Nguyệt có khách.
Một vị khách không mời.
Có thể nói không quen biết. Và khó xử nhất là không hề muốn gặp gỡ.
Khách là một phụ nữ cỡ tuổi Nguyệt, có thể lớn hơn chút ít. Lần biết nhau đầu tiên mới đây (hôm nay là lần thứ hai), Nguyệt gọi bằng chị. Vì chị ta đi chung với Minh. Mà Nguyệt gọi Minh là anh. Ði đâu Minh cũng giới thiệu đã nhận Nguyệt là em tinh thần. Một đứa em nhỏ theo cả hai nghĩa. Nhỏ tuổi hơn, nhỏ xác hơn. Có dịp chở Nguyệt đằng sau chiếc xe cũ mèm ọc ạch, Minh lại nói "Coi như không chở gì hết. Nhẹ tênh nhẹ bổng".
Cái lần khách và Nguyệt biết nhau ấy, Minh ngồi đối diện với chị ta ở một bàn riêng trên dãy bàn ghép. Có tất cả ba người phụ nữ, nhưng Minh chỉ lau kỹ đũa muỗng cho một người, còn khẽ khàng hỏi có nêm thêm chanh ớt tương cà gì không. Minh gọi phở gà cho cả hai, còn dặn đi dặn lại "Nhớ lấy nước trong cho cô này".?n xong, chị ta tráng ly rót nước cho Minh, rứt giấy trong ống, xếp lại gọn gàng, đưa tận tay để Minh lau mồ hôi đang lấm tấm trên mặt mũi. Những cử chỉ chăm sóc lẫn nhau đó đủ cho biết, họ có mối liên hệ đặc biệt thân thiết, trên mức bạn bè đồng nghiệp.
Cái lần gặp nhau ấy, có thể coi như gặp người qua đường, hoặc chung một chuyến xe, cùng một ô cửa nộp đơn gì đấy, kể như không phải người quen. Không hiểu chị ta đến đây làm gì.
Khách vừa "Chào Nguyệt" xong đã nói ngay:
− Tôi đến để xin lỗi Nguyệt.
Bất ngờ như mười mấy năm trước, cũng câu nói giống y như vậy, chỉ khác ở cách xưng hô, cũng từ miệng một người đàn bà chị gặp gỡ trong vòng xã giao một vài lần. Kẻ đó cũng tự đến tìm Nguyệt, đã khóc trước. Rồi Nguyệt khóc sau. Còn bây giờ, người khách này đang sẵn sàng cười. Khuôn mặt tươi tỉnh, ánh mắt trong sáng. Hoặc cố làm ra vẻ như thế. Nguyệt nghĩ, cứ cảnh giác thì hơn. Cảnh giác không bao giờ thừa.
Chủ khách vẫn đứng ngoài sân. Mảnh sân lớn hơn chiếc chiếu trải giường đôi. Một chậu hoa bông phấn chỉ nở vào lúc hoàng hôn, một chậu mai tứ quí lác đác hột đen đỏ, một chậu nguyệt quế đang kỳ trổ bông trắng xóa, thêm chiếc xe và hai người đứng là vừa chật. Nguyệt lịch sự mời khách vào nhà. Nhưng chị ta xin ngồi xích đu kê dưới cửa sổ "Cho mát, lại vừa có hương thơm nữa". Nguyệt chắc lưỡi khó chịu khi vào trong nhà xách ra một cái ghế thấp. Rồi Nguyệt đặt ghế ngay cửa lớn, ngồi như thủ thế, chờ nghe khách mở lời.
Khách ghìm chân giữ cho xích đu không đung đưa, nói giọng thân tình:
− Hoan có vô tình cho tôi biết đôi điều về Nguyệt.
Vô tình nghe được mà mò tới đây. Chị ta muốn gì không hiểu. Nguyệt nói nối tiếp câu chuyện mà trong đầu cuồn cuộn thắc mắc:
− Hoan là tổ trưởng của... em.
− Hoan là bạn học cũ của tôi. Ngày họp mặt lớp vừa rồi, Hoan khoe hình chụp hôm nhận bằng thạc sĩ. Tôi nhận ra Nguyệt. Tôi đã hỏi.
Nguyệt phải kềm một cái đập tay đắc ý. Mình đoán đúng. Chị ta có chú ý mình. Hôm đó bà Hằng cứ cãi, rằng Minh với chị ta không có gì. Không có gì mà ăn xong, họ cáo lỗi, bảo phải đi nhà sách, không về cùng mọi người. Rõ ràng hôm đó, người này có để ý, vì Minh xưng hô anh em ngọt xớt với mình, mà xưng tôi với chị ta.
Khách nói giọng kể lể, cứ như chị ta là nhân vật chính chứ không phải Nguyệt.
− Nguyệt đã một mình nuôi con mười mấy năm nay. Nguyệt không có xe gắn máy. Nguyệt còn cha mẹ già, mà việc làm thì...
Nguyệt ngó con bướm lăng xăng trong mấy chậu cây, suy nghĩ. Mình nên xử sự thế nào cho đáng với người đàn bà kỳ cục này.
Vùng dậy, có thể ghế sẽ đổ phía sau, và hét "Chị nói gì vậy? Ai xúi chị tới nhà tôi, xía vào đời tư của tôi?"
Hay ngồi yên, chờ nghe cho hết rồi nhẹ nhàng mà giận dữ mời mụ ta cút xéo.
Người khách nhìn Nguyệt. Mặt Nguyệt có nhăn không? Chị ta bỏ ngang câu nói dang dở, lái sang chuyện khác.
− Hôm đó, tôi có lén nghe chuyện riêng của Nguyệt, dù tiếng được tiếng mất. Tôi kê ghế nằm gần cửa, mà Nguyệt thì nói có lúc hơi lớn tiếng, nên...
Vậy ra hôm đó chị ta không đi chơi riêng với Minh. Trời nắng quá nên họ quay về nằm phòng lạnh cho mát. Mà cũng có thể vì họ giận nhau. Không đi với nhau thì ngồi trao đổi tâm tình ngoài hành lang vắng vẻ cũng được. Ðằng này họ lại chia tay, Minh vô phòng nam, còn chị ta nhón chân đẩy cửa vào phòng nữ lúc Nguyệt đang kể với Hằng về Luân, về sự tàn tệ của Luân mười mấy năm trước. Cũng tại Hằng vừa ngáp vừa nói "Mới gặp Luân hôm kia, ở ngã tư đèn đỏ nhà tao. Nó chở hai đứa con mập ú".
Cũng tại hôm đó, ở bàn ăn, Nguyệt cố tình nhờ Minh chở về dùm. Minh thản nhiên hỏi, sáng mai có cần chở tiếp không. Rồi giải thích với người phụ nữ ngồi trước mặt đang khẽ nhíu đôi lông mày tỉa tót gọn ghẽ. "Làm anh phải chở em chứ". Có thể chị ta đã tra hỏi này nọ, thắc mắc ghen tuông đứa em gái tinh thần bỗng dưng lù lù xuất hiện, chẳng thèm báo trước. Lại còn hẹn hò chở nhau đi về công khai ngay trước mũi chị ta.
Phát tức rồi nổi sùng cũng đúng thôi. Nếu họ không giận hờn nhau, chị ta vô phòng làm gì.
− Tôi đã nghe và tôi đã kể lại với Minh.
Nguyệt rủa thầm "Ðồ tồi".
− Khi kể, tôi đã cười cợt vì cái chi tiết Nguyệt xé làm đôi tất cả các tấm hình chụp đám cưới. Nguyệt chỉ giữ mảnh nào có Nguyệt. Còn nửa bên kia gói lại, gửi trả cho... Xin lỗi. Tôi không biết gọi thế nào...
Nguyệt nói nhỏ, lười nhác.
− Chị muốn gọi sao cũng được. Chuyện đó không quan trọng, không còn làm phiền tôi được nữa.
Hơn mười năm về trước, Nguyệt đã nói câu này với cô gái nọ. Gọi là cô gái vì nét mặt còn quá trẻ. Chứ lúc ấy, cô ta đã mặc áo bầu, đi dép xẹp, mười ngón tay phồng lên mập ú như bơm silicon. Cô vợ nhỏ khóc sụt sịt suốt buổi nói chuyện ngắn ngủi, xin lỗi luôn miệng. Quanh đi quanh lại vẫn là những câu hối tiếc như "Em lỡ...". Những lời phân bua "Em không biết...". Những tiếng trách móc, đổ thừa người đàn ông trăng hoa, bội bạc. Những giọng khẩn cầu "Hãy thương mẹ con em". Tất cả nhằm để kêu gọi cái ưu điểm đáng tự hào, đồng thời cũng là khuyết điểm chết người của phụ nữ: luôn nhẹ dạ cả tin, mủi lòng, với bất kỳ chuyện gì to tát, chuyện nhỏ xíu, chuyện vừa vừa.
Mười mấy năm trước, Nguyệt chỉ khóc vì thương cảm cho hoàn cảnh người đàn bà đã vô tình cướp giựt chồng mình. Nguyệt không kịp khóc thương thân. Chuyện xảy đến bất ngờ đến nỗi không kịp đau khổ. Nguyệt chỉ choáng váng như buổi sáng ngủ dậy, mở mắt thấy cửa lớn cửa bé nhà mình mở toang, đồ đạc mất hết. Rồi bàng hoàng tự hỏi đi hỏi lại mãi rằng, tại sao đêm qua mình không hề nghe tiếng động nào, mình ngủ mê quá, hay bị xông thuốc mê. Vậy ra, mình đã bị ăn trộm tình cảm. Cô gái ngồi đây là bằng chứng. Mình đã bị người chồng quí giá ấy đánh cắp lòng tin. Trắng trợn và lén lút. Nhẹ nhàng mà tàn bạo.
Nhưng lúc này thì Nguyệt sắp khóc. Tim đang đập đùng đùng đến nỗi phải hé miệng ra mà thở cho đỡ ngộp. Mũi nghe chộn chạo. Hai đầu con mắt cay cay. Chị ta đã kể. Minh đã biết những lúc khổ tâm khổ lòng, những lúc tỉnh táo lạnh lùng mà Nguyệt chưa bao giờ tỏ lộ. Nguyệt luôn phơi bày và giữ chặt, cái vẻ nhỏ nhoi yếu đuối, vô tư yêu đời trong mắt Minh. Và trong mắt những người đàn ông đàn bà quen biết, Nguyệt là em gái kết nghĩa của Minh. Nhận vai thì phải đóng cho tròn vai. Trong vở kịch cuộc đời này, Nguyệt và Minh đang đóng kịch cho vui, cho quên cái nghịch cảnh không còn cách vượt qua. Gia đình luôn tự hào, khăng khăng và ôm giữ khư khư nề nếp cổ xưa của Minh, không hề nghĩ đến chuyện đón về nhà họ, cô dâu có sẵn một đứa con đã biết tự ủi quần áo.
Vở kịch vẫn đang diễn ngày ngày suôn sẻ. Minh xưng anh với Nguyệt ngọt lịm, gọi Nguyệt là em ngọt lừ. Vậy mà mụ đàn bà có tiếng tăm này (Minh hãnh diện, phồng mũi giới thiệu như thế) lại làm đổ vỡ hết. Ðồ... phù thủy.
Giọng Nguyệt khô khốc, khinh khỉnh.
− Minh có nói gì không?
"Mụ phù thủy" ngồi ghế xích đu, hơi chồm người về phía Nguyệt.
− Nguyệt muốn hỏi về điều gì. Chuyện buồn của Nguyệt hay chuyện tôi đường đột tới đây?
Chuyện gì họ cũng chia xẻ cho nhau đến thế sao. Mình chưa được biết Minh còn có thêm người đàn bà này nữa, nếu không xảy ra buổi gặp tình cờ đó. Nỗi cay đắng khiến Nguyệt không muốn mở miệng.
Nhưng người khách đáng ghét đã từ tốn trả lời thay.
− Tôi đến gặp Nguyệt thì Minh không biết. Mà nếu có biết, tôi nghĩ Minh sẽ khuyến khích tôi. Nên thêm bạn... Còn chuyện riêng của Nguyệt thì Minh bảo, tôi biết được vậy là tốt. Nếu không, tôi cứ suy đoán lung tung, tự mình làm khổ thân.
Nguyệt thăm dò.
− Minh ân cần với chị quá.
− Minh đối xử với ai chẳng vậy. Nguyệt biết mà.
Ai chẳng vậy, tức là ai cũng bằng, cũng đều như nhau. Nhưng Nguyệt chưa quên cái cách Minh với chị ta chăm chút lẫn nhau hôm đó. Nhìn sao mà gai mắt.
− Minh nhận chị làm em chứ?
− Không. Chúng tôi là bạn.
− Không. Chị nói thật đi.
− Bạn theo ý của Minh. Anh ta vạch vẽ một đường ranh giới, giao hẹn không ai được vượt qua. Không can thiệp đời tư của nhau.
− Chị chấp nhận? Ðể làm gì? Tại sao?
− Tôi chẳng còn cách nào khác.
Cũng như Nguyệt. Vậy mà sao Nguyệt không thấy cảm thông.
Con bướm lăng xăng đang chập chờn bay sang giàn bông giấy bên hàng xóm. Cả hai người chống tay dựa cằm, chăm chú nhìn theo. Câu chuyện coi như chấm dứt. Nhưng người khách vẫn không có dấu hiệu muốn cáo từ, lại còn nhún chân cho xích đu nhè nhẹ lúc lắc. Rồi tiếp tục kể chuyện đời riêng của chủ nhà.
− Hoan còn nói, Nguyệt có số đào hoa. Lúc nào cũng có người đưa đón.
Chị ta muốn dò hỏi về Minh đây mà. Nguyệt không giấu diếm.
− Chị biết rồi. Em không có xe máy, mà chỗ học thì xa.
− Lúc nào cũng có người đến tìm Nguyệt, giúp đỡ này nọ. Xin lỗi. Tôi chỉ lập lại những lời Hoan kể.
Nguyệt nói câu đã nói ra hằng trăm lần, với bất kỳ ai thắc mắc như người khách.
− Tại người ta không hiểu nổi cảnh mẹ góa con côi. Các anh có giúp đỡ, cũng chỉ vì lòng nhân đạo.
Khách lúc này mới chịu dựa lưng thoải mái vào mấy thanh gỗ sơn xanh đỏ phía sau. Câu nói của Nguyệt đã làm tan hết nghi ngờ nếu có của chị ta. Và Nguyệt cũng không nghi ngờ gì nữa. Rõ ràng, người đàn bà này đang yêu mê muội ông anh nuôi bất đắc dĩ của Nguyệt.
− Thật ra, chính anh Minh của em mới có số đào hoa.
Nguyệt nói luôn cái điều vừa nghĩ ra ấy, với người khách không muốn đón tiếp. Như một lời cảnh báo, mà không có hàm ý tốt. Cô cũng chẳng hơn gì tôi. Cô cũng không thể sở hữu được anh ta. Bởi lẽ, quả thật anh ta có số đào hoa. Chắc chị ta cũng biết như Nguyệt từng biết. Minh có nhiều lắm những người đàn bà quen thân và không thân, xinh đẹp và không xinh đẹp. Nhiều lắm những người mơ tưởng và rơi rụng. Không biết chị ta đã thăm tìm, dọ thám bao nhiêu lần rồi, những mối quan hệ ấy, nếu tính cả lần này ở nhà Nguyệt.
Người khách đột ngột đứng lên cáo từ. Câu nói cuối cùng có ý xin lỗi giống như lúc vừa mới đến.
− Tôi tới đường đột như vầy, chắc là Nguyệt không dễ chịu. Nhưng tôi lại được nhẹ lòng.
Nguyệt cười không hở răng, cũng không nói câu xã giao thông thường "Ðâu có gì". Kệ nó đi. Thích nghĩ sao thì nghĩ. Cũng như Nguyệt muốn nghĩ cái sự nhẹ lòng của người khách kỳ lạ này thế nào cũng được. Nhẹ vì đã rõ, Nguyệt "chẳng là gì" của Minh. Yên tâm vì đã ăn năn hối lỗi xong xuôi ngay với chính đương sự. "Tôi đã cười cợt cái chi tiết Nguyệt xé làm đôi những tấm hình chụp đám cưới...".
Hai người đàn bà cười với nhau ở cổng rào. Chẳng ai hơn ai. Một cô em gái nho nhỏ. Một người bạn tâm giao, thân tình.
Khách vẫy chào. Bàn tay có những ngón thuôn dài rất đặc biệt, so với dáng người tầm thước. Không chừng người đàn bà nổi tiếng này cũng có số đào hoa đấy. Ðể Nguyệt chứng kiến, những cái số đào hoa gặp nhau và làm khổ nhau. Như người chồng bội bạc tình nghĩa đã lâu rồi.
Nguyệt bỗng muốn nói với người khách một câu thôi.
Lúc này Minh đang ở đâu? với ai?

Hết


Xem Tiếp: ----