Chương 1

Thu Phong bị đánh thức rất sớm bằng giọng quắt mắt mà gần đây đã trở thành quen thuộc với cộ Cô dụi mắt ngóc dậy, thấy giường bên kia, hai bà chị của mình cũng cùng cảnh ngộ.
Như vẫn chưa thể tỉnh ngủ, chị Xuân Hương mắt vẫn nhắm, ngồi sật sừ nghiêng qua ngã lại, Thu Phong ngó cảnh này không nhịn nổi, cô bụm miệng cười rúc rích:
- Hê! Coi chị Hai lên đồng kìa, ngộ chưa!
Xuân Hồng ngáp một cái thật to rồi quay lại trừng mắt với cô:
- Hê hê cái gì, nhiều chuyện. Tụi tao chưa tỉnh nổi là vì tối hôm qua thức khuya tâm sự, ai mà như con nhái bên mày chui vào giường là ngủ say như chết.
Thu Phong trề môi:
- Tâm sự? Tâm sinh sự thì có.
- Mày...
Xuân Hồng chớp cái quạt tàu cau ném qua giường cô em gái, cô cười hì hì né tránh rồi nhăn mặt làm ngáo ộp né tránh rồi trêu tức chị.
Vừa lúc đó má quay trở lại với giọng chát chúa:
- Trời ơi! ba đứa còn ngồi trơ đó hả? Chưa chịu tỉnh nữa sao? Bộ mấy đứa đợi lấy nước tạt nữa sao?
Mấy chị nghe nóihoảng hồn chui khỏi mùng ngay. Thu Phong phóng xuống giường chạy ra lu nước trước, hai bà chị dù nhanh chân cũng đâu kịp cô.
Thế là độc quyền cầm ống kem, cô tha hồ nhỡn nhơ đi tới đi lui bên sàn nước, nhỏ kem chút đầu này chút đầu kia của bàn chải đánh răng để trêu tức họ chơi. Hai bà chị tức tối nhưng không được.
Chị Xuân Hồng trừng mắt với tiếng quát... nhỏ rí:
- Mày còn chưa chịu đưa ống kem tao méc má.
Thu Phong nhái lại như hát:
- Tao méc má... má... má...
Chị Xuân Hương ra vẻ dáng chị Hai hơn một tí với câu đe nạt:
- Em có biết hôm nay nhà có khách không? Chút nữa khách người ta đến nhà rồi, tụi mà trong mấy phút còn chưa đánh rửa mặt xong, là má chửi đó, lúc đó em lãnh.
Phết kem lên bàn chải răng một cách khoan thai và từ tốn như người phết miếng bơ lên bánh mì, Thu Phong tỉnh bơ cười khì trước câu nói dài dòng của bà chị:
- Mắc gì mà em lãnh, má mà chửi lên, em chạy ra hồ, ở nhà hai chị nghe hết.
Xuân Hồng trợn mắt:
- Còn dám giỡn?
Thu Phong còn định trêu tiếp nữa, nhưng bỗng nghe tiếng của mẹ vang lên trong gian bếp, cô hoảng hốt quăng vội ống kem qua mấy bà chị rồi múc ca nước đánh cho xong hàm răng khểnh của mình.
Nước mát lạnh làm Thu Phong tỉng như con sáo ngoài hiên. Máng ca nước lên cọc rồi để nguyên gương mặt còn ướt nước, cô quay lại tìm cách chọc hai bà chị tiếp.
Vòng qua bờ ao, cô ngồi chồm hổm chống hai tay lên cằm ngắm hai chị đánh răng rồi ngoẹo đầu cười hì hì:
- Ê! Chị Ba đánh răng trông ghê rợn quá. Kem chảy nhòe nhoẹt xuống cằm kìa. Ý, coi chừng nó nhỏ xuống ao làm chết cá của ba hết. Trời ơi, cái miệng chị tèm lem giống miệng chú hề như vầy thì làm sao mà người ta chịu.
Chị Xuân Hồng bực quá mắng câu gì đó, nhưng câu mắng của chị bị bọt kem đánh răng và cái bàn chải nằm trong miệng làm cho biến dạng đến khó mà nghe được.
Thu Phong khoái chí nhại nữa:
- Chị nói gì vậy? “Ngon nguỷ! Gát kao không mày biết kay” là cái gì? Chị nói tiếng Campuchia à – Cô gật gù vẻ thông thái - Ừ, chắc là tiếng Campuchia, chứ tiếng Anh hay tiếng Pháp thì em đã nghe và hiểu hết trơn rồi.
Chị Xuân Hồng đã mau mắn rửa xong mặt mũi, bèn lừ mắt với cô:
- Con quỷ nhỏ! Có chịu đi chỗ khác chơi không? Biết hôm nay là ngày gì không mà dám quậy hả?
Thu Phong lè lưỡi nhát ma:
- Hù em hả? Làm như em không biết vậy, hôm nay có người tới coi mắt hai chị chứ gì. Làm như quan trọng lắm.
Phun bọt kem xuống sàn nước. Xuân Hồng hỏi nhanh:
- Sao mày biết?
- Sao lại không biết. Em không để ý nhưng em biết hết.
- Mày nghe lỏm phải không? - Xuân Hồng kêu lên.
Cô hất mặt:
- Em đâu có thèm nghe lỏm. Ai biểu hai chi hôm qua lên giường còn rù rì hoài không cho người ta ngủ. Cái gì mà “không biết “ổng” mặt mũi ra sao, tướng tá thế nào”, cái gì mà “nghe nói ổng giàu có lắm, giỏi giang lắm”. Toàn là những tâm sinh sự lăng nhăng, nghe mà muốn nóng lạnh.
Thấy hai bà chị nhìn nhau ngượng ngùng. Cô nháy mắt hỏi:
- Hê! Không biết có hai ông ngốc nào đòi xuống đây coi mắt mấy chị vậy ta? Phải chi họ tới sớm, đã thấy cảnh chị Hai quen ngủ nướng nên ngồi ngả nghiêng trên giường như lên đồng, còn chị Ba thì đánh răng bôi như mặt hề rồi. Đến chừng đó chắc mấy ổng vắt giò lên cổ mà chạy ra xa.
Nói xong cô cười vang khoái chí. Tưởng tượng cảnh hai ông tỉnh thành khờ khạo nào đó phải chạy xa tám chục thước để né hai bà chị tiểu thư nửa vời của mình làm cô mắc cười quá xá.
Xuân Hồng đã xúc miệng xong, cô múc gáo nước hầm hè dứ về phía đứa em nhiều chuyện:
- Còn nhiều chuyện giỡn nhây nữa là tao tạt gáo nước này vô người mày đó. Má có hỏi tại sao sáng sớm thay đồ thì đừng đổ thừa tụi tao.
Thu Phong gân cổ định chọc cho chị nổi giận hơn nữa thì giọng của má đã sát bên:
- Hay dữ há, lại còn ngồi đây bàn chuyện thế này? Thật không chịu nổi lũ con gái này. Tại sao cứ phải đợi nhắc, đợi mời không vậy? Trở về phòng cho mau.
Mấy ca nước lập tức được máng vào cọc, mấy cô gái lập tức riu ríu vào nhà. Ngay cả Thu Phong cũng phải xếp càng theo vào.
Vào phòng rồi, cô mới ngạc nhiên nhìn quanh. Giường chiếu khi nãy còn ngổn ngang, giờ đã được xếp dọn lại gọn ghê.
Trên cái bàn gỗ mấy năm trước ba tự tay đóng cho cô để làm bàn học, má đã đặt sẵn một hộp gỗ sơn mài thật to với đủ thứ lỉnh kỉnh bên trong, nào là chai lọ với những hộp phấn màu nho nhỏ, cả chục cây chì và một mớ nữ trang bông tai, kẹp tóc…
“Đồ nghề trang điểm của mấy chị đây chắc”, cô le lưỡi tự nhát mình. Vậy là chuyện quan trọng thật rồi.
Với sự bực bội dễ cáu gắt mấy ngày nay mà má lại có thể chủ động xếp mền gối cho các cô, lại còn ngồi trước các hộp này tự tay trang điểm cho nữa thì quả thật là chuyện lớn rồi chứ chẳng phải giỡn chơi như cô nghĩ.
- Lau khô mặt đi chứ mấy đứa, mau ngồi xuống đây, coi chừng người ta tới mà mình vẫn chưa xong.
Giọng má dịu dàng một cách bất ngờ. Chị Xuân Hồng đã lau khô mặt mũi và ngồi xuống đối diện má. Má mở một trong những cái hủ nhỏ, lấy một tí kem thoa lên mặt chị thật đều.
Chị Xuân Hương thì người lớn hơn, chị cũng thò tay vào quệt miếng kem và tự thoa lấy. Khi đã thoa xong kem, chị quay lại bắt gặp cái nhìn hiếu kỳ của Thu Phong, chị cười:
- Lại đây, em cũng trang điểm nhé, chị làm cho.
Cô còn đang nửa ham thích nửa ngập ngừng thì má đã chau mày gạt đi:
- Cứ kệ nó đi, nó còn nhỏ, trang điểm cái gì, con cứ lo làm đi.
Chị Xuân Hương nhúng miếng bông phấn vào cái thau nhỏ đựng nước, vắt khô rồi cười với má:
- Má quên là Thu Phong nó cũng đã mười bảy tuổi rồi à?
- Mười tám – Cô chen vào – Em mười tám mới đúng.
Má nhăn mặt:
- Con gái cái gì mả hở ra là tươm tướp vào miệng người ta, sao không bắt chước mấy chị, đàng hoàng một chút đi.
Thu Phong xịu mặt ngồi yên nhưng không yên được lâu. Chị Xuân Hồng chề môi nhái cô, bị bông phấn của má phết cả vào miệng, chị hết hồn ngậm ngay miệng lại trong giọng cười không thành tiếng của cô.
Chị Xuân Hương vẫn còn đang nói về đứa em út:
- Má à, con Thu Phong cũng lớn rồi, nhưng hình như chưa bao giờ biết làm đẹp và trang điểm, nó quanh năm ở dưới này thì làm sao chững chạc giống tụi con được, má đừng la nó hoài.
Má chắt lưỡi:
- Ừ. Biết sao được, ở với ba mày suốt ngày dang nắng tắm sông riết rồi cứ như là một đứa con trai vậy. Thật tình, nói gì thì nói, ở quê chẳng cách nào bằng được thành phố. Coi con Phong đó, con gái mười tám mà chỉ học lớp mười trường làng. Người thì đen thui gầy nhom, ăn nói thì bồ bã vô ý không chịu được.
Chị Xuân Hồng lên tiếng:
- May mà má cho tụi con ở thành phố, nếu ở dưới này thì chắc tụi con cũng quê trấc giống nó rồi.
Má hừ nhẹ:
- Nói gì vậy? Dù gì nó cũng là em mày, nói vậy mà nghe được à?
Chị Xuân Hương liếc nhìn rèm mi cụp xuống của Thu Phong. Chị bỏ hộp má hồng xuống và nắm tay cô kéo lại gần:
- Đừng bí xị như vậy, thôi để chị thắt bím cho Phong nhé.
Rồi cầm cây lược chải mớ tóc rối bù của cô, thấy cô im lặng, chị nhẹ giọng:
- Chút nữa chị sẽ thoa cho em tí son, chịu chưa?
Dễ hài lòng như một đứa trẻ, cô cười gật đầu.
Tóc của cô loe hoe khét nắng, chị Xuân Hương chỉ tốn ba phút là thắt chúng lại thành hai cái bím thật chặt, chị cười hỏi nhỏ:
- Rồi đó, em của chị đẹp ghê chưa, vậy mới gọn gàng chứ. Giờ thì thoa son, em thích màu son nào?
Thu Phong chúm chím lén chỉ cây son có vỏ ngoài màu đỏ rực thật đẹp trong hộp. Chị Xuân Hương vừa vươn người nhặt lên thì bị má nhìn thấy. Má ngạc nhiên hỏi:
- Sao đánh cái son màu tím bạc này hả Hương? Con nên đánh son đỏ hoặc hồng, dù gì mình cũng đang ở quê, với tình hình này mà đánh son tím bạc thì người ta cười cho, không hợp đâu.
Chị Xuân Hương cười:
- Thu Phong nó thích má à, để con thoa cho em nó một tí.
Má nhăn mặt:
- Lại nữa rồi, con cứ lo phần con đi, cứ lo ra thì không kịp đâu.
- Chừng nào người ta tới vậy hả má? - Thu Phong vụt hỏi.
Hai bà chị muốn nín thở nghe câu hỏi vô ý của cô.
- Người ta nào?
- Dạ, mấy người coi mắt chị Hai, chị Ba đó.
Má ngưng tay cọ, quay nhìn cô kinh ngạc:
- Cái gì mà coi mắt? Ai nói với con như vậy?
Cô gãi đầu:
- Dạ tại… hôm qua con nghe má nói ai đó muốn lấy vợ, bữa nay đến nhà mình chơi, má biểu chị Hai chị Ba chuẩn bị sửa soạn cho đẹp. Hôm trước bên nhà cậu Chín cũng có đám Việt Kiều về coi mắt chị Mùi giống như vậy. Vả lại khuya qua con nghe….
Má chừng mắt nạt:
- Lại nghe lén chuyện người lớn à? Hay quá nhỉ?
Chị Xuân Hương vội chen vào:
- Nhỏ Phong này đừng hỏi lung tung làm má giận. Không có đám coi mắt nào đâu. Có mấy người trên thành phố xuống thăm nhà mình thôi.
Mở cây son và thoa nhanh lên môi cô, chị dặn dò:
- Thoa son rồi đó, ngồi ngoan ở đó chơi đi, nhớ đừng có lên tiếng nữa, son lem hết.
Má cao giọng bực dọc:
- Con nhóc đó đi ra ngoài mà chơi đi, hôm nay cho con đi chơi cả buổi sáng đó. Đừng có ở đây mà nghe chuyện rồi nói chỏ vào làm má bực.
- Kệ nó má, cho nó ngồi chơi đây cũng được, nó không có hỏi nhăng nữa đâu - Chị Xuân Hương can – Má mà cho nó đi, nó lại lên ra cái hồ kia thì mệt.
Má cau mày:
- Ngồi chơi cái gì, đâu phải chuyện đùa, thôi cứ để nó chạy đi chơi đi, ở đây không khéo lại nói nhăng làm khách khứa chưng hửng thì khổ.
Rồi má quay qua cô:
- Má cho con ra hồ đó. Đi chơi đi, nhớ đội nón tránh nắng là được rồi.
Có phép của má, cô mừng rỡ phóng xuống ngay. Hộp phấn của chị Xuân Hương trên giường bị cô quẹt trúng rơi phịch xuống đất. Chị Xuân Hồng kêu lên:
- Con nhỏ này, nó làm hư đồ kìa má.
Sợ bị la, cô vội nhặt lên quăng nhanh vào hộp:
- Ui, xin lỗi, chưa bể đâu. Nó còn y nguyên hà.
Cử chỉ của cô làm má đang nhăn nhó cũng phải lắc đầu cười, má chép miệng:
- Thôi được rồi, đồ khỉ khọt, ra ngoài đi cho má với mấy chị yên thân.
Dạ nhỏ, chạy ra ngoài, cô còn nghe tiếng chị Xuân Hương cười nói:
- Nếu hồi trước má đưa luôn nhỏ Phong lên ở chung với mình thì có lẽ em nó cũng không gầy ốm và con nít như thế này đâu.
Tiếng má thở dài:
- Thu Phong nó phá phách liếng khỉ từ nhỏ, má đem nó theo chịu sao thấu với nó. Vả lại ba tụi bây cũng muốn giữ nó lại.
Thu Phong không nghe nữa, cô chạy xuống bếp lấy chút nước rót vào lồng con chim sáo, tiếp thêm chút thức ăn cho nó. Kiểng chân đứng trên ghế nhái giọng hót của nó một hồi rồi cô mới chịu leo xuống mở cổng chạy ra ngoài.
Sáng hôm nay nắng nhẹ, cô không nghĩ đến nón mê như lời đặn của má, cứ để đầu trần len lỏi qua mấy vạt mía, mấy vườn bưởi của hàng xóm để đến con đường tắt đầy cỏ dại khô cháy.
Đi ngang một bụi bông trang, cô tiện tay ngắt một chùm rồi vừa đi vừa tỉ mẩn xé nhụy hoa hút chút mật ngọt thơm thơm ấy.
Tình cờ, tay cô quệt trúng vết son trên môi, cô tròn mắt ngó xuống ngón tay. Cây son của chị Hai ngộ thât, cái vò bề ngoài màu đỏ tươi mà bên trong lại là màu tím bạc phếch như vậy.
Chẳng biết với màu son này, mặt cô ra sao nhỉ? Thu Phong sờ lên đầu, mớ tóc thắt bím này nữa, không biết thêm hai thứ này, cô trông có… khá lên không? Cô lè lưỡi tự ngạo mình. Chắc là không thể khá hơn đâu, vì từ xưa đến nay cô vốn đen nhẻm và xấu xí mà.
Hơi tiếc vì hồi nãy không liếc mắt nhìn qua cái kính của hộp phấn chị Xuân Hương, cô chắt lưỡi vặt luôn một bông bụp bên bờ giậu nhà chú Chín và tiện tay với thêm một quả quýt ló ra gần đó.
Tiếng con mực khục khục trong sân vườn làm cô thay vì đi phải đổi tốc độ thành chạy. Cô không hiểu sao từ nhỏ đến giờ, đã bao lần cô sang hái trộm ổi nhà chú Chín mà con mực vẫn chưa quen được hơi làm thân với cô.
Thu Phong bĩu môi. Con chú xem vậy mà bủn xỉn hơn chủ nhà. Có cái bông bụp đỏ quạch và trái quít còi thiếu nước mà nó cũng gầm gừ dọa cô nữa.
Con đường cỏ cháy hôm nay có một màu vàng sậm thật đẹp dưới trời sớm nắng, cô chạy một đỗi đã ra được bên bờ hồ.
Đứng giữa trời quang với cái hồ trong vắt một bên, bên kia là một dốc đá thấp mọc những cây hoa dại li ti, cô nở một nụ cười rạng rỡ.
Đây là thế giới của cô, là nơi mà chỉ có với thiên nhiên và sự yêu đời, vui vẻ. Cô đã đặt tên cho hồ là hồ Thanh Vân, vì những đám mây xanh trên bầu trời quang đãng luôn thích soi bóng xuống mặt nước trong vắt như gương của hồ.
Thanh Vân nguyên là một cái đầm nhỏ mà người khai thác đá và cát xưa kia, bây giờ bị bỏ không. Nước chẳng biết đã từ đâu mà đọng lại thành một cái hồ rộng. Hồ vốn không là của ai, nhưng từ khi phát hiện ra nó cách nay bốn năm, nó đã nghiễm nhiên là của cô.
Lũ trẻ chăn trâu quanh vùng cũng thèm thuồng cái hồ, nhưng sự kiện cách đây mấy năm, có một công nhân khai thác cát đá đã uống rượu say ngã chết dưới đáy hồ làm không chỉ bọn trẻ mà ngay cả người cũng sợ khi đến đây. Sự mê tín đôi khi cũng có điều lợi. Nhờ vậy mà Thu Phong làm chủ một vùng đất đẹp có màu sắc hoang sơ này.
Tung tăng men theo bờ cát xuống hồ, cô ngân nga một bài hát mà ba và cô hay cùng nhau hát trong những lúc vui vẻ:
“Vừa gặp anh là tôi mến ngaỵ Hô là hí hô là hô. Vừa gặp anh là tôi thích ngay, hô là hí hế lô hồ la. Anh duyên quá, sao là duyên, hô là hí hô là hô. Ai không thích anh cười duyên, hô là hí hế lô hô là.”
Giắt tạm cái bông bụp đỏ rực lên mép tai, cô ngồi phệt xuống bên hồ bóc vỏ quít và lại hát oang oang:
“Vừa thấy cô là tôi mến ngay, hô là hí hô là hô. Vừa gặp cô là tôi thích ngay, hô là hí hế lô hô là. Tôi mến ngay thì tôi bắt tay, hô là hí hô là hô. Cùng bắt tay chúng ta kết bạn, hô là hí hế lô hô là.”
Bài hát này do ba dạy cô từ thuở hai cha con dắt nhau về đây sống. Năm ấy cô lên sáu. Tuổi ham chơi không hiểu chuyện nhiều, cô chỉ thích vì ở đây tha hồ cho cô rong chơi.
Ba dạy cô rất nhiều bài, toàn là những bài vui nhộn và dễ nhớ. Sau này bài nào cô cũng đặt thêm một lời thứ hai, tuy không xuất sắc gì mấy, nhưng ba cũng gật gù khen ngợi. Và mỗi đêm trăng sáng, cha con rủ nhau ra hiên nhà uống trà tàu ngắm trăng và cùng hát những bài hát với lời nguyên gốc lẫn lời thứ hai cô đặt thêm, vui ơi là vui!
Múi quít đầu làm cô nhăn mặt. Quít mùa khô thật tội chưa, đèo đẹt thế này. Biết vậy khi nãy cô ra ngắt mớ sấu ngoài bờ sông chấm muối ăn còn đỡ nhạt miệng hơn.
Nhưng chê là chê thế thôi chứ cô cũng nhóp nhép ăn cho hết trái quít, vì ở đây cũng chẳng có gì xơi.
Ăn và ngồi ngắm cảnh trời mây đã chán, cô cong lưng đẩy bè chuối đang dập dềnh gần bờ xuống nước. Bè chuối này hôm trước ba chặt và để sẳn đây cho cô trước khi ra thành phố.
- Để con vẫn có chỗ chơi đùa khi không có ba – Ba nói vậy.
Thu Phong vẫn không hiểu sao dạo này ba cứ đi lên thành phố hoài. Mười mấy năm sống miền đất này, ngoài việc chăm sóc vườn cây, ba rất ít khi đi đâu. Ngoại trừ mỗi năm một đôi lần vào dịp hè, ba đưa cô lên thành phố thăm mẹ mấy ngày.
Tuổi thơ của cô gắn với ba và với cái miền quê nằm sát bờ sông Đồng Nai này. Mười mấy năm cô có ba, cô có vườn bưởi, cô có ruộng mía, và cô có con sông mỗi ngày tắm mắt, cô có cái hồ Thanh Vân nước trong xanh, có bạn bè học chung, dù nhà đứa nào đứa nấy cách nhau xa lắc.
Còn trên thành phố, cô chẳng có gì cả. Cô biết cô có má, má ruột đàng hoàng, nhưng dường như má không thương yêu cô lắm.
Cô có hai chị gái, cả hai chị đều có nước da trắng, đều nhổ chân mày mỏng và đeo bông tay toòng teng. Nhưng ngoại trừ chị Hai có đôi chút tội nghiệp cho bộ dạng quê kệch khác biệt của cô, còn thì cả hai cũng không thú vị gì với sự có mặt mỗi năm mấy ngày của cô.
Nhà của má trên thành phố là một ngôi nhà lầu đẹp và tiện nghi hơn nhà dưới quê của ba. Cô ở lại vài ngày, làm bể vài cái chén đĩa kiểu, làm dơ vài cái áo dài trắng của mấy chị, bán lộn giá vài vỉ kim, vài tép chỉ của má, và nghe mắng, nghe la vài lần rồi cũng đến lúc mong ngóng ba lên đón về.
Những lúc ba lại xuất hiện thật là sung sướng, gom mớ quần áo cũ, cô qua quít chào má và hai chị, tươi cười cầm tay ba trở về quê. Quê mới là nhà của cô, cô về để có thể tiếp tục nấu cơm cho ba ăn, giặt áo ba mặc, chăm sóc con sáo sậu và rong chơi ngoài bờ hồ.
Trời chẳng có chút gió, Thu Phong quăng đống vỏ quít lên bờ rồi phủi tay nhảy ầm xuống hồ. Cô bơi theo bè chuối và lan man nghĩ ngợi.
Từ xưa đến nay vốn đã như vậy, gia đình là hai nhánh, cô và ba, má và hai chị, cứ tưởng cuộc sống thú vị ấy sẽ kéo dài như thế mãi. Vậy mà cách đây hơn tháng, má và mấy chị tự dưng lại xách valy về hết đây.
Cô nhớ đêm hôm ấy ba và má nói chuyện với nhau ngoài hiên lâu lắm, cô mon men ra nhưng đã mấy lần đều bị đuổi trở vào nên chẳng hiểu rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra.
Kể từ dạo đó, phòng của cô được kê thêm cái giường rộng, căn nhà gạch ba gian của nội để lại có thêm ba giọng nói đàn bà. Cô bị quản thúc, bị la rầy. Và ba thì bắt đầu quảy túi lên thành phố.
Cô không thích ba đi, vì ba đi chuyến nào cũng về nhà ngồi lặng lẽ buồn phiền nhưng lần nào cản lại, ba cũng vuốt tóc cô cười nói:
- Có công chuyện quan trọng nên ba mới phải đi, chứ ba đâu có muốn để con ở nhà một mình. Con là cục cưng của ba mà.
Câu nói này của ba làm cô cảm động đến muốn khóc. Trời, có ai hiểu cô như ba nhỉ? Không có ba, dù trong nhà vẫn có mấy người thân, nhưng cô đúng là buồn một mình.
Có ai thích cô cười đùa đâu, những tràng cười của cô, chị Xuân Hồng cứ nói là vô duyên, là dở hơi.
Và đã mấy đêm trăng rồi, chẳng ai thích nghe cô hát hò gì cả. Họ không như ba, lúc nào cũng thương, lúc nào cũng chìu cô, vì như ba nói, cô là cục cưng của ba mà.
Càng nghĩ càng buồn, cô leo lên nằm trên bè dang tay ra ngắm trời mây. Gió đưa bè dập dềnh trôi, một hai luồng gió nhẹ phe phẩy gương mặt đẫm ướt làm cô dễ chịu. Muốn quên những chuyện bực bội, cô lại quay qua hát nghêu ngao một mình:
“Nhảy trong bụi ra một con sói
Xem chú thỏ mày chạy đi đâu, đâu, đâu
Vồ bên đông, thỏ chạy sang tây
Chụp hướng nam thì nhanh chân hướng bắc.
Nhảy trong bụi ra một con cáo
Xem trống choai mà bay đi đâu, đâu, đâu.”
Bài hát còn đang được cô ngân nga say sưa, thì bỗng nhiên có tiếng con nít bật cười nho nhỏ đâu gần đó làm cô giật mình ngóc đầu dậy. Quên mất là mình đang nằm trên bè chuối với tư thế như làm xiếc, cô lật nhào cả người xuống hồ trong tiếng kêu hốt hoảng của người nào đó.
Uống hai ngụm nước và quờ quạng một lúc, cô níu được cái bè, trồi đầu lên và ho sặc sụa:
- Trời ơi! Muốn hại tui chết sao? Ai kỳ vậy?
- Nè, em có sao không? Không sao chứ?
Gạt nước mắt mũi kèm nhèm, cô ngóc đầu nhìn.
Trên bờ hồ là một người đàn ông đang cởi giày nửa chừng. Một chiếc sắp lột ra khỏi chân, chiếc kia cũng đã lăn lóc trên nền cát gần đó. Chắc là người ấy tưởng cô sắp chết đuối nên định nhảy xuống cứu cô đây. Tạm không nổi giận nữa, cô nhìn ra mé sau lưng người ấy.
À, không chỉ có một người, ở một chỗ tương đối bằng phẳng dưới dốc đá, còn có thêm một người nữa.
Ủa. Không phải. Thu Phong vuốt mặt nhìn cho kỹ. Không phải một người mà chỉ là …..một chú nhóc. Một thằng nhỏ với đôi mắt tròn xoe đang chòng chọc nhìn cô.
Cô ngó thằng nhóc bỗng dưng nhoẻn một nụ cười. Thằng nhóc ngập ngừng nhìn cô, mon men tiến lại vài bước.
- Ý, đừng, cái hồ này sâu lắm.
Tiếng kêu của cô làm người đàn ông kia sực tỉnh, anh ta quay phắt lại để ngăn thằng nhỏ. Đến phiên anh ta cũng quên rằng chân còn đang vướng chiếc giày, nên chỉ bước thứ hai là ngã nhoài ra đất.
Ôm bè chuối, Thu Phong sặc sụa cười. Khỏi phải nói, cảnh tượng ngô nghê mắc cười như vậy thật hiếm có đối với một người ham vui ham đùa mà lại ở một chỗ thanh tịnh miền quê như cô. Cho nên gặp dịp, cô cười quá xá cỡ.
Trong tràng cười giòn tan của cô, có thêm tiếng cười của đứa nhỏ. Đúng là giọng cười khi nãy làm cô uống nước hồ. Tiếng cười nó góp vào nghe trong trẻo ngân vang, chứ không nham nhở tinh nghịch như giọng cười của cô.
Người đàn ông ngồi lên với bộ mặt và tóc tai dính nhòe nhoẹt đầy đất cát, chiếc giày vẫn còn dính chùm ở cổ chân, bộ dạng thật là khôi hài. Chắc cũng biết vậy, nên anh ta chỉ lắc đầu cười trừ trước những tiếng cười nhạo của cô và chú nhóc.
- Anh có bị trặc chân không? - Cô hỏi khi đã tạm lắng cơn mắc cười.
Gỡ luôn chiếc giày quái quỷ kia ra, người đàn ông xoay xoay cổ chân rồi lắc đầu:
- Không, cám ơn em.
Thu Phong cười thầm. Ơn nghĩa gì đâu. Hỏi có một câu mà cũng được cám ơn.
Không trặc giò thì tốt. Bỏ qua người đàn ông khách sáo kiểu thành thị, cô đẩy bè gần vào bờ và chú mắt nhìn vào đứa nhỏ.
Chà, thằng nhóc này thật đặt biệt. Nó trắng tinh, trắng đến nổi cô tưởng chừng làn da của nó mỏng quá dưới ánh nắng nhạt sáng hôm nay. Gương mặt nó đều đặn dễ thương. Đôi mắt to nhưng lại có cái nhìn e dè như sợ sệt.
“Thằng nhóc này nhát hít”, Thu Phong nghĩ bụng. Mà quả thật thằng nhỏ nhát thật. Tiếng cười của nó chỉ ngân lên một chút, rồi nín ngay. Và bây giờ, nó đang ló mặt nhìn cô.
- Ê! Cưng tên gì vậy? – Cô hất hàm hỏi nó.
Thằng nhỏ chạy lại nép bên vài người đàn ông không đáp, ánh mắt nó vẫn chiếu vào cô.
Thu Phong nhìn qua người đàn ông vẫn còn ngồi trên cát quan sát cô:
- Anh là ai vậy?
Người đàn ông mỉm cười đáp:
- Tôi đi ngang qua đây thôi.
- Người thành phố chứ gì.
Anh ta gật.
Cô lại ngó qua thằng nhỏ.
- Con anh hả.
Thêm một cái gật nữa. Cô hỏi:
- Nó tên gì vậy?
Người đàn ông nhìn cô rồi lại nhìn đứa nhỏ bên cạnh, anh ta bỗng cười:
- Sao em không thử hỏi thằng bé xem.
Thu Phong nhướng mày. Bảo cô hỏi thằng nhỏ à? Sao sẵn miệng anh ta không nói phứt cho rồi? Người lớn mà làm biếng dữ.
Như đoán được ý nghĩ của cô, người đàn ông kia cười cười:
- Em cứ hỏi thử xem. Nhưng phải nói trước rằng em bé ít nói lắm, nếu hỏi được, tôi sẽ đãi em ăn kem một chầu.
Thu Phong nhướng mày. Hỏi cái tên đã không chịu nói còn treo giải thưởng nữa. Cái anh người thành phố này dị hợm thật. Nhưng…. cô nhìn lại. Thằng nhóc ngộ quá, thật tình cô cũng muốn nghe lại cái giọng của nó, cái giọng ngân vang nho nhỏ dễ thương. Cô chặc lưỡi. Hỏi thì hỏi. Cô thì ngán gì ai. Đẩy luôn bè chuối vào bờ rồi leo lên ngồi xổm gần đấy, cô nhoẻn miệng ngọt ngào:
- Nè, cưng. Em tên gì vậy?
Thằng nhỏ vẫn không dời mắt khỏi cô, nhưng chẳng thèm trả lời. Người đàn ông mỉm cười ngụ ý chê cô dở.
Không chịu thua, nước chảy ròng ròng trên người xuống nền cát nhưng cô chẳng buồn gạt đi. Ngồi bệt luôn xuống, cô cười:
- Không chịu nói à? Hay cái tên em đẹp quá, sợ nói ra chị mượn đặt tên cho mình luôn? Thằng nhóc vẫn chong mắt nhìn và….im lặng. Cô gãi đầu gãi tay xoay cách khác:
- Vậy nhé, hay mình làm quen đi. Em nói tên cho chị biết, chị nói tên cho em biết. Tụi mình bắt tay thành bạn, được không?
Vẫn không có tiếng trả lời, Thu Phong vỗ nhẹ vào đầu:
- Ừ nhỉ, chị quên mất. Ba chị vẫn thường dạy câu “tiên chủ, hậu khách” mà. Em là dân thành phố đi ngang qua, vậy là khách. Còn chị là chủ nhân cái hồ này, là chủ rồi. Chị phải giới thiệu tên của mình trước, phải không?
Chìa tay ra, cô hồn nhiên nói:
- Nè, chị tên là Thu Phong, còn em tên gì?
Đôi mắt thằng bé có vẻ tròn hơn. Nó ngập ngừng nhìn bàn tay còn ướt nước đang chìa ra của cô, rồi thật đáng ngạc nhiên khi nó đặt bàn tay trắng trẻo bé xíu của nó vào đó. Cô mỉm cười thú vị:
- A, vậy chúng ta có thể là bạn rồi.
Thằng bé cũng thoáng nét cười. Cô nghiêng đầu hỏi:
- Nhưng chú bạn nhỏ ơi, chị vẫn chưa biết tên em, làm sao mà gọi bây giờ? Chẳng lẽ chị lại phải gọi “ê, nhóc”, em thấy không, cái tên nhóc nghe dở òm. Tên thật của em chắc chắn hay hơn nhiều mà, phải không?
Thằng bé nhìn cô rồi liếc qua ba nó với một chút e dè, ngần ngừ. Thu Phong nhíu mày quay qua người đàn ông:
- Này, anh đã thách tôi thì đừng cản trở chứ.
Người đàn ông giơ tay lên phân bua:
- Ồ, tôi có cản trở gì đâu, thật tình tôi cũng mong em hỏi được tên con trai tôi mà.
Không có bằng chứng cáo buộc, Thu Phong hừ nhẹ rồi quay qua thằng bé. Giọng nhỏ nhẻ lại trở về lập tức với cô:
- Nè, em bé. Ngay cả ba em cũng cho phép em nói tên cho chị biết rồi đó, chị không phải là người lạ đâu. Chị đâu phải là con sói hung dữ. Có phải khi nãy em nghe chị hát mà cười phải không? Em thấy đó, cơ thể chị Ốm nhom, xấu hoắc, nhưng chị không phải là con sói đâu. Chị hiền lắm, nếu chị dữ thì em đâu có bắt tay kết bạn với chị, đúng không? Thằng bé tròn mắt nhìn cô rồi gật đầu. Cô đắc thắng reo lên:
- Đó thấy không, em cũng cho là chị hiền, chúng ta đã là bạn rồi mà, có điều em biết tên chị, nhưng chị vẫn chưa biêt tên em. Em nói cho chị nghe nhé.
Thằng bé chớp mắt nhìn cô rồi gật đầu cái nữa. Thu Phong mừng quýnh, cô hỏi ngọt như mía lùi:
- Vậy tên em là gì vậy?
Dường như đứa nhỏ có chút mấp máy môi, cô cười khuyến khích:
- Nói lớn chút xíu cho chị nghe xem. Tên em là….
Giọng thằng nhóc nghe nhỏ rí:
- Khu phông.
Cô cười:
- Ừ, phải rồi, em nhó được tên chị à? Hay quá, nhưng còn tên em, tên em là….
- Khu phông.
- Ồ, không phải đâu. Thu Phong là tên chị, còn tên của em đó, tên mà ba mẹ gọi em đó mà, hiểu không?
Thằng bé trố mắt nhìn cô như không hiểu. Người đàn ông bật cười chen vào:
- Hoan hô em đã làm bạn được với cu Phong, tên của bé đúng là tình cờ lại trùng tên với em.
Cô kinh ngạc:
- Trùng tên?
- Đúng rồi, tên thật của bé là Nguyễn Hoàng Phong, ở nhà tôi vẫn gọi nó là cu Phong.
Cô mở to mắt nhìn lại thằng nhóc, rồi phì cười:
- Ô hô, ngộ quá ha. Em cũng tên Phong nữa à? Ừ phải rồi, xưa nay cái tên Phong vốn là con trai mà, tại ba chị thích con trai nên mới trộm tên em đặt cho chị đó thôi, phải không?
Thằng nhóc không đáp, nhưng vẻ thân thiện hiển hiện rõ trong ánh mắt. Thu Phong chỉ tay một vòng xung quanh khoe:
- Ê, cái hồ này là của chị đó nghen. Tên cái hồ là Thanh Vân, tên đẹp không? Chị đặt cho đó. Nước trong vắt, thấy không? Trong đến nổi in cả mấy trời. Cu Phong có muốn ra hồ không? Chị sẽ để em….
Người đàn ông lên tiếng:
- À, xin lỗi em, cu Phong không biết bơi, đừng rủ em bé ra đó.
Cô ngó qua giải thích:
- Ý tôi là cho nó ngồi trên bè thôi, cu Phong ngồi bè còn tôi đây bè theo ra. Cu Phong không biết bơi nhưng tôi bơi giỏi mà. Vả lại ngồi trên bè đâu có sao đâu?
Người đàn ông lắc đầu:
- Cũng không được đâu. Cu Phong không thể xuống nước.
Cô vẫn cố thuyết phục:
- Tắm mát chút thôi, anh đừng cấm nó. Nếu tôi không lo cho cu Phong được thì còn anh đứng canh trên này nữa chi? Hồ này sâu thật đó, nhưng chẳng lẽ tôi với anh lại không canh được một đứa nhỏ sao? Nhé, tụi tôi ra hồ nhé.
- Đã bảo không được rồi mà - Người đàn ông gắt khẽ.
Giọng gắt gỏng của anh ta làm thằng bé giật mình, vẻ nhát nhúa sợ sệt lập tức trở về trên khuôn mặt nó. Thu Phong trợn mắt:
- Anh làm gì phải phát cáu lên như vậy. Cu Phong bị anh hù kìa.
Người đàn ông quay qua con:
- Đừng xuống nước nhé con, nước sâu lắm, không tốt.
Thu Phong trề môi:
- Đứa con đã nhát mà còn hù nó nữa. Nước sâu thật nhưng ngồi bè chuối chứ bộ.
Người đàn ông cau mày quay qua, nhưng nhớ lại vẻ mặt đang cởi mở lại trở thành im lìm của con, anh ta dịu giọng hơn:
- Này em, tôi đang dạy con trai tôi đó.
Thu Phong nhìn lảng đi nói mỉa mai:
- Dĩ nhiên tui cũng biết nó là con trai anh. Thì là con anh, bị anh suốt ngày đem cái này cái kia ra hù nên mới nhát hít sợ sệt như vậy đó, chứ nếu là con tui….
Câu nói hình như bị hớ thì phải. Thu Phong kịp phát hiện ra nên nín ngang.
Người đàn ông lườm cô:
- Nếu là con em thì sao? Sao lại nói giữa chừng như vậy? Ngon nói hết thử xem.
Đột nhiên, cô muốn nổi sùng:
- Nói giữa chừng bộ không được à? Tôi không thích nói hết, nói giữa chừng vậy cũng đủ hiểu rồi.
Người kia nhướng mày:
- Ai hiểu? Nói giữa chừng thì ai mà hiểu được? Ai lại bảo người miền quê chân chất lắm, ăn nói bộc trực dễ hiểu. Em thì khác một chút, nói không nói hết, thì chuyển qua nói ngang, cứ ngắt ngứ ngắt ngứ như sợ lộ ra cái gì vậy.
Thu Phong trừng mắt:
- Lộ ra cái gì?
Người kia tỉnh bơ:
- Tôi đâu có biết. Em cũng nói nửa chừng thôi nên tôi đoán như vậy.
Thu Phong tức tối:
- Có gì mà tôi sợ đâu. Người miền này thật thà, có gì mả phải giấu diếm, chẳng qua nếu tôi nói thẳng ý, ngại mấy người nghĩ quàng xiên nói tôi con nít quỷ, mới mười mấy tưổi mà mở miệng nói chuyện con cái nên ngưng lại thôi.
Ba của thằng nhỏ nhún vai:
- Tôi cũng chẳng tính, chẳng bao giờ nghĩ quàng xiên gì cả, em có muốn nói gì thì có thể nói thoải mái.
Thu Phong bĩu môi:
- Vậy thì tôi cũng khỏi ngại chứ gì. Thật ra hồi nãy ý tôi muốn nói nếu mai mốt tôi có con, con tôi cũng dễ thương như cu Phong vậy, nhưng nhất định nó sẽ luôn vui vẻ, hay cười, nghịch ngợm, chứ không bao giờ bị hù suốt ngày thành nhút nhát e lệ như vậy đâu.
Sự tưởng tượng luôn phong phú trong đầu nên cô lại diễn giải thêm một cách sôi nổi:
- Con cái tôi đó nhé, nếu là con gái, nhất định nó sẽ vui tính tía lia như tôi vậy, còn nếu là con trai, nó lại càng trực tính, dễ gần. Khi nhỏ nó phải là đứa nghịch ngợm phá phách, phá đến nổi làm tôi mệt phờ nhăn nhó la mắng suốt ngày tôi cũng chịu. Vì con nít mà không vui chơi, chạy nhảy thì phí hoài tuổi thơ của nó.
- Không vui chơi chảy nhảy thì phí hoài tuổi thơ - Người đàn ông lẩm bẩm lập lại.
Thu Phong liếc nhìn anh ta:
- Hay phải không? Câu này không phải của tôi nghĩ ra đâu. Là ba tôi nói đó. Ba tôi hay cười và nói như vậy mỗi khi nghe má tôi than thở về tôi. Mỗi năm nghe má tôi nhăn nhó than vãn một lần là y như rằng, ba tôi lại nói câu này, tôi nghe riết thành nhớ.
Người đàn ông ngó cô:
- Vậy chắc là tuổi thơ của cô không có chuyện phí hoài đâu nhỉ?
Cô cười toe:
- Tất nhiên rồi. Ba cho tôi tha hồ vui chơi. Lúc nhỏ chơi trò con nít, bắt dế, đào giun, câu cá, vớt cá, leo cây hái trái, thứ gì cũng được phép chơi, miễn là khéo đừng để người ta xách tai đem về mắng vốn. Lớn lên rồi thì ngoài công việc nhà, ngoài chuyện học hành, ba vẫn cho tôi có thời gian để vui chơi.
Cô chỉ vào cái bè chuối:
- Bè chuối này ba tôi làm đó. Ba nói tôi không con nít nữa, nhưng vẫn cần nơi giải trí vui đùa. Hồ này là khu vực vui chơi độc quyền của tôi.
- Em bao nhiêu tuổi rồi?
- Mười tám.
Người đàn ông hơi ngạc nhiên nhìn cô:
- Đã mười tám rồi à? Có thật là….em mười tám?
Thu Phong cười:
- Ừa mười tám rồi, thì đã sao. Ba thì có khi nói tôi đã lớn, có khi lại nói tôi còn nhỏ lắm. Bạn trong trường gọi tôi là nhỏ Phong đẹt, tên xấu hoắc, phải không cu Phong? Nhiều khi ba chị không gọi chị là Thu Phong đâu mà gọi cho vui là gió mùa thu. Chị thích ba chị gọi như vậy lắm.
Người đàn ông ngạc nhiên nhìn qua, thấy cu Phong tự bao giờ đứng cạnh cô gái lạ mà mỉm cười nghe chuyện. Anh ta cũng cười.
Thu Phong cũng thật vô tâm. Câu chuyện đang nói với cha bỗng chuyển qua với cậu con từ lúc nào không biết:
- Biết không, hình như tên của chị có trong một bài thơ nào đó mà có lần chị nghe ba chị ngâm ngạ Bài thơ thì dài, nhưng chị nhớ cái câu có tên mình thôi. Câu đó như vầy nè:
“Một trận Thu Phong rụng lá vàng
Lá từ hàng xóm bay sang…”
Thấy chưa, cái tên chị nằm trong đó đó. Còn em, tên của em có trong bài thơ nào không? Là má đặt hay là ba đặt cho em?
Cu Phong nói nho nhỏ gì đó làm Thu Phong nheo mắt cười khì:
- Ồ, không biết thì em có thể hỏi mà. Ba em thì hơi dữ, vậy em có thể hỏi má. Chị thì hay hỏi ba hơn, vì biết không, ba của chị hiền lắm. Không biết gì thì cứ hỏi, ba chị sẽ giải thích cho nghe. Ừa, đúng rồi. Chị ngược với em, ba của chị hiền nhưng má chị thì dữ, không có má thì thôi, có là chị bị rầy liền. Còn ba chị….
Rời mắt, rời tai khỏi hai đứa trẻ cùng tên Phong, người đàn ông đừng lên nhìn ra xa xa bờ hồ trong xanh mà lam man nghĩ ngợi.
Vùng quê này thật lạ, nếu không có giấy tờ chứng minh, anh không khi nào nghĩ mình lại từng được sinh ra ở đây. Nơi đây đẹp thật, dù hơi vắng người.
Mặc dù nơi đây cách Sài Gòn không xa mấy, nhưng anh chưa từng đặt chân trở về chốn này. Ừ phải, nếu không vì cu Phong, anh không nghĩ mình trở về lại nơi đây, nơi xưa kia cha mẹ anh đã phải khổ sở rời đi trong sự buồn tủi, đắng cay.
Giọng thánh thót của cô gái nhỏ vang lên hòa với gọng cười của con trai khiến anh thấy dễ chịu. Cô là người đầu tiên của vùng này mà anh và cu Phong tiếp xúc. Và cũng là người lạ đầu tiên mà thằng bé chịu cười, chịu nói chuyện.
Cô ta không tệ lắm. Mặc dù dân dã, quê mùa, nhưng cách nói chuyện cũng vui vẻ, thân thiện. Anh mỉm cười lắc nhẹ đầu. Thật không ngờ cô lại mười tám tuổi rồi. Ở Sài Gòn, những thiếu nữa mười tám đâu có nhỏ bé vóc dáng và hồn nhiên non nớt như cô vậy. Mười tám tuổi? Anh lại cười thầm.
Từ đầu cứ ngỗ cô chỉ là một cô bé quê mười bốn mười lăm tuổi, nên anh đâu có e dù giữ kẻ khi tiếp xúc. Bây giờ đã biết cô là một cô gái trưởng thành hẳn hoi, có lẽ anh cần phải khách sáo một chút mới được.
Điều lạ là cô gái bé choắt này lại trùng tên vói cu Phong, và càng thêm lạ là cô đã gợi cho con anh nói chuyện cười vui cởi mở như thế. Nếu mà cô ta…. Có lẽ điều đang nghĩ hơi kỳ lạ và không tưởng, nên anh nhướng mày lắc đầu và cười một mình như tự nhạo báng.
Những tiếng cười rúc rích đầy vui thích làm người đàn ông lơ đãng nhìn lại và sững người không tin nổi vào mắt mình.
Thằng cu Phong chẳng nhớ đến bộ quần áo vàng nhạt đang mặc trên người sạch sẽ đến độ nào, nó đang ngồi bệt xuống bên cô gái tên Thu Phong và cùng cô nghịch đất.
- Cu Phong! Con làm gì vậy?
Tiếng kêu lớn của người đàn ông làm cả hai Phong đều giật mình ngẩng lên. Cu Phong hoảng vía đến nỗi đờ người ra ngơ ngác.
Người đàn ông ngồi thụp xuống phủi nhanh hai tay đầy cát của con. Thu Phong nhăn mặt cự:
- Anh làm gì mà la lên làm giật mình vậy?
- Không phải chuyện của cô - Người đàn ông quát lên giận dữ - Ai cho cô đem con tôi ra nghịch dơ như vậy? Bộ hết chuyện chơi rồi hả?
Cu Phong giật mình thêm lần nữa với tiếng quát của ba nó, nó hốt hoảng òa lên khóc.
- Rồi, thấy chưa, anh lại hù con mình cho nó khóc rồi.
Người đàn ông quắc mắt nhìn cô:
- Cô mau im miệng đi. Cu Phong là con tôi mà. Làm con tôi dơ dấy bẩn thỉu mà còn ngồi đó chõ vào nữa hả.
Thu Phong tức tối đứng phắt dậy:
- Ê, đủ rồi nghe, cu Phong là con anh thì anh tha hồ dọa nạt cho nó khóc, nhưng tôi là Thu Phong, là con của… ba tôi, là chủ cái hồ này, tôi có là cái gì của anh đâu mà anh lại lớn tiếng? Anh lấy quyền gì mà nạt nộ tôi?
Sự cự cãi lớn tiếng của Thu Phong làm cu Phong càng sợ hãi khóc già. Ba của nó nhăn mặt:
- Thôi được rồi, không ai dám la cô đâu, ngồi xuống đi. Đừng làm con tôi sợ.
Sự tức giận vẫn chưa làm Thu Phong nguôi, cô ngồi ra xa hơn một tí và bĩu môi nhông lại:
- Nghĩ anh là ai mà định ở đây dọa với nạt? Tưởng nạt một cái là người ta phải sợ quá khóc lên như cu Phong à? Giỡn chơi!
Người đàn ông nhăn mặt:
- Thôi đừng lải nhải nữa! Cô có giỏi miệng thì dỗ thằng bé nín còn hơn.
Nói rồi anh ta quay xuống dịu dàng:
- Nín đi con, đừng khóc! Ba đâu có la con, ba la… chị Phong thôi.
Ngồi bên đây, Thu Phong bĩu môi, nhưng tội nghiệp những giọt nước mắt và gương mặt mếu máo của thằng nhóc nên cô không lên tiếng móc mỉa nữa. Ba cu Phong vỗ về con trai:
- Nín đi nhé, ngoan ba thương. Tại con lại vọc dơ nên ba mới kêu lên thôi. Bây giờ không vọc nữa thì ba đâu có la nữa, đúng không?
Cu Phong đã nín khóc, nhưng em còn thút thít và lấm lét ngó ba, ngó Thu Phong qua màn lệ. Người đàn ông móc túi lấy chiếc khăn tay trắng tinh, nhẹ nhàng lau nước mắt và xì mũi cho bé.
- Thôi đừng khóc con, ba đưa con trở ra xe nhé? Chúng ta về nhà.
Cu Phong cụp mắt xuống đất không đáp. Ba của bé hắng giọng:
- Mình ra xe, chúng ta chơi ở đây một chút cũng được rồi, đến giờ đi rồi đó.
Thằng bé vẫn không lên tiếng, nó ngẩng lên một tí chỉ để liếc nhìn Thu Phong rồi lại cụp mắt xuống lại.
Thu Phong chắt lưỡi:
- Thôi anh để tôi dỗ em cho.
Người đàn ông nhìn cô không lộ vẻ phản đối. Thu Phong rề lại cười với chú bạn nhỏ của mình:
- Cu Phong, đến giờ về rồi hả? Vây hồi nãy bắt tay làm quen, bây giờ chị với em bắt tay tạm biệt, được không?
Thằng bé lại đặt tay mình vào bàn tay rám nắng của cô, Thu Phong gật đầu:
- Em về nhà ngoan nhé. Bữa nào rảnh em nói ba chở em xuống đây chơi với chị. Chị sẽ thường ra cái hồ này chờ em. Hôm nay ra hồ chơi thôi, nhưng mai mốt có thể chị sẽ dạy em bơi, đến chừng đó hồ sâu hồ cạn gì em cũng sẽ không thèm sợ nữa đâu.
Cu Phong liếc nhìn ba rồi nó nho nhỏ với cô:
- Dạy bài hát nữa.
Thu Phong bật cười:
- Ừ há, dạy bài hát nữa, chị có đến cả mấy chục bài hát sẽ dạy hết cho em, là ba chị dạy cho đó, bài nào cũng vui, cũng ngộ như bài khi nãy vậy.
Người đàn ông nhíu mày đứng lên khi nghe có giọng gọi từ xa vọng lại. Thu Phong vẫn say sưa nói chuyện với cu Phong:
- Nhà chị hả? Nhà chị Ở gần đây thôi. Chạy một hơi là tới nhà chị ngay, nếu em mà biết nhà chị vô chơi cũng được. Nhà chị có vườn bưởi nè, có cây ổi nè, đầy sân có cây bồ quân, mùa này đã bắt đầu có trái. À quên nữa, chị còn có con sáo sậu, con sáo là của ba chị bắt về hồi….
Người đàn ông đã đi lên dốc đá, tuy mắt vẫn thỉnh thoảng nhìn chừng về phía con trai.
Đứng từ chỗ cao nhất của dốc thì có thể thấy rõ con đường lộ bằng đất đỏ xa xa. Nơi đó có một chiếc xe du lịch đang đậu, và lố nhố hai ba người đang dáo dác ngó quanh, một người trong số họ còn bắt tay làm loa cất giọng gọi vang:
- Cậu Nguyên ơi!
Ngưòi đàn ông không lên tiếng, chỉ đợi người kia nhìn về hướng mình thì đưa tay lên ra hiệu. Người ấy hì hục chạy lại ngaỵ Đến gần, người kia thở hào hển thông báo:
- Xe sửa xong rồi. Dì Thẩm nói còn cách chừng một hai cây số là tới.
Rồi như chợt nhớ điều gì, anh ta hỏi:
- Ủa, bé Phong đâu rồi cậu Nguyên?
“Cậu Nguyên” hất mặt về phiá dưới. Bảo người tài xế đang tò mò nhìn cảnh trò chuyện vui vẻ của cu Phong và cô gái bé choắt Thu Phong kia ra xe chờ trước, Nguyên đi trở xuóng bờ hồ. Ngay khi cô gái cởi mở vui tính kia ngẩng lên, anh nói ngay:
- Xe của chúng tôi đã sửa xong, đã đến lúc phải đi tiếp rồi, cám ơn cô đã trò chuyện với cha con chúng tôi nãy giờ.
Thu Phong không nói gì, cô nhìn cu Phong với vẻ tiếc rẻ:
- Vậy cu Phong về nhà nhé. Mai mốt có dịp mình sẽ gặp lại.
Nguyên cúi xuống bế con trai lên, anh ngần ngừ một chút khi nhận ra vẻ luyến lưu của con mình đối với cô gái kia. Anh hắng nhẹ giọng hỏi:
- Nhà cô ở đây à?
Thu Phong gật đầu. Nguyên như nhớ ra điều gì, anh nói:
- Khi nãy tôi có hứa sẽ đãi cô một chầu kem. Nhưng… không biết ở đây chỗ nào lại có bán kem để tôi…
Thu Phong bật cười. Cô lắc đầu:
- Dưới quê không có bán kem đâu.
- Vậy… Hay là thế này, không biết cô có tiện đi dạo một vòng lên thị xã với cu Phong không, ở trên thị xã gần đây chắc chắn là có bán.
Thu Phong vẫn lắc đầu:
- Ồ không cần đâu. Anh không để ý rằng tôi áo quần nhàu nát lem luốc à? Tôi thích ăn kem thật đó, nhưng cũng biết ra chợ tỉnh mà ăn mặc như vầy thì đúng là quá khó coi. Thôi anh cứ đưa cu Phong đi ăn đi. Nếu nhớ phần tôi, anh cứ cho cu Phong ăn thỏa thích là được rồi, phải không cu Phong?
Cô cười nháy mắt với cu Phong.
Nguyên cũng đành chịu thua, không thể thuyết phục cô thêm, anh gật đầu:
- Thôi được, cô cho tôi nợ vậy. Nếu có dịp gặp lại, nhất định tôi sẽ tìm cách trả. À, nhà cô ở đâu nhỉ? Nếu cha con tôi có dịp tạt qua đây, làm sao gặp được cô.
Thu Phong khoát tay chỉ xuống hồ:
- Thì… tới đây cũng được nè. Tôi hay ở đây lắm.
Nguyên cười:
- Nhưng nếu không ở đây?
- Thì ở nhà – Cô cũng cười – Thôi được, nếu có dịp mời anh và cu Phong ghé nhà tôi chơi, tên tôi thì anh biết rồi đó. Cứ hỏi nhà ông Hai Trạng mé bến là ai cũng biết.
- Ông Hai Trạng? – Nguyên kêu lên kinh ngạc - Ở khu này có mấy ông Hai Trạng nhỉ?
Thu Phong cười:
- Tên gì thì trùng chứ tên của ba tôi không trùng được đâu. Nguyên cái xã này chỉ có một ông Hai Trạng mà thôi.
Nguyên hỏi dồn:
- Nhà cô gần đây chứ?
- Gần, chạy đường tắt một mạch là tới thôi – Cô ngạc nhiên – Sao vậy? Bộ khát nước muốn vào nhà tôi uống ngụm nước à?
Nguyên không đáp ngay. Anh chỉ chăm chú nhìn cô một lúc thật lâu làm cô cứ tưởng mặt mình có gì khác lạ nữa chứ.
- Chuyện gì vậy?
Nguyên như sực tỉnh:
- À, không. Biết tên cô rồi nhưng tôi lại chưa biết họ. Cô họ Trần à?
- Không, họ Tạ. Nhưng anh biết họ để làm chi. Ở miệt này ai lại biết họ nhau đâu…. Anh chỉ cần hỏi ông Hai Trạng là người ta chỉ liền à.
Nguyên nhướng mày cười một nụ cười hơi lạ.
- Gì vậy? – Cô thắc mắc.
Anh lắc đầu:
- À, không có gì đâu. Thôi, chúng tôi ra xe vậy.
Cúi xuống cu Phong, anh nhắc con:
- Chào chị Phong đi con.
Cu Phong giơ bàn tay nhỏ xíu lên vẫy cô. Cô vẫy lại với nụ cười:
- Chào cu Phong nha. Hẹn gặp lại.
Nguyên ẵm con bước lên dốc đá. Rồi từ trên dốc, không hiểu sao anh lại quay lại và cũng giơ tay chào:
- Chào Thu Phong!
- Chào anh!
- Chào, hẹn chút gặp lại.
Bóng cha con cu Phong đã nhỏ dần rồi khuất trên dốc đá. Còn Thu Phong ngạc nhiên đứng lại bên hồ. Cô đưa tay gãi ót. Ba cu Phong hơi mát chắc, tự nhiên lại chào hẹn chút gặp. Chẳng lẽ chút anh ta bế cu Phong quay lại thật?
Thu Phong vỗ hai tay vào nhau. Ừ há! Có thể lắm chứ, chắc là anh ta sẽ đi đâu đó một chút rồi quay lại đây cho cu Phong chơi với mình đến chiều. Hôm nay chủ nhật trời đẹp lắm mà, quanh quẩn vùng này, có cảnh nào đẹp hơn ở đây đâu?
Bộ đồ mặc trên người đã khô từ bao giờ. Cô nheo mắt ngó mặt trời để định thời gian. Rồi đẩy bè chuối xuống hồ, cô bơi theo. Khi bám bè chuối để leo lên nghỉ mệt, cô lại muốn khuấy động không gian quá yên tĩnh bằng giọng hát của mình:
“Vừa gặp cô là tôi mến ngay, hô là hí hô là hố…”
Giọng hát của cô sao bây giờ…. dở òm vậy không biết. Thu Phong nhăn mặt. Thằng nhỏ trùng tên với cô dễ thương quá sức. Nó đã về nhà mất rồi. Phải chi cô có đủ thời gian dạy nó một bài hát, để ở thành phố mỗi khi hát lên, nó lại nhớ một chút đến cô.
Thu Phong thở dài. Nằm sấp ôm bè chuối để nước mặc tình trôi dập dềnh, cô lẩm nhẩm hát:
“Vừa gặp em là chị mến ngay, hô là hí hô là hố. Chị mến ngay chị xin bắt tay, hô là hí hế lô hô là…”
Bè trôi lơ lửng trên mặt hồ trong xanh. Những gợn sóng nhỏ lăn tăn óng ánh tia nắng mặt trời. Tiếng ngâm nga lẩm nhẩm của Thu Phong bị gió thổi bạt đi bốn phương tám hướng, trong đó chắc chắn có hướng của thành phố không xa.