Mặt hồ xanh, gợn sóng. Kim thấy Tây Hồ cũng hao hao như bao mặt hồ mà cô từng biết. Cũng lao xao, u hoài, cũng lưu nhiều tương truyền và cũng nhờ thêu dệt từ tưởng tượng mà Tây Hồ quyến rũ như một người đàn bà đẹp và biết làm đẹp.
Vẻ đẹp vừa từng trải vừa hoang sơ có sức thu hút khách thập phương ngay trong những ngày nắng nóng
Cái nóng giữa hè của Tây Hồ thật oi, dù trời đã xế, nắng đã nhạt.
Đứng đợi thuyền chưa đầy mười phút Kim uống hết sạch chai nước nửa lít. Cô loay hoay tìm thùng rác để vứt vỏ chai thì thuyền đã cập bến. Đoàn người lần lượt xuống thuyền, một chiếc thuyền lắp kính và gắn máy lạnh. Kim bước vào thuyền đã nghe Lý Kiệt, người hướng dẫn đoàn, nói ra rả vào mi-crô. Được học tiếng Việt ở trường lớp hẳn hoi và có ba năm làm thương buôn qua lại ở vùng biên giới Việt - Trung nên Kiệt nói tiếng Việt khá sõi. Kiệt làm nhiều nghề, thạo nhất là buôn bán. Từng cưới và bỏ một cô vợ Việt Nam. Hiện Kiệt gởi người vợ thứ hai ở nhà mẹ vợ và đang sống với người vợ thứ ba ở Hàng Châu. Kiệt kể tiếu lâm có duyên và có biệt tài bịa chuyện.
Kiệt hào hứng nói về những nhà thơ tên tuổi mà thi hứng làm nên nhiều bài thơ cũng từ sóng nước Tây Hồ. Một người hỏi: “Chắc Lý Kiệt có bà con với Lý Bạch?”. Kiệt cười khà: “Có... họ đó!”. Như để làm mọi người tin, Kiệt đọc thơ Lý Bạch. Kiệt lặp lại, ngâm nga: “... Tương tư hoàng diệp lạc. Bạch lộ thấp thanh đài”. Nỗi nhớ, lá vàng, vài sợi rêu biếc hờ hững vướng lại trong khoang thuyền máy lạnh chừng ít giây.
Kim đưa tay đẩy cửa kính sang một bên. Ngọn gió oi nồng xộc vào. Nhiều tiếng gần như cùng la lên: “Khép lại, khép cửa lại!”. Cánh cửa lập tức được đẩy về vị trí cũ. Máy điều hòa chạy rì rì. Kim nhìn mặt nước lao xao qua cửa kính. Cô bất giác mỉm cười, thấy những thi nhân thật may mắn khi không được tận hưởng những tiện nghi hiện đại. Giá như, không phải ngồi trên chiếc tàu chạy bằng động cơ, không bị nhốt trong một không gian phả đầy hơi máy lạnh, thì bài thơ Ký viễn đầy xao xuyến của Lý Bạch không lọt thỏm giữa những khoảng trống ơ thờ. Thấy không ai hứng thú khi nghe thơ, dù là thơ của bậc thi nhân, Kiệt chuyển đề tài về những nhan sắc làm rơi rụng... mày râu.
Kiệt nói như thể chính tai mình nghe giọng nói mê hồn của Điêu Thuyền. Giọng điệu đưa đẩy của mỹ nhân làm mặt nước duềnh lên khiến Tây Hồ mênh mang như ngày nay. Kiệt còn nói, gót son, rồi nốt ruồi son của Dương Quý Phi mà nhiều lần Đường Minh Hoàng làm lật thuyền rồng. May mà, dù bị nhốt trong tháp Lôi Phong, Bạch Xà và Thanh Xà, vẫn cố lè lưỡi cuộn lấy vị vua khỏi tay Hà Bá. Ống kính những chiếc máy ảnh (dĩ nhiên cũng phải ngắm qua lớp kính) giương về phía tháp Lôi Phong.
Thuyền chạy hai vòng quanh hồ, Kim hai lần ước, giá được đi bằng xuồng, được bơi bằng mái chèo, thì mặt hồ sẽ rộng hơn và xúc cảm cũng chắc sẽ kịp nở ra, dù bé nhỏ như những bông hoa li ti màu vàng mọc theo lối đi dọc bờ hồ; và cô cũng hai lần hướng ống kính về phía tháp, ghi thêm hình ảnh của nó dưới những cụm mây. Kim bấm lia lịa, với le lói ý nghĩ, biết đâu, trong cái tháp mới được xây đang đứng chênh vênh bên kia sườn núi, Bạch Xà và cả Thanh Xà nữa, dù có đến vạn lần thay da đổi xác, triệu lần vùng vẫy, vẫn chưa thoát kiếp đọa đày, vẫn âm thầm đợi cái phút giây được hóa kiếp.
Thuyền cập đúng cái bến nó vừa rời cách đó một giờ đồng hồ. Kim ngồi nán lại trên băng ghế ít giây, cảm thấy tiếc khi phải chia tay cái cảm giác ngột ngạt bềnh bồng và cũng chợt thấy thế giới vừa không cùng vừa chật hẹp, có hứng chí bay nhảy trôi dạt rồi cũng bươn bả quay về nơi xuất phát. Kim đứng trên cầu tàu thêm một tẹo nữa, nhìn mặt hồ và hình ảnh phản chiếu hư thực lung linh. Kiệt quay lại đưa lá cờ vẫy vẫy, ra hiệu Kim đi nhanh lên. Khi Kim theo kịp, Kiệt quay lại nói, kiểu nói không dành cho riêng ai: “Đa cảm, bịn rịn chi phí phạm thời gian - anh ta cười khoe hàm răng trắng sáng - mà thời gian là thứ dễ mất nhất!”.
Rời Tây Hồ hơn 30 phút, thôn trà Long Tỉnh hiện ra. Dọc hai bên đường là những ngôi nhà nằm trong khuôn viên thẫm cây và hoa. Hoa nhiều loại, nhiều sắc. Hoa từng luống, từng chậu, hoa kết thành giàn, hoa leo lên cổng, hoa trèo lên tường... Thấp thoáng trước mỗi sân nhà là những chiếc bàn phủ vải với những bộ bình trà được bày sẵn. Trải qua nhiều thế kỷ, với nghề sản xuất và kinh doanh trà, Long Tỉnh trở thành một trong ít thôn giàu nhất Trung Quốc. Vị trưởng thôn, cũng nghe Kiệt nói, nhiều lần được chính phủ mời làm vị quan to nhất nhì thành phố Hàng Châu nhưng ông ta đều lắc đầu. Kiệt nhìn trái rồi nhìn sang phải, vừa chỉ trỏ vừa nói to cho mọi người cùng nghe: “Không ở đâu sướng hơn thôn này, vừa giàu, vừa đẹp lại vừa được tự do!”.
Xe dừng trước cánh cổng đường bệ của một ngôi nhà. Cổng đóng. Kiệt nhảy xuống. Anh ta chạy theo lối hẹp vào bên trong. Vài phút sau, chỉ cánh cổng đang mở, Kiệt cười khà, nói: “Đó cũng là biểu hiện của tự do: Muốn đóng thì đóng, muốn mở thì mở, không lệ thuộc vào thứ gì, kể cả... thượng đế!”.
Mặc cho “thượng đế” đứng ngồi nhấp nhổm, chủ nhân của những tách trà trứ danh, vẫn thong dong xường xám ôm sát vóc dáng, yểu điệu như người mẫu đang trình diễn.
Thời gian chờ được uống trà, Kim kéo Hoài, chị bạn lớn hơn Kim nửa con giáp, giận chồng, giận đời bỏ đi chơi mong tìm khuây khỏa, trở ra mảnh cỏ xanh ửng dưới hoàng hôn. Hoài chỉ cho Kim cái gùi hái trà. Kim xốc gùi lên lưng và đưa máy ảnh nhờ chị bạn ghi hình. Hồi ngắm Kim, nhíu mày: “Trông giả quá!”. Kim đổi thế đứng, chành miệng cười. Hoài khoát tay: “Còn tệ hơn!”. Kim nở tiếp một nụ cười. Hoài tắt máy, bực bội: “Thôi đừng chụp nữa!”. Chị bạn trả máy, mặt buồn buồn. Kim bấm review, xem lại hình.
Mấy ngày qua, Kim chụp với nhiều cảnh làm giả, từ chùa tháp, đền đài, lăng tẩm đến những ngôi làng của nhiều dân tộc với những túp lều lúp xúp chạy dọc theo triền đồi, những thác nước ầm ào trắng xóa, những dòng sông uốn khúc hiền hòa... Thiên nhiên giả. Di sản giả. Phồn vinh giả. “Đưa máy cho chị!”, Hoài la lên. Kim lật đật đưa máy cho Hoài. Hoài đưa ống kính về phía Kim bấm liền mấy pô. Chị bạn xem lại hình rồi đưa cho Kim xem những tấm hình vừa chụp: “Cô xem đi, đâu cần phải làm bộ làm tịch!”. Lúc Kim xem ảnh mình, cô nghe Hoài nói: “Con người khổ hoài vì cứ phải gồng lên để đóng kịch!”. Kim thấy vẻ mặt khi tự nhiên cũ xì, khi bồn chồn, khi xao xuyến của mình trong ảnh. Kim không có khả năng nhập vai nào khác ngoài chính mình. Cô hãnh diện vì điều đó và cũng đã phải trả giá bởi chính nó và cô coi đó là cái giá được trả, được sở hữu, được tận hưởng; cái giá của vô giá. Kim chợt nhận ra cái gì đó nhồn nhột như gang bàn chân trần giẫm phải cỏ gai. Cỏ dưới chân Kim thì mềm và mượt. Thứ cỏ không làm ai đau, thứ cỏ chắc chỉ để trang trí dù được trải rộng và kéo dài đến chân đồi. Mút ở tầm mắt, một viền sáng, rồi một vùng sáng hiện ra, bất ngờ và kỳ ảo. Kim nhíu mắt, ngỡ ngàng. Hoài cũng che bàn tay lên trán, sững sờ. Hình như chỉ có những chiếc bóng đổ dài cùng ánh tà dương trên đồi trà kia là thật. Thật và mong manh. Như hơi thở. Như cái chớp mắt. Như cái rùng mình thăng hoa của cảm xúc. Kim lật đật ghi những khoảnh khắc cuối chợt bừng lên của ánh ngày.
Kim trở lại, nhiều người đã cạn tách và lần lượt đứng ghi hình cạnh bức tượng bằng đồng đen của Lục Vũ, người viết Trà Kinh, quyển sách đầu tiên của nhân loại về trà và cũng là người biết thưởng thức cái đẹp theo cách tao nhã nhất.
Kim và Hoài đành chờ bình trà sau. Lục Vũ bảo, thưởng trà cũng như thưởng hoa, không được vội. Lục Vũ còn bảo, không có cảm xúc thì chớ uống trà.
Lý Kiệt nheo mắt với “xường xám” rồi nói với mọi người: “Người sành trà thì không nên trả giá khi mua trà!”. Trước đó hai hôm, lúc giới thiệu rượu Mao Đài tại một cửa hiệu ở Bắc Kinh, Kiệt cũng nói: “Người biết thưởng rượu thường không cò kè bớt một thêm hai”. Kiệt dứt lời, Hoài vặn lại: “Vậy mua gì thì mới trả giá?”. Kiệt cười thành tiếng, tiếng cười khùng khục từ cổ họng: “Mua người!”. Rồi bằng cái giọng tỉnh bơ, anh ta tiếp: “Chỉ có con người mới có cái giá vô chừng. Với người này, anh ta được nâng lên như một đấng đế vương; nhưng với người khác anh ta bị dìm xuống thành rác rưởi!”.
Như nhiều người, Kim cũng mua một gói. Mua không phải vì sành trà mà chính vì thương hiệu trà, dù cô và cả đoàn khách đều được biết khi đặt tên Long Tỉnh cho loại trà này, kẻ trị vì thiên hạ chỉ nhận thấy hình ảnh và ảo tưởng của mình.
Cầm gói trà trong tay, vẫn chưa thấy tách trà bốc khói. Kim lại kéo tay chị bạn đi ngang qua bức tượng trầm mặc của Lục Vũ, đẩy cánh cửa gỗ rồi đẩy tiếp cánh cửa kính, bước vào gian hàng lưu niệm.
Hoài ngắm nghía một hồi rồi chọn mua bộ bình trà bằng men sứ màu lam đặt gọn trong lòng tay. Kim săm soi mấy bộ nghiên bút và mua tặng chồng một bộ trông hoàn hảo hơn cả dù cô biết anh chẳng đủ kiên nhẫn ngồi mài thỏi mực để có thể viết đủ ba từ: “Anh yêu em!” mà cô khát khao được viết ra, nói ra từ anh. Sau đó cả hai bước tới quầy sách, hầu hết là tiếng Hoa, chỉ lác đác mấy quyển tiếng Anh. Hoài bấm tay Kim một cái đau điếng và bật ho khi thấy một lô ảnh khỏa thân bày tênh hênh giữa sách, tạp chí, postcard in ảnh chân dung danh nhân, doanh nhân, chính trị gia và ngôi sao nghệ thuật. Kim cầm lên một quyển sách của Lão Xá. Nhìn gương mặt nghiêm nghị của nhà văn, Kim bỗng nhớ từng chi tiết trong truyện ngắn Cây thương đoạn hồn mà cô đọc được chưa lâu. Sa Tử Long không chịu truyền đạo pháp Đoạn hồn thương cho bất cứ ai vì ông sợ rằng những giá trị tôn nghiêm, niềm kiêu hãnh bao đời, và cả sinh mệnh tâm hồn ký thác vào đó e sẽ bị cuộc đời dung tục hủy hoại. “Ông Lục Vũ đứng cách đây có mấy bước, vậy mà...” - giọng Hoài dấm dẳng chì chiết xua sạch mấy chi tiết trong câu chuyện của Lão Xá mà Kim đang ráp nối. Hoài cáu bẳn, bức bối như thể trước mặt chị không phải là ảnh chụp mà là những cô gái đang sử dụng triệt để cái vốn trời cho để bẫy những gả đàn ông - và biết đâu chồng chị cũng nằm trong số đó - có lòng ham muốn không thể kìm giữ. Đi khỏi quầy sách mấy bước, Hoài còn quay lại liếc nhìn một lần nữa bộ ngực căng nẩy và vùng kín không cần che đậy của những nhan sắc không còn là của riêng ai.
Lúc Kim và Hoài trở ra, tách trà đã nguội, hương thơm còn thoảng nhẹ. Chỗ góc sân, thần thái cùng bước tượng đồng đen của Lục Vũ chìm dần vào bóng tối.

Xem Tiếp: ----