Chương 11


Chương 2

Thanh Lam vừa lau mặt vừa bối rối hỏi Mai:
- Mọi người đi hết rồi sao?
Mai gật đầu:
- Đi lâu rồi!
Lam nhăn nhó:
- Sao chị không gọi em dậy?
Mai nói:
- Cô Thư bảo cứ để cho em ngủ thoải mái, phần ăn sáng đã có sẵn trên bàn.
Lam xụ mặt buồn xo:
- Em chả thấy đói. Chị Mai nè, em muốn ra ngoài cho biết, chị đừng nói lại với dì Thư nghen?
Mai vội vã lắc đầu:
- Ý không được đâu. Lỡ có gì tôi gánh hổng nổi. Lúc nãy cô Thư có dặn không để em đi khỏi nhà.
Lam bướng bỉnh:
- Em đi vòng vòng gần đây thôi mà. Nhà này kín cổng cao tường, cách biệt với bên ngoài. Bị nhốt cả tuần nay, em có cảm giác như đang ở tù. Chị không chịu, em cũng đi đại.
Mai xuống nước:
- Tội nghiệp chị mà Lam. Cô Thư khó lắm, trước chị đã có mấy người bị thôi việc rồi. Lẽ nào em nỡ để chị mất chỗ làm vì mình?
- Nhưng ở nhà buồn quá hà!
Mai dụ dỗ:
- Buồn thì mở tivi coi. Giờ này phát lại cải lương hay lắm!
Lam chấp tay:
- Cho em nghiêng mình trước cái tuồng cải lương của chị đi. Có ca nhạc họa may em còn giải sầu chút chút.
Mai gãi đầu:
- Ca nhạc hả! Cậu Kiên có nhiều lắm! Toàn là nhạc giật hông hà. Mượn vài băng coi đỡ buồn liền chớ gì.
Lam sáng mắt lên:
- Chị mượn giùm em đi.
Mai lắc đầu nguầy nguậy:
- Hổng dám đâu! Em ngon thì tới gõ cửa phòng. Cậu ấy còn ngủ ở trỏng đấy.
Lam chặc lưỡi:
- Em không quen với chú Kiên làm sao dám gõ cửa.
Rồi cô hạ giọng tò mò:
- Ổng là người như thế nào nhỉ?
Nhún vai như Tây, Mai nói lảng đi:
- Lam ăn sáng nha. Có bánh ướt nhân tôm thịt đó.
Lam phụng phịu:
- Chị vẫn chưa trả lời em mà...
Mai chép miệng:
- Chậc! Cậu ấy cũng bình thường như mọi người.
Lam nói gọn lỏn:
- Em không tin.
- Sao vậy?
Định nói tại dì Thư và mẹ luôn có những lời không hay về Kiên, nhưng Lam đã kịp thời stop. Ngập ngừng một chút, cô trớ đi:
- Tại em thấy ai cũng quan tâm tới chú Kiên, nên em nghĩ chú phải có điểm khác những người trong nhà.
Mai nhếch môi:
- Thấy vậy nhưng không phải vậy đâu. Trong nhà này ngoài ông cụ Trường ra, chả ai là người thật lòng quan tâm lo lắng tới cậu Kiên hết.
Rồi như cảm thấy mình nói nhiều, Mai kêu lên:
- Í quên nữa, chị phải đi giặt quần áo đây.
Còn lại một mình, Lam ngao ngán nhìn phần điểm tâm buổi sáng, ước gì cô được ra phố, tấp vào một quán cóc nào đó ăn cơm bụi nhỉ?
Uể oải bưng dĩa bánh ướt lên, Lam nuốt từng miếng bánh lạnh ngắt vào bụng và không thấy chút nào ngon lành. Ước gì cô được xơi một tô phở tái nóng hổi nhỉ? Chỉ là những điều đơn giản mà cô làm không được, thì sau này dì Thư còn bắt cô tuân thủ những điều phiền toái nào nữa đây?
Lam mon men đến bên máy giặt, giọng nhỏ nhẹ:
- Để em phụ chị.
Mai xua tay:
- Không cần, em lên nhà chơi đi.
Lam càu nhàu:
- Có gì đâu để chơi. À! Chị đi chợ chưa cho em theo với.
Mai nói:
- Chị đi lúc em còn ngủ. Nói chung dưới bếp không có việc của em.
Lam chống tay dưới cằm, giọng tư lự:
- Dì Thư khó tánh lắm phải không?
Mai ậm ự:
- Với chị, bà chủ nào cũng khó, nhưng mỗi người khó mỗi cách. Muốn làm việc lâu dài phải biết nhẫn nhục.
Lam hỏi gặn:
- Theo chị, dì Thư khó cách nào?
Mai lắc đầu:
- Chị không nói được đâu.
Lam hiểu Mai không muốn góp chuyện, nên cô bỏ ra vườn. Cô đi vòng vòng và nhận ra trong những bồn hoa bỏ phế lâu ngày bị cỏ dại lấn át, vẫn còn những cây đồng thảo, cúc tứ quí, tường vi, trâm ổi. Nhưng chúng trông còi cọc, xơ xác thật tội.
Vốn là người yêu hoa lá, cỏ cây, Lam thấy xót xa trước cánh hoang phế này. Bước vào bếp, cô hỏi:
- Chị Mai ơi, nhà mình có cái gì để làm cỏ không?
Tròn mắt lên, Mai nhắc lại:
- Làm cỏ hả? Có cái cuốc nhỏ, nhưng em làm cỏ ở đâu?
- Ngoài mấy bồn hoa, để chúng xác xơ trông tội quá!
Mai lẳng lặng lôi từ hốc cầu thang ra cuốc, xẻng, kềm, bay rồi đưa cho Lam kèm theo một bịch phân u rê trắng tinh:
- Cô Thư bảo chị vứt những thứ này đi. Nhưng chị nghĩ thế nào cũng có người cần đến, nên mới cất vào xó này. Trước đây trong vườn có nhiều cây kiểng lắm. Lần hồi nó chết đâu hết, chị chả biết nữa.
Lam buột miệng:
- Dì Thư và chị Trâm Anh không thích trồng hoa sao?
Mai trả lời:
- Chắc vậy, vì chị thấy hai người chưa bao giờ để ý đến hoa lá, khu vườn này hai người cũng chưa dạo hết. Dường như nơi đây chỉ là chỗ ở tạm bợ.
- Sao chị lại nói vậy?
Giọng Mai rành rọt:
- Vì từ hồi về đây ở tới nay, cô Thư chưa bao giờ sắm sửa gì cho ngôi nhà này hết. Trái lại cổ còn muốn nó sập cho rồi, để bán hắt đi.
Lam còn đang ngạc nhiên vì những lời của Mai, thì chị ta đã trầm giọng:
- Chị không muốn nhiều chuyện, nhưng tại em hỏi ở lâu ngày sẽ hiểu chớ đừng bắt chị nói nữa.
Lam ì ạch mang những thứ Mai đưa ra sân. Cô cột nhỏng tóc lên rồi bắt tay vào việc. Trong vườn ngoài hoa kiểng còn có cây ăn trái, chúng rậm rạp vươn mình che mát cho Lam. Cô vừa nhổ cỏ vừa thầm thì hát. Dần dà những cây hoa cũng ló ra với những các bông đèo đẹt nhỏ xíu. Lam chợt thấy vui dù đôi tay ít lao động của cô bắt đầu rát.
Cô nghiêng đầu nâng niu những nụ đồng thảo tim tím, cắt bớt những nhánh trâm ổi già, vun lại gốc cúc tứ quí và tìm cây chống, cho giàn tường vi èo uột gần như nằm rạp dưới đất. Ngồi lên bệ bồn hoa đã được dọn sạch, Lam phóng tầm mắt về cuối vườn. Sát chân tường, hướng dương dại vàng rực. Những hoa giả rụng hết cánh còn trơ cái nhụy nâu sậm đong đưa theo gió, trông buồn buồn.
Đang bâng khuâng vì hoa lá, Lam bỗng có cảm giác bị nhìn trộm, cô quay phắt lại và giật mình khi thấy trên ghế đá gần đó có một người đàn ông đang ngồi phì phà thuốc lá. Nói cho đúng thì đó là một thanh niên. Anh ta ngồi gác chân chữ ngũ, người tựa hẳn vào ghế, một tay chống cằm, một tay cầm thuốc lá, mắt thản nhiên nhìn như đang đánh giá Thanh Lam.
Tư thế ngồi và cách nhìn như muốn bóc trần người khác của anh ta cho Lam biết, anh ta đã có mặt ngoài khu vườn này lâu rồi. Thế mà nảy giờ cô không hề hay mới quê chứ! Nhưng anh ta là ai vậy kìa? Cái vóc dáng to khỏe này làm Lam nhớ tới người anh Phi kè vào phòng đêm hôm qua, chả lẽ đây là chú Kiên? Sao chú ấy còn trẻ đến thế?
Khi Lam còn giương mắt tò mò quan sát thì gã thanh niên lên tiếng:
- Ê! Ai bảo cô em làm việc này vậy?
Lam khó chịu. Hừ! Vừa mở mồm đã thấy ghét. Cô hếch mũi trả lời:
- Chả ai bảo hết. Tại... thấy hoa cỏ xác xơ nên tội nghiệp.
Gã thanh niên rít một hơi thuốc rồi gật gù phán:
- Trông cô em không có vẻ gì giống mẹ con chị Thư.
Lam hỏi thẳng thừng:
- Chú là chú Kiên, đúng không?
Gã thanh niên nheo nheo mắt:
- Đúng thì sao?
Lam khịt mũi:
- Trông chú cũng chả có nét nào giống dượng Lộc và ông bác.
Lam nghe chú Kiên cười:
- Đối đáp khá lắm! Cô bé tên gì nhỉ?
- Thanh Lam.
Kiên khen với cái giọng kéo dài đầy hài hước:
- Cái tên hay đấy.
Lam trả đũa:
- Cám ơn lời khen có vẻ trịch thượng đó của chú. Nhưng cũng xin kèm theo một chút thật tình. Cháu đây ghét ai khen tên mình lắm.
Không chút nao núng trước câu móc nghéo của Lam. Kiên hỏi ngược lại:
- Tại sao vậy?
Lam cong môi lên:
- Vì tự tên Thanh Lam đã đẹp rồi.
Kiên buột miệng:
- Đúng là hợm hĩnh.
Nhớ tới những lời mẹ dặn khi nói đến chú Kiên. Lam nhún vai:
- Đôi khi cần phải như vậy với một vài người.
Kiên lừ đôi mắt rất sáng:
- Thái độ và cách nói này thì giống chị Thư y như đúc. Này cháu còn bé xíu thế kia không nên chua ngoa, đanh đá như những bà đã bước vào tuổi đá buồn. Xấu lắm!
Lam hơi đỏ mặt. Cô thấy mình lố bịch khi vừa gặp mặt lần đầu đã gây sự với chú Kiên. Dì Thư và chú ấy đã có mâu thuẫn chị dâu, em chồng. Lam chỉ là cháu dì Thư, cô chả có bà con thân thuộc gì với Kiên hết, cô không nên tham gia vào cuộc chiến này, dù cô thương dì Thư tới mức nào đi chăng nữa. Dĩ hòa vi quý. Ở thế trung lập vẫn là tốt nhất. Mình không thân, nhưng cũng chả nên gây thù chuốc oán với gã bợm nhậu này làm gì cho phiền phức.
Tròn mắt rất ngây thơ, Lam vờ sợ sệt:
- Cháu xin lỗi, nếu câu nói vừa rồi làm chú giận.
Kiên lắc đầu không hài lòng:
- Thái độ và cách nói này lại giống Trâm Anh mỗi khi bị mẹ mắng. Nè! Em không cần phải gọi tôi là chú, cũng chả cần vờ vĩnh ngọt ngoài mặt nhưng trong bụng cứ vái “Xe tông hắn chết cho rồi”.
Lam thấy buồn cười, nhưng vẫn hỏi:
- Vậy phải đối xử thế nào cho vừa ý một người khó chịu như chú?
Kiên gõ gõ tay lên lưng ghế đá:
- Cứ vô tư như bạn bè là được rồi.
Săm soi một bó đồng thảo vừa mới cắt trong tay, Lam nói:
- Vô tư như bạn thì được thôi, nhưng vô tình không gọi chú, chắc cháu bị dì Thư dũa te. Cháu hổng dám đâu!
Kiên xua tay:
- Tôi thật sự sợ có những đứa cháu như Phi, Trâm Anh hay cô em đây.
- Nhưng dầu sao anh Phi và chị Anh cũng là cháu chú mà!
Kiên nhếch môi:
- Trong mắt họ, tôi chả là gì hết.
- Sao chú lại nói vậy?
Kiên lắc đầu:
- Đừng nên hỏi tôi, mà nên về sao lại mắt mình, bản thân em sẽ trả lời được đó.
Lam chưa kịp nói tiếp đã nghe tiếng Mai gọi:
- Cậu Kiên có điện thoại.
Ném về phía Lam một nụ cười hơi khinh mạn, Kiên vứt điếu thuốc rồi đi vội vào nhà.
Thanh Lam nhìn theo cái dáng nghênh ngang ấy, rồi ngồi xuống vun đất vào gốc mai chiếu thủy còi cọc, bị rụng gần hết lá, nhưng tâm trí lại nghĩ ngợi lung tung.
Không ngờ chú Kiên lại là một gã oắt con trạc bằng tuổi anh Phi. Thảo nào dì Thư không ngứa mắt khó chịu sao được. Rồi dượng Lộc nữa, ổng chì chiết ông bác Trường cũng đúng thôi. Dù chưa nắm được thực chất con người chú Kiên ra sao, nhưng chừng bản chất chú ta khá gai góc, Kiên không dễ đùa đâu, dầu có vẻ thích trò chuyện hơn anh Phi. Có lẽ Lam nên tránh xa Kiên như mẹ dặn, sẽ an toàn hơn... “cứ vô tư như bạn bè với chú ấy.
Lam vươn vai đứng dậy đúng lúc Kiên dắt chiếc spacy hỏa tiễn ra sân. Mai lon ton chạy theo hỏi:
- Chừng nào cậu về để tôi thưa lại với ông?
Kiên đội nón bả hộ vào và nói:
- Chừng nào tôi còn chưa biết, làm sao nói với chị được. Điều chắc chắn là bữa nay tôi không ăn cơm nhà.
Mai dặn dò:
- Cậu nhớ điện thoại về cho ông khỏi lo.
Kiên hơi nghiêng người, giọng riễu cợt:
- Thưa công nương, tôi sẽ cố nhớ. Chậc! Đàn bà đúng là rắc rối! Tôi sợ tất cả phụ nữ trong ngôi nhà này. Tổng chào nhé!
Vừa đóng cổng, Mai vừa lầm bầm:
- Đúng là chịu đời hổng thấu với ông tướng này.
Lam tò mò:
- Chú ấy đi đâu vậy?
Mai lắc đầu:
- Có trời biết. Mới về lại biến nữa, chỉ tội ông lão dài cổ trông cậu út quý tử.
- Chú Kiên không đi học à?
- Cậu ta đã tốt nghiệp đại học nhưng chả chịu đi làm mà cứ rong ruổi hết chỗ này, tới chỗ khác với cái máy chụp hình trên tay. Tiền bạc đổ vào máy ảnh ấy biết bao nhiêu mà kể. Chính vì điều này mà cô Thư và cậu Lộc không ưa cậu Kiên.
Lam góp vào:
- Ai ưa nổi người chỉ chơi mà không làm. Nhưng chú Kiên lớn hơn anh Phi nhiều không?
Mai nói:
- Hai chú cháu bằng tuổi nhau mới trớ trêu chứ.
Lam đoán già đoán non:
- Đồng trang lứa chắc hai chú cháu thân nhau lắm!
Mai lắc đầu:
- Trái lại hai người như mặt trời với mặt trăng. Tính Phi lạnh lẽo ít nói, còn cậu Kiên thì thích quậy. Họ chưa khi nào đi chung với nhau hay có cùng bất cứ một sở thích nào.
Lam trầm tư:
- Vậy thì buồn quá! Toàn là người trong nhà cả mà.
Mai chép miệng:
- Nhưng họ mới ở chung với nhau chưa tới một năm. Người lớn khó làm quen nhau hơn con nít.
Lam tròn mắt:
- Nhưng trước đó? Không lẽ họ không biết nhau?
- Đương nhiên là không.
Nhìn Lam ngơ ngác, Mai hỏi:
- Dường như em cũng không biết gì mấy về gia đình của dì mình?
Lam gượng gạo:
- Tại em ở xa, năm xưa em có gặp dì dượng và anh chị một lần, nhưng lúc đó em là con nít. Đã là con nít thì làm sao nắm được chuyện người lớn chứ.
Mai cười cười:
- Em ráng tìm hiểu để biết thêm về người lớn, chị không lắm điều nữa đâu.
Dứt lời Mai nhỏng nhảnh bỏ vô trong, Thanh Lam lại tiếp tục công việc của mình. Cô mong sao mau đến ngay đi học để có thêm bạn bè, để được giải phóng khỏi ngôi nhà tù hãm này.