Con của chồng

Chuyện thời nay nhưng giống hệt chuyện xưa, như ông bà ta thường nói: lịch sử lặp lại mà! Nên phải viết theo thể văn xưa đọc ngân nga dung dị nghe mới vui.
Việc thành lập nông trại, khuyến khích kinh tế nông thôn phát triển gần đây mới nghe nhựt trình nói, nhưng thực ra cốt cách từ thuở cha ông đi mở nước vẫn lưu cửu trong huyết quản đến lớp hậu duệ chít, chắt, cháu, con, nên còn nhiều lắm những lão nông tri điền.
Tư ó vốn thuộc thành phần ấy. Bạn bè từ thuở lớp ba trường làng hỏi - Tại sao tiền của có, cấp bằng chỉ thiếu một năm là đỗ đại học, tiếng Hoa có thể đọc sách Khổng Tử, tiếng Pháp lúc nào cũng kê đầu giường tác phẩm của Đuma con, nhà cửa tiện nghi không chịu ở, lại đi lên rừng khai khẩn? Tư ó đáp, để rồi xem Nhất sĩ, nhì nông, hết gạo chạy rong, nhất nông nhì sĩ. Bữa nào có rảnh rỗi, các cha lên trển chơi với tôi, sẽ thấy mấy đứa chăn bò đàn của tôi toàn là dân văn phòng ở thành phố, thất nghiệp hồi kỳ hợp tác xã thủ công dẹp tiệm, và mới đây suy thoái kinh tế, khi các con rồng châu á gặp khó khăn, khu chế xuất giải thể bớt công nhân tôi đã chẳng vừa vớt các em lên trên ấy đầy một xe 12 chỗ ngồi.
- Chắc trăm phần trăm là con gái hả?
- Tất nhiên, làm xưởng sấy chuối, đến mùa lại sản xuất long nhãn, cần phải chọn người sạch sẽ, khéo tay như thợ may ấy chớ! Làm ăn như vậy, sau này có đối tác nước ngoài muốn đầu tư đến xem, họ mới chịu bỏ của ra làm ăn với tôi chứ!
Vào đây làm được trả lương, được học nghề, sau ba năm, nếu biểu hiện tốt sẽ cho ra làm chủ, trang trại sẽ tạm ứng cho con giống, vật tư, kinh phí hoạt động trả dần bằng sản phẩm để tự làm chủ.
Nhưng có điều kiện: phải cố gắng làm việc vì lợi ích của trại, không được lười biếng, không tham ô, không phá làng xóm để dân phiền trách. Nếu sai phạm sẽ không được ưu tiên như trên và cho nghỉ việc.
Mô hình 3 năm làm công nhân nông nghiệp được ra làm chủ thành hiện thực đã ba vụ.
Riêng năm trước, có trường hợp phá lệ, một cô gái được ưu đãi cá biệt mới hai năm được ra làm chủ - Miếng đất hơi xa, nhưng đất tốt gần suối, ông chủ lại tạm ứng cho một gian nhà xây đơn sơ cửa nẻo kín đáo, có 3 gian chuồng nuôi lợn sinh sản...
Người ta xầm xì: hồi mới ra riêng không thấy gì, nhưng gần đây thấy cô ấy mặc váy rộng, cần cổ cao, lông mày dựng, đi đứng khó khăn vì đứng thẳng vướng bụng không nhìn thấy ngón chân cái.
Chuyện ấy ở trên rừng, bà Tư ó làm sao biết được, chỉ thấy một tuần hoặc nửa tháng xe ông Tư ó về một lần - chở theo nào lợn sữa để quay, mít, đu đủ, chuối, nhãn, sầu riêng, cà phê... và phong lan rừng nữa - nên bà vẫn vui vẻ trông coi nhà cửa, mỗi lần ông về như đêm động phòng huê chúc.
Tư ó xưa nay vốn kẻ chung tình, xót nỗi đường xá xa xôi, chưa già mà cô đơn trên chốn khỉ ho cò gáy bên góc rừng thưa như cảnh ngộ anh lính thủy viễn dương lênh đênh trên mặt biển, cả tháng cả quý không có gái để giải sầu, lúc cái thằng người tự nhiên của tạo hóa nó lồng lên chẳng chịu nằm yên, bèn mượn đỡ vài giọt chung tình đem tạm ứng những tưởng mây mưa rồi sẽ tạnh, nhưng tạo hóa cũng chơi khăm, hạt có gieo thì mầm có nẩy.
Kẻ hảo hớn dám làm dám chịu nên Tư ó không thể đành tâm hát bài tẩu mã để phận má hồng chịu cảnh trái ngang - Ông chủ trang trại suy đi tính lại, kế vẹn toàn không cách nào hơn rút ngắn thời gian 3 năm còn hai, để xây ổ cho nàng ở cữ lần này, và sẵn ổ đẻ sau này. Lịch sử lập làng lập ấp xưa nay không thấy có thống kê có bao nhiêu cụm dân cư khởi thủy từ mỗi một mầm sống ban đầu trôi giạt đến một nơi hoang vu nào đó dựng lều, gieo hạt, dần dần sinh con đẻ cái đông đủ lên thành xóm thành thôn rồi đặt thành tên làng có chữ "Nhân" chữ "Nghĩa" chữ "Hưng" chữ "Thịnh" chữ "Phú" chữ "Hòa" chữ "Lương" chữ "An" chữ "Mỹ" chữ "Tân"... đứng chung trong một cụm từ kép thành danh xưng địa chí? Nhưng mà có đấy!
Đến chín tháng mười ngày nở nhụy khai huê sinh hạ một tiểu thư tiếng khóc tu oa hòa với tiếng hát chim muông, không khí đồng rừng đỡ cô quạnh - cha là ó nên tên con là Quyên - Quyên Quyên gọi kép nghe thanh cao, như tiếng chim hót.

*

Người xưa chép chuyện chiến tranh, luôn có chuyện đàn bà, thành những thiên tình sử.
Ngày nay làm kinh tế thời bình cũng có chuyện tình sử, tại sao không?
Ông Tứ ó vui được đến ngày cháu bé biết ngồi, bụ bẫn dễ thương.
Lần ấy, ông về Sài Gòn, với vẻ gầy gò hốc hác. Bà lo lắng:
- Ông làm sao vậy? Có đau ốm gì không?
- Có gì đâu? Đang mùa vụ, việc nhiều quá, nghỉ ngơi vài ngày lại sức ngay thôi mà.
Bà vội vàng vào Chợ Lớn bổ thuốc Bắc: quy thục, sâm, táo tàu, hạt sen, long nhãn về tiềm vịt béo cho ông bồi dưỡng. Bà biết đâu ông hao mòn vì tâm bệnh.
Cách ba gian có đôi vợ chồng trung niên, ông bà Ba Dần là bạn thời đi học của ông. Ân tình đến thế, nên có chuyện gì khó xử ông Tứ ó thường đến giãi bày với hai ông bà bạn cố trí.
- Anh chị Ba ơi! Tôi khổ còn hơn tổng thống bị phanh phui vì chuyện tình ái. Những tưởng sắp đặt cảnh điền viên cho hai mẹ con cô ấy như vậy là vẹn toàn nhưng đâu có ngờ.
Hồi sanh con cháu khó khăn quá, cô ấy chuyển dạ đến hai ngày. Tôi không rời một bước bên cạnh cô đỡ của phòng y tế địa phương. Thai nhi như linh cảm trước rằng ra đời là khổ nên đưa mông ra trước, dừng ở đó rất lâu, ỉa cho đời một giọt cứt su, tôi trông thấy rõ màu vàng xanh ấy suốt đời không thể quên được, sau đó mới gặp đôi chân vào bụng lùi ra để chào đời.
Sản phụ lại bị sát rau. Cô đỡ phải vuốt bụng cho cô ấy, cho đến khi một bà lão nắm đuôi tóc bảo há mồm cho vào cổ ngoái, cô ấy mới thở hắc một cái để yên lành vượt cạn.
Hú! hu! (người già không đủ răng khóc trông não lắm). Tội nghiệp cô ấy, chỉ tưởng được hạnh phúc bồng bế con thơ cho bú mớm cho đến khi trẻ biết màu sắc. Anh chị nghĩ coi, sinh nở như thế sức khoẻ lấy đâu còn, tôi lại vụng về quá, lại phải giấu diếm làm sao chữa trị, cho vuông tròn, tôi lại công việc ngập đầu nữa. Khi anh em chạy về báo chỉ kịp đến, được một lời trối trăng rồi vĩnh biệt.
Bà Ba hỏi:
- Chị ấy trối với anh những gì?
- Trong tiếng thều thào tôi nghe: "Lạy chị ấy giùm em... Chị ấy nuôi con giùm... Em lạy! Em lạy...". Chỉ được có thế và đi luôn.
- Ôi! Vậy anh nói với chị Tư chưa?
- Nếu nói được, tôi đâu có sang đây cầu cứu anh chị?

*

Bà Ba Dần thân chinh sang thăm bà bạn. Láng giềng chỗ thân tình qua lại thường xuyên chỉ đánh tiếng từ ngoài sân không cần gõ cửa.
- Này! bà chị thân yêu! Chị phải lo cho sức khoẻ mai sau của chị, chứ tôi thấy chị lu bu suốt ngày, nhà cửa rộng thế này, chị không đau lưng sao? Làm sao cố gắng sinh thêm một cháu gái, chứ lần nữa mãi, tuổi của mình không còn trẻ nữa đâu!
- Bữa nay chị cao hứng gì vậy? Từng tuổi này rồi còn mang trống, không sợ phố phường cười cho ư?
- Chị may mắn thật, ảnh giỏi làm ăn, có bản lĩnh, năng nổ hơn nhà em, giá bà chị có đứa cháu gái nữa, đến lúc về già, nó hủ hỉ ở nhà với mình, đau ốm có đứa nó xoa bóp đấm lưng thì chị toàn phúc toàn mỹ. Chứ con trai bây giờ hả, chúng chỉ lo cho vợ chúng. Mười hai tuổi là chúng chỉ biết mình khi xoè tay xin tiền rồi biệt. Chị lại giỏi nghề gia chánh, phải có đứa cho chị truyền nghề, để thất truyền uổng lắm.
- Cái số thôi! Trời Phật cho gì được nấy.
- Hay là rước một đứa về nuôi. Tây đầm ở xa tí tè, thủ tục nhiêu khê, họ vẫn đến nước mình xin con nuôi. Mình bồng bế, chăm sóc thương yêu, quen hơi lớn lên có đứa hiếu thảo còn hơn con ruột.
- Ai người ta banh da xẻ thịt sinh ra tự dưng đem cho mình. Còn tiền của lấy đâu ra như Tây đầm?
- Nếu có người vì hoàn cảnh muốn gửi gắm một bé cho chị, chị có đồng ý nuôi không?
- Ai vậy?
- Nhưng mà chị rộng lượng bao dung em mới dám nói... Đàn ông mà, thường tình thôi, sẩy nhà là có chuyện này nọ, như con nít vậy, thèm của ngọt thấy kẹo là vồ ngay thôi. Tưởng chuyện qua đường đâu có dè có gieo là có quả.
- Chị nói ai vậy? - Bà Tư ó sinh nghi.
- Nhưng chị bình tĩnh, đừng có giận, em mới dám nói!
- Chuyện thiên hạ, hơi đâu mình giận?
- Không đâu, chuyện có liên quan đến chị!... Đang khóc lóc với nhà tôi ở bển... Tôi sang đây là vì anh Tư anh sợ chị, cầu cứu với vợ chồng tôi... Hừm! Không biết nên nói là may hay là rủi. Cô ấy sinh nở khó khăn nên cháu mới năm tháng đã mồ côi mẹ rồi.
Bà Ba dần kể tỷ mỷ tình hình xảy ra trên nông trại như lời ông Tư ó, rồi thấp giọng:
- Tình cảnh của anh Tư bây giờ tiến thoái lưỡng nan, giao đứa bé về cho bên ngoại nó nuôi thì lương tâm trách móc, cho người khác nuôi thì suốt đời ân hận. Như con gà mắc tóc bên nhà tôi bây giờ, thiếu điều muốn về lạy chị để tạ tội, cầu cứu xin chị mở lòng hỉ xả từ bi thì đại đức của chị ví bằng Quan Âm Bồ Tát, Thị Kính nuôi nấng tiểu đồng ngoài Am Vân.
Bà Tư ó nghe như muối xát trong lòng nhưng ngoài mặt lộ vẻ bình tĩnh để nhử con mồi là ông Tư dám vác xác về.
- Chị về đi, để rồi tôi tính, tôi không tha cho ổng đâu, còn con cái nữa chúng lớn cả rồi, làm sao đây để chúng không coi cha chúng chẳng ra gì. Không lẽ băm vằm ông ra trăm mảnh cho voi dày ngựa xéo.
- Nhưng chị nên nghĩ lại, tội của người lớn, trẻ con nó có tội lỗi gì? Chị càng rộng lượng, anh Tư càng nồ trọng chị, lá tìm cội thôi chị Tư à!...
- Được, chị cứ về đi.
Bà Ba Dần tưởng bà Tư đã xuôi tai, vội vàng đứng lên từ giã ra về để báo tin lành cho hai ông bạn cố tri.

*

Ông Tư ó ra đến cửa còn dừng chân ngoái lại để nhận thêm chỗ dựa tinh thần. Cửa khép rồi ông vẫn tần ngần đứng lại một lúc để chuẩn bị lời tự phê như một người sắp bước lên sân khấu giao lưu, ôn trước câu ứng xử?
Mười lăm, rồi hai mươi phút, lắng nghe không thấy gì ầm ĩ, bà Ba Dần đẩy ông Ba ra bảo thả bộ dọc vỉa hè đến sát cửa nhà ông Tư ó nghe ngóng. Đến nửa giờ mới sinh nghi hay là sự im lặng trước cơn bão tố?
Lại nghe "rét! rét!", tiếng cửa sắt kéo ra, ông Tư ó đỏ bừng mặt có vẻ thất vọng, buông mình xuống ghế xô pha:
- Chị có rượu cho tôi một ly. Chỉ có say mới hết đau khổ!
Ông nốc cạn, dằn cái ly xuống mặt kiếng:
- Không xong rồi, anh chị Tư ơi! Bả dứt khoát như treo miển chiến bài:
- "Quyền của ông! Ông muốn đem con bé về đây thì đem, nhưng tôi đi! Bỏ nhà lại cho ông ở! Với tôi dứt khoát, mối nào một mối thôi! Tùy ông".
Ông Ba Dần rót thêm cho một ly rồi giấu cái chai - nháy mắt ra hiệu cho bà Ba vào trong. Hai vợ chồng hỏi ý với nhau một lúc rồi bước ra ngồi hai bên ông Tư rỉ tai: "Phải làm như vầy... như vầy...".

*

Anh chị em trên nông trại thấy xe ông Tư lên chở theo một ông Tây mắt xanh, tóc vàng, mũi cao, người bảo là Mỹ, là Pháp, Đan Mạch - nhưng chỉ thấy ông Tây tươi cười vui vẻ rất cảm tình. Cơm nước xong, lại thêm chuyện lạ, ông ta đeo một cái địu màu xanh, dân ở đây chưa từng thấy bao giờ. Địu đeo trước ngực, đặt bé Quyên Quyên ngồi như ẵm ngửa, hai chân buông thỏng, bụng thít dây đai. Họ vây quanh, mừng mừng, tủi tủi, nựng nịu bé Quyên Quyên lần cuối trước khi em theo ông Tây về nước.
Ngày hôm sau, anh chị em nông trại lại thấy một chiếc taxi vàng từ thành phố lên, chạy thẳng vào sân. Bà Tư ó đeo túi bước xuống trông như cấp trên về thanh tra cơ sở. Ông Tư ó bước ra mừng rỡ, trong vẻ tự nhiên như ông giám đốc, làm ăn nghiêm túc không có gì sai phạm phải lo lắng.
Bà Tư vào, quan sát trước sau khắp lượt dặn sắp nhỏ lo cơm nước cho bác tài, vì xe bao ở lại chờ đến chiều đưa bà về.
Buổi trưa bà Tư không nghỉ ngơi, bà bảo là đi thăm qua công việc làm ăn của ông. Ai có thể tin lời đương sự, mặc dù ông đã bảo giờ này con bé đã lên máy bay cùng với cha mẹ nuôi về tận bên nước Na Uy tuyết trắng.
Bà tìm gặp cháu Hưng con trai của ông Ba Dần vì chuyện phòng the, chỉ có hai người ngoài cuộc mới khả dĩ có thể tin tưởng được.
- Bác trai nói thật đấy bác, bác cứ hỏi mọi người đi! Ai cũng thấy ông Tây đưa bé Quyên Quyên đi, địu ngoài trước bụng như thế này này! Con bé vậy mà có phước được đi Tây ngon ơ!
Chỗ này đây là đất bác Tư phân cho cháu một héc-ta mía, năm con bò. Cháu không nhận nuôi heo vì một mình nuôi heo lỉnh kỉnh lắm. Đất giáp ranh đây là cô người yêu của cháu, tìm hiểu lâu rồi, sắp cưới, hai đứa chung lại được hai héc-ta, bên cô ấy có nuôi heo.
Còn gần suối kia là đó đó! Chỗ xây ổ đẻ của bác Tư, nhưng chuyện đã qua rồi như mưa dứt mây tan. Bác có đến xem không?
Bà Tư vào gian nhà trống toác, vài viên gạch kê giường còn đây đó trên nền nhà, treo trên dây còn một cái rổ làm nôi, người ta không dọn đi làm gì. Xuống bếp bà Tư cúi xuống cầm cái cán thìa một nửa cắm xuống tro, đó là một cái muỗng múc bột cho trẻ.
- Mộ của cô ấy ngoài kia, bác có ra xem không?
Bà Tư theo ra đến nơi thấy nắm đất lè tẻ, có dựng mộ bia bằng đá khắc tên Lê Thị Thơm, sinh năm 1970, thọ hai mươi tám tuổi - cũng là nhi nữ bà Tư sao khỏi chạch lòng cho phận hồng nhan mệnh bạc.
Trên đường về bà Tư gặp một quán lá, bà ghé vào mua cho Hưng hai gói thuốc thơm, tiện tay bà rút ví lấy ra hai tờ giấy năm chục dúi vào tay đứa con hai ông bà bạn cùng phường.

*

Bà Ba Dần về quê một tuần lễ - khi taxi đưa bà trở về - cánh xe mở - Bà khom khom bước ra thận trọng bế một cháu bé đang ngủ bọc trong tã lót - Bà bảo các con lấy hành lý, bế trẻ đi vào nhà - đặt lên giường.
Các con của bà vây quanh, không hỏi xuất xứ mà ngắm em bé trước đã - Tình yêu trẻ là tính tự nhiên. Xét một con người, nếu họ biết yêu trẻ con là đã đủ thấy hai phần ba nhân cách rồi.
- Con gái chúng mày à! Ôi sao bé xinh thế, lông mi nó cong cong là!
- Reo to quá! Để bé ngủ, xem hai bàn chân này, ngón tí xíu đều không. Con ai vậy má!
- Họ hàng xa tít tí tè ấy mà. Mẹ nó gọi bà thông gia của má chồng cô Hai các con bằng dì... - Bà giấu mặt mỉm cười để chế thêm - Sanh ra được mấy tháng mẹ nó mất, gà trống nuôi con đến trụi lông - Ôi sao ở nhà quê họ đẻ lắm thế? Tía nó ở nhà nuôi con thì không đi làm ăn được đói cả lũ - Thấy vậy mà xin về nuôi - Bây giờ có chịu bế không?
Em bé giật mình thức giấc, trở mình vươn vai, bơi cả bốn chân tay lên không, đòi bế.
Bà Ba bế trẻ - Chỉ vào túi xách bảo lấy cái bình sữa - Bé bú xong tươi tỉnh - Cô Dung giành bế - Cổ bé còn yếu, không ngửa mặt lên nên các anh chị phải rùn xuống vừa ngắm vừa trêu để chờ đón nụ cười - Cô Dung kêu lên: "Ôi nó tè rồi, nóng quá".
Nghe bà bạn về - Bà Tư ó sang chơi.
- ở đâu ra vậy nè!
- Dưới quê chứ ở đâu! Đẻ ra nuôi không nổi tôi bế về đó, để mấy đứa nhỏ nó ham em khỏi đi bế con hàng xóm về chơi.
- Đưa bác bế tý nào? Bà Tư ẵm bé, tưng tưng nhè nhẹ, vỗ vỗ lưng. Bà ngồi lên ghế, đặt bé lên bàn cho hướng về phía mình để ngắm:
- Ôi sao tôi ưng bụng con bé này quá!
- Thôi đi bà chị! Tôi cực khổ bế từ dưới quê về đừng có giành - Cực khổ gì bằng nuôi trẻ con. Nhưng bà chị không có con gái, nên kiếm xin một đứa về nuôi. Từ Dũ thiếu gì? Bà Ba lại giấu mặt mỉm cười.
- Ôi sao tã lót như thế này? Để tôi về lấy mang sang cho cháu. Tã lót quần áo của mấy đứa nhà tôi từng năm tuổi tôi vẫn giữ lại tất không sót cái nào - Chị khỏi phải sắm.
Trẻ hay ăn chóng lớn, bé Phượng (tên của bà Ba chọn) biết lẩy, biết lật, biết ngồi, biết bò, rồi biết đi, mỗi tuần, mỗi tháng là một trò mới, bú tay, ôm chân lên mút, nũng mẹ, úp mặt bào vai trêu không cho bà Tư bế, há miệng cho các chị vả để oa oa - sang nhà bà Tư chơi khi về "ạ!" thật to - Khi tập đứng biết chờ mọi người khen để a vào ôm cổ - Khi lẩm đẩm vài bước, ngã ngồi lại tự đứng lên - bế đi đâu lại đòi dắt...
Lớn hơn tí nữa, thấy các chị trong phố đạp xe trẻ con ba bánh đòi đi, nhưng không biết đạp nên ông Ba Dần đặt ngồi sau lưng cho các chị lớn đèo, sướng im thin thít. Tây du lịch đi qua thấy thích đừng lại đưa máy ảnh bấm vài bô để lấy hình ảnh trẻ thơ nhiệt đới.
Khi bé đi vững vàng rồi biết tự mò sang nhà bà Tư lấp ló vịn cửa sắt để bước lên bậc thang, cả nhà reo lên đúng như thơ cụ Hugo:
Thư giãn ra khi thấy trẻ thơ
Vô tư và vui vẻ
Ngày đẹp trời nắng ấm, bà Ba thích cho cháu mặc thun kẻ sọc ngang xanh đỏ bó sát thân hình tròn lẳng cho giống con trai, núc ních chân tay có ngấn, trông như em bé búp bê biết cười và biết nói. Bà Tư ó vồ lấy thơm chùn chụt lên làn da mát rượi. Có gì trong tủ kéo ra cho bé ăn, dỗ bé ngủ, đặt nằm lên giường cho bà ngắm. Có đêm bà Ba vui lòng cho nó ngủ với má Tư (là bà Tư). "Thỉnh thoảng một đêm thôi nhé, cho chị đỡ ghiền - trẻ nhỏ quen hơi - nó theo bà luôn thì tôi mất phần!".
Cho hay, khi con người vô tư, không có rào cản định kiến hoặc ý thức hệ và những thứ chưa hề có trong bụng mẹ đến thời nhân chi sơ, trẻ nào ta thấy chẳng thương.
Ông Tư trên trang trại về - Bữa cơm chiều có bé Phượng sang, ngồi một cái ghế, bà Tư lấy khăn làm yếm che cổ cho bé, xé thịt cho cháu ăn, xong lại dỗ cháu ngủ đặt giữa giường - Ông bà nằm hai bên - Bé ở nhà quen ôm gối nên thích gác chân - Bé trở mình gác chân lên bụng ông, lại quàng tay ôm cổ. Hơi thở nhẹ nhàng ấm áp phả lên má ông, ông nằm yên không dám động để tận hưởng đến nhức nhối trong lòng.
Trăn trở mãi trong đầu không ngủ được. Đêm nay mới thật là đêm, còn dịp nào nữa để sám hối?
- Bà ơi! Bà còn thức không?
- Có việc gì vậy ông?
- Tôi còn một việc, đúng hơn là tội giấu giếm, chưa dám nói, không biết bà có tha thứ cho tôi không?
Vẫn im.
- Lần cuối cùng, không có nữa đâu, nếu không được nói ra, tôi chết không nhắm mắt.
Ông trở mình xoay hướng cho bé, đặt bàn chân lên bụng và bàn tay bé nhỏ lên ngực bà, đúng chỗ trái tim.
- Bà ơi! Con Phượng không phải tên ấy, con là Quyên Quyên, huyết thống của tôi đó!
- Vậy hả? - Trong đêm tối bà Tư trỗi dậy ôm Quyên Quyên vào lòng.
- Vậy đứa mà ông cho đi bên Tây là đứa nào?
- Đâu có đứa nào! Vì tôi sợ bà bỏ tôi đi nên tôi phải nghe theo lời sắp đặt của vợ chồng Ba Dần.
- Vậy cái ông Tây nào lên trang trại bế bé đi?
- Là cái ông Tây đóng phim trên truyền hình đó. Tôi nhờ ông và ông vui lòng giúp để lấy tài liệu xây dựng thiên tình sử.
Đèn trong nhà có bao nhiêu công tắc bấm lên hết. Anh con trai bị chói mắt thức dậy.
Bà Tư bảo: "Con sang bấm chuông gọi vợ chồng Ba Dần sang đây ba mặt một lời".
Ông bà Ba Dần sang: "Có gì vậy chị Tư?".
- Hai ông bà toa rập với thằng chả giấu tôi hử? Bây giờ đủ mặt bá quan, tôi tuyên bố dứt khoát. Hai ông bà phải giao con gái cho tôi nuôi.
Ông quân sư Ba Dần hỏi:
- Con gái chị là ai vậy chị Tư?
- Con Quyên Quyên chớ ai - Mấy người lại đặt tên là Phượng để lừa cho tôi thương nó - Bà Ba Dần không giấu được nụ cười bạn bè.
- Mà Quyên hay là Phượng cũng là chim cả thôi! Mấy người thâm đểu lắm! Dám toa rập nhau dối gạt tôi.
Ông Ba Dần:
- Thời đại mới, tội lừa dối "được khen" phải không chị Tư? Cái tình đi trước - Lý lẽ đi sau chị ơi!
Bà Tư áp má thơm bé, nói như cảnh cáo:
- Ông đó nghe! Nếu tôi không thương con bé là một. Nếu ông không ham mê chuyện làm ăn và phải lo sự nghiệp cho bao nhiều người trên trang trại là hai. Đừng hòng tôi tha thứ cho cái tật của ông! Bây giờ tôi phán xử như vậy, ông nghe hay không cũng phải theo! Sau đám cưới lo vợ cho con là thằng Đặng xong, nhà này tôi giao cho vợ chồng nó ở, tôi bồng Quyên Quyên lên trên trang trại ở để tôi kiểm soát ông. Còn mồ mả của cô ấy, ông phải xây cất cho đàng hoàng, để Quyên Quyên lớn lên biết nguồn gốc của mẹ, nếu không nó trách tôi.
Bố dượng
Hơn bốn năm, bác thầm yêu má tôi, tôi biết. Tôi cũng quý bác, vì bác ấy yêu trẻ. Không phải chỉ với tôi mà tất cả các bạn trang lứa ba bốn năm tuổi như tôi. Bác không giàu vì bác mặc áo đứt khuy, có lần tôi thấy má tôi đính khuy lên cái áo dính dầu của bác đang mặc, bác nói khẽ nhưng tôi nghe: "Đính cúc chớ đừng khâu tim nhé!" và tôi cũng biết má tôi đã chích nhẹ đầu kim vào giữa ngực bác trước khi kề môi cắn chỉ.
Nghe nói trước kia bác là văn sĩ, nhưng vì lẽ gì đó bác gác bút đi làm công nhân và năm tháng dài, tuổi càng trưởng thành tôi càng hiểu hồi ấy khi nhờ bạn bè và những nơi quen biết lo cho tôi thi vào trường Âm nhạc, bác muốn tôi tiếp bước vào con đường nghệ thuật mà vì hoàn cảnh bác đã phải dang dở, mong ước được tìm cái hình bóng dĩ vãng của bác trong những bước chập chững vào đời của tôi qua tiếng đàn vì cung đàn xưa đã lỗi nhịp.
Vì vậy, từ tấm bé, thương má tôi, tự trong con tim non nớt, tôi coi bác như bác mà là ba, bác coi tôi như con nhưng mà là cháu.
Gia đình tôi đi đâu, thay đổi chỗ ở, sơ tán, chuyển vùng, không máy ngày lại thấy bác lẽo đẽo theo ở gần, làm đủ thứ nghề để mua bữa sống hàng ngày, để gom góp lại làm một đời thương yêu.
Tôi được giấy gọi nhập vào Trường Âm nhạc Hà Nội vừa 3 tháng nữa là đủ 8 tuổi. Học được nửa niên khóa thì học sinh phải đội mũ rơm, mặc quần áo màu thẫm vì Johnson cho máy bay bỏ bom bắn phá miền Bắc, gia đình tôi phải sơ tán về Tuyên Quang để gần ông bà, cách xa Chùa Thầy - nơi Trường Âm nhạc sơ tán hơn 250 cây số, sau đó lại sơ tán lần nữa về Yên Dũng, Hà Bắc cũng bằng ấy đường xa.
Tàu hỏa Hà Nội - Phú Thọ bị bắn phá, cầu Đoan Hùng nối liền Tuyên Quang bị đánh sập phải qua phà. Nhà tôi lúng túng vì tôi không thể mạo hiểm đi vào mục tiêu đeo đuổi thường xuyên của những con chim sắt gầm rít nhưng vô cảm.
Giữa lúc ấy bác tới: "Tôi đưa cháu đi bằng xe đạp!". Má tôi nói: "Mấy trăm cây số cơ à?" - "Ngày xưa các sĩ phu về Kinh ứng thí đi bộ cả tháng, có được đi xe đạp đâu?".
Ngày lên đường, chiếc xe đạp Phượng Hoàng được thay má phanh mới rất kỹ. Treo bên phải baga một chiếc hòm quần áo sách vở, bên trái một hộp đàn accordéon. Trên mặt baga một cuộn chăn bông ba ký, tôi ngồi lên ôm tấm lưng cao khều của bác với đôi chân dép lốp lên đường.
Qua phà Bình Ca đường rừng đèo dốc chập cùng, dốc nào ngắn, bác gò lưng vượt dốc, dốc nào cao cố gắng đến lưng đèo phải xuống đẩy xe. Tôi đi sau đẩy, nói là phụ bác nhưng thật ra chỉ là sờ cái baga vì tôi đội mũ len bịt tai, mặc quần kép, đụp áo ông cả người tròn như cái hạt mít, chân lại ngắn có lúc phải chạy lúp xúp.
Quá Sơn Dương, vượt qua 50 cây số, bác cháu ngồi nghỉ mở cơm nắm muối vừng ra ăn. Tôi chỉ uống nước không muốn ăn, bác sờ trán tôi đượm vẻ lo âu. Chẳng hiểu sao? Nỗi buồn man mác ở đâu xen vào đầu óc trẻ thơ của tôi không rõ vì mông lung cảm giác xa nhà hay vì thương bác vì má con tôi nên quá đỗi nhọc nhằn.
Lại vượt đèo - Ngọn đèo ngoằn ngoèo xa tít tắp. Lắm lúc tôi mỏi chân, bác lại đặt tôi lên yên cho bác đẩy: "Ráng lên cháu - Cháu có nhớ câu thơ Tố Hữu không? Gió qua đồi, Đèo Khế gió sang! Là đỉnh đèo này đây!... Lên đây xem, cháu sẽ nhận biết cảm giác mát mẻ từ ngọn gió trong thơ ấy!...".
Diễm phúc cho tôi lần đầu tiên được hưởng ngọn gió chỉ nơi này mới có. Gió uốn lượn giữa hai bên vách núi quanh co lên đến đỉnh giao tiếp với bầu trời rộng mở trên cao nhất, lan tỏa ra man mác lành lạnh; sau quãng đường mệt nhọc được thiên nhiên ban phát cho, giờ đây tôi mới hiểu nhờ đâu nhà thơ ngẫu hứng được câu thơ này.
Máy bay Mỹ lại gầm rú, từng phi đội 9 chiếc tầng cao, tầng thấp tôi đếm được rõ ba mươi sáu lượt. Không gian nhơ vỡ toang ra vì tiếng rít, nhưng rừng núi thật im lìm. Hai bác cháu đứng nhìn về hướng khu Gang thép Thái Nguyên, ngọn cây rừng trải thảm dưới mắt đến nơi xa tít tắp, bao la đất nước rộng đến nhường bao, đứng trên đỉnh cao mới nhận biết Tổ quốc lớn lao biết mấy? Nghe những loạt tiếng "ùm" văng vẳng dội về rồi thấy những bựng khói màu nâu mờ mờ nhỏ bằng bàn tay... Tôi nghe bác nói: "Cháu thấy không nó có chở hết bom bên Mỹ sang cũng chẳng đủ để hủy diệt hết cỏ đất nước mình".
- Thôi ta đi đi cháu! Ta phải vượt qua chỗ bốc khói ấy trước giờ cao điểm trưa!
Bác chặt một cành to để nguyên lá, dùng dây đem theo buộc sau baga để phụ với phanh xe hãm tốc khi đổ dốc đèo Khế dài trên 10 cây số. Bụi mù tung lên phía sau óng ánh màu nắng, gió mát huýt sao bên tai, tôi quên hết nỗi buồn giữ chặt lưng áo bác.
Về đến Đại Từ vào quán lá uống vội bát nước chè xanh, bác nhón mấy cọng chè khô ngậm để giữ nước bọt, bác liếc đồng hồ, đỡ tôi lên xe: "Cháu ngồi chắc nhé! 15 cây số nữa là phải tăng tốc độ để vượt qua thị xã Thái Nguyên và khu gang thép trước giờ cao điểm lần 2".
Thị xã sơ tán thưa thớt, đường qua Khu gang thép 10 cây số cũng vắng người, bác gò lưng đạp không giảm tốc, tôi biết bác lo cho tôi hơn lo cho mình. Xe băng qua, chạy dọc theo con đê bờ máng, lâu lắm tôi gục vào vai bác nghe trong tỉnh thức: "Con! Con! Ráng nghe! Đừng ngủ! Còn phải qua cầu Bắc Giang nữa". Nhưng tôi vẫn thiếp đi. Khi tỉnh giấc mặt trời đã xế, mới hay bác đưa tay ra sau giữ cho tôi khỏi ngã, lái xe bằng mỗi một tay suốt mấy tiếng đồng hồ.
Cầu Bắc Giang bị bom đánh hỏng, công nhân đang sửa chữa. Máy bay muốn cắt đứt đường tàu Hà Nội - Lạng Sơn nên đánh liên tục. Bác phải dựng xe bên đường dìu tôi qua cầu vì có những mảnh ván lót tạm khó đi, sợ máy bay tới đang ở giữa cầu vừa xe vừa người làm sao cứu. Qua được rồi, bác kéo tôi đi nhanh xuống đến hết dốc rẽ vào ngã ba chỉ tôi cứ thẳng hướng mà đi một mình càng xa vùng trọng điểm bắn phá càng tốt. Sau đó bác ngược lại bên kia lấy xe qua cầu.
Theo những con đường làng đất đỏ êm đềm, đi mãi đến bến đò Yên Dũng. Sông Cầu nước chảy lơ thơ xanh mát, ngọn đồi nhỏ trên bờ sông có vườn thông xanh mướt, cát dưới chân lại óng ánh như mảnh thủy tinh. Bác bảo đó là mỏ mica lộ thiên, đất nước ta giàu đẹp lắm.
Làng quê đã lên ngọn đèn dầu, hai bác cháu mới đến vùng dân cư nơi nhà trường sơ tán.
Ra đi từ 5 giờ sáng, bác đạp xe suốt 13 tiếng đồng hồ qua trên hai trăm năm mươi cây số.

*

Ba năm sơ tán như thế không phải một lần bác guồng xe qua ba tỉnh Việt Bắc để đưa rước tôi đến trường, mà tháng nào bác cũng đến thăm tôi tiếp tế khoai lang sấy, bánh mỳ khô... có vậy thôi và vài mươi đồng tiền tiêu vặt. Lũ trò nhỏ chúng tôi chụp cái mũ rơm trông như những tai nấm mới mọc tíu tít quanh bác chia sẻ niềm vui với bác sau bao nhiêu dặm đường. Bác cười bảo: "Các con gặm khoai lang sấy, bánh mì khô, ăn cơm độn ngô mà học Chopin, Tchaikopski, Betthoven, Sébastien Bach... đó nghe!".
Tận dụng thời gian ngắn ngủi, bác chăm sóc nơi ăn ở - có hôm bác lặn xuống giếng sâu mò lên cả chục chiếc xô múc nước đứt dây, có cả hộp guigoz và bút máy nữa - Trẻ chúng tôi đánh rơi nhưng làm sao mà lấy lên được.
Đến kỳ nghỉ hè, tôi lại được về Tuyên Quang. Lễ chia tay đến trưa, các bạn ở quanh Hà Nội về kịp, nhưng bác cháu tôi lại phải về xa. Đạp nửa ngày đến bìa rừng trời đã tối, xe không đèn muốn vượt đến vùng dân cư không còn kịp nữa đành ngủ rừng. Hai bác cháu ẩn vào một bụm rậm gom lá làm chiếu, bác đắp chăn cho tôi cẩn thận, lấy khăn tay buộc chân mình vào vành xe đạp mới nằm xuống. Nghe gà rừng gáy, tôi trở dậy thấy bác đang ngồi cuốn thuốc, trên mặt đất còn bao nhiêu tàn thuốc, thì ra bác không ngủ để canh phòng thú rừng.
Bốn năm trường sơ tán, để chu toàn việc học tập của tôi, đi lại trên khoảng cách xa dịu vợi, chiếc xe đạp bao nhiêu lần thay vỏ ruột, sức khoẻ bác bao nhiêu hao mòn khi tải trọng ngày càng nặng thêm theo tuổi lớn của tôi?
Hiệp định Paris được ký kết, trường trở về thủ đô, học hết bảy năm, tôi thi tốt nghiệp, đã có đoàn nhận chi viện cho chiến trường từ B ra ngồi sẵn trong phòng thi để tuyển chọn rồi. Vì tôi là con một lại là gái nên các bác không dám quyết định bèn điều commăngca cùng đi với tôi về xin ý kiến má tôi.
Sau một ngày tiếp khách, má nâng hai bàn tay tôi trong lòng bàn tay âu yếm bảo: "Bây giờ má không quyết định thay con, má cho con tiền, con theo các bác trở về Hà Nội vui với các bạn ở trường thoải mái, trong một tuần, tự quyết định ra sao? Con đánh điện về cho má xuống!".
Tôi biết lời má có ý kiến của bác ấy. Tôi thầm cảm ơn má - Má là người dân chủ với con cái.
Tôi đi B, nhiều người hỏi tôi rằng em đã nghĩ kỹ chưa? Theo nghĩa dám chấp nhận thực tế chiến trường chưa hay là bồng bột nhất thời rồi hối tiếc cũng có, theo nghĩa dại, khôn cũng có. Tôi đi B tất nhiên là để đáp lời sông núi, sau đó còn muốn đến quê hương miền Nam của bác ấy.
Má tôi và bác, hai con chim già dõi theo cánh bay của con chim non đang theo bầy đàn đến nơi nghìn dặm xa xôi tận phương trời Nam mong ngày xum họp thắt tha thắt thẻo 3 năm trường cho đến ngày giải phóng.
Tôi theo chân đoàn quân vào tiếp quản thành phố được hơn một tháng. Một sớm đang ngồi hàn huyên với các chị sở tại mới quen trước nhà, tôi chợt thấy dáng quen quen ông già guồng xe đạp hồi nào, bỏ mũ ra lại có mái đầu bạc, tự nhiên lần đầu tiên tôi thốt lên tiếng gọi tận đáy lòng:
- Ba ơi!
Những ngày ấy nước mắt thay niềm vui, khóc để mà sung sướng.
Tôi lên baga xe đạp như thuở nào đến gặp má.
Má cùng vào Nam với ba - ngầm hiểu nhau với bạn bè như nghĩa vợ chồng thôi.
Sau 10 năm tích cóp có đủ kinh phí cho cuộc hành trình về chốn xưa - lại nghe tin ông tôi mất, ba má tôi thu xếp về lại Tuyên Quang - xe đưa đến tận cửa. Mọi người vây quanh chào đón.
Bà tôi đã trên 80. Cử chỉ đầu tiên của bà là để tay lên bờ vai đặt ba ngồi xuống ghế. Bà đến bàn thờ ông, lấy mảnh khăn tang - tự tay bà bịt chiếc khăn trắng lên trán ba - sau đó lại bịt khăn cho má.
Má và Ba đều rưng rưng. Hai mái đầu thắp hương trước bàn thờ ông - cảm nhận như hai mảnh khăn tang tự tay bà đặt lên mái đầu là hôn ước trước toàn gia tộc giữa đồi núi Tuyên Quang.
Ơi Tuyên Quang! Phải chăng Tuyên là tuyên bố, Quang là quang minh - Có hôm nằm giữa vùng chiến khu D tôi chợt nghĩ như thế.
Má tôi, ba tôi hai người thương nhau, lận đận suốt theo thời gian dài bằng tuổi của tôi chỉ để mơ ước được kết thành duyên phận, để trọn được hai chữ bạn đời - Một người lặng lẽ như rừng núi Tuyên Quang với tất cả sự sinh sôi bên trong của nó, ngày qua ngày gửi gắm tâm sự bên đầu mũi kim đan sắp xếp những sợi chỉ rối nhiều màu sắc dệt nên chiếc áo ấm tôi mặc và kiếm đồng tiền cho tôi ăn học. Một người gian truân, phong trần như chiếc guồng dưới yên xe đạp với tất cả sự quay cuồng, căng thẳng của nó, để đêm từng đêm cười khóc sự đời gửi gắm vào nét bút viết nên muôn màu muôn vẻ cuộc sống thành trang sách tôi đang đọc bằng trăm nghìn con chữ lắng đọng.
Thời gian là quy luật của tạo hóa, kiên trì là đức tính của con người: Tôi cảm ơn cả hai!
NHà CHIM
Nơi tôi quen biết nhân vật trong câu chuyện này cách xa tỉnh lỵ địa đầu vùng Tây Bắc bằng khoảng cách bốn mươi cây số từ nhà anh ở quê hương đến thị xã tận cùng của đất mũi phía Nam Tổ quốc.
Hạnh ngộ nơi tha hương - vô gia đình phiêu lưu như nhau - lại là kẻ có chuyện không vui đeo trong số phận - giữa chốn u linh thăm thẳm cây rừng tri âm với suối róc rách, tri kỷ với tiếng hót chim muông, eo óc gà rừng gáy - tình bạn của anh và tôi hi hữu...
Trăm thứ nghề đều dính đến vật tư nhà nước chỉ có nghề nuôi ong, bắt loài sinh vật có cánh ấy phục vụ cho mình, tôi chọn cái nghề không phụ thuộc ai ngoài thiên nhiên ấy để mưu sinh khi lỡ bước.
Con giống rất sẵn trong rừng nhưng khó tìm thấy. Tôi theo chân hai em bé người dân tộc Mường vào rừng. Bước chân đi tìm củ nâu khắp nẻo, hốc đá bọng cây nào có ong các em biết. Vào rừng theo suối đang lội bì bõm mải nghím nhìn đá cuội cam chịu mài mòn dưới dòng nước trong veo chảy mãi, tôi nghe em bé bảo:
- Trong này có nhà một ông nói tiếng miền Nam như chú!
- Đâu?
- Phải nhìn lên mới thấy! Nhà ở trên cao cơ.
Bốn thân cây rừng tự nhiên làm cột nhà, tre luồng làm rống đỡ sàn bằng phên nứa đan, mái lều lợp bằng nứa dập, treo lơ lửng trên đầu thang lên xuống trông như tổ chim nên trong truyện này gọi là "nhà chim", chúa sơn lâm kia có thèm thịt đến mấy không làm sao nhảy tới.
Một mái đầu "người rừng" bù xù nhô ra nhìn. Thân hình đã nhả nắng tuột vội xuống ngay khi nghe theo giọng nói quê hương.
- ở đâu hiện tới vậy ông nội?
- Cũng là ma lạc loài như anh thôi!
- Lên đây, lên đây thôi! Vừa mới pha ấm trà, có sắn luộc. Mấy thằng nhỏ ăn hôn? Lên làm mấy củ.
Bếp quây bằng khúc gỗ, giữa đệm đất và tro chống cháy. Ba thân gỗ mục chụm đầu vào than làm lửa vĩnh cửu. Từ trên nóc thả xuống những cái móc treo nồi bằng cành tre. Nấu nướng tại chỗ, gắp ăn trong nồi, sưởi ấm luôn thể, nằm ngủ ngay cạnh bếp.
Hai em bé nhặt vài mẩu sắn đi rồi, tôi ngà ngà vì ly rượu mời, nằm dài xuống sàn để nghe anh quay lại cuộn phim đời.
- Anh có tin chuyện rồng rắn, vòng vòng trở lại quanh đuôi, là có thật không? Mười hai thằng chúng tôi, võ trang đầy đủ, chủ trương vượt tuyến về Nam, tất nhiên là để chiến đấu - phần day dứt nhớ nhà nhớ quê, phần tin tức bà con bị o ép, tàn sát dưới gót sắt xâm lược cứ tiếp tục loan ra. Lệnh chưa cho đánh, mình đánh trước có sao đâu? Vậy là trốn đi! Đáp xe đò qua Nghệ An, ước tính rằng đơn vị có thể đã điện báo đến các trạm kiểm soát, đi nữa sẽ bị khám xét. Chúng tôi vọt lên đỉnh Trường Sơn mở đường rừng mà đi, tìm cách vượt qua vĩ tuyến 17. Đi suốt ba ngày ba đêm, hết lương khô, hết nước uống buộc phải mò xuống bản làng mới hay lại trở về chỗ cũ. Ai từng vào rừng, có thể hiểu cây rừng là thiên la địa võng, người đi khó lòng phân biệt Nam Bắc Tây Đông. Nơi nào cũng cây, cũng lá. Mua được bắp khoai lại rút vội. Vừa qua khỏi bìa rừng đã nghe loa gọi vang vang mới hay bị bao vây các ngả.
- Thuở đánh nhau với Tây - việc bị bao vây và thoát hiểm sá gì - nhưng giờ đây súng trong tay đầy nhóc đạn, đành trào nước mắt, quân mình đâu nỡ bắn quân ta, huống chi nghe tiếng loa đã biết chúng nó là bạn cùng sư đoàn đang thừa hành mệnh lệnh cùng bà con du kích người dân tộc đuổi bắt trở lại.
Viện Kiểm sát chiếu cố vì đã không nỡ bắn lại đồng đội giảm khinh cho nửa quyển lịch vì tội vô kỷ luật nhốt chung với dân họ đào °. Trong trại giam khoai sắn phủ hết đất rồi, việc đổ chất thải của nhau làm vèo 15 phút là xong, để cải tạo lao động, giám thị có đống đá hộc, sáng cho vác từ trước cổng ra sau trại, chiều lại từ sau trại vác ra cổng, không có sản sinh ra của cải vật chất gì nhưng có đổ mồ hôi là có nhớ đời đẻ sửa chữa. Sáu tháng tù không đau, án tích không đau, 9 năm kháng chiến rũ sạch thành tích không đau bằng tước đi quyền cầm súng chiến đấu. Ra tù họ cho tôi về nông trường làm cái việc ghép mầm cam vào gốc bưởi.
Tấm bảng treo trên cổng đề chữ "Vườn ương" theo cái nghĩa ươm giống, giao hạt nẩy mầm. Nhưng người buồn và cảnh cũng buồn, tôi lại suy diễn theo nghĩa ương vì cá không ăn muối. Làm được vài tháng, nản quá tôi chuồn luôn bỏ cái chức "công nhân phụ động" khỏi choán chỗ làm của người khác.
- Nhưng một mình thăm thẳm sống giữa rừng sâu âm u thế này, buồn chịu sao thấu?
- Kể cũng hơi man rợ phải không? Cười - Anh nghĩ rằng tôi buồn lắm ư? Ra đây mà xem!
Anh bước ra, buông thõng hai chân xuống vỗ tay "bộp bộp" lập tức bao nhiêu bụi cỏ, lùm cây xao động, gà trống, gà mái, gà mẹ, gà con đông vô số kể chen chúc tranh nhau nắm gạo.
- Anh thấy đã chưa! Đến bây giờ tôi cũng chẳng biết có mấy trăm con tất cả, tiếng là nuôi nhưng không hề có lót ổ, chẳng bao giờ làm chuồng, đẻ trong lùm bụi, ngủ trên cành cây, bươi tìm giun mối mà ăn, ngoài sau tôi trồng một rẫy đu đủ trái chín không thèm hái để rụng xuống cho gà ăn cả hạt. Tôi học lóm mấy ông kỹ sư "thổ" của nông trường, trồng đu đủ không có cây đực, hạt đu đủ là loài lưỡng tính, ngoại cảnh tác động đến biến thái, cứ gieo hạt trong mùa lạnh, lâu mọc một chút nhưng nghịch cảnh mùa đông không hợp để ra đu đủ đực.
- Vậy gà có bị chồn cáo bắt không?
- Có bí quyết chứ? Cáo sợ ngỗng lắm, tôi nuôi bốn con ngỗng. Cáo mò tới, ngỗng "cà hóet" lên vài tiếng là cáo chạy cong đuôi.
Ba Nhiều bước xuống thang, quơ tay tóm gọn một chú gà giò xách lên:
- Anh thấy chưa! Nó chỉ ngóc đầu ngoan ngoãn chờ lệnh không phản đối. ở đây không ai rầy tôi cả, giá trị của cô đơn là chỗ đó. Anh phải ở lại đây! Sẵn mồi tội gì không say!
Lúc mới đến tôi có trông thấy một cỗ áo quan bảo thọ chưa tiện hỏi ngay:
- Anh làm cả mộc để bán?
- Không đâu! Của tôi đấy chứ - chỗ này trước đây là nơi cưa xẻ của những người buôn gỗ lậu - chưa kịp bán cho người chết, họ đã sốt rét rừng ngã nước chết trước.
Sợ thần rừng trừng phạt, họ bỏ tất cả lại về xuôi, không dám lên nữa. Tôi thấy mấy cỗ ván tứ thiết bỏ lăn lóc nên tự bào đục đóng cho mình, nhỡ không về được bỏ xác nơi tha hương, người ta có cái để bỏ mình vào.
Buồn cười lắm! Sắp đặt cho nó vai trò áo quan, nó không bảo thọ trái lại bảo sinh, có một đàn ong mật chui vào sinh sôi nẩy nở ở trỏng.
Ba Nhiều phụ với tôi nâng nắp quan tài lên. Tổ ong to chưa từng thấy treo dưới nắp. Hai mươi bánh sáp rộng bằng kích thước ngang của quan tài. Đàn ong chiếm một nửa quan tài đã trải qua nhiều thế hệ, những đàn ong xây trước đã cũ không dùng được nữa được thay thế bằng những bánh sáp xây mới lấn dần ra phía ngoài.
Tôi cắt lấy cho anh 3 lít mật để ngâm rượu uống. Anh cho tôi đàn ong. Tôi định bắt tất cả về nuôi nhưng nghĩ - không nên triệt tiêu môi trường nuôi dưỡng thích ứng nhất của chiếc quan tài. Tôi bèn bắt ong chúa, một nửa số ong thợ và bốn bánh sáp đem về làm giống. Số ong còn lại mất ong chúa nghĩa là mất mẹ nhốn nháo một lúc lại tựu về chốn cũ chăm sóc ong non sơ sinh trong các bánh sáp và tạo ra ong chúa mới để bảo tồn nòi giống. Trứng ong thợ vốn lưỡng tính. Cũng trứng ấy nở ra ấu trùng đặt trong cái kén hẹp cho ăn "đại táo" nghĩa là tiêu chuẩn thấp ít chất bổ, được ong thợ mớm cho ăn sữa chúa 3 ngày từ ngày thứ 4 trở đi chỉ được cho ăn phấn hoa, nên các trứng ấy sau này nở ra ong thợ.
Nhưng cũng cái trứng ấy nở ra ấu trùng, nếu đàn ong thợ xây một kén to tha ấu trùng đặt vào, mớm cho ăn chế độ đặc biệt bằng sữa chúa suốt 18 ngày, con ong non nở ra sẽ trở thành ong chúa, to hơn 1/3, sống lâu hơn mười lần và có chức năng đẻ được cả ba loại ong đực, ong thợ và ong chúa.
Để dự phòng đàn ong mất chúa thường xây ba, bốn mụ chúa như vậy. Sau ngày các chúa nở ra, chúng sẽ chia đàn bay đi và để lại một con duy nhất quản lý đàn ong gốc.
Tôi dự đoán đúng ngày đàn ong chia đàn lại mò vào hứng lấy đem về nuôi.
Bằng phương pháp này, suốt năm tháng quen biết Ba Nhiều ở rừng núi đất Bắc tôi khai thác từ chiếc quan tài gần hai mươi đàn ong, ngày giải phóng còn mang con giống theo về Biên Hòa, Lâm Đồng làm trại ong ở phía Nam.
Thấy tôi làm ăn coi được, Ba Nhiều nói với tôi: "Anh ra nghề tôi ham quá! Vậy ngoéo tay với anh coi thằng nào giàu trước. Anh nuôi ong, tôi nuôi tôm thử xem!".
Tôi ngoéo tay anh sau khi cạn chén: "Chơi luôn!". Anh dắt tôi ra cách nhà chim không hơn trăm mét. Chân núi ở đây lùi vào một đỗi. Dòng suối từ thuở hồng hoang khóet sâu vào đây một vụng nước rộng vài trăm mét. Nơi ăn thông ra suối lại hẹp, dây leo và lá rừng nhô ra nên ít ai để ý có một mặt hồ rộng: "Tôi lội khắp nơi xem chỗ nông tới rốn, chỗ sâu đến ngực, nuôi thủy sản lý tưởng lắm, mò xuống thấy có tôm. Tôi sẽ vác đá lấp cửa miệng thành một bờ đê ngăn, có dặt ống bòng cho nước ra vào, gỗ có bộng trong rừng khối.
- Vậy anh phải dọn hết gốc bên dưới hồ và mua một tay lưới!
- Khỏi! Ai làm vậy! Anh quên là tôi chỉ sống một mình, lấy ai để kéo bên kia đầu lưới. Tôi sẽ đan một cái đó hai miệng, phía nào cũng hứng được tôm. Kẻ đó vừa cho tôm nhỏ chui ra, tôm lớn vướng lại. Tre thiếu gì ở rừng khỏi mua, tôi sẽ bện đăng thật dài ngăn đôi cái hồ ra đặt đó vào giữa. Chặt gỗ rừng bắc cầu từ bờ ra, đứng trên cầu giở đó lên, đặt đó xuống, bắt tôm không phải nhúng chân xuống nước. Chỉ cần rải cám phía bên đây là từ bên kia tôm chui vào đó, tôm lớn vướng lại cho mình bắt, tôm nhỏ tiếp tục nuôi.
Tôi nhủ thầm: "Ba Nhiều vẫn giữ y xì bản chất Nam Bộ "dân nhà đá" (đá theo nghĩa dùng chân), thích ở buồn đi, thích ứng nhanh với hoàn cảnh, đến đâu khai hoang lập nghiệp đến đó.

*

Ba Nhiều cắt tóc, nghe như chuyện đổi đời. Sắc diện như cây già thay lá, vẻ trầm uất xua tan đâu hết.
- Ê! Có gì coi bộ tươi tỉnh vậy.
- Nói nhỏ cho nghe nhé! Đôi khi tự ái cũng có lợi.
- Tự ái với gà, với ngỗng hay với khỉ ở đây?
- Với người, người đẹp hẳn hoi. Tại ả tất cả! Gánh đôi quang gánh đứng dưới kia, ngoài bờ suối ngước lên gọi ầm ĩ: "Ông Mìn Đù ơi! ông Mìn Đù!".
Ai đó mách cho ả đi mua tôm lại dùng cái tiếng ám chỉ đó. Tôi biết ả vô tình gọi vậy chứ không cố ý nhưng tôi nghe cứ ức đến tận cổ. "Mìn Đù", hai tiếng ấy anh lạ gì? Chỉ tại một số anh em chửi thề đầu lưỡi rồi mới nói. ở xứ mình nghe quen tai, nhưng đến địa phương khác người ta nghe lạ lắm, lại vốn có tính ví von người ta nói trại ra Miền là Mìn, và chữ sau thay bằng dấu huyền cho đỡ bẩn tai. Đời mà! Mang màu cờ sắc áo khó lắm, dân tại chỗ họ có đánh nhau người ta bảo thằng Hồng, con Đào, thằng Mít, thằng Ôới coi như đứa cha căng chú kiết nào đó ở ngoài phố ẩu đả thôi, nhưng nếu anh mặc sắc phục, hoặc anh là thành viên một quần thể nào đó, dù người ta không cố ý, vô tình thôi, người ta cũng nói anh "Miền này miền nọ" hoặc anh Ba Tàu, anh Bảy Chà đánh nhau.
- Cái đó nó động đến màu cờ sắc áo, động đến cao tằng cố tổ, ông bà tổ tiên, đến những đâu nữa? Ai mà chẳng tự ái.
Tôi mang cái cục tự ái to tướng ở trong cổ, ôm thang tụt xuống.
Mụ Mễ này, trông sạch nước cản lắm. Mụ vất quang gánh xuống đất, xán lại gần như phải đứng nói chuyện giữa chợ đông, cái chỏm ngực thiếu điều xỉa vào vai tôi.
- Ông Mìn Đù! Ông bán tôm cho em đi!
Sẵn đà đang tức, vả lại gần quá tiện tay tôi véo vào đùi non ả một cái.
Cô ả nhăn mặt vì đột ngột bị đau, tôi phòng bị chờ phản ứng nhưng trái lại ả nghiêng má cười "Ơỏi! cái ông nỡm...". Mới hay chớ! Mụ cười xởi lởi đến đỗi tre pheo trên rừng núi ngả nghiêng tất cả.
Tôi nháy mắt xí nhan. Gọi là gì đó? à! Là "phản xạ tự nhiên"... rồi khẽ vừa đủ nghe "lên đây!".
Chuyện gì trên chuồng chim miễn nói nhưng quá đã.
Gái đoạn tang - chim ra ràng - gà mái ghẹ.
Xong đâu đấy, tôi cân tôm. Mụ Mễ trả tiền sòng phẳng, gánh gánh về đem tôm ra chợ bán.
Một thứ "nhục cảm không giao ước". Cả hai không ai ràng buộc ai, chỉ có thích.
Rồi tiện thể cách nhật mụ lại gánh gánh vào, tiện thể mua cho tôi trà, rượu, dầu hôi, đường sữa, tính khấu vào tiền tôm chứ chẳng cho không... Lại kéo nhau lên chuồng chim...
Cái bệnh "công thức" lại rọ ray trong đầu người viết truyện này: Hay là làm luôn đi! Anh nên đặt vấn đề chính thức với chị ấy thành gia thất.
- Làm gì có chuyện đó. Bà ấy chồng chết, con đã lớn. Bà ấy bảo kéo thằng đàn ông khác vào nhà, mệt lo lắm, biết có hợp không? Hay việc gì sẽ xảy đến. Cứ ở vậy nuôi con mà hay, thà là nắng mưa với đôi quang gánh, ngủ gà ngủ gật ngoài chợ để làm tấm ván lát đường cho con cái ăn học trở thành kỹ sư, bác sĩ.
Còn tôi, cái số phiêu bạt lãng tử làm sao dứt, chưa về đến quê hương xứ sở là chưa định được gì sất.

*

Một hôm anh rủ tôi:
- Đi ra nhà bè chơi đi! Chiều về... Anh buộc dây treo con dao rừng vào bụng, xách một cái giỏ bằng tre theo kiểu giỏ đi câu rê ở Cà Mau và không quên cái điếu thuốc lào bằng ống nứa.
Chủ nhà bè bên sông Đà là một cụ già người dân tộc thiểu số, xưng hô với chúng tôi bằng tiếng Việt lơ lớ: "Chào cán bộ" - "Cán bộ uống đi...!".
Ông thết khách cá khô nướng và chất cay.
Ba Nhiều treo cái rộng nửa dưới nửa trên mặt nước. Mỗi khi ông lão từ trong mui lá bước ra, kéo sợi giây vó nghe kĩu kịt. Ba Nhiều bám đuôi theo. Khi vó cất lên rồi ông lão lấy cái rổ có cán tre dài đưa vào rốn vó, nắm lưới kéo hất tôm cá lên hứng, ông đưa rổ đến trước mặt Ba Nhiều.
Anh chọn những con tôm nào có trứng bắt bỏ vào rộng của mình.
Số còn lại, ông lão sẽ bán cho bạn hàng. Đến chiều, Ba Nhiều kéo cái rộng đầy tôm trứng lên, con nào con nấy tươi rói, bụng đầy trứng đỏ tươi bò lỏm ngỏm trông đến sướng mắt, móc cân, trừ bì, trả tiền cho ông lão cao hơn giá chợ. Anh có hai cái giỏ, một cái đem tôm về, một cái gửi lại, ngày nào anh không ra được, ông lão chọn tôm trứng giùm, rộng để đó cho anh.
- Cái này tôi học kiểu làm ăn của tía tôi, ổng bảo tôi đi hớt cá rồng rộc đổ vào ruộng nhà để sau này tát đìa bắt cá lóc.
Bao nhiêu trứng trong bụng tôm này tôi không đem về làm giống sẽ thả vào nồi vào chảo thôi. Có làm kiểu này mới đủ cho Mụ Mễ gánh mệt nghỉ!
Tôi theo sau nhìn anh khệ nệ đeo cái giỏ tôm đi trước, thỉnh thoảng cầm điếu ngửa cổ rít, phà khói lên trời. Chợt nghĩ giá có các nhà môi trường học ở đây họ sẽ ngả mũ gọi anh bằng cụ. Còn tôi lại nghĩ cái máu khai sơn phá thạch thời ông bà ta hướng về Nam đi mở nước phải chăng còn lưu lại trong con người lãng tử này.

*

Tôi lại vào rừng sâu. Vừa bán được cho mậu dịch một xe trâu mật ong gần một tấn, tôi định uống rượu mừng với anh.
Nhưng anh biệt đi đâu không thấy. Chờ đến xế đành vác chiếc nón lá để ngửa đựng đầy tiền trở ra, đói đến mờ mắt.
Bìa rừng có một ngọn đồi thấp bỏ hoang vu, lau sậy cao hơn đầu. Đất này trước đây người Mường đốt rừng tỉa lúa, sau vài năm trồng sắn, đất bạc màu chưa hồi sức, sao nay ở lưng chừng có một mái nứa? Lại thấy bà Mễ từ trên cắp nón đi xuống.
- Nhà mới của anh Ba Nhiều đấy, ảnh nhờ em mua hai con bê, em dắt vô cho ảnh, anh vào với ảnh đi, em xin phép về kẻo các cháu mong, mai em lên gánh tôm lại gặp.
Tôi vào nhà khi anh đang mài phảng:
- Tính chuyện gì dời nhà ra đây?
- Âồy!...
Thấy đất bỏ uổng mình mở miệng xin, không ngờ ông Chủ nhiệm Hợp tác xã người Mường gật đầu ngay, rộng lắm...
Lập vườn, lập rẫy xưa nay phải phát hoang trước, đốt xong mới dọn đất cày bừa, xuống giống. Ba Nhiều phá lệ. Anh luồn vào trong lau sậy, cứ khoảng cách sáu thước khóet một lõm rộng hơn một thước tròn, dọn cỏ đến tận rễ, đào hốc, mỗi lõm đặt xuống một cành cam. Anh bảo:
- Ông Chủ nhiệm chỉ gật đầu không có giấy tờ gì, thời buổi này đất đai hoàn toàn do Hợp tác xã quản lý, ai dám ký giấy cho không. Để cỏ lau um tùm không trông thấy gì, chẳng ai ngó ngàng tới. Nhưng nếu mình phát trống ra chưa chắc được yên đâu. Phải chờ cây cối lớn lên ra hoa kết quả, mặc nhiên hoa lợi là của mình.
Vả lại đồi cao thế này, phát trống ngay, nắng tháng năm, nước đâu tưới cho xuể. Để lau sậy xung quanh che cho nó giữ ẩm. Cây con phát tán tới đâu mình dọn cỏ rộng ra tới đó.
Còn phân bón anh đừng lo, tôi có hai con bò, mỗi ngày hai bãi đủ cho một cây, mai đây bò mẹ đẻ ra bò con lủ khủ.
Cây giống càng dễ, có tay trong ở vườn ương nông trường rồi. Cây kém kích thước loại bỏ họ sẵn lòng cho, không lấy tiền, nhưng tôi không đồng ý. Cam của họ xuất cho Liên Xô, bên ấy yêu cầu vitamin C thích cam chua, dân Hà Nội mình ưa cam ngọt, cam chua bán nội địa ai mua. Nên tôi nhờ tụi nó giúp khi về Thái Bình lấy mầm ghép, nó chọn cho mầm cam ngọt, trả tiền sòng phẳng, lấy tôm đổi cam khó gì.
Trăm phần trăm gốc bưởi cành cam, ghép như vậy trồng đất đồi này mới chịu hạn nổi.
Tôi hỏi:
- Tất cả được mấy trăm cây?
Anh đưa tay lên phất qua:
- Hướng này một hàng hai mươi lăm cây, hướng này một hàng hai mươi, nhân đi, hai mươi nhân hai lăm - nhưng vẫn chưa hết đất.
Hai năm có trái lứa đầu vặt bỏ để dưỡng cây. Năm thứ ba anh yên chí đến đây phụ tôi đếm tiền.
Tiếng là tập kết ra Bắc, nhưng Ba Nhiều chưa hề biết thủ đô Hà Nội, thật ra là có nhưng là ngồi trên xe chạy qua khi được áp tải đi nhận kỷ luật. Khi cam đã khép tán, đã đến lúc dám cho ngọn đồi xuất đầu lộ diện, nghĩa là phát sạch cỏ để lộ ra một căn lều nuôi bảy con bò và một sở trồng cam trái quả trĩu cành, nhìn mát con mắt. Ba Nhiều nhắn gội tôi đến bàn việc tiêu thụ:
- Làm sao đây, ông nuôi ong? Trình độ buôn bán của bà Mễ cao lắm là đôi quang gánh, không lẽ để cam treo cành đến rục quả.
Hà Nội có anh chàng làm Công ty Rau quả chính gốc dân Trà Ôn, Cần Thơ biệt danh là Gôrigôri (nhân vật chính, người tình của Aỏc-xi-nia trong "Sông Đông êm đềm"), nhiều bồ lắm nhưng chỉ thích chiều chiều khi phố xá lên đèn, thắng complet "Hàng Trống tailleur", đưa cánh cho người đẹp xỏ tay vào đi dạo phố, gặp bạn bè tập kết nào nháy mắt khoe mẽ cho vui chứ không thích lên giường phải chịu trách nhiệm.
Tôi kéo Gôrigôri(°°) và cả cô bồ vào Thủy Tạ Bà Hồ tả cảnh vườn cam và thuyết về con người Ba Nhiều.
Gôrigôri trầm ngâm có vẻ ngậm ngùi, trịnh trọng nói:
- Vậy là vua cam rồi, tôi phải lên xem trước. Mai em có rảnh đi chơi với anh không?
- Mai chúa nhật, em cũng thèm cam lắm.
Một chiếc com-măng-ca bon hết đường cái, rẽ vào rừng nhảy sòn sòn trên con đường mòn.
Tôi coi nhà cho Ba Nhiều theo Gôrigôri về thủ đô ký hợp đồng bán cam cho Nhà nước. Hôm sau Công ty Rau quả điều lên một xe năm tấn chất đầy thùng gỗ để đóng gói cam tại chỗ, còn chở lên cho 10 bao urê, chứng tỏ cơ quan có ý định làm ăn dài dài nhiều năm với Ba Nhiều.

*

Tiếng lành đồn xa, chuyện anh Nam Bộ tập kết một mình trồng cam bán cho Nhà nước chở bằng xe tải thấu đến tai Ban Thống nhất. Hồi ấy có chủ trương rất trách nhiệm của lãnh đạo là: Đảng, quân đội nhận ủy thác của bà con miền Nam đưa anh em đi tập kết. Không thể phụ lòng đồng bào ruột thịt ngày đêm mong mỏi con em mình trở về cứu lấy quê hương. Phải đi khắp nẻo thu dụng tất cả số anh em lưu lạc bất kỳ ở đâu để tổ chức đưa về. Là mệnh lệnh của trái tim, tất nhiên phải mềm dẻo chứ không được ra lệnh.
Người nhận công việc này lên tìm Ba Nhiều là ông Ba Đắc. Ông có miệng nhưng không có cằm, đạn đum đum hồi chín năm đã cướp mất bộ xương quai hàm - vết thương sát tử ấy tăng sức thuyết phục của lời nói phải kề tai mới nghe rõ của ông gấp bao nhiêu lần.
- Sao đây anh bạn? ở đây nuôi tôm, trồng cam hay về.
- Giỡn chơi sao ông? Đừng quên tôi là dân vượt tuyến.
- Bởi vậy "dục tốc bất đạt" nóng mũi đi ẩu nên bây giờ mới còn đây, anh em người ta về gần hết rồi.
- Tội nghiệp thằng em, nói móc nữa làm chi anh Ba! Thấy anh lên là thằng em mừng hết lớn. Ban Thống nhất hú một tiếng là có mặt em ngay.
- Vậy ngoéo tay nghe! Chuẩn bị đi.
- Có gì phải chuẩn bị, phủi tay là xong ngay...
Nói vậy thôi, vật chất phủi được, nhưng còn nghĩa tình? Ba Nhiều vào tuốt trong nhà chim chờ chị hàng gánh.
Thị Mễ giẫy nẩy khi Ba Nhiều bảo giao lại cho thị vườn cam để kỷ niệm.
- Nghìn lần em chả nhận đâu. Sao anh lại giao cho em. Làm thế khác chi lạy ông em ở bụi này. Thiên hạ sẽ tò mò, có quan hệ gì mà cho với nhận? Em đã nói với anh lâu rồi, mình quen nhau là chỉ để thích.
- Nhưng không có quen với em hồi đó anh xin đất làm vườn cam này để làm gì. Không lẽ anh có thể chở cả vườn cam này đem về xứ. Ao tôm và đàn gà đã thừa sức cho anh nhậu "mệt nghỉ" không hết.
Xe Ban Thống nhất sắp lên rước anh rồi, người ta đánh nhau ầm ầm ở trong ấy bấy lâu nay; được về cứu khổ cho đồng bào là thỏa hết chí bình sinh của anh rồi. Đâu thể ung dung ngồi đây mà nuôi gà trồng cam... Anh cũng chẳng đã nói với em sao, cốt của anh là "dân nhà đá". Đi! Đi! Rồi lại đi nữa đến tận cùng Tổ quốc. Em không nhận, anh biết giao vườn cam cho ai, bỏ héo khô chết uổng lắm.
- Không! Chết em cũng không nhận, công em ở vậy thờ chồng nuôi con bấy lâu nay... Nhãi ranh! Anh cười cái gì? Quen với anh chẳng qua là buộc phải mạo hiểm để giữ được tiếng thơm ấy. Bao nhiêu đứa thiếu điều quỳ mọp dưới chân bà xin cưới hỏi hẳn hoi... Đố đấy! Bước được một bước vào nhà em!
Nghe em đi! Anh giao vườn cam cho Hợp tác xã. Vậy là công đức vẹn toàn, còn cái ao tôm anh cho hai đứa nhỏ hay ra vô lấy củ nâu đó, chúng nó biết vót tre bện đăng đan đó với điều kiện là phải bán tôm cho em để em mỗi lần ra vô em nhớ anh.
- Xem ra em cũng giác ngộ rất phết.
- Đừng tưởng! Gái này không kém ai đâu!
- Vậy thì phải thưởng! Lên đây! Lên đây đi!
Gà ngỗng, chim rừng, đàn ong trong cỗ quan tài bảo thọ lắng nghe.
Tiếng người đàn ông:
- Thông cảm cho anh! Ta có duyên nhưng không có phận...
Tiếng người đàn bà:
- Thôi! Đừng nghĩ ngợi lung tung nữa, chớ có phân tâm! Để mà hưởng. Biết bao giờ có nữa?
Gió nô đùa với lá, tre pheo nghiêng ngả rừng núi bồng bềnh... Lại nghe tha thiết:
- ối! Ông Mìn! ối ông Mìn! ối ông Mìn!... ối ông Đìn! Mình ơi...
(°) Tiếng lóng chỉ đảo ngũ
(°°) Nhân vật chính trong tiểu thuyết "Sông Đông êm đềm" của Sôlôkhốp"