Hắn nghe người ta đồn đại khá nhiều về một quán phở kỳ lạ, khách đến phải xếp hàng. Ai muốn ăn phải dậy từ rất sớm hoặc đến vào lúc đêm khuya. Đến sớm ăn phở nước đầu. Đêm khuya thì ăn phở vét. Chỉ hai thời điểm ấy là vắng khách.
Hắn đã sống qua thời tem phiếu nên hiểu thế nào là việc đi xếp hàng. Nửa đêm gà gáy, dù mưa rét cũng không được ngại. Cứ phải xếp được lốt ở cửa hàng gạo mới yên tâm. Hàng chục người mũ áo lụp xụp lặng lẽ đứng thành hàng với một sự kiên nhẫn mà có lẽ không thể gặp ở đâu khác. Những khuôn mặt vốn đã hốc hác vì thiếu chất, nay lại thêm mất ngủ trông vật vờ, như những hồn ma chờ ăn cháo thí. Ngần ấy năm, hắn để ý hầu như không ai bỏ cuộc khi chưa thấy cô nhân viên, phần lớn là xấu xí và cong cớn, tuyên bố ráo hoảnh: "hết hàng". Đó là điệp khúc kinh hãi nhất mà chả ai có quyền vặn vẹo.
Giờ đây tưởng chuyện xếp hàng đã thành một thứ di sản văn hoá. Vậy mà vẫn còn chuyện phải xếp hàng mới ăn được phở thì kỳ lạ thật. Hắn không giấu được cảm giác thú vị. Đó là đặc tính chung nhân loại. Khi cái gì mất đi mới thấy tiếc và gán cho nó đủ thứ giá trị. Giả sử cái thời xếp hàng trở lại thì thật khủng khiếp. Nhưng có người và ngay cả hắn cũng đã bắt đầu kể về nó bằng niềm hãnh diện, hãnh diện nhất là được thấy mình như những nhân chứng của lịch sử. Oách lắm chứ. Vì thế sau nỗi thú vị, hắn cảm thấy buồn. Hoá ra độc quyền bất cứ cái gì, kể cả vai trò nhân chứng về thời xếp hàng, cũng không dễ, không có gì đảm bảo chắc chắn về vị thế. Điều đó càng thôi thúc hắn phải đến tận nơi cái quán phở kia. Và hắn quyết phải ăn một trong những bát phở đầu tiên.
Hoá ra lời đồn đại là sự thật. Đúng là người ta xếp hàng để chờ ăn một bát phở sáng thật. Điều đó giờ đây đang đập vào mắt hắn. Điều khác với thời hắn xếp hàng mua gạo là bây giờ mặt mũi ai nấy béo đỏ, ăn mặc tươm tất chứ không mê đụp như trước kia. Bắt chước mọi người hắn cũng cầm sẵn tiền trong tay và đứng vào hàng. Hắn cố nghểnh cổ lên để nhìn về phía quầy, nơi có độ ba, bốn người đang thoăn thoắt thái, đập, xóc bánh phở, nhận tiền của khách, chan nước dùng, hò hét quát lác... dường như họ không thể nhanh hơn được nữa. Nhưng hình như khách hàng không hài lòng với tốc độ quá chậm chạp của họ. Điều đó khiến cả hai bên luôn ở vào tình trạng căng thẳng. Khách hàng giải toả bằng những câu trách cứ của người đóng vai trò thượng đế. Người của nhà hàng thì chỉ im lặng, đúng với bổn phận của kẻ luôn mong được phục vụ.
Có lẽ họ đã quen đến mức không còn cảm xúc nữa, mặc kệ ai muốn nói gì thì nói. Mặc kệ luôn cả sự cãi cọ, tranh chấp chỗ đứng của khách hàng. Người này bảo họ đến lượt trước, người kia cãi lại, người khác thừa cơ chìa tiền ra, khua vào tận mặt nhân viên nhà hàng. Trong thời gian ấy thể nào cũng lại có ai đó lợi dụng chen lên, khoái chí với sự nhanh chân của mình mặc những người phía sau gào lên đòi lôi cổ kẻ chen ngang mất lịch sự ra. Thành ra thứ vung vãi nhiều nhất là nước bọt. Hắn cũng dính một cục nước bọt của ai đó phi thẳng vào gần tai. Hắn cảm giác rất rõ bãi nước bọt đặc quánh của một gã nhất định bị bệnh hôi mồm.
Phía trước hắn một phụ nữ cũng phải vài lần lén đưa tay chùi nước bọt ở cổ đồng thời ý tứ đặt hai ngón tay bịt vào lỗ mũi. Khổ thân nàng, thân gái bị ép giò thế kia chỉ để ăn một bát phở liệu có đáng không? Mà đâu chỉ có mình nàng. Phía sau hắn các bà các cô vẫn lần lượt nhập cuộc, oang oang nói chuyện về băng vệ sinh siêu mỏng chỉ hợp với người hẹp háng. Tất cả những điều đó không chỉ đập vào mắt mà vào cả ngũ giác hắn. Hoá ra có những thứ thuộc về bản sắc thật sự, nghĩa là bất chấp thời gian, những biến động xã hội... nó cứ trơ ra, không sức mạnh vật chất, tinh thần nào thay đổi được. Ví dụ như chuyện xếp hàng đây.
Ở đầu hàng bỗng xảy ra cãi cọ. Một ông khách đang đòi đổi phở vì không đúng với yêu cầu của ông ta. "Tôi gọi tái gầu cơ mà, sao lại cho tôi tái nạm?". "Thôi, dùng tạm đi! - Ai đó góp lời. - Người ta trót làm rồi. Hôm khác ăn tái gầu". Có tiếng cười nổi lên. Ông khách quay sang vặc nhau với người vừa nói: "Ông nói cho Tây nó nghe. Mất tiền mua chứ ăn xin chó đâu mà phải nhận cái thứ mình không thích". Ông khách kia im lặng trong khi ông đòi đổi phở thì vẫn đứng như ăn vạ, tay bê bát. Nhân viên nhà hàng vội nhận lại, mặt vẫn vô cảm. Nhưng muốn đổi thì phải chờ bởi chẳng ai chịu nhường khi đến lượt mình. "Chị cho đây đi chứ?" - Ông khách đòi đổi phở sốt ruột giục nhân viên nhà hàng. "Vâng, bác chờ cho một lát". "Chờ, chờ, tôi ăn xin à?". "Làm cho tôi đi đã. Của tôi hai trứng".
"Đến lượt tôi". "Cái ông này, giẫm cả vào chân người ta!". Người phụ nữ trước mặt hắn lại lặng lẽ đưa tay chùi mặt, lần này là má. Hắn đã gần đến lượt, có thể nhìn thấy nồi nước phở sôi ùng ục, lộn nhào đủ thứ trong đó. Hắn quan sát đám nhân viên nhà hàng. Toàn những tay tổ của nghề băm thịt. Miếng thịt bò đỏ au, chỉ trong tích tắc đã nát nhừ dưới lưỡi dao. Rồi bẹt một cái, cả cục thịt bị băm nhừ ấy bám chặt vào bản dao và cứ thế tay nhân viên trút thẳng vào bát phở. Trong thời gian hắn nghĩ lung tung thì tay nhân viên đã kịp làm tới bốn miếng như vậy, không miếng nào khác miếng nào. "Thế có định làm cho tôi không thì bảo?" - Ông đòi đổi hàng bắt đầu nổi cáu. "Có ngay đây ạ!" - Một nhân viên nhà hàng vừa đưa tay ý tứ gãi sườn vừa nói. Sau đó chị ta lại thoăn thoắt bốc bánh phở.
"Cứ có ngay, có ngay... nhưng có đ. đâu!". Tay nhân viên đang băm thịt dừng lại nhìn nhanh người vừa văng tục. Hình như anh ta định nói gì đó nhưng chỉ thấy quai hàm bạnh ra rồi lại xẹp xuống. Khách tiếp tục đến, tiếng quát lác của mấy gã trông xe nhặng xị cả lên. Ông khách chờ đổi từ phở tái nạm sang tái gầu cuối cùng cũng được toại nguyện. Ông bê bát phở ra tìm chỗ ngồi nhưng mọi dãy bàn đều đã chật cứng. Loanh quanh mãi cuối cùng ông ngồi xổm ngay trên nắp cống chạy dọc vỉa hè, nơi cũng có vài người không chiếm được chỗ ngồi như ông đang húp xì xụp, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Họ chẳng để ý đến điều gì khác ngoài khoái cảm tạo ra do cách ăn ngốn ngấu.
Cuối cùng cũng đến lượt hắn chìa tiền ra. Giống như ông bị nhầm phở lúc trước, hắn không sao kiếm được một chỗ ngồi ăn đàng hoàng. Ngay cả một chỗ ngồi xổm trên nắp cống ngoài vỉa hè cũng không còn. Thế là đành đứng ăn vậy. Hắn cố tập trung cảm giác để tận hưởng hương vị của từng miếng phở và tìm cái lý do của những sự nhọc nhằn kia. Mùi nước phở quện lẫn mùi nước cống bốc lên khiến hắn thấy lờm lợm. Nhưng hình như chỉ mình hắn cảm thấy như vậy - Xung quanh mọi người đều cắm cúi ăn, cốt sao xong thật nhanh để thoát khỏi chỗ này và để không bị xô đẩy bởi những người mới đến.
Bỗng tiếng ồn ào nổi lên rồi chỉ thấy mấy tay trông xe lao vào vơ vội những chiếc ghế cáu bẩn ném đại vào phía trong cửa hàng, bất chấp việc ai đó chửi toáng lên. Một cùi tay thúc phải hắn đúng lúc hắn đưa bát phở lên húp. Chưa kịp nói gì thì người vừa gây ra sự cố - trông qua cũng nhận ra ngay là một giáo sư - nói như van: "Xin lỗi nhé". Hắn thấy chính ông ta cũng đang khốn khổ với chiếc áo bị những sợi phở ướt bám vào. "Ăn mới chả uống, khổ quá đi vác đấu!". "Này- hắn hỏi ông kia - ông có thấy ngon không?". "Ngon chó gì. Làm sao mà ngon được cơ chứ. Đã chả có chỗ ngồi lại còn phải chạy mấy ông trật tự". "Thế sao người ta vẫn cứ ra vào nườm nượp thế kia hả ông?". "Thì ông hỏi ngay chính ông ấy".
Hắn nhìn đồng hồ. Một tiếng cho bữa sáng. Hắn nhìn dòng người vẫn tiếp tục nối vào, mặt ai nấy đầy nhẫn nhục một cách khổ ải mà cám cảnh. Hắn lại thấy lờm lợm ở cổ họng. Hắn tự nhủ sẽ chẳng bao giờ bước chân vào quán phở này nữa.
Nhưng rồi bất đắc dĩ hắn lại phải đến. Như hôm trước, vẫn cả một dãy người dài dằng dặc. Hắn đứng phía sau một người đàn ông ăn mặc rất trí thức và hắn hớn hở ra mặt khi nhận ra ông ta chính là vị giáo sư hôm nọ. Hình như ông đã liếc tìm chỗ trên nắp chiếc cống ngoài vỉa hè, bởi cũng giống như hôm nọ, mọi dãy bàn đã kín đặc, người đứng người ngồi lố nhố. "Chào ông" - hắn chủ động lên tiếng trước. "Vâng, chào anh" - ông giáo sư uể oải chào lại, rõ ràng ông ta không muốn kéo dài thêm sự quen biết. Nhưng hắn thì lại không nghĩ thế. Hắn vừa nảy ra ý định là muốn tìm xem lý do nào khiến ông giáo sư trở lại quán phở này để một lần nữa - và có thể nhiều lần nữa - chịu cảnh cơ cực nhường kia chỉ vì một bát phở cho bữa sáng. "Tưởng sau bữa hôm nọ thì các vàng ông cũng không đến đây nữa" - hắn nói bâng quơ nhưng rõ ràng là đang nối lại mạch chuyện với ông giáo sư. Ông giáo sư không giấu giếm vẻ mặt khó chịu trước sự quan tâm quá đáng của gã lắm chuyện này, cố ý không trả lời. Nhưng hắn không chịu bỏ cuộc.
"Ông ăn ở quán phở này mấy lần rồi?". "Làm sao tôi nhớ được!" - Ông giáo sư khẽ cười khẩy. "Sáng nay ông có nghe thời sự không, chả biết chiếc xe khách bị đổ hôm trước có thêm ai bị chết?". Ông giáo sư quyết tâm quay mặt đi. Hắn đổi chân cho đỡ mỏi, hỏi tiếp: "Theo ông bọn trẻ không thèm nghe lời người lớn có nguyên nhân từ đâu?". "Thôi, kệ chúng nó! - người phía sau khẽ bảo hắn - Đứa nào không biết lo thân thì cứ việc chết. Vả lại người lớn cũng có ra gì đâu. Hẵng lo bữa sáng đi đã...". Nhưng hắn vẫn bám theo ông giáo sư: "Thế nào ông, phải có nguyên nhân chứ? Giới các ông phải hành động đi chứ...". Đến đây hắn chỉ thấy ông giáo sư khẽ xoay người lại, nhìn chòng chọc vào mắt hắn, hàm bạnh ra còn tiếng nói thì được nước bọt hộ tống phun như mưa. "Tôi ước ngay bây giờ là thằng đầu đường xó chợ để có thể tát cho anh một cái. Anh để cho tôi yên có được không?" "Sao ông lại nổi cáu với tôi?" - hắn thật sự ngạc nhiên. Ông giáo sư chưa kịp trả lời thì nhân viên nhà hàng hỏi "Bác dùng loại gì ạ?". "Cho tôi phở hôm nọ, à vâng, tái nạm". Rồi ông kiên nhẫn đứng chờ để tự tay bê bát phở ra vỉa hè, vừa ăn vừa loanh quanh tìm chỗ ngồi. Ông ăn như được lập trình sẵn, bao nhiêu sự khổ ải hiện hết lên mặt.
Trong khi đó hắn cứ nghĩ mãi mà không tìm ra lời giải thích việc ông giáo sư nổi nóng. Ông ta đáp lại lời hỏi thăm của người khác như vậy đấy. "Nào, có ăn không thì bảo!" - Người phía sau khẽ gắt lên. Hắn vội chìa tiền ra. "Anh dùng loại gì ạ?". "Cho tôi...loại gì cũng được. Nhưng mà này, sao ông ta lại nổi cáu với tôi?". Lời của hắn rơi tõm vào đâu đó trong khi nhân viên nhà hàng có vẻ khó xử. Hắn bưng bát phở, còn đang ngần ngừ thì đã thấy tiếng gắt um lên: "Được rồi thì ra đi để đến lượt người khác chứ". "Vâng, xin thông cảm. Tôi ngạc nhiên thật đấy...". Không ai thèm hiểu hắn đang nói gì.
Hắn thấy khinh bỉ, xấu hổ, thương hại, căm ghét... tất cả cứ lộn tùng phèo trong đầu. Hắn chỉ muốn hắt toẹt mớ ý nghĩ ấy, như hắn vừa làm thế với bát phở, nhưng không phải xuống miệng chiếc cống hôi hám kia... "Đồ điên"- mọi cặp mắt hướng về hắn đều để lộ ra ý nghĩ ấy. Nhưng kể cả hắn điên thật thì cũng mặc xác hắn, đám đông vẫn lầm lụi nhích từng tí một, như là họ không còn mối bận tâm nào khác quan trọng hơn việc phải ăn bằng được một bát phở gia truyền.

Xem Tiếp: ----