Sau gần hai tiếng đồng hồ chạy khật khưỡng qua những vùng đất đầy ắp những kỷ niệm của tuổi học trò, con tàu dừng bánh, thả ông Kỳ xuống ga Truông Bàn, một cái ga xép, rất xép nằm lọt giữa lòng thung. Có đúng ba người khách xuống, kể cả ông. Hỏi thăm một bà nạ dòng, chắc là dân buôn chuyến, ông được trả lời:
- Bác về bên làng Hạ à, rứa thì bác đi theo lối ni. Bà ta chỉ về bên tay trái. Nhờ ánh trăng cuối tháng đã mọc ở chân trời, ông nhìn thấy một vệt trăng trắng, ngoằn ngoèo, chắc là con đường mòn. - Đi bộ vài trăm thước tây, bác sẽ gặp một cái đền, kêu bằng đền Voi ngựa...
- Ơ... vậy thì cảm ơn bà, tôi biết rồi. - Ông Kỳ hấp tấp nói với người đàn bà tốt bụng và xốc ba-lô lên vai.
Thế là ông sắp đi lại con đường của tuổi thơ. Đền Voi ngựa nằm cách nhà ông chỉ bốn cây số. Hồi ông học lớp Tư - cũng như lớp Một, lớp Hai bây giờ, không ngày nào không phải đi qua đó để đến trường hàng tổng nằm trên một đồi thông. Đền có tên chữ, nhưng dân trong vùng vẫn gọi nôm na như vậy, vì trước đền có đắp nổi hai con voi, hai con ngựa, bốn ông tướng cầm giáo đứng canh.
Đền vẫn còn, nhưng trơ trọi, vì cánh rừng rậm rạp bao quanh đã bị cạo trọc. Voi, ngựa, bốn ông tướng vừa được sơn phết lại, trông nhỏ bé, còm cõi và lòe loẹt đến nực cười.
Qua đền, qua một quãng dốc ngắn là đến cánh đồng. Con đường, vẫn là đường đất, nhưng hình như thẳng và to hơn. Nằm kề bên mép đường là con mương thủy lợi, tối thẫm dưới bóng rợp hai hàng cây đã khép tán.
Gió thổi ngược, vẫn là gió "tây cào", nhưng về đêm, không còn lửa mặt trời nung đốt và được hơi nước của đồng lúa bốc lên làm dịu bớt, gió cũng mát và cũng mơn man được da thịt. Ông Kỳ cởi phanh áo, bước nhanh, cảm thấy như mình đang lấy lại được phần nào phong độ tuổi thanh xuân. Chẳng mấy chốc ông đã đứng trước con sông quê hương, có tên là Rào Đá, lấp loáng ánh trăng.
"Đò ơi!". Ông Kỳ gọi hú họa. Đã hơn mười giờ đêm, không chắc người lái đò còn ở lại.
Chợt có ánh lửa lóe lên trong một vùng tối của mép sông phía bên kia. Rồi một tiếng nói cũng từ đấy vọng sang "chờ nghe". Nhìn kỹ hơn vào vùng tối, ông nhận ra có một chiếc thuyền lớn, loại có mui cao, sức chở nặng hàng tấn, người dân quê ông xưa kia vẫn gọi là "đò choèn". Nhưng không phải chiếc thuyền ấy, mà một chiếc đò nhỏ, không mui, đang từ đó tách ra, quay mũi về phía ông.
- Chào bác! - Ông Kỳ nói to khi đò cập bến. - Cảm ơn bác nhiều lắm!
Ông có thể gọi bác, vì biết chắc đó là một ông già, lưng trần, mặc quần xà lỏn, mái tóc bạc và chòm râu rậm bay phơ phất trong làn gió thổi ngược dòng sông.
- Có chi đâu mà phải cảm ơn. - Ông già đáp. Giọng có hơi khàn nhưng các âm thanh vẫn tròn, khỏe khoắn. - Chớ bác đi đâu mà qua đò khuya dậy?
Ông Kỳ ngạc nhiên. Không phải giọng quê ông.
- Tôi về thăm nhà bên làng Hạ này thôi. Ông Kỳ trả lời.
- Thế xin lỗi... bác dề nhà ai bên làng ta đấy ạ?
- Tôi về nhà ông Lạc, ông ấy là chú ruột tôi mà.
Lúc đó đò đã đến giữa sông. Ông lão đang uốn cong người để chống thuyền bỗng bật thẳng dậy. Trong chừng vài tích tắc, ông Kỳ thấy cả con người ông lão bất động, im phắc, hệt bức tượng Phật Tuyết Sơn ở chùa Tây Phương. Cả con sào cầm ngang trong tay ông cũng không hề động đậy.
- Trời. - Một tiếng kêu đường đột, như thể có cái gì ở ông lão bỗng vỡ tung. Rồi sau một khoảng lặng đến vài giây, ông lão mới có thể nói tiếp, giọng trở nên lắp bắp. - Thế... bác là... là... cậu Kỳ à?
- Vâng... Thế bác là...?
- Tôi là Tốn đây cậu ạ... chắt Tốn, người dưới An Thổ, có hồi làm cấp dưỡng ở cơ quan huyện, cậu nhớ ra chưa nào?
°
Năm đó ông Kỳ mới mười ba tuổi, đang học lớp Đệ Nhị ở trường Trung học trên huyện. Nhiều người gọi "cậu Kỳ". Vì cậu bé, cậu là học trò, nhưng chắc cũng vì một lý do khác, cậu được nể trọng. Cha cậu là Chủ tịch tỉnh, chú ruột cậu... ông Lạc, có bằng đíp-lôm, đang là Chánh văn phòng ủy ban huyện. Cậu sống với chú tại xóm Mít, nơi cơ quan huyện tản cư đến, cách trường Trung học chỉ hơn một cây số. Tốn, chắt Tốn lúc bấy giờ cũng có mặt ở đấy, và cũng gọi cậu là "cậu Kỳ". Nhưng hắn không phải là cán bộ, cũng không phải là dân thường, hắn là tù bị giam ở nhà lao Thạch Bàn. Ông quản đốc trại giam, sau một thời gian theo dõi, thấy hắn "cải tạo tốt", đã có nhã ý cho ủy ban mượn tạm, để hắn giúp vào việc "cải thiện" bữa ăn.
Theo ông Lạc, người nhận Tốn và trực tiếp quản lý hắn, năm đó hắn vừa đúng ba mươi tuổi. Không biết trong nhà lao hắn thế nào, còn khi "cậu Kỳ" gặp ở cơ quan, trông hắn cũng "coi được". Hắn cao chừng một mét sáu lăm, không béo, không gầy, tầm vóc như vậy là vừa phải. Tốn nói hắn chẳng tập tành gì, nhưng ngực hắn rất nở, cùng với cái bụng thon, và hai cánh tay rắn chắc, tạo cho hắn chút dáng vẻ lực sĩ. Người ta đồn Tốn có "bộ mặt tướng cướp", nhưng "cậu Kỳ" khi nhìn hắn từ một khoảng cách rất gần, lại không đọc được chút gì như vậy cả. Mặt hắn hơi vuông về phía dưới, có bộ xương quai hàm chắc khỏe, bạnh ra, bộ ria mép lún phún. Nếu có gì làm cậu thấy trờn trợn chính là đôi mắt hắn. Đôi mắt sắc một cách hoang dã. Khi cái nhìn của hắn chiếu thẳng vào mắt ta, ta có thể nghĩ rằng nó đủ sức xuyên qua hộp sọ, đi đến tận nơi hình thành ý nghĩ của ta.
Tốn sinh ra ở làng An Thổ, một làng đạo toàn tòng. Cha hắn, nghe nói đã chấm hắn, đứa con trai thứ hai trong sáu đứa, được coi là có trí lự, mặt mũi sáng sủa hơn cả, để sau này gửi đi học trường dòng. May ra được đủ bảy chức Thánh, ra làm Cha, làm Cụ, để trước lo phụng sự Chúa, sau mát mặt gia đình, giòng họ. Nếu không, cũng kiếm cho hắn chức Thầy, để đỡ chân lấm tay bùn. Nhưng không hiểu bị quỷ Sa tăng cám dỗ hay sao đó, mà mới học đến lớp Ba, chưa kịp thi yếu lược, Tốn đã phá bĩnh. Bị cha đánh cho một trận nhừ tử, Tốn bỏ nhà đi luôn. Hai năm sau, hắn gửi thư về, bảo đang làm thằng nhỏ cho một ông chủ gánh hát ngoài Hà Nội. Cha hắn tức tốc bổ đi tìm. Ông không chỉ lo hắn hư hỏng mà còn lo hắn bỏ đạo. Cũng may, ông chủ là người thuộc bổn đạo không chỉ cho hắn đủ cái ăn, cái mặc mà còn luôn nhắc hắn đọc kinh, xem lễ. Ông còn hứa sẽ dạy hắn, để mai kia, may ra làm được chân kép phụ. Cha mẹ hắn hoàn toàn yên tâm. Không làm được Cha, được Thầy, thôi thì làm kép hát cũng tốt.
Nhưng chỉ tử tế được vài năm, rồi con ngựa chứng lại quay về lối cũ. Không chỉ bỏ bê công việc, Tốn còn tằng tịu với một cô đào trẻ mà ông chủ đã mất nhiều công rèn cặp, hy vọng sẽ nâng lên thành đào chính. Bị đuổi và bị dọa sẽ "báo bốt", Tốn dông thẳng về quê. Cha mẹ hắn thấy chỉ còn cách bắt hắn phải lấy vợ. Tốn đồng ý, và một năm sau cô vợ đã sinh được mụn con gái. Vì thế, theo tập quán địa phương, trước tên hắn mới có thêm từ Chắt. Nhưng rồi vợ con cũng không níu buộc nổi hắn. Vài năm trước Cách mạng Tháng Tám, Tốn sống bằng nghề xảm thuyền (1). Không ai biết hắn học nghề này từ bao giờ. Chỉ thấy hắn ngày ngày quảy đồ nghề đi lang thang dọc các xóm ven sông để tìm việc. Và trong những năm đó, số con gái dở dang, số đôi vợ chồng trẻ lục đục vì hắn cũng tăng tỷ lệ thuận với số thuyền nát được hắn chữa lành. Vợ hắn, tuy đã thề trước Chúa sẽ yêu thương hắn trọn đời, nhưng không còn chịu nổi, đành phải bồng con về sống với cha mẹ đẻ.
Uy lực của Cách mạng lúc mới thành công có lúc đã khép được Tốn vào vòng trật tự. Hắn vẫn làm nghề xảm thuyền, và trong một hai năm đầu, không nghe có điều tiếng gì. Cho đến một đêm mùa đông mưa to, rét dữ, Tốn bị "tóm dính", khi đột nhập vào nhà thờ Xứ. Động cơ thực sự, theo lời khai của hắn, không ngoài việc mò gái, nhưng Cha xứ, ông bõ và các Thầy, các Chú trong nhà thờ lại quả quyết rằng hắn vào đó để ăn trộm. Dù là gì đi nữa thì kẻ có tội phải bị trừng trị đích đáng. Huyện mở phiên tòa, khép hắn vào hai tội: "trộm cắp và xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng", kêu án sáu năm tù ở. Tốn lập tức bị tống vào trại Thạch Bàn, nơi giam giữ đủ loại tội phạm, từ Việt gian, phản động đến lưu manh, côn đồ... của cả tỉnh.
Không ít cán bộ trong cơ quan huyện hồi đó vẫn giữ nguyên cái nhìn cũ đối với Tốn. Cái nhìn đầy khinh ghét, nghi kỵ. Nhưng chẳng bao lâu, thái độ của họ phải thay đổi, thậm chí bị lật ngược. Tốn nấu ăn rất giỏi. Nếu gọi hắn là "đầu bếp kỳ tài", chưa chắc đã là ngoa. Vẫn với ngần ấy gạo, ngần ấy tiền chi cho thức ăn, củi đuốc, mà món ăn lại nhiều hơn, ngon hơn. Hắn đem vào bảng thực đơn vốn đơn điệu, "chém to kho mặn", rất nhiều món ăn lạ thu góp từ nơi hắn từng đặt chân đến. Hắn còn "nâng" các món ăn có thể gọi là "truyền thống lâu đời" của vùng quê Nghệ Tĩnh như cà, dưa, nhút... thành các món dễ ăn hơn. Ngay cả cơm thổi bằng thứ gạo địa phương vừa đen, vừa cứng, có người gọi đùa là "gạo bọc thép", một khi qua tay Tốn vẫn thấy mềm, thấy dẻo hơn. Tốn còn xin cơ quan cho hắn được mổ lợn để bán. Không phải đi đâu xa, chỉ mua ngay, bán ngay trong xã. Ba giờ sáng hắn dậy mổ lợn; năm giờ sáng đã có thịt bán cho người mua; bảy giờ sáng cất dao, dọn phản. Hắn chỉ bán ba phần tư con lợn, vừa đủ lấy lại vốn, còn một phần tư thịt và cỗ lòng, dành cho cơ quan làm một "bữa tươi". Mỗi tuần, Tốn mổ một hoặc hai con lợn, mỗi tháng cơ quan có bốn "bữa tươi" mà chẳng phải đóng thêm một đồng nào.
Không chỉ thế. Tốn còn làm cơ quan vui hẳn lên bằng những "món ăn tinh thần" mà sau này nhớ lại, ông Kỳ thấy không thể gọi gì khác hơn là "sinh hoạt văn hóa". Ông chủ gánh hát ở Hà Nội cho Tốn rất nhiều, và bây giờ đến lượt hắn hào phóng trao lại cho cơ quan. Tối tối, sau khi dọn dẹp xong, hắn kê bàn ghế ra khoảng sân gạch trước nhà, mời mọi người chung quanh sang uống nước chè xanh, hút thuốc lào và nghe hắn kể chuyện. Phải công nhận Tốn có trí nhớ tốt. Bao nhiêu tích tuồng đã xem, bao nhiêu sách đã đọc, hắn lần lượt kể lại vanh vách, không bỏ sót một chi tiết nào. Phần lớn là chuyện Tàu: Chinh đông chinh tây, Hán Sở tranh hùng, Tam quốc, Thủy hử... Đôi khi cũng có một số truyện kiếm hiệp Việt Nam như Dao bay, Người nhạn trắng... Giọng Tốn ấm. Hắn lại biết cách lên bổng xuống trầm, biết tạo hồi hộp cho người nghe ở những đoạn nhiều kịch tính. Tốn còn diễn tuồng. Một mình hắn đóng luôn năm, sáu vai, từ vua đến quan, hoàng tử, công chúa, hề, đủ cả trung, cả nịnh... có lần phởn lên, hắn vớ một tàu lá khô để làm ngựa, vừa hát điệu tẩu mã vừa "phi ngựa" quanh sân. "Khán giả" không đông, chỉ dăm người, đông nhất độ chục người, hầu hết là nhân viên văn phòng, những người ít phải xuống xã. Đó là những "khán giả" hết sức trung thành, mà trung thành nhất phải kể đến "cậu Kỳ".
Cho đến mùa đông năm 1948, có thể nói, Tốn đã chinh phục được tình cảm của hết thảy mọi người trong cơ quan. Nhiều người mời hắn về nhà chơi, dự đám cưới, ăn giỗ. Ông Chủ tịch huyện thỉnh thoảng cho hắn mượn con ngựa dành riêng cho ông đi công tác, để hắn mua thức ăn ở các chợ xa. Các bà trong làng đi chợ về, kể rằng Tốn "oai phong như một ông tướng". Hắn mặc áo dạ kiểu ba-đơ-xuy, có hai hàng cúc đồng sáng loáng trước ngực, đội mũ bê-rê, ngồi trên lưng ngựa phóng thẳng vào chợ. Vẫn không thèm xuống ngựa, hắn đưa mũi cây roi thúc ngựa, chỉ từng miếng thịt, mớ cá, mớ rau định mua. Mặc cả xong, hắn trả tiền, bảo người bán bỏ hàng vào chiếc bị đeo trước yên, nháy mắt với các cô gái trẻ rồi ung dung ra khỏi chợ, quất ngựa phóng thẳng.
Lần nào đi chợ về như vậy, Tốn cũng không quên sang nhà Chánh văn phòng bấm "cậu Kỳ". Trước lúc giao ngựa cho Giám mã, cậu có thể sử dụng nó trong vòng nửa tiếng, đủ thời gian để phóng một vòng lên phố huyện và trở về xóm Mít. "Cậu Kỳ" thường gọi Tốn bằng anh, nhưng vào những lúc quá thân mật như vậy, cậu hay gọi đùa hắn là "se-ca-ma-rát". (2)
Nghe đâu Huyện ủy đã có bàn qua về Tốn, định sang đầu năm sau, ủy ban sẽ thảo công văn xin giảm án cho hắn. Có người còn đề xuất việc giúp hắn tái hợp với người vợ cũ, cho đến lúc này vẫn ở vậy nuôi con.
Đúng vào lúc đó Tốn biến mất.
Một bất ngờ lớn. Nhưng dẫu sao, với một con người có quá khứ đen thui như Tốn, việc đó rồi cũng hiểu được, cắt nghĩa được. Còn bất ngờ hơn nhiều, khó hiểu hơn nhiều là việc có một người cùng trốn đi với Tốn vào đêm hôm đó: chị Hiền Lương, thư ký ở văn phòng ủy ban huyện.
Chị cùng quê với "cậu Kỳ". Và cũng như cậu, chị thuộc về một gia đình "cốt cán" của cách mạng. Ông nội chị từng là nghĩa quân Phan Đình Phùng. Cha chị và cha cậu là bạn tù Lao Bảo. Cha cậu cuối cùng đã trở về để được hưởng vinh quang của thắng lợi, còn cha chị, hy sinh trong một lần mạo hiểm vượt ngục. Mẹ chị đi bước nữa, để con gái cho bà ngoại nuôi. Nhờ có ông cậu là công chức đưa xuống thị xã cho ăn học, chị đã qua hết sáu năm tiểu học và có bằng Séc (3). Phụ nữ thôn quê thời đó, mù chữ đến gần trăm phần trăm, học được đến đó đã là ghê gớm lắm. Ngay khi Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, các đồng chí của cha chị, không quên đứa cháu mồ côi, đã đưa chị ra làm việc ở huyện. Thoạt đầu chỉ làm chân thư ký văn phòng. Nhưng chị đã được kết nạp vào Đảng, chẳng bao lâu sau nữa sẽ về tỉnh học trường chính trị, để sau này giữ một vị trí xứng đáng hơn, xứng đáng với năng lực của bản thân chị và sự hy sinh của cha chị.
Năm đó, chị Hiền Lương mới hai mươi mốt tuổi. Người chị mảnh mai, da rất trắng, đôi mắt buồn, có lẽ do cảnh đời côi cút tạo nên. Từ dáng vẻ và tâm hồn chị, luôn tỏa ra một cái gì êm ái, nhẹ nhàng, gợi ta nghĩ đến các cô tiểu thư trong truyện ngắn, tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn. Những tác phẩm như vậy, chị có nhiều và thường hay dấm dúi cho "cậu Kỳ" mượn đọc. Chị coi cậu như em, và ngược lại, vì cậu là con một, cho nên cậu cũng coi chị không khác gì chị ruột mình.
Người ta mở một cuộc săn lùng ráo riết. Thông báo truy nã được gửi đến khắp mọi nơi trong phạm vi ba tỉnh thuộc vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh. Nhưng hai kẻ tội phạm như hai hòn cuội nhỏ bé rơi xuống đại dương, không để lại mảy may dấu vết. Rồi năm tháng qua đi, họ cũng như tất cả mọi vinh, nhục lớn, bé trên đời, bị đẩy vào quên lãng.
Riêng ông Lạc, chắc chắn ông không quên. Vì sau vụ "đào thoát", ông mắc tội nặng. Có người, thậm chí, nói rằng ông phải ngồi tù thay cho Tốn. Tất nhiên cấp trên biết suy xét, cân nhắc. Cuối cùng, ông bị cảnh cáo về mặt Đảng, cách chức Chánh văn phòng, được điều động ra cơ quan Khu ủy, làm việc trong bộ phận Thư ký đoàn. Vài năm sau ông vào bộ đội, và ở mãi cho đến lúc về hưu với quân hàm đại tá.
Với cháu ông, có phần phức tạp hơn. Cậu vốn là người hay nhớ. Cậu không thể nào quên những đêm kể chuyện, diễn tuồng của Tốn, dẫu vẫn biết rằng đó là sản phẩm của một thằng tù, một thằng ăn trộm, một thằng "chó dái". Cậu vẫn thương chị Hiền Lương. Chị mảnh mai quá, hiền dịu quá, mà cuộc đời thì đầy rẫy những hung bạo, đểu cáng. Chị sống làm sao nổi khi dấn thân vào cõi đó cùng với một người như Tốn! Khi đã trở thành người lớn, cậu không còn quá kinh ngạc như sau cái đêm tai họa ấy. Cậu hiểu con người hơn. Con người có thể rất khôn ngoan, mà cũng có thể buông thả mình đến mức rồ dại. Tuy thế cậu vẫn nuôi chút hy vọng rất mong manh rằng chị Hiền Lương không trốn đi cùng với Tốn. Hoặc giả, chị bị Tốn cưỡng ép, bắt đi theo, và đến một lúc nào đó, hắn đã thủ tiêu chị. Thà như thế còn hơn là chị phải lòng hắn, đồng mưu với hắn. Vì như thế, quả là một sự điếm nhục, điếm nhục cho cả chị, và... cho cả cậu nữa...
°
- Cậu Kỳ... - Lão Tốn gọi khẽ khi con đò sắp cập bến làng Hạ. - Mời cậu ở lại đây chơi với tôi. Bây giờ đã quá khuya, trong nhà ông Lạc đã đi ngủ. Nhà tôi đây cậu. - Lão chỉ chiếc thuyền lớn.
Ông Kỳ phân vân. Nghe nói ông chú đang gặp chuyện trục trặc với vết thương cũ ở lưng, ông muốn có mặt ở nhà ngay trong đêm nay. Nhưng ông cũng rất muốn ở lại với lão Tốn để biết về lão, về chị Hiền Lương. Thấy khách im lặng, chắc lão nghĩ rằng ông đã đồng ý, liền bước xuống sông, kéo con đò về phía "nhà" mình. Sau khi buộc đò vào mạn thuyền, lão quay lại, đỡ một tay, giúp ông Kỳ bước lên khoang mũi của con thuyền lớn.
- Đây, cậu ngồi xuống đây. - Vừa nói lão Tốn vừa trải tấm chiếu hoa lên sạp. - Vậy là bốn mươi sáu năm rồi mới lại được gặp cậu. - Chợt nhìn thấy vẻ bối rối trên mặt ông Kỳ, lão xua tay. - Xin cậu cứ vui vẻ đi, không có điều gì phải buồn phải khổ cả. Để tôi chống thuyền ra giữa sông cho mát, rồi ta nhậu với nhau một bữa thật đã đời. Tôi sẽ xin thưa với cậu về tôi và chị Hiền Lương của cậu. Hồi đó, có lúc cậu gọi tôi là "se-ca-ma-rát" của cậu. Cậu cứ gọi tôi như thế đi, không phải ngượng, phải xấu hổ chút xíu nào đâu. Cậu chịu khó ngồi đây chút xíu nghe. - Lão nói khẽ, giọng láng mượt như dỗ dành.
Rồi lão cúi khom người chui vào phía trong tối om. Tiếng lão nói khẽ, nhưng vẫn đủ sức đập vào thính giác ông Kỳ.
- Dậy... dậy đi... nhờ chút xíu.
Có tiếng ậm oẹ, rồi một giọng đàn bà cất lên: "Dậy mần chi sớm rứa, đang nửa đêm...". "Chị Hiền Lương ư?". Ông Kỳ giật mình, lắng nghe. Không hiểu lão Tốn làm gì khiến người đàn bà cười rúc rích. Một ngọn đèn ắc quy chợt bật sáng. Ông Kỳ liếc nhìn về phía khoang lái. Không phải chị Hiền Lương. Một người đàn bà còn trẻ, còn quá trẻ là đằng khác, phốp pháp, trắng như lợn cạo, đã ngồi dậy, đong đưa cả hai tay về phía sau búi lại tóc. Còn lão thì nằm sấp xuống sạp thuyền kéo một vật gì từ dưới nước lên. "Lại thêm một con thiêu thân lao vào xin chết với lão", ông Kỳ chợt nghĩ. Ông kém lão mười sáu tuổi, tức là lão đã bảy mươi sáu. Không biết lão lấy đâu ra sự cường tráng và sức hấp dẫn kỳ quái đó? Hai người tiếp tục thầm thì, rồi cả hai bò về phía khoang mũi, nơi ông Kỳ ngồi.
- Đây là cậu Kỳ, người bạn rất thân của tôi... đã bốn mươi sáu năm rồi, bây giờ chúng tôi mới gặp nhau đó. Còn... em đây là... bạn tôi. Là nhà ngoại giao, ông Kỳ có thừa bản lĩnh để giữ vẻ mặt không thay đổi. Ông hơi cúi đầu, mỉm cười, nói đủ hai tiếng "Chào chị". Tuy nhiên, ngay khi người đàn bà vừa thụt vào, ông liền nắm chặt cánh tay trần của lão Tốn. Giọng ông rất khẽ, nhưng nghe vẫn có tiếng rít:
- Thế còn chị Hiền Lương thì sao?
- Đây, đây cậu. - Lão Tốn vẫn tỏ ra rất trầm tĩnh. - Mời cậu chịu khó vô đây chút xíu.
Ông Kỳ ngần ngừ, nhưng rồi, vẫn theo lão, bò vào khoang lái. Lão Tốn đưa tay kéo tấm màn bằng vải hoa, để lộ bàn thờ bằng gỗ được gắn vào cuối thuyền. Ông Kỳ thấy trước tiên một tấm ảnh chân dung cỡ lớn. Và cũng không khó khăn gì lắm để nhận ra người trong ảnh là chị Hiền Lương. Một bà già mặc áo dài gấm, đeo kiềng vàng, vẻ mặt phúc hậu. Trong đôi mắt vẫn còn đọng nét buồn thoáng ngày xưa.
Lão Tốn quỳ xuống. Với vẻ mặt hết sức kính cẩn, lão châm một nén hương, trao cho ông Kỳ. Ông cũng quỳ xuống, đỡ nén hương vái ba vái rồi cắm vào bát hương.
Trong khi người đàn bà cặm cụi mổ cá, hai người đàn ông, hai lão già, cùng im phắc nhìn ra sông. Trăng chừng đã lên đến đỉnh đầu. Thuyền đung đưa nhè nhẹ, mặt sông như có hàng vạn, hàng triệu con cá vàng, cá bạc đang đùa nghịch, đuổi nhau về phía thượng lưu. Cả làng Hạ bên tả ngạn và làng Thượng bên hữu ngạn đều đã chìm vào giấc ngủ bình yên. Chỉ còn mỗi con chim tìm vịt, náu mình ven cánh bãi cuối làng, vẫn kiên nhẫn buông vào khoảng không tĩnh lặng của đêm khuya những tiếng kêu thống thiết. "Vít... vít vịt vịt...". Con chim mái đã chọn được nơi chốn, đã làm xong tổ, đang khắc khoải gọi chim trống tìm về.
Lão Tốn chợt bừng tỉnh. Lão quay về phía sau lấy chùm chìa khóa mở hòm và bê ra cuốn an-bom dày cộp.
- Mời cậu coi đi. - Lão nói và đặt tập ảnh xuống trước mặt ông Kỳ. - Rồi cậu biết hết.
Ông Kỳ phải móc túi lấy cặp kính lão mới xem rõ. Rặt ảnh chụp cảnh sinh hoạt của gia đình. Lão và chị Hiền Lương. Hai vợ chồng và các con. Cả nhà ngồi chơi trong phòng khách. Cả nhà ăn cơm. Cả nhà đi pic-nic, chụp cạnh một con thác lớn đổ nước trắng xóa... Tất cả, toát lên một cuộc sống đầy đủ, yên bình...
- Thế anh Tốn về đây từ lúc nào? - Ông Kỳ hỏi.
Bộ mặt lão Tốn bỗng giãn ra. Hình như suốt từ lúc nhận ra "bạn cũ" đến giờ, lão vẫn chờ nghe một câu nói như vậy.
- Được gần hai năm. Tôi về theo lời dặn của chị Hiền Lương đó cậu. Trước khi nhắm mắt chị ấy bảo tôi đem chị ấy về quê. Cả tôi, cũng sắp xếp cho con cái rồi về quê mà ở. Chị ấy bảo tôi phải tìm bằng được ông Lạc để tạ tội với ông ấy. Tôi cũng phải đi ra Hà Nội tìm cậu, để nói cho cậu biết. Tuy không có liên lạc, nhưng qua báo chí, chị ấy vẫn biết rõ cậu làm người phát ngôn của Hội nghị nào, Đại sứ ở nước nào... Chị ấy vẫn thương cậu, nói về cậu mà cứ như nói về một đứa em còn nhỏ dại. Tội lắm cậu ạ. - Lão Tốn vội lật nghiêng một bàn tay đưa lên chùi nước mắt, sụt sịt vài tiếng rồi nói tiếp - Ông Lạc thì tôi gặp ngay sau cái hôm về đến làng. Lúc đầu ông ấy còn giận tôi, giận lắm đó cậu. Nhưng sau khi nghe tôi nói và coi ảnh gia đình tôi, ông ấy cũng thông cảm. Mới hôm kia đi lên huyện họp Cựu chiến binh về, có ghé vô đây, nhậu lai rai với tôi mấy chén.
- Sao bảo vết thương cũ của chú ấy tái phát?
- Đâu có, từ tháng hai tháng ba kia, viên đạn nằm sau lưng, lâu lâu hắn lại đùa chút xíu thôi mà cậu... Tôi cũng định đi Hà Nội để thăm cậu mợ và các em, các cháu ngoài đó, nhưng ông Lạc bảo cậu mợ còn đi du ở nước ngoài.
- Tôi cũng mới về được hơn nửa tháng. Mà... kỳ này về là về hẳn đấy. Để rồi lúc nào rỗi rãi mời anh và... chị ra chơi.
Ông Kỳ tự nhiên thấy giọng nói của mình mềm lại, thoải mái hẳn ra. Bàn thờ, tấm ảnh, mùi khói hương phảng phất, những giọt nước mắt trên gò má nhăn nheo của lão Tốn, và cái tĩnh lặng gần như tuyệt đối trên dòng sông quê hương... đang ngấm vào ông, tạo ra sự đổi thay mà chính ông cũng không ngờ.
Người đàn bà bắc chảo lên bếp ga. Tiếng mỡ nổ xèo trong chảo làm cả hai người giật mình. Lão Tốn kéo áo ông Kỳ.
- Thôi, ra ngoải ngồi cho mát đi cậu. Có trăng, có gió, tội gì rúc trong này.
Ra đến khoang mũi, lão còn ngoái lại, nói chõ vào: "Nhớ cho nhiều tỏi nghe!". Rồi lão cầm sợi dây ni-lông buộc ở cọc chèo, kéo từ từ. Ông Kỳ trông thấy một chiếc sọt tre nhô lên khỏi mặt nước. Lão Tốn nằm sấp xuống, kéo từ trong sọt ra một chiếc hũ sành, đưa lên thuyền.
- Rượu Trúc Lâm loại đặc biệt đây cậu. Người ta "gờ lát xê" bằng hầm lạnh, tôi "gờ lát xê" bằng nước sông. - Lão vừa nói vừa ôm chiếc vò sát bộ ngực trần, tay vồ vỗ, làm bắn những giọt nước li ti.
Làng Trúc Lâm nằm phía bên làng Hạ, có nghề nấu rượu lâu đời. Cuối làng có hòn Lèn (4), gọi là lèn Bạc Trốc, tức đầu bạc. Những người cất rượu sành sỏi, thường leo lên tận đỉnh lèn, hái một thứ cỏ mọc trong kẽ đá, đem về ủ với cơm rượu. Lúc cất lên sẽ được một thứ rượu cốt, đặc biệt, trong vắt như nước mưa, có mùi thơm lạ, không rượu nào sánh nổi. ấy là ông Kỳ cũng chỉ nghe nói vậy, chứ chưa thấy, chưa được uống bao giờ.
Người đàn bà bưng đĩa chả cá cùng với các thứ rau, nước chấm, gia vị ra, đặt xuống chiếu rồi quay vào ngay. Lão Tốn thong thả mở giây buộc, cởi lớp bọc nilông, kéo cái nút bằng lá chuối khô, rót rượu ra chén. Rượu trong vắt, sóng sánh, ngả vàng, thấy rõ cả một nửa vành trăng bé xíu chao động trong đáy chén. Ông Kỳ vẫn không quên phép lịch sự, liền ngoái vào trong: "Chị ơi, mời chị ra cùng ngồi cho vui". Lão Tốn khoát tay:
- Thôi mời cậu. Cô ấy còn đi ngủ tiếp. Đang tuổi ăn, tuổi ngủ, chứ đâu có như tôi và cậu. Nào ta cụng ly!
Cả sông nước, trăng, gió, và tiếng chim đêm... đều tan cùng với rượu, tràn xuống cổ họng, ấm rực. Tự nhiên ông Kỳ thấy vô nghĩa, những tiệc đứng, tiệc ngồi, những phòng khách sang trọng sáng rực ánh đèn, đã mê hoặc mình trong suốt những năm dài. Tuy vậy, ông vẫn không để mình bị kéo đi quá xa cái điều mình đang muốn biết: cuộc chạy trốn của hai người.
- Cũng liều thôi cậu ạ. - Lão Tốn nói chậm rãi, và lại gắp chả cá và các thứ rau thơm vào bát cho ông Kỳ. Rồi nói tiếp bằng kiểu cách của kẻ giang hồ, pha phách đủ thứ giọng. - Tôi biết là sau khi tụi tôi đi, mọi người sẽ chửi bới không tiếc lời. Cũng phải thôi cậu. Cho tới lúc đó, tôi đâu là con người. Kêu bằng gì cũng được, chỉ không phải con người thôi. Tôi nói thiệt đó cậu. Từ lúc tôi yêu bà chị cậu và được bà ấy yêu, tôi mới bắt đầu trở lại làm con người... Nào, ta lại trăm phần trăm đi cậu!
- Nói không giấu gì cậu, sau khi ăn ở với nhau lần đầu trong cái ổ rơm của tôi dưới nhà bếp cơ quan huyện đó, tôi cứ... Nói thế nào với cậu đây?... - Lão Tốn cựa quậy, gãi đầu, như đang cảm thấy bực bội vì không diễn đạt nổi tình cảm thực của mình. - Hừ..., người tôi cứ như phát sốt, phát rét lên cậu ạ. Tôi thương cô ấy quá. Thương bao nhiêu, ân hận bấy nhiêu. Tôi đâu có xứng với cô ấy. Tôi hại đời cô ấy. Không khéo tôi giết chết cô ấy mất. Tôi khóc quá trời đó cậu. Cậu lạ lắm phải không? Hồi đó, cậu đâu có thấy tôi khóc. Nếu có, chỉ là khóc dởm lúc mần tuồng chơi cho vui. Thế mà đêm đó, tôi đã khóc. Khóc như con nít khóc hờn. Nước mắt tôi chảy ướt đẫm cả vạt áo trên ngực cô ấy. Cô ấy cứ ôm xiết lấy đầu tôi và nói: "Thôi, em xin, em xin..." Rồi cô ấy hôn lên đầu, lên mắt tôi, dỗ dành tôi âu yếm như bà mẹ dỗ con thơ... Tôi là một "thằng chó dái", không biết bao nhiêu người đàn bà đã qua tay tôi, nhưng chỉ đến giây phút đó tôi mới biết có một thứ kêu bằng tình yêu... Này cậu Kỳ, cậu đã bao giờ yêu như thế chưa?
- Chưa. - Ông Kỳ khẽ cười. - Nhưng tôi cũng thấy người ta nói trong sách.
- Hừ... Loại người như cậu thì cái gì cũng phải sách. Còn cái thứ "lục lâm thảo khấu" tụi tôi, muốn biết là phải trả giá, trả giá rất đắt, có khi phải liều cả mạng mình. Mà một khi đã biết là biết mãi, nhớ mãi, nhớ đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay. Tôi kể lại với cậu những điều đó để cậu hiểu cho rằng hai đứa tôi yêu nhau thật, yêu nhau tới mức phải liều mạng để được sống với nhau. Không có chuyện tôi lừa, tôi ép, tôi quyến rũ, tôi bắt cóc, hay tôi "bỏ bùa" cô ấy. Cậu hiểu được như vậy, thì tôi sống thanh thản hơn mà linh hồn chị Hiền Lương của cậu cũng hoàn toàn siêu thoát...
Cuộc đi trốn của hai đứa tôi hồi đó, cậu ơi, trần ai lắm! Mười hai ngày chui rừng chui rú. Tôi thì không nói làm gì, tôi như con chồn con cáo mà cậu, rúc đâu chả được. Chỉ thương cô ấy, sức đã yếu, lại bụng mang dạ chửa, ăn vào được chút gì lại nôn ra hết. Có lúc cô ấy lả đi, tôi phải cõng cô ấy trên lưng, nhưng cũng chỉ đi được vài trăm thước là lại phải ngồi xuống nghỉ... Đến ga Minh Lệ trong Quảng Bình, bị bọn lính Pác-ti-dăng đi tuần tóm được, giải về đồn. Thật phúc bảy mươi đời cậu ơi, cô ấy biết tiếng Tây, cô ấy xổ một tràng với thằng Tây đồn trưởng, thế là xong. Cô ấy bảo cô ấy là con một nhà địa chủ ở Nghệ An, còn tôi là anh kép hát. Hai chúng tôi yêu nhau nhưng cha mẹ không cho lấy, phải trốn vào đây để được sống với nhau. Cậu coi có khéo không! Không đụng gì đến kháng chiến. Còn anh Tây thì nghe nói đến yêu, đến ép duyên là mủi lòng liền. Hắn ra lệnh cho hai người ăn bữa trưa, rồi cấp cho một cái giấy thông hành...
"Đến Huế, tụi tôi dừng lại nghỉ ngơi, lấy lại sức và nhà tôi sinh thằng cháu đầu lòng. Nhưng sau đó lại phải ra đi. Đất Huế có tiếng, nhưng không phải đất làm ăn. Hơn hai năm trôi nổi từ Đà Nẵng đến Tam Kỳ, Nha Trang, Phan Rang, Đà Lạt, cuối cùng đỗ lại ở Buôn Ma Thuột. Cũng từ đó vận may bắt đầu đến với tụi tôi. Cậu biết rồi đó, tôi như con dao phay, chặt, thái, băm đều được cả. Nhưng tôi mạnh nhất vẫn là anh đầu bếp. Nơi nào có người thích ăn ngon, nơi ấy tôi sống. Thiên hạ càng đông người thích ăn ngon tôi càng sống khỏe. Tôi mở cái quán bán cơm, bán phở ngoài chợ, rồi ít lâu sau, tôi có cửa hiệu riêng. Vài năm sau nữa, tôi mở nhà hàng. Từ một nhà hàng lên ba nhà hàng. Suốt mấy chục năm trời, tôi chỉ làm một nghề đó. Và tôi thề với cậu, tôi chỉ yêu có mỗi mình bà chị cậu. Bà ấy không chỉ là vợ, còn là mẹ, là chị tôi, em tôi, cả là ông Gia Cát Lượng của tôi nữa đó cậu. Cái đận năm bảy lăm, khi đàng mình tiến đánh thị xã Buôn Ma Thuột, nói không giấu gì cậu, tôi cũng "rét" lắm, toan bỏ chạy. Bà ấy bảo: "Đừng anh ạ. Hai đứa mình chỉ trốn cách mạng một lần thôi. Bây giờ ở đây mà đón cách mạng". Thế mà trúng phóc cậu ơi. Buôn Ma Thuột được giải phóng, vợ chồng, con cái yên lành, nhà cửa, của cải nguyên vẹn. Vài năm sau, làm ăn có trầy trật một chút, nhưng rồi Nhà nước đổi mới, cho mở cửa, tôi lại kinh doanh, lại hốt bạc.
"Chính vì thế mà khi bà ấy mất đi, tôi thấy tôi mất hết cậu ạ. Không còn ai dắt dẫn mình, không còn gì che đỡ trên đầu mình, cứ thấy mình lửng lơ, trống trếnh làm sao đó cậu. Sau khi mãn tang bà ấy, tôi mới ngỏ lời với các con, rằng tôi muốn về quê. Ba đứa con trai, một thằng là bác sĩ, một thằng kỹ sư nông nghiệp, một thằng dạy trường cao đẳng trong thành phố Hồ Chí Minh, cả ba đều cao lớn lừng lững - con bà ấy đẻ ra mà cậu, chứ nòi giống nhà tôi thì còn lâu... Chúng nó quỳ một hàng ngang trước mặt tôi, lạy tôi, van xin tôi đừng bỏ chúng mà đi. Tôi cũng quỳ xuống, cũng lạy chúng nó và nói: "Ba biết các con thương ba lắm, mà ba thì cũng rất thương các con, các cháu của ba. Nhưng ba phải về quê. Mẹ các con đã dặn thế. Mà mẹ các con tức là Trời của ba, ba không dám trái mệnh trời". Thực ra, cũng còn một lý do khác: tôi muốn thảnh thơi, tôi không thích bị ràng buộc, dù là sự ràng buộc của con của cháu. Về đây, tôi xin nhận "chức" lái đò cũng là vì thế. Một mình với trời, với nước, với trăng..."
- Nhưng "hai mình" đấy chứ. - Ông Kỳ khẽ nhắc.
- à... cũng mới thôi cậu... Mà chuyện đó cũng thiệt lạ. Một đêm tôi nằm mơ thấy bà chị cậu về. Bà ấy đứng trên bờ, cứ nhìn tôi, nước mắt lưng tròng. Tôi giơ hai tay ra, định đỡ bà ấy xuống thuyền, bà ấy lùi lại, và vẫn khóc. Tôi tỉnh dậy, ngồi uống rượu một mình và nghĩ ngợi cho đến sáng. Chắc bà ấy thấy tôi sống cô đơn quá, lo cho tôi khi trở trời trái nắng... Thế rồi đúng ba hôm sau tôi gặp cô em đây. Bữa đó, đã vào tầm chiều, sương mù bắt đầu giăng trên mặt sông. Nghe tiếng gọi, tôi đưa đò sang, thấy chỉ một mình cô ta đứng chống cằm lên đầu đòn gánh, mặt buồn xo. Mới gặng hỏi vài câu, cô ta đã khóc. Hỏi thêm một lúc, cô ta kể hết với tôi chuyện tình duyên lận đận, cha chết sớm, mẹ lấy chồng, bà nội hắt hủi. Nghe mà thương, mà rớt nước mắt đó cậu. Tôi bảo cô ta: "Trời cũng sắp tối rồi, hay cứ ở lại đây". Cô ta ngập ngừng một lúc rồi quay lại hỏi: "Rứa nhà ta đã nấu cơm chưa?". Nghe tôi nói chưa, cô ta liền tìm rá vo gạo. Sau một đêm thử thách, hôm sau cô ta xin phép về "hạ bạn" (5) thưa với gia đình. Hai hôm sau, cô ta trở lại và ở đây luôn. Để cho phải phép, tôi làm một mâm cơm, kính cáo với bà chị cậu. Sau đó, tôi cũng mời các vị trong Đảng ủy, ủy ban xuống đây "uống chén rượu nhạt" mừng cho tôi và cô ấy.
- Tôi bái phục nhà anh đấy! - Ông Kỳ đã say thật, vừa nói, vừa co chân đá một cái vào tấm lưng trần gầy nhom của lão Tốn.
Lão liền ngã ngửa xuống ván, chổng bốn vó lên trời, cười sằng sặc.
- Cũng nhờ lộc trời cả thôi cậu, chứ tôi tài cán gì!
Ngọn đèn ắc quy trong khoang lái đã tắt từ lâu. Chỉ còn có ánh trăng rải khắp mặt sông. Đầu cánh bãi, con chim tìm vịt không hề biết mệt, vẫn buông mãi vào trời đêm tiếng kêu tha thiết tìm hạnh phúc lứa đôi..."
Hà Linh, tháng 6-1995
N.S.
--------------------------------------------------------------------------------
(1) Dùng vỏ cây tràm nhét vào kẽ hở giữa các tấm ván thuyền để giữ không cho nước rỉ vào.
(2) Cher camarade (tiếng Pháp): Bạn thân.
(3) Certificat d'études primaires: Bằng tốt nghiệp tiểu học, tương đương lớp sáu bây giờ.
(4) Núi đá.
(5) Từ địa phương, chỉ vùng xuôi.

Xem Tiếp: ----