cõi nào trở về, xao xác mỗi vòm lá rậm, quấy động trong các khoảng trống vắng nơi cõi lòng. Mấy năm trước, cứ vào quãng này, thì chị Thảo, chị gái Đoan lấy chồng ở nông thôn, khăn gói lên chơi với gia đình Đoan. Không hẹn mà chẳng bao giờ sai. Không có lời ước định mà chính xác như thời tiết tuần hoàn, như việc đồng áng quay vòng. Lúc ấy, vụ mùa đã gặt hái xong. Thóc lúa đã đầy hòm, đầy bịch. Vụ xuân còn ở xa. Đang là lúc nông nhàn ở quê chị. Chị xởn xơ, thanh nhã, lại như cố kìm giữ niềm hứng khởi tràn đầy, ngầm ngập vào việc sửa soạn, rồi tay xách nách mang, vất vất vả vả, chen lấn lên tàu xuống xe, cuối cùng xuất hiện ở giữa nhà quê, xời lời chuyện trò, chầm bập hỏi han, tưởng chừng như đó là những khoảnh khắc không bao giờ gặp lại, để xả thoát tình thương nỗi nhớ ruột rà đã tích tụ cả mấy chục năm trời.
Bức tranh đã đóng khung ổn định.
Nhớ tới chị Thảo là Đoan nhớ tới ngọn gió heo may lồng lộng và khoảng trời cuối thu tràn trề làn sáng phản quang niềm vui mùa màng. Là Đoan nhớ tới một người phụ nữ đẹp, duyên dáng, tâm hồn cực kỳ trong trẻo và giàu có tình yêu thương, vừa dung dị, vừa cao quý, hoà quyện với cảnh sắc đồng quê lộng lẫy, tạo nên một bức tranh vừa hoành tráng vừa thân thiết dị thường. ấy là những ngày được nạm bằng vàng hiếm hoi. Người phụ nữ nông thôn lên còn giữ nguyên được sự tinh tế, thanh lịch trong ứng xử. Niềm vui vừa chân chất vừa huy hoàng chan chứa trong gia đình, tràn sang cả xóm giềng. Cây mía. Vài lạng đậu xanh. Nửa cân bột sắn. Lời thăm hỏi người già. Bàn tay vỗ về trẻ nhỏ. Thật giản dị mà chẳng bao lâu, chị đã tạo lập nên một quan hệ thân tình, đậm đà hương vị thôn dã, với cả những gia đình lân cận nhà vợ chồng em trai mình.
- Có đến hai năm nay bác ấy không lên chơi nhà mình mẹ nhỉ? Hay là bác ấy quên?
Thuý vẫn ngây thơ, lay láy nhìn mẹ. Đoan nhận ra, nó là đứa trẻ rất hay mặc cảm. Nó toét miệng:
- Năm nay thế nào bác ấy cũng lên mẹ nhỉ? Mà lên thì thế nào bác ấy cũng cho nhà mình bánh đa thái. Con thích bánh đa thái ở quê bác ấy lắm cơ! Vợ Đoan, đậy nồi cơm đến cạnh, ngước hai hàng mi dầy rậm lên, nhìn con gái, đột ngột:
- Sang năm, thì hết cấp xong, tao cho về quê bác ấy hẳn một tháng mà chơi. Mà ăn bánh đa thái mỏng với gạo mới cho nó sướng. Về đúng vụ gặt mà xem. Trong nhà, ngoài sân, trên trời dưới đất, đâu cũng thóc. Cơ man là thóc. Ngao ngán là thóc. Ngồi trên thóc, ngủ trên tiền. Thật là vô sự, vô sách mà vô lo vô lự, sướng cả đời Bác mày giàu, giàu lắm, chứ không xác vờ như bố mày đây! Đoan quay đi, có giữ giọng đều hoà:
- Nông thôn làm ra hạt thóc nên hơn thành phố về mặt thóc gạo là phải rồi. Nhưng, còn những như cầu khác? Nói chung... thì cũng vẫn là cái cảnh nghèo khó thâm căn của dân mình thôi. Thuý như được thể, nối lời bố:
- Nhà bạn con có ông chú nhà quê lên ở nhờ chữa bệnh, nghèo ơi là nghèo bố ạ. Quần áo ông ấy còn rách bằng mấy quần áo mình thải ra cơ. Có một cái chăn chiên đắp cả mùa đông, bố ạ. Ra đây, ông ấy nhặt nhạnh từ cái chậu thủng, đôi dép đứt quai, đến cái bô vỡ đem về dùng. Quê ông ấy, cả xóm chỉ có độc một nhà có ti vi.
- Quê bác Thảo thì không đến nỗi thế.
- Bố ơi, hay là con viết thư cho bác Thảo nhé?
Vợ Đoan từ nãy vẫn nặng nặng, nghe con gái hỏi, liền đập mạnh đôi đũa vào cạnh nồi, đứng phắt dậy quàu quạu:
- Thôi đi! Khách với khứa! Y như bò thấy nhà táng ấy, tôi sợ khách lắm rồi!

*

Chẳng cần thư từ, hẹn định, nhắc nhở. Mấy năm trước là vậy. Là cứ như ngọn gió heo may đưa chị gái Đoan lên thăm gia đình Đoan. Chẳng sai lạc, chẳng lỗi nhịp bao giờ.
Các cuộc viếng thăm định kỳ ấy thường bao giờ cũng có vài mục đích cụ thể. Hàng đầu là cuộc thăm nom, sang sửa phần mộ ông bà, cha mẹ. Sau nữa là mua bán, sắm sánh, chữa bệnh... Tuy nhiên, dẫu những việc trên có quan trọng và cấp bách đến thế nào, cả Đoan và chị gái Đoan vẫn cứ nhận ra rằng cuộc viếng thăm còn có một ý nghĩa thiêng liêng sâu thẳm rất khó diễn đạt bằng lời. Đời sống tâm linh còn có bao nhiêu nẻo đường khuất khúc. Trẻ con vẫn lưu giữ một xứ sở thần tiên trong ký ức. Thiên đường, Cực lạc còn sống trong tiềm thức nhân loại. Chị gái Đoan lên thăm gia đình, chị hành hương về quê tổ, về cõi nhớ xa xăm!
Người gốc gác đô thị, nhưng đi trái chiều lịch sử, chị gái Đoan lấy chồng nông thôn. ấy là vì tình yêu có một nấc cao hơn cả lịch sử. Anh là thợ cày, nhập ngũ trở thành chàng Vệ quốc quân từ năm năm mươi. Chị là gái thành phố tản cứ, thanh sắc hơn người, trở thành diễn viên văn công cùng những năm đó. Họ gặp nhau ở chiến dịch cuối dùng của cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Phải duyên, mê nhau là kéo nhau về làng anh, làm lễ cưới ngay sau khi hoà bình lập lại. Chị tình nguyện bỏ nếp sống nghệ sĩ và thành thị, tập tành công việc ruộng đồng một nắng hai sương, quen dần với cuộc đời sống gái quê lam lũ nơi thôn ổ. Vì tình, cuộc hoà nhập có khúc mắn cũng có thể vượt qua.
Nhưng mà thực tình chị Thảo của Đoan chuột sa chĩnh gạo. Đất đồng bằng cấy cày trồng tỉa đã dư ngàn năm còn mấy nơi bờ xôi ruộng mật được như thế... Đây là vùng trọng điểm lúa. Thêm đặc sản lợn và lạc, nên còn gọi tắt là vùng Ba Lờ, Trù Phú, ấm no hiển hiện tưa tên các xóm làng bao giờ cũng khởi đầu tiền tố Gạo. Gạo Nam, Gạo Bắc, gạo Đông, gạo Đoài. Ruộng làm ăn tới chân bờ tre. Địa giới xã này xã kia phân ngay trên mặt ruộng. Ruộng liền ruộng. Đi cấy, dậy từ từ mờ, phải sáng bừng mới ra tới mảnh ruộng của mình ở giữa đồng để cắm cấy mạ. Mùa gặt, thôn xóm như mạ vàng mười. Cây rơm nhà nào nha nấy cao là hòm khoá chuông vẫn một kiểu thô sơ, cố giản như đẽo gọt bằng rìu từ thời Hùng Vương, nằm chềnh ềnh như là rất vô lý ở chính gian giữa.
Đời sống no đủ và tình yêu vừa sâu sắc, vừa giản đơn, mang dấu ấn thời cuộc, thích hợp với một gia đình chồng đi công tác xa vợ ở nhà làm ruộng nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ già, phân li hai ngả và vẫn hài hoà, lại kiêu hãnh và giàu chất thơ mộng. Đóng quân trên Tây Bắc nức tiếng anh hùng, tiễu phỉ được ít lâu thì anh chuyển sang làm đội trưởng ở một nông trường khai thác gỗ, cũng có thể coi như chuyến mồi trường để anh thi thố tài năng sức cống hiến cho sự nghiệp miền núi tiến kịp và vượt miền xuôi. ở quê chồng, chị như được phép lạ, hoá thân trở thành hết kiện tướng phân bắc, phan xanh, lại chiến sĩ thi đua làm thuỷ lợi. Viết thư cho nhau toàn kể chuyện sản xuất, chiến đấu và động viên nhau gắng sức để xứng đáng là đoàn viên đảng viên. Một năm, mười hai ngày anh về phép là mười hai ngày hội hè, lễ tết. Khách ra vào từ sáng chí tối. Đàn gà mấy chục con vỗ béo được dịp vãn dần. Bếp rơm suốt ngày um khói. Chè Thái Nguyên bã đổ đầy ụ mấy gốc nhài. Chị vào ra, má đỏ rạng, tưng bừng từ trong sâu xa.
Bức toàn cảnh, định hình trọn vẹn ngày anh về hưu ngồi nghễu nghện trên lưng một chiếc xe tải thồ bốn khối gỗ quí, tặng phẩm đặc biệt của lâm trường dành cho người có công khai phá. Thợ xẻ, thợ xây, thợ mộc dựng công trường liền một năm trời. Năm sau, anh tóc râu đốm bạc, lung còng dáng ông lão, khoác cái áo đại cán sờn cổ, ngồi trên cái sập gụ, tay thông nõ điếu, mắt nheo nheo, mãn ý ngắm vuốt cái giang sơn xinh xắn toàn bích của mình. Nhà mái bằng rồi, tủ li, tủ lệch, tủ gương, tủ đứng, giương đôi, giương một toàn lát hoa, lát chun kiểu mô đéc nhất rồi. Tường vôi ve sáng trưng cả dãy khung kính lồng huân chương các loại cùng ảnh kỷ niệm thời trai trẻ dọc ngang đày kiêu hãnh. Tối thứ bảy bạn bè cùng trà lứa quây quần đôi hồi chuyện cũ và theo dõi vở cải lương phát từ cái đài xiong-mao mua cung cấp đã có vỏ da, lại lồng trong cái túi vải hoa chị may tay mà đẹp như máy. Đậm đà dấu tích ở mọi nơi ở mọi lúc vẫn là một cốt cách phụ nữ đô thành, có nền nếp gia phong, thanh lịch mà không xa cách, đảm lược mà không lầm lũi, thô mộc. Chị đã điểm giao thoa của hai nguồn ánh sáng, nhưng trong tâm thức vẫn hướng về thị thành. Chẳng khác được, từ lời ăn tiếng nói đến cách giáo dưỡng con cái. Hai con, một gái, một trai, lạy trời, xinh xắn, giỏi giang giống mẹ như đúc, chuyện trò với bè bạn thi thoảng lại buột miệng "quê mẹ tứ ở thành phố kia!"
Người phụ nữa ấy sau hai năm vắng biệt, trưa nay dường như là đột ngột xuất hiện ở nhà Đoan. Dường như là từ tâm khảm Đoan bước ra, từ bức tranh định hình theo mường tượng của Đoan bước ra. Gương mặt cười hoa, đẹp trang nhã và cổ điển, chị đứng trong làn nắng hanh vàng, tay cầm nón múc gió, trong niềm vui hồi tố không sao kìm giữ được, cất tiếng vang vồng gọi tên Đoan. Từ trong nhà chạy ra, Đoan thấy mình như đang ở trong mơ.
ối bác Thảo! Cháu biết ngay là thế nào hôm nay bác cũng lên mà. Sáng nay ngồi trong lớp mà cháu cứ máy mắt liên tục, bác ạ.
Thuý reo, cầm tay bác Thảo quàng lên vai mình. Chị gái đoan xoa đầu con bé:
- Thuý lớn quá rồi. Bẵng đi đến hai năm rồi đấy.
- Cháu tưởng bác quên rồi.
- Quên thế nào được. Hai năm rồi, năm thì bà cụ bên nội hai năm mươi. Năm thì sang áo cho ông bác. Năm nay gặt hái xong đã định thu xếp lên ngay, biết là cậu mợ và cháu mong, thì rập vào việc người ta xin cái Lượng. Rồi tôi ốm. Trở lạnh, bỗng dưng thấy thức ngực quá, ốm nằm lệt bệt mới biết mình già rồi. Cậu cũng có tóc bạc rồi kia kìa. Người phụ nữ cúi xuống cởi gỡ đàm hành lý và sản vật làm quà mang theo, giấu một niềm trắc ẩn nào đó, chép miệng:
- Đi đúng ngày xấu, xúi quá. Ô tô chết suốt dọc đường. Đến bến, chẳng còn cái ôtô buýt nào. Đành lên cái xe lam. Tưởng cũng giá nhà nước qui định. Nào ngờ đến giữa cầu, ông lái xe tư mới dừng lại, bấu mỗi khách nộp hai chục nghìn. Năm cây số, hai chục nghìn, hơn yến gạo. Quá bóp hầu bóp cổ khách!
- Thuý đang đung đưa tay bác, bỗng rãy lên:
- Sao bọn họ ác thế? Bác nhất định không chịu chứ!
- Giời không chịu đất thì đất cũng phải chịu giời, cháu ạ. Mình ở thế yếu mờ. Cực nữa là sờ đến cái túi xách tay lấy tiền thì, ôi thôi, kẻ cắp đã rạch ngang một nhát, móc mất cái ví tiền rồi.
- Thế bác làm thế nào? Khổ thân bác quá!
- Bác vẫn còn tiền chứ, chỉ buồn là lắm cảnh người bức hiếp người, hãi quá! à mờ thôi... Vừa hé mở, người phụ nữ lại vội vàng khép kín tâm tư: Thuý giúp bác cất dọ các thứ này đi. Chả có gì đâu. Hai con gà này, thịt hay nuôi cho đẻ mờ ăn trứng. Bánh đa thái, bác đổi thóc của nhà. Bột sắn dây bác trồng... còn chỗ này là quà biếu của các bà láng giềng. Ơ, mẹ cháu đi làm không về buổi trưa à?
Xâm xẩm tối vợ Đoan mới từ nhà máy về. Y đi lối sau, vào buồng đang thay quần áo thì cái Thuý nhảy lò cò vào "Mẹ ơi..." Không để con kịp nói, y đã lừ mắt, khe khẽ rít: "Biết rồi! Lên từ trưa chứ gì. Khiếp! Nom cứ như bà lão nhà quê!" Rồi vừa cài cúc áo, vừa ra phòng ngoài, đổi mặt vồn vã:
- Bác Thảo mới lên đấy ạ. Lâu nay bác vẫn được bình thường chứ? Thuý ơi, vo gạo nấu cơm bác ăn đi, con.
Trực giác đàn bà ít khi sai. Đoan ra khỏi ảo giác. Sau hai năm không gặp lại, giờ đây, ngồi đối diện với Đoan không còn là người chị gái tươi đẹp, óng ả năm xưa. Trước mặt Đoan là một hình hài khác, một kiếp phận khác, một tâm trạng khác. Trước mắt Đoan là một bà lão nhà quê mùa còm cõi, mệt mỏi và bất an. Trước mắt Đoan là thân xác và tinh thần của một đời sống lao lực, quá sức và triền miên trong dày vò, cắn dứt, tuy cố nhẫn nhịn mà vẫn tiết ra xung quanh một nỗi buồn hiu hắt.
- Cảm ơn mợ, tôi vẫn còn gánh gồng, cày cấy được. Còn mợ, hồi nay hồng hào, khoẻ mạnh hơn trước đấy nhỉ!
Đáp lại giọng nói rầu rầu của người chị gái chồng, bà em dâu cười ré lên, rồi rổn rảng:
- Khoẻ gì mà khoẻ! Sắp chết đói đến nơi rồi đấy, chị ơi. Dạo này nghe báo, đài nói, ở thôn quê làm ăn khấm khá lắm có phải không? Sao mấy năm rồi chị không lên chơi? Bố nó nhắc luôn. Còn cái Thuý thì mê thấy chị lên luôn ấy.
Cái vui, sự niềm nở, thực sự chỉ là giữ lễ.
Đoan là nhà báo, từng trải, hiểu đời hiểu người, nhận ra từ hôm đó, vợ Đoan ngoài mặt thì giữ sự vui vẻ, còn bên trong thật tình y bực bội, khó chịu hết sức.
Nhà có khách, khách lại là người ruột thịt, mà chủ nhà lại bực bội, khó chịu thì thật là vô lý. Vô lý nhưng lại rất dễ hiểu. Về sau này. Đoan hiểu vợ Đoan rất ngại phải chi tiêu tốn kém. Vợ Đoan là thợ dệt, lương bổng tàm tạm. Mức sống gia đình, nhờ có Đoan chống đỡ, cũng không đến nỗi. Nhưng, vợ Đoan cũng như bao nhiêu kẻ xuất thân từ nghèo khó, lại trải qua mấy chục năm trường với cuộc sống thiếu hẳn sự an toàn cần thiết, con người phải bó buộc phải phát sinh tập tính tự vệ, nên cần kiệm, tính toán đến thành chắt bóp, hà tiện đã trở thành thói quen nhiễm vào máu thịt, nếp sống. Dạo còn chế độ tem phiếu, lĩnh lương xong, mỗi khoản chi, to nhất như mua gạo, mua dầu, nhỏ như tiền cắt tóc, xà phòng, kim chỉ, y đều chia, cho vào từng phong bì, phân miệng, không khoản nào được lẹm sang khoản nào đâu. Đậu kho cả nồi, nhưng mỗi bữa mỗi người ba miếng là không có hơn. Hai lạng giò để ăn hai bữa, ngon miệng ăn liền một bữa là y ca cẩm cả tuần. Gạo đong thiếu vài lạng, thịt mua thiếu vài hoa, y cũng đạp xe đạp đi cả giờ, đòi đủ bằng được. Khách chồng đến chơi, vui miệng hút liền ba bốn điều thuốc là y lườm y nguýt. "Thóc đâu cho chó ăn no, cho gà ăn đủ". Y nói. Y xót từng trăm bạc, vì trăm bạc là hai mớ rau, vì trăm bạc là một phần mười lăm tiền công một ngày của y. Beo thắt, bủn xỉn, không cho ăn mày đến cả tờ hai chục rách, nhưng y cũng chẳng ăn bớt xén, ăn không ăn hỏng của ai đến đồng. Công bằng mà xét, ky bo như vợ Đoan cũng có căn nguyên hoàn cảnh và cũng không phải là một thói xấu tệ hại.
Nghe cái Thuý mỗi bữa lấy gạo nấu cơm, lại đong hỏi: "Mẹ ơi, bốn người, hai bơ mấy lẻ hở mẹ?" Bác Thảo cười:
- ở nhà quê, các cháu của cậu mợ cứ vục vào thùng gạo, đầy phè nồi thì thôi.
Vợ Đoan lầm lầm mặt:
- ở thành phố, thế có chết!
Quả thật, đời sống vốn đã chẳng dễ dàng gì. Tự kiếm sống đã làm cả một công cuộc lớn lao huống hồ lại đèo bồng, cưu mang. Nhưng đã nói thì phải nói cho hết nhẽ. Tính toán ra thì đâu có phải là đèo bồng, cưu mang. Bác Thảo ý tứ lắm, đâu có phải con người chỉ biết ái kỷ, để thiệt thòi cho người khác. Vỗn người thành phố, chị dâu có lạ kiểu sống cán bộ ba cọc ba đồng. ở một tháng thì chị đã đem biếu vợ chồng Đoan sắn dây, đậu xanh... Không nên nghĩ đến sự sòng phẳng ở đây, nhưng nêu chi lý nhẩm tình thì vợ Đoan đâu có phải chịu thiệt!
Tất nhiên, nhà có khách ngoài sự tốn kém vật chất dù được đền bù bằng cách nghĩ: Xởi lởi thì trời cho, bo bo thì trời co lại, thì cũng còn một nỗi phiền hà không sao tránh được: ấy là sự thiếu hoà hợp, trạng thái tâm lý phải ép buộc phải giữ kẽ, mất tự nhiên. Giờ đây, khi mỗi gia đình đã trở thành một đơn vị kinh tế, xã hội khép kín, có tập quán văn hoá riêng, một cá thể bên ngoài nhập vào chẳng khác gì một chi tiết khác lạ này lắp ghép vào một cơ thế kia, miễn dịch học đã chứng tỏ, nó sẽ bị chối bỏ, đẩy ra. Cứ xem cái cách xây cất, rào giậu cổng ngõ của các băn hộ gia đình ở thành phố những năm gần đây thì biết, ngoài lý do an ninh ra, các gia đình còn muốn công khai bày tỏ khuynh hướng biệt lập, riêng rẽ của mình. Nhưng mà, ừ thì cứ cho là đúng như vậy, thì chả lẽ, với một người là ruột thịt thân thiết, và chỉ là làm khách vãng lai dăm bữa nửa tháng, lại không thể nhãng đi chút ít cá tính mà thực hiện sự hoà đồng? Dễ người dễ, khó người khó ta, chẳng đã từng có lời chỉ bảo đó rồi hay sao!
May mắn, xoá mờ đi cái dối trá của sự ứng xử theo chữ lễ mà nhờ ở sự hồn nhiên của cái Thuý. Thuý quấn lấy bác nó, tự nhiên và gắn bó như cùng chung một mệnh hệ. Theo tử vi, nó chung lá số với bác nó. Lạ thế! Nó trở thành cái cầu nối kéo mọi người lại gần nhau, giảm bớt đi sự căng thẳng ngấm ngầm. Hai bác cháu chả mấy lúc trở thành hai người bạn vong niên. Hai người như hình với bóng, như chập làm một, chia sẻ hết mọi niềm vui, nỗi uẩn khúc cho nhau. Lắm khi Thuý nghiêm trang như một người lớn tuổi. Và bác nó lại giống như một cô học trò ngoan, rất lễ độ.
- Cứ gì phải biết làm ruộng mới thi vào đại học nông nghiệp, hả cháu? Mới lại, làm ruộng cũng chả khó đâu. Một lần trò chuyện, bác Thảo nói - Hồi mới về nông thôn cái gì bác cũng lạ. Trông thấy con trâu nghênh sừng cũng hãi.
- Thế tại sao lại ở thành phố, bác lại về nhà quê
- à... chuyện ấy thì dài lắm. Nhẩn nha rồi bác kể. Dưng mà... chẳng qua cũng là cái duyên, cái số... Gì thế, cháu?
- Bác nói, giọng nó khang khác thế nào ấy. Trời bác ấy nói là giời. Sợ bác nói là hãi. Nhưng mà bác nói là dưng mờ. Bảo bác nói là bầu.
- Ăn nước ở đâu nói giọng ở đó mờ, cháu.
- Bác Thảo này, thế lần này lên đây, bác phải ở thật lâu cơ!
Người phụ nữ ngẩng lên, ngỡ ngàng trước yêu cầu của đứa cháu gái. Thuý tiếp:
- Bác ở đây cháu thích lăm.
- Dưng mở...
- Không! Bác cứ phải ở đây thật lâu cơ. Để cháu làm cho bác trẻ ra. Để bác không nói dưng mờ nữa. Bố cháu bảo: Hồi trẻ, bác xinh nhất trường nữ học đấy. Có đúng không?
Nén một hơi thở như ghim giữ bầu tâm sự đang ứ tràn, bà chị gái Đoan cúi xuống, mắt chớp chớp, đầy vẻ nhẫn nhịn.
Vợ Đoan lúc ấy đang ở trong buồng, như thừa cơ, nói hắt ra:
- Bác Thảo đừng có nghe cái Thuý. Nó lười lắm. Có bác ở đây, có người trông nhà, nấu cơm để nó tha hồ chơi nhởn đấy.
Thuý xịu mặt:
- Đâu mà!
Bác Thảo rầu rầu:
- Cháu nó vẫn nấu cơm đấy, mợ ạ. Tôi làm gì nó cũng không cho làm. Với lại, dạo này tôi mệt mỏi quá, có động tay động chân, nhúc nhắc được việc gì đâu.

*

Bác Thảo quả là không được khoẻ. Một buổi đi làm về, Đoan thấy bà chị mình nằm co quắp, tay ôm đầu, trên cái đi văng ở buồng khách. Hỏi, chị nói nhức đàu lắm, cậu mợ với cháu cứ ăn cơm đi, tôi không ăn.
Vợ Đoan lừ mắt:
- Vông vang gì, chỉ vẽ! Bà ấy uống bà viên thuốc ngủ mê-pro-ba-mát đấy. Đoan giật thột:
- Thuốc ngủ nào! Thuốc ở đâu mà uống?
- ở trong ngăn bàn của ông em trai chứ ở đâu. Lục lọi từ buồng trong đến buồng ngoài. Tủ nào, ngăn kéo nào cũng tìm chìa khoá mở bằng được.
- Lạ thật
- Chả vu oan đâu. Đây là có đánh dấu hẳn hoi - Hếch ngược hai con mắt một mí vốn đã xếch chéo, vợ Đoan lên cơn tức tối dường như bất thần, vô lý. Tham con diếc, tiếc con rô. Thấy dầu cao là xoa lấy xoa để. Thấy thuốc là nhét vào mồm luôn. Trưa nay về, đưa vỉ me-prô-ba-mát ra hỏi: "Mợ ơi, đây có phải là thuốc an thần?". Thật là có răng răng nhai, chẳng có răng lợi gặm, không sai miếng nào!
- Trời ơi! Sao bây giờ mới bảo!
Vợ Đoan ném toạch đôi đũa xuống mâm nghiến răng:
- Ông cáu cái gì với tôi - Và đứng phắt dậy, quát con:
- Thuý! Mày óc xót xa cho máu mủ ruột thịt nhà mày thì lấy bát đi mua cháo tim gan về cho bác mày ăn đi!
Đoan nín giận, bỏ dở bữa cơm, đỡ bà chị dậy, cho bà uống mấy cốc nước chanh giải độc.
Thời tiết chuyển sang đông giá cùng với bầu không khí u ám, nhiệm độc trong gia đình. Vợ Đoan về đến nhà, không đã thúng đụng nia, móc máy gần xa thì cũng lầm lì một khối nặng chịch. Xét cho cùng, lòng tham vì sự thiếu thốn thường xuyên và sự sùng bái đồ hàng của người chị đã nông thôn hoá và thói xóc móc quá quắt của vợ Đoan đều là đáng trách, vừa có thể và cần phải thế tất. Khổ thay, Đoan vải nhập vai môn đệ của học thuyết nhị nguyên. Được lòng đất, mất lòng đò, anh cứ lơ lửng con cá vàng, loay hoay không biết sử lý các mối liên hệ sao cho phải. Vì trong thâm tâm chẳng nỡ trách cứ một ai nào. Nhất là lúc này đây, sau hơn một tháng đau đầu, mất ngủ, bà chị gái Đoan rơi vào cơn đau yếu lệt bệt. Tức ngực, khó thở. Nhức nhối xương cốt. Hâm hâm sốt. Chân run, tay ê mỏi. Bữa cơm, ép cũng chỉ vài thìa cháo gọi là. ốm đau bao giờ chẳng gây phiền. Người thân cũng vậy thôi. Thuốc men. Đun nấu. Nâng giấc, săn sóc, hầu hạ, hỏi han. Mệt nhọc và tốn kém là không tránh được. Mà hai mặt này, trong đời sống chỉ số an toàn quá kém cỏi hiện thời, đã quá dư thừa rồi. Tuy vậy, sự sai lệch nhịp điệu sống và nỗi ám ảnh lo ngại mới thực sự gây ra tâm trạng day dứt, bất ổn cho mọi người, nhất là vợ Đoan. "Bà ấy ốm đau quái gì! Chẳng qua thấy ông em giàu có quá nên nằm ăn vạ chơi thế thôi! ở nhà quê mấy khi được cơm bưng nước rót vậy!" Đoan đã nghiến răng để khỏi kêu trời, vì ý tưởng hằn học độc đáo ấy của vợ Đoan.
Chao ôi! Người vợ thân yêu của Đoan. Đoan hiểu ý. ừ thì y cứ tằn tiện, thu vén. Y cứ bo bo, bỏm bỏm. Y cứ duy lợi triệt để đi. ích kỷ hơn nữa đi cũng được! Chứ y không nên, không thể cạn tàu ráo máng, mất tình mất nghĩa, phũ phàng tàn tệ như thế. Sao y lại có thể quái ác đến nỗi thế? Hay đó là trạng thái bệnh lý và hậu quả của một cơn ám thị nặng nề y mới nhiễm phải gần đây?
Một lần nữa, cái Thuý bé nhỏ lại giữ vai trò cân bằng, san phẳng. Không một lời phàn nàn, không một cử chỉ sơ xuất, cần mẫn và tràn đầy tinh thần trách nhiệm, nó đóng trọn vẹn vai cô hộ lý, người cấp dưỡng, người cháu gái tận tuỵ săn sóc bác gái nó. Trong khi Đoan lo chữa chạy bằng tây y cho bà chị, thì nó hết ngày này qua ngày khác, hết lá vông, rồi lại xoa bóp dăn dở chân tay mình mẩy cho người bệnh ruột thịt. Đặc biệt, trước mọi điều trì tiết cay nghiệt bác gái của mẹ nó, nó chỉ độc một câu bác bỏ rất ngây thơ, nhưng vững tin và không sao bắt bẻ được: "Đâu mà!:".
- Mày thì biết cái gì mà động mở mồm là đâu mà! Đêm ngủ say như chết, mày có biết bà ấy nói mê những gì không?
- Bác ấy kể cho con nghe hết rồi!
- Hết rồi! Để đêm nay, tôi đánh thức cả nhà cho mà biết.
Đoan hiểu, nhưng không ngờ, ngay đêm đó bị vợ lay gọi:
- Dậy! Dậy mà xem bà chị ông la hét, không lại bảo tôi vu oan đặt điều. Trong cái màn cá nhân cũ mỏng là thân hinh lép kẹp của một bà già với những lóng xương chắp nối hờ hẫng... hoàn toàn không còn sinh khí, đang bị rung lắc trong cơn nhập đồng khốn khổ. Mặt bà hất lên, xác xơ, hao kiệt... Cái miệng méo xệch với cái lưỡi lúc bị đẩy ra, khi bị kéo vào liên tục phát ra những tiếng nói đứt nối, hụt hẫng như bi thắt nghẹn, rất khó đoán định.
Đoan đặt tay lên mảnh xương vai gầy gùa của bà chị, khe khẽ gọi. Người phụ nữ ngoẹo đầu, đánh rơi đôi tay trên ngực xuông chiếu, rên một hơi dài, nghèn nghẹn:
- Ơ ờ... xoan của ông trồng thì ông cứ chặt. Nhà ông xây, tủ ông sắm thì ông cưa phá... ờ ờ... con bê nữa, cũng bán nốt đi. Ôi giời... đánh hử? ừ, đánh đi! Cứ tưởng là, giờ cháy nhà mới rõ nhé... Giời ơi! Khổ thân tôi, cả nể nên cay đắng nhịn nhục bao nhiêu năm thế này...
Kẻ nhận ra nỗi đau đời thê thảm sâu sắc nhất, qua lời kêu than rời rạc nó, biết được sự thật bi đát ở phía sau vài lời sơ sài nọ, chính là Thuý. Nó ngồi ở giường ôm mặt thút thít khóc và run rẩy cũng còn vì giấc mê dự báo hồi nào.
Vợ Đoan cầm cái quạt nan phẩy muối, chui vào nằm hể hả:
- Đã thấy chưa! Hữu nhân, nhân mọc. Vô nhân, nhân trảm. Có sao thì mới ra nông nỗi ấy chứ?

*

Trưa hôm sau, hệ quả của tất cả xung đột ngấm ngầm mới thực sự có dịp bộc lộ. Vợ Đoan đi làm về, đèo một bì gạo hơn chục cân sau xe đạp. ý giữ xe ngoài sân, hai gò mà cao đỏ bừng, mắt xếch nháng nước, nhìn vào nhà, dóng dả:
- Thuý đâu! Ra đem gạo vào. Trút vào thùng cho khéo không lại rơi vãi. Gạo lên hai trăm rồi đấy, không phải là cứ xúc đầy nồi, ăn cho sướng mồm, nói cho sướng miệng là được đâu!
Nhận ra ngày vẻ gây sự của câu nói, Đoan đi ra, nhẹ nhàng bảo vợ:
- Nói khẽ một tí, mẹ Thuý à.
Gạt cái chân chống xe đánh cạch, vợ Đoan trừng mắt:
- A, cấm đoàn cả lời ăn tiếng nói à? Được đấy. Nhưng sao không biết bịt mồm kẻ khác?
Đoan chưa hiểu được ý nghĩa của câu nói sau, nhưng vội hạ giọng, nín nhịn. - Thông cảm một tí, mẹ Thuý. Bác ấy vật vã cả sáng nay, mới chợp mặt được một lúc.
- Thế tôi mồ hôi mồ kê nhễ nhại, sấp ngửa cả ngày để kiếm bát gạo thì muốn thế nào được thế ấy, hả?
- Người ta đang lúc đau ốm. Vì tình vì nghĩa nên...
- Tình nghĩa! Tình nghĩa gì cái kẻ bòn nơi khố bện, đãi nơi quần hồng, cái quân ngậm máu phun người.
Nhận ra một ý tứ cay nghiệt khác lạ. Đoan sửng sốt:
- Mẹ Thuý nói thế là thế nào?
- Có thế mà không hiểu à!
- Đừng nên suy luận không có căn cứ.
- Không căn cứ! Một giọt máu đàu còn hơn ao nước lã kia. Có đúng không? Khác màu thì tanh lòng, người xưa bảo vậy đấy, có biết không?
Đoan choáng vàng, mu mơ:
- Chuyện gì mà vòng vèo, quá đáng vậy!
Vợ Đoan nguẩy mặt, quyết liệt:
- Chả quá đáng gì sất. Tôi không thể chịu được nữa. Bà ấy ở đây thì tôi đi! Tôi đi! Để hai chị em ông sống với nhau!
Rõ ràng là câu chuyện đã vượt ra khỏi tất cả những đoán định của Đoan rồi. Đoan nhăn nhó:
- Mẹ Thuý đừng có giận quá hoá mất khôn.
- Tôi không thích dính với ai cả!
- Sao?
- Tôi không thích dính với ai cả. Nghe rõ chưa?
- Sao lại thế?
- Thế là thế chứ sao nữa? Muốn vặn vẹo hả?
Mặt vợ Đoan cheo hai vết sắt lém. Hàm răng không đều đặn, tráng nõn của y nhe ra như định cắt xé. Chưa bao giờ khuôn mặt có đôi lương quyền cao, hai con mắt một mì và cái chóp mũi cao sang vốn đẹp và đắc sắc, hiếm có của y, có một vẻ nung nấu, đáo để đến thế.
- Ông có biết là chị ông đặt điều cho tôi thế nào không? - Vợ Đoan bỏ chiếc xe đạp, xấn thẳng đến trước mặt Đoan. Môi bậm lại rồi mở ra, y nhả từng chữ tưởng như đã tuyển chọn hết sức kỹ càng vào mặt Đoan đang há hốc miệng vì kinh sợ: - Bà ấy bảo: mẹ cái Thuý, tức là tôi đây này, trông mặt không ra người Việt Nam ta. Mà họ Trương của tôi cũng không phải họ người gốc Việt ta. Cung cách ăn ở càng giống người ngoại lai. Ông biết thừa là hồi ấy ta đang có chuyện rắc rối với bên ngoài chứ. Bà ấy muốn bảo tôi là kẻ địch. Bà ấy muốn giết tôi. Giết tôi mà không gươm giáo! Không tin ông cứ đi hỏi khắp các nhà hàng xóm xem! Bà ấy muốn giết tôi! Phải nhớ rẳng người ta sống còn vì tiếng tăm, danh dự nữa nhé!
Trong buồng, bỗng có tiếng con Thuý vừa bê bì gạo vào lo to thảng thốt - Ơ kìa, bác Thảo. Bác ngủ đi chứ! Bác ngồi dậy làm gì!

*

áp lực tâm lý nặng nề, nhưng sức chịu đựng của con người cũng thật ghê gớm. Bà chị Đoan không hề biểu lộ một phản ứng chồng trả nào đáng gọi là có, trước cơn thịnh nộ công khai và cay cú của người em dâu. Người đàn bà ấy chưa suy kiệt cảm nhận. Chưa trở nên trai lì do đời sống cơ khổ quá mức huỷ diệt hết cả xúc cảm. Nhưng, bà yên lặng đến mức khó hiểu. Dưới cái vẻ bề ngoài hản nhiên ấy là sự nhẫn nhịn của kẻ yếu nhược? Hay bà giả đò không biết, còn trong bụng thì hết sức khinh nhờn kẻ đắc thế dương vây, ngoắc mỏ? Ra câu chuyện này lại là như vậy. Nhưng lẽ nào lại có thể đến như vậy? Và bà chị gái Đoan thực sự là kẻ đã gieo rắc mối nghi ngờ trong thâm tâm - Trời ơi, mấy chục năm qua, sự cạnh tranh của đời sống khốc liệt đến mức nào mà cả những con người hiền lành, thân thuộc với nhau cũng không thoát thói quen thường trước là phải xoi mói lẫn nhau, phải tìm ra sự khắc biệt để đối lập nhau, trái ngược hẳn với đời sống hoà đồng vốn dĩ - nên bây giờ bà há miệng mắc quai?
Sáng hôm sau, trời lạnh dưới mười độ. Bà chị gái Đoan dậy sớm hơn thường lệ. Như có phép lạ, bà bứt ra khỏi cơn ốm đau. Bà tự gấp chăn màn và sau khi rửa mặt chải đầu tinh tơm, ngồi bên mép giường, tay ôm cái túi xách trước bụng, như có ý đợi chờ.
Thuý bưng mâm cơm lên, thấy bác gái vậy, liền thất thanh:
- Bác Thảo! Bác định đi đâu?
Người đàn bà giờ đây đã thành nửa tỉnh nửa quê nhìn cháu gái và vợ chồng Đoan mời từ bếp đi lên, khe khẽ:
- Cháu Thuý, cậu mợ ăn cơm đi. Tôi hẵn còn no.
Đoan hiểu ngay rằng, sau đây là một cuộc chia lìa, một cuộc chia lìa hết sức lặng lẽ và đau đớn. Đoan kêu ấp úng:
- Gì thì chị cũng phải ăn bát cơm đã...
Vợ Đoan câm lặng ngồi đánh nồi cơm, rồi bỗng dưng đứng dậy, đi ra sân hỷ múi. Quay vào, y buâng quơ như là vô tâm:
- Thuý hôm nay đi học về sớm nấu cơm, mẹ có việc.
Y buông lửng câu nói vì nghẹn đắng. Trong y vừa xuất hiện một khoảng trống vắng quá lớn. Hay rút cục y nhận ra cái đối tượng mà y tạp trung trút niềm căm giận chỉ là một bà già ốm o, xơ xác thảm hại và cái lý do để y gưm giữ hận thù trong lòng bấy nay chỉ là một thứ trò vè ngớ ngẩn do kẻ khác bày đặt ra và bà chị chồng y cũng chỉ là một nạn nhân khốn khổ!
Những sâu kín hoàn toàn không phải lộ ở phần nổi của gương mặt. Mặt bà chị gái Đoan hốc hác, vô cảm. Bà đưa mắt nhìn Thuý, giọng tự nhiên đến không ngờ:
- à bác dặn Thuý: hai con gà mái sắp nhảy ổ rồi. Kiếm cái rá cũ, lót ít rơm, đặt lên mặt chuồng cho nó cháu nhé. Chóng thế, mới ngày nào lên chơi với cậu mợ, rồi ốm đau nhọc mệt, tính đến hôm nay đã là hai tháng mười ngày rồi.
Đoan ngẩng lên, thở dồn:
- Chị định đi đâu, chị Thảo? Còn ốm yếu thế, không đi được đâu!
Thuý sà đến, giật tay bác gái:
- ứ ừ, cháu không cho bác đi đâu đâu!
- Bác phải về quê. Về còn đi cấy vụ xuân chứ. Thuý!
- Đâu mà! Bác nói dối cháu.
Người bác đừa tay vuốt tóc cháu gái, miệng nhoẻn cười, mà mắt rưng rưng. -Bác đi chơi thế là lâu quá rồi. Giờ phải đi làm chứ cháu.
Vợ Đoan bỏ mâm cơm, đi ra hiên, với cái khăn lau mặt. Bỏ vai cháu gái, người đàn bà lần túi, tìm cái khăn chấm khe mắt, rồi bỗng cất tiếng khan re:
- Thôi, cậu mợ và cháu để tôi đi. Có ở lại cũng sốt ruột lắm. Lên chơi, thăm mộ ông bà, thấy cậu, mợ, cháu Thuý mạnh khoẻ, tiến bộ là mừng rồi. ở nhà quê, mờ ở đâu cũng vậy thôi, khổ cực là điều... Tôi không nói hơn nói kém... Thật tình sống với nhau, có lúc không phải. Nó cũng là vì... Ơ kìa Thuý để bác đi...!
Đoan đứng dậy, nhìn theo Thuý vừa ôm cái túi xách của bác nó chạy vào buồng.
- Thuý, cho túi của bác vào tủ, khoá lại. Chị Thảo chị chưa đi được! Em và nhà em chưa cho chị đi đâu!
Ngoài hiên, vợ Đoan áp cái khăn mặt ướt vào mặt, đứng im, không một lời.

*

Thắc thỏm, trưa đó, Đoan đáp xe về nhà trước giờ tan tầm. Bước vào nhà, anh nhận ra vợ anh cũng đã về, cái Thuý cũng bỏ dở buổi học. Hai mẹ con đang ngồi lặng trên đi văng.
Đoan hiểu ngày: bà chị gái anh đã bỏ đi rồi!
Lặng lẽ anh ngồi xuống cạnh cái Thuý thì nó bỗng như bật lên, quay sang mẹ nó nức nở:
- Mẹ chẳng hiểu gì cả! Mẹ tưởng bác ấy sung sướng lắm à? Bác ấy chẳng thiết sống nữa đâu. Bác giai ở nhà, cờ bạc, rượu chè, nợ nần bê tha, bán hết đồ đạc, cửa nhà rồi. Hai người bỏ nhau rồi. Con cái cũng mỗi người một nơi rồi. Bác ấy lên đây, định đi ở, đi trông con cho người ta đây. Sao mẹ nỡ lòng nào mà như thế!
Vợ Đoan, như cái bóng, lầm lũi đi vào buồng.
Cả tháng sau đó, y như biến thành một người khác, ít nói hẳn đi. Nhiều lúc y ngơ ngác, bần thần, mặt như có khói ám. Gia đình có ba người ai cũng bị dày vò nên rời rạc, lẻ loi đến lạ. Cái Thuý thì gần như cách ly với mẹ nó. Còn Đoan, vẫn là cái sinh thể đứng giữa các sự chia cách. Biết nói thế nào với vợ và con? Chuyện còn đó để lại những ám ảnh thật nặng nề. Ruột thịt mà thích biệt lập không muốn có quan hệ với nhau, thì thật là trái tự nhiên quá thể. Đau đớn quá cái hiện trạng này.
Từ năm đó, bà chị gái Đoan không bao giờ trở lại với gia đình Đoan nữa. Các cuộc hồi tổ định ký kết thúc. Nhưng cái Thuý thi thoảng vẫn gặp bác nó trong cơn mê hãi hùng. Còn Đoan, Đoan không nguôi thương nhớ người chị gái của mình. Nhớ đến chị, may mắn, ký ức Đoan vẫn in đậm khung cảnh khoảng trời cuối thu lồng lộng gió heo may, tràn trề làn sáng phản quan niềm vui mùa màng. Đoan vẫn nhớ đến hình ảnh người phụ nữ đẹp duyên dáng, hoà hợp bản ngã, với bản sắc đồng quê như một thực tế mênh mông, và cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao khôn lường. Những ngày đẹp như ngọc ngà, sao mà hiếm hoi thế trong đời người.
1991 (Hết)

Xem Tiếp: ----