1- Người đàn ông ấy trạc 60 tuổi. Tay chân ngắn cũn, ngón tay như những quả chuối mắn, trán ngắn, mắt híp, mũi tin hin như mũi lợn ỉn. Thoạt nhìn, ngỡ lão không có cổ vì nó ngắn, gáy và vai nung núc những tảng thịt. Đôi má chảy xệ, che lấp một phần chiếc cằm lẹm. Mái tóc đốm bạc vốn đã thưa lại rụng gần hết trên đỉnh đầu. Nom lão già hơn so với tuổi. Người tuổi Hợi thường hiền lành, dễ ăn, dễ ngủ. Riêng lão Hợi, ngoài nết phàm ăn tục uống, còn rất khôn ngoan đầu chứa đầy mưu mẹo. Ánh mắt lão không quen nhìn thẳng, chúa hay liếc xéo, nhìn trộm. Cách nói năng của lão luôn lấp lửng, mập mờ nước đôi. Hơn hai mươi năm làm việc tại công ty thực phẩm thành phố, qua bốn đời giám đốc, lão vẫn yên vị trên ghế Trưởng phòng Tổ chức, đủ thấy tài thích ứng hoàn cảnh của lão tuyệt chiêu đến mức nào! Ông sếp mới nào cũng thế, dù không ưa Hợi, nhưng vẫn phải kiêng dè, đôi lúc tỏ ra ưu ái lão. Sau ngày về hưu non, tham gia “Hội ngồi bệt” ở quán nước đầu thị trấn của bà Lương, lão mới chịu tiết lộ ngón võ giữ ghế của mình: “Nghề làm tổ chức trên đe dưới búa phải có mẹo kiềm chế thiên hạ, nhất là với các ông sếp trực tiếp của mình. Làm người ai chẳng có tật này khuyết nọ. Mỗi lần nghe tin có sếp mới về nhận chức, mình vừa làm thân, vừa điều nghiên xem tật của sếp là gì. Gặp cơ hội thuận tiện là lập tức nửa đùa nửa thật, giả giọng bông phèng theo chiến thuật rung cây nhát khỉ… Điều quan trọng là ngay sau đó phải bằng hành động cụ thể chứng tỏ cho sếp biết mình sẽ trung thành, sẵn sàng bảo vệ sếp đến cùng. Người ta là cấp trên sẽ mau hiểu và phải tự biết phải nên đối xử với thuộc cấp thế nào…”
2- Thị trấn ven đô của tôi bé nhỏ như lòng bàn tay. Dân thị trấn thông tỏ lai lịch của từng người, từng dòng họ như thuộc lòng các con đường gạch lát nghiêng rẽ vào lối xóm. Đời cụ cố của lão Hợi là dân ngụ cư, gốc quê xứ Thanh. Gặp năm hạn hán, sâu bệnh mất mùa nên phải đi ăn xin rồi may mắn trụ lại được ở thôn Đoài, nay là trung tâm thị trấn. Người quê tôi xưa có ba nghề tổ truyền là làm ruộng, nấu kẹo mạch nha và canh cửi. Dân ngụ cư không có điền sản, lại không thạo nghề nấu nha hay dệt lụa, đương nhiên phải làm thuê kiếm sống. Thời ấy, thôn Đoài có ông cai Tổng Dật vừa có năm khung cửi dệt lụa, vừa mở thêm lò sát sinh chuyên cung cấp hàng cho các chợ trong nội đô và mấy tiệm Ba Tàu bán lợn quay ở phố Hàng Buồm. Các cụ già quê tôi vẫn chê nghề sát sinh là thất đức, mỗi khi có việc phải mổ bò, mổ lợn đều thắp hương xin phép thổ công, thần hoàng mới dám động dao thớt. Chỉ có cai Tổng Dật đã từng đi lính khố xanh, khố đỏ mới dám hành nghề này, bất chấp ý kiến của cụ đồ ăn Tiên chỉ trong làng. Trai tráng quê tôi thời đó thà chịu đói rách chứ không chịu làm thuê cho lò sát sinh của cai Tổng Dật.
Khi còn ở quê nhà trong xứ Thanh, cụ cố lão Hợi vốn thạo nghề giết trâu, mổ bò mỗi khi có việc làng hay lễ hội. Tình cờ ông đến xin ăn nhà cai tổng Dật, gặp mấy anh thợ người Thường Tín làm nghề còn vụng về. Ông ta nổi máu nghề, tay chân ngứa ngáy, xin vào biểu diễn cho họ từng động tác chọc tiết, chế nước sôi, cạo lông, xả thịt. Con lợn ông làm thoáng một lúc đã xong mà móng giò với thủ sạch bong không một sợi lông, thịt pha thứ nào dứt ra thứ ấy, trông ngon lành và đẹp mắt. Cai Tổng Dật thấy vậy giữ ông làm đồ tể cơm nuôi ba bữa, gả cô vợ là chị vú em thọt chân để ông sống chết với nghề. Chẳng bao lâu, ông trở thành quản gia kiêm cai quản lò mổ cho Tổng Dật nên bớt xén, kiếm chác được ít dấn vốn, ra mở lò riêng. Nghề đồ tể truyền từ đời cụ cố đến đời lão Hợi được ba đời thì phát đạt, lấn át cả con cháu nhà cai Tổng Dật. Hồi nhỏ đi học, lão Hợi cũng theo phụ giúp ông bố nên bây giờ về hưu quay lại nghề cũ, lão xả thịt, dóc xương con vật như múa dao trên tay. Đồn rằng cha con lão Hợi giết lợn lâu đời đã thành tinh, chỉ cần ghé mắt vào chuồng lợn nhà ai, lũ vật rống lên kêu eng éc và chê cám như bị ma ám…
3- Lão Hợi mổ xong năm con lợn, từ nhà bà Mâu trở về trời vẫn còn chưa rõ mặt người. Cái nghề đồ tể quen lọ mọ làm việc trong bóng đêm nên lão tỉnh táo, ung dung ngồi rít liền ba điếu thuốc lào Tiên Lãng, tận hưởng cái đê mê của chất nicotin ngấm vào từng mạch máu trong làn da, thớ thịt. Lão bắc nồi luộc miếng thịt nạc vai bằng bao thuốc lá, nửa cỗ tràng và mấy khúc ruột non. Mối lần nhìn ngọn lửa bếp dầu lom đom cháy trong căn bếp tối thâm màu bồ hóng, lão vẫn cười thầm, tự nhủ: Ăn vụng cũng phải biết cách. Tim và bồ dục ngon thật, nhưng con lợn nào cũng chỉ có một quả tim, hai trái bầu dục, nhà chủ nhìn thiếu sẽ hỏi ngay. Bỏ tiền ra mua thì chủ sẽ cắt xén tiền công, mất toi khỏan tiền mua cút rượu làng Vân chứ bỡn. Xẻo mấy thứ lặt vặt mang về có mà giời biết... Sớm nay, thức nhắm đã luộc xong, bày lên đĩa đầy ú ụ, bỗng lão Hợi chợt cảm thấy buồn mông lung, chẳng thiết rót rượu, đụng đũa. Tiếng chim lợn kêu đầu nhà đêm qua cứ ám ảnh tâm trí lão một nỗi sợ vu vơ về tai họa sẽ bất ngờ ập đến. Đời lão đến nước như bây giờ còn gì để mất thêm, nhưng lão vẫn thấy chập chờn cơn ác mộng.Về hưu được nửa năm, vợ lão lăn đùng ra chết vì bệnh ung thư tử cung. Đứa con gái giời đánh từ trong Đà Nẵng ra lợi dụng lúc tang gia bối rối đã khoắng sạch tiền vàng của bố mẹ nó tích cóp trong nhiều năm. Đã thế, cách đây một năm thằng con út gần ba mươi tuổi không thèm lấy vợ, vẫn chơi bời trác táng ở các vòm hút xách quanh thị trấn. Nó đánh bạc, chơi đề rồi lấy giấy tờ nhà đem thế chấp vay nợ ngân hàng mấy trăm triệu, bị người ta xiết nợ thu nhà biến lão thành tay trắng. Con bị đi tù, lão bơ vơ không nhà, không tiền, may được bà Lương nể tình xưa nghĩa cũ, cho ở tạm trong căn nhà bỏ hoang cuối xóm. Cái kiếp lão như con kiến leo cành đa, leo phải cành cộc, thành ra cuối đời mới từ ông cán bộ tổ chức hét ra lửa phải quay lại nghề cũ, mổ lợn thuê cho mẹ Mâu, chắt nội cai Tổng Dật ngày xưa. Nhưng tiếng chim lợn kêu xưa nay là điềm gở. Ngộ nhỡ thằng con út của lão trên trại giam gặp chuyện chẳng lành? Nếu  nó chết kể như lão tuyệt giống…
4- Bà Lương đã dậy, tất bật dọn hàng để kịp bán nước cho mấy người đạp xích lô, thuê nhà trong thị trấn. Tiếng chim lợn đêm qua kêu phía đầu nhà lão Hợi cũng làm bà phấp phỏng, ái ngại cho người bạn già. Pha trà, rót nước cho khách xong, bà gửi hàng le te đi vào trong xóm gõ cửa nhà lão Hợi.
- Ông Hợi ơi! Vẫn khỏe chứ?
- Vâng. Bà vào xơi nước. Chưa dọn hàng à?
 - Dọn rồi, nhưng đêm qua thấy chim lợn kêu, sốt ruột quá nên gửi hàng vào thăm ông đây.
- Cám ơn bà! Tôi vẫn khỏe, nhưng cảm thấy lo cho thằng út trên trại giam lắm.
- Thôi. Đời cua cua máy, đời cáy cáy bò. Ông lo cho nó cũng chẳng ích gì, liệu mà giữ sức khỏe. Ông không việc gì là tốt rồi, tôi ra quán đây.
Bà Lương lại le te quay về quán nước, trong lòng thấy xót xa thay cho lão Hợi. Quan hệ giữa bà với lão chẳng tốt đẹp gì, nhưng dẫu sao cũng là mối dây mơ rễ má từ thời con gái. Ngày ấy các bà, các cô ai cũng ao ước được làm mậu dịch viên. Cô nào học thương nghiệp ra trường mà được đứmg bán hàng ở quầy gạo hay quầy thịt ở giữa chợ lớn trong nội thành thì ngang bằng trúng số độc đắc. Có người mách nước cho cô Lương vừa tốt nghiệp trung cấp thương nghiệp, mang túi quà đến trưởng phòng tổ chức Hợi. Cô đưa giấy tờ, lí nhí trình bày hoàn cảnh. Anh trưởng phòng Hợi lúc đó chưa phì nộn như lúc về già. Anh hấp háy cặp mắt híp, ỡm ờ hỏi chuyện, thỉnh thoảng như vô tình đụng trạm vào người cô. Cứ thế sau nhiều lần hẹn đi, hẹn lại, Lương đã đồng ý trao thân cho Hợi để đổi lấy chân biên chế trong cửa hàng cung cấp thực phẩm chợ Tô Lịch. Lương không đẹp nhưng còn chanh cốm, hấp dẫn hơn nhiều so với bà vợ nái xề của Hợi. Cuộc tình trăng gió kéo dài đến lúc công ty nhận cô Bích vào làm, vừa đẹp lại vừa lẳng lơ. Tuy vậy, Hợi vẫn quan tâm nâng đỡ Lương. Nếu không có vụ đánh tráo thịt lợn bị mắc bệnh “đóng dấu” vào quầy, có lẽ Lương sẽ được đề bạt Cửa hàng phó. Cô bị con mẹ Mâu nhận là người nhà của Hợi, đến dỗ ngon dỗ ngọt nên làm liều. Không ngờ trong số khách hàng hôm ấy có hai giáo viên trường múa bị ngộ độc chết. Sự việc bị vỡ lở, Lương đáng nhẽ bị truy tố, may nhờ Hợi lo liệu thu xếp nên chỉ phải buộc thôi việc, còn mụ Mâu phe tem phiếu ở chợ, sẵn tiền nhờ Hợi lo lót, đương nhiên là vô can. Quả đất xoay tròn nên cuối đời con dâu bà Mâu lại giao kẹo lạc, bánh giò cho bà Lương bán quán. Tội nghiệp cô Bích lẳng lơ, có chửa với Hợi bị cô vợ anh ta đánh ghen đến trụy thai. Ngày ấy nó được coi là một vụ động trời. Bích mắc bệnh hậu sản mòn, may nhờ có sư cụ bên Sơn Tây chữa trị khỏi cho bệnh rồi ở lại chùa xuống tóc đi tu không biết bây giờ ra sao…
5- Một ngày lặng lẽ trôi vào cõi giới vô hình nhạt thếch, bệch bạc như bóng chiều lợt nắng. Thị trấn ngoại ô yên tĩnh, lèo tèo hàng quán, thưa thớt bóng người. Thỉnh thoảng một chiếc xe tải rồ lướt tới, chạy lên đầu dốc, để lại quầng bụi nâu xám bốc lên mù mịt, xộc vào quán nước. Bà Lương cầm chiếc phất trần phẩy bụi, miệng lẩm nhẩm rủa thầm con đường và mấy chàng lái xe tải chở phế thải xây dựng đang phóng tít mù.
- A di đà phật! Thí chủ cho tôi hỏi nhà lão Hợi?
- Bạch thầy… ơ… giời ơi, có phải sư thầy là…
- A di đà phật! Tôi là sư Diệu Tâm. Thí chủ cho tôi hỏi nhà ông lão Hợi?
 - Nhưng bạch thầy! Tôi nom thầy rất quen. Có phải xưa thầy là cô Bích bán hàng ở công ty thực phẩm?
  - A di đà phật! Thiên địa bao la, đâu cũng là con cháu nhà Phật. Xin thí chủ đừng bận tâm về một cô Bích, một hạt cát trong vũ trụ mà thôi. Sự đời sắc sắc không không, nhân quả luân hồi. Nhân sinh là kiếp phù du, bèo dạt mây trôi, vô thường bất định. Phật pháp vô biên, vớt người cứu khổ. Nếu có cô Bích nào từng đến ăn mày cửa Phật thì thể xác dẫu còn, nhưng tâm đã ngộ… A di đà phật!...
  Bà Lương bàng hoàng gieo mình ngồi xuống ghế, trân trối nhìn sư Diệu Tâm. Bộ áo nâu sồng nhà chùa đã bạc vẫn chỉ tôn thêm dáng người thon thả, mày thanh, mắt sáng của cô Bích ngày xưa. Đôi bàn tay mười ngón thon dài của sư Diệu Tâm úp vào nhau, đặt trước ngực toát lên vẻ thanh cao, thoát tục. Hai cánh môi như hai cánh hoa đào của nhà sư khép mở nhịp nhàng theo giọng nói trầm ấm, du dương, thấm vào tâm linh, tuệ giác người nghe. Nhiều năm rồi, theo bạn bè lên các chùa khắp trong thành phố, bà Lương chưa bao giờ nghe được những lời có sức truyền cảm, lay động tận tầng sâu u ẩn của lòng mình như vậy. Bà đứng dậy, ôm chầm lấy sư Diệu Tâm nghẹn ngào nói:
- Tôi là Lương, nhân viên công ty, bi kỷ luật vì đánh tráo thịt lợn mắc bệnh “đóng dấu” vào quầy mậu dịch chợ Tô Lịch đây, sư còn nhớ không?
- A di đà phật! Tôi nhận ra bà Lương từ xa, quan sát kỹ quán nước của bà rồi mới đánh bạo vào hỏi thăm.
- Bạch  thầy, tìm ông lão Hợi có việc gì?
- Ông ấy có người con trai chừng ba mươi tuổi, đi tù chốn trại phải không? – Sư Diệu Tâm hỏi lại.
- Bạch thầy, đi tù thì có nhưng chốn trại thì tôi mới nghe lần đầu.
- Vậy thì đúng rồi. Đúng là con trai ông Hợi.
- Có chuyện gì thế? Lành hay dữ, bạch thầy?
Sư Diệu Tâm thở dài, mắt đăm đăm nhìn ra bầu trời ngoại ô đang mờ dần. Hai tròng  mắt nhà sư đỏ hoe, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt thánh thiện. Sư  nghẹn ngào kể:
- Đêm qua vào lúc rạng sáng tôi nằm ở trai phòng, mơ thấy một khung cảnh hệt như thị trấn này. Chợt con chim lợn đậu trên cành cây gạo, gần một căn nhà tồi tàn. Nó kêu lên ba hồi não nuột rồi vỗ cánh bay về hướng Đông Nam. Sau đó, tôi thấy một ông già hao hao giống ông Hợi ngày xưa, nhưng có bốn chân ngắn cũn và cái đuôi lợn. Ông ấy gào lên thảm thiết nghe như bị chọc tiết: “Tôi có tội. Giời đất ơi, tôi có tội, xin để mình tôi chịu. Lạy Trời, lạy Phật tha cho con tôi!..” Tôi choàng tỉnh giấc và nghe rõ tiếng lợn kêu eng éc, tiếng súng săn trong bản Mường nổ liên tiếp, chứng tỏ có cả đoàn người đang đuổi bắt tên ăn trộm lợn. Suốt mấy tuần liền, ở bản Mường cách chùa tôi trụ trì khoảng một cây số, dân chúng bị mất gà, lợn rất nhiều nên họ cắt cử nhau đi rình bắt. Khi tôi đến nơi nghe dân bản cho biết có hai thằng trộm mặc áo tù, một đứa chạy thoát còn một đứa bị bắn què chân, ngã lăn xuống vực đang hấp hối. Tôi lại gần nhìn tên trộm có nét quen quen. Nó ứa nước mắt nhìn tôi, nhờ báo tin cho bố nó là Bùi Hữu Hợi, cán bộ Tổ chức của công ty thực phẩm thành phố đã nghỉ hưu, đang ở thị trấn này. Tôi nhờ bà con dân bản chôn cất anh ta chu đáo, rồi tất tả về đây tìm ông Hợi lên lập đàn cầu xiêu cho người xấu số…
Bạch thầy, Giời- Phật thiêng quá! Đêm qua quả có con chim lợn kêu ở cây gạo đầu nhà ông Hợi. Từ sáng tới giờ ông ấy đang nằm bệt, chẳng thiết ăn uống, luôn miệng cầu Giời khấn Phật tha cho con mình. Sư thầy ngồi nghỉ tạm, xơi nước rồi tôi sẽ rước thầy vào xóm thăm ông Hợi – Bà Lương kéo vạt áo lau nước mắt, nhìn sư Diệu Tâm đau xót nói.
- A di đà phật! May mắn tôi được gặp lại thí chủ, cũng là do ý muốn của đức Phật từ bi. Phần tôi đã mấy mươi năm ăn mày cửa phật, xa lánh đời tục. Tôi thật lòng không muốn gặp lại ông Hợi trong lúc này. Xin thí chủ thay tôi báo tin và chỉ đường dẫn lối cho ông Hợi lên chùa cầu siêu cho con. Đức Phật sẽ phù hộ cho thí chủ.
6- Bà Lương cố vật nài, níu kéo, nhưng sư Diệu Tâm vẫn nhất quyết ra về. Bà tần ngần nhìn theo bóng nhà sư xa dần, hòa lẫn vào dòng người nhốn nháo trên đường. Bà bàng hoàng như vừa qua một giấc mộng. Đôi bờ mi bà cay rát, nhập nhòe những tia lửa nhỏ. Báo tin dữ cho người bạn già, bà không ngờ đó là lần gặp ông cuối cùng. Đêm đó ông Hợi uống rượu và rên rỉ thanh minh với Phật tổ từ bi, hỉ xả. Gần sáng, ông sang nhà bà Mâu theo phản xạ để bắt lợn đem mổ. Người ta tìm thấy xác ông vắt qua thành chuồng lợn, cắm đầu xuống máng đựng cám. Ông bị xuất huyết não cấp tính. Sau đám ma, cả thị trấn tiễn bà Lương và bà Mâu đi lên chùa gặp sư Diệu Tâm để cầu siêu cho cha con lão Hợi. Từ đó không thấy họ trở lại thị trấn. Nghe đồn họ đã xuống tóc đi tu sám hối ở chùa cùng sư Diệu Tâm…
 

Xem Tiếp: ----