Một buổi sáng thức dậy, cha tôi bảo: "Đêm qua tau đã nhìn thấy con mang trắng trên núi Cà Tang!". Những giấc mơ như thế thường trở đi trở lại trong ông. Nỗi khát vọng mênh mông không giấu được đã chiếm hết hai phần ba đời người. Bất cứ ai sống dưới chân ngọn núi huyền bí này đều có một khao khát truyền đời giống nhau như vậy.
Núi Cà Tang cao bảy trăm năm mươi tám mét so với mực nước biển. Ban ngày, đỉnh núi phủ một màu mây trắng. Những đêm trời sao, ngọn núi lẩn vào muôn vì tinh tú. Nằm trong nhà, nhắm mắt lại bạn sẽ nghe con suối Lớn rì rào ca hát. Muông thú đi ăn đêm lạc bầy gọi nhau khản giọng. Những buổi trời quang, người già dắt trẻ con ra sân chờ xem các ông tiên từ trời hạ xuống đỉnh núi chơi cờ. Trăm phần trăm con trẻ trong làng đều bị niềm tin mơ mộng kia dẫn dụ vào một vương quốc bao la đầy rẫy những vị tiên râu dài tóc trắng, nhan nhản cây hiền trái ngọt ăn vào trường thọ ngàn năm và những giếng nước trời chữa được bách bệnh.
Tôi mười một tuổi, học lớp sáu trường Cây Phượng. Trường ở gần nhà, đi qua hai con dốc, một cây cầu và một ngôi miếu hoang. Buổi sáng tôi đi chăn trâu, buổi chiều đi học. Tôi thích đi chăn trâu hơn đi học. Cha tôi bảo: "Kiểu này lớn lên mi chỉ có nước đi xách dép cho đàn bà!". Tôi nghĩ cũng được. Chỉ sợ bọn đàn bà không cho tôi xách dép. Ông già tức điên lên lấy cây roi dâu trên mái nhà xuống quất ba phát vào mông. Roi thứ nhất, phải học hành tử tế. Roi thứ hai, đi chăn trâu phải chăn đường hoàng. Roi thứ ba, không được xách dép đàn bà.
Hỏng! Tôi xuống bến sông, vạch quần ra xem thấy ba vệt lằn trên mông đỏ như máu. Nuớc lạnh ngấm vào đau ê ẩm. Tự dưng tôi bật khóc. Tôi thấy mình cô đơn. Hình như tôi không thích hợp với cả gia đình lẫn nhà trường. Cha tôi không bao giờ hiểu tôi nghĩ gì. Những khao khát thầm kín của tuổi thơ chẳng biết bày tỏ cùng ai. Thực tình tôi chỉ thích hợp với việc chăn trâu. Ra đồng, tôi muốn suy nghĩ gì cũng được, muốn làm gì thì làm, không có bài bản nào.
Có lần tôi cho trâu ăn lúa của người ta. Người ta bảo tôi là thằng mất dạy. Tôi thấy tôi đúng là thằng mất dạy. Thâm tâm tôi chẳng nghe lời ai. Tôi không muốn ai dạy dỗ tôi. Tôi thích hành động theo một tiếng gọi bí ẩn nào đó từ trong sâu thẳm tâm hồn mình.
Tổng kết học kỳ một, tôi xếp hạng thứ bốn mươi mốt. Cả lớp có tất cả bốn mươi ba học sinh. Cha tôi biết được và bảo: "Mày đội bốn chục cái đít trên đầu mà không nghe nặng à?". Tôi lại ra bến sông, cởi áo quần trèo lên ngọn cây sung nhảy xuống ùm một cái. Tôi có cảm giác mình đang bay, trên đầu nhẹ tênh. Không thấy chút nào nặng nề. Mặc dầu lúc đó tôi nghĩ đến đứa con gái xếp trên tôi một bậc mới chừng ấy tuổi đầu mà cặp mông bự chảng. Chẳng sao cả. Nó có vẻ còn êm ái nữa!
Học kỳ đội đít đã qua. Cả trường được nghỉ ăn Tết. Tuần đầu tiên của năm mới, trường phát động học sinh đi bứt bông đót về nộp làm quỹ công ích nhà trường. Phụ huynh học sinh miền núi chẳng có tiền nên phải nộp bằng sản phẩm.  Mỗi em mười ký lô bông đót khô. Nghe nói bông đót bán hữu nghị cho hội người mù mỗi ký bốn nghìn đồng. Vị chi mỗi học sinh nộp sản phẩm tương đương bốn chục bạc. Tôi thấy tự mình làm ra được tiền mà chẳng phải ngửa tay xin gia đình nên cả mừng.
Buổi sáng, tôi bảo mẹ gói cho tôi một mo cơm và nắm muối mè. Trời còn mờ đất tôi đã trở dậy. Sương sớm bay là là khắp mặt đất. Sương đọng trên cành cây cao nhỏ từng giọt lộp độp xuống những tàu lá chuối. Tôi ra chuồng trâu trèo lên lưng con trâu Sinh đánh vào đồng cỏ Hố Lớn. Mùa xuân, cỏ non nhú lên mơn mởn cả cánh đồng. Tôi vòng dây thừng quanh cổ trâu mấy bận rồi thả ra. Mặt trời vừa mọc, tôi một mình xăm xăm tìm lối lên đỉnh Cà Tang theo đường con suối Lớn. Nước suối trong vắt, chỉ xăm xắp bàn chân. Cứ chảy xuống một đoạn nước tụ thành một vũng sâu xanh đen bí hiểm. Có những chỗ mấy tảng đá nhô ra tạo thành hàm ếch trông rờn rợn. Có thể trong hàm sâu có một lão cá chình mọc râu tua tủa đang sống. Bộ râu của nó thính nhạy hơn lỗ mũi của con người mà con người không biết. Có thể trong hàm sâu có một cụ cua đá đôi càng to như bàn tay lực sĩ. Đôi càng cua mạnh như chiếc cần cẩu mà con người không hay. Có thể trong hàm sâu có một con ếch biết nói tiếng người. Con ếch có khả năng tiên tri mà con người thì bất khả tri... Có thể... có thể... và cũng có thể. Tôi suy nghĩ vẩn vơ.
Quá ngọ, tôi đã trèo lên khá xa. Phía trước một rừng đót trổ cờ trắng xoá. Tôi lật cơm ra ăn một mình. Miếng cơm khô rang. Nuốt nửa chừng thì nghẹn họng trào nước mắt. Một con sóc nâu từ trên cây chò nhảy xuống gần. Đôi mắt con sóc như mắt của nhà hiền triết nhìn tôi cười cợt. Tôi tức điên lên, nhặt một hòn đá ném nó một cái. Con sóc chạy biến lên tàng cây rậm kêu "choọc, choọc..." có vẻ trêu ngươi. Ngay lúc đó, tôi quên khuấy mất việc mình phải đi bứt bông đót về nộp cho nhà trường. Tôi chợt nhớ đến con mang trắng thần tiên. Một nỗi nhớ truyền đời tha thiết.
Người già kể: Con mang trắng thần tiên sống trên đỉnh Cà Tang. Đêm đêm nó hiện ra ăn lộc non rừng đót. Lộc non đọng đầy những hạt sương đêm. Trời đang nắng mang trắng tát thì trời mưa. Trời đang mưa nó tát thì trời nắng. Bộ lông của nó trắng mịn như nhung. Đôi mắt nó lấp lánh như vàng. Hơn bốn trăm năm lập làng Cà Tang Hạ này, chỉ duy nhất có một tay thợ săn lão luyện diễm phúc nhìn thấy nó. Chỉ nhìn thấy một lần tình cờ thôi. Nó đi như bay trong ánh chiều tà. Đôi mắt vàng rực nhìn người thợ săn thôi miên. Ngọn giáo trên tay người này chợt gãy làm đôi. Đàn chó săn thiện xạ chịu không nổi ánh mắt của nó bỗng lăn quay ra rền rĩ ư ử trên mặt đất. Về đến nhà, người thợ săn ngã bệnh. Lúc hấp hối, đôi mắt người bệnh lấp lánh những tia sáng màu vàng. Người thợ săn để lại di ngôn nếu ai trong làng có cơ may nhìn thấy con mang trắng lần nữa thì phải tuyệt đối giữ bí mật cho riêng mình.
Tự dưng tôi khát khao được nhìn con mang trắng. Nó ở đâu? Tôi cầm chiếc liềm trên tay băng băng qua rừng đót trèo lên đỉnh mặc kệ gai cào chảy máu đầy mình. Đường lên mỗi lúc mỗi khó khăn. Trong đầu tôi vang vang sự thôi thúc cuồng nhiệt. Phải vượt lên. Phải nhìn thấy bằng được nó. Phải tìm ra nó. Con mang trắng thần tiên. Con mang trắng tri giác. Con mang trắng đêm đêm hiện về trong giấc mộng du của ông già tôi, của cả cộng đồng dưới chân ngọn núi huyền bí này.
Tôi đi. Tôi đi tìm mãi. Trời đã ngả về chiều. Đỉnh Cà Tang mây bay trắng xoá. Một vùng cây trà mọc lúp xúp ngang bụng người. Dưới chân tôi mặt đất ẩm ướt chi chít những đống phân lợn rừng. Con sóc nâu lại hiện ra cười cợt. Con mang trắng đâu rồi? Con mang trắng ở đâu? Lạy trời, chỉ nhìn thấy một lần. Lạy trời được nhìn thấy, dù chỉ một lần để thoả niềm tiếc nuối của cả làng mấy trăm năm nay. Tôi sẽ là đứa trẻ con đầu tiên nhìn thấy nó. Tôi quá tự hào. Nhưng biết làm sao? Không thể nào nhìn thấy được.
Khi tôi sắp phát khóc lên vì tuyệt vọng thì con sóc nâu thôi cười cợt. Nó chạy đến bên chân tôi và ngước đôi mắt thông tuệ nhìn lên tỏ vẻ an ủi. Tôi đang đứng trên đỉnh núi cao, buổi chiều mây trắng bay qua từng chặp. Xa xa, dưới cánh đồng Hố Lớn con trâu chỉ nhỏ bằng quả trứng. Con người thu lại như ngón tay vô danh. Con đường giống những sợi chỉ ngang dọc... Tất cả như vừa hữu hình lại vừa vô hình. Tất cả rất lờ mờ nhưng cuốn hút lạ kỳ.
Đêm đó về nhà tôi ngã lăn ra sốt. Trong cơn mê man tôi có cảm giác một bàn tay ấm nóng đặt lên trán mình. Đâu đấy, văng vẳng lại giọng nói của mẹ tôi. "Chắc nó đi lên núi chơi gặp phải ông bà đi săn bắn trúng nhằm tên. Tối nay mình làm mâm lễ cúng ngày mai chắc sẽ bớt!". Không ngờ, sau này tôi mới biết trận ốm kéo dài cả hàng tháng trời. Tóc tai tôi rụng sạch trơn để lộ cái đầu tròn lẳn và láng như đầu ông thầy Năm ở chùa Trung Phước. Đau khổ, xấu hổ.. Tôi bỏ học một tháng nữa nên bị ở lại lớp. Năm đó tôi lên mười một, học lớp sáu trường Cây Phượng. Trường ở gần nhà, đi qua hai con dốc, một cây cầu và một ngôi miếu hoang. Buổi sáng tôi đi chăn trâu buổi chiều đi học. Tôi vẫn thích đi chăn trâu hơn đi học. Mặc dù học kỳ hai năm lớp sáu lần sau tôi vươn lên đứng đầu lớp.
Nhà tôi ở làng Cà Tang Hạ sát dưới chân núi Cà Tang. Ngọn núi cao bảy trăm năm mươi tám mét so với mực nước biển. Buổi sáng vừa mở mắt ra đã nhìn thấy trời xanh mây trắng... Trời xanh, xanh đến nôn nao. Mây trắng, trắng đến rợn người. Làng tôi quá nghèo. Con người ở đây sống thật đơn sơ. Đàn ông ngày ngày lên rừng đốn củi hoặc làm rẫy. Đàn bà lo chăm sóc ruộng nương, nuôi tằm đệt vải và thêu thùa. Trẻ con chỉ biết đi chăn trâu cắt cỏ. Người già khi qua đời chẳng có của cải gì để lại ngoài những câu chuyện huyền thoại đạm bạc của một vùng núi hoang vắng.
Những câu chuyện như vậy cứ truyền mãi từ đời này sang đời khác. Cho đến tận hôm nay nó vẫn còn tiếp tục truyền miệng cho thế hệ sau với rất nhiều dị bản.
N.M.S
 

Xem Tiếp: ----