Hướng dẫn

Các bộ lịch sử tiểu thuyết của Yên-tử cư sĩ được chia ra làm năm thời đại:
1. Thời đại Lĩnh-Nam (39-43 sau Tây-lịch)
Thuật cuộc khởi nghĩa của vua Trưng cùng 162 anh hùng, lập thành triều đại Lĩnh-Nam. Thời đại này chia làm ba giai đoạn.
Giai đoạn 1. Anh-hùng Lĩnh-Nam
v Về phương diện sử
Hình thành tinh thần, tức chủ đạo của người Việt sau một thời gian dài bị Bắc thuộc, hai bà Trưng cùng các anh hùng chuẩn bị cuộc khởi nghĩa, 4 quyển, mang tên Anh-hùng Lĩnh-Nam. Gồm 40 hồi, mỗi quyển 10 hồi. Ôn lại tích xưa: Thuật lại sự tích thánh Gióng. Cuộc chiến giữa vua An-Dương và Triệu Đà, tích nẫy nỏ thần. Sự tích thánh Tản, thánh Chèm
v Về phương diện văn hoá
Cách làm ám cá, luộc gà. Sự nghiệp âm nhạc của Trương Chi. Cách chữa bệnh suyễn, cảm, cúm bằng dược học.
Giai đoạn 2. Động-đình hồ ngoại sử
v Về phương diện sử
Nối tiếp giai đoạn 1, Anh-hùng Lĩnh-Nam có hai khuynh hướng. Một khuynh hướng chủ chiến, muốn khởi nghĩa quét giặc Hán khỏi đất nước gồm hai bà Trưng và ông Đặng Thi Sách. Một khuynh hương muốn hòa giải, hợp tác với Hán, gồm Trần Tự Sơn, Đào Kỳ, Hoàng Thiều Hoa, giúp Hán đánh Thục, rồi xin được trả độc lập. Khuynh hướng chủ hòa thắng thế. Anh-hùng Lĩnh-Nam kéo quân giúp Hán diệt Thục. Thục sắp bị diệt thì Hán trở mặt bắt giam thủ lĩnh người Việt. Anh-hùng Lĩnh-Nam bèn hợp tác với Thục, đánh chiếm Trung-quốc, chia ba thiên hạ thành thế chân vạc Hán, Thục, Lĩnh-Nam. Lãnh thổ Lĩnh-Nam Bắc tới hồ Động-đình. Giai đoạn này gồm 3 quyển, 30 hồi từ hồi 41 tới hồi 70, mang tên Động-đình hồ ngoại sử.
v Về phương diện văn hoá
Nghệ thuật làm chả cá, nghệ thuật làm thuốc Lào.
Giai đoạn 3. Cẩm-khê di hận
v Về phương diện sử
Anh-hùng Lĩnh-Nam khởi nghĩa thành công, tôn Trưng Trắc lên làm vua. Vua Trưng cùng chư vị anh hùng kiến tạo thành triều đại Lĩnh-Nam. Triều đình Đông Hán Mã Viện, Lưu Long, Đoàn Chí thống lĩnh 14 đại tướng, đem quân nghiêng nước quyết diệt Lĩnh-Nam. Cuộc ra quân từ tháng 7 năm 39 sau Tây-lịch. Cuộc kháng chiến vĩ đại kéo dài đến tháng 2 năm 43. Tổng cộng 43 tháng. Cuối cùng vì dân Lĩnh-Nam ít, bị Hán dùng số đông đè bẹp, vua Trưng bị nội phản, tuẫn quốc tại Cẩm-khê. Giai đoạn này gồm 4 quyển, 40 hồi từ hồi 61 tới hồi 100, mang tên Cẩm-khê di hận.
v Về phương diện văn hoá
Rất phong phú: người Việt có văn tự là chữ Khoa-đẩu. Biết đúc trống đồng. Biết làm lịch không khác với lịch hiện đại (2001) làm bao. Triều đình soạn luật, soạn các sách v sử
Lời khuyên của viện Pháp-á
Quý độc giả nên đọc theo thứ tự: Anh-hùng Lĩnh-Nam, Động-đình hồ ngoại sử, Cẩm-khê di hận. Có như vậy mới thấu hiểu hết chi tiết về thời đại này.
2.Thời đại Tiêu-sơn (1010-1225)
Thuật giai đoạn thịnh trị bậc nhất của tộc Việt. Tiêu-sơn là tên ngọn núi nhỏ, nơi kết phát ngôi mộ của tổ tiên họ Lý, do đó Lý Công-Uẩn được lên ngôi vua. Tiêu-sơn cũng là tên ngôi chùa mà thủa thơ ấu, vua Lý Thái-tổ đã tu học. Vì vậy cổ văn học còn gọi thời gian triều Lý cai trị là thời đại Tiêu-sơn. Thời đại Tiêu-sơn là thời đại thịnh trị của tộc Việt: Nam bình Chiêm mở mang bờ cõi. Bắc đánh Tống.
Thời đại này chia làm 5 giai đoạn chính:
Giai đoạn 1. Anh hùng Tiêu-sơn
v Về phương diện sử
Thuật, bằng cách nào mà các Thiền-sư đã giáo huấn, rồi đưa một đệ tử tên Lý Công-Uẩn lên làm vua, tức vua Lý Thái-tổ. Hào kiệt hồi đó làm cách nào để có thể giảng hòa những tranh chấp quyền lực trong nước. Những người này là Anh-hùng Tiêu-sơn. Mặc dù phía Bắc, Tống luôn tìm cách tạo ra nhửng mâu thuẫn trong nội bộ Đại-Việt. Giai đoạn này gồm 3 quyển, 30 hồi, từ hồi 1 đến hồi 30, mang tên Anh-hùng Tiêu-sơn. Anh-hùng Tiêu-sơn thiết lập kế hoạch đòi lại lãnh thổ tộc Việt cũ lên tới hồ Động-đình. Quân Việt vượt biên đánh Tống lần thứ nhất, nhưng có tính cách cục bộ. Đánh Chiêm lần thứ nhất (1020). Mượn lời các nhân vật, tác giả thuật lại cuộc khởi binh của bà Triệu, của Bố-cái đại vương.
v Về phương diện văn hoá
Lịch sử Thiền-tông Đại-Việt. Biện biệt sự khác nhau của Thiền-Hoa, ThiềnViệt. Thuật xuất hồn. Hành trạng các Thiền-sư đắc pháp thành Bồ-tát yêu nước chủ trương đem đạo pháp giúp dân tộc như La Quý-An, Vô-Ngại, Bố-Đại, Sùng-Phạm, Vạn-Hạnh, Minh-Không. Giải thích về Sấm ký. Giải thích thuật đoán giải mộng. Phương cách tế thời Lý. Thập đại danh hoa, thập đại danh hồng. Thuật nấu bún riêu. Phương thuốc kịch độc dùng luyện Chu-sa ngũ độc chưởng.
Giai đoạn 2. Thuận-thiên di sử.
v Về phương diện sử
Nối tiếp giai đoạn 1. Lý Công-Uẩn lên làm vua lấy hiệu là Thuận-thiên. Thuận-thiên hoàng đế (sau khi băng được tôn là Thái-tổ, sử gọi là vua Lý Thái-tổ). Bộ thứ nhì của thời đại Tiêu-sơn này mang tên Thuận-thiên di sử, gồm 3 quyển, 30 hồi, từ hồi thứ 31 đến hồi thứ 60. Các Anh-hùng Tiêu-sơn giúp Thuận-thiên hoàng đế chống với cuộc chiến tranh lạnh của Tống, tiêu diệt một tôn giáo ngoại nhập, đã gây ra những cuộc chém giết khủng khiếp, nhất là mưu dâng nước cho Tống. Quân Việt vượt biên đánh Tống lần thứ nhì. Anh-hùng Tiêu-sơn liên kết với những nước thuộc tộc Việt cũ: Xiêm, Đại-lý, Lưỡng-quảng... trong mưu đồ đòi lại cố thổ.
v Về phương diện văn hoá
Ý nghĩa thập đại phong lan. Phong thủy Thăng-long. Cách làm chả cá. Giải thích Thập mục ngưu đồ trong Thiền-tông. Lịch sử Sex, Nga-sơn khoái lạc. Dùng phụ nữ trẻ làm Cây-thuốc để trường thọ. Hành trạng Đào Hà-Thanh, tổ sư Hát-nói hay Ca-trù hay hát Ả-đào.
Giai đoạn 3. Anh hùng Bắc-cương
v Về phương diện sử
Nối tiếp giai đoạn 2, gồm 4 quyển, 40 hồi từ hồi thứ 61 đến hồi thứ 100, mang tên Anh-hùng Bắc-cương. Bắt đầu đi vào giai đoạn hùng tráng. Nguyên giữa biên giới Hoa-Việt có 207 bộ tộc ít người, gồm các giống Thái, Nùng, Mèo, Lô-lô v.v. đó là di tích của chế độ Lạc-hầu, Lạc-tướng thời vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng còn sót lại, sử gọi họ là Anh-hùng Bắc-cương. Vì theo chế độ cha truyền con nối, nên các động trưởng, trang trưởng có nhiều quyền hành. Các trang động này như hàng rào bảo vệ Đại-Việt. Khi quân Trung-quốc muốn đánh Đại-Việt, thì phải chiếm được các trang động này trước. Khi chiếm được các trang động này, thì dễ dàng chiếm vùng đồng bằng, đe dọa thủ đô Thăng-long. Vì triều Tống, khi thì đe dọa, khi thì lôi kéo, đem chức tước ra dụ dỗ các động trưởng, châu trưởng về với họ. Nhưng các trang động này cùng Anh-hùng Tiêu-sơn liên kết, lúc nào cũng trung thành với Đại-Việt. Cuộc chiến tranh lạnh diễn ra như thế nào?
v Về phương diện văn hoá
Phương pháp nấu rượu cúc, rượu tăm, rượu tắc kè.
Giai đoạn 4. Anh linh thần võ tộc Việt
v Về phương diện sử
Nối tiếp giai đoạn 3, gồm 4 quyển, 40 hồi từ hồi 101 đến hồi 140, mang tên Anh-linh thần võ tộc Việt. Đây là giai đoạn hùng tráng của tộc Việt. Tám vùng tộc Việt liên kết nhau đánh Tống lần thứ 3, giúp Nùng Trí Cao khởi binh, chiếm lại vùng Lưỡng-Quảng, lên tới Trường-sa, hồ Động-đình. Nùng Trí Cao xưng là Nhân-huệ hoàng đế, lập ra nước Đai-Nam.
v Về phương diện văn hoá
Tổ chức binh bị hồi đó khiến Tống phải học theo. Y học tiến tới chỗ cực thịnh.
Lời khuyên của viện Pháp-á,
Quý độc giả nên đọc theo thứ tự từ hồi thứ 1 đến hồi thứ 140, tức đọc Anh-hùng Tiêu-sơn rồi tới Thuận-thiên di sử, Anh-hùng Bắc-cương. Cuối cùng là Anh-linh thần võ tộc Việt.
Giai đoạn 5: Nam-quốc sơn hà
v Về phương diện sử
Đây là giai đoạn cực kỳ hùng tráng của tộc Việt. Bấy giờ vua Tống Thần-tông dùng những cải cách về thuế khóa, canh nông, binh bị của Vương An-Thạch. Trung-quốc trở thành giầu có súc tích. Vua Tống chuẩn bị đem quân đánh chiếm Đại-Việt, đặt thành quận, huyện. Bên Việt bấy giờ vua Lý Nhân-tông mới 9 tuổi, Linh-Nhân hoàng thái hậu phụ chính. Ngài thấy rằng ngồi yên đợi giặc sao bằng tìm giặc mà đánh. Ngài sai Trung-thành vương Lý Hoằng-Chân, Tín-nghĩa vương Lý Chiêu-Văn, cùng Lý Thường-Kiệt, Tôn Đản đem quân đánh phá các kho tàng của Tống ở Hoa-Nam và chiếm các châu Khâm, Liêm, Dung, Nghi, Bạch rồi rút về. Tống đem quân nghiênh nước sang trả thù, nhưng bị quân Việt đánh bại. Bộ này mang tên Nam-quốc sơn hà, dài 50 hồi, 5 quyển, 2260 trang. Bộ này có thể đọc độc lập, không cần phải đọc trước 4 bộ trên.
v Về phương diện văn hoá
Rất đa dạng.
Trong trận đánh Ung-châu các anh hùng đã biến chế nỏ thần, pháo thăng thiên thành Lôi-tiễn, giống như đại bác ngày nay. Đây là tiền thân của thần công. Sau này người Trung-quốc học được của người Việt, rồi chế thành pháo binh cho Mông-cổ. Mông-cổ đánh châu Âu mang Lôi-tiễn sang, sau này người Đức chế thành hỏa tiễn V1-V2, và ngày nay thành phi đạn, thành phi thuyền.
Cải cách về nông nghiệp, thuế khóa, y học rực rỡ vô cùng.
3. Thời đại Đông-A.
Trong Hán tự, chữ Đông với chữ A ghép lại thành chữ Trần. Vì vậy sử gọi thời gian Trần triều cai trị là thời kỳ Đông-a. Thời đại Đông-a chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1. Anh hùng Đông-a dựng cờ bình Mông,
Việc thành lập Triều Trần, đánh Mông-cổ lần thứ nhất, mang tên Anh-hùng Đông-a dựng cờ bình Mông. Gồm 5 quyển, 50 hồi, 2566 trang.
Giai đoạn 2. Anh hùng Đông-a gươm thiêng Hàm-tử
Đánh Mông-cổ lần thứ 2 và 3. Mang tên Anh-hùng Đông-a gươm thiêng Hàm-tử, gồm 5 quyển, khoảng 2500 trang, chưa xuất bản.