Ông già đi qua đống rác.
Có cái gì như quen quen. Trông kỹ ra, thì là cái ghế cũ, ai đó vứt đi. Điều lạ là ông già có cảm giác thấy nó quen quen. Ông định đi nhưng lại dừng lại. Một thoáng nghĩ ngợi, thế rồi ông tạt vào bãi rác. Cái ghế tựa bọc vải, gẫy một chân. ừ vứt đi kể hơi phí. Mình có thể khuân về làm một thứ gì đó. Ông già nghĩ ngợi, rồi quyết định bê chiếc ghế. Sức già, chẳng còn như thuở ông làm bảo vệ ở cơ quan, vác cái ghế đến là vất vả.
Nhìn chồng khệ nệ khiêng vác, trán lấm tấm mồ hôi, vợ ông cằn nhằn, bảo ông mang cái của nợ đó về làm gì, thứ chỉ đáng vứt vào đống rác. Không nói gì, ông lặng lẽ đặt nó trước sân và quay vào nhà. Một thoáng ông ra, tay mang nào cưa, nào búa, lúi húi cưa cưa đóng đóng cái chân ghế gẫy.
Chiều ấy khi thằng cháu nội học mẫu giáo về, nó tròn mắt nhìn cái ghế lạ. Ông bảo thằng cháu ngồi thử. Thằng bé vốn hiếu động, ông nội chưa dứt lời, nó đã nhảy phốc lên. Cái ghế gãy, táp lại, chân đóng không bằng, đâm ra cập kênh, khi thằng bé nhún nhảy, nó cứ bập bênh theo nhịp. Thằng bé cười khanh khách. Đầu óc trẻ thơ, trên cái ghế khấp khễnh, nó tưởng tượng ra mình đang trên lưng ngựa. Khoái chí nó càng rập rình tợn hơn. Cảnh đó làm hai ông cháu, một già một trẻ, cười như nắc nẻ. Bà già ngó ra, chép miệng, già rồi còn như trẻ con. Nói vậy nhưng bà nghĩ, lâu rồi, từ khi nghỉ hưu, mới có dịp thấy ông lão vui như vậy. Cũng từ hôm ấy, chiều chiều, cái trò cưỡi ngựa của cháu, ông đứng xem, lại diễn ra, tiếng cười rộn rã trong sân. Và quái lạ, ông già vẫn thấy có cảm giác quen quen, mà ông chưa nhận ra. Tuổi già, quên quên nhớ nhớ vậy đấy.
Ông không nhớ ra cũng phải. Cái ghế cũ, trước đây đã bao giờ ông được ngồi lên nó đâu. Có chăng là ngày đó, khi còn làm bảo vệ cơ quan, nghe anh em bàn tán, tự dưng đâm tò mò, một lần nhân mọi người về hết, ông dò dẫm leo lên gác, xem. Cái ghế cũng bình thường, có gì đặc biệt đâu - một cái ghế bành, lớp vải bọc lâu ngày nên nhiều chỗ sờn rách. Nhìn cái ghế ông nghĩ bụng, có thế thôi mà người ta cứ rì rầm. Cái ghế chỗ ông - phòng bảo vệ - còn cũ hơn, sao chả ma nào bình phẩm. Đấy là ông nghĩ, chứ so sánh cái ghế bảo vệ chỗ ông ngồi với cái ghế kia thế nào được. Ghế người ta, ghế giám đốc, dù là giám đốc đã nghỉ hưu.
Hồi ấy, nhân viên văn phòng mua cái ghế về cho giám đốc. Thời đó nó thuộc diện sang, người ta chỉ quen ngồi ghế tựa, ghế băng. Giám đốc vốn là người xuề xoà, ông bảo, lãng phí quá, ông ngồi ghế nào chẳng được, trả lại có được không. Nghe vậy nhân viên nhao nhao, sao lại trả, lý ra thủ trưởng còn ngồi gấp mấy lần cái ghế này cơ. Ông biết đó là sự quan tâm của anh em, chẳng lẽ từ chối lòng tốt của họ. Thôi thì ông ngồi vậy. Vì cái ghế khác kiểu các loại ghế bàn trong cơ quan, không thể kê cùng dãy được, nên một mình nó đặt ở đầu dãy. Từ khi có cái ghế mới, tự dưng các cuộc họp, ông giám đốc ngồi giữa hai dãy bàn, nhân viên cấp dưới dàn ra hai bên.
Nếu chuyện chỉ vậy thì cũng chẳng có gì đáng nói. Và nếu như ông giám đốc không về hưu, cũng sẽ không có chuyện cái ghế bị đem ra bán tán. Giám đốc đến tuổi hưu, ông thanh thản nhận quyết định. Lúc đó cơ quan hai phó. Xét các tiêu chuẩn: năng lực, trình độ văn hoá, quan điểm chính trị, thành phần xuất thân, vân vân và vân vân, hai ông phó, tiêu chuẩn đều ngang nhau chằn chặn. Thật khó xử cho cấp trên và cả ông giám đốc, về hưu rồi mà vẫn chưa chọn được người kế nhiệm. Thế là công việc cơ quan đặt chung lên vai hai ông phó. Từ trước đến nay, cả hai phó đều là cánh tay trái, tay phải của giám đốc, họ rất thương yêu, đùm bọc nhau. Ngay cả thời gian đầu khi giám đốc về hưu, chưa nhân viên nào thấy họ hục hặc. Thực ra thì thuộc cấp ngầm hiểu, hai ông phó có mâu thuẫn đấy. Cuộc ganh đua dễ thấy nhất chính là từ cái ghế. Hai ông phó, không ai ngồi lên cái ghế đó. Các cuộc họp, cái ghế như ranh giới của hai ông phó, tiếp đó là nhân viên, ngồi theo ngôi thứ. Tuy chẳng ai nói ra, nhưng họ đều ngầm biết, ai ngồi dãy bên nào, là ủng hộ ông phó ngồi bên đó. Do vị trí hai ông phó ngồi, anh em trong cơ quan đặt luôn tên: ông Phó Tả, ông Phó Hữu. Lâu dần gọi thành ông Tả, ông Hữu cho tiện.
Một tháng, hai tháng, ba tháng, tình hình cơ quan không có gì thay đổi, các cuộc họp người ta vẫn ngồi như vậy. Có điều lạ, cái ghế không ai ngồi mà nó vẫn sạch, sạch như lau như ly, sạch tưởng như cái ghế vẫn có người ngồi. “Lạ thật” - đấy là ý nghĩ của cả hai ông phó, chứ còn nhân viên ai người để ý. Nhòm ngó vào, khéo không người ta lại tưởng mình cũng muốn ngồi vào đấy.
Lạ thật, sao nó sạch sẽ thế, không một hạt bụi. Ông Tả nghĩ, Ông Hữu trong thâm tâm cũng vậy. Vì chưa bổ nhiệm trưởng, thứ rõ ràng, nên công việc cơ quan tạm phải phân công, cách phân công là mỗi ông phó trực một phiên - trực luân phiên, có khi luân phiên ngày, có khi luân phiên tuần, luân phiên buổi. Mỗi ca trực cũng là dịp họ có điều kiện tìm hiểu tại sao cái ghế lại sạch sẽ thế. Và cả hai ông phó thầm nhận ra nguyên nhân. Ấy là vào phiên trực của ông phó nào, thường thì người đó về muộn, khi nhân viên đã về hết, ông sẽ hùng dũng tiến lại cái ghế cũ, ung dung ngồi vào đó. Mắt dõi nhìn bao quát, tay khoát về dãy bàn trước mặt, tất nhiên lúc này là dãy bàn trống không, miệng ứ hự, ông phó ta đang chỉ đạo... Điều bí mật như thế mà không hiểu sao, cả hai ông đều biết, cái ghế không ai ngồi nó vẫn sạch. Khi đã phát hiện ra nguyên nhân, họ đâm ra bực tức. Chỉ có điều chẳng ai trong hai ông tiện nói ra.
Tuần ấy đến phiên trực của ông Tả, ông Hữu có chuyến công tác xa. Ai cũng biết, cơ quan của ta, vốn lâu nay tài sản là của công, từ vật rẻ tiền mau hỏng đến loại tài sản cố định, nhiều vô kể. Đã nhiều vậy chúng còn thường xuyên được bổ sung, không hỏng cũng mua, mua rồi thì tranh thủ thanh lý. Cái tài sản chung ấy nhiều tới mức người ta chẳng còn rõ cơ quan có những gì. Số phận cái ghế kia cũng vậy, mua nó lâu năm rồi, đến mức hoá đơn, giấy tờ, hoá đơn và biên bản kiểm kê hàng năm, xếp đầy một tủ. Để lâu quá giấy tờ mục nát hết.
Mua sắm hàng quý, hàng năm là cách cải thiện cho cánh nhân viên quản trị, còn tiến hành thanh lý là cách cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho toàn bộ anh em cơ quan - gắp thăm, mua được cái tủ mọt, cái phích cũ, cái xoong công đoàn méo. Cũ là cũ cơ quan, chứ với gia đình, thì còn sang chán. Phiên ông Tả trực, đúng vào dịp tiến hành thanh lý hàng năm. Hôm thanh lý, công nhân viên chức cơ quan như sống trong ngày hội. Đấu giá kín sẽ bảo đám bí mật không thiên vị, đấu giá hở sẽ bảo đảm dân chủ công khai... Trước hội đồng thanh lý, khi thấy cậu nhân viên giơ tay trước tiên, vừa nghe cậu trình bày, mọi người mắt tròn mắt dẹt, không ai tin nổi điều mình vừa nghe, tại sao có kẻ bạo gan, dám đòi mua cái ghế giám đốc cũ. Mấy vị hội đồng còn đang lúng túng, thì lạ thay, ông Phó Tả tươi cười gật đầu, ừ nó là cái ghế cũ, thanh lý được.
Sau buổi thanh lý, nhân viên cơ quan thì thầm, cậu nhân viên mua cái ghế cũ kia để làm gì nhỉ. Thôi đúng rồi, nó là âm mưu của một trong hai ông phó, họ muốn gạt chướng ngại vật trên con đường thăng quan tiến chức của họ.
Lâu nay cả hai ông phải khó chịu nhìn cái ghế lắm. Thực ra người mua thanh lý cái ghế cũ không phải là cậu nhân viên kia, mà chính là ông Tả, ông chỉ nhờ cậu nhân viên đứng tên thôi. Ngay chiều đó, ông Tả chầu trực ở nhà đón ghế. Cái ghế được ông đặt ở một nơi trang trọng trong phòng làm việc. Kể từ hôm đó, bà vợ ông thấy lạ: chiều ông chồng về làm sớm, sáng ông không còn dậy muộn và ông ở luôn ở lì trong phòng làm việc của mình. Một lần tò mò, bà ngó trộm qua khe cửa. Thật sửng sốt, bà thấy chồng đang ngồi trên ghế, vung tay, vung chân, giữa cái phòng chỉ có mỗi mình ông. Vợ ông lo lo, hay là chồng bà mắc bệnh gì. Bà hỏi thì ông gạt phắt đi, phụ nữ biết gì việc đại sự. Đúng bà biết làm sao được, hàng ngày ông đang thưởng thức sự ngồi lên cái ghế, ngồi để lấy khước.
Hết phiên trực ông tả, thì ông Hữu đi công tác về. Thật khó tả sự tức bực của ông Hữu đến cỡ nào, ông nhanh chóng điều tra ra cái ghế đang ở đâu. Biết thì biết, nhưng ông Hữu không làm gì được. Người ta không tham ô, không lợi dụng chức quyền, chẳng lẽ trình bày với cấp trên về việc thanh lý, mua bán chiếc ghế cũ. Được, nhưng ông không để yên đâu. Rất may ông Tả hết phiên trực, lại nói rằng, ông có chút việc riêng, sẽ nghỉ ở nhà cả tháng. Không thầy ông Hữu ý kiến gì, hình như chỉ thấy ông hơi nhếch mép. Phiên trực ông Hữu được ba hôm, từ nhân viên bảo vệ, thủ kho, đến lái xe đều sững sờ nghe tin, ông Hữu có quyết định bổ nhiệm được lên ngôi trưởng. Tin quá bất ngờ, đến mức vây cánh thân tín của ông Tả, nhìn cái quyết định còn chưa tin, họ tất tả phi về báo cho ông Tả. Ông Tả nhận được tin trong lúc ông đang ngồi luyện ghế. Ông giận một trận lôi đình, nạn nhân gánh chịu trước tiên chính là cái ghế. Nó bị ông nhấc lên và giáng mạnh đến mức, một chân ghế rời ra. Nếu không có bà vợ, thì không biết đồ đạc trong phòng còn bị đập phá đến cỡ nào. Bà vội ôm chặt lấy chồng, cuồng cuồng nhờ cậu nhân viên giúp sức, tống vội cái ghế chết tiệt kia sang phòng khác. Sau lần ấy, ông phó tả bị trận ốm thập tử nhất sinh, tới mức ông phải nghỉ hưu. Ông trưởng mới nhậm chức, chẳng rõ có sắm cái ghế mới không, nhưng chức trưởng chưa nóng chỗ, ông đã bị vướng vào chuyện gì đó...
Số phận cái ghế ra sao? Sau lần bị đập gẫy chân, nó bị quẳng vào căn phòng trống. Lúc đó còn ai để ý, con cái ông bà phó Tả thì đi xa, ông lại ốm đau. Để đến lúc đứa con ông từ phương xa về, cần phòng riêng, nên nó thu dọn lại căn phòng. Thằng con hơi lạ khi thấy cái ghế cũ, lỗi mốt và một chân bị gãy. Nó sai người khuân cái ghế vứt ra bãi rác.
Ông già bảo vệ từ khi nhặt được cái ghế, hai ông cháu thường chơi đùa. Ông bảo vệ vẫn thấy có cái cảm giác quen quen. Để đến một buổi chiều, cũng vào tầm thằng bé tan lớp mẫu giáo, ông đưa cháu ra phi ngựa ghế, thằng bé cười như nắc nẻ. Ngắm cháu cười, tự dưng ông già nhận ra cái ghế. Bế thằng cháu xuống, ông thong thả ngồi lên, tủm tỉm cười, ông đưa tay vuốt râu, cao giọng kiểu phường tuồng:
- Như ta đây là vua... khà khà...
Thằng cháu nhìn trò chơi mới của ông nội, càng cười như nắc nẻ. Khi thằng bé ngồi, nó nghĩ, ấy là con ngựa, còn khi ông nó ngồi vuốt râu, nó lại nghĩ, ấy là vị vua trong câu chuyện cổ tích, mà ông nội thường kể cho nó nghe./.

Xem Tiếp: ----