Chương XIII
Phương pháp ghi thời gian hay là qui - lịch

1. Nhật, Nguyệt, Tinh, Thần
Có lẽ không đâu bằng ở lịch số chúng ta thấy rõ hai quan niệm thời không Đông Tây khác nhau vì lịch là một thứ thời gian có tính cách Xã-Hội (tempscivil) được xác định như những thể chế như lịch hơn thời-gian vũ-trụ (le temps cosmique) đã nói ở trên, tuy đã phân minh nhưng chưa hiện hình vào thể-chế. Vì vậy học về lịch số càng hiểu rõ hơn cơ cấu thời gian của mỗi nền Văn Minh.
Lịch là một thể-chế quan trọng nơi các dân tộc cổ đại, nó thường đi liền với các tôn-giáo để làm nhịp cho cuộc sống bằng các qui định những ngày hội-hè lễ-lạy trong năm, vì thế nó rất giàu khả năng biểu thị cơ-cấu thời gian có tính cách xã hội với rất nhiều ý nghĩa nhân vi mọc như tầm gửi trên thời gian vũ trụ…
Nhất là bên Viễn-Đông quê hương của nền Văn-hóa Nông nghiệp, là Văn hóa chú ý tới lịch như nhịp sống. Vì thế mà nền triết lý của nó lấy "Thái-Hòa" làm chỗ đạt đạo đức tức là người sống hợp với Trời Đất. Cho nên việc sống theo thời-gian trở thành điều tối quan trọng. Trong thực tế việc ghi thời-gian biểu-lộ ý-hướng Thái-Hòa kia, do đó lịch số chiếm một địa vị vượt xa các thể chế khác. Bởi vậy khảo-cứu lịch, chính là khảo-cứu triết lý về khía-cạnh xã-hội cụ-thể như thể chế và thiên văn là khoa-học có tính cách chính xác. Vì lịch bao giờ cũng đi đôi với thiên-văn, một khoa đã được thành lập nhằm mục đích đo lường thời-gian, cho nên nói đến lịch số là nói đến số độ trên đường diễn tiến vận hành của thời khắc (lịch là trải qua).
Với Viễn-Đông thì bản văn cổ đại nhất liên quan đến thiên-văn lịch số là thiên Nghiêu-Điển, mở đầu Kinh Thư. Có thể nói đó là kết quả cuối cùng của một sự suy-tư tìm kiếm đã kéo dài không biết bao nhiêu thế kỷ xa trước và kết tinh lại nơi đây nên đáng cho ta nghiên cứu kỹ-lưỡng. Vậy phương pháp của nó lấy ngày Xuân-phân, Thu-phân, Hạ-chí và Đông-chí vào 6 giờ chiều lúc mặt trời lặn xem ngôi sao nào mọc ở Phương Nam mà qui-định thời tiết mỗi mùa. Nghiêu-Điển đưa ra một bản-văn mà then-chốt rút gọn như sau:
Nhật trung tinh Điểu dĩ ân Trung-Xuân
Nhật vĩnh tinh Hỏa dĩ chính Trung-Hạ.
Dạ trung tinh Hư dĩ chính Trung-Thu
Dạ vĩnh tinh Mão dĩ định Trung-Đông
Tuế tam bách lục thập lục nhật.
Dĩ Nhuận nguyệt chính tứ thời.
"Khi ngày bằng đêm thì lấy sao Điểu để Ấn định Xuân-phân.
Khi ngày dài thì lấy sao Hỏa để định Hạ-chí.
Khi đêm ngày dài ngang nhau thì lấy sao Hư để định Trung-Thu.
Khi đêm dài thì lấy sao Mão để định Đông Chí.
Như thế một năm có 366 ngày.
Dùng tháng nhuận để điều chỉnh bốn mùa cho hợp thời tiết".
Bản Văn trên đây không những là nền móng cho lịch pháp Viễn Đông nhưng đồng thời bao hàm một nền triết lý đặc trưng nên hễ hiểu sai thì ngộ nhận luôn cả nền triết lý xây nên nó. Nhưng không may đó là việc đã xảy ra, cho nên mới có những học giả rất thành tâm và đầy thiện cảm như Chavannes mà không nắm nổi then chốt (S.559) nói chi đến những người như Legge, Chalmers, Schlegel, Whitney v.v… nặng óc thành kiến, đến nỗi De Saussure sau hơn hai mươi năm nghiên cứu tỉ mỉ về nền thiên văn lịch pháp Viễn-Đông đã phải thốt lên rằng: thật là một cuồng phong đã thổi trên những tranh luận về văn bản Nghiêu-Điển: "Un vent de folie semble avoir soufflé sur les discussion des fameuses Nghiêu-Điển".
Những sự vô ý hiểu lầm hoặc cố ý xuyên tạc đã làm hư cả gần một thế kỷ nghiên cứu. Lý do chỉ vì một điểm nhỏ xíu, nhưng lại là đặc tính của Đông Phương: một bên lịch pháp của Tây-Phương theo hệ-thống hàng ngang, bên này Viễn-Đông theo hệ thống hàng dọc. Nhưng khi đọc hầu hết để trôi qua mà không nhận ra chỗ khác biệt đó.
2. Hai yếu tố quan trọng của lịch
Muốn hiểu bản chất lịch pháp nên chú trọng đến những điểm sau:
1) Trước hết là hai yếu-tố then chốt trong việc làm lịch: tức là quãng thời gian một năm, hai là khởi điểm của năm. Cả hai yếu tố đi liền với những thiên thể được dùng làm lợi khí đo lường và báo hiệu khởi điểm của năm, nếu dùng nhật thì là dương-lịch, dùng nguyệt thì là âm-lịch v.v…
2) Thứ đến là động-cơ thúc đẩy thì có thể phân ra ba loại.
Một là động cơ đó có thể thuộc tôn giáo với mục tiêu qui định các ngày lễ như ở Ai-Cập hay Roma cổ đại, nên lịch pháp thường do tư tế điều khiển.
Hai là nhân vi ích dụng để đáp ứng với việc ăn làm trồng tỉa, thu gặt, hoặc nữa để qui-định giờ canh thức tuần-phòng.
Ba là nhân-sinh có tính cách triết-lý tức là ngắm đường vận hành thiên tượng để Hành Đạo, như trường hợp Viễn-Đông gồm cả ích-dụng động-cơ loại hai và cả nhân sinh loại ba.
3. Những lối tính quãng năm
Điểm đầu tiên là Quãng thời gian trong một năm cùng ngày Đầu năm lập Xuân, nó liên hệ với nhau cũng như với thiên thể dùng làm căn cứ. Thiên thể là mặt trăng, mặt trời và thứ đến là các sao tú gọi là thần
Nếu như dùng mặt trăng để đo tháng có thể gọi là tiện. Vì tháng theo tuần trăng rất rõ ràng và thường là 28 ngày nhưng dùng trăng để đo năm lại rất dở vì chỉ sau 3,4 năm đã thiếu đi một tháng nên không còn hợp thời-tiết và đấy là căn cớ sinh ra bao nhiêu rắc rối. Có từng trăm thứ lịch được nghĩ ra là cốt để giải quyết sao cho năm và tháng hợp nhau và hợp với thời tiết. Do đó mới nghĩ ra tháng nhuận.
Nhưng tháng nhuận là một bước tiến cao lắm nó giả-thiết đã phải tiến đến chỗ dùng được nhật và tú. Người Ả-Rập đã không dùng Nhật nên đầu năm của họ chạy rông cùng khắp các mùa. Có lúc họ ăn tết mùa Thu, lúc mùa Hạ, gọi là "Lịch du đãng" (Calendrier vague) cứ 33 năm chạy hết một vòng Hoàng-Đạo… Đó có thể tạm gọi là lịch duy âm (Lunaire). Lịch duy âm còn quá thô sơ chưa định được khoảng thời gian một năm.
Thực ra thì có phương pháp gọi là Meton nhưng đó là truyện mới khám phá về sau bên tàu đời Tiền-Hán, bên Hy-Lạp thì được áp dụng do Hipparque, suýt soát đồng thời lối thế kỷ 3 trước dương-lịch.
Nếu tiến lên một bực là dùng mặt trời để đo quãng năm thì ta có thể gọi là duy dương. Lịch duy dương có cái bất lợi là hy sinh mặt trăng: tháng đi đàng tháng, trăng đi đàng trăng và ngày rằm ngơ ngác nhìn cùng mà không thấy khuôn mặt tròn xoe của chị Hằng đâu cả. Thôi đành hy sinh như vậy để định khoảng năm trúng hơn vào lối 360 ngày. Tức là thiếu đi gần 5 ngày. Người Roma đã theo lối duy dương này nên ngày Xuân-phân lùi mãi tính tự lúc lập thành ROMA đến năm 708, lùi hết 100 ngày và vì thế khó biết y cứ vào đâu mà tính quãng năm, nên người ROMA cũng đã theo nhiều lịch. Trước hết theo lịch Romulus có 10 tháng, và 1 năm là 304 ngày, đến đời Tarquin thêm 2 tháng nữa là 355 ngày. Đến đời Jules César đã lùi lại 100 ngày và Jules đã phải sửa lại lịch nên gọi là lịch Julien.
Ông này đã theo đề nghị của Sosigène d'Alexandrie căn cứ trên phương pháp Ai-Cập đã ra lệnh sửa lại bằng cách cứ 4 năm thêm một ngày nhuận vào tháng Février. Còn chính năm sửa lịch (năm 708) thì cho dài thêm 100 ngày nên người sau gọi là năm lộn xộn (année de confusion) xảy ra năm 45 trước kỷ nguyên. Năm đó mồng một tháng ba trở lại mồng một tháng giêng, nên có 2 lần ba tháng giêng, hai,ba, nên dài ra 455 ngày. Sửa như thế tưởng là tạm xong, nhưng năm 1232 Grosseteste với Bacon dựa trên những công trình nghiên cứu của người Ả-Rập (Al Biruni năm 1000 và Ben Meshulam năm 1122) để viết quyển computus đã làm nổi bật sự sai lầm. Vì thế đã dẫn tới việc sửa lịch lần thứ hai do đức Giáo Hoàng Grégoire nên gọi là lịch Gregorien. Sự sửa lịch gồm hai điểm: 1) Rút bớt đi 10 ngày vào chính năm sửa lịch tức năm 1582 sau mồng 4 October thì ngày hôm sau là 15, như thế tháng October năm đó chỉ có 20 ngày. 2) Thêm vào mỗi thế kỷ xuýt soát một ngày nhuận khác thường. Nhờ đó lịch duy dương tránh được sự chênh lệch quá đáng: tính ra phải một vạn năm mới chạy sai được có 3 ngày mà thôi. Như thế về quãng thời gian trong một năm kể là tạm yên, đó là lịch của tây-Âu và hiện đang trở nên quốc tế, nên chúng ta cần xét bản chất của nó.
4. Đường lối dương lịch
Lịch của Tây-Phương bắt nguồn từ Chaldée truyền qua Hy-Lạp, rồi sang Roma thì căn-cứ vào những lúc mặt trời lặn (coucher héliaque) như thế là nền móng cho vòng Hoàng-Đạo (Zodiaque gọi là động vật đạo vì có 12 con vật biểu thị 12 tháng). Căn bản của Hoàng-Đạo là đi ngang và xéo (plan horizontal éclyptiques).
Ngang.- tức là không dùng sao bên Bắc hay Nam đối (constellations boréales, et constellations australes) mà chỉ dùng các chòm sao xéo ở giữa (constellations éclyptiques) đối với con mắt thường là ở Chân trời khi mặt trời lặn thì xuất hiện. Có tất cả 12 chòm theo 12 tháng.
Xéo.- éclyptique vì mặt trời đi xéo theo mùa từ đông-chí tới hạ-chí cách nhau 46o chứ không theo đường xích đạo (tức đường phân trái đất làm hai nữa bắc-nam) nhưng đi xéo: những tháng đông chí thì mặt trời xuống thấp khỏi xích đạo 23o, đó là lúc ngày vắn nhất. Ca dao: "ngày tháng mười chưa cười đã tối. Đêm tháng năm chưa nằm đã dậy". Đêm ngắn, ngày dài vào lúc hạ chí mặt trời lên cao khỏi xích đạo 23o. Chỉ có 2 lần đi đúng xích đạo chia ngày đêm dài bằng nhau là xuân phân và thu-phân. Còn từ đông chí tới hạ-chí cách nhau 46o nên gọi là xéo. Do đó không thể dùng những chòm sao mọc bên ngoài quãng 46o. Hơn thế nữa, ngay những chòm thuộc trung độ (trong vòng 46o) cũng chỉ dùng được những chòm sao to vừa đủ để khỏi bị ánh sáng mặt trời át. Tuy nhiên cũng không thấy rõ hẳn đường ranh giới nên căn cứ vào chòm sao Hoàng cực này mà tính thì có thể sai chạy tới 5 ngày. Lối trong Nghiêu-Điển chỉ sai cách có ít phút do phương pháp gọi là thời khắc (horaire).
5. Lịch đông phương
Nếu lịch tây gọi là duy dương vì y cứ vào mặt trời, thì lịch Viễn-Đông gọi là âm dương tức là căn cứ trên cả mặt trăng lẫn mặt trời, và do đó lối dùng mặt trời khác với lối tây phương. Tây phương dùng mặt trời hàng ngang tức lúc mặt trời lặn, còn Đông-Phương lại dùng hàng dọc (Kinh tuyến).
Đại khái phương pháp là y cứ trên những sao chung quanh bắc cực (circompolares) gọi là vòng dịch Chu-Thiên °° (Need. II 351) tức là một quãng trong vòng 30 độ, tính từ sao Bắc Đẩu trở ra, rồi chia ra 4 cung, mỗi cung tương hợp với một ngôi sao đứng chủ: trong Nghiêu-Điển là: Điểu, Hỏa, Hư, Mão (1) đi với 4 mùa xuân, hạ, thu, đông.
Còn ở giữa gọi là Trung-cung dành cho sao Bắc-dẩu. Lấy đuôi sao Đại-Hùng làm như kim đồng hồ mà tính giờ. Rồi từ 4 cung bắc cực đó mở rộng ra cả năm lấy 4 cung làm đích điểm cho bốn mùa. Hai mùa Đông, Hạ theo mặt Trời, còn hai mùa Xuân, Thu theo hệ thống mặt Trăng nên nói:
Đông Hạ chí nhật.
Xuân Thu chí ngưyệt.
Dĩ biệt chí thời chi tự (S. 590)
Lối này gọi là Kinh tuyến (méridien) tức là hàng dọc lấy sao Bắc đẩu trên đỉnh đầu làm căn bản. Tuy phương pháp còn thô sơ nhưng cũng cùng một hướng kinh-tuyến như ngày nay: đó là đặt một nhật-thời-kế hay là trắc ảnh (gomon) để đo độ các sao gặp nhau mà phân thời khắc.
Khởi đầu nhật-thời-kế có thể chỉ là một cái gậy dựng thẳng gọi là ty O (pieu vertical), về sau được hoàn bị dần trở thành "Máy châu đòn ngọc" như trong Kinh Thư nói về vua Thuấn: "tại huyền cơ ngọc hoành, dĩ tề thất chính" Kinh Thư II 5. °°
Dùng máy châu (một quả cầu tròn = armilles) có một ống ngang bằng ngọc gọi là ngọc hoành để định vị trí cho bảy sao chính tức là nhật nguyệt (tượng âm dương) và 5 sao tượng ngũ hành là Mộc, Hỏa, Kim, Thủy, Thổ. Theo 4 sao Nghiêu-Điển: Điểu, Hỏa, Hư, Mão, Đẩu. Nghĩa là Vua Thuấn đã cho làm một bầu trời nhân tạo có các vòng xích đạo và hoàng đạo với các tinh tú bằng châu ngọc nạm vào các vị trí cân xứng có trục xoay bầu tròn để nhận ra sự chuyển động của các tinh tú trên vòm trời. Trong phương pháp này cũng có hệ thống 28 sao gọi là "nhị thập bát tú" để qui định vị trí của mặt trăng giữa các sao (lieu sidéral de la lune S.544). Hệ thống này có thể gia tăng độ chính xác cho sự qui-định thời-điểm đến mức thay được cả đồng hồ nước (xem hình) °°. Cũng theo phương pháp kinh tuyến lấy Bắc Đẩu làm trung-tâm mà kéo dọc xuống tìm đến chòm sao nào vừa ý miễn đúng với độ dọc là được. Do đó thành lập hệ thống sao tinh tế và chính xác hơn hệ-thống hàng ngang bị hạn cục vào những sao ở gần chỗ mặt trời lặn. Còn ở đây có thể dùng chòm sao rất nhỏ tuỳ ý vì không bị mặt trăng lấn át bởi nó ở xa. Đó là đại-khái hệ-thống hàng dọc ngược chiều với hệ-thống hàng ngang của Tây Âu trước.
Hệ-thống dọc này là căn-bản của nhị-thập bát tú mà De Saussure nhiều lần gọi là tài tình (Oeuvre géniale tr.89 và chef d'oeuvre 279) có một không hai trong nền thiên văn cổ đại, không những quy-định được quãng năm, nhưng cả quãng tháng, quãng tuần và giờ. Đã thế lối xếp đặt lại còn bao hàm được cả triết-lý tức là mỗi mùa có 7 sao thì tháng đầu 2 sao, tháng giữa 3, tháng cuối 2 thành ra con số 7 với ý nghĩa sâu xa của nó.
De Saussure ca ngợi lối xếp đặt này là khoa học và rất thâm sâu về ý nghĩa (xem s.110).
Đó là phương pháp dọc thường gọi là âm-lịch mà thực ra là âm-dương-lịch, hay nói theo thiên thể thì là Nhật-nguyệt-tinh (tú): solaire-lunaire stellaire có khả năng quy-định nổi khoảng thời gian một năm là 364, 1l4, và dùng tháng nhuận để điều chỉnh chỗ sai chạy. Quách-Thủ-Kính đời Tống so sánh trước sau và xác định quãng năm là 365, 5 giờ 49' 12".
Theo thiên văn hiện đại là 365, 5 giờ 48 6/10. Sự cách biệt chỉ còn trong vòng một phút chứ không 5 ngày như lối Hoàng-Đạo. Cho nên De Sausser nói: "điều đáng ngạc nhiên không ở chỗ người Trung Hoa sớm thủ đắc lối kinh-tuyến nhưng là ở chỗ Tây-Phương để lâu ngày mới nhận ra sự lợi hại. Vì vậy, thiên văn Trung Hoa đã bỏ xa Tây Âu trên con đường mà sau này Romer đã mở và Bradle đã đẩy đến những kết quả sáng lạn như nay khiến các nhà khảo cứu thời nay khó nhận ra giá trị của lối Nghiêu-Điển, nên đã xếp vào cùng một loại, bắt theo cùng một phạm trù hai thứ lịch khác nhau đã bàn trước = ta được chứng kiến một sự áp dụng thực là đặc sắc cụ thể.
Faute d'avoir remarqué l'importance du repère dans la genèse du calendrier on s'en est tenu, em fait de classification aux qualitaifs lunaire et solaire don't l'insuffisance a conduit à l'adoption du moyen terme lunaire solaire appliqué à tout calendrier intercalaire ce qui met le comble à la confusion à telle enseigne que le calendrier des Romains est alors porté sur la même ligne que celui des Chinois, lesquels sont en réalité parvenus au stade supérieur deux mille ans avant les Grecs et les Romains S. 118.
6. Tính chất triết lý trong lịch âm dương
Khi Nhan Uyên hỏi Khổng Tử về việc trị nước thì ông trả lời " theo lịch nhà Hạ, đi xe kiểu nhà Ân, đội mũ kiểu nhà Chu. Nhạc thì theo Thiều của "vua Vũ". Với tây Phương thời gian được quan niệm như cái gì đứng bên ngoài sự vật nên lịch bớt đi rất nhiều tính cách quan trọng và dọc dài qua 25 thế kỷ chỉ thấy có hai lần trị lịch" gọi là Julien và Grégorien mà thôi. Ngược lại Đông Phương cho việc trị lịch là vấn đề có liên hệ tới vận mạng con người, vì thế khi Nhan Uyên hỏi về việc trị nước thì Khổng Tử nói trước hết đến Lịch pháp "Hành hạ chi thời". Là vì Lịch số Đông Phương có bao hàm một số triết lý chính trị, do đó lịch pháp trở thành một việc quan trọng vào bật nhất, nên đã được ghi vào đầu Kinh Thư chổ vua Nghiêu sai hai anh em Hi, Hòa sửa lịch cho ăn khớp với tinh, sao, nhật, nguyệt. Thiết lập ra tháng nhuận để cho năm đi sát với bốn mùa. "Mệnh Hi Hòa trị lịch tượng, Trí nhuận pháp định tứ thời" °° (Nghiêu điển tiết 8).
Kế tới vua Thuấn cũng chăm lo việc sửa lịch ngay từ buổi lên ngôi như đã nói ở trên.
Và tội lớn nhất là bỏ bê trễ việc "trị lịch minh thời". Con cháu Hi Hòa bị chinh phạt chỉ vì bỏ trễ không báo trước được nhật-thực. Với người Đông Phương việc ngắm trời mà "minh thời" được coi như việc tự nhiên. Cho nên việc bỏ trễ việc trị lịch tức cũng là phạm tới luật thiên nhiên vậy. Đấy là lý do sâu xa giải nghĩa sự quan trọng mà mỗi triều đại đều để vào việc "trị lịch minh thời" Mỗi lần thay đổi triều đại đều có việc cải cách lịch được coi như phần trọng đại nhất của lễ tấn phong cho vua mở triều đại mới nhận lãnh sứ-mệnh đứng ra chấp chánh, và vì thế khi các chư hầu nhận lịch thì tức là bỏ dấu truy nhận quyền và thuần phục triều đại mới.
Bởi vậy ở mỗi đầu mỗi triều đại có sự cải cách lịch gọi là cải chế hay cải chính. Sự cải cách được thiết lập ra không những nhắm mục đích ích-dụng của lịch số hợp thời tiết cho việc làm ăn nhưng còn hàm tàng một triết lý được trình bày trong quẻ cách như sau: "Quẻ cách là cốt làm cho mình mỗi ngày trở nên đáng được tính nhiệm, được rõ ràng cho mọi người ưa thích (ủng hộ) như trời có xuân thu 4 mùa vận hành thay đổi, thì vua Thang vua Vũ theo đó làm cách mạng để trên thuận với trời mà dưới ứng đối với nguyện vọng của dân. Xem thế đủ biết cái nghĩa của thời cách lớn lao thay. Tượng quẻ cách là trong đầm có lửa, Quân tử coi đó mà sửa sang lịch sao cho 4 mùa được rõ rệt phân minh." °° Trạch trung hữu hỏa: quân tử dĩ trị lịch minh thời. Như thế là việc "cách mạng" đặt trên căn bản tinh thần rõ rệt: cho mình ngày ngày trở nên trung thực. Đó mới là triết-lý của Việt Nho.
Sau này Hán Nho đã để cho óc pháp môn ma thuật tràn lan vào, khiến việc cải chế lịch số bị hướng dẫn do niềm tin-tưởng rằng cái đức của triều đại trước đã hết hợp thời, đã cạn, nên cần thay đổi đức mới, gọi là cải chế, nhưng thực ra thì sự cải chế đó thu gọn vào việc sửa đổi sắc áo, sắc xe và ngày đầu năm, nghĩa là những chi tiết vụn vặt mà bỏ bê cốt tủy. Điều đó Kinh dịch quẻ Cách kêu là "Báo biến"°° với nghĩa "tiểu nhơn cách diện" (hào 6) °° tức đổi có bên ngoài, ngược với "Hổ biến"°° ở hào 5 tức biến đổi nền tảng kiểu Đại "nhơn hổ biến" °°.
Vì thế mà tuy tính tự Hán Vũ Đế năm 104 tr d.l. đời Mãn Thanh, lịch pháp cải cách cả thảy 46 lần: Nhà nguyên có lịch Thụ-thời, nhà Tống có lịch Thông-thiên, nhà Minh, nhà Thanh có lịch Sùng-trinh và Thời-hiến… Nhưng nền triết ẩn sâu bên trong đã bị quên đi hết. Mặc dầu bề ngoài thì vẫn theo lịch nhà Hạ, tức là nền văn hóa Việt-Nho mà nhà Hạ đã thấm nhuần.
Vua Đại Vũ nhà Hạ là người đã đi lối nhân bản tâm linh biểu thị bằng câu chuyện đào sâu sông "Tuấn Xuyên" cho nước chảy ra biển có nhắc đến ở đầu chương Hồng Phạm. Đó là vua Hạ Vũ biết "Tuấn Triết" tức là nhấn mạnh yếu tố nhơn. Về sau đến nhà Thương chú trọng khía cạnh Thiên (Thiên khai ư Tí) lấy cung Tí làm đầu năm, rồi đến Nhà Châu chú trọng Địa, khởi đầu năm ở cung Sửu cũng trở nên loạn xạ: Ba kiểu lịch chen chân nhau không ai hiểu được ýnghĩa nữa. Cho đến đời Khổng Tử mới lại lần ra mối Truyền-Thống và ghi lại trong câu hãy dùng lịch nhà Hạ "Hành Hạ chi thời". Ngày nay khi muốn phục hồi Truyền Thống chúng ta cần tìm hiểu "Hành Hạ chi thời" có ý nghĩa như thế nào.
Nhà Hạ 2205 trước d.l. vì kế cận với vua Thuấn vào năm 2255 và vua Nghiêu 2256 nên còn giữ được tinh thần Truyền Thống ghi ở đầu Kinh Thư Nghiêu Điển. Đấy là giai đoạn mà De Saussure quen gọi là thời đại sáng tạo "La grande époque créatrice" vì đã làm ba việc rất lớn chưa đâu làm nổi.
_ Một là đã đạt độ chính xác nhất về quãng dài của một năm.
_ Hai là đưa ra nột khởi-điểm năm hợp lý nhất.
_Ba là do đó biểu lộ được tính cách nhân bản tối đa.
Hai điểm trên tương đối dễ, vậy chúng ta chỉ cần xét đến điểm sau cùng.
7. Tính chất nhân bản trong âm dương lịch
Ta có thể bàn về điểm này theo hai điểm một là màu sắc hai là khởi điểm của năm.
1._ Vềmàu sắc.
Nhà Hạ trọng màu đen.
Nhà Thương trọng màu trắng.
Nhà Châu trọng màu đỏ.
Đó là hai dữ kiện lịch sử. Và chúng ta có hai lối giải thích tùy theo quan điểm âm-dương gia hay tâm-linh. Nếu là âm-dương gia thì người ta giải theo ngũ đế đức: với vòng định mệnh là đen, đỏ, trắng. Đó là tính theo vòng khắc: thủy (đen) khắc hỏa (đỏ), hỏa khắc kim (trắng), kim khắc mộc (xanh). Nhưng vì xanh thuộc ba tháng dương khí chưa khai gọi là tam vị °° (ba tháng chưa) nên không dùng sắc xanh. Còn sắc vàng thuộc trung ương không dám xài tới. Thế còn ba sắc: đen, đỏ, trắng. Đó là vòng định mệnh. Hết nhà Thương chuộng màu trắng… rồi đến nhà Châu màu đỏ. Sau đó sẽ đến màu đen.
Đó là guồng máy càn khôn xoay vần như thế.
Con người không tham dự chi vào đó cả, nhưng là chuyện của định số: sau nhàThương dùng sắc trắng và Nhà Châu dùng màu đỏ thì tất nhiên đến triều đại mới có màu đen. Đó là lối giảng theo định mệnh.
Nhưng lối giảng theo triết lý nhân sinh thì không căn-cứ trên chiêm tinh như thuyết trên, nhưng trên thiên văn, một khoa do con người quan-sát và xếp đặt và từ đấy kéo ra những qui luật hướng dẫn đời sống. Lối này không quan hại chi tới tự do con người. Con người vẫn giữ nguyên vẹn quyền lựa chọn xếp đặt mà chúng ta coi là hợp với Khổng Tử người có tiếng là khước từ tai dị quái lực (L. VII. 20). Vì thế Ông nói đến Bắc đẩu như tiêu biểu của nhà cai trị dùng đức thì ví được như sao bắc thần cư ở giữa mà các sao đều quay quanh.
Tử viết "Vi chánh dĩ đức, thí như bắc thần cư kì sở, nhi chúng tinh cũng chi" L. II. 1.
Đây là nói về đức của con người kiểu nhân sinh chứ không nói về đức của ngũ hành như thuyết ngũ đế đức cũa Châu Diễn. Vì thế nên căn cứ trên cái gọi là "tứ pháp" đạt nền trên hai chữ "văn chất" mà xét.
Văn là văn vẻ trang sức bên ngoài như lễ nghi văn-học v.v…
Chất là cái nội dung bên trong. (Chavannes dịch là fond đối với văn là forme). Nó cùng nghĩa với chữ tố trong lễ ký (Couvreur.1548) chỉ sự đơn thật. Đó là hai tiếng rất năng gặp trong kinh điển.
Tử viết: "Chất thắng văn tắc dã
Văn thắng chất tắc sử
Văn chất bân bân
Nhiên hậu quân tử" L. NVI16

*

Chất thắng văn thì tuyền dã (quê mùa)
Văn thắng chất thì sử, nghĩa là viết rất nhiều, tô điểm, và nói khéo léo nhưng ít có thực.
Vậy văn chất bình quân mới làm nên bật thượng đại nhân quân tử.
Căn cứ theo đó mà xét thì
Nhà Thương nổi về chữ Kính (fonds magical)
Nhà Chu nổi về chữ Văn (forme)
Nhà Hạ nổi về chữ Trung (Fonds humain).
Nhà Thương tuy là Kính thì lẽ ra đã có (fonds) nội chất trung thực nhưng vì nghiêng nặng về tôn giáo vu-nghiễn và óc ma thuật: những cái đáng lý ra phải hiểu cách tiêu-biểu lại hiểu theo nghĩa đen đâm ra kềnh cơi.
Đến nhà Chu tuy về văn vẻ có rực rỡ, nhưng vì quá nhấn mạnh khía cạnh hình thức xã-hội làm đảo lộn cả nền móng và dầu sao thì sau thời kỳ hai ba trăm năm chính quyền trung-ương nhà Châu tao loạn, nên cũng lọan luôn cả lịch pháp, vì thế nhà Châu chỉ được Khổng Tử theo về đàng văn:
"Châu giám ư nhị đại
Úc úc hồ văn lai
Ngô tùng Châu" L. III. 14
Theo văn vẻ lễ nghĩa văn-học nhà Châu (tùng châu). Tùng mới bên ngoài, có thể tùng mà không phục. Phục mới ở bên trong mà bên trong thì Khổng dành cho nhà Hạ nổi về trung để trở nên vị thánh thời Trung, đủ tỏ trọng tâm để vào nhà Hạ mà không phải là nhà Châu. Vì thế mà ông mới bảo Nhan Uyên là "Hành Hạ chi thời". Nhan Uyên là người sâu sắc nhất nên ông đem chữ Thời ra nói, còn các môn đệ khác thì chỉ nói Lễ.
Bây giờ đến điều hai cần xét đó là khởi điểm của năm. Điểm này thường xê dịch trong ba tháng từ Đông chí đến Xuân phân quen gọi là "Tam vị" tức là ba tháng thảo mộc (hay là dương khí) chưa nảy sinhh; do đó có ba khởi đầu gọi là tam chính hay là tam thống tùy mỗi nhà chọn một trong ba làm khởi điểm năm.
Nhà Châu chọn tháng cung tí
Nhà Thương chọn tháng chạp cung sửu
Nhà Hạ lấy tháng giêng cung dần.
Đó là lấy lịch nhà Hạ làm cứ. Nếu cứ vào lịch nhà Châu thì nhà Hạ khởi đầu tháng ba.
Lấy tháng dần làm đầu năm gọi là "Kiến Dần" (Kiến nghĩa là chỉ vào; chuôi sao bắc đẩu chỉ vào cung Dần là lúc âm dương quân bình gọi là xuân phân, chính cũng là lúc khởi đầu làm việc của thiên nhiên cũng như của con người, vì khi đó mầm mộng thảo mộc khởi phát như thi đua nhựa sống. Do đó hầu hết các dân cổ đại đều có hai lễ xuân thu để biểu thị cảnh trong thiên nhiên như chết trong mùa đông và sống lại trong mùa Xuân. Đó là trục xuân phân thu phân chỉ con người, (nơi thiên địa hội tụ). Về những nơi không vươn lên đợt tâm linh được thì lấy trục trí làm nền (astrologie Payot, durée entre deux équinoxes p-222) nên đi vào những sự phức tạp không thể gỡ ra được. Xem quyển tự Việt Nho tới Hán Nho, bài xuân thu.
Ngày nay ta khởi đầu năm vào đông chí là theo Tây lịch lối mới. Còn trước nữa thì Tây Phương cũng đã có thời kỳ khởi đầu năm vào đầu xuân, nhưng sau vì không có triết lý ẩn trong nên lịch lại đổi nhiều lần. Lần cuối cùng vào thế kỷ 18 để hợp với lễ Noel. Tức lấy tháng Janvier làm khởi đầu năm thay vì tháng Avril như trước kia. Nếu khởi đầu năm vào tháng Avril thì hợp cung dần, nay khởi vào tháng Janvier thì bỏ đi mất ba tháng làm cho dân chúng buồn, vì tết quá sớm. Đã vậy lý do không đủ vững chắc, vì lễ Noel trước kia cũng xê dịch như kiểu lễ phục sinh, vì thế dân chúng ta cố đòi trả lại ba tháng cho họ: Rendez nous nos trois mois. Nhưng la ó vô hiệu, và năm cứ khởi sự từ Đông chí, các tên tháng mới tính trật đi 3 đợt September, October, November, December trước là tháng 7, 8, 9, 10, nay trở thành tháng 9, 10, 11, 12 và trong dân chúng chỉ còn giữ tục: Poisson d'Avril làm kỷ niệm cái tết xưa kia! Nhưng không khỏi tiếc xót.
Bên Viễn đông lúc đầu cũng xảy ra những chuyện đó nhưng từ Khổng Tử lấy lại truyền Thống, và gọi năm là Xuân Thu (nên vẫn khởi đầu năm như từ đầu, tức là từ Phục Hi như còn ghi lại trong Kinh Dịch khởi từ cung: Dần quẻ Chấn giúp Dương khai mở năm (S.344). Khổng Dĩnh Đạt nói: "Nhà Hạ lấy tháng đầu năm vào lúc chuôi sao bắc đẩu hướng vào cung dần. Gọi là nhơn thống °° vì lúc đó những mầm cây vừa chồi lên khỏi mặt đất, màu càn hơi đen và người ta có thể chăm sóc được. (Lễ ký chú sớ VI, Fo 3b) Lối giảng này không đưa ngũ đề đức đề ảnh hưởng tinh tú can thiệp vào, nên được coi là chính truyền của việt nho với câu "Dữ thiên địa Tham" muốn tham dự thì con người phải xuất hiện vào cung dần Ấm áp: "nên nói thiên sinh ư tý, Địa tịch ư sửu. Nhân sinh ư Dần". Nhờ đó không bị Thiên hay Địa chèn ép như đời nhà Thương và nhà Châu về sau khởi năm từ cung tí hay cung sửu nhưng khởi tự dần thì con người tự chủ không cậy vào đức của ngũ hành, nhưng trời làm việc mạnh mẽ thì con người cũng theo đó làm việc mạnh mẽ "thiên hành kiện quân tử dĩ tự cường bất tức". Như vậy là Trung với Mình không để cho mình bị sai xử do những cái gì ngoại tại theo đúng câu: Trung: Lập nhi bất ỷ: trung là đứng tự lập không cậy dựa. Nhờ đó mà xây được một triết lý vững chắc trên lịch số: đặt nền móng mãi tận nơi sâu thẳm của tâm hồn. Đó là đại cái ý nghĩa câu "Hành hạ chi thời" xét cả về màu sắc lẫn khởi đầu năm.
8. Qui lịch
Bàn về Thiên Văn Trung Hoa cổ đại ông De Saussure quảquyết từ thế kỷ 27 trước kỷ nguyên khoa thiên văn đó đã bao hàm một nền siêu hình đáng kể phản phất tính chất tôn giáo: S.265.
Nói như thế vì người ta có thể nhận ra ngay tính chất triết lý hiện hình trên lối xếp đặt trăng sao và cả trên dụng cụ quan sát như máy cơ đòn ngọc bao hàm triết lý âm dương và ngũ hành.
Do đó thiên văn lịch số được coi như sự tuyên dương Luật tự nhiên hay là sự hiện hình cụ thể của điển tiết tức cái tiết điệu uyên nguyên tận đợt hội thông của vạn vật, nên được dùng để điều khiển đời sống xã hội hay là một bản nghi thức (rituel) đánh nhịp cho đời sống trong nước được hòa điệu với trời đất. Cái tiết nhịp đó có "Nhất hạp nhất tịch" một đóng một mở, một ra một vô, một thời tản mác đi ra làm việc khắp nơi rồi tiếp đến một thời họp lại để cảm thông trong cái Đại thời Đại không nghĩa là vượt ra ngoài những khung cảnh thường ngày bằng những cảm xúc mạnh theo lối "grand-temps grande-Espace" rất sát nhân sanh và nhờ đó nhiều lần duy trì được sự quân bình giữa Thường Hằng tượng bằng Bắc đẩu và biến dịch tượng bằng bốn sao chạy bên ngoài: Điểu, Hỏa, Hư, Mão, vị chi là năm, nên Hồng Phạm nói là ngũ kỷ (Hiệp dụng ngũ kỷ).
"La durée n'est vraiment elle-même intacte et dense que dans les occasions enrichies par la vie en commun qui font date et semblent fonder le temps" (P.C.109).
Đó là một nền triết lý có hàng dọc đựơc biểu tượng ngay trong lối ngắm hiện tượng. Nếu lấy chân trời làm vành bánh xe, Bắc đẩu làm nõn xe, thì Việt nho chú trọng cả nõn cả vành, bên Hi lạp chú trọng vành tức là hoàng đạo, hoàng đới: đai lưng. Nho giáo chú ý cả mũ cả đầu. Đấy là một điểm đã không được nhận ra trừ một hai người trong số hàng trăm nhà bác học. Do sự ngộ nhận đó mà các nhà bác học đã muốn cho vua Khang Hi sửa lịch theo lối Tây Phương. Vua Khang Hi vì muốn sớm giữ ách nhiếp chính nên đã không chịu xét kỹ, liền nghe theo giơ tay giật tiếng chuông sầu chôn táng nền lịch pháp đầy triết lý đã có trên 40 thế kỷ.
Lấy nê rằng các nhà nhiếp chính đã phạm một lỗi lầm rất lớn lao hơn hết là tính lịch sai. Ta nên nhớ lại chương đầu Kinh Thư đã nhấn mạnh đến việc quan trọng của thời gian, và anh em Hi Hòa đã bị chinh phạt vì bê trễ trong việc "trị lịch minh thời". Vậy nay các nhà nhiếp chính của vua Khang Hi cũng bị coi là phạm tội như thế, nên đáng cho vua giũ bỏ cái ách nhiếp chính kia. Ông Saussure bình luận: đó là một trò hề chính trị đã làm hại một nền lịch-pháp thâm sâu nhất và đã là một danh dự cho trí khôn con người nay đột nhiên bị thay thế bằng dương lịch. Đó là tại đã đi theo hệ thống hàng ngang mà không biết xét đúng quan điểm của nó là hàng dọc nên cho là sai.
Với Việt nho thì thiên văn lịch số là tiêu biểu cho nền triết-lý, nên cái gì đã xảy ra cho thiên văn cũng xảy đến cho triết lý nghĩa là rồi nó cũng sẽ bị hiểu theo phạm trù triết tây và cũng bị hạ bệ một cách tương tự hễ không hợp triết tây thì không phải là triết y như lịch không theo hệ thống tây-âu thì là sai.
Thế lực Tây phương ngày một tràn ngập trở thành quốc tế mà lịch Tây Phương có cái lợi là nhận một kỷ nguyên chung, nó giản tiện hóa việc tính niên kỷ. Tuy còn một số bất tiện chẳng hạn tháng 28 ngày với 31 ngày cách nhau 12% rất phiền cho việc tính lương thợ, các ngày chủ nhật không có định kỳ v.v… Nhưng rồi đây sẽ được sửa đổi. Vì thế chúng tôi không có ý chống đối việc dùng dương lịch. Tuy nhiên đứng ở cương vị triết lý mà nhìn thì thấy cần phải nhận xét rằng dương lịch mới có ích dụng mà chưa bao hàm được triết-lý: thành thử khi nhận dương-lịch bỏ âm-dương-lịch thì chúng ta trở nên nghèo nàn về phía tâm-linh. Do đó chúng ta không nên đón nhận Tây-lịch với tâm trạng của tổ tiên ta khi đón nhận âm-dương-lịch của Truyền-thống Đông-Phương, vì âm-dương-lịch tàng chứa một nền triết lý. Nếu ta theo tâm trạng Đông-Phương đi tìm triết-lý trong Tây-lịch sẽ mất công mà còn có thể ngạc nhiên về những cái sẹo của dị đoan: như các tên thần thoại hoặc lịch sử như Juliet… là tên vua Jules của Roma chứ có ăn nhằm chi tới ta đâu? Tại sao tháng Février lại chỉ có 28 ngày và tại sao tháng nhuận lại phải gọi bằng cách kỳ cục là hai lần sáu (Bissextil). Tại sao tên các tháng Septembre, Octobre, Novembre chính nghĩa là tháng 7,8,9 lại phải hiểu là 10,11,12.v.v… Và nếu cứ vô tình rước luôn cả triết lý Tây đi theo với lịch của họ thì chúng ta sẽ mắc cái bệnh duy nào đó, như các thứ triết duy niệm tới nay: được góc này bỏ ba góc kia.
Vậy vấn đề đặt ra cho chúng ta là làm thế nào để hoà nhi nhưng bất đồng: hoà với lịch tây cho tiện việc nhưng bất đồng về triết học để cố duy trì nền triết lý Việt nho. Có thể hiện thực cùng chăng chưa biết. Nhưng có thể nói trước rằng cái đó một phần lớn còn tuỳ ở sự thức tỉnh của dân nước. Trong những thời đã qua khi Đông tây chưa tiếp xúc thi đã có những giai đoạn tiền nhân ta dùng lịch Đông mà cũng đã bị Hán nho làm cho ra bì phu rồi.
Câu sách luận ngữ (XXI) "Thiên chi lịch số tại nhĩ cung, doãn chấp kỳ trung"°° là câu rất sâu xa nhưng trong những thời đạo suy chỉ được hiểu theo nghĩa ngoại kiểu lịch sử hay luân lý, nghĩa là hiểu cách hạn cục vào việc các triều đại kế tiếp nhau theo mệnh trời ban cho mỗi triều vua. Nhà Hán rồi nhà Đường, nhà Tống… Ngựơc lại trong thời đạo thịnh tức là thời có những hiền triết xuất hiện thì câu trên được móc nối với nội tâm để "hợp ngoại nội chi đạo" tức hiểu sát vào bản thân mỗi người và lúc đó có nghĩa là "cái đầu mối thời gian lịch số nằm ngay trong thẩm cung lòng mày" trong lòng mỗi người dù mày là vua hay dân, hễ đã là người đều có cái thiên lý cái thiên mệnh, cái thiên sứ riêng của mày mà một mình mày phải hiện thực, nhưng thiên sứ đó cũng ăn thông với Thiên mệnh mà con người ở đời có nghĩa vụ phải làm sao để biết được cách trực tiếp "tri thiên mệnh" để được "thụ mệnh" được "Văn đạo" v.v… và phương pháp tốt nhất là trở lại với cái Tâm của mày "doãn chấp kỳ trung" cũng gọi là qui tâm: nên lịch giúp cho việc đó gọi là "qui lịch". Qui vừa có nghĩa là qui hồi, hồi hướng, vừ có nghĩa rùa, vì rùa tượng trời đất giao hội, tức là tâm con người: Hiểu như thế mới là nghĩa nội, nghĩa chính truyền. Do đó đã từ lâu có lệ in xen vào lịch những câu châm ngôn, những câu phong giao, tục ngữ là nhằm đưa triết lý thấu nhập vào đời sống, đưa đạo vào đời, giúp cho mỗi người thực hiện được ý nội của câu "Doãn chấp kỳ trung" vậy.
Tuy nhiên những phương thức đó nay đã mất nhiều hiệu nghiệm, chúng ta cần phải đi tìm phương thức mới bằng cách kiến tạo một nền triết lý cho hợp Truyền Thống mà cũng hợp cả thời cơ hoàn cảnh mới. Đó là điểm chúng ta đang thử làm qua những khoá giảng triết Đông.
Để kết thúc bài này chúng ta tóm lại ý chính như sau:
Lịch Pháp Viễn Đông nói lên hai đặc tính là nhân chủ và nội tâm. Chất nhân chủ biểu lộ trong lối điều hoà Nhật-Nguyệt-Tinh dễ gây nên một sự hoà hợp được biểu lộ qua trăng sao: làm thế nào để ngày rằm thì trăng tròn, mùa đi đúng tiết v.v… Vì hoà là đặc điểm của con người (thiên sinh, địa dưỡng, nhân hoà). Nhờ sự hoà hợp đó mà Nhật-Nguyệt-Tinh thần đều giữ được sắc thái riêng với chức vụ riêng: Nhật coi vòng năm, Nguyệt coi vòng tháng. Tinh thần coi vòng giờ và cả ba liên đới coi vòng năm tháng ngày gọi là Nhật, Nguyệt, Tinh, thần. Ngược lại sự đồng hoá hay là đặc ân mặt trời thì Trăng Sao không còn giữ được bản vị riêng, do đó cũng không còn chức vụ nào nữa, nên tháng và giờ không có thiên thể coi giữ, mà chỉ còn lại có Nhật coi năm. Đó là tiêu biểu cho nền triết-lý xây trên nguyên lý đồng nhất, đàn áp tất cả trăng sao. Sự đàn áp này biểu thị một sự sai lầm rất trầm trọng của nền triết học tây phương là bỏ mất nguyên lý mẹ (đánh mất đàn bà tính) nên cũng đánh mất chất dịu hiền có sức xoa bớt cho mâu thuẫn khỏi trở thành quá quắt một chiều nghĩa là từ đó triết chỉ còn có sáng sủa mà không còn chiều kích u linh, nên thi sỹ bị đuổi khỏi triết-học. Chỉ còn có ngày mất đêm thì lấy chi bồi dưỡng cho bao sinh lực đã hao phí trong ngày.
Vì thế mà Lễ vận nói (Courvreur 1523) "lấy mặt trăng làm trắc lượng, công việc mới tiến hành mãi mãi".
"Nguyệt dĩ vi lượng, cố công hữu nghệ dã"

*

Nếu đọc câu trên dưới ánh sáng linh nghiệm của triết mới nhận ra ý sâu xa. Lịch không trăng như bố không mẹ. Triết mất mẹ là triết mồ côi. Mồ côi mẹ là chỉ còn kiếp liếm lá gặm xương tức nhai một mớ ý-niệm chết khô. Nietzsche kêu là idées-moomies ông cho triết-học như thế chỉ còn là "hư danh học" (xem lịch sử triết học Tây Phương Lê Tôn Nghiêm tr.27).