Lời tác giả

Nhỏ chị ấy sinh đúng một năm sau di cư, 1955 tại Phố Hàng Đường, Hà Nội. Nó tuổi Mùi thua mầy và tao đúng mười tuổi. Nhỏ hơn mười tuổi nhưng nỗi đau, cảnh khổ của nó so với của mầy và tao...
 
Khi cô phụ tài Xe Đò Hoàng tuyến đường San José-Westminster (Bắc-Nam Cali) mở băng DVD ca nhạc trình diễn màn hát Quan Họ thì hai người khách đàn bà bắt đầu câu chuyện với cách bí ẩn riêng tư, diễn tả qua từng nét mặt, âm tiếng thay đổi theo cảm xúc..
..Bà biết hát Quan Họ nầy hay như thế nào không?
- Làm sao biết được, giỏi lắm là ngâm nga theo điệu “Người ơi người ở đừng về..” Mà bà có hơn gì tôi để ra câu đố nầy nọ?
- Biết là vậy, tôi với bà di cư vào Nam năm 1954 còn “oắt tì xà lai”, làm sao biết “ngoài Bắc ta”có cái gì, may ra còn giữ được giọng Hà Nội khác với mấy cậu, mợ 75, “iem ở hà lội.. suốt”.. Theo ông bố vào ở chỗ Hỏa Xa Đà Nẵng, đi học trường Bà Xơ dưới Nhà Thờ Con Gà bị tụi bạn trêu “Bắc Kỳ ăn cá rô cây nên hô răng..“, thế nhưng, biết được cái hay của Quan Họ là do đứa chị kể lại sau nầy..
- Chị nào, chẳng lẻ mợ Nguyệt nhà bà lại biết được những điều mà tôi với bà không biết ra..
- Không, đây là nhỏ chị họ ngoài Bắc, gặp sau nầy ở Mỹ, nó qua đây làm đại diện thương mại gì đó cho bên Việt Nam, gọi là chị (tuy nhỏ tuổi hơn) vì là cháu ngoại lớn của bà cả, nó đẹp lắm, giống như Romy Schneidder trong phim Sisi Impéatrice (°)..
- Bà có nói quá không, người ngoài Bắc đẹp đến cỡ Brigitte Bardot mà chụp cái nón cối lên đầu như em Jane Fonda thì trông cũng chẳng giống ai.. Mà bà ngoại cả là sao? (°°)
- Thì ông ngoại tao (khi “tôi” trở thành “tao”, hoặc “bà” hạ xuống “mầy” tức là câu chuyện đã đi vào đoạn gay cấn, cấp thiết) là người Tàu, Tàu chính gốc, có đến chín bà vợ, đại gia đình sống như trong chuyện Hồng Lâu Mộng. Bà tao thứ Tám, ông lấy từ bên Miên đem về Sài Gòn, xong đưa ra Bắc nên mợ tao có tên ấy mầy không thấy sao.. Nhỏ chị ấy sinh đúng một năm sau di cư, 1955 tại Phố Hàng Đường, Hà Nội. Nó tuổi Mùi thua mầy và tao đúng mười tuổi. Nhỏ hơn mười tuổi nhưng nỗi đau, cảnh khổ của nó so với của mầy và tao cứ như núi, dẫu rằng mầy với tao chịu nạn sau 30 tháng Tư cũng đã nát người.. Chồng đi tù cải tạo, một thân nuôi con, vượt biên đến Mỹ với thứ tiếng Anh Anglais Vivant nói đến gãy lưỡi, mỏi tay.. Nhưng dù sao bọn mình còn có an ủi với hai-mươi mốt năm nơi Miền Nam, và cuối cùng cũng đến được đất Mỹ. So với nhiều người, mầy và tao còn “hạnh phúc” hơn bao nhiêu kẻ khác.. Cứ như cảnh chị nhỏ ấy tao sợ chịu không thấu..
- Mầy nói thì tao nghe, nhưng với cảnh khổ ai có thể so sánh với ai, mấy ai nói mình khổ hơn hay khổ kém bao giờ.. Người bạn trầm giọng bùi ngùi, thương cảm.. Đời mầy cũng quá sức rồi, từ “sáu-mươi, bảy-mươi..”, tiểu thư lái Mazda 1500, Mustang Capri đưa con đi học.. Qua “bảy-lăm” đẩy xe trâu làm ruộng dưới Suối Nghệ, Bà Rịa; rồi với hai con nhỏ chưa đầy mười tuổi vượt biên qua Thái bằng đường bộ Campuchia giữa bầy lính Polpot thôi cũng đủ đáng sợ như chuyện kể trong Papillion, lại thêm mấy năm ở Trại Cấm Sikiew, Thái Lan coi như ở tù không án..
- Chuyện tao kể ra cũng thường so với vạn, triệu người Nam, đời chị nhỏ ấy diễn ra theo cách khác, điển hình cảnh khổ của người Miền Bắc, lại là đàn bà có học, tài sắc, gia thế.. Tao không nói điều tưởng tượng, nghe ra chuyện mầy sẽ thấy lời tao chưa đủ. Nó lại luôn chịu cảnh khổ một thân, một mình..
- Sao lại một mình, chồng, con nó đâu..
..Đấy lại là một đầu mối của đau thương đời nó.. Đầu mối lớn nhất.
 
Chú thích:
(°; °°) Những nữ tài tử điện ảnh Mỹ, Pháp nổi tiếng trong thập niên 50, 60, 70..