Chương 1

Mắt lia khắp nơi, Thúy Hoa vừa kéo tay Quỳnh chỉ trỏ vừa suýt xoa:
- Ê! Quỳnh. Nhìn bên này coi, có cặp kia ôm nhau hôn mùi chưa. Ái chà! Giống phim xi nê quá. Ý, còn bên này nữa, cả nhóm người ôm nhau khóc thảm quá chừng.
Đẩy cái xe hành lý lách qua những tốp người đứng đầy trong sảnh đường của sân bay, Quỳnh lườm bạn:
- Mày làm ơn cho tao xin được hai chữ bình yên năm phút được không? Gì mà cứ kéo tay chỉ bên này kia, làm tao quẹt trúng mấy người rồi đó.
Thúy Hoa quay lại cười khì:
- À há! Quên mất mày đang đóng vai phu đẩy xe nãy giờ. Mệt chưa? Thôi đưa xe đây tao đẩy cho mày nghỉ giải lao năm phút.
Thúy Hoa nói xong đã giành lấy xe đẩy hành lý và dúi vào tay Quỳnh gói bánh đang ăn dở dang. Vừa bước hai bước, cô nàng đã kêu lên:
- Trời, không ngờ có hai cái túi thôi mà nặng chịch khó đẩy như vậy, hèn chi nãy giờ mày mướt cả mồ hôi. Ê! Tao mới nói, đẩy cho mày xả hơi năm phút thôi nhé, xong là mày đẩy tiếp giùm. Khó đẩy quá.
Quỳnh cười. Năm phút cũng còn hơn không. Cô nhìn lại cái gói bánh của bạn trên tay mình. Thúy Hoa là đứa khoái ăn vặt. Chẳng biết đây là món bánh gì mà mấy cây bánh dài dài như que đũa, rồi còn lại một bệt sô cô la bên cạnh nữa, trông có ngon lành gì đâu.
Thấy vẻ ngắm nghiá của Quỳnh, Thúy Hoa hất hàm:
- Gì ngắm ngó hoài vậy?
- Món gì đây?
- Bánh với sô cô la. Cẩm cây đó quệt sô cô la, ngon lắm, ăn thử đi. Nãy giờ tao xực hai gói rồi.
Quỳnh cười:
- Giống làm cho con nít ăn quá.
Thúy Hoa trợn mắt:
- Chê tao con nít à? Miễn ngon là được rồi. Thử đi thì biết.
Hơi tò mò, Quỳnh rút một “cây” bánh rồi quệt nhúm sô cô la như lời bạn, nhưng chưa kịp bỏ vào miệng thì chợt có ai đó lấn ngang sau lưng làm cô chúi nhủi về phiá trước, que bánh có sô cô la lập tức phết ngay lên một tấm chắn gần đấy.
- Ý chết! – Thúy Hoa hoảng hồn kêu lên.
Quỳnh không kịp kêu, cô trợn mắt nhìn bệt sô cô la trên chiếc áo sơ mi trắng tinh trước mặt. Một giây hoảng hốt qua đi, cô sực tỉnh ấp úng:
- Thật là...xin lỗi. Tôi không cố ý đâu. Anh cho tôi xin lỗi.
Người đàn ông nhíu mày nhìn vết dơ trên ngực áo, gương mặt nhăn lại khó chịu.
Quỳnh bối rối liếc nhìn Thúy Hoa cầu cứu, cô nàng bèn lên tiếng phân trần:
- Xin lỗi anh nhé, tại người ta đẩy nó. Anh cho tụi tôi xin lỗi.
Người đàn ông cau có bực bội nhưng vẫn không nói gì. Không cầm mành khăn giấy Quỳnh chìa ra trước mặt với hàm ý xin lỗi, anh ta lạnh lùng quay người bỏ đi.
Quỳnh ngẩn người ra nhìn Thúy Hoa. Cô bạn kéo tay cô lảng đi chỗ khác. Khi đã xa xa một chút, Thúy Hoa thở phào:
- Tên đó không chửi rủa nhưng sầm mặt khó coi quá há mày.
Quỳnh thừ người lẩm bẩm:
- Mình vô ý thật, cái áo trắng tinh, vậy mà.....
Thúy Hoa huých tay vào người cô:
- Lỡ rồi. Tại người ta chen nhau đụng mày mà.
Liếc gương mặt còn bần thần của Quỳnh, Thúy Hoa chép miệng:
- Mày đây có cố ý đâu, mắc gì phải ngại, cái con này.
Quỳnh lắc đầu cười gượng. Cái áo sơ mi trắng tinh bị dơ một đốm khó coi như vậy mà bạn cô còn nói đừng ngại nữa. May mà người ta không nổi giận la mắng, nếu có thì dù quê cũng đành chịu.
Cô thở ra và đưa lại gói bánh cho bạn:
- Trả mày nè, thôi đưa xe đây cho tao đẩy. Đúng là số tao không nhàn được, giải lao chưa được năm phút là có chuyện rồi, mày thấy không.
Thúy Hoa phì cười. Đến gần bảng báo điều phối máy bay, cô liếc nhìn rồi ca cẩm:
- Ê, Quỳnh! Chị Hương của mày lo quá xá, bắt tụi mình dậy đi sớm đến hai tiếng đồng hồ, cái phi trường này có bao lớn đâu. Đi giáp vòng nãy giờ ngắm ngó thiên hạ phát chán mà cũng chưa tới giờ nữa. Mệt thật!
Quỳnh dừng xe mỉm cười:
- Hồi nãy có chỗ ngồi uống nước thì mày nói chồn chân muốn đi lòng vòng, bây giờ lại than thở. Muốn gì đây?
Cô còn định nói thêm nhưng chợt ngưng bặt. Trước mặt Quỳnh, một cô gái bỗng bật khóc ngon lành, làm người thân xung quanh xúm lại an ủi. Người đàn bà trung niên đứng gần đó nhăn mặt quay qua một cậu thanh niên:
- Hồi sáng lúc mẹ dặn gọi tới nhắc người ta, con có gặp không?
- Có mà mẹ. - Cậu trai đáp nhỏ - Cô Út cũng gọi nữa mà.
Người đàn bà liếc nhìn cô gái đang khóc rồi lại hỏi cậu con trai:
- Con có nhắc giờ cô con bay không?
- Dạ có.
- Vậy “họ” nói sao?
- Dạ chú đó chỉ nói: “Cám ơn. Tôi biết rồi.” vậy thôi.
“Tôi biết rồi”, vậy là tới hay không tới? Người đàn bà bực dọc.
- Phải thuyết phục đủ cách mới có thể làm Như Sương xiêu lòng mà chịu ra đi trong chuyến này. Đã không níu kéo được con nhỏ ở lại thì thôi đi, nhỏ mọn đến độ không thèm đến tiễn chân nữa. Vậy mà chẳng hiểu Như Sương thích hắn ở điểm nào.
Cậu con trai lấm lét nhìn mẹ nhưng không dám lên tiếng. Cô gái vẫn thút thít khóc. Người đàn bà đến vỗ nhẹ lên vai cô em gái khuyên nhủ:
- Thôi cũng sắp đến giờ rồi, em vô trong với Quyền lo thủ tục đi Sương. Đừng khóc nữa.
Cô gái lắc đầu, giọng nói ướt sũng:
- Không, em còn phải đợi ảnh tới nữa.
Người đàn bà chép miệng:
- Tới cũng chỉ là tiễn nhau thôi, hắn không tới cũng có gì quan trọng đâu, kệ hắn đi. Em theo Quyền vô trong đi, coi chừng trễ đó.
Cô gái vẫn lắc đầu quầy quậy:
- Không, em phải đợi bằng được ảnh. Thế nào ảnh cũng tới tiễn em chứ.
Cô chợt ngẩng lên níu tay bà chị:
- Nếu ảnh không tới tiễn, có phải là không chịu hiểu em không chị Ba? Hay ảnh giận em? Ảnh tưởng em với Quyền là....thật?
- Không phải đâu. - Người đàn bà nén giọng vỗ về - Có gì mà giận, mình đã giải thích cho hắn rõ rồi mà. Em đi qua trước, đợi hai năm ly dị xong thì về bảo lãnh hắn qua luôn, đơn giản vậy chẳng lẽ không hiểu? Thôi em lau nước mắt đi, đừng để ý chuyện đó nhiều. Lo đi qua bển xong đã.
Cô gái lau nước mắt nhưng vẫn còn hoang mang:
- Nếu không giận sao ảnh không tới tiễn em?
- Thì....nó bận mà. - Người đàn bà chắt lưỡi – Em cũng biết nó có cả đống việc, đâu có rãnh rỗi nhiều. Hay em cứ vào trong đi, lo thủ tục xong rồi tính sau.
Cô gái vẫn lắc đầu. Ánh mắt thẩn thờ nhìn khắp nơi như mong ngóng. Người đàn bà thở dài. Quay lại ra dấu cho mấy đứa con trai, bà hạ giọng ra lệnh:
- Thằng Thịnh mở máy gọi nữa đi. Hỏi hắn có đến tiễn con Sương không thì làm ơn nói một tiếng. Chứ cái kiểu ỡm ờ này coi chừng con nhỏ lại trở chứng bỏ chuyến đi thì mệt lắm.
Thấy không khí hơi nặng nề, Thúy Hoa bấm Quỳnh len ra. Khi đã ở chỗ thong thả hơn, nhỏ chắt lưỡi:
- Con người ta thật kỳ lạ. Đau lòng thì đừng đi. Ra phi trường rồi cứ sướt mướt khổ sở vậy không biết.
Quỳnh hứ một cái:
- Mày nói lạ, không có vậy thì sao có cảnh ướt át cho tao với mày coi. Nhưng nói thật nhé, xung quanh đây cũng có nhiều người khóc, nhiều người buồn, nhưng chưa thấy ai bi thương như chị này. Ai dỗ cũng không chịu vô trong.
Thúy Hoa gật đầu rồi chợt cười nói:
- Ừ, ngộ hén mậy. Nãy giờ đi lòng vòng thấy hết bên đây khóc tới bên kia chùi nước mắt mà sao tao với mày có đau lòng gì đâu? Tao với mày cũng ra đây tiễn nhau mà, nhất là mày có tật mít ướt xưa nay, vậy mà mình còn có thì giờ đi lòng vòng ngắm thiên hạ, còn có thì giờ nói dóc, cãi nhau.....
Quỳnh phì cười:
- Bày đặt so sánh với người ta, tại mày xuất ngoại có thời hạn nên đâu có gì ầm ĩ. Mày thử nói với tao là mày xuất cảnh luôn coi tao có bù lu bù loa không. Chia tay không biết ngày gặp lại buồn lắm chứ bộ.
Thúy Hoa vẫn cãi lý hăng say:
- Nhưng buồn gì thì cũng vừa vừa chứ, tao mà đi luôn thì mày có ôm tao hôn hít khóc lóc như người ta không?
- Không nói trước được, nhưng chắc không thể bình thường như bây giờ.
- Không bình thường có nghĩa là nhặng xị theo kiểu đưa đám đó à?
Chụp lấy tay Quỳnh giằng co, Thúy Hoa cố ý mếu máo:
- Sao mày bỏ đi vậy? Đừng đi nghen. Ở lại đây đi, tao hứa với mày sẽ không khóc nhè nữa, không làm biếng nữa, không ngang như cua, cứng đầu như đá nữa.
Quỳnh phá ra cười sặc sụa. Trời đất, nhỏ Thúy Hoa chẳng học nghệ thuật biểu diễn ngày nào mà sao cũng có khiếu diễn bài quá xá. Cô vừa cười vừa lắc đầu chịu thua:
- Mày đừng quá đáng đi. Tao vái trời mai mốt mày quen với một anh chàng. Hắn ta đi đâu xa, mày cũng sẽ giằng co không nỡ dứt y chang như vậy, cho mày nhớ đến cái ngày này mày giễu người ta.
Đổi tay đẩy xe hành lý phụ bạn, Thúy Hoa nhún vai:
- Ê, tao đâu có mít ướt như vậy. Mà cho dù tao có bạn trai, thì cũng lựa đàng hoàng, không bao giờ phải tốn khăn giấy ở sân bay, sân ga đâu. Hứa chắc với mày như thế.
Quỳnh lườm bạn:
- Đừng nói trước ngon lành như vậy nhỏ ơi.
- Thì đợi đó rồi coi. – Thúy Hoa vênh mặt.
Đi được một quãng, ngắm ngó thiên hạ chán, Thúy Hoa quay lại:
- Cái chị khi nãy đẹp quá hả mày? Khóc mếu mà cũng thấy đẹp nữa.
Quỳnh gật đầu đồng tình:
- Ừ, giọng Huế nghe cũng ngọt ghê.
- Mày đoán coi chị đó đợi ai tới tiễn?
Quỳnh cười:
- Tật nhiên là người yêu rồi.
- Sao mày biết?
Quỳnh khẳng định:
- Chỉ có đợi bồ mới trông ngóng khổ như vậy thôi.
Thúy Hoa chợt cười khì làm Quỳnh tò mò quay lại nhìn:
- Làm gì cười khan vậy?
Thúy Hoa nhăn nhó:
- Nhớ tới cái bữa mày dẫn tao tới xưởng dạy vẽ của thầy An chơi, bữa đó ổng bắt mày mặc áo dài xưa đứng nhìn xa xa, diễn tả mặt mũi u buồn trông ngóng y như vầy nè, mày diễn tả hoài không được bị ổng la quá trời.
Quỳnh đỏ mặt lườm bạn:
- Dẫn mày đi tham quan một bữa, nhằm ngày bị tổ trác thầy la, vậy mà nhớ đến bây giờ. Biết vậy lúc đó mày có năn nỉ ỉ ôi tao cũng hổng thèm dẫn theo.
Thúy Hoa toét miệng:
- Ậy! Nói vậy thôi chứ sức mấy dám hổng dẫn tao theo. Có tao kiểm tra sơ qua thì chị Hương mới hết cản mày làm mẫu ở mấy cái xưởng vẽ đó chứ bộ. Nếu không mày còn bị ngồi nhà kết kim sa lên áo dài dài.
Quỳnh lắc đầu thở ra:
- Ừ, chị Hương nhiều lúc ngộ thật đó.
- Tại chỉ lo cho mày.
- Tao biết, nhưng lo mà không chịu tới tận nơi tìm hiểu, nghe gì lạ tai là cứ cản bừa. Tao đi làm chỗ nào cũng đàng hoàng mà, làm mẫu xưởng vẽ an toàn còn hơn ôm giỏ hoa đi bán rong như hồi xưa chứ bộ, vậy mà chỉ cứ lo.
Thúy Hoa cười:
- Chị Hương bận như vậy, thời gian đâu tìm hiểu mấy công việc vặt vãnh nhăng nhí của mày. Bởi vậy việc nào là lạ là gạt đi cho dễ tính thôi.
Cô chắt lưỡi nói thêm:
- Mày đừng cho là phiền phức, có người lo cho mình là tốt rồi. Dù là lo vô lý, lo tầm ruồng thôi nhưng có còn hơn không. Mày còn có bà chị họ, tao còn có anh Hai, tuy ở tuốt bên Úc nhưng cũng đỡ tủi thân một chút.
Quỳnh nhìn sang bạn rồi khẽ gật đầu đồng tình.
Tuy cô chưa hẳn mồ côi cả cha lẫn mẹ như Thúy Hoa, nhưng xem ra có khác gì đâu. Chị Hương khi thì lại bận bịu bỏ mặc đứa em họ cả mấy tháng liền, khi thì quan tâm kiểu cổ hủ nhưng vậy cũng đâu có sao. Thúy Hoa nói đúng, chị là chị họ, đâu thể đòi hỏi chị cưng chìu lo lắng cho cô tỉ mỉ như bà nội khi xưa được.
Thúy Hoa thấy Quỳnh trầm ngâm, biết là nhỏ đang nghĩ đến chuyện cũ. Không muốn đứa bạn vốn tự ti lại nghĩ ngợi đến người cha ruột để ủ rũ thêm, cô đánh trống lãng:
- Mỏi chân rồi Quỳnh, vô trong ngồi chút đi.
Quỳnh nhìn cánh cửa kính nhà hàng nhỏ mà ngạc nhiên:
- Lại đòi vô đó à?
Thúy Hoa gật đại:
- Ừ, tao khát quá, vô uống chút nước cũng được, nhân tiện ăn thêm chút gì.
Quỳnh hơi tần ngần nhưng thấy bạn đẩy cửa, cô cũng đẩy xe hành lý vào trong. Ngồi ghế đối diện, Thúy Hoa gọi nước và đĩa bánh pateso, Quỳnh tròn mắt:
- Gọi dữ vậy? Sáng nay mày ăn phở rồi mà? Đã vậy hồi nãy còn ngốn hết mấy bịch bánh snack sô cô la đó nữa.
Thúy Hoa khoát tay cười:
- Đi mấy vòng ngoài kia nó biến mất tiêu rồi. Cho tao ăn thêm nữa đi, lỡ mập rồi sợ cái gì.
Ly cà phê đá của Quỳnh và ly sữa tươi của Thúy Hoa đã được mang ra, nhưng dĩa bánh pateso được cô nàng chiếu cố trước tiên. Cắn trước một cái ngon lành, Thúy Hoa hất hàm hỏi cô:
- Ăn không? Còn nóng hổi đó?
Quỳnh lắc đầu cười. Cô liếc nhìn đồng hồ tay. Chị Hương quả là quái lạ, bắt bạn cô ra phi trường sớm hơn giờ bay đến hai tiếng đồng hồ. Thời giờ dư chẳng biết làm gì cho hết, chỉ tổ làm Thúy Hoa buồn miệng ăn mãi và làm cô rước thêm chứng bồn chồn vì cứ phải chứng kiến những cảnh chia tay, những giọt nước mắt tiễn đưa.
Xưa nay hay bị Thúy Hoa và chị Hương trêu chọc cái tính ngang bướng nhưng lại dễ mít ướt, nãy giờ Quỳnh đã phải nén lòng mình mấy phen rồi.
Cô cũng chẳng hiểu tại sao chỉ cần nhìn thấy người ta sụt sùi, cô lại muốn rưng rưng, thấy người ta mếu máo, cô lại nghẹt thở, chỉ muốn chạy ù vào góc nào đó khóc hu hu dùm thiên hạ.
Quỳnh lắc đầu nhè nhẹ. Đúng là nội bảo không sai, cô có tật thương vay khóc mướn. Từ lúc oắt con ở quê đã vậy, giờ sống ở thành phố va chạm, hiểu chuyện cũng kha khá rồi, nhưng cái tính dễ khóc, dễ mủi lòng này cũng không hết được.
Tật này hợp với cái ngiệp mà cô cứ khăng khăng theo học không nhỉ? Chống tay lên cằm, Quỳnh lãng đãng nghĩ ngơi.
Cô biết nghề nghiệp cô muốn theo đuổi là một nghề hơi viễn vông và không chắc chắn, nhưng đó là mơ ước từ lâu của cô. Hồi nội còn sống, cô không dám thú thật, đến khi theo chị Hương lên thành phố, cô mới quyết chí vừa làm việc lặt vặt kiếm sống, vừa cố công để học cho bằng được cái nghiệp mà theo người khác là phù phiếm viển vông, còn với cô là tuyệt diệu ấy.
- Ê! Quỳnh.
Tiếng gọi nhỏ và cái lay vai thật mạnh của Thúy Hoa làm Quỳnh giật mình sực tỉnh. Chưa kịp hỏi, Thúy Hoa đã suỵt và chỉ tay ra dấu sau lưng. Cô nhìn theo hướng tay của bạn mà chẳng hiểu gì.
- Gì vậy? – Cô hỏi.
Thúy Hoa chồm người qua nói thì thào:
- Ngu quá, không nhìn ra à? Cái gã ngồi sau lưng tao nè. Áo sơ mi trắng bị mày in lên nguyên bệt sô cô la đó, nhớ không?
Quỳnh ngớ người:
- Ủa, vậy à? Nhưng....vậy thì sao?
Thúy Hoa nhăn mặt:
- Còn sao nữa, nghe đi.
Quỳnh ngạc nhiên nhìn đứa bạn ngồi thẳng người lên, dựa hẳn vào ghế và bộ dạng như đang lắng tai nghe gì đó.
Người đàn ông ở bàn đằng sau Thúy Hoa ngồi đưa lưng lại, anh ta đang nói chuyện qua điện thoại cầm tay.
Quỳnh đã hiểu một chút, cô khẽ lắc đầu cười. Hết biết! Người ta nói chuyện điện thoại mà cũng nghe lén, nhỏ Thúy Hoa này thật ngộ chưa. Không để ý đến bạn nữa, cô nhấm nháp ly cà phê của mình.
Được một lúc, người đàn ông cúp máy điện thoại, Thúy Hoa cũng nháy mắt kéo Quỳnh ra ngoài:
- Có chuyện gì vậy? – Ra ngoài dược sảnh, Quỳnh không nén được phải thốt lên.
- Chuyện hay lắm. – Thúy Hoa hí hửng ra vẻ bí mật.
Đến một góc cột, cô nàng quay qua Quỳnh cười hì hì:
- Đố mày biết cái gã số xui bị mày in nguyên bệt sô cô la lên áo đó là ai?
- Là ai? Tài tử à? – Quỳnh hỏi cho có.
- Tài tử con khỉ. Là bồ của cái chị đẹp đẹp khóc rũ đằng kia đó.
Quỳnh ngạc nhiên nhìn bạn. Thúy Hoa gật đầu khẳng định:
- Không xạo đâu.
- Sao mày biết?
- Tao nghe rõ ràng. Mấy người đằng đó điện thoại cho anh ta mấy lần luôn, biết anh ta nói sao không? “Xin lỗi, tôi rất bận có lẽ không đến tiễn được. Nhờ chuyển lời chúc Sương đi vui vẻ”. Giọng lạnh lùng dửng dưng ghê lắm.
- Vậy.....thì sao?
Thúy Hoa trợn mắt:
- Trời, mày còn nói vậy thì sao? Thấy kỳ ghê không, đã tới đây rồi không ló mặt ra tiễn người ta cho rồi, còn chui vô chỗ này ngồi trốn, làm ở ngoài chị đó ngóng như Hòn Vọng Phu vậy. Hắn vô tình ghê.
Quỳnh bật cười lúc lắc đầu:
- Mày điên quá. Tự dưng nghe lóm điện thoại người ta, nghe câu được câu mất lõm bõm như vậy mà cũng gán chuyện này qua chuyện kia hay thật. Mày có đầu óc tưởng tượng phong phú quá.
Thúy Hoa lỏ mắt:
- Không tin à? Là hắn thật mà. Nghe điện thoại là đoán ra rồi. Chị kia tên Sương, hồi nãy trong điện thoại hắn cũng nhắc tên đó nữa.
Quỳnh phẩy tay:
- Thôi cứ cho là vậy đi. Vậy thì sao? Có dính dáng gì đến mình đâu? Tự dưng dỏng tai nghe chuyện người ta. Đang ngồi nghỉ, chưa uống hết lý nước, mày đã lôi tao ra đây.
Bị cho là nhiều chuyện, Thúy Hoa quay qua háy Quỳnh:
- Sao không lôi mày ra được, không chừng tại mày làm dơ áo, nên anh ta mắc cỡ không dám tới chia tay với bồ luôn. Nhìn thấy mày rủi hắn sùng lên thì sao? Mày là thủ phạm chia cắt người ta mà. Ác quá xá!
Quỳnh nhịn cười nạt đùa:
- Lại nói nhăng, áo dơ chút thôi mắc gì tới tao. Đừng nhiều chuyện nữa. Cũng sắp đến giờ bay rồi, uống thuốc say sóng đi. Đừng để lên máy bay rồi mới nhớ.
Thúy Hoa xua tay hì hì:
- Khỏi! Nói để mày nể, tao không uống thuốc say sóng gì hết.
- Không uống? Tại sao? - Quỳnh sửng sốt.
- Thì không uống là không uống, không tại sao tại trăng gì hết.
Quỳnh ngạc nhiên:
- Nhưng....mày không có sợ ói à? Xưa nay mày đi xe một chút là khó chịu ói tùm lum. Bây giờ không phải xe đâu, là máy bay đó, không sợ sao?
Thúy Hoa vẫn cười hì hì:
- Không sợ. Trên máy bay có mấy bọc giấy để dành ói mà. Nếu có lỡ làm xấu cũng không sao. Đánh dấu kỷ niệm của lần đầu đi máy bay.
Quỳnh thở ra ngán ngẩm:
- Lại cà tửng rồi. Kỷ niệm khỉ gì. Ói mật xanh mật vàng rồi nằm một đống như kỳ đi Vũng Tàu cho mày hết kỷ niệm. Thôi, uống thuốc đi cho chắc ăn nhỏ ơi.
Cúi xuống cái va ly nhẹ tênh của bạn, cô sốt sắng:
- Thuốc để đâu, tao lấy cho. Uống trước nửa tiếng là được rồi.
Cản tay bạn, Thúy Hoa phụng mặt:
- Đã nói tao không uống thuốc rồi mà, uống vào là nằm ngủ một đống, làm sao ngắm cảnh vật bên ngoài được. Người ta lần đầu đi máy bay mà mày không cho ngắm cảnh sao?
Quỳnh vỡ lẽ, cô ngẩng lên:
- À, thì ra là muốn ngắm cảnh nên không dám uống thuốc.
Cô ngẫm nghĩ rồi hắng giọng dặn dò:
- Không uống thuốc cũng được, nhưng mày phải thoải mái, đừng hồi hộp, có như vậy thì mới không sợ làm xấu trên đó.
Thúy Hoa gật đầu:
- Nhớ rồi, tao không uống thuốc, nhưng cũng có biện pháp đề phòng rồi, mày đừng lo.
Quỳnh ngạc nhiên:
- Biện pháp đề phòng gì?
Choàng tay qua vai bạn, Thúy Hoa khịt mũi bật mí:
- Tao đã tham khảo ý kiến của chị Hương rồi, chị chỉ cách chữa mẹo hay lắm.
- Chữa mẹo là sao? – Quỳnh thắc mắc.
Thúy Hoa nháy mắt:
- Chỉ nói lấy Salonpass dán vào rún sẽ không ói. Tao đã dán rồi. Dán chồng hai miếng luôn, cho chắc ăn.
- Vậy cũng được sao? – Quỳnh tròn mắt – Rún dính dáng gì tới ói đâu?
- Đã nói là chữa mẹo mà. Còn nữa, bác Sáu võ sư có chỉ cho tao chiêu khác nữa. Chừng nào khó chịu muốn ói thì cứ đưa ngón tay bấm lên cái huyệt ở Nhân trung mà day mạnh như vậy nè. Như vậy là hết khó chịu liền.
Vừa nói, Thúy Hoa vừa đưa ngón tay lên phía trên môi để diễn tả. Quỳnh nhìn bạn nghi ngờ:
- Phải vậy không? Có công hiệu không đó?
Thúy Hoa nhún vai:
- Chẳng biết. Để tao qua Úc rồi điện thoại về cho mày nghe là công hiệu hay không.
Cô nháy mắt nói tiếp:
- Nếu những phương cách thần kỳ kia mà không công hiệu thì tao không gọi điện, nhưng sẽ gởi kèm về cho mày cái bịch....kỷ niệm trên máy bay. Nhận cái bịch đó là mày hiểu liền chứ gì, khỏi thuyết minh.
Quỳnh cười sặc sụa với câu đùa thẳng đuột và nham nhở đến bắt....gớm của bạn.
Thúy Hoa là vậy đó, xuất ngoại lần đầu mà làm như chuyện giỡn chơi không bằng. Nhưng có lẽ nhỏ bạn cô sẽ không sao đâu vì nãy giờ cô trông nó cũng bình tĩnh lắm. Cứ như chuyến đi Úc của nó là đi nghỉ mát Đà Lạt vậy.
Cười chán, Quỳnh làu bàu:
- Tao với mày cùng trọ chung nhà mà chị Hà, bác Sáu, anh Hùng, chị Xuân....ai mày cũng thân, làm tao giống như bị ra rìa.
Thúy Hoa bĩu môi:
- Cà nanh hả con quỷ, tại tao suốt ngày ở nhà, mày thì ôm đồm đủ thứ công việc, việc nào cũng táp nham, đi suốt ngày thì làm sao có thời gian rảnh rỗi tán gẫu với người quen nữa chứ.
Cô bỗng hắng giọng:
- À, nhân đây cũng nên lên lớp với mày ít nhất một lần mới được.
Vẻ trịnh trọng của Thúy Hoa làm Quỳnh phì cười, cô khum bàn tay che vành tai trêu bạn:
- Vậy sao, đến phiên mày rồi à? Vậy thì xin nghiêng tai lắng nghe chị Hai lên lớp để “học hửi”.
Thúy Hoa trợn mắt:
- Không giỡn đâu, nói thật nhé, tao nghĩ mày đừng có xoay tùm lum việc nữa. Ai khen mày giỏi, chứ tao thấy không hay.
Quỳnh chắt lưỡi. lại nữa rồi, mấy câu giáo đầu này nghe quen quá xá. Thúy Hoa vẫn thao thao:
- Đành rằng cái nghề khỉ gì mày cũng làm được. Nhưng ông bà mình xưa có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Một nghề mà làm cho hay, cho giỏi là đủ sống, đủ làm giàu rồi. Mày ôm nhiều việc mà chả cái nào ra cái nào.
Quỳnh lúng búng cãi:
- Thì tao cũng muốn làm cho ngon lành một nghề chứ bộ, nhưng khổ nỗi nghề chính thì chưa có cơ hội. Mày cũng biết tao chỉ mới xong khoá học có mấy tháng, việc chưa có, tiền túi hết thì xoay việc mà làm thôi. Gì cũng chụp làm đại mới có tiền tiêu. Lấy ngắn nuôi dài mà.
Thúy Hoa véo nhẹ gò má cô:
- Thôi được rồi, đừng bí xị nữa. Mày bí xị thảm quá. “Lấy ngắn nuôi dài” phải không? Nhưng nói thật, nghề chính đó của mày cũng phiêu lưu quá chừng.
Quỳnh lập tức nghinh mặt:
- Câu này tao nghe nhiều người nói rồi. Tao không bỏ cuộc đâu. Mày cũng học nghề ổn định, nhưng có ổn nổi không? Tại số lông bông thì lông bông thôi.
Thúy Hoa phì cười, rồi nghĩ sao lại hắng giọng như tự an ủi:
- Ê, nhớ đầu năm tụi mình dẫn nhau đi coi thầy bói không? Bà thầy có nói năm nay cả hai đứa đều có cơ hội thay đổi mà vươn lên.
Quỳnh bật cười. Cô thì chả nhớ gì, nhưng Thúy Hoa vốn mê tín nên nhớ rất rõ. Cô đùa:
- Giờ linh ứng một nửa rồi, phải không? Mày thì được đi Tây.
- Đi Tây? – Thúy Hoa bĩu môi – Nói nghe sang quá. Đi làm thuê thì có.
Cô khoa tay một cách hùng hồn:
- Nhưng kệ! Cho dù làm thuê chẳng vinh quang gì, nhưng chuyện ngồi bàn máy may thì tao thâm niên trong nghề rồi, nhất định sau sáu tháng sẽ để dành kha khá. Còn mày, thế nào cũng có cơ hội tốt như tao thôi. Không chừng mày sẽ hiểu ra, sẽ bỏ cái mộng nổi tiếng mà học lấy một nghề ổn định hơn.
Thấy Thúy Hoa đang lạc quan, Quỳnh cũng gật đầu để bạn yên lòng:
- Chắc là vậy.
Loa phóng thanh lại léo nhéo, hai cô gái căng tai ra nghe. Tiếng thông báo trên loa vừa dứt, Quỳnh khều bạn:
- Hiểu gì không?
- Chả hiểu cóc gì? – Thúy Hoa đáp gọn.
Quỳnh phì cười:
- Đã nói mấy tháng trước là nghe thêm băng casette để luyện tập mà mày cứ làm biếng không chịu, làm sao qua đó nghe hiểu được người ta nói gì.
Thúy Hoa phớt lờ:
- Tao chỉ qua làm việc kiếm tiền thôi. Công xưởng của anh tao bên đó cũng toàn người Việt, mà tao chắc cũng có thời gian đi rong ở ngoài, cần gì luyện tiếng Anh làm chi cho cực.
- Vậy mày không tính đến những lúc dạo phố hay đi tham quan sao?
Thúy Hoa nhún vai:
- Qua bển tao như con mán rồi, có đi đâu thì chắc anh Hai tao cho người theo hướng dẫn, vậy cũng đâu cần học tiếng.
Vỗ vai bạn, Quỳnh chép miệng:
- Phải rồi, vô tư chính là biệt danh của mày. Nhưng nói thật nhé, bên đó xứ lạ, anh Hưng là anh ruột mày thật, nhưng dù gì ảnh cũng có gia đình, và lại làm cho gia đình bên vợ, mày nhớ khéo léo đừng để ảnh mệt vì khó xử.
Thúy Hoa gật đầu liên tục:
- Biết rồi, biết mà. Tới phiên mày làm chị Hai rồi. Ở nhà mày cũng đã dặn tao câu này mấy lần. Yên tâm đi, tao vô tâm và phổi bò nhưng không phải là quá huyệch hoạc.
Vỗ mạnh lên chiếc valy, cô hắng giọng hùng dũng:
- Tao sẽ không làm ông anh với bà chị dâu phiền hà vì đã bảo lãnh tao qua đó làm đâu. Bảo đảm tao sẽ cố làm việc cho đàng hoàng, kiếm mớ tiền cho ngon lành. Khi về sẽ đãi mày với chị Hương, anh Hùng ăn nhà hàng lớn.
Quỳnh cưòi lắc đầu:
- Không dám ạ. Bảng điện tử trên kia hình như đang mấp máy chuyến bay của mày phải không? Làm ơn nhìn coi.
Nhìn bảng theo tay chỉ của Quỳnh, Thúy Hoa giật mình:
- Ý, đến giờ thật rồi à.
Cô quay qua bạn. Đột nhiên chẳng ai lên tiếng nói tiếp. Hai cô gái đứng im nhìn nhau thật lâu rồi cuối cùng cả hai đều bật cười. Tiếng cười hết còn trong trẻo như khi nãy mà đục đục như vướng mắc những ưu tư.
- Thôi vào trong đi. Nhớ giữ gìn sức khoẻ đó. – Quỳnh vuốt nhẹ má bạn.
Thúy Hoa cảm động gật đầu:
- Mày cũng vậy. Nhớ viết thư cho tao. Nhất là mỗi lần có tham gia tiết mục gì lạ hoặc có quen bạn bè mới, tao hy vọng ngày tao về mày sẽ nổi tiếng và thành công như ý muốn.
Quỳnh nhoẻn cười:
- Cám ơn mày. Tao thì chúc mày vui vẻ.
Ôm lấy bạn. Thúy Hoa ngần ngừ rồi thì thầm:
- Nhớ giữ mình nhé Quỳnh. Nghề của mày hơi phiêu lưu đó, không có bao bên cạnh nhớ đừng có nhẹ dạ, mày có tật khích lên thì hay bốc đồng không thèm nghĩ suy, dễ bị dụ lắm. Chị Hương bận bịu hoài, không lo lắng hết được.
Quỳnh cười. Cái tật lo chuyện xa vời này của Thúy Hoa làm cô cảm động. Nhưng cũng nhờ có Thúy Hoa bên cạnh, nên mấy năm sống ở đây, cô vẫn còn giữ được tính hồn nhiên, chứ không sớm đau khổ, u sẩu như các cô gái nhẹ dạ khác.
- Mày cũng vậy, để ý giữ mình đó. – Cô dặn dò lại bạn – Bên đó cũng phức tạp.
Thúy Hoa gật nhẹ:
- Tao biết. Chỉ qua làm thuê xứ người ta có sáu tháng, khi về tao không đến nỗi Tây hoá đâu, mày đừng lo.
Quỳnh cười dù nước mắt đã muốn hoen mi.
Lại một lần nữa tiếng thông báo trên loa như nhắc nhở. Thúy Hoa hắng giọng nói một tràng:
- Thôi tao vô đây, đừng mít ướt, về đi nhé, đừng có trông theo làm gì. Sáu tháng tao về, nhanh lắm. Dọn sẵn bao tử, chờ tao về nhất định dẫn mày ăn nhà hàng lớn.
Quỳnh chỉ còn biết cười gượng và gật gật trước câu đùa của bạn. Cả hai đứa đều xúc động và không muốn rời nhau, nhưng chia tay chỉ có sáu tháng thôi, đâu ai “dở” đến mít ướt chứ. Vả lại mới cười nhạo người ta, đến phiên mình đâu thể tuồng cũ diễn lại.
Nén lại cảm xúc, cả hai ôm nhau và nhìn nhau lần nữa. Nhìn thôi, nhưng cũng hiểu ý nhau rồi. Thúy Hoa gom nhẹ hai valy, chia tay bạn, cô đi ngay qua khuôn cửa để vào trong.
Còn lại một mình. Quỳnh đứng vẩn vơ nhìn theo. Nhỏ bạn thân cười tươi như hoa quay lại khoát tay ra hiệu cho cô ra về. Quỳnh cố mỉm cười, cô đợi đứa bạn khuất hẳn sau đám hành khách rồi mới lững thững quay trở ra.
Những người đưa đón nhau vẫn còn đầy trong sảnh, cô len qua đám đông và tiếng ồn ào, mà lãng đãng nghĩ về đứa bạn cũng cùng cảnh ngộ như mình.
Sáu tháng, sáu tháng qua quá lâu, nhưng với tình bạn thân từ thuở còn ở dưới quê và mấy năm trọ chung một nhà, cô vẫn cảm thấy như thiếu hụt, mất cái gì đó.
Sáu tháng. Hy vọng nhỏ Thúy Hoa vượt qua được sáu tháng, tiếng là đi du lịch nhưng thực chất là qua làm thuê cho anh chị.
Quỳnh vẫn biết Thúy Hoa có sức khoẻ, nhưng cô cứ e ngại dùm bạn. Ở xứ người cường độ làm việc hẳn là cao hơn bên nhà mình rồi. Kiếm được tiền để dành chắc cũng cực thân lắm chứ chả chơi. Cô chắt lưỡi. Mong sao nhỏ luôn giữ được nụ cười vô tư và vui vẻ ấy.
Mãi suy nghĩ, Quỳnh đã ra khỏi sảnh đợi. Bất chợt một tiếng xe thắng gấp làm cô giật mình quay nhìn.
Dưới lòng đường, hai cô gái trẻ mặt tái xanh luống cuống kéo nhau chạy trở lên lề. Chiếc Phord trắng lướt đi tiếp.
Người ngồi sau tay lái Quỳnh thoáng nhìn cũng nhận ra được đó là người đàn ông xui xẻo bị vết dơ trên áo khi nãy. Sau giây phút hú hồn như vậy mà anh ta vẫn giữ nguyên gương mặt dửng dưng, điềm tĩnh, chẳng thèm để ý đến lời xin lỗi của người nhà các cô.
Quỳnh chợt nhớ đến lời nhận xét vừa rồi của đứa bạn thân. Cô khẽ lắc đầu. Không biết suy đoán của Thúy Hoa có đúng không. Mặt anh ta giống người máy ghê, khô khan, lãnh đạm. Hèn chi cô gái kia cũng tủi thân khóc dữ.
Tình cảm trai gái là thế sao? Đến rồi lại đi, hời hợt quá chừng. Quỳnh nghĩ bụng.
Tiếng bíp bíp của máy nhắn vang lên làm Quỳnh sực tỉnh, cô lục chiếc ba lô vải jean bạc phết của mình và lôi máy ra.
“Quỳnh đến thầy An gấp, có việc”. Chà, mẩu tin nhắn quen thuộc. Lại có việc rồi đây. Một trong những việc mà như Thúy Hoa nói, việc táp nham. Nhưng mặc kệ, táp nham thì táp nham, có thể bỏ công sức để kiếm tiền thì cũng cứ nhận làm chứ.
Cất máy nhắn và quàng ba lô lên vai, Quỳnh ngó trước ngó sau cẩn thận vì sợ kém may mắn hơn hai cô gái trẻ khi nãy, cô bước qua đường.