Chỉ vì hai chữ "chân chống" - một phản xạ tích cực vẫn thường gặp trên đường phố - thế mà tôi cũng theo nàng về căn nhà. Vì nó rơi ra đúng lúc trời đang chuẩn bị trút cơn dông chăng. Khi mà ai nấy cố chạy thật nhanh để kịp về nhà hay tìm một chỗ trú, thì nàng vẫn không quên ngoái lại và: "Chân chống!".
- Con em đấy! - nàng chỉ vào bé con có đôi mắt trong veo, chừng lên ba, đang nghịch mấy tờ tạp chí.
- Nuôi con một mình à? - tôi thốt ra không ngờ. Lạy trời nàng đừng nghe thấy (hoặc vờ không nghe thấy đi cho tôi nhờ).
- Ờ, thì sao?
Ôi, nàng, đừng dọa.
- Chả sao, biết vậy thôi.
- Thế mà không sao à? - Nàng khó chịu với sự tỉnh rụi cố tình của tôi.
Rồi tôi cũng ở lại ăn cơm với hai mẹ con nàng. "Cho qua cơn mưa", nàng bảo thế và tôi ở lại. Mâm cơm tối có món thịt heo luộc chấm mắm chua Huế. “Quê em nhà nào cũng có trong chạn bếp một bịch mắm chua này. Không có thịt luộc thì ăn với khế chua, chuối xanh, bún hoặc rưới lên ăn với cơm không. Anh muốn thử xem không”. Không đợi ý tôi, nàng rưới rưới lên bát cơm tôi mới bắt đầu ăn. "Được đấy”, tôi thầm rủa sự dã man của nàng. Và liếc trộm sang bé con đang dùng muỗng xúc từng thìa cơm gọn ghẽ vào miệng. Bé con xinh quá. Nó giống nàng và chắc cũng giống bố nó. Nó có bố không nhỉ (ý tôi là một ông bố công khai). Biết đâu nàng một mình nuôi con thật. Mà như thế thì sao nhỉ. Uổng cho đời nàng quá. (Cỡ nàng phải là vợ một thương gia giàu có, lên xe xuống xe đều có người mở cửa. Không hiểu sao tôi lại nghĩ thế về nàng, khi ngồi bên mâm cơm sực nức mùi mắm chua và nàng trong bộ quần áo mặc ở nhà mà chiều chiều vẫn thấy treo trên những chiếc xe đẩy của mấy chị bán hàng rong. Nàng xinh đã đành, nhưng ở nàng toát lên một vẻ gì đó như là... đúng rồi, như là quý phái).
Tôi phải về thôi. Người yêu tôi đang đợi. Nàng không giữ, trời đã thôi mưa.

*

Người yêu của tôi xị mặt xuống:
- Sao giờ anh mới về. Nhắn em tới rồi bắt đợi gần hết cả buổi tối.
- Mưa quá, anh ghé qua nhà người bạn. Nó đang ốm nên tạnh mưa mà về ngay cũng ngại - Tôi trơn tru.
Chưa hết hờn dỗi, nhưng, như thói quen, em lại lăng xăng dọn dẹp căn phòng bừa bộn. Tiếng nước ào ào trong nhà vệ sinh, tôi biết em đang vò đống quần áo mốc bẩn tôi trút ra gần cả tuần qua. Theo lệ, mỗi tối thứ sáu em lại tới dọn dẹp nhà cửa. Em bảo, lê la hết quán nọ tới quán kia cho đến cuối năm cũng tốn kém, nhưng như thế vẫn tốt hơn là ở trong nhà chỉ có hai đứa với nhau. Tôi miễn cưỡng chấp thuận. Để có được căn hộ này tôi phải vận dụng hết mối quan hệ quen biết sau chín, mười năm lên thành phố và mẹ tôi phải thế chấp ngôi nhà và mảnh vườn của tổ tiên để lại cho ngân hàng. Giờ tôi phải làm để trả nợ. Người yêu của tôi thỏ thẻ: “Hay mình cho nước ngoài thuê, mỗi tháng được bốn, năm trăm đô, rồi mình thuê căn hộ tập thể nho nhỏ độ trên dưới 1 triệu, mỗi tháng dôi ra 3 triệu, gấp hai lần lương em còn gì, cứ thế sau hai năm, kết hợp với cả tiền anh kiếm được là mình trả hết nợ”. Người yêu tôi học toán thì dốt mà tính toán kiểu này sao nhanh thế. (Chẳng biết khi yêu tôi nàng có tính toán gì không). Cái thỏ thẻ của người yêu làm máu sĩ trong tôi nổi lên: "Nhằm nhò gì em, đời là mấy, ở được bao lâu. Sang năm anh trả hết nợ ngay ấy mà". Quả nhiên em ngước nhìn tôi đầy thán phục. Dựa vào tôi đầy tin cậy: "Cũng phải. Thời gian mới cưới là hạnh phúc nhất, thế mà nhà mình không ở lại đi tìm nhà trọ". Giọng em sao ngọt ngào vậy em. Em học văn, ra trường thất nghiệp, đi bán đồng hồ ở siêu thị M. Em bảo bán đồng hồ kể cũng vui. Cửa hàng chỉ bốn đứa con gái mà nếm trải đủ chuyện, tưởng các ông nhà văn giỏi hư cấu hóa ra những người xung quanh mình ai cũng là một câu chuyện thấm đẫm vị bi hài hết. Rồi gặp lại bà chị cùng khoa, học trước năm khóa xấu như ma chưa lấy được chồng, em rủ đi uống cà phê ba hôm với ông anh bốn mươi, biết ơn, bà chị xin cho em vào một nhà sách tư nhân. Em bảo đi làm sách cũng vui lắm. Không ngờ thời đại này mà người ta cũng đọc sách nhiều thế. Nhà sách tư nhân nào cũng làm sách. Thế mà vẫn bán được. Rồi đùng một cái em tuyên bố đã thi đậu vào cơ quan nhà nước. Được làm công việc đúng chuyên ngành, đạt được ước mơ, em có vẻ “tinh vi” hơn và cũng hay tỏ giọng lên lớp với tôi hơn. Mẹ tôi thường nói về em là "có con vợ như thế mới trị nổi nó". Được cả nhà ủng hộ, em càng làm cao. Em bảo tôi may mắn lắm mới có được em: em không xinh đẹp rực rỡ nhưng có duyên, biết lo lắng và chăm sóc gia đình, có công việc ổn định ở nhà nước và... lúc nào cần em vẫn có thể lãng mạn! (trong khi thực tế em mới là người may mắn: tôi cũng biết điều không kém gì em, thu nhập không đến nỗi tệ, nhiều người khen tôi đẹp trai, riêng món lãng mạn, với tôi có thể 24/24, và giờ tôi lại có căn hộ ở ngay khu trung tâm thành phố này nữa).
- Anh đưa em về - em vòng tay ôm ngang lưng tôi (cử chỉ yêu thương duy nhất tối nay em dành cho tôi) - Em đã làm xong phận sự, 22 giờ 15 phút rồi kìa.

*

Nàng nói vậy mà có lý, "thế là bớt đi một người mình không quen", sau hôm mưa tôi theo nàng về nhà. Mối quan hệ của tôi và nàng ở mức gần thân tình.
- Mai em về quê, anh trông hộ bé Thu được không, chỉ hai ngày em lên liền.
Nàng bảo tôi trông con hộ nàng ư. Có chết tôi không chứ. Em mà biết thì thế nào đây. Nhưng nàng không để ý đến vẻ mặt nhăn nhó của tôi:
- Thức ăn đã chuẩn bị sẵn trong tủ lạnh, chỉ việc mang ra chế biến theo cách thức em ghi sẵn trên giấy.
Thôi cứ ừ đại đi. Rồi tính sau. Về mấy ngày thôi mà, tôi tự trấn an mình.
Bé Thu giật giật áo mẹ: "Mẹ đi nhanh rồi mẹ về với con mẹ nhé" khi nàng ngập ngừng nơi ngưỡng cửa.
Nàng đi rồi, tôi đưa hộp hình cho bé Thu xếp. Chẳng mấy khi được nằm tựa lưng thế này mà ngắm nghía căn phòng của mẹ con nàng. Đồ đạc cũng nhiều chứ, nhưng tất cả thật ngăn nắp, thơm tho. Hai mẹ con nàng đã gắn bó lắm với căn phòng này rồi thì phải. Tôi lật từng trang album ảnh, thấp thỏm một hình ảnh nào đấy. Nhưng tuyệt nhiên không... Cất cuốn album vào chỗ cũ, tôi vắt tay lên trán. Nàng viện cớ về quê rồi không quay lại nữa thì sao nhỉ. Cũng có thể lắm chứ. Nàng đã tìm được người tương đối tin tưởng để gửi gắm đứa con ngoài ý muốn. Rồi 15 năm sau nàng sẽ trở lại, trong hình ảnh một phụ nữ đã thành đạt nhưng chưa đầy đủ hạnh phúc. Nàng sẽ tỏ lòng biết ơn tôi đã chăm sóc, dạy dỗ con nàng trưởng thành và sau đó cô gái sẽ trở về với mẹ nó. Tôi sẽ tỏ ra như một người đàn ông cao thượng. Trong tiểu thuyết thường thế. Mà tiểu thuyết và đời có xa nhau lắm đâu... Hay, đến một ngày đẹp trời nào đó bé con và nàng và tôi sẽ thành một gia đình. Nàng bị một gã đàn ông phụ bạc. Để lại đứa con gái và vô cùng nhiều những lời hứa hẹn. Khi đó trái tim nàng còn thơ ngây lắm... Trong khi nàng kể tôi sẽ lấy khăn lau những giọt nước mắt rồi không kìm mình được, tôi ôm chằm lấy nàng, nguyện sẽ bù đắp. Tôi tìm ra hạnh phúc đích thực. Chúng tôi sẽ bên nhau... Cũng ổn đấy chứ. Nhưng, nhưng còn em (bỗng dưng tôi chợt nhớ tới em), tôi sẽ sắp xếp em ở chỗ nào đây trong trí tưởng tượng số một của mình?
Nàng đẩy cửa bước vào, "em không về quê nữa". Bé Thu mừng rỡ ôm lấy chân mẹ.
Nàng kể, ngôi nhà nàng nằm trên đỉnh một con dốc ít người qua lại. Mỗi chiều nàng lại bế em ra đầu con dốc ngóng mẹ và chờ nghe tiếng tàu đi qua. Đoàn tàu qua chở theo những ước mơ tuổi thơ về những thành phố có nhiều ngả đường, nhiều xe chạy và cả rất nhiều bạn chứ không hiu hắt như nơi hai chị em đang thơ thẩn này. Con dốc đó giờ đã được san bớt, chỉ còn thoai thoải, mẹ bớt mệt hơn mỗi khi gần về tới nhà, nhưng nàng thì buồn. Và sau lưng ngôi nhà còn có những đồi thông xanh. Nàng vẫn thường trốn mẹ ra để lăn trên thảm lá mượt mà, trong tiếng gió vi vu giữa những trưa hè gắt nắng. Nhớ con dốc, nhớ tiếng gió trong đồi thông vô cùng, nhưng nàng vẫn không thể về (vì giờ đây nàng còn có thêm một hành lý khó mang theo nữa, bé Thu?).

*

Mai đã là thứ sáu. Em sẽ lại tới, để hì hục lau dọn nhà cửa, giặt giũ đống quần áo tôi ném ngổn ngang. Trong khi làm, em sẽ không quên nhắc nhở tôi về giờ giấc ăn ngủ, đi lại, và về một vài thằng bạn quen nếp sống buông thả có nguy cơ bị đuổi việc. Và tôi vẫn lắng nghe. "Em cứ xả hết, để ấm ức trong lòng lâu ngày sẽ phát sinh bệnh cằn nhằn mãn tính", kinh nghiệm cho tôi hay đừng bao giờ ngắt quãng mạch xúc cảm đang trào ra kia.
Mai tới, ví như tôi kể chuyện của nàng cho em nghe, phản ứng của em sẽ ra sao. Em sẽ nói những lời gắt gay hay thương cảm? Nếu em rơi vào trường hợp của nàng, em sẽ sống ra sao. Em có dũng cảm dắt bé Thu cùng về? Em - nàng, cả hai đều yêu thích sự sạch sẽ, ngăn nắp. Có phải em là hình ảnh của nàng trước khi có sự hiện hữu của bé con?
Em khoe, vừa được lên lương, cả tiền làm thêm ngoài giờ nữa giờ mỗi tháng tính ra gần hai triệu. Ba trăm tiền thuê nhà, một trăm tiền nhắn tin và gọi điện cho tôi và bạn bè (chủ yếu là cho tôi), một trăm tiền điện nước, ba trăm tiền giao du, quần áo, ba trăm tiền ăn... Vậy ra mỗi tháng nếu đừng ốm đau hay có việc đột xuất em dành được năm, sáu trăm chứ chăng chơi. Ôi, em! Tôi ôm cả cái tính toán kia vào lòng, cảm thấy thương em vô hạn.
Hoạch định sơ sài cái tương lai, em lại kể chuyện cơ quan (Mỗi bận gặp nhau em luôn có một chuyện gì đó để kể với tôi). Từ chuyện cô thủ quỹ vừa sắm được máy nhắn tin, mỗi khi có tin nhắn gửi tới lại phải mang kính lúp ra rồi luận từng chữ một, mà đối tượng nhắn tin đều là mấy ông hưu trí cùng tổ dân phố, có hôm cô còn nhắn nhầm vào mấy em rằng anh a em khong con muốn song giua nhan gian nay nua, em định trêu lại tin gì đó nhưng nghĩ phí mất mấy trăm đồng lại thôi, cho đến chuyện bác nọ có quyết định nghỉ hưu nhưng vẫn không chịu về với lý do "tôi vẫn còn sức, tôi vẫn còn muốn cống hiến"... Hôm nay em lại nhắc tới bà chị vừa về phòng kinh doanh tuần trước. Rằng chị này hơn em có bốn tuổi mà bản lĩnh lắm. Có con với người ta rồi một mình thuê nhà, nuôi con đầy đủ, đàng hoàng như ai. "Em bảo sao?", tôi buông tờ báo. "Anh lạ lắm à. Thỉnh thoảng vẫn có những người con gái như thế đấy. Tình yêu mà lại. Mà không bởi tình yêu cũng chẳng sao. Chị ấy xinh đẹp, năng động hẳn hoi chứ đừng có tưởng. Trông còn hạnh phúc hơn nhiều người đấy chứ. Em đã tới đó chơi. Thằng con trai yêu ơi là yêu, cứ như tranh vẽ ấy". Tôi thở phào. Mà sao lại thở phào cơ chứ. Chỉ vì đã nghe thấy được một chi tiết chứng tỏ người phụ nữ mà em kể kia không phải là nàng ư? Mà nàng thì đã sao đâu. Giữa tôi và nàng cũng đâu tiềm tàng một mối âu lo?
Dẫu sao thì căn phòng 11 mét vuông này cũng đã trở nên quen thuộc với tôi lắm rồi. Tôi sẵn sàng viện cớ bận việc mà không gặp được em để có những tối thật dễ chịu nghịch với bé Thu hay xem ti vi cùng nàng. Bé Thu thấy “chú” đến là quấn lấy không muốn rời. Sự có mặt của tôi nơi này không đến nỗi vô duyên hay vô tích sự gì đó. Một hôm, nàng nói với tôi: “Hình như anh ấy đã biết nơi chốn của mẹ con em". "...". "Là bố bé Thu. Cũng không sao, nhưng chẳng để làm gì nữa". Nàng chỉ nói vậy rồi thôi. Trong câu chuyện cũng không thấy nhắc lại. Chuyện gì xảy ra cũng đều có lý do của nó, tôi tỏ ra mình cũng là một kẻ biết tôn trọng cuộc sống riêng tư của người khác.

*

Nhảy xuống xe, tôi rẽ ngay vào chỗ nàng đưa quà cho bé con, trước khi nhắn tin cho em biết đã về thành phố sau mười mấy ngày đi xa. Nhưng họ đã dọn đi đâu rồi. Nàng cũng không muốn cho tôi làm người qua lại nữa sao mà chọn một cách ra đi vội vàng, lặng lẽ vậy. Bà chủ nhà tưởng tôi tới thuê trọ, liến thoắng: "Tháng, tiền nhà bảy trăm rưỡi, điện hai nghìn một số, nước hai lăm nghìn một người. Anh thông cảm, lương tăng nên thứ gì nó cũng tăng". Lẽ nào nàng phải dọn đi vì lý do đó? Hay nàng đã cảm chấy chỗ trú ẩn của hai mẹ con sẽ không còn được sự yên ổn nữa? Nhưng đi đâu giữa thành phố này? Một nỗi trống trải tràn ngập tâm hồn tôi. Phải rồi, biết đâu lúc này nàng lại đang dắt bé Thu đi giữa đồi thông xanh đầy gió, lắng nghe những âm thanh về chiều. Nghĩ thế và lòng tôi nhẹ đi. Ôi nàng, cũng hững hờ gạt lên và đi tiếp như với cái chân chống hàng bao lần sơ ý kia vậy sao?
... Em ít cằn nhằn, ít hoạch định cho tương lai hơn và cũng ít cười nói hẳn đi. Đôi khi nhìn em như đang nghĩ suy một điều gì ghê gớm lắm. Lăn xả vào làm ngày làm đêm để trả nợ nên tôi vẫn chưa kịp gặng hỏi xem điều gì đang diễn ra trong em. Thứ sáu tuần trước, em không tới. Chỉ chút ít băn khoăn, mong nhớ rồi tôi lại thay em làm tất cả. Thứ sáu tuần này, em cũng không tới. Tôi lao xe tìm gặp em. Hai đứa chọn một góc khuất trong quán cà phê. "Nặng nề làm gì phải không anh. Chúng mình thấy hợp lý rồi yên tâm với sự lựa chọn. Nhưng... thế đã đủ chưa?”. Mắt em ngấn nước, tay run lên trong tay tôi. Tôi sững sờ. Có cần thiết phải đến nông nỗi này không em? Có chắc rằng như thế là chưa đủ không em?!
(Doanh nhân SGCT)

Xem Tiếp: ----