Địa phương gọi ông là ông Ba Văn Hóa; đó là bà con gọi theo chức danh.
Tính ông lại vui vẻ xởi lởi, sống thực bụng thực lòng, miệng nói bô bô ruột để ngoài da. Người dễ thương như vậy, theo tập quán dân vùng sông nước, rất đáng được tặng cho một biệt danh để xưng hô thường ngày, còn tên cúng cơm cha mẹ khai sinh chỉ để dùng đi đăng ký.
Lúc khai lý lịch để đăng ký kết hôn với cô Ba, trong tờ khai có ghi họ tên để điền tên thật, hàng dưới lại in thêm hai chữ bí danh. Chẳng lẽ để trống, ông nắn nót điền vào bí danh: Ba Văn Hóa.
Nhà ông ở cách cơ quan huyện năm cây số, còn vườn tược, phố thị nhà tầng chưa bò tới. Mảnh vườn cha mẹ để lại được hai công trồng cây ăn trái thời chiến tranh đã hứng một quả bom tạ để lại một hố bom đìa to tướng. Chẳng mất công san lấp, ông gọi người đến sửa lại thành cái ao và đặt cái sàn nước cho vợ rửa bát.
Vụ kiện cá ba sa xảy ra, các bè nuôi cá bị rớt giá thê thảm. Để nuôi thì tiêu tốn thức ăn lỗ vốn, đành bán đổ bán tháo rẻ chưa từng có. Cá còn nhỏ vài ba lạng cũng bán.
Ông Ba Văn Hóa làm kinh tế theo kiểu nghệ sĩ của ông. Ông ra nhà bè mua mấy cần xé loại cá năm con một ký thả vào ao nuôi cho ăn ba cọc ba đồng rồi chúng cũng lớn. Dễ gì kiếm loại cá vồ đém ba ký trở lên. Vậy mà ao nhà ông Ba có con cá vồ năm ký. Các nhà hàng rất thích loại cá ngoại cỡ này vì bày mâm rất bắt mắt.
Có bà con Việt kiều về thăm, bà Ba nấu canh chua cá vồ đém mời cơm.
Sau vài ly ông Ba Văn Hóa làm thơ:
Dù ai đi đến bên Tây
Cũng không quên được cái nây con cá vồ.
Khách cười thích chí rút bút ra bảo ông đọc lại cho ghi để đưa đi xuất khẩu, ông bảo thơ miệt vườn của chúng tôi cần hiểu nôm na mới vui.
Cái “nây (°) con cá vồ” này nên liên tưởng thêm ra là cái nây gì cũng được, béo ngậy như nhau mà...
Cơ sở báo cáo lên vườn tràm sinh thái có cò về làm tổ đông đúc lắm. Chiều chiều khi ánh tà dương sắp ngả về tây, cò trắng lũ lượt sải cánh bay về từng đàn. Trẻ con trải chiếu ra sân nằm ngửa mặt lên trời nhìn cò bay đến mãn nhãn. Ủy ban huyện chủ trương phải quản lý vườn cò, tổ chức thành một điểm tham quan sinh thái có thu, giao cho cơ quan văn hóa quản lý.
Ông Ba Văn Hóa lên kế hoạch xây bốn góc bốn lầu quan sát, du khách có thể từ trên cao hơn ngọn cây quan sát, chụp ảnh quay phim cảnh nhộn nhịp của họ hàng nhà cò. Dựng các lều giải khát nghỉ ngơi, kết hợp với bên giao thông tổ chức đoàn canô đưa du khách tham quan.Nhưng nội dung đề tài câu chuyện này không có mục đích bàn chuyện công tác mà có chủ đề hướng về chuyện tình yêu.
Trong cơ quan của ông Ba Văn Hóa còn hai phần tử độc thân. Một ông 35 tuổi cứ than thân rằng lớn từng này rồi mà chưa hề biết “cái ấy” ra làm sao vì chưa có cô nào chịu ưng. Một cô góa chồng ở vậy nuôi con, tương lai chưa định. Ông Ba vốn là dân sông nước phù sa, thích vun bồi cho hạnh phúc mọi người, ai cũng có bạn có đôi. Ông có thể gọi họ lên văn phòng làm mối xe duyên cho họ. Nhưng làm vậy còn gì là văn hóa, tình yêu không được áp đặt dù là cha mẹ hay cấp trên. Mà sắp đặt như thế còn gì là tình yêu thời hiện đại. Nhưng ông có ý tốt vun vào, có ý tốt mà không thực hiện đâu phải là con người có văn hóa. Ông bèn âm thầm sử dụng chiêu thức “lửa gần rơm” mỗi mình ông biết. Ông ra quyết định bổ nhiệm ông Thới phụ trách giám đốc vườn cò, còn cô Thơm phụ trách kế toán thu chi. Cái cảnh hẻo lánh nơi vườn cò thơ mộng một nam một nữ sinh hoạt chung cho tình mộng lên hương. Chuyện gì xảy ra do tự thân đương sự định đoạt. Biết đâu tơ trời vương vấn xe duyên, ông sẽ xây dựng cho họ một mái ấm, ông sẽ vui vì mình đã âm thầm làm một việc thiện.
Thời gian qua mau, mới đó đã qua hai mùa lũ. Du khách đến tham quan vườn cò mỗi lúc thêm đông. Hằng năm tổng kết thu nhập đáng kể mà tín hiệu ái tình vẫn chưa thấy nhấp nháy.Một chiếc xuồng máy cập bến trước cơ quan.
Cô Thơm đeo túi bước vào văn phòng.
- Sao? Khỏe không? Cô uống nước đi! Nào có việc gì báo cáo nghe coi! - Thưa bác! Cháu về xin phép cơ quan xây dựng gia đình. Đi bước nữa ạ!
- Hay quá! Tôi biết mà! Cô với ổng công tác gần nhau, thế nào cũng thành mà!
- Dạ thưa... ông nào ạ?
- Thì ông Thới chứ ai trồng khoai đất này?
- Dạ thưa... không phải đâu ạ! Mà là người khác cơ.
- Sao vậy, ông ấy có đui què điếc lác gì đâu mà cô chê?
- Dạ cháu đâu có dám chê! Dạ, chỉ vì không có yêu nên dễ hiểu đàn ông hơn thôi bác ạ.
- Trời ơi, vậy mà tôi cứ tưởng sắp xếp cho hai người công tác chung một nơi với nhau, gà mái gà trống sống chung chuồng thể nào cũng đẻ ra gà con! Sao cô không ưng ổng mà đi lấy người khác? Lửa gần rơm không trèm thì trụa mà.
- Dạ lửa có trèm nhưng rơm ướt nên không cháy được thôi bác. Tính ông ấy không thể hạp với cháu.
- Tính ổng làm sao mà không hạp?- Ông ấy chỉ biết tỏ tình bằng tay, bạ đâu hốt đó, sờ mó cọ quẹt, mò mẫm chứ không biết tỏ tình bằng lời ăn tiếng nói. Người như vậy tình yêu không lâu bền. Trước kia ông đã quen bao nhiêu cô, chị em đều chạy làng hết nên già rồi mà vẫn ế cũng vì cái tính bốc hốt đó. Cách đây không lâu suýt nữa là cháu đã hất trọn nồi nước xông đang sôi vào người ổng rồi. Ổng kêu nhức đầu nhờ cháu nấu giúp nồi xông. Cháu tất tả đi hái lá sả, lá tràm và các thứ cây thuốc nấu một nồi. Ông trải chiếu giữa nhà ở trần ngồi chờ. Cháu bê nồi xông bốc khói lên đặt xuống rồi xổ cái mền phủ lên. Bất ngờ ổng thò ra nắm tay cháu lôi vào. Cháu nổi xung quát: “Có buông ra không, tôi hất nồi nước sôi vào mặt bây giờ”. Sau đó ổng mới chịu buông. Bây giờ công tác chung nhưng ra vô nhìn nhau muối mặt lắm rồi.
- Sao cô không báo cáo lên.
- Tố cáo làm chi cho thất đức, xấu anh xấu ả. Biết đâu chuyện mèo mả gà đồng thành án chính trị ghi lý lịch suốt đời không ngóc đầu lên được sinh hận sinh thù.
Ông Ba Văn Hóa chưng hửng:
- Có chuyện ấy nữa sao? Vậy là xôi hỏng bỏng không rồi. Tôi có ý tốt muốn vun vén cho hai người nên tạo môi trường cho tình yêu nảy nở, đâu ngờ đất không chịu giống...
Rồi ông chép miệng như tự phê:
- Cũng là cái tật của tôi từ lúc còn học cấp II là hay cặp đôi các bạn con trai con gái cùng lớp cùng trường. Đâu hay mình sắp đặt tình yêu của người khác bằng trái tim trời ơi của mình... Tôi xin lỗi nghe! Để rồi tôi sẽ ký quyết định rút cô về huyện công tác, đưa người khác xuống thay. Nhưng lần này phải là nam giới. Còn chuyện hôn nhân tôi tán thành vì đó là quyền lựa chọn của cô. Nhưng phải thư thư đã. Đợi sau khi cô đã rời vườn cò về trên này công tác một thời gian cho nguôi ngoai đã. Đàn ông mà, muốn quá mà không được họ hay nổi khùng, sợ khổ cho cô! Ai lường trước được... Rồi báo chí đăng tin “đấm bốc ở vườn cò” thì nguy. Còn anh chàng cô định làm đám cưới này là ai?
- Dạ, anh ấy là bếp trưởng ở công ty du lịch, chưa lập gia đình. Hai năm nay cháu ra vườn cò công tác, gửi cháu bé lại cho bà ngoại. Ngày nào anh cũng đem xe đến đưa rước cháu bé đi nhà trẻ.
- Vậy được lòng trẻ con là được lòng người lớn chứ gì! Chiêu này thâm thật. Anh chàng này trước có đi lính không mà rành công tác dân vận quá vậy?
- Dạ có đi nghĩa vụ quân sự hai năm.
- Thảo nào...
- Khi anh ấy ngỏ lời, cháu bảo: “Tôi là gái đã một đời chồng, đã có con riêng. Anh là trai tơ, trai tơ nhưng không có nghĩa là anh không biết gì! Tôi giao điều kiện: nếu sau này sống chung ai mạnh về mặt nào người ấy phát huy, người kia không được can thiệp. Tôi mạnh về mặt giao thiệp chạy ngoài kiếm tiền, tôi đi suốt ngày anh không được ghen; còn anh nấu ăn ngon ở nhà đi đưa đón con và nấu cơm tôi về tôi ăn. Chịu không nói đi!...”. “Chịu!”.
- Cô nghĩ sao mà nói được câu: “Anh chưa có vợ không có nghĩa là anh chưa biết gì”?
- Trực giác thôi bác ạ. Trực giác là con mắt thứ ba của người phụ nữ. Phải biết nhìn giới mày râu trong suốt tận hồn cốt của họ mới khéo...
Chú thích
(°) nây: lớp mỡ ở bụng con heo.

Xem Tiếp: ----