Dịch giả : Lê Kim
Chương 21
Gặp Nguyễn Bình tại An Phú Xã
Huỳnh Văn Một kể chuyện miền Đông

 
Tại hội nghị quân sự An Phú Xã, Nguyễn Bình rất vui mừng được gặp hầu hết các nhân vật tên tuổi miền Đông. Một trong những nhân vật này là Huỳnh Văn Một, chỉ huy phó Giải phóng quân Liên quận Hốc Môn - Bà Điểm - Đức Hoà. Chỉ huy trưởng là Tô Ký, dân Hóc Môn, còn Huỳnh Văn Một là dân Đức Hoà.
Trong những ngày tại An Phú Xã, anh Ba thường tiếp từng nhân vật vào những giờ ngoài hội nghị để tìm hiểu thêm đất nước và con người ở miền Đông Nam Bộ mà anh có nhiệm vụ lãnh đạo. Huỳnh Văn Một hào hứng kể vắn tắt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Cố tổ Huỳnh Văn Một là Trần Lãnh, tên thật là Trần Bình Nguyên, làm lãnh binh dưới quyền quan kinh lược Phan Thanh Giản. Trong gia phả còn ghi mấy câu thơ nói về ý chí bất phục nhà Nguyễn bán nước cho Tây:
Nguyễn Ánh mặt dầy mày vắn
Cõng rắn về cho cắn gà nhà
Đau lòng thất quốc vong gia
Ai mà không xót, ai mà không cay...
Về sau Nguyễn Ánh thắng, tru di tam tộc những kẻ chống đối, họ Trần đổi ra họ Huỳnh. Cha Huỳnh Văn Một làm hương thân, còn Võ Văn Tần làm biện cho Xã Vui để làm bình phong hoạt động quốc sự.
Lúc còn nhỏ, Một đã làm liên lạc cho chú Võ Văn Tần ở các vùng lân cận như Giồng Lốt, Giồng Cám, Binh Hữu và Mỹ Hạnh. Đường xa, Một phải cỡi ngựa. Mẹ mất sớm, cha làm không đủ ăn, Một phải thôi học làm việc làm giúp gia đình. Một chịu ảnh hưởng của ông Nguyễn An Ninh. Mấy chục năm sau, anh vẫn còn nhớ bài thơ “Sống và chết” của nhà chí sĩ trí thức nổi danh của miền Nam:
Sống mà vô dụng, sống làm chi,
Sống chẳng lương tâm sống ích gì
Sống trái đạo người, người thêm tủi
Sống quên ơn nước, nước càng khi
Sống tai như điếc, xem càng khổ,
Sống mắt như đui, sống cũng kỳ
Sống sao cho phải nên kiếp sống,
Sống mãi ai muôn đời sử còn ghi.
Chết sao danh tiếng vẫn còn dài
Chết vậy gọi người đủ mắt tai,
Chết đặng đựng hình danh chứ mục
Chết đem vào sử, chữ không phai
Chết đó rõ ràng danh sống mãi
Chết đây chỉ chết cái hình hài
Chết còn nhân nghĩa, người đời khen ngợi
Chết cho thế hệ đẹp tương lai.
Năm 40, Nam Kỳ khởi nghĩa. Huỳnh Văn Một và Trần Văn Mậu làm binh vận ở thành Ô-ma. Hai anh phổ biến bài thơ kêu gọi binh lính bỏ trốn. Bài thơ có tên là “Một ngày lính, chín ngày tù” như sau:
Ở civil, tôi chẳng phải nghèo
Vào cơ lính nhiều điều nguy hiểm
Rương quần áo mỗi ngày mỗi điểm
Bộ nút chùi có bóng sáng ngời
Lúc bình thường chẳng được thảnh thơi
Lúc nằm ngủ ngơi không an giấc
Nghe kèn thổi anh em lật đật
Lấy áo choàng đứng gạc-đờ-bu
Trễ l’appel lấy sổ ở tù
Nếu nhẹ, rửa cầu một tuần lễ.
Theo kế hoạch thì anh em binh lính trong thành Ô-ma cướp súng tham gia khởi nghĩa trong thành phố, nhưng do có người phản, Tây biết trước vào giờ chót, ra lịnh cấm trại, cất súng vô kho. Ta chuyển kế hoạch đánh bọn ác ôn ở Đức Hoà, giết tên Quản Nên đã từng bắt Nguyền An Ninh tại cầu Bến Lức. Địch phản công, bắt bớ đốt nhà. Nhà Huỳnh Văn Một bị đốt, cha anh Một là Huỳnh Văn Bãi bị địch giết chết... Mấy ngày sau Một mới biết vì sao kế hoạch đánh chiếm thành Ô-ma (cam des Meres) bị bể: một người bồi có chân trong tỏ chức khởi nghĩa ngày ấy không đi làm mà không khai bịnh, không xin phép. Tây sanh nghi bắt điều tra thì lòi ra các đồng chí cầm đầu Mậu, Tót, Vinh. Trần Văn Mậu bị bắt sáu giờ trước cuộc khởi nghĩa. Mậu nhất định không khai, địch đánh anh tới chết. Một mặt địch cấm trại tân Đông Dương, một mặt còng chân cả đơn vị bị tình nghi... Dù vậy các nhóm vẫn khởi nghĩa. Bộ đội Đức Hoà do Huỳnh Văn Cảnh, Huỳnh Văn Một chỉ huy giết Quản Nên. Bộ đội Tân Phú Trung giết chủ sở cao su Cầu Khói Ameaux vì lầm hắn là cò Bataille, đốt dinh quận Hốc Môn, thu bốn súng. Bộ đội Gò Vấp, Bà Quẹo do Hai Chối chỉ huy đánh bót Ngã Năm lấy ba súng. Bộ đội liên quận do Chín Bính, quê Đức Hoà chỉ huy rút vô rừng, đánh địch truy kích tại Truông Dứa (xã Lộc Hưng - Trảng Bàng) rồi kéo qua Bời Lời lại đụng độ tại xã Lợi Thuận. Anh Bỉnh ở Tân Phú Trung bị thương chân và bị bắt sống. Tám Cảnh lên thay anh Bỉnh, rút bộ đội về Giồng ông Hoà (Đức Lập) qua Bời Lời để về Mũi Lớn (Tân An Hội) rồi rút vô bí mật. Bị giải về dinh quận Hốc Môn, Chín Bỉnh tỏ thái độ hiên ngang, bất khuất khiến chủ quận Thọ kính nể đích thân đem ghế mời Chín Bỉnh ngồi. Địch xử bắn Chín Bỉnh tại quận Hóc Môn.
Suốt cả năm trời, địch càn quét truy bắt những người tham gia khởi nghĩa. Huỳnh Văn Một chạy lên các sở cao su trà trộn trong dân các làng, làm thầy giáo đồng thời hoạt động trong giới công nhân cạo mủ. Do nằm trong các sở cao su mà anh Một biết chỗ Tây giấu súng phòng khi Nhật đảo chánh. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, anh tìm được trên trăm súng Pháp giấu trong rừng, có mười FM và mấy tấn đạn. Cùng tham gia tìm hầm võ khí của Pháp có chị Mười Thập (Nguyễn Thị Thập). Chuyện bất ngờ khó chịu là Kiều Đắc Thắng tự xưng là tư lệnh miền Đông tới tước đoạt số súng đạn này. Họ Kiều lớn lối nói:
- Vị tình đồng chí, tao chia cho mấy mấy cây stíng với 500 viên đạn và hai mươi cây ná. Đem về Đức Hoà mà khoe với đồng bào. Chớ tụi bây mà đánh giặc cái gì!
Về nhân vật Kiều Đắc Thắng, cần giới thiệu sơ vài dòng: Họ Kiều là công nhãn quê miền Trung, vô Sài Gòn làm ăn. Tánh tình giống như cha mẹ đặt tên: háo thắng. Thời Tây cai trị, không rõ Thắng làm gì mà bị Tây bắt đày ra khám Vũng Tàu. Thời may gặp Năm Bé là tay anh chị Xóm Chiếu bị Tây bắt giam ở khám lờn Sài Gòn mấy năm rồi giải ra Vũng Tàu. Năm Bé xuất thân công nhân Hải Phòng, ham đi giang hồ cho biết đó biết đây nên tình nguyện sang Pháp theo nhóm ONS - chữ tắt của Ollvriers Non Spécialisés - tức thợ không rành nghề. Pháp tuyển nhóm này đưa sang Pháp để phục vụ chiến trường chống Đức tặc. Nhưng tàu vừa tới Sài Gòn là Năm Bé nhảy lên bờ nhập vào giới bụi đời. Nhờ là thợ sửa chữa lặt vặt trong nhà nên vào tù, Năm Bé được thầy chú trọng dụng như sửa vòi nước, sửa khoá nước... Nếu nhà thầy chú không có việc gì cần sửa thì Năm Bé được phân công quét đường chung quanh khám và dần dần quét con đường trước Grand Hôtel du Cap (Khách sạn lớn ở Bãi Trước). Mỗi sáng quét đường, Năm Bé để ý một sĩ quan Hải quân Pháp lái xe hơi tới khách sạn ăn sáng. Tên này đậu xe sát lề rồi vô khách sạn, không hề khoá công tắc và bỏ chìa khoá vào túi quần như đa số tài xế.
Nghe Kiều Đắc Thắng tâm sự muốn vượt ngục, Năm Bé liền hiến kế: “Sáng mai, xin quét đường với tôi. Tôi chỉ cho cách tháo cũi sổ lồng”.
Năm Bé chỉ chiếc xe tên sĩ quan Hải quân đậu trước khách sạn cho Thắng để sớm hôm sau Thắng đánh cắp chiếc xe ấy trốn về Sài Gòn. Tới Bà Chiều, Thắng bỏ xe, đón xe đò lặn về Lái Thiêu.
Khi ta cướp chánh quyền, Thắng tự xưng tư lệnh miền Đông. Trong mấy tháng đầu, Thắng làm trời, ai anh ta cũng cho là Việt gian, dù có đủ giấy tờ. Còn nhà máy nào ông ta cũng xung công. Ai cự nự thì bắn bỏ. Danh sách nạn nhân của hung thần Kiều Đắc Thắng dài sọc. Rất may đặc phái viên Trung ương Nguyễn Bình tới tỉnh Thủ sớm để chấm dứt một thời tác oai tác quái của họ Kiều.