Trăng đang lên!
Ánh nắng chói chang đã tắt từ lâu. Sương lạnh chiều hôm bắt đầu buông xuống cánh đồng còn nóng hôi hổi. Chỗ mặt trời vừa lặn một cách chậm rãi tỏa ra một vùng đỏ rực lan đến nửa vòm trời. Càng xa, sắc đỏ càng nhạt dần. Nền trời xanh thẳm nổi lên dăm viên ngọc bình dị - những ngôi sao cô đơn mới mọc chuẩn bị khoe sáng với chị Hằng đang lấp ló sau đám mây trắng xốp, ngập ngừng trôi. Rồi trăng nhô ra, từ từ. Lúc đầu, như có bàn tay nào đó lùa mạnh vào đám mây, gạt nó sang một bên để trong nháy mắt, vành trăng tròn vạnh hiện ra. Lúc này, đường chân trời thẫm lại rồi mờ dần. Trời tối hẳn...
Ngửa cổ dốc cạn chén rượu vào miệng, Bảo không hề thấy đỡ khát, tâm trí vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Tửu lượng của anh rất khá nhưng chưa khi nào anh uống quá vài chén nhỏ. Anh chẳng thấy ham hố gì cái trò chạm cốc côm cốp, chúc tụng hầm bà lằng và đỏ gay mặt mũi tranh luận bắn cả bọt mép ra ngoài rặt những chuyện vô bổ mà sau khi tàn cuộc, chẳng ma nào nhớ được mình đã ba hoa, phét lác những gì... Hôm nay lại khác. Bảo ước mình say tít cung thang thì hay biết mấy! Ít nhất là có vài giờ để anh bình tĩnh hơn. Đúng ra là để anh hoàn hồn lại, cho anh dũng khí bước vào ngôi nhà nhỏ im lìm còn thơm mùi khói hương u buồn kia.
Mẹ kiếp! Trời thì đẹp thế, mây sao trắng thế còn trăng thì sáng thế! Anh lại đang ngồi ngất ngưởng trên cầu bắc qua hồ Ba Mẫu mà tu rượu tì tì! Gần một chai Nếp Cẩm rồi, chẳng nước non gì. Chà! Rượu Nếp Cẩm bao giờ cũng hay. Bảo thấy nó hay gấp nhiều lần các loại rượu bia nhạt thếch khác. Chúng nó thật ngu! Cứ bảo là rượu làm người ta quên sự đời. Hay ít ra, nó làm người ta bớt sợ hãi. Đếch phải! Trừ phi Bảo uống đến say mèm, mất hết cảm giác và gục ngay tại đây. Còn không, anh vẫn nhìn thấy khuôn mặt trắng như sáp, đôi mắt thất thần của Nga, đôi mắt ngày xưa lúc nào cũng tỏa ra thứ ánh sáng tinh nghịch, rờ rỡ niềm vui sống ấy giờ đã tắt lặng trước mất mát quá lớn mà cô ấy phải gánh chịu. Anh vẫn nhìn thấy thân hình dập nát, rướm máu và mềm oặt của thằng Tâm nằm thẳng trên vạt cỏ cạnh lò gạch nhà Nam Vân. Khi đặt vòng hoa trắng lên mộ thằng Tâm, Nga lăn ra bất tỉnh. Mấy bà nạ dòng quanh xóm thấy thế khóc om cả lên và tìm cách dìu cô về nhà.
Chẳng ai để ý đến Bảo, ông chủ tịch xã điềm đạm, phong độ đang hí húi sửa lại tấm ảnh của thằng Tâm cho ngay ngắn... Nghĩa địa chiều hôm chỉ sau một lát đã vắng hoe hoắt. Nắng cuối ngày vàng ửng thản nhiên vung xuống dương gian một lượt ánh sáng mỏng tèo. Chờ mọi người đi khá xa, Bảo mới nặng nhọc leo lên đường cái, men theo bờ mương uốn quanh làng về nhà...
Trăng lên cao gần đỉnh đầu, vãi thứ ánh sáng của vàng tan chảy lên ruộng đồng, nhà cửa, đất đai một cách phung phí. Từng vệt cỏ lớn dưới chân cầu ven hồ Ba Mẫu chuyển thành màu xanh ánh trắng non tơ, mơn mởn. Trăng trải từng vốc hạt tấm vàng lóng lánh, bé li ti xuống đám lá sen già cỗi, xanh xỉn khiến chúng trở nên mỡ màng hơn. Lác đác vài đài sen đơn độc, xanh nhờ nhờ ngoi cao lêu đêu khỏi chòm lá đông đúc, đung đưa la đà theo gió. Lại có những bông sen đã nở tóe ra, chỉ còn vài cánh lả tả sắp rụng xuống mặt hồ, khép nép đứng bên những bông sen đang thời kỳ đẹp đẽ nhất, búp tròn căng, thon dần rồi chúm lại phía trên, nhẹ nhàng tỏa ra một mùi hương tinh khiết, nồng nàn... Bảo nhìn cả hồ sen rộng mênh mông đang bình yên tắm dưới ánh trăng với vẻ bực bội. Anh cười gằn, vung tay ném chiếc cốc đang uống dở ra giữa hồ. Một tiếng "tõm" vang lên. Anh lại mắm môi mắm lợi quăng nốt cái chai rỗng xuống nước rồi đưa tay vuốt ngược mái tóc, xốc lại cái cổ áo xộc xệch và đi nhanh về phía nhà Nga... Bước vào đến cổng, anh hắng giọng rõ to, vẻ tự tin:
- Nga à! Có nhà không vậy? (Sao mình sợ gặp cô ấy thế này?)
 -...
- Nga...
- Tôi ở đây!
Từ trong sân nhìn ra, dưới ánh trăng màu cỏ úa, Nga đang ngồi bó gối trên tấm phản gạch ở giữa vườn. Anh cũng đã từng vài lần ngồi ở đó dù chưa có lần nào vui vẻ cả.
- Mọi việc xong xuôi cả chưa Nga? (Ngu thế, mình hỏi gì vậy nhỉ? Chôn cất thằng Tâm xong xuôi hay đời cô ấy thế là xong xuôi? Mà xong thế nào được? Rồi cô ấy sẽ sống ra sao khi không có thằng Tâm?).
- Tạm ổn rồi! - Giọng Nga khan khan, không cảm xúc.
- Trăng đêm nay đẹp quá! (Ơ kìa, vô duyên chưa? Lúc này mà còn nói tới chuyện trăng với sao! Mình không kiểm soát nổi cái lưỡi chết tiệt của mình nữa rồi! Ngôn ngữ thi nhau ùa ra khỏi mồm như một đàn dê, kêu be be ầm ĩ thế này ư? Có lẽ mình nên câm như hến mới mong không thất thố. Thật lạ, mình rất hay có cảm giác thất thố trước Nga, kể từ cái đêm cô ấy tát cho mình mấy cái đau điếng. Nga đã dùng hết sức để giáng cho mình mấy cái tát đó nên nó kêu bôm bốp. Trước khi cảm thấy đau, có cảm giác như hai má mình bay đi đâu mất. Ngạc nhiên, mình sờ lên mặt, trong khoảnh khắc, đôi mắt Nga lộ ra cái hốt hoảng, ngỡ ngàng của một bé gái. Có lẽ cô ấy cũng thấy quá bất ngờ! Chính trong cái khoảng lặng bất ngờ đó, mình đã nhìn Nga, nhìn ghê lắm, và mình nghĩ rằng, mình phải ôm cô ấy cho bằng được. Không, mình phải yêu cô ấy cho bằng được...).
-...
- Tôi vừa ở hồ sen về, hôm nay các già không tập hát trống quân ở sân đình... (Sao Nga chẳng nói gì thế này? Các già hát hay không hát liên quan gì tới cô ấy chứ? Ừ, mà sao hôm nay lại không hát trống quân nhỉ? Hồ sen, phải, Nga đã tát mình khi mình dám nhoài người hôn cô ấy trên cái cầu gạch sắp đổ ở hồ sen. Đêm ấy có nguyệt thực, đám trẻ từ chiều đã nháo nhào về chuyện gấu ăn mặt trăng. Chúng khua trống, gõ thúng mủng, xoong nồi râm ran cả xóm khi vầng trăng dần dần bị ăn mất gần hết. Chi đoàn thanh niên đang họp cũng giải tán, kéo về sân đình. Nga thì không, cô ấy ngồi trên cầu, đôi chân đung đưa ngập trong làn nước mát lạnh, gương mặt háo hức nhìn lên mặt trăng. Trông cô ấy thật non nớt và cũng thật quyến rũ. Thế là mình len lén lại gần. Lúc đó, mình hầu như không thở. Đúng, có cảm giác lúc đó mình không thở nữa. Rồi như một tên trộm, mình vội vàng ôm chặt lấy cô ấy và hôn. Nhưng cũng chưa thể gọi là hôn vì đôi môi sần sùi khô cháy của mình vừa chạm vào làn da mịn màng mát lạnh của Nga thì cô ấy đã tát mình rồi (!). Nhìn cô ấy bỏ chạy, mình tỉnh ra ngay và nhận ra tình cảnh lố bịch của mình. Mặt trăng, cho đến tận lúc ấy, cũng chưa thèm ló ra... Tần ngần, mình nhảy lên chiếc thuyền của Nga, bơi thục mạng ra giữa hồ, đến quá nửa đêm mới lủi thủi về nhà...).
-...
- Lâu lắm rồi, tôi mới được ngồi gần Nga thế này! (Nghe giọng có vẻ tán tỉnh quá! Nhưng mình chẳng thấy ngượng, thế là thế nào nhỉ? Mà cô ấy cũng có thèm để ý đâu. Ngày xưa, khi chấp nhận tình yêu của mình, Nga nói: "Sao cứ theo tôi mãi thế?" rồi nhìn mình thật dịu dàng. Và cô ấy cười. Nhìn Nga cười, lòng mình sáng bừng lên. Rồi cô ấy dí tay vào mũi mình, nói câu thứ hai: "Người đâu mà lì! Ghét cái mặt!". Mình nắm vội ngón tay của Nga, đưa lên miệng và cắn chặt lấy, mặc kệ cô ấy kêu đau. Hai đứa cứ đứng vậy, Nga thì nhăn nhó, còn mình vẫn mút chặt ngón tay của cô ấy trong miệng. "Từ mai không phải ngồi trên bờ nữa, xuống hái sen với người ta. Mở miệng ra, trả người ta ngón tay, đau chết đi được!". Không thể tả nổi cảm giác sung sướng của mình lúc đó. Mình cứ đứng đực trên cầu, mặt mũi rân rân, miệng chỉ muốn hét thật to, mặc kệ Nga quay người quảy gánh sen đi từ lúc nào...).
-...
- Năm nay có lẽ được mùa! Lúa ngoài đồng tốt lắm, nhà mình thế nào? (Chẳng biết nói gì cả! Giờ thì lời lẽ lại bay biến đi đâu hết rồi? Giá Nga cứ nhìn mình căm giận, hoặc quát vào mặt mình "Xéo đi!", có lẽ mình sẽ thấy dễ chịu hơn, đằng này... Ngày xưa, lúc còn yêu nhau, cô ấy thật ngoan hiền, đằm thắm. Mình vẫn nhớ những ngón tay thon thả Nga lùa vào tóc khi mình hôn cô ấy, nụ hôn dài và nóng bỏng. Nhớ thân hình mềm mại của Nga khi cô ấy nép vào ngực mình tin cậy. Nhớ làn da nâu mịn mượt, nhớ mùi thơm nồng nàn khi mình ôm cô ấy vào lòng... Một lần, mình phải dự lớp tập huấn quản lý trên tỉnh, nửa tháng không về nhà. Những ngày đó mình nhớ Nga quay quắt. Buổi tối, háo hức tới hồ sen, mình ôm bổng cô ấy lên: "Nhớ anh không?". Nga không nói, chỉ gật đầu, lại cười. Nụ cười làm mình mê mụ, đặt vội cô ấy xuống thảm lá sen hai đứa vừa trải. Mình cứ siết cô ấy thật chặt, đôi môi tham lam của mình cuống quýt lần tìm... Vũ trụ lúc ấy ngừng quay, trăng không sáng và gió thì ngừng thổi, chỉ còn hơi thở dịu dàng, mùi thơm ngọt ngào của cơ thể Nga quyện với mùi hương nồng nã của lá sen già bị đè nát bao phủ hai đứa. Mình như chết đi rồi lại sống lại với những ước muốn thật điên khùng, những khát khao được chinh phục. Cảm giác sung sướng vì được yêu thương, dâng hiến khiến mình rung động tận tâm can. Đến nửa đêm, mình mới mặc lại chiếc áo còn thấm đẫm mùi sen cho Nga rồi hai đứa dắt nhau đi về... Sau đêm ấy, trò chơi chồng vợ trên chiếc thảm lá sen trải dưới chân cầu được cả hai say mê chơi, đến tận lúc thu tàn...).
-...
- Tôi thành thật chia buồn! (Trời đất ạ! Giờ mới nói được câu hẳn hoi tử tế! Sao lúc nào mình cũng chỉ gặp Nga khi cô ấy buồn nhỉ? Ngày mình chia tay với Nga để lấy Dung, mình đâu ngờ cô ấy lại bỏ làng đi, mà lại còn đi rất lâu nữa, mà lại còn sống một mình, không muốn cùng ai. Cô ấy chỉ về làng khi thằng Tâm đã sáu tuổi, cái tuổi phải đến trường).
-...
- Nếu cần gì, Nga cứ nói, tôi sẽ giúp! (Ô hay, mình lại nói lung tung trước mặt cô ấy rồi! Đêm ấy, cũng lại có nguyệt thực, mình hẹn mãi Nga mới chịu ra hồ sen. Mình dự định sẽ nói hết với cô ấy, chia tay như thế để mình đỡ áy náy, không, không chỉ là áy náy, mà xấu hổ. Đúng, để mình đỡ xấu hổ! Mình muốn vun vén nốt những mảnh danh dự đã bị móc ăn dần gần hết khi toan tính rời bỏ cô ấy nhưng chưa kịp uốn lưỡi thì cô ấy đã nổi điên lên. Mình vẫn nhớ ánh mắt giận dữ Nga đã nhìn mình trước khi hét lên "Đồ hèn!" rồi bỏ đi. Lúc đó, mình vẫn thấy cô ấy xinh đẹp vô cùng. Y như ngày nào mình giống thằng ngơ, lẽo đẽo đi theo cô ấy khắp nơi. Hầu như ngày nào mình cũng tìm cách nhìn thấy Nga, đi theo cô ấy, khi thì từ đồng về nhà, lúc lại từ hồ sen tới chợ huyện...).
-...
- Nga đã ăn uống gì chưa? Dù thế nào cũng phải để ý đến sức khỏe chứ? Mấy ngày nay bận quá, muốn tới thăm Nga mà không được, Nga thông cảm! (Thực ra, mình có bận rộn gì đâu. Ruột gan mình như lửa đốt vậy, nhưng biết nói gì với cô ấy. Thế đấy, vẫn im lặng, vẫn dửng dưng như không! Ngày Nga bỏ làng đi, dân tình ầm ĩ một thời gian dài. Mình thì chẳng dám hé răng, ngày ngày đóng vai kẻ bị bỏ rơi với vẻ mặt ủ rũ. Mình có đi tìm, và cũng chờ đợi dù biết, cô ấy sẽ không trở về, ít nhất là thời gian đó... Một năm sau, mình cưới Dung. Cuộc sống mình lập tức đổi khác. Vốn liếng của Dung rất khá, bố vợ mình cho hai vợ chồng hẳn một nếp nhà. Dung mê mình nên cô nàng hoàn toàn hạnh phúc và rất yên tâm vì Nga đã bỏ đi. Ngày ấy, nếu Dung không si mê mình đến thế, không tìm mọi cách gần gũi mình, chắc mình không nghĩ tới chuyện bỏ Nga. Dung lại là con gái bí thư huyện ủy. "Cậu có thích nó không, tớ gả cho? Nó ngoan lắm, lại đảm nữa, nhiều thằng tán tỉnh thế nhưng nó đã chọn cậu...". Nếu chỉ vậy cũng chẳng vấn đề gì, đằng này, Dung công khai theo đuổi mình, cô nàng đến, làm thân với cả nhà. Và mẹ mình thì mê tít, không như với Nga, ngay từ lúc yêu nhau, bà đã phản đối quyết liệt: "Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống. Bố con Nga cờ bạc, rượu chè be bét suốt ngày. Còn mẹ nó thì đã bỏ chồng, bỏ con để theo một tay nghệ sĩ nửa mùa nào đó từ ngày con bé mới ba tuổi. Cái tông nhà nó nào có ra gì mà anh cứ mê muội đâm đầu vào!". Lúc đầu, mình không nghĩ như mẹ, cũng chẳng bận tâm đến Dung. Nhưng dần dà, mình bắt đầu tính toán. Mình biết, nếu lấy Dung, mình sẽ được rất nhiều, chức chủ tịch xã sẽ nằm trong tầm tay vì mình đang là một cán bộ trẻ có năng lực của ủy ban xã. Công bằng mà nói, Dung cũng khá đẹp, lại giỏi kiếm tiền, lại vén khéo, chỉ mỗi tội lùn, cái gì cũng ngắn và tính nết thì lanh chanh, xốc nổi. Chỉ có một điểm Dung ăn đứt Nga, là Dung rất lẳng. Vừa lẳng vừa điệu. Vẻ điệu đà hồn nhiên và có chút yếm thế khiến lòng tự ái của thằng đàn ông trong mình được thỏa mãn. Quỷ khiến ma xui ư? Không. Danh vọng ư? Cũng một phần. Những lời cằn nhằn cấm đoán của mẹ? Không hẳn. Thế thì vì cái gì nhỉ? Vì cái gì mà mình lại lén lút ngủ với Dung? Đến lúc ấy thì mọi việc thực sự hỏng dần. Và Nga biết chuyện. Cô ấy không nghe mình thanh minh, không trách cứ dù một lời. Cô ấy tránh mặt mình và lặng lẽ bỏ làng đi... Thực ra, chưa khi nào mình thấy thanh thản kể từ ngày Nga bỏ đi và càng day dứt hơn khi cô ấy đem thằng Tâm trở về, ra ủy ban xã xin thầu lại hồ sen và tới trường xin học cho con. Giấy khai sinh của thằng Tâm mang họ mẹ. Bố Nga đã mất, cô ấy sống một mình với con trai, lặng lẽ, nghèo khó. Sáu năm, đủ để người ta quên rất nhiều chuyện, trong đó có chuyện tình cảm của mình và Nga. Ngay cả Dung cũng chẳng bóng gió ghen tuông gì, bởi Dung rất đời thường và ít tinh tế. Sống với nhau mười mấy năm, có hai mặt con, Dung vẫn không thay được tính, đổi được nết dù chỉ chút ít, vẫn là cô hàng xén ở chợ thị trấn, so đo xếm đếm toàn những chuyện lặt vặt, chỉ thích đọc tiểu thuyết diễm tình chữ to thuê ở các quán truyện cũ rồi về mơ mộng, kiểu mộng mơ nửa vời, sáo rỗng khiến mình nhiều lúc phát chán. Giá cô nàng cứ mộc mạc, đừng dở giăng dở đèn, có lẽ mình sẽ đỡ ngán ngẩm hơn. Việc dạy dỗ con cái cũng vậy, hai đứa con gái, giống y tính mẹ, học hành làng nhàng, rất thích làm đỏm, chỉ được cái ngoan ngoãn... Mình biết, Nga như ly rượu mạnh, mình đã say mê uống và bị ám ảnh suốt đời).
-...
- Nga nói gì đi chứ? Mười mấy năm qua rồi, Nga vẫn chưa tha thứ cho tôi ư? (Thật tồi tệ, chỉ khi nào có chuyện xảy ra với Nga, mình mới gặp được cô ấy, nói được dăm câu ba điều dẫu Nga chẳng bao giờ thèm nghe. Mười năm qua, cô ấy thờ ơ đi ngang qua cuộc đời mình, cặm cụi làm lụng nuôi thằng Tâm ăn học và chăm sóc hồ sen. Với cô ấy, mình không còn tồn tại, không còn hiện hữu nữa. Mình thì không thể, mình lẳng lặng để ý thằng Tâm lớn lên, học cấp hai rồi vào trung học. Mình tìm đủ cách, vẫn không sao giúp đỡ được mẹ con cô ấy dù chút ít, bởi Nga không chịu nhận sự giúp đỡ ấy. Mình yêu nó, không hiểu sao mình rất yêu thằng bé. Mười sáu tuổi, nó cao lớn, khỏe mạnh, học hành giỏi giang và rất thương mẹ. Ngoài giờ học, nó còn làm đủ việc mong mẹ đỡ vất vả. Nó cứ đòi đi đóng gạch thuê để kiếm tiền phụ thêm cho Nga dù mẹ nó không đồng ý. Giờ thì nó chết rồi, chết vì sập cái hầm khi nó đào đất đóng gạch. Cái hầm hàm ếch oan nghiệt ấy đã vùi kín thằng bé mấy giờ liền khi nó mải mê khoét sâu từng xẻng đất để chọn bằng được dẻo đất tốt, đóng gạch phơ loại một, tiền công sẽ nhiều hơn. Nó đã say sưa đào, đã hào hứng khoét sâu thêm mãi mà không để ý đến chuyện nguy hiểm vì đây là đất phù sa, rất tơi xốp. Thằng bé không có kinh nghiệm nên chuyện đau lòng đã xảy ra. Nghe tin nó chết, mình như người bước hụt, trời đất bỗng tối sầm, tim mình đau buốt. Mình chẳng cần để ý gì đến xung quanh, chân không giày, cuống cuồng chạy về bãi Nổi. Nhìn thằng bé nằm như ngủ, gương mặt vẫn phảng phất buồn, nỗi ân hận trong mình trào lên dữ dội. Mình ao ước giá được làm lại, nhất định mình sẽ quyết định khác, ít nhất là không cho thầu lò gạch ở triền sông như thế này...).
-...
- Mấy hôm nay Nga có ra hồ sen không vậy? Tôi thấy sen nở nhiều lắm, ngày mai đi hái kẻo muộn! (Từ ngày Nga về làng, hồ sen mới có người chăm sóc, mấy năm cô ấy bỏ đi, chẳng ai chịu nhận thầu, người ta còn định dọn hồ nuôi cá. Giờ thì đám thanh niên trong làng chỉ thích ra hồ sen tâm sự, chẳng khác gì mình ngày xưa. Có đứa nào biết được, lá sen già trải xuống bờ cỏ có mùi rất thơm không nhỉ? Nhất là khi lá đã nhàu, đã quyện với mùi hương cơ thể của người thương. Lẽ ra thằng Tâm không chết, nó cũng đã đến tuổi hẹn hò, nó lại rất thích đi hái sen giúp mẹ. Lẽ ra nó phải là con trai của mình, vì nó là con Nga. Lẽ ra mình không nên lấy ai ngoài cô ấy, mình cũng không nên làm chủ tịch xã làm gì để giờ đây mọi thứ đều hỏng bét và không thể cứu vãn được...).
-...
- Đêm nay có nguyệt thực không Nga? (Sao mình lại nghĩ đến nguyệt thực lúc này nhỉ? Hơn mười năm qua, mình hầu như không để ý tới điều đó. Mình còn bận tìm cách cắt những dải đất gần đường lớn để bán. Dĩ nhiên, mình và bố vợ của mình, giờ đã là một nhân vật quan trọng của ủy ban tỉnh, cũng mua được vài suất với giá rẻ như cho không. Thời gian này, đất bỗng lên giá, mỗi suất lời vài trăm triệu, Dung đang sung sướng phát run mấy tháng nay, cô nàng đưa ra bao nhiêu dự định buôn bán to nhỏ, chẳng hiểu có làm được gì không với tính khí ấy... Sau đó, mình còn bận chạy đôn chạy đáo xin kinh phí làm đường, xây trường, trạm y tế cho xã. Mỗi lần như vậy, nhà mình lại có thêm một cuốn sổ tiết kiệm với số tiền đủ để gia đình mình sống cả đời. Rồi đến việc cho bao thầu các lò gạch khu bãi Nổi. Phải lo lót chán chê, tiền rải khắp chốn việc mới thành. Hơn hai chục cái lò ngày đêm nhả khói làm táp hết hoa màu của cả một vùng. Dân kiến nghị, lại tiếp tục xoay. Vừa xoay ở trên, vừa nghĩ cách giải quyết đền bù cho dân ở dưới, cuối cùng cũng tạm ổn. Nhưng mình đã không lường được nhiều điều tồi tệ có thể xảy ra ngoài sự tính toán, hay đúng hơn, không thể tính được. Mùa nước lên năm ngoái, hai đứa trẻ nhà chị Hoa rủ nhau đi câu cá ở bãi Nổi, bị ngã xuống một cái thùng đấu chết đuối. Cái thùng ấy do thợ làm gạch đào lấy đất. Họ đào quá sâu nên chúng không thể bò lên bờ vì tất cả đều trơn tuột, thẳng đứng. Người ta thấy hai đứa khi chúng đã nổi lên sau ba ngày tỏa đi khắp nơi tìm kiếm. Thằng em vẫn khư khư ôm cổ thằng anh, trông thật thương tâm. Bị mất liền lúc hai đứa con, chị Hoa phát bệnh tâm thần, suốt ngày lang thang hò hét ngoài đường, gặp đứa trẻ nào chị cũng nhận là con... Biết ra thì đã quá muộn, khắp bãi Nổi đều lổn nhổn những cái thùng đấu như vậy, người ta chỉ còn biết cấm con cái mình không được bén mảng ra đó, dù là làm gì. Đến lúc này thì mình thấy, mình thực sự sai lầm. Cái chết của hai đứa trẻ thơ ngây đã khiến mình mất ăn mất ngủ nhiều ngày trời. Dự tính chấm dứt việc khai thác đất đai bừa bãi vào cuối năm nay, mình sẽ mất một khoản thu rất lớn vì nhà mình cũng có ba lò trong đó do chú em đứng tên. Mình chỉ ngại không thuyết phục được mọi người, món lợi lớn quá, hợp đồng khai thác phải hai năm nữa mới hết. Cả bãi Nổi xanh tốt, trù phú thế, sau vài năm đã hầu như không còn cây cối hoa màu. Triền sông giờ như một con rắn khổng lồ quằn quại với những vết lở loét không thể cứu chữa vì làm sao có thể lấp đầy những cái thùng đấu sâu hút kia? Mình sai rồi, mình là kẻ có tội khi đã dùng mọi cách, thậm chí dùng thủ đoạn để được trên cho phép khai thác bãi Nổi thế này... Đêm nay có nguyệt thực không nhỉ? Thằng Tâm chết rồi! Nó là con ai? Mình rất yêu nó! Tại sao mình lại yêu nó đến thế dù nó cũng như mẹ nó, chẳng bao giờ ỏ ê gì tới mình, tới tình cảm của mình? Trăng đẹp thật, thế này mà các già không hát trống quân ở sân đình thì tiếc quá!...).
- Khuya rồi, về đi!
- Tôi...
- Về đi!
-...
Sương đêm thấm vào áo Bảo lành lạnh, anh vẫn đứng ngây thuỗn trong vườn nhà Nga, hết nhìn cánh cửa đã khép chặt lại bần thần ngước nhìn trời, miệng lẩm bẩm: "Đêm nay có nguyệt thực không nhỉ?"...
Hà Nội, tháng 11/2005
H.M
 

Xem Tiếp: ----