1. Nếu trí nhớ không đánh lừa thì lần đầu tôi đến thị xã Đông Hà vào mùa hè năm 82. Cho đến bây giờ đã 22 năm trôi qua, tôi vẫn mường tượng ra một thị xã nhỏ, nghèo vừa trải qua chiến tranh. Mặc dù đã có đến bẩy năm ngừng tiếng súng mà dường như thị xã vẫn chưa gượng dậy. Thị xã khô xác phơi mình dưới cái nắng khô rang của miền trung chốc chốc lại cuộn lên những luồng gió Lào hầm hập, vậy mà không sao làm tôi bỏ được tưởng tượng mơ hồ về những làn khói ngùn ngụt, cuồn cuộn bốc lên cùng mùi thuốc súng khét lẹt nơi cuối thị xã. Qua cầu Đông Hà cũ kĩ có những thanh rằng rỉ hoen hoét không hiểu vì lẽ gì lại gợi người ta nhớ đến chiếc cầu Mường Thanh bắc qua sông Nậm rốn trên Điện Biên phủ, rẽ xuống khu chợ với những lều thấp bập bùng mái tôn và bao tải dứa rách và bẩn kề bên những căn nhà có những bức tường ẩm mốc và loang lổ vệt nước mưa. Đi dịch lên một chút là khu nhà hai tầng đã từng là nơi ra mắt của chính phủ CMDTGPMNVM, rẽ sang ngã tư có tấm biển đề là đài kỉ niệm chiến thắng Đông hà, nhưng thực ra là chỗ người ta khoanh khu ấy lại bằng những thanh sắt rồi gom những thứ hoang phế, còn sót lại của chiến tranh bao gồm trong đó có chiếc xe tăng còn tương đối nguyên hình cùng lổng chổng vỏ đạn các cỡ và súng ống gẫy nát. Từ đống đài kỉ niệm chiến tích đó rẽ hơi chếch phía trái ngược ra đường Chín, đi thêm một đoạn nữa rẽ phải thì đến một khu đất rộng và tụt hủm xuống phía dưới những dẫy nhà thấp là trụ sở của công ty vận tải quá cảnh mà giám đốc được phong anh hùng thời chiến tranh. Ông này là một người đậm chắc, mặt vuông chữ điền, có cặp môi gọn nét và đôi mắt trong veo luôn luôn như cười một điều gì mà chỉ mình ông biết. Vẫn theo hướng đó đi quá lên vài trăm mét rẽ trái thì đến một bãi rộng mênh mông dễ khiến người ta tưởng rằng là sự kéo dài của bãi đồi trọc trống hoang chỗ mà người Mỹ chọn để làm hàng rào điện tử Mácnamara. Bãĩ đất ấy có chỗ chồi lên như một quả đồi, rồi lại hõm xuống như một thung lũng cạn có vài ba căn nhà nhỏ như lều mọc loi thoi, những hàng phi lao và bạch đàn suốt ngày rung gió. Quanh bãi đất có những bụi cây hoang lúp xúp viền quanh.
Buổi sáng thì bãi đất vắng lặng như đang chìm trong giấc ngủ muộn, nhưng chiều về khi đoàn xe quá cảnh sau chặng đường dằng dặc, gập ghềnh của đường 9 giữa những khu rừng khộp và thỉnh thoảng có một vài người vác súng B40 thấp thoáng mà cánh tài xế quá cảnh kể rằng chính một trong những kẻ đó đã từng chặn một chiếc xe tải và chặt đầu lái xe đặt giữa đường cách Sê pôn(thời Pháp được mệnh danh là Pari nhỏ)chưa đầy 5 cây số. Nhưng điều ấy cũng không hãi hùng bằng sự kiểm tra nghiệt ngã của hải quan cửa khẩu Lao Bảo. Vượt qua những cửa ải đó một chặp thì đến bãi đất tập trung hàng. Tất cả như bừng tỉnh dậy trong tiếng động cơ, tiếng người mua bán xôn xao, tiếng vứt xuống đất những thứ hàng dành cho một chuỗi thị xã, thành phố từ Đông hà qua Huế đến Đà nẵng và cả các tỉnh lân cận đang hiếm đủ mọi thứ cần dùng sau cuộc chiến dài thậm thượt, đầy mệt mỏi và chết chóc. Những bó dép tông Thái, thuốc lá Samít, A Lào, những hộp xà phòng Ca mây, những xếp quần bò, son phấn, trang phục trong của phụ nữ, và cả thuốc chữa bệnh kín mà nhiều nhất chắc vì chạy nhất là Đề xa mê ta dôn. Thứ thuốc chữa lậu này ấn tượng đến nỗi nó đã thành câu hát nhại lại một bài hát cổ nổi tiếng xứ Huế “đề xa anh cất anh cất về bin, á a à á a…”. Dân quá cảnh kể hôm nào gặp số đen qua cửa khẩu lao bảo kể cả không buôn Đềxa nhưng bất ngờ gặp gã hải quan trái tính thì dù nói đến khô nước bọt gã ta vẫn bắt tay tài xế dưới trời nắng đổ lửa vẫn phải khuân bằng hết gần sáu tấn thạch cao xuống soi từng hòn thạch cao trắng xoá, nóng dẫy để kiểm tra cho bằng hết. Kinh khủng chưa …
Bãi xe quá cảnh chiều về ồn ào, xầm uất thật. Người buôn kẻ bán lao xao xúm vào những chiếc xe tải đầy bụi đường đỏ qụach, bao quanh hai nhân vật chính của chiếc xe đó là gã tài xế và người cho vay. Mỗi lần xe về người cho vay nhẩy tót lên ca bin, tính toán cả gốc lẫn ngọn, rồi đứng bán để thu cho bằng đủ số tiền cho tài xề vay. Công nợ xong xuôi thì gã tài xế mới được thế chân kẻ cho vay trèo lên ca bin xử lý nốt chỗ hàng trên xe. Tối hay đến nói đúng hơn là lúc nào hết hàng thì mấy anh tài mới lệ khệ vì cái túi quần sau xệ tiền dạt vào những chiếc lều mọc bên dìa bãi, lờ mờ ánh sáng của đèn điện sụt áp hay đèn chai đầy muội khói để uống, ăn. Dạo đó ở các miền khác tôi không biết thế nào còn bãi xe quá cảnh Đông hà thì gái điếm nhiều như cỏ may. Chẳng thế mà có lần ông giám đốc thích săn thỏ hoang thiếu chút nữa là bắn nhầm vào mông một gái điếm vì trong buổi chạng vạng sáng ông đã nhầm ả ta với một con thỏ trắng.
Vì công việc nên dạo ấy cứ cách độ ba, bốn tháng tôi lại có mặt tại đoàn xe quá cảnh và người đàn bà tôi gặp trong những chuyến đi đó có số phận thật lạ lùng.
2. Đó là một buổi chiều mà không hiểu sao số xe quá cảnh về bãi hôm đó ít hơn mọi hôm. Một tin đồn loang ra là có đoàn ở trung ương bất chợt về kiểm tra nên hải quan cửa khẩu Lao bảo hôm đó làm chặt chẽ lắm. Đến quá bốn giờ chiều mà cửa khẩu đọng phải đến gần hai mươi xe đang nối đuôi nhau chờ đến lượt làm thủ tục. Bãi ít xe nên sự náo nhiệt thường nhật mọi hôm cũng chóng tàn. Khi mặt trời đỏ xẫm như miếng tiết canh hơi quá tay cho muối đang bị những giải núi răng cưa nuốt dần thì bãi đã vắng teo chỉ còn lại những hàng ôtô đỏ quạch bụi, vài cái túi hàng quá rách không thể dùng được việc gì lạt xạt lăn trong làn gió lẻ. Vài gánh chè bột lọc đã đặt trên vai chuẩn bị ra về. Có tiếng gọi í ới cùng tiếng băng vọng cổ và Chế Linh ướt nhoè vẳng lên. Tôi nhàn tảng chầm chậm bước đi thì bất ngờ giật nẩy mình vì từ đầu một chiếc ôtô Jin một cô gái đột ngột bước ra thật nhanh, theo sau là một gã tài đậm chắc có đôi mắt lồi to tướng mà tôi nhớ có lần ông giám đốc công ty xe đã giới thiệu tôi như một điển hình về an toàn chạy xe. Cả hai người trông thấy tôi có vẻ ngượng ngiụ. Cô gái lý nhí một vài tiếng gì đó rồi đi thật nhanh như để đuổi theo một người đang quầy quả đu đưa gánh chè bột lọc trên vai. Sau chút ngạc nhiên gã tài trấn tĩnh lại khi nhận ra tôi. Gã rút nhanh bao Samít chìa ra mời. Đôi mắt lồi loé lên trong ánh sáng đèn pha chiếu ngược.
- Mời anh. Hôm ấy anh chờ em mãi. Nhưng không sao. Tối nay anh rảnh việc chứ gì. Thế thì em mời anh. Ta vào quán kia kìa. Phải nói trông bộ ria của anh em rất mê. Em định để ria mấy lần nhưng ria em thưa quá nên lại thôi. Ria thưa để trông không oai.
Vì không muốn làm cho gã tài ngượng vả lại tôi cũng chẳng có việc gì để qua được buổi tối trống trải ở vùng Đông hà này. Tôi đi theo Vịnh – tên của gã lái xe.
Mười chai bia Hà nội được nhanh chóng đặt trên bàn. Ngay sau đó là bát đầy ụ trứng vịt lộn đang bốc khói.
- Xin mời. Anh dân Hà nội đúng không?Được rồi. Tối nay anh cứ thoải mái với em đi. Dân tài xế với dân văn nghệ sĩ em biết là rất giống nhau. Uống chán hai anh em ta đến nhà cô lúc nãy anh trông thấy đấy.
Hai cốc bia đầy bọt chạm vào nhau. Vịnh uống như đang bị cơn khát hành hạ. Mười chai bia và vài hạt vịt lộn nhanh chóng trơ vỏ. Hình như cho vào bụng lượng bia càng nhiều càng khiến ngôn ngữ của gã như bị ngập trong men. Chốc chốc Vịnh lại giơ cốc lên chạm vào cốc của tôi. Khi gã vẫy tay gọi chủ quán là người đàn bà béo lùn lại tôi không hiểu là gã đã say chưa nhưng gã phẩy tay giọng nhát gừng “quên mang tiền rồi. Ghi vào, nhớ chưa “. Mụ chủ vừa dạ khẽ vừa thu đống vỏ chai. Chui khỏi mái nhà quá thấp của quán hàng gã xoè lửa châm thuốc đưa cho tôi, rồi châm một điếu khác cắm vào mồm gã. Sau khi đập mạnh tay vào vai tôi, gã nói như ra lệnh:
- Đi với em. Anh tha hồ tư liệu mà viết.
Hai chúng tôi đi ngoằn nghoèo một chặp theo những con đường mòn mà chắc chắn phải là kẻ quen thuộc lắm mới có thể tìm ra lối đi đúng. Ngoặt hết chỗ này qua chỗ khác cuối cùng trong bóng tối tôi thấy mình lao xồng xộc xuống một cái dốc đất nhỏ chạy giữa hai bên là bụi dứa dại:
- Anh biết đây là đâu không?
Tôi chưa kịp nói gì thì Vịnh đã lầm bầm.
- Đông Hà đấy. Nhà của Lan. Cái cô chập tối anh thấy đứng cùng em đấy
- Thế à.
- Vào anh phải uống nữa đấy. Cô chị của Lan còn hay lắm. Em đoán là rất hợp với anh. Chờ em tí. Em bảo xích chó lại đã. Em thì vô tư nhưng anh thì…
Vịnh nhao đi trước. Bóng gã chập chờn trong luồng ánh sáng yếu ớt xỉa ra từ căn nhà đen kịt, thấp lùn chùn.
3. Người tôi nhìn thấy đầu tiên trong căn nhà lờ mờ ánh đèn vàng xuộm lại không phải là cô Lan mà lại là một thiếu phụ cao dong dỏng, chắc vừa tắm xong. Món tóc dài nặng trĩu còn ướt sũng vắt phía trước làm loang lổ chiếc áo lam xẫm.
- Trời, mấy anh. Ô kìa anh Vịnh. Lâu lắm mới thấy lại. Lan đã thấy về mô
- Đi đâu?
- Chắc lại rẽ qua nhà con Lựu nhà chú Hựu. Chủ nhật tuần này con Lựu cưới mà. à mà khoan để em kêu xem thằng bé ở mô đã hề
Nói chưa dứt câu thiếu phụ đã bước ra ngoài cửa, gọi thật to “Đốm ơi, ới Đốm”. Sau ba lần như vậy thì có tiếng trẻ con ơi ới vọng lại. Tiếng cát lạo xạo nhè nhẹ. Vịnh có vẻ nôn nóng chốc chốc lại ngó ra cửa. Thiếu phụ cúi đầu chui vào nhà. Mặt cô tươi rói.
- Thằng bé xem ti vi bên nhà chú Bân. Thằng con em mà anh. Cứ ăn xong là chạy đi. Mà nó ở nhà cũng răng có việc chi. Nó mê ti vi quá trời
Đôi mắt như cười hướng về phía tôi:
- Sao không mua cho nó một chiếc?
- Có anh Vịnh biết nè. Trước nhà cũng có một cái, xong cha nó bị bắt đi tù. Đành bán đi. Từ ấy cứ bới cát ăn hoài, bây giờ thì cũng chẳng có gì mà bới nữa. Có gánh chè bán thế thôi.
Thấy mắt tôi ngớ ra vẻ không hiểu. Vịnh khoát tay:
- Nhà còn khô mực không Quyên?
- Còn. Lại chục chai hay hơn? Chủ nhà niềm nở.
Quyên chưa ra khỏi nhà Vịnh đã oang oang.
- Ở vùng này. Người có tiền toàn dấu dưới cát. Khâu cũng thế.
- Khâu là gì?
- Nhẫn ấy. Tiền thì hàng xấp, khâu thì hàng xâu dúi xuống cát. Vừa kín vừa không bị mủn tiền. Con mẹ này trước đây cũng không xoàng đâu. Hai, ba năm trước em cũng phải vay chỗ này đấy. Sau thằng chồng bị bắt vì dính vào thuốc phiện.
- Thế mới khổ em chứ. Em cũng chạy mãi mà ảnh không thoát được. Mười lăm năm tù mà mới chưa được hai năm. Giọng thiếu phụ đột ngột vang lên phía cửa nhà
Thôi được rồi, bầy ra bàn đi.
Chỉ một thoáng chiếc bàn được kéo ra và những chai bia, những chiếc cốc va lanh canh. Mùi mực khô bốc lên ngột ngạt, nóng rực. Thiếu phụ cầm chiếc quạt làm bằng míêng mo cau quạt cho hai chúng tôi. Vịnh giơ cốc bia lên:
Quyên này.
- Dạ.
- Nghe đã. D, dạ cái gì. Đây là anh tôi ngoài bắc, anh ấy vào một mình nên có lúc buồn, tôi giới thiệu với o vì thế nên từ nay tôi gọi o là chị.
- Ôi, thế á. Hay quá. Anh tên chi hỉ?
- Hìền. Dốc cốc bia vào cái mồm mở rộng Vịnh kêu to tên cúng cơm của tôi.
- Đúng là Hiền thật. Thế thì chiều hết việc anh cứ đến đây. Em nấu cơm cho mà ăn. Vào hàng quán bây giờ vừa đắt vừa không được no. Khi nào về với chị ấy thì về. Anh mấy con rồi?
- Tôi được hai cháu.
- Mà anh Vịnh này. Có gì cũng làm mấy mâm mời bà con để con Lan nó đỡ tủi, chứ cả Đông hà 2 này ai cũng biết anh với con Lan.
- Vớ vẩn. Bạn bè chứ có gì mà phải bầy vẽ.
- Ai chả biết các anh vợ con đủ cả rồi. Nhưng làm ăn ở trong này. Phải có nơi có chốn. Lúc nào ở thì ở, về với chị cả thì về. Tụi em có nói gì đâu
- Thì để khi nào rảnh đã. Ông anh tôi cũng thế chứ?Vịnh oang oang cầm cốc bia chỉ vào tôi. Mặt tôi nóng bừng cố cười cho qua chuyện. Đôi mắt ướt của Quyên lúng liếng, trong khi bàn tay cầm miếng khô mực dúi vào tay tôi.
4. Sau buổi tối hôm đó chừng dăm hôm ông giám đốc mời tôi vào TPHCM thăm một đội xe trong đó. Ba ngày ở trong đó trôi vèo qua. Hôm về, xuống sân bay Đà nẵng quãng hơn chín giờ sáng hai chúng tôi lại tức tốc lên xe về Đông Hà ngay. Dạo đó đường xá không phải thuận tiện như bây giờ thành thử mãi đến gần sáu giờ chiều mới về được. Vừa bỏ chiếc túi xách xuống Vịnh đã ập vào, mặt đỏ phừng phừng, chẳng nói chẳng rằng cầm tay tôi kéo một mạch ra phía bãi đất rộng, chỉ thẳng tay:
- Anh nhìn thấy gì không?
Lúc đó trời đã bắt đầu xẩm tối. Phía tây những tia giải quạt vàng xuộm cố le lói chút ánh sáng cuối cùng trên giải núi răng cưa lờ mờ. Nổi bật trên bãi đất mênh mông và nền ánh sáng đó là bóng người thiếu phụ mặc áo ba bà mầu lam đang đứng im lặng như bức tượng đá cạnh đôi quang gánh.
- Ai thế? Mặc dù đã biết nhưng tôi vẫn hỏi để phá vỡ sự im lặng
- Anh không nhận ra thật à? Quyên nó đang đợi anh đấy.
- Cậu cứ nói. Cô ấy chắc chưa bán hết chè
- Anh này. Em cuộc với anh đấy. Cô ấy mấy hôm nay hỏi anh, em buột miệng bảo hôm nay anh về thành thử bán hết chè đã lâu những Quyên vẫn đứng ngóng. Em đảm bảo chưa thấy anh cô ấy chờ cả đêm cho mà xem. Dân trong này mọi sự đã ưng thì khó đổi lắm.
- Cái cậu này.
Tuy nói thế nhưng tôi vẫn đi theo Vịnh đến chỗ Quyên. Vừa nhìn thấy tôi. Cô nói ngay:
- Anh về muộn thế hỉ. ở nhà Lan nó nấu cơm rồi. Mời hai anh đến.
Cơm nước xong xuôi, không biết có phải vì sự bố trí nào không mà Lan kéo Vịnh ra phố, thằng Đốm chạy sang hàng xóm xem ti vi, còn lại mình tôi và Quyên. Cô lục xục trong buồng một lúc rồi lẳng lặng xách ra chiếc túi dứa đựng hàng quen thuộc của dân lái xe quá cảnh. Quyên nhìn tôi, trên đôi môi gọn gàng đọng nụ cười dịu dàng:
- Em biết ngày kia anh về, nên em sửa soạn cho anh mấy thứ. Miếng vải này em biếu mạ anh để may quần, lố này quần, áo con này gửi cho chị. Kì này chỉ có hàng này. Kì sau anh vô em sẽ gửi cho chị thứ đẹp hơn. Còn đây là hai bộ quần áo của hai đứa con anh. Anh về đừng nói gì với chị cả, cứ bảo là anh mua. Em nghe nói các chị ở ngoài ấy rằng mà ghen ghê lắm?
Tôi suýt bật cười nhưng nghiêm mặt được ngay:
- Rất cám ơn Quyên, nhưng tôi không thể nhận mấy thứ này được.
- Sao thế. Đây là trách nhiệm của em. Em chỉ cần lúc nào vô anh đến nhà em ăn cơm là đựoc rồi. Anh cứ cầm cho em đỡ tủi.
- Tôi không thể, không thể.
Nói xong, tôi đứng phắt dậy định quay đi. Nhưng tôi chợt nghe thấy tiếng động mạnh. quay lại thấy Quyên phủ phục trên giường, đôi vai run lên từng đợt. Tôi lúng túng nhìn, rồi chầm chậm đi lại. Người thiếu phụ nức nở giọng ướt sũng:
- Anh cứ nhận đi, nhận đi em chẳng cần gì ở anh cả
Tôi đứng chôn chân trên nền nhà cát. Nhận rõ ra ngay cả những hạt cát li ti đang cọ lạo xạo vào những ngón chân nơi mũi dép rọ.
5. Rồi thời gian cứ trôi qua như cát lọt qua kẽ tay. Sau chuyến công tác ấy, tôi cũng không có dịp quay trở lại bãi xe quá cảnh. Nhưng chỉ lạ một điều là thỉnh thoảng giữa muôn nghĩ suy chộn rộn của cuộc đời, trong đầu tôi lại loé lên những suy tư về Quyên. Tôi cũng không hiểu vì nguyên nhân gì khiến Quyên có cảm tình với tôi. Phải chăng là sự đồng điệu tâm hồn, sự khát khao một thứ tình cảm nào đấy, hay là chỉ là sự giải thoát nỗi cô đơn, hoặc là sự trông chờ chút cứu cánh vô hình khó tin nào đó trong quan hệ với tôi, hay chỉ đơn thuần là chút mềm lòng của người đàn bà cô đơn muốn tìm một chút nghỉ ngơi nào đó giữa sự phù du, sóng gió của cuộc đời…. Đặt tất cả sự cắt nghĩa ấy trước mặt và ngay lập tức tôi lại gạt đi vì sự vô lý thiếu thuyết phục Nhưng quả tình mỗi lần nghĩ đến Quyên tôi lại thấy nao nào, mặc dù ngay khi đối diện với chính mình tôi cũng không hề xấu hổ vì sự phản bội may mảy nào với vợ. Mãi sau này có dễ đến hơn hai mươi năm. Vào một ngày trong những năm đầu của thế kỉ mới tôi lại có dịp vào Đông hà. Hơn một phần năm thế kỉ trôi qua, tôi đã bỏ lại sau lưng tất cả sự sôi nổi của một đời người và trong đầu óc chớm già nua của mình tôi đã ít nhiều nhận ra qui luật biến thiên thăng trầm của cuộc sống. Tôi thật sự ngỡ ngàng khi chạm mặt với Đông hà thị xã vùng ven, nơi cách xa những thành phố lớn nhưng lại đã từng là nơi phô diễn của tất cả những gì ác liệt nhất của một cuộc giao tranh một mất một còn. Tôi đứng trơ vơ trên ban công của khách sạn Hiếu Giang và cho dù ép mãi trí óc mình cũng không làm bật ra sự tưởng tượng một thời. Cụm khói đen của một quả bom vừa nổ đang loãng dần bay từ từ lên bầu trời rừng rực nắng miền trung. Thị xã Đông Hà hôm nay lênh khênh, sặc sỡ theo kiểu của một tỉnh lẻ đang cập rập đô thị hoá. Tôi một mình dạo trên phố với một cảm giác trữ tình mơ hồ và hỏi đến người thứ ba mới tìm ra đoạn đường rẽ vào đầu đường chín xa xưa, nơi kề bên bãi xe quá cảnh. Nhưng tất cả khung cảnh xưa như biến hẳn trên mặt đất. Chẳng còn tượng đài lổn nhổn xác xe tăng, súng gẫy, vỏ đạn vỡ toác. Đường phố chạy dài than thán, bóng mịn. Đã biến sạch những mái nhà lợp tôn thấp lè tè thay vào đó là những toà nhà lênh khênh dị hợm. Đâu rồi bãi đất hoang sơ chập chùng với những mái lều lùn choằn, và những bụi cây lúp xúp khi chiều chạng vạng xuống thỏ rừng trắng xoá loạt xoạt luồn lách. Cả những cây bạch đàn, phi lao cũng như bị đẩy giạt đứng khép nép bên đường. Và nơi nào gò đất nơi phía tây nơi Quyên người thiếu phụ mặc áo lam cô đơn đứng chờ theo dáng vọng Phu bên gánh chè bột lọc. Còn phường Đông hà 2 nơi có con dốc bé xíu chạy giữa bụi dứa dại có còn không. Tôi rít mạnh hơi thuốc lá lặng lẽ đi ngược lên hi vọng tìm ra dẫy nhà hai tầng một thời nổi tiếng để định vị trí nhớ và những kỉ niệm. Khi ngẩng lên tôi nhận ra tấm biển chỉ rõ nơi làm việc của Phường Đông Hà. Một ý nghĩ thoáng qua. Tôi rẽ vào. Gã bảo vệ uỷ ban là một người đàn ông cao gầy có giọng loét choét của con vẹt khi thấy thẻ hành nghề của tôi bèn xòe nụ cười nô bộc vừa chỉ tay hướng dẫn tôi lên tầng hai toà nhà vừa nói:
- Dạ, con biết ngay là chú là kí giả ngoài thủ đô mới vô. Chú muốn phỏng vẩn hỉ?Quan trọng vậy thì cô chủ tịch sẽ tiếp chú.
Tôi suýt bật cười trước vẻ khúm núm của gã rồi bước lên cầu thang lát đá hoa kẻ xọc. Hơi chếch trên tấm cửa mầu xanh nhạt là tấm biển đỏ cờ ghi rõ ”phòng Chủ tịch phường". Tiếng gõ của tôi vừa dứt thì phía trong vọng ra tiếng đàn bà dìu dịu:
- Mời vô.
Bước vào, tôi thấy đằng sau tấm biển ghi chức danh một mái tóc phụ nữ bóng mượt, nặng trĩu cúi trên chồng tài liệu và ngay lập tức mái tóc hất ngược lên. Khuôn mặt bầu bầu phúc hậu của người đàn bà luống tuổi như bừng lên trong một nụ cười kín đáo. Tôi sững người và một thoáng bần thần kì lạ tôi như thoáng thấy tất cả những gì quá khứ bất chợt hiện về. Người phụ nữ hình như cũng có cảm giác giống tôi, đôi mắt trong veo đã chớm hiện ra những nếp nhăn giải quạt nheo nheo. Cả hai chúng tôi lặng im. Không gian trĩu xuỗng trong sự im lặng. Tiếng chắc lưỡi của con mối vang lên rồi nhoà đi trong tiếng xe tải chở nặng vừa chạy qua.
- Quyên phải không?- Tôi gần như thì thầm.
- Anh Hiền răng? - Giọng bà chủ tịch ấm áp, run run.
6. Cuộc đời bao giờ cũng vậy. Khi mọi sự đang xẩy ra người ta còn rụt rè chờ đón mọi sự xẩy ra với sự an phận và đôi khi khiếp sợ, nhưng khi đã lùi ra xa một quãng thời gian thì hết thẩy trở nên đơn giản. Quyên đưa tôi về nhà mình và nếu cô không nói rõ thì quả tình tôi không thể nhận ra toà nhà hai tầng xây hình chữ L mặt tiền có lát gạch bóng mầu đỏ xẫm, sàn lát gạch men có hoa văn giả đá lại là sự hoá thân của căn nhà mái tôn lùn choằn ở trong ngõ nhỏ lách qua những bụi dứa dại và đôi dép dọ của tôi lạt xạt cát. Một đứa bé trai lối độ năm tuổi có đôi mắt như in lại của Quyên chạy ào ra vừa xả tay ra đòi bế vừa nũng nịu kêu bà.
- Cháu nội em đó.
- Con thằng Đốm? - Tôi buột miệng.
- Rứa mà sao anh nhớ dậy. Quyên bế thốc đứa bé lên, đôi mắt trong veo trố ra nhìn tôi.
- Thế anh ấy đâu?
- Anh uống nước đi đã.
Đứa bé làm nũng bà một chặp rồi chạy ào đi chơi. Quyên cố giữ vẻ tự nhiên đi lại trong nhà pha nước mời tôi, nhưng khi ngồi xuống chiếc ghế thì vẻ đàng hoàng, đĩnh đạc của bà chủ tịch phường dường như đã biến đi hết chỉ còn lại người đàn bà mềm yếu đang bị chấn động vì bất ngờ. Và khi tôi vô tình hỏi về chồng cô thì Quyên cúi đầu. Hai vai run run. Giọng Quyên thấp hẳn xuống đứt quãng. Tôi cảm thấy ân hận khi vô tình chạm vào nỗi day dứt của thiếu phụ …
… Sau đợt anh ra ngoài đó chừng ba, bốn năm gì đó thì ảnh bị mất. Phạm đánh lẫn nhau mà anh. Mấy ngày đầu nhận tin, em tưởng không thể sống nổi. Dạo đó em nói thật anh đừng cười. Em mong anh hoài và cứ mường tượng là có lúc nào đó anh lại bất ngờ hiện ra ở đầu ngõ. Mấy bụi dứa dại hồi đó răng mà nhiều hoa thế. Đêm nào cũng sực lên, thật khó ngủ. Em cũng biết chẳng bao giờ có chuyện áy xẩy ra. Chú Vịnh có nói, em biết nhưng cứ mong Rồi sau loanh quanh thế nào cứ ngày thì gánh chè ra bãi quá cảnh. Chiều về thì đi theo mấy anh chị khu phố. Lâu lâu mấy anh giao em làm cái việc đến buòn cười là vận động mấy em làm gái quanh bãi quá cảnh. Thấy nhiều em cũng tội lắm. Cũng là vì sinh sống cả thôi. Nhưng dạo đó nhiều lái xe bị bệnh tật, bị đổ xe lắm. Dần dần em được vô tổ chức. Thằng Đốm đi học ngoài Đà nẵng, nó muốn em tập trung vào làm việc cho phường. Bây giờ nó làm phó giám đốc công ty đường thuỷ. Vợ nó dậy học. Hai khoá vừa rồi thì bà con lối phố tin em, thành thử em cứ ráng làm. Công việc bạn túi bụi nhưng được cái vui. Chỉ khổ thằng con ông giám đốc ôtô cũ. Em nghe nói bảo ngày trước cũng oai nghiêm lắm thế mà về già cửa nhà lại lộn xộn quá. Mấy đứa con chú ấy làm đơn ra phường không nhận cha.
- Sao thế? - Tôi ngạc nhiên hỏi
- Có gì đâu. ổng ấy có con với cô bé ô sin ở nhà anh con trai thứ hai. Bây giờ ổng ấy ở cô bé ấy. Nhà vắng teo vắng ngắt.
- Thế chú Vịnh thì sao?
- Khổ con Lan. Tưởng có chú ấy thì vui lên ai ngờ. Chú ấy chả biết nghe ai. Buôn thuốc phiện, bị bát. Vợ chú ấy bỏ hẳn. Con Lan bây giờ cùng hai đứa con lâu lâu lại xin giấy của em vào trại thăm nuôi.
Tôi ngồi lặng lẽ vì những cảm xúc trái ngược. Quyên cố làm vẻ chủ động, đi đi lại lại rót bia vào cốc của tôi.
- Bao giờ anh ra ngoài ấy?
Tôi không trả lời mà lại hỏi bất ngờ hỏi lại:
- Sao dạo đó sao Quyên lại mua quà cho tôi mang về nhà?
- Em quý anh. Anh có biết vì sao không?
Người thiếu phụ cúi đầu xuống, hai mắt chớp chớp:
- Anh có nhớ một lần có buổi tối anh đi với chú lái xe của ông giám đốc và anh đã đẩy bằng được hai chú lái xe đang say rượu dằng đòn gánh, xô em ngã ra bệ đường không?
Hà nội chớm ngâu 2004 -2005
Nguyễn Hiếu

Xem Tiếp: ----