Buổi tối 23 tháng ba năm Phúc long Nguyên niên đời Thái tổ nhà Tống (tức năm 960), huyện Bồ Điền tỉnh Phúc Kiến vẫn yên ngủ như những đêm khác. Bốn bề hoàn toàn vắng lặng, phía tây nam thấp thoáng những ngọn núi cao.
Nhưng trong nhà họ Lâm, vợ của Tri huyện Lâm Duy Cốc đang chuyển bụng. Lâm tri huyện chong đèn trong thư phòng, đi đi lại lại, cảm thấy rất mệt mỏi nhưng không tài nào ngồi yên. Lâm tri huyện thầm nghĩ:
- Sao lần này phu nhân của mình sanh nở khó khăn quá vậy! Chắc là sinh con trai, vì người ta nói con trai vẫn khó hơn sinh con gái.
Nghĩ vậy, Lâm tri huyện thấy vui lên và ngồi xuống ghế, chống tay lên cằm mà nghĩ ngợi, chốc lát đã gục xuống bàn lúc nào không hay. Không biết bao lâu sau, Lâm tri huyện nhìn ra cửa sổ, chợt thấy ngoài trời có một đám mây ngũ sắc, trên mây có hai người, một già một trẻ, đang nói chuyện với nhau. Người già bảo:
- Ngươi xuống trần lần này phải làm sao khuyến khích người lành, răn dạy kẻ ác, để làm sáng tỏ đạo trời.
Người trẻ hỏi lại:
- Nhưng đến bao giờ con mới được về trời?
Người già bảo:
- Hễ cứ làm xong nhiệm vụ thì được về trời.
Tới đó thì thấy mây tách làm hai, một đám bay về phía tây, một đám bay ập vào cửa sổ thư phòng, Lâm tri huyện hoảng sợ mà tỉnh dậy, mới biết là mình nằm mơ.
Lâm tri huyện giụi mắt đứng dậy, bước ra cửa sổ, ngó ra ngoài thấy cảnh vật không có gì khác lạ, bèn lại quay vào đi đi lại lại trong thư phòng, lòng càng thêm bồn chồn nóng nảy.
Bỗng thị tỳ A Cúc đẩy cửa thư phòng bước vào mà gọi:
- Thưa lão gia...
Lâm tri huyện quay lại hỏi nhanh:
- Phu nhân sinh rồi phải không?
A Cúc gật đầu:
- Dạ phải, mời lão gia tới.
Nói xong quay mình chạy mất. Lâm tri huyện mừng thầm trong bụng nghĩ là lần này nhất định mình sẽ có con trai.
Xuống tới nhà dưới, Lâm tri huyện được bà mụ tiếp đón niềm nở:
- Bẩm đại nhân, chúng tôi xin kính mừng đại nhân, phu nhân đã hạ sinh một vị thiên kim tiểu thư cực xinh đẹp.
Lâm tri huyện như bị một gáo nước lạnh, bao nhiêu hy vọng mới rồi đã tan tành mây khói, bèn thở dài:
- Lại con gái nữa!
Rồi ngồi thừ im lặng.
Lâm tri huyện là quan địa phương ở đây, được dân chúng yêu kính, nhưng dường như bị số phận cợt đùa về đường tử tức. Phu nhân đã sinh năm lần, và là... năm tiểu thư. Người thứ một được đặt tên là Đại Nương, người thứ hai là Nhị Nương, người thứ ba là Tam Nương. Sau đó thì mỗi lần vợ sinh con gái, Lâm tri huyện lại chán nản, do đó đặt tên con gái thứ tư là Vũ Nương và con gái thứ năm là Si Nương. Bây giờ lại sinh thêm đứa con gái thứ sáu, không biết phải đặt tên gì.
Bà mụ thấy Lâm tri huyện không vui, bèn vào trong ẵm đứa bé ra, đưa tới trước mặt Lâm tri huyện mà nói:
- Xin đại nhân xem đây, tiểu thư cực xinh đẹp, sau này nhất định hiển quý vô song. Sinh được một gái quý còn hơn là mười trai tầm thường. Xin đại nhân đừng vì có thêm tiểu thư mà kém vui.
Lâm tri huyện vẫn im lặng, đứng lên bước vào phòng thăm vợ. Thấy vợ đang nhắm mắt thiêm thiếp như ngủ, Lâm tri huyện định quay ra, nhưng vừa lúc đó thì phu nhân chợt tỉnh. Thấy chồng, phu nhân hỏi:
- Đại nhân vào thăm tôi đấy à?
Lâm tri huyện gật đầu:
- Phu nhân khỏe không?
Phu nhân nhìn chồng:
- Tôi khỏe lắm, nhưng lạ quá, tôi vừa qua một giấc mơ.
Lâm tri huyện hỏi:
- Phu nhân mơ thấy gì?
Phu nhân kể:
- Tôi mơ thấy ngoài sân sáng rực hào quang, ngẩng lên thì thấy một đám mây ngũ sắc, trên đó có một người già và một người trẻ. Người già trỏ tay xuống bảo tôi rằng: "Chồng ngươi là Lâm tri huyện, làm quan biết thương dân, một đời làm điều thiện, nên Ngọc Hoàng thưởng cho một đứa con gái quý, đừng lấy đó làm thất vọng". Sau đó thì đám mây tách làm hai, một đám bay về phương tây, một đám thì hạ xuống ngay sân nhà mình. Đại nhân bảo vậy có lạ không?
Lâm tri huyện ngạc nhiên:
- Lạ nhỉ, tôi cũng vừa mới qua một giấc mơ tương tự.
Tiếp đó kể lại đầy đủ giấc mơ của mình. Phu nhân nghe xong bảo:
- Nếu vậy thì đúng là thần tiên giáng phúc cho nhà mình rồi. Nếu không thì tại sao vợ chồng mình lại cùng có giấc mơ đó?
Lâm tri huyện chưa kịp nói thì bà mụ đã từ ngoài bồng đứa bé vào, cười bảo:
- Nhất định đây là đại phú đại quý cho đại nhân rồi. Xin đại nhân đặt một tên cho tiểu thư. Điều đáng nói là tiểu thư lọt lòng mà không khóc, tôi phát vào mông cũng không khóc, đúng là quý nhân.
Lâm tri huyện ngẫm nghĩ một chút rồi nói:
- Sinh ra cứ im lặng, không chịu khóc, như vậy đặt tên Mặc Nương (#1) là hợp nhất.
Phu nhân khen phải.
Rồi ngày tháng qua mau. Mặc Nương càng lớn càng xinh đẹp, ngoan ngoãn và thông minh, vượt xa các chị về mọi mặt, khiến Lâm tri huyện và phu nhân mừng lắm.
Năm nay Mặc Nương lên bẩy tuổi, và bây giờ là mùa xuân. Cảnh vật khoác một bộ áo mới muôn màu rực rỡ. Đâu đâu cũng thấy hoa thơm cỏ biếc, chim chóc ríu rít vui ca.
Trong khi các chị tung tăng chạy nhảy bắt bướm hái hoa trong hoa viên rực rỡ hương xuân, thì Mặc Nương một mình trong thư phòng học bài. Học thuộc xong, Mặc Nương chạy tới trước mặt cha, khoanh tay đọc một hơi từ đầu tới cuối. Lâm tri huyện xoa đầu con:
- Giỏi lắm, cha khen đó. Bây giờ thì con nghỉ ngơi, rồi vào hoa viên chơi với các chị.
Mặc Nương "dạ" một tiếng, rồi tung tăng như con chim sẻ, chạy vào hoa viên. Vừa vào tới hoa viên, ngẩng đầu lên, thấy mấy con chim yến đang hót trên ngọn cây cao, Mặc Nương đứng ngẩn người mà nghe.
- A Mặc lại đây!
- Lại đây chơi với chị, A Mặc ơi!
Các chị của Mặc Nương thi nhau mà gọi, nhung Mặc Nương vẫn ngửa cổ say mê theo dõi mấy con chim yến đang nhảy múa ca hát. Mấy chị chạy tới hỏi:
- A Mặc, em làm gì mà các chị gọi không thèm nghe?
Mặc Nương giật mình như người tỉnh mộng, trỏ tay lên ngọn cây cười bảo:
- Giá mà mình được như chim yến kia, tự do nhảy múa ca hát thì vui sướng biết bao.
Tam Nương trề môi:
- Ước thành chim yến để làm gì? Có ước thì ước thành chim anh vũ có bộ lông tuyệt đẹp, rồi được nhà cao sang quyền quý đem về nuôi trong lồng son, ăn trong chén ngọc, được yêu quý mà chẳng phải lo đói lạnh. Vậy mới đáng ước ao chứ.
Mặc Nương lắc đầu không chịu:
- Chim thì phải bay nhảy ca hót ngoài trời, chứ chim mà ở trong lồng thì có khác gì người ở trong tù?
Vũ Nương xen vào:
- Theo em thì nuôi chim trong lồng là không nên chứ gì?
Mặc Nương gật đầu:
- Đúng vậy.
Vũ Nương cong môi:
- Nếu thế, cha có nuôi một con anh vũ trong lồng đó, em cho là cha không nên làm vậy hay sao?
- Đương nhiên.
Trong lúc mấy người chị ngạc nhiên, thì Mặc Nương chạy tới chỗ lồng treo chim anh vũ, hạ chiếc lồng xuống mà bảo:
- Anh vũ, mày bị cha ta giam trong lồng này, đau khổ lắm phải không?
Mấy người chị chạy vội lại:
- A Mặc, em làm gì vậy? Em định thả chim anh vũ ra phải không? Chị mách cha cho mà xem.
Đúng lúc đó thì Lâm tri phủ bước vào hoa viên.
- Các con làm gì mà ồn ào vậy?
Lập tức mấy người chị nhao nhao:
- Thưa cha, Mặc Nương nó bảo rằng nuôi chim trong lồng là không tốt.
- Thưa cha, A Mặc nó định thả chim anh vũ ra đó....
Lâm tri huyện tới gần hỏi Mặc Nương:
- Sao con lại làm vậy? Con không biết là cha quý con chim anh vũ này lắm hay sao?
Sai Mặc Nương treo lồng chim vào chỗ cũ, ông nói tiếp:
- Bây giờ các con theo cha đi tập bắn cung.
Nguyên là Lâm tri huyện văn võ toàn tài, tuy không có con trai, nhưng vẫn tự mình dạy văn chương và võ nghệ cho các con gái, và dành hẳn một khu đất riêng trong dinh để làm nơi luyện tập võ nghệ, bắn cung cưỡi ngựa. Từ Đại Nương trở xuống, cứ năm tuổi là bắt đầu học võ nghệ. Mặc Nương chỉ mới được học võ nghệ hai năm, mà đã vượt hẳn các chị.
Sau khi tập bắn vào những tấm bia, Mặc Nương quay lại, thấy một a hoàn đang bưng một khay đào ra cho cha con ăn đỡ khát, bèn lắp tên giương cung, nói lớn:
- A hoàn, ta chẻ trái đào trên cùng làm đôi cho dễ ăn.
Nói vừa dứt thì mũi tên vụt đi, trái đào trên cùng bị chẻ làm đôi, hai nửa lăn xuống vành khay. A hoàn giựt nảy mình, sợ xanh mặt. Mấy người chị vỗ tay khen ngợi tài thiện xạ, trong khi Lâm tri huyện nhíu mày bảo con:
- Mặc Nương, từ rày con không được giỡn như vậy, nguy hiểm lắm. Đến như Dưỡng Do Cơ ngày xưa có tài bách bộ xuyên dương (đứng cách xa trăm bước, bắn mũi tên xuyên qua lá cây dương nhỏ xíu, như một loại lá liễu, vẫn quen gọi chung là "dương liễu"), bách phát bách trúng, mà cũng còn có lúc bắn trật nữa đó.
Mấy cha con ngồi ăn đào. Mặc Nương trở lại chuyện chim anh vũ:
- Thưa cha, chim anh vũ bị nhốt tội nghiệp quá.
- Có gì mà tội nghiệp, cha cho nó ăn uống đầy đủ, toàn thứ ngon, nó chẳng bao giờ sợ đói rét.
Mặc Nương trỏ vào ngực mình:
- Bây giờ có ai nhốt con lại, ngày ngày cho con ăn ngon mặc đẹp, cha có chịu không?
Lâm tri huyện bật cười:
- Sao lại so sánh người với loài vật? Bây giờ con muốn gì?
- Con muốn xin cha cho con thả chim anh vũ ra, nếu không con buồn lắm, con thương nó lắm.
Lâm tri huyện chặc lưỡi gật đầu:
- Ừ thì cha chiều con vậy.
Năm tháng thoi đưa, thấm thoát Mặc Nương đã mười lăm tuổi. Càng lớn lên, nàng càng thương người và loài vật. Thấy một người nghèo khổ rách rưới, thấy một con ngựa chở nặng, thấy một gia nhân làm việc vất vả... nàng đều cảm thấy không yên lòng.
Một hôm nghe tiếng ồn ào ngoài cổng, Mặc Nương chạy ra, thấy mấy chị của mình và mấy gia nhân đang mỗi người một câu ồn ào.
- Ăn mày gì mà lạ lùng vậy?
- Đói rách nhưng cho cơm cho áo lại không thèm lấy, cứ đòi xin tiền xin bạc cơ.
- Ăn mày gì mà đáng ghét quá.
Thị tỳ A Dung thì đẩy mấy tiểu thư vào mà bảo:
- Tên ăn mày này dơ dáy hôi hám quá, xin các tiểu thư vào nhà đi, kẻo bị đại nhân và phu nhân rầy la.
Các tiểu thư chỉ hơi lui vào mấy bước, nhưng vẫn đứng lại vì hiếu kỳ. Mặc Nương ra tới cổng thì người ăn mày nhìn nàng mà nói:
- Xin tiểu thư cho tôi ít bạc, mẹ tôi bệnh sắp chết mất.
Mặc Nương nhíu mày hỏi:
- Mẹ ngươi bệnh như thế nào?
- Thưa tiểu thư, mẹ tôi bệnh nặng đã hai tháng nay, trong nhà không còn đồng nào mua thuốc, chắc mẹ tôi chết mất.
- Ngươi cần bao nhiêu?
- Dạ, thuốc men tốn kém, xin tiểu thư cho một đĩnh bạc.
Mặc Nương bảo:
- Chờ ta.
Rồi nàng vào phòng, lấy tiền riêng của mình, đem ra cho người ăn mày. Tam Nương kêu lên:
- Trời ơi, một đĩnh bạc là mười lượng, em cho như vậy không sợ cha mẹ mắng sao?
Thị tỳ A Dung nói thêm:
- Tiểu thư ơi, coi chừng đây là kẻ chuyên lừa bịp đấy, chưa chắc gì hắn đã có mẹ có cha đâu.
Nhưng Mặc Nương coi như không nghe thấy gì, hỏi người ăn mày:
- Thôi, có tiền rồi thì về nhà lo thuốc cho mẹ đi, còn nấn ná gì nữa? À, hay là ngươi còn đói?
Nói xong quay lại bảo thị tỳ A Mai vào lấy một chén cơm lớn với đồ ăn cho người ăn xin. Người ăn xin ăn xong, thì cúi lạy Mặc Nương:
- Ơn của tiểu thư không bao giờ tôi quên được, xin có ngày báo đáp.
Tam Nương nguýt dài:
- Hạng đó mà báo đáp được ai.
Thị tỳ A Dung nói theo:
- Nó là tên lừa bịp.
o0o
Hôm sau có một vị đạo sĩ đầu râu tóc bạc, đầy vẻ tiên phong đạo cốt tới dinh quan huyện, xin được yết kiến Lâm tri huyện. Lính hầu hỏi danh thiếp, thì vị đạo sĩ bảo:
- Cứ vào thưa là có Huyền Thông đạo sĩ ở Nam Sơn tới thăm.
Lính hầu vào báo. Lâm tri huyện nghe nói có Huyền Thông đạo sĩ ở Nam Sơn tới thì ngạc nhiên lắm, vì nghe nói đạo sĩ sống đã mấy trăm năm và thành tiên, người thường không ai được gặp mặt cả.
Lâm tri huyện bước ra tận thềm tiếp rước Huyền Thông đạo sĩ rất cung kính. Sau khi phân ngôi chủ khách và lính hầu dâng trà thơm, Lâm tri huyện hỏi:
- Chẳng hay hôm nay tiên ông có điều gì dạy bảo tệ chức?
Huyền Thông đạo sĩ nói:
- Đại nhân dạy quá lời, bần đạo tới đây là để xin đại nhân một việc.
Lâm tri huyện không biết chuyện gì, nhưng vẫn nói:
- Xin tiên ông cứ chỉ dạy.
Huyền Thông đạo sĩ chậm rãi:
- Bần đạo biết đại nhân có một vị tiểu thư tuổi còn nhỏ, nhưng có lòng nhân đạo bác ái vô cùng, đó là đại phúc cho đại nhân.
Lâm tri huyện cúi đầu:
- Dạ, tiên ông quá khen.
- Bởi vậy bần đạo sắp đến ngày phải trở về Tây thiên, có chút y thuật muốn truyền lại cho đời, nhưng chưa gặp được người nào xứng đáng. Bây giờ thì bần đạo quyết định truyền y thuật lại cho tiểu thư đây, để tiểu thư cứu đời. Chẳng hay đại nhân nghĩ sao?
Lâm tri huyện vốn người lương thiện, nên mừng lắm:
- Dạ, được như vậy thì còn gì bằng. Để tệ chức gọi nó ra lay chào tiên ông.
Mặc Nương bước ra đại sảnh lạy chào người khách lạ. Huyền Thông đạo sĩ cười hỏi:
- Tiểu thư có nhớ ra tôi không? Hôm qua tiểu thư đã gặp tôi mà.
Mặc Nương đứng dậy ngơ ngác không hiểu gì. Huyền Thông đạo sĩ lấy trong áo ra một đĩnh bạc đưa cho nàng mà bảo:
- Hôm qua tiểu thư có lòng tốt cho tôi, hôm nay tôi xin trả lại đĩnh bạc này, chỉ xin nhận tấm lòng của tiểu thư thôi.
Bấy giờ Mặc Nương mới hiểu rằng người ăn mày hôm qua chính là Huyền Thông đạo sĩ đã hóa thân, bèn nhận lại bạc, rồi kể lại vắn tắt câu chuyện cho cha nghe. Lâm tri huyện lấy làm lạ lắm.
Từ đó ngày ngày Mặc Nương tới Nam Sơn để học y thuật với Huyền Thông đại sĩ. Ngoài ra nàng còn được học cả về tinh tượng, thiên văn và tướng số nữa. Học được vài tháng thì Huyền Thông đạo sĩ bảo là đủ rồi, hãy trở về giúp đời. Từ đó không ai thấy đạo sĩ đâu nữa.
Mặc Nương bắt đầu đi khắp trong huyện, nơi nào có người bệnh thập tử nhất sinh, nàng đều cho thuốc cứu sống, tiếng tăm lừng lẫy một vùng. Càng ngày Mặc Nương càng say sưa trong nhiệm vụ cứu người bệnh hoạn, ai tới xin thuốc cũng cho, ai mời đi đâu cũng đi. Nhưng điều đó đã khiến phu nhân buồn rầu không ít. Một hôm phu nhân nói với chồng:
- Con Mặc Nương nhà mình kể cũng đã lớn rồi...
Lâm tri huyện ngắt lời vợ:
- Nó lớn rồi thì sao?
Phu nhân thở dài:
- Nó cứ như con trai ấy thôi.
Lâm tri huyện nói:
- Nhưng nó học được y thuật tiên truyền, cứu được cho nhiều người, làm rạng rõ gia đình dòng họ, coi nó như trai cũng chẳng sao.
Phu nhân nhíu mày nói:
- Nói như đại nhân đâu được, con trai là con trai mà con gái là con gái chứ. Các chị của nó thì đã lần lượt có chồng vinh hiển cả rồi, chỉ còn mình nó.
Lâm tri huyện ngẫm nghĩ rồi bảo:
- Phu nhân nói cũng đúng, nhưng mình không có con trai, Mặc Nương nó đã không thiết tha chuyện chồng con, thì cứ để nó ở nhà với mình, như vậy có phải tuổi già của mình cũng bớt cô quạnh hơn không?
Phu nhân lắc đầu trách chồng:
- Ông nói vậy nghe sao được, con gái thì phải có chồng chứ. Mình là cha mẹ phải lo gây dựng hạnh phúc cho con, chứ sao lại chỉ nghĩ đến hạnh phúc của mình?
Lâm tri huyện gật gù:
- Vậy bây giờ bà tính sao?
Phu nhân chậm rãi:
- Tháng trước có người mai của bên Trần viên ngoại tới đánh tiếng. Trần công tử thì tôi được gặp mặt một lần rồi, khôi ngô tuấn tú mà giỏi văn chương nữa. Kỳ thi Hương sắp tới, thế nào cũng đậu; tương lai nhất định sẽ vinh hiển.
Lâm tri huyện nói:
- Kể cũng được.
Phu nhân bảo:
- Ông phải dứt khoát chứ. Nói vậy sao được.
Lâm tri huyện chắc lưỡi miễn cưỡng:
- Tôi thì không muốn con nó xa mình. Nếu bà đã ưng thuận, thì cứ cho làm đám hỏi trước đi, rồi một hai năm nữa chờ Trần công tử thành danh rồi hãy cưới.
Phu nhân thở dài:
- Đâu phải chỉ mình ông buồn, nhưng con gái là con người ta, sớm muộn gì rồi nó cũng phải xa mình, giữ lại một hai năm cũng vậy thôi.
Lâm tri huyện bảo:
- Tôi nghĩ là cũng nên hỏi ý kiến của con.
Phu nhân gật đầu:
- Tất nhiên rồi, nhưng tôi thấy Mặc Nương nó không giống với các chị của nó.
Rồi phu nhân quay lại bảo thị tỳ A Mai mời Mặc Nương ra.
A Mai vào trong một lát rồi trở ra nói:
- Bẩm đại nhân và phu nhân, tiểu thư tới thăm một đứa trẻ bị bệnh trong huyện, hiện chưa về.
Lâm tri huyện và phu nhân nhìn nhau buồn rầu không nói.
Mãi đến tối Mặc Nương mới về tới nhà, vừa ăn cơm xong thì thấy thị tỳ A Mai vào nói:
- Thưa tiểu thư, đại nhân và phu nhân cho mời.
Mặc Nương gật đầu, sửa lại quần áo:
- Được, ta lên ngay. Nhưng A Mai này, có chuyện gì vậy?
A Mai chỉ cười khúc khích mà không đáp. Mặc Nương ngạc nhiên:
- Em cười cái gì vậy hả A Mai?
A Mai cứ che miệng mà cười:
- Thì tiểu thư cứ lên gặp đại và phu nhân sẽ rõ.
Mặc Nương có vẻ giận:
- Em đã biết, sao không nói cô nghe?
A Mai sợ chủ giận, đành nói:
- Chuyện hôn nhân của tiểu thư đó.
Mặc Nương giật mình:
- Cái gì? Hôn nhân à?
A Mai gật đầu:
- Vâng, em không dám nói giỡn đâu. Hồi chiều đại nhân và phu nhân đã bàn chuyện đó, và cho mời tiểu thư, nhưng tiểu thư chưa về.
Mặc Nương đành lên đại sảnh chào cha mẹ rồi đứng chờ một bên.
Lâm tri huyện hỏi:
- Mặc Nương, chiều nay con đi đâu mà về muộn quá vậy?
Mặc Nương đáp:
- Thưa cha, cách đây mấy dăm có một đứa trẻ sốt mê man nhiều ngày, con phải tới trị cho nó.
Lâm tri huyện gật gù bảo:
- Con thật tốt quá, nhưng con nghĩ tới nhiều người khác, mà sao không nghĩ đến tương lai hạnh phúc của con.
Mặc Nương im lặng. Lâm tri huyện chậm rãi nói tiếp:
- Hôm nay cha mẹ có chuyện muốn cho con biết. Mặc Nương à, năm nay con cũng đã hai mươi rồi, không còn nhỏ gì nữa. Trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng, đó là bổn phận của bậc cha mẹ, mà cũng là cái luật của tạo hóa nữa. Con nghĩ thế nào?
Mặc Nương cúi đầu nói:
- Thưa cha mẹ, cha mẹ dạy rất đúng, nhưng trường hợp của con thì khác với các chị của con. Con muốn ở nhà với cha mẹ trong lúc tuổi già, vả lại cứu giúp người bệnh hoạn đau khổ là con thấy hạnh phúc rồi.
Phu nhân nhỏ nhẹ bảo:
- Con à, cha mẹ biết con rất nhân từ và hiếu hạnh, nhưng con gái đâu thể ở nhà mãi với cha mẹ được. Các chị con đều có gia thất, sống vinh hiển, nay con cứ ở nhà, rồi ở ngoài người ta đàm tiếu.
Mặc Nương bắt đầu khóc:
- Nhưng con không muốn xa cha mẹ.
Lâm tri huyện ôn tồn:
- Mặc Nương, con không được khóc, cha mẹ tính là sẽ nhận lời cầu hôn của bên Trần viên ngoại, cho con về với Trần công tử, là người tuấn tú, có văn tài, cả vùng đều biết. Con nghĩ sao?
Phu nhân nói thêm:
- Con ơi, nhận lời đi con.
Mặc Nương lau nước mắt đáp:
- Nhưng có chồng rồi, làm sao có thể tiếp tục cứu giúp những người bệnh hoạn được.
Lâm tri huyện tạm thuyết phục con:
- Con có lòng nhân từ vậy cũng đáng khen, nhưng có chồng rồi, con vẫn có thể cho thuốc để cứu người bệnh được mà.
Phu nhân nói thêm:
- Mặc Nương, nếu là con hiếu, thì đừng để cha mẹ phiền lòng.
Mặc Nương ngẫm nghĩ một chút rồi nói:
- Nếu cha mẹ muốn con có chồng, thì con là con út, xin cha mẹ đặt điều kiện ở rể, chứ con không chịu xa cha mẹ đâu.
Lâm tri huyện tán thành ngay:
- Ý kiến hay đó, mà lý do lại vững nữa.
Mặc Nương nói thêm:
- Nhưng xin cha mẹ cho con được chọn người theo ý con.
Lâm tri huyện và phu nhân nhìn nhau không nói gì.
Hôm nay tư dinh quan huyện treo đèn kết hoa rực rỡ. Ngoài cổng chen chúc hàng trăm thanh niên và những người hiếu kỳ. Họ đang bu quanh chừng hơn mười chiếc kiệu lộng lẫy, che rèm hoa sặc sỡ. Trong mỗi chiếc kiệu là một thanh niên ăn mặc cực sang trọng.
Xa xa có hai người đàn ông đang trò chuyện với nhau. Một người có vẻ là nông dân nói:
- Anh Vương Đức à, dinh quan huyện hôm nay có việc gì vui mừng mà treo đèn kết hoa đẹp quá, bên ngoài lại có nhiều kiệu của khách khứa nữa. Tôi đoán, nếu không phải là lễ sinh nhật của Lâm tri huyện, thì cũng là đám cưới của Lâm tiểu thư.
Người kia trẻ tuổi hơn, có vẻ rành chuyện đáp:
- Kià bác Trần, bác không biết hôm nay là ngày Lâm tiểu thư tự mình đứng ra kén chồng hay sao?
- Ủa, tự đứng ra kén chồng là thế sao hả?
- Ấy, bác không biết, Lâm tiểu thư muốn rằng lấy chồng rồi, cả hai vợ chồng ở chung với Lâm tri huyện, do đó tiểu thư muốn chọn người chồng thật vừa ý. Vì vậy mà Lâm tri huyện chiều lòng đó.
Người lớn tuổi vẫn thắc mắc:
- Thế ai ở trong mấy cái kiệu kia?
- À, đó là các công tử danh giá trong vùng này, tới để cho tiểu thư chọn.
Hai người đang trò chuyện thì đã tới giờ khởi sự. Trên thềm dinh tri huyện, một người lính cầm loa nói ra:
- Xin mời Ngô công tử.
Cổng chính mở ra, Ngô công tử ngồi kiệu tiến vào sân, đám gia nhân xúm xít đi theo. Dân chúng bên ngoài nghển cổ chờ Ngô công tử bước ra xem mặt mũi thế nào rồi bàn tán ồn ào mỗi người một câu.
Cứ mỗi lần có tiếng hô mời như vậy, là lại có một chiếc kiệu và một đám người tiến vào sân, và bên ngoài lại ồn ào lên một lúc.
Hai người vừa rồi cũng tới gần để xem. Người lớn tuổi lại thắc mắc hỏi bạn:
- Này, anh Vương, không biết tiểu thư chọn như vậy là chọn làm sao nhỉ? Thi văn chương hay là thi võ nghệ, hay là sao? Anh biết không?
Người trẻ tuổi cười, làm ra vẻ biết nhiều:
- Ấy, tôi có quen với mấy gia nhân trong dinh Lâm tri huyện nên mới được biết đấy chứ. Nghe đâu tiểu thư không chọn về văn chương hay võ nghệ gì hết, mà là... xem tướng người.
Người lớn tuổi ngạc nhiên:
- Xem tướng? Xem tướng là thế nào?
Người trẻ tuổi cười ha hả:
- Còn là thế nào nữa. Xem tướng là xem tướng người có phúc hậu nhân từ hay không, có tài năng đức độ gì không. Tất cả những thứ đó đều hiện rõ ở tướng mặt, tướng người, tướng đi đứng ăn nói.
Người lớn tuổi ngẩn mặt ra:
- Tức là xem tướng theo kiểu thầy tướng phải không? Nhưng mà tiểu thư đâu phải thầy tướng?
Người trẻ tuổi vỗ vai bạn:
- Đúng là anh chẳng biết gì hết. Để tôi nói cho mà nghe, Lâm tiểu thư hồi còn học thuốc với Huyền Thông đại sư ở Nam Sơn, đã được truyền dạy cả về tinh tượng, thiên văn, tướng số nữa đó. Cái gì tiểu thư cũng giỏi hết. Anh cứ thấy tiểu thư chữa bệnh như thần cũng đủ biết.
Người lớn tuổi gật gù:
- Thì ra vậy. Mà tiểu thư chọn chồng ở rể như thế cũng là may mắn cho dân vùng này lắm. Giả như tiểu thư lấy chồng phương xa rồi theo về nhà chồng, thì từ nay còn ai trị bệnh cứu dân nữa.
Bỗng lúc đó ở cổng phủ dân chúng lại ồn ào bàn tán, rồi từ trong thềm dinh có tiếng loa:
- Xin mời Trương công tử ra về.
Mọi người lại càng ồn ào bàn tán hơn, vì đó rõ ràng là một lời xua đuổi. Người ta không hiểu Trương công tử đã làm gì, khiến bị xua đuổi như vậy. Thì ra Trương công tử chỉ là hạng công tử nhà giàu hiếu sắc, lúc vào để Mặc Nương xem mặt, thì cứ nhìn nàng chòng chọc, và buông những lời tán tỉnh bất nhã, khiến Mặc Nương không chịu tiếp nữa, phải sai gia nhân mời ra. Tuy nhiên, Trương công tử vẫn lì lợm chưa chịu ra ngay, còn đứng lại cười bảo:
- Tiểu thư ơi, tôi vốn vụng về ăn nói, không biết nói hay để đẹp lòng mỹ nhân, sự thật thì tôi yêu mến tiểu thư lắm, nếu được tiểu thư lựa chọn, tôi nguyện chiều ý tiểu thư bất cứ chuyện gì.
Mặc Nương nghiêm trang bảo:
- Thưa công tử, công tử nói vậy là tôi hiểu rồi, bây giờ xin công tử về cho.
Nhưng Trương công tử đã chẳng chịu ra về, còn bước tới cười cợt:
- Tiểu thư, tiểu thư chọn tôi đi, tôi yêu tiểu thư lắm.
Nói xong thì định nắm lấy tay Mặc Nương, nhưng nàng vội đứng dậy, lùi ra sau tránh được. Lâm tri huyện ngồi ở phía xa tức quá, vội thét lính hầu nắm lấy Trương công tử đẩy ra ngoài thềm, và sai gọi loa mời Trương công tử về, cho dân chúng ở ngoài nghe biết. Lâm tri huyện cũng sai lính hầu gọi loa ra ngoài nói rằng:
- Trương công tử ăn nói bất nhã, hạnh động vô lễ, nên đại nhân tôi mời về, vậy xin báo để dân chúng rõ.
Trương công tử thẹn quá leo lên kiệu, giục gia nhân khiêng kiệu mà chạy, giữa những tiếng la ó chê bai chế nhạo của dân chúng. Trong này, Mặc Nương bị Trương công tử xúc phạm, nàng chán nản không muốn tiếp tục tuyển chọn nữa, bèn sai lính hầu ra xin lỗi những vị công tử còn lại và hẹn tới một dịp khác. Các vị công tử này hận Trương công tử lắm. Dân chúng bên ngoài cũng dần dần kéo nhau ra về, vừa đi vừa bàn tán không thôi.
Từ ngày bị Trương công tử xúc phạm, Mặc Nương chán chuyện hôn nhân. Thân bằng quyến thuộc có mấy người tới xin làm mai, nhưng nàng đều tìm cách trì hoãn.
Lâm tri huyện và phu nhân thấy việc kén chồng của con gái bị trắc trở và xảy ra chuyện đáng tiếc như vậy thì cũng không vui, lại thấy con gái thờ ơ với chuyện hôn nhân hơn cả lúc trước, thì thấy trong lòng không yên. Nhiều lần vợ chồng già ngồi uống trà than thở với nhau, rồi có khi im lặng hàng giờ, chẳng ai nói câu nào.
Rồi ngày tháng qua mau, thấm thoát đã sang mùa xuân mới, Mặc Nương lại thêm một tuổi, nàng dường như đã quên câu chuyện kén chồng năm ngoái, để sống vui vẻ hồn nhiên như trước.
Hôm nay mặc dầu trời quang đãng, bên ngoài bắt đầu có nắng, nhưng khí hậu vẫn còn lạnh lắm. Mặc Nương dậy sớm như thường lệ. A Mai bưng nước nóng vào cho chủ rửa mặt và dọn điểm tâm cho chủ.
Mặc Nương rửa mặt, ăn điểm tâm và thay quần áo xong, thì sang phòng mẹ để vấn an như thường lệ.
- Mẹ, đêm qua mẹ ngủ ngon không?
Mặc Nương vừa bước vào, vừa vui vẻ hỏi. Nhung khác với mọi lần, nàng thấy mẹ vẫn còn nằm trên giường thiêm thiếp. Thường lệ thì phu nhân thức dậy rất sớm, vì người già đâu có dậy trễ, nhưng hôm nay không hiểu sao phu nhân lại dậy trễ như vậy. Mặc Nương hơi lo ngại:
- Mẹ, mẹ sao vậy?
Phu nhân mở mắt ra:
- Con đấy à?
Mặc Nương thấy sắc mặt mẹ mình hôm nay có vẻ khác thường, liền ngồi xuống bên giường, đưa tay rờ trán mẹ:
- Mẹ hơi sốt đây này.
Phu nhân gật đầu:
- Có lẽ mẹ bị gió, trong mình cũng hơi khó chịu.
Mặc Nương bèn kê đơn, sai gia nhân ra tiệm thuốc hốt thuốc đem về, nàng tự tay sắc cho mẹ uống, rồi ở liền bên mẹ, không rời phút nào. Tới chiều thì phu nhân khỏe khoắn hơn nhiều, không còn sốt nữa, và ngủ yên. Mặc Nương ra hoa viên tản bộ.
Mặt trời sắp lặn, từng bầy chim ríu rít kéo nhau về tổ. Đúng lúc đó thì ngoài cổng có người gọi cổng. Lão bộc họ Ngô chạy ra hỏi:
- Xin lỗi, ai đó?
Người ngoài cổng đáp:
- Tôi là người ở bên Trần viên ngoại đây.
Lão Ngô nghe nói vậy thì mở cổng ra, thấy bên ngoài là một người đàn ông vào tuổi trung niên, người này vái chào rồi nói:
- Tiểu thư thứ ba bên Trần viên ngoại chúng tôi, chẳng may bị bệnh thình lình, do đó viên ngoại chúng tôi thỉnh cầu tiểu thư bên này sang cứu cho.
Lão Ngô ngần ngừ:
- Sắp tối rồi, tiểu thư tôi làm sao đi được. Hay là để mai?
Người kia có vẻ bồn chồn:
- Cứu bệnh như cứu hỏa mà. Phiền lão cứ vào thưa giùm một tiếng xem sao đã.
Lão Ngô gật đầu:
- Vậy thì cảm phiền ông chờ ngoài này một chút.
Nói xong Lão Ngô quay vào, thấy tiểu thư đang ở hoa viên thì gọi:
- Thưa tiểu thư.
Mặc Nương quay lại:
- Chuyện gì vậy?
Lão Ngô chạy tới:
- Bên Trần viên ngoại sai người tới mời tiểu thư sang chữa bệnh cho tiểu thư thứ ba bên đó.
Mặc Nương thấy trời gần tối thì do dự. Lão Ngô hiểu ý, nói tiếp:
- Thưa tiểu thư, vừa rồi tôi cũng nói rằng trời sắp tối rồi, tiểu thư không đi được đâu, nhưng người đó cứ năn nhỉ nhờ tôi vào nói. Thôi, để tôi ra bảo là ngày mai vay.
Vừa lúc đó thì Lâm tri huyện từ đại sảnh bước ra:
- Có chuyện gì vậy con?
- Thưa cha, bên Trần viên ngoại sai người mời con sang chữa bệnh cho một tiểu thư bên đó.
Lâm tri huyện bảo:
- Trời tối rồi, để mai hãy tính.
Mặc Nương nghĩ ngợi một chút rồi nói:
- Thưa cha, trời gần tối mà người ta còn tới đây, tức là bệnh gấp lắm, nếu con không đi, lỡ có gì bất hạnh xảy ra thì con cũng ân hận.
Lâm tri huyện cũng nghĩ là bên Trần viên ngoại đã từng ngỏ ý cầu thân, nay cho Mặc Nương sang đó cũng là chuyện tốt, biết đâu nhờ vậy mà chuyện hôn nhân được thành tựu, bèn bảo:
- Thôi được, con đi thì nhớ về sớm, mẹ con ở nhà cũng chưa được khỏe hẳn, đừng để cho mẹ con mong đợi.
Nói rồi sai mấy gia nhân đi theo đề phòng bất trắc dọc đường.
Mặc Nương trở vào thay quần áo, đem theo những thứ cần dùng, rồi cùng gia nhân ra cổng. Gia nhân nhà họ Trần thấy Mặc Nương ra thì mừng quá, vái chào thật thấp mà nói:
- Bẩm tiểu thư, tiểu thư bên chúng tôi chẳng may lâm bạo bệnh, nên đường tuy xa, trời sắp tối mà vẫn phải sai chúng tôi tới thỉnh tiểu thư, xin tiểu thư ra tay cứu giùm cho. Nếu không thỉnh được tiểu thư, chắc là tôi sẽ bị trách mắng.
Nói xong lại khom người mà vái. Mặc Nương gật đầu:
- Được được, ta tới đây mà.
A Mai chạy theo ra nói:
- Tiểu thư, trời tối rồi, hay để mai tiểu thư hãy đi.
Mặc Nương quay lại bảo:
- Đâu được, ta không thể biết có người bệnh mà không tới cứu.
A Mai nói:
- Nếu vậy tiểu thư cũng phải chờ kiệu tới đã chứ.
Gia nhân họ Trần vội nói:
- Dạ chúng tôi đã có sẵn kiệu ở đây rồi.
Nói xong quay ra gọi đem kiệu lại, rồi mời:
- Thỉnh tiểu thư lên kiệu đi cho sớm
Tiểu thư gật đầu bước lên kiệu rồi dặn lại A Mai:
- A Mai, cứ để phu nhân ngủ, phu nhân thức dậy có hỏi, thì nói cô sẽ về ngay.
Kiệu đi rồi, A Mai quay vào với Lâm tri huyện:
- Bẩm đại nhân, con thấy mấy người này lạ mặt mà có vẻ hung dữ, bất lương lắm, không biết có phải là gia nhân của Trần viên ngoại thật không?
Lâm tri huyện ngẩn người ra lo ngại:
- Trần viên ngoại với ta là chỗ quen biết lâu năm, nhưng gia nhân bên đó thì làm sao ta biết được. Nếu mày có ý nghi ngờ, thì thử đi theo xa xa xem có thật là đến nhà Trần viên ngoại không.
Nhưng lão Ngô đứng cạnh đã nói:
- Bẩm đại nhân, A Mai làm sao đi được, để tôi xin đi, tôi đem theo vũ khí của tôi là chắc ăn.
- Thì đi mau đi, kẻo đuổi không kịp.
Lão Ngô bèn chạy vào phòng riêng, lấy theo một nắm phi tiêu rồi chạy ra cổng, A Mai theo ra đóng cổng lại.
Lão Ngô co cẳng mà chạy về hướng đông, là đường tới nhà Trần viên ngoại. Chạy một lúc lâu mới thấy thấp thoáng bóng kiệu đi trước. Lão Ngô chạy chậm lại và giữ im lặng. Lát sau thấy chiếc kiệu rời đường lớn để hướng ra phía bãi biển. Lão Ngô hoảng sợ, biết là Mặc Nương bị lừa, bèn chạy theo, tay nắm chặt bó phi tiêu.......
Nhưng đến sáng hôm sau, cả Mặc Nương và Lão Ngô đều không thấy trở về, trong khi phu nhân lại trở bệnh nặng hơn, Lâm tri huyện ruột nóng như lửa đốt, nhưng vẫn yên tâm phần nào, vì biết là con gái mình còn học được võ nghệ hơn người.
Đến chiều vẫn chưa thấy Mặc Nương và Lão Ngô trở về, mà bệnh của phu nhân càng nguy kịch. Lâm tri huyện phải mời một y sĩ tới cho thuốc uống đỡ. Phu nhân mê man từ chiều tới đêm. Lâm tri huyện thấy phu nhân uống thóc không đỡ mà bệnh còn nặng hơn, thì lo sợ vô cùng, muốn gia nhân tới nhà Trần viên ngoại hỏi thăm, thì trời đã khuya, đành đợi đến sáng hôm sau sẽ tính.
Lại nói về Mặc Nương ngồi trên kiệu, thấy đường càng xa mà trời càng tối dần. Đến khi kiệu rời đường lớn để đi ra phía bờ biển, thì nàng kêu lên:
- Sao lại đi ra phía bờ biển vậy?
Mấy người phu kiệu cứ chạy băng băng, không nói gì. Mặc Nương lại kêu lên lần nữa. Người trung niên hồi nãy chạy theo, nói:
- Xin tiểu thư an tâm, đại vương chúng tôi muốn cầu hôn tiểu thư.
Mặc Nương nói lớn:
- Đại vương các ngươi là ai? Các ngươi là bọn đạo tặc phải không?
Người trung niên cười ha hả:
- Xin tiểu thư bình tĩnh, lát nữa thành thân với đại vương tôi, tiểu thư sẽ biết.
- Hạ kiệu cho ta xuống mau!
- Xin lỗi tiểu thư, chưa tới nơi mà. Dại vương tôi sẽ tiếp rước tiểu thư trọng thể lắm.
Lão Ngô vẫn chạy theo phía xa, thấy ngoài bờ biển có một chiếc thuyền lớn thì nghĩ rằng thế nào bọn này cũng đưa Mặc Nương lên thuyền đó. Lão lại nghe người ta đồn rằng khoảng một năm nay có một bọn hải tặc tới chiếm đảo My Phong làm sào huyệt, thì chắc là bọn này đây. Lão biết là lực lượng của bọn giặc đông lắm, nhưng chưa kịp nghĩ ra cách gì đối phó.
Trong khi đó Mặc Nương muốn ra khỏi kiệu mà nhảy xuống đất nhung đây là loại kiệu có cửa rất chắc chắn và đã bị cài chặt ở bên ngoài. Tới gần chỗ thuyền đậu, chiéc kiệu được hạ xuống, có hai bóng đen lực lưỡng chạy tới mở cửa kiệu và cất giọng ôn tồn:
- Tiểu thư đừng có hòng chạy trốn vô ích!
Then cài vừa kéo ra, thì Mặc Nương đạp mạnh cánh cửa kiệu, cánh cửa đập mạnh vào mặt bóng đen, khiến hắn kêu lên đau đớn loạng choạng lùi ra sau. Lập tức Mặc Nương phóng mình ra, đá cho hắn một cước khiến hắn nằm im bất động. Bóng đen kia nhào lại, Mặc Nương vung quyền đánh liên tiếp vào mặt hắn, hắn cũng nằm bất động luôn. Hai tên khiêng kiệu đồng loạt nhảy vào trợ chiến, đều bị Mặc Nương đánh bị thương nằm lăn lộn. Tên giặc giả làm gia nhân nhà họ Trần thấy trong nháy mắt Mặc Nương đánh ngã bốn đồng bọn của hắn, thì biết Mặc Nương có bản lãnh cao cường, bèn thò tay vào trong kiệu rút ra một thanh đoản đao:
- Tiểu thư hãy đứng im, không được nhúc nhích, kẻo tôi không thể nương tay.
Hai tên gia nhân theo nàng từ tối tới giờ sợ hãi cứ đứng chết một chỗ, bây giờ lại càng run sợ hơn. Bỗng tên giặc cầm đao tự nhiên kêu lên một tiếng đau đớn rồi gục xuống. Thì ra hắn bị trúng phi tiêu của Lão Ngô. Lão vội xông tới, cướp cây đao trong tay hắn. Mặc Nương mừng lắm, hai tên gia nhân cũng hết sợ mà phấn khởi lên. Bỗng có hai tên giặc nữa từ thuyền lớn đậu ngoài xa xuống thuyền nhỏ, bơi mau vào bờ, cầm đao chạy lên, vì biết có biến.
Hai gia nhân vội rút đòn khiêng kiệu làm khí giới. Lão Ngô cầm đoản đao, còn Mặc Nương vẫn tay không. Bên này có tới bốn người để chỉ còn đối phó với hai tên hải tặc, nên có vẻ mạnh lắm mặc dù hai gia nhân không biết võ nghệ, còn Lão Ngô thì chỉ có tài ném phi tiêu từ xa mà thôi.
Bốn người xoay lưng lại nhau mà đối phó với hai tên hải tặc. Một tên xông tới vung đao chém, Mặc Nương vội né tránh rồi xoay mình đá vào chân nó. Tên hải tặc té xấp xuống. Lão Ngô nhào tới bắt sống. Tên hải tặc còn lại thấy một mình không thể địch nổi bốn người, bèn chạy tới chỗ thuyền nhỏ, ngồi lên chèo vội ra ngoài...
o0o
A Mai phải ở liền bên giường phu nhân, còn Lâm tri huyện thì đứng ngồi không yên, hết đi ra lại đi vào, phần lo cho con gái gặp chuyên không may, phần lo cho vợ đang cơn bệnh ngặt, mà không còn thuốc men kiến hiệu. Bỗng A Mai từ trong chạy ra hốt hoảng:
- Bẩm đại nhân... phu nhân nguy mất...
Lâm tri huyện cũng hoảng lên:
- Cái gì? Phu nhân làm sao?
- Phu nhân làm con sợ quá......
Lâm tri huyện vội vào hậu đường, thấy vợ ngồi dậy từ lúc nào, mặt trắng bệch như tờ giấy, hai mắt trừng trừng, miệng mấp máy:
- Mặc Nương... Mặc Nương đâu?....
Nói xong thì lại ngã xuống rồi lăn lộn có vẻ đau đớn lắm.
A Mai bật khóc:
- Phu nhân....... phu nhân....
Lâm tri huyện cuống lên, chạy tới đỡ vợ:
- Sao vậy? Phu nhân sao vậy?........
Nhung chỉ lát sau thì phu nhân đã từ trần. Phu nhân là nạn nhân đầu tiên của một bệnh dịch nguy hiểm đã lan tràn vào huyện mà dân chúng chưa hay biết.
Không biết bao lâu nữa thì ngoài cổng có tiếng chó sủa, A Mai bước ra coi. Lâm tri huyện khóc mà hỏi vọng ra:
- Mặc Nương nó về đấy phải không?
A Mai mừng rỡ nói lớn:
- Dạ, bẩm đại nhân, tiểu thư đã về.
Lão Ngô vào tới sân, nói bô bô:
- Suýt nữa thì tiểu thư bị nguy với bọn hải tặc rồi. Tiểu thư và chúng tôi có bắt được một tên đây này.
A Mai kinh ngạc nhìn tên hải tặc bị trói hai cùi chỏ ra sau, và bị đẩy cho quỳ xuống trước sân. Trong khi đó Mặc Nương bước lên thềm:
- Thế nào? Phu nhân khỏe chưa?
A Mai bật khóc:
- Tiểu thư ơi....... phu nhân đã....... đã.......
Như có linh tính, Mặc Nương giật mình kinh hãi:
- Sao? Phu nhân làm sao?
Rồi không đợi A Mai trả lời, nàng chạy ngay vào phòng mẹ. Thấy mẹ đã chết, Mặc Nương đau đớn ôm thây mẹ mà khóc:
- Mẹ Ơi, còn về trễ quá, không cứu được mẹ, con thật bất hiếu.......
Lâm tri huyện nghẹn ngào:
- Con đi rồi, mẹ con sốt dữ dội, rồi ói mửa..... rồi mồ hôi ra như tắm.... không ngờ lại....
Mặc Nương khóc ngất, gia nhân lớn nhỏ trong nhà nhất loạt thương khóc phu nhân....
Bây giờ đang là mùa xuân, nhưng quang cảnh trong huyện sao lặng lẽ thê lương. Mặt trời đã lên cao mà sương sớm chưa tan, dân chúng trong huyện chưa thấy bắt đầu nhũng sinh hoạt thường ngày. Một vài nhà mở hé cửa, một vài người dân bước ra bàn tán.
- Như vầy thì biết làm sao, mới có một ngày mà trong huyện đã có hơn ba mươi người chết.
- Thì con trai lớn của ông Vương đó, bị bệnh có nửa ngày là chết, không hiểu bệnh dịch gì mà khủng khiếp đến như thế.....
- Lâm phu nhân lại vừa mới từ trần, thành thử Lâm tiểu thư không thể đi cứu các bệnh nhân được.........
- Thì tất nhiên, người ta đang có tang mẹ, biết làm sao..........
Một người đàn bà trong nhà nghe ngoài đường có tiếng người bàn tán thì cũng mở cửa bước ra nói:
- Hay bệnh dịch này là do ma quỷ làm? Phải mời thầy pháp mới được.
Mấy người kia tán thành ngay:
- Phải đó, phải rước thầy pháp cúng trừ tà ma mới được......
o0o
A Mai lo lắng:
- Thưa tiểu thư, mới có hơn một ngày mà trong huyện đã mấy chục người chết, đúng là vùng này đang gặp bệnh dịch nguy hiểm rồi.
Mặc Nương hỏi đứa thị tỳ tâm phúc:
- Họ có những bệnh chứng giống phu nhân không?
- Dạ đúng như vậy đó..
Mặc Nương im lặng nghĩ ngợi, A Mai nói tiếp:
- Dân chúng sợ hãi, bỏ cả công ăn việc làm thường ngày, bây giờ các gia đình đang đua nhau đi rước thầy pháp bà đồng về cúng vái trừ tà ma. Riêng ở miếu Thành hoàng thì nhiều gia đình đem người bệnh tới đó cho bà đồng trừ tà trị bệnh.
Mặc Nương nhíu mày:
- Sao lại rước thầy pháp với bà đồng? Như vậy ích lợi gì....
Nói xong, thay quần áo sửa soạn ra đi. Năm người chị lớn của Mặc Nương đã tề tựu để lo tang ma cho mẹ, thấy vậy đều hỏi:
- Em đi đâu vậy Mặc Nương?
- Em ra miếu Thành hoàng.
- Ra đó làm gì? Mẹ mới mất còn nằm đậy, chưa tẩm liệm mà....
Mặc Nương cương quyết:
- Không, em phải đi, em không thể để cho bao nhiêu bệnh nhân bị bà đồng, thầy pháp lừa gạt rồi chết oan như vậy được. Chuyện ở nhà các chị lo giùm....
Nói xong ra khỏi nhà, mặc cho các chị lên tiếng trách cứ.
Tới nơi Mặc Nương thấy mọi người đứng đông nghẹt trong sân miếu Thành hoàng để theo dõi bà đồng họ Vương đang nhập đồng trừ tà. Bà đồng họ Vương ăn mặc thật là... đồng bóng, quần áo xanh áo đỏ, giầy tím thắt lưng vàng, nhưng không ra kiểu áo gì cả, tóc thì rũ ra xõa xượi, tay cầm thanh gươm gỗ, nhảy múa chỉ trỏ lung tung, miệng kêu lên những câu líu lo vô nghĩa.
Mặc Nương len vào trong mà xem thì thấy người bệnh được thân quyến đem tới nằm la liệt ngoài thềm, cả bên trong miếu Thành hoàng, quang cảnh trông vừa thương tâm vừa khôi hài.
Bên dưới cái đài gỗ, đám cung văn gõ chiêng gõ trống, đánh đàn kéo nhị và cất tiếng hát quái gở. Mặc Nương đứng im để xem bà đồng họ Vương này sẽ giở những trò gì. Dân chúng lúc đó đang mải mê ngửa cổ xem bà đồng họ Vương múa may hò hét trên đài, nên không ai để ý tới Mặc Nương.
Lát sau coi bộ nhảy múa hò hét đã mệt, bà đồng họ Vương cười rú lên, cầm thanh gươm gỗ trỏ xuống cái ao nước nhơ bẩn tù hãm ở cạnh miếu Thành hoàng mà bảo:
- Múc nước lên!
Tức thì mấy gia nhân của bà đồng vội chạy xuống múc mấy thùng nước dưới ao lên, nước đen ngòm, mùi hôi thối xông lên khiến nhiều người phải bịt mũi. Bà đồng cao giọng:
- Ma quỷ đã bị ta đuổi hết rồi, hãy cho các bệnh nhân uống nước đó, sẽ khỏi bệnh. Những người chưa bị bệnh, uống nước đó sẽ không mắc bệnh được.
Người nào cũng ngần ngại lắc đầu, thân quyến của các bệnh nhân cũng do dự, không biết có nên cho bệnh nhân uống nước ao đen ngòm đó hay không. Bà đồng họ Vương thấy vậy thì nói:
- Tại sao chưa chịu uống? Đây là nước phép của thần linh, trị được bệnh dịch, có uống vào mới hết bệnh được.
Nhung vẫn chưa có ai nhúc nhích. Bà đông lại múa may quay cuồng, cầm kiếm trỏ đông trỏ tây, rồi bước xuống khỏi bục gỗ, nắm tay một bà già đứng gần đó, có vẻ quê mùa thật thà, kéo tới gần thùng nước ao đen ngòm mà bảo:
- A, đây rồi, đây là con thần con thánh, bà hãy uống một hớp nước thánh này để khỏi mắc bệnh.
Người đàn bà quê mùa lùi lại, nheo mũi lắc đầu. Bà đồng cố kéo tới bắt uống. Hai người giằng co, làm đổ một thùng nước ao ra sân miếu, mùi hôi thối càng xông lên nồng nặc, nhiều người bịt mũi chạy ra xa. Mặc Nương thấy vậy thì không nhịn được nữa, vội bước vào giữa sân. Bây giờ dân chúng mới nhận ra nàng, họ theo nhau reo lên mừng rỡ:
- Lâm tiểu thư tới!.... Lâm tiểu thư tới!....
Bà đồng thấy Mặc Nương xuất hiện thì có luống cuống, nhất định bắt bà già quê mùa kia phải uống nước ao. Nhưng Mặc Nương đã trỏ tay vào mặt bà đồng quát lớn:
- Mụ đồng bóng lừa bịp kia, đừng có làm việc hại người như thế, buông người ta ra không?
Bà đồng vội buông bà già nhà quê ra rồi ấp úng:
- Tôi được.... thần linh chỉ dạy là phải cho mọi người uống nước đó mới tránh bệnh mà....
Mặc Nương nghiêm giọng bảo:
- Được, nếu vậy thì ngươi hãy uống trước cho mọi người xem.
Bà đồng thẹn quá hóa giận, đỏ mặt nói:
- Tôi là đồng cốt của thần linh, việc gì tôi phải uống. Người trần mắt thịt bị bệnh hoặc muốn tránh bệnh mới cần phải uống chứ.
Mặc Nương tức giận bước tới nắm cánh tay bà đồng:
- Ngươi không chịu uống, dân chúng đứng quanh đây sẽ đánh ngươi chết vì ngươi đã lừa bịp họ.
Mọi người nhao nhao chửi mắng bà đồng.
Bỗng có một người đàn ông từ ngoài hùng hổ rẽ đám đông bước vào:
- A, mụ đồng bóng còn đây. Tối qua mụ tới nhà tôi cúng vái trừ tà, ăn bao nhiêu tiền, cho vợ tôi uống nước gì không biết, bây giờ vợ tôi móng sốt ói mửa dữ dội, gần chết đây này. Phải đánh mới được!
Nói xong, xông vào mà đánh bà đồng. Mọi người đứng quanh cũng xông vào mà đấm đá, bà đồng kêu chói lói. Mặc Nương phải bước lên bục gỗ cao, nơi bà đồng múa may lúc nãy mà nói lớn:
- Thôi, mọi người nghe tôi nói đây. Hãy dừng tay, bà đồng lừa bịp mọi người, nhưng trừng trị như vậy cũng đủ lắm rồi. Bây giờ phải lo cứu chữa cho người bệnh đã. Hãy tha cho bà đồng.
Dân chúng reo hò hưởng ứng:
- Lâm tiểu thư nói đúng lắm.....
Rồi họ thả cho bà đồng đứng dậy. Bà đồng đầu tóc rũ rượi, quần áo rách bươm, mặt mũi bầm tím, gượng đứng dậy rồi ôm đầu lủi mất.
Mặc Nương mở túi thuốc, lấy thuốc phân phát cho thân nhân những người bệnh đang nằm ở miếu Thành hoàng, bảo họ uống, rồi khuyên nên đem những người bệnh đó về nhà, để nằm ở nơi kín đáo, sạch sẽ, không cho gia đình thân quyến tới gần.
Sau đó Mặc Nương quay ra bảo mọi người:
- Ai muốn biết lý do tại sao lại sinh ra bệnh dịch này thì hãy đi theo ta.
Nói xong hướng ra bờ sông mà đi. Dân chúng ùn ùn theo sau, không hiểu sẽ tới đâu.
Tới bờ sông, Mặc Nương dừng lại, bảo mọi người hãy đứng thật gần, rồi hỏi:
- Có phải dân chúng huyện này đều gánh nước sông này về ăn uống tắm giặt không?
Mọi người đều đáp:
- Phải.
Mặc Nương trỏ tay xuống sông:
- Mấy người coi kìa, sông đầy rác rưới, xác chết thú vật, rồi cống rãnh trong huyện lại đổ cả ra sông, nếu gánh nước này về ăn, thì có khác gì ăn nước xác chết và nước cống rãnh hay không?
Mọi người chợt hiểu ra, ồn ào bàn tán sôi nổi, ai cũng thấy là Mặc Nương đã nói đúng, vì họ đã thấy sự thật ở trước mắt. Nhưng họ không biết phải làm sao. Một người lên tiếng:
- Thưa tiểu thư, từ bao đời nay, dân huyện này đều ăn nước sông đây cả, nếu bay giờ không dùng, thì biết lấy nước ở đâu mà dùng?
Mọi người lại ồn ào mà nói:
- Phải đó, phải đó. Xin tiểu thư chỉ dạy giùm cho.
Mặc Nương cười đáp:
- Thì có gì khó, bây giờ mỗi nhà đào một cái giếng trong sân trong vườn lấy nước mà ăn mà dùng. Nước giếng trong sạch tinh khiết sẽ không sinh bệnh. Giếng lại phải có nắp đậy cho chuột bọ và các thú vật cùng rác rến khỏi rơi vào.
Mọi người cùng ồ lên một lượt khen phải, họ bảo nhau:
- Có vậy mà cũng không nghĩ ra.
Rồi họ xúm vào cảm ơn Mặc Nương. Đúng lúc đó A Mai chạy tới nói:
- Thưa tiểu thư, tiểu thư đi lâu quá, đại nhân và các tiểu thư khác sốt ruột, nên phải cho em đi tìm tiểu thư về.
Mặc Nương khuyên mọi người về nhà đào giếng, nhà nào có người bệnh thì cứ cho người tới dinh tri huyện, nàng sẽ phát thuốc. Sau đó nàng theo A Mai trở về dinh.
Hôm nay là một ngày đẹp trời, bầu trời sanh và cao, mây mỏng lửng lơ, gió nhẹ hiu hiu, dân chúng huyện Bồ Điền ai vào việc nấy, mọi người đều chăm chỉ làm việc.
Huyện Bồ Điền đất tốt, lại có sông và ở gần biển, nên dân chúng ngoài một số làm nghề nông, còn một số làm nghề chài lưới. Thời tiết tốt như thế này, chẳng những lợi cho việc nhà nông, mà còn lợi cả cho nghề chài lưới nữa.
Tại một xóm chài ven biển, mấy ngư dân kéo nhau ra ngắm trời ngắm mây. Một người bảo:
- Trời tốt như thế này, không có mưa lại không có gió, ra biển đánh cá chắc được nhiều.
Mọi người khác nói:
- Nhất định rồi.
Nhiều người nữa nhao nhao:
- Nếu vậy tại sao mình không ra biển đánh cá?
Một người do dự:
- Mấy hôm trước mưa gió quá hôm nay mới đẹp trời, nhưng không biết thế nào.
Một người đề nghị:
- Hay là mình kéo nhau tới hỏi quan tri huyện? Để xem ngài dạy thế nào.
Mọi người khen phải, kéo nhau tới tụ tập trước công trường, xin được yết kiến quan tri huyện. Lâm tri huyện bước ra thềm hỏi:
- Mấy người có chuyện gì mà kéo tới đông vậy?
Một ngư dân lớn tuổi bước tới gần, chắp tay vái mà nói:
- Bẩm quan, hôm nay anh em tôi thấy trời tốt, muốn ra biển đánh cá, quan dạy thế nào?
Lâm tri huyện nhìn trời, ngẫm nghĩ một chút rồi đáp:
- Trời hôm nay tốt thật, nhưng không biết chiều và mai thế nào.
Mọi người ồn ào bàn tán, rồi một người nói lớn:
- Xin quan cho tiểu thư coi khí tượng giùm chúng tôi.
Đám ngư dân đều khen phải. Lâm tri huyện sai lính hầu vào gọi Mặc Nương. Mặc Nương ra vái chào cha, Lâm tri huyện bảo:
- Ngư dân huyện mình thấy hôm nay trời tốt, muốn ra biển đánh cá, con coi xem có gì trở ngại không?
Mặc Nương nhìn trời rồi đáp:
- Bây giờ thì trời đang tốt, nhưng nhất định là sẽ có gió lớn ở ngoài biển, còn mưa thì chỉ mưa nhỏ thôi.
Lâm tri huyện quay ra bảo đám ngư dân:
- Con gái ta đã nói vậy, mấy người cũng nên suy nghĩ.
Đám ngư dân lại ồn ào bàn tán, nhiều người nghi ngờ lời tiên đoán của Mặc Nương, một số ngư dân nhiều kinh nghiệm và thời tiết thì ghé tai nhau nói nhỏ:
- Chẳng lẽ Lâm tiểu thư nói sai, vì Lâm tiểu thư từng được học tinh tượng thiên văn với Huyền Thông đại sư, nhung tôi thấy trời thật tốt, không thể có mưa gió được.
Người ngư dân lớn tuổi nói:
- Mùa này đang là mùa cá, mà mấy hôm trước mưa gió nhiều quá, chúng tôi đã phải nghỉ rồi, nếu trời đẹp như thế này mà không ra biển đánh cá thì uổng quá. Xin tiểu thư coi kỹ lại giùm cho.
Vài người xầm xì bàn tán:
- Đúng rồi, mấy hôm trước mưa gió nhiều quá rồi, hôm nay tốt trời như thế này, chắc không thể mưa gió được nữa đâu.
Mặc Nương nhìn lại trời một lần nữa, rồi nói:
- Tôi biết chắc chắn là chiều nay sẽ có gió lớn và có mưa, xin mọi người hãy tin lời tôi.
Người ngư dân lớn tuổi nghĩ ngợi rồi nói:
- Bẩm quan, từ đầu mùa cá tới nay, dân chài chúng tôi chưa ra biển được lần nào, sinh kế thật khốn khổ, hôm nay tốt trời, nếu không đi đánh cá, biết lấy gạo đâu mà ăn. Chúng tôi cúi xin quan ra biển với chúng tôi, nhờ cái đức của quan, có thể trời sẽ không giông gió, và dân chài chúng tôi sẽ đánh được nhiều cá.
Đám ngư dân nhao nhao reo hò, xin quan tri huyện cùng ra biển.
Lão Ngô đứng cạnh lo sợ nói:
- Bẩm đại nhân, tiểu thư đã nói vậy, xin đại nhân đừng đi.
Mặc Nương cũng nói:
- Vâng, thưa cha, hôm naỵ..
Nhung Lâm tri huyện đã ngắt lời:
- Không! Dù sao thì ngư dân đã cầu xin, cha phải đi với họ.
Lão Ngô lắc đầu:
- Nguy hiểm lắm, bẩm đại nhân.
Mặc Nương níu áo cha:
- Thưa cha, con biết chắc chắn chiều nay sẽ có giông gió, xin cha nghĩ lại kẻo hối hận:
Lâm tri huyện lắc đầu:
- Cha không nghĩ gì nữa, ngư dân đã tin tưởng vào cha, cha làm quan vùng này, tức là cha mẹ của dân vùng này, cha phải để họ tin tưởng. Vả lại, cha nghĩ là đêm nay hay sáng mai mới sợ, chứ chiều nay thi chưa thể có giông gió ngay được.
Đám ngư dân thấy quan tri huyện bằng lòng cùng họ ra biển, thì nhảy múa reo mừng, tin tưởng ở hồng phúc của quan. Họ chia mấy người chạy về các xóm chài ven biển, thông báo cho tất cả cùng biết, để cùng kéo thuyền ra khơi đánh cá.
Mặc Nương không được yên tâm chút nào, phần vì thời tiết sẽ thay đổi đột ngột, phần vì ở vùng biển địa phương hiện đang có mặt đám hải tặc mà chính nàng đã từng gặp. Do đó nàng nói với cha:
- Thưa cha, ngoài thời tiết ra, cha còn nên đề phòng hải tặc.
Lâm tri huyện gật đầu, quay sang một nha dịch:
- Hãy thông báo cho thủy binh chuẩn bị chiếc thuyền cùng binh sĩ và khí giới đầy đủ, theo ta bảo vệ an ninh cho ngư dân đánh cá.
Mặc Nương suy nghĩ một chút, rồi chạy vào trong lấy ra một tấm gương bằng đồng rất sáng, tấm gương đồng phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh. Mặc Nương đưa chiếc gương đồng cho cha mà nói:
- Thưa cha, cha đi như thế này con thật không được yên tâm chút nào. Tuy nhiên cha ra biển, nếu thấy có giông gió, thì xin cha cầm chiếc gương đồng này chiếu về huyện đường, con sẽ biết và tìm cách cứu cha cùng các ngư dân.
Lâm tri huyện nhận tấm gương đồng, bỏ vào áo, rồi gật đầu:
- Con có hiếu lắm, cha rất vui lòng. Nhưng con cứ yên tâm, cha sẽ không cho đám ngư dân ra quá xa, để có gì còn quay về kịp.
Mặc Nương vẫn không yên tâm chút nào, trái lại nàng thấy lòng dạ bồn chồn nóng nảy.
Lát sau thì nha dịch trở lại báo cáo là chiến thuyền cùng binh sĩ đã sẳn sàng ở bờ biển. Lâm tri huyện hướng xuống đám ngư dân đang đứng đợi trước huyện đường:
- Nào, ta đi!
Mọi người reo hò mà đi. Trước khi lên kiệu để ra bờ biển, Lâm tri huyện còn quay lại dặn Mặc Nương vài câu.
Trên năm trăm ngư dân cùng khoảng năm chục chiếc thuyền lớn nhỏ và năm chiến thuyền kéo buồm ra khơi trong những tiếng reo mừng tin tưởng của hàng chục ngàn dân chúng trong xóm chài.
Mặc Nương đứng trên lầu của huyện đường nhìn ra bờ biển, thấy mấy chục đứa trẻ thuộc các gia đình dân chài đang đứng trên bờ biển, đưa những bàn tay nhỏ bé vẫy theo thuyền của cha, anh từ từ ra xa. Mặc Nương quay lại bảo A Mai:
- Mấy đứa bé kia trông dễ thương quá, chúng sống nghèo khổ vì cha mẹ chúng nghèo khổ. Ngươi hãy bảo mấy người lính ra gọi đám trẻ đó vào dinh cho ta.
A Mai thầm phục lòng nhân từ của chủ, vội chạy đi ngay.
Lát sau mấy người lính dẫn được khoảng hai mươi đứa trẻ thơ xóm chài tới, Mặc Nương cho gọi chúng vào sân, lấy bánh kẹo chia cho chúng, và dạy chúng múa hát, chơi các trò chơi.
Sân huyện đường ồn ào tiếng trẻ con, đứa nào cũng không giấu được vẻ sung sướng, chúng nhìn Mặc Nương với ánh mắt biết ơn.
Trời vẫn tốt, nên trời vẫn xanh, lơ lửng vài cụm mấy trắng, gió vẫn hiu hiu nhè nhẹ. Tới trưa thì nắng to, không thấy gì có báo hiệu là thời tiết sẽ thay đổi đột ngột cả.
Nhưng tới chiều, khoảng giờ Thân (từ khoảng ba đến năm giờ chiều), thì ở chân trời phía nam bỗng xuất hiện những đám mây đen. Mới đầu thì chỉ là những đám mây nhỏ, rồi sau đó gió bắt đầu mạnh hơn, mây đen cứ ùn ùn từ phương nam kéo lên, chốc lát thì bao phủ khắp trời. Cả một huyện Bồ Điền dường như tối hẳn đi.
Dân chúng trong huyện đều lấy làm lạ, họ gọi nhau ơi ới, bảo nhau cất các đồ phơi phóng và quần áo để chạy mưa.
Riêng mấy xóm chài thì náo động hẳn lên. Đàn ông thanh niên đều đang ở ngoài biển, trong các gia đình dân chài chỉ còn lại đàn bà trẻ con. Những người vợ, những cô em gái, những đứa con, đứa em, kéo nhau hết ra bờ biển, nhìn lên trời mà khóc, nhìn ra biển xa tít mù để chờ đợi những con thuyền đem theo người thân yêu vào bờ.
Sau khi cho đám trẻ xóm chài về nhà, Mặc Nương vào phòng riêng đọc sách. Bỗng nàng thấy trời tối sầm lại, vội bước ra bao lơn nhìn trời. A Mai cũng ra theo. Mặc Nương quay lại bảo:
- A Mai, nguy rồi! Giông tố sắp kéo tới bây giờ! Ta nói có sai đâu mà chẳng ai chịu nghe.
A Mai cũng cuống lên:
- Chết không, đại nhân hiện đang ở ngoài biển, biết làm sao bây giờ. Liệu có gì đáng lo không tiểu thư?
Mặc Nương chưa biết phải nói sao, thì một cơn gió mạnh đã thổi tới. Cây cối xung quanh huyện đường ngả nghiêng, lá reo rào rào. Dưới phố huyện, dân chúng gọi nhau ơi ới. Người thì gọi con gái đang chơi ngoài đường, người thì gọi gà gọi chó vào nhà, người thì lo đóng các cửa lớn nhỏ trong nhà. Quang cảnh thật hỗn loạn.
Ở những cánh đồng ngoại ô thì nông dân hoảng hốt gọi nhau, rồi ai ở gần thì dẫn trâu bò về nhà, ai ở xa thì vội tìm chỗ núp, vì nghĩ rằng chỉ chốc lát là mưa sẽ ập tới. Gió mỗi lúc một mạnh, những cây lớn trong huyện cũng phải ngả nghiêng, một vài mái nhà tranh đang bị tốc lên từng mảng. Gió thổi từng cơn giận dữ, gió giật từng cơn điên cuồng, và mưa bắt đầu rơi, nhưng chỉ là mưa nhỏ. Những hạt mưa gió thổi đến gần như bay ngang, chứ không còn rơi thẳng xuống nữa.
Trong khi đó thì ở ngoài biển xa, nỗi kinh hoàng bao trùm lên hơn năm trăm ngư dân và đám thủy binh. Ngoài biển trống trải, gió còn dữ dội hơn. Mặt biển dâng lên hạ xuống khủng khiếp, sóng réo ầm ầm, át cả tiếng nói, tiếng kêu của đám ngư dân và thủy binh.
Mới đầu, khi gió vừa thổi lên, Lâm tri huyện đã lo sợ, vội ra lệnh trương buồn chạy vào bờ. Nhưng chỉ chốc lát sau, gió dữ đến mức không ngờ, nhất là gió giật từng cơn khủng khiếp và xoáy trôn ốc, chứ không còn theo chiều hướng nào nhất định nữa.
Lão Ngô cũng đi theo chủ, lão đứng ở đầu thuyền lấy hết sức la lớn:
- Hạ buồm xuống mau!
Nhưng tiếng của lão đã bạt đi vì gió và bị át đi vì tiếng sóng điên cuồng, lão phải ra hiệu. Các thuyền vội vã hạ buồm. Vài chiếc chậm chạp chưa kịp kéo buồm xuống nhanh, đã bị gió thổi quay tròn trên mặt biển.
Lâm tri huyện hét lớn:
- Tất cả hãy bình tĩnh, cố gắng chèo nhanh vào bờ!
Nhưng không ai còn nghe thấy gì. Lão Ngô lại phải đứng ở đầu thuyền, ra hiệu để truyền lại lệnh của Lâm tri huyện. Khoảng năm mươi chiếc thuyền vừa ngư thuyền, vừa chiến thuyền đã không còn hàng ngũ gì nữa, mỗi nơi một chiếc. Nhưng ngư dân và thủy binh rất bình tĩnh và dũng cảm, họ biết là đang đối đầu với tử thần, có lo sợ cuống quýt cũng chẳng ích lợi gì mà còn thêm hại nữa. Họ rạp mình xuống mà chèo với tất cả sức lực của họ. Một số người loviệc tát nước ra khỏi thuyền, vì nhiều thuyền bị sóng biển ập vào. Phần lớn các ngư thuyền lại chở nặng vì đánh được nhiều cá suốt từ sáng tới giờ.
Lâm tri huyện quyết định ra lệnh đổ hết cá xuống biển, để thuyền được nhẹ, chèo được nhanh. Những người chèo cứ việc chèo, những người tát nước thì kiêm thêm việc đổ cá xuống biển. Họ tiếc số cá vô cùng, nhưng họ cũng hối hận vì đã không chịu nghe lời Mặc Nương, họ càng hối hận hơn nữa, khi họ đòi vị quan phụ mẫu đáng yêu đáng kính của họ ra biển cùng với họ.
Nhưng bây giờ không phải là lúc tiếc của, lúc hối hận. Họ cắn răng chống chỏi với phong ba bão tố, với cả một vùng biển đang cơn thịnh nộ, và với tử thần đang rình rập quanh mình.
Mưa tuy nhỏ nhưng gió cực mạnh, khiến những hạt mưa quất vào mặt đau rát. Những chiếc thuyền bây giờ như món đồ chơi được tung lên tung xuống trong bàn tay thần biển, đến nỗi đứng ở thuyền này nhìn sang thuyền kia, thấy thuyền kia tung lên tung xuống như một con chim sẻ nhảy nhót trên cành.
Gió càng lúc càng dữ dội, trời càng lúc càng tối đi, mà bờ bến thì không thấy đâu, trong khi sức người thì có hạn. Những thân hình dân chài lực lưỡng đã bắt đầu uể oải dần, những bắp thịt phồng lên gân guốc bây giờ bắt đầu rã rượi, và một nỗi kinh hoàng đến từ từ nhưng thật chắc chắn.
Bây giờ thì mọi người cùng hoảng sợ thật sự, niềm hy vọng đã tan biến, trong khi nỗi tuyệt vọng cứ lớn dần.
Lâm tri huyện đứng trước mũi một chiếc thuyền lớn, bên cạnh là là Lão Ngô. Hai chủ tớ phải nắm chặt vào cột buồm để khỏi bị hất văng xuống biển.
Trong khi đó trên lầu huyện đường, Mặc Nương và A Mai đứng bất động ngoài bao lơn mặc cho tóc tai xiêm y đã ướt đẫm nước mưa tự bao giờ. Bốn con mắt dán chặt vào khung trời mờ mịt, hai khuôn mặt căng thẳng lo sợ hướng về phía biển.
Rồi không chờ đợi được nữa, Mặc Nương bảo:
- Ta phải ra bờ biển mới được!
A Mai cản lại:
- Trời ơi, bây giờ ra biển đâu được. Đứng đây cao mà nhìn có phải rõ hơn không.
Mặc Nương chưa kịp nói gì, thì thấy từ xa một đám vợ con dân chài chạy tới trước huyện đường, bất kể giỗng bão, khóc lóc mà nói:
- Tiểu thư, xin tiểu thư cứu giùm chồng con chúng tôi.
Nhìn xuống thấy toàn là đàn bà con nít, Mặc Nương xúc động vô cùng, sai lính hầu mở cổng cho họ vào huyện đường, tìm lời an ủi. Chợt Mặc Nương nghĩ ra một điều, quay lại bảo A Mai:
- A Mai, ngươi vào bảo gia nhân tưới dầu, đốt dãy nhà sau lên.
- Tiểu thư nói sao? Đốt nhà?
Mặc Nương gật đầu cương quyết:
- Ừ, phải đốt nhà, vì ta chắc những người ngoài biển bây giờ không còn biết phương hướng gì nữa, đốt lửa cao lên cho họ biết hướng mà chèo.
A Mai ngập ngừng:
- Tiểu thư tính cách nào... chứ đốt nhà sao được... Vả lại đang mưa...
Mặc Nương lắc đầu:
- Mạng người quý hơn tài sản, cứ tưới dầu mà đốt, mưa này nhỏ, lại có gió dữ, nhất định sẽ cháy lớn. Thôi, ngươi không dám thì để ta tự tay đốt vậy.
Chốc lát sau, ở ngoài biển, có tiếng trên thuyền reo lên:
- Kìa, lửa!... Có ánh lửa!...
Rồi mọi người đều nhao nhao. Lâm tri huyện hét lớn:
- Nhắm ánh lửa mà chèo.
Những thân thể mệt mỏi, những bắp thịt rã rời như được tăng nguồn sinh lực mới. Những mái chèo hoạt động mạnh hơn, và chưa bao giờ mạnh như vậy.
Đốt nhà xong, Mặc Nương cùng A Mai và các gia nhân, cùng đám vợ con dân chài kéo nhau ra bờ biển.
Một lúc thật lâu sau thì tít phía xa thấy xuất hiện những chấm đen nhấp nhô. Những người trên bờ reo hò cuồng nhiệt, như gào thi với sóng gió bão bùng. Những điểm đen cứ lớn dần. Những người trên bờ vừa mừng vừa lo, họ kêu gào đến lạc cả giọng, tưởng như thân quyến ở trên thuyền có thể nghe được. Thình lình có những đợt sóng thật lớn ập vào bờ, đám dân chúng hoảng sợ chạy lùi lại để tránh khỏi bị kéo luôn ra biển.
Lát sau thì những chiếc thuyền hiện ra thật rõ ràng và Mặc Nương nhìn thấy rõ cha mình đang đứng ở đầu một chiếc thuyền lớn. Nàng mừng rỡ đến chảy nước mắt. Đám dân chúng trên bờ cũng bắt đầu nhận ra mặt của những người thân, họ thi nhau mà gọi tên.
Nhưng càng vào bờ, càng có sóng lớn, đám dân chúng trên bờ không dám chạy ra xa, vì sóng biển ập tới thình lình. Rồi một chiếc thuyền bị sóng đánh mạnh và đẩy tuốt lên bãi cát, thuyền úp xuống, nhiều người bị thương vùng vẫy ở trong, đám dân chúng và lính tráng của dinh huyện chạy tới tiếp cứu.
Rồi có tiếng A Mai kêu thất thanh:
- Đại nhân nguy rồi....
Mặc Nương vội nhìn ra, để chỉ kịp nhìn thấy chiếc thuyền cha nàng đứng bị sóng đánh nghiêng đi, và Lâm tri huyện rơi xuống biển. Đám dân chài trên thuyền nhất loạt buông chèo nhảy xuống theo. Mặc Nương quên cả nguy hiểm, chạy ào ra bãi cát, mặc cho A Mai sợ hãi thất thanh gọi lại.
Rồi một đợt sóng lớn ập vào, đến khi sóng rút ra thì không còn thấy Mặc Nương đâu nữa. A Mai và lính huyện giậm chân kêu khóc.
Đến gần tối thì biển lặng sóng êm, trời lại quang đãng. Không một ai bị thiệt mạng, chỉ có một số bị thương. Dân chài cũng tìm thấy Lâm tri huyện bị sóng đánh giạt vào một ghềnh đá bất tỉnh, vội lại cứu.
Nghe A Mai kể lại việc Mặc Nương bị sóng biển cuốn ra, Lâm tri huyện vật mình than khóc không thôi. Đám dân chài đều xúc động vì biết chính Mặc Nương đã cứu mạng cho họ.
Bờ biển ồn ào vì cái chết của Mặc Nương, chưa ai về nhà cả, họ chia nhau tìm kiếm tại các ghềnh đá. Nhưng bỗng có một đám mây ngũ sắc hạ thật thấp gần bãi cát, rồi từ trong đám mây, tiếng nói của Mặc Nương nghe rất rõ ràng:
- Thưa cha, kiếp trần của con tới đây đã mãn, xin cha đừng buồn khổ nữa! Hỡi đám ngư dân, các ngươi hãy lo làm điều lành, tu dưỡng đức độ để sống hợp lễ nghĩa, trời sẽ đền bù cho các ngươi.
Trong khi Lâm tri huyện còn ngẩn ngơ, thì đám ngư dân đã nhất loạt quỳ xuống mà lạy.
Đám mây ngũ sắc từ từ bay về phương Tây, chốc lát đã không thấy đâu nữa.
Chú thích:
(1-)"Mặc" có nghĩa là im lặng, như trong các từ ngữ "Mặc nhiên, Mặc khải, Trầm mặc"...
Hết

Xem Tiếp: ----