Tuỳ bút
Nghìn năm Hà Nội

Hà Nội có tên chính thức từ năm 1831, vậy là sắp tuổi hai trăm hay là còn mấy năm lẻ nữa thì chẵn tuổi nghìn? Đôi khi ta lại tự hỏi không gian và thời gian trong hồn ta xem Hà Nội có phải là đã có từ trước  khi quan viên cai trị ngoại bang lập ra La Thành chăng, có thần Ngựa Trắng đi quanh mà yếm đất? Cũng có phải là hơn mười năm thế kỷ, từng có ngôi chùa Hộ Quốc từ thời Tiền Lý mà nay dáng dấp mông lung còn ẩn hiện trên sóng nước Hồ Tây ngôi chùa Trấn Quốc có bóng cây đề khởi hành từ đất Phật Thích Ca Ấn Độ, về chốn này toả bóng xum xuê...?
Hà Nội đã thay đổi bấy lần tên gọi, nhưng hồn xưa, tình cũ, nét Văn hiến truyền đời thì chẳng đổi thay, chỉ có phát triển lên như cái vòng xoáy ốc, tưởng quay về chốn cũ, nhưng thực ra lại mở rộng vòng quay như tình yêu không hề đóng kín, cứ ngày một giao hoà và nghi ngút âm dương phát triển.
Đã có bao nhiêu du khách nước ngoài đến Hà Nội để mang theo Hà Nội về nơi xa ấy suốt đời. Đã có bao nhiêu trái tim rộn ràng thương nhớ từ Lũng Cú đến Cà Mau hướng về Hà Nội, nơi đến một lần thì tương tư mãi mãi, nếu chưa đến thì thấp thỏm yêu chờ được một làn hoan hỉ giao duyên....
Trên khắp đất nước ta ở đâu chẳng có những ao hồ, đầm phá, nhất là những chiếc ao cho lùm tre soi bóng, những đầm sen cho ngát lộng hương thơm.... nhưng ở đâu có hồ kỳ lạ đến mức thiêng liêng huyền thoại như Hồ Gươm, từng mang tên hồ Lục Thuỷ (nước xanh), hồ Tả Vọng và Hữu Vọng (hướng về Phủ Chúa từ bên trái và bên phải), hồ Thuỷ Quân (nơi thao diễn quân đội), hồ Hoàn Kiếm (trả lại gươm thiêng)...cho đến Thiên niên kỷ thứ III này, vẫn vòi voi cây bút viết lên trời xanh dòng thơ cảm khái nước non kinh thành, sau khi chấm vào nghiên mực đá có ba "cậu ông trời" ghé vai gánh vác một niềm trường tồn bất tận hào khí Thăng Long...
Chỉ là con hồ quen thuộc, chỉ là mây trắng bay qua và đậu lại, chỉ là sóng nước lăn tăn, đôi khi phẳng lì mặt gương cho cỏ cây soi bóng mà điểm trang như nàng tiểu thư ngượng ngùng soi tóc mượt mà gió liễu lại đôi khi nổi sóng bạc đầu kể về mình niềm thời gian ngưng đọng trong bão táp phong ba.... Hồ Trả Gươm gọi tắt là Hồ Gươm mà có nhà thơ Hy Lạp phải sững sờ như đứng trước giai nhân bằng câu thơ:
"Hồ gươm như một lẵng hoa giữa lòng thành phố"
Cầu Thê Húc Hà Nội
để "Con tầu đưa tôi đi về phía trước"
Nhưng "Trái tim tôi đi ngược về phía đằng sau..."
phía trước là đi về Hy Lạp, phía đằng sau chính là Hà Nội với Hồ Gươm, Hồ Tây với Hàng Đào đầy vải, Hàng Đường ngọt ngào, hàng Tiện đầy quân cờ, đầy đối chướng thêu rồng thêu phượng và tựu trung là có đến 80 phố mang chữ Hàng phía trước như câu ca dao cổ:
Hà Nội băm sáu phố phường
Hàng Gạo, Hàng Đường, Hàng Muối trắng tinh....
Một vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm chỉ hai cây số, còn vòng qua Hồ Tây có mấy làng trồng hoa và cây cảnh, mấy làng nuôi cá vàng và đánh cá đánh tôm, có hồng xiêm ngọt lừ, có cành đào đón tết, có chợ từng bán lưới (Võng Thị) vòng Hồ Tây ấy hơn 17 cây số cho ta đi trong gió lộng, trong mây bay, trong hương hoa, trong khói nướng chả thơm lừng món ngon, trong vị giòn tan con ốc hấp thuốc bắc, và trong thấp thoáng mơ hồ đã mịt mùng khuấy lấp là bóng đàn chim sâm cầm lông chân đen đỏ về tìm nơi bèo nổi mây chìm sóng bạc... Con trâu vàng không còn, con cáo trắng bặt tăm, những cung phi dệt ra lụa trắng ngàn năm vô định, nàng công chúa dạy dân trồng dâu dệt lụa, bà chúa Liễu Hạnh hiện ra từ vóc dáng tiên nương hoạ thơ cùng chàng trẻ tuổi trạng nguyên kỳ tài Phùng Khắc Khoan..... Tất cả và tất cả đang là một Hồ Tây có đường phố Lạc Long Quân và đường phố Âu Cơ chứng giám cháu con mở hội liên hồi....
Không kể con sông Hồng, tên chính thức là sông Nhĩ (sông có dáng chiếc vành tai) đọc chệch ra là sông Nhị, rồi Hồng Hà (từng là sông Phú Lương), khúc cuối nguồn sông Thao.... dài như một tấm gương mê hoặc, như chiếc thắt lưng đỏ quấn quanh chiếc eo lưng cô gái Hà Thành (một ý thơ của thi sĩ phía cuối trời Nam).... Sông Hồng cũng từng là nỗi khát khao của người "trăm họ" chả thế mà có chàng trai Quảng Ngãi lần đầu tiên gặp Hà Nội, bất kể lúc âý là đêm khuya và trời lạnh, cứ nhảy ào xuống lòng sông cho phù sa sông Hồng thấm vào da thịt để thoả nỗi ước mong. Đó là chàng trai Võ Năng Lạc sau này là một giáo sư tiến sĩ về lòng đất, nói cách khác là về địa chất...
Ngoài sông Hồng uốn lượn mềm mại và ngang tàng ấy, Hà Nội còn bao nhiêu mặt nước để đắm say lòng người. Hồ Bẩy mẫu, Hồ Ba mẫu, hồ Thiền Quang, hồ Thủ Lệ, hồ đền Hai Bà Trưng, hồ Ngọc Khánh, hồ Linh Quang, hồ Văn trước Văn Miếu (nơi các nho sinh thầy giáo trước khi vào cửa Thánh phải ngắm mình vào đó mà sửa sang mũ áo cho chỉnh tề)...
Đi liền với niềm yêu bồng bềnh sóng nước ấy thì Hà Nội cũng là thành phố xanh rờn suốt bốn mùa, suốt đời người, suốt tuổi tác bao thế hệ. Mái ngói cứ lô xô trong cảnh một Đỗ Huân, trong tranh một Bùi Xuân Phái, trong món ngon một Thạch Lam.... trong tách cà phê Lâm nghi ngút thơm lừng giữa phố Nguyễn Hữu Huân.... thì cây xanh là một phần mê hồn hoặc của thời gian sinh tồn trong từng lõi gỗ.
Đường hoa sữa phố Nguyễn Du, đường Trần Hưng Đạo. Đường tán sấu biêng biếc tứ mùa Trần Phú, Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, đường sao đen lực lưỡng vững vàng Lò Đúc, đường chò nâu Hùng Vương, đường muồng hoa vàng như nắng đường Huỳnh Thúc Kháng, đường bằng lăng tím ngát Thợ Nhuộm.... Chỉ riêng quanh Bờ Hồ đã có hẳn một rừng cây, mọc mãi, mọc mãi thành kỷ niệm triệu hồn người trong lòng người, bất kể người ấy đang Hà Nội hay cuối phương trời hoặc dằng dặc nửa vòng trái đất tha phương. Thử xem kìa: Hai cây lộc vừng, một quằn quại vươn lên, một chín gốc quây quần. Bốn cây gỗ Tếch hiên ngang, bốn mươi cây liễu thả tóc vào chiều vi vút, hai cây hoa gạo quê xa, năm cây hoa vông chói đỏ đón hè sang, mười bẩy cây bàng thả thư đỏ đón mùa đông, mười một cây cọ lá xoè như trung du thoáng hiện, một cây sung trên dốc đá núi Đào Tai (hay Độc Tôn) cùng vô số cây hoa sưa (không phải là hoa sữa) nở trắng ngần băng tuyết hoa xuân, những cây nhội, trái ngựa, xà cừ, tre trúc và sấu cho bóng xanh, cho quả ngon cũng chen vai nhau hàng thế kỷ với con số ngàn....
Xưa nay Hà Nội vẫn được coi là địa linh, là văn vật, là hào khí.... Nơi phía Bắc Hồ Gươm đang có đài phun nước, tên chính là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, từng là bãi chặt đầu ngưòi. Quân Pháp mang người Việt Nam yêu nước ra đây chém rồi bêu đầu..... nhưng thời nào Hà Nội cũng có rất nhiều anh hùng yêu nước, có người đầu độc quân thù, có người lên máy chém, có người chết trong tù, có người hy sinh tại mặt trận tít tận phương Nam và nay trên khắp các mặt trận, từ mặt trận văn hóa tư tưởng đến kinh tế, xã hội.... bao nhiêu anh hùng có tên  và khuyết tên, cứ như hoa xuân Ngọc Hà Hữu Tiệp, cứ như hoa xuân Ngọc Hà Hữu Tiệp, cứ như cành đào mơn mởn Nhật Tân, Quảng Bá, cứ như ông quan án Sát không chỉ xử án mà còn làm thơ và dựng Đài Nghiên Tháp Bút cho hậu thế muôn đời...
Ta bước vào lịch sử phút giây sống với người xưa và ta lại về cuộc đời để sống cùng Hà Nội hiện tại. Những Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Chiến thắng B52, Bảo tàng Hồ Chí Minh.... hiện tại và lịch sử song trùng, đồng hành..... Có chiếc lờ  chiếc đó để đơm con cá nơi hồ Hàng Đào trăm năm trước thì cũng có lá cờ đỏ sao vàng trên quảng trường Nhà hát lớn năm 1945 tháng Tám, nhân dân vùng lên đạp đổ ách gông cùm nô lệ.... và cũng có khói đen nghi ngút cho xăng Đức Giang cháy và xác pháo đài bay Mỹ rơi ngay vào ao làng, cạnh vườn trồng hoa của làng Ngọc Hà, như một chứng tích của tàn bạo chống lại nhân văn nhân bản....
Hà Nội đi lên, không đao to búa lớn, không mất gốc, đứt rễ. Vẫn còn hàng xôi lúa làm bằng hạt ngô nếp bung nhừ, vẫn còn sợi bún Phú Đô, Tứ Kỳ trắng tinh đi kèm con ốc thành món bún ốc ít nơi có được ngon bằng.... vẫn còn những sợi rau muống luộc và cô hàng bán cơm nắm muối vừng, có con tôm đầu gạch đuôi trứng, có món nõn rau bí ngô xào tỏi, vẫn còn món phở nạm, phở gầu ngon nhất nước không món quà sáng nào sánh kịp....
Hà Nội từng là quê hương của bao danh sĩ, thuyền quyên, tài tử, và cũng là quê hương của bao món ăn kỳ lạ xuất hiện từ những bàn tay kỳ tài, và quê hương của tấm áo dài "Lơ Muya" tức áo dài "Tân Thời" và nay là hồn Việt Nam, chỉ nói gọn là áo dài Việt Nam"....
Nguyễn Trãi từng "Góc Thành Nam lều một gian" suốt 10 năm bị giam lỏng ở Đông Quan này. Nguyễn Du viết "Người gẩy đàn cầm trên đất Thăng Long", Cao Bá Quát nhà ở phố Đình Ngang, Phạm Đình Hổ tự bảo rằng "Nhà ta ở phường Hà Khẩu"... và bà Huyện Thanh Quan, bà Đoàn Thị Điểm, bà Hồ Xuân Hương cùng hàng nghìn dòng tên trên bia tiến sĩ, Hà Nội là cái nôi, cái tổ của nền văn hiến Việt Nam, của Kẻ chợ, Kinh Kỳ, của Hà Thành linh ứng....
Hơn trăm năm phố thay cho một thời chỉ có băm sáu phố phường. Mấy cửa ô mờ tỏ những Ô Quan Chưởng, Đống Mác, Cầu Giấy, Cầu Diễn, Chợ Dừa, Yên Phụ.... của 24 cửa ô bao thời để lại, đâu phải chỉ có 5 cửa ô như lời một bài hát (5 cửa ô là 5 ngả quân ta vào tếp quản Hà Nội năm 1954 mà thôi)... Hà Nội đang rộng dài, đang nở hoa, đang lực lưỡng con thiên mã tung bờm trên đường thiên lý, nếu không nói là con rồng vùng vẫy với bao la, bao la trời đất và bao la lòng người.