Tu Nghiệp

Cảm nhận được sự  may mắn vì có quí nhân phù trợ trên bước đường hoạn lộ, gặp ngày sóc quan Thượng Thư cố sắp xếp để dâng nhang  trước các bậc thánh hiền nơi Văn Miếu. Ngài nhồi phong bao vào thùng công đức. Khấn khứa các đức Khổng tử, Mạnh tử.. cầu mong cho công cuộc cách tân của mình đuợc truờng tồn. Đứng truớc các thánh nhân của thời xưa ngài cảm thấy có hào khí ở trong lòng vì các vị thánh hiền đều đã "tử" rồi mà mình thì đang "sinh".
Sinh ra rất phùng thời vì đặc trưng của ngài là ưa cách tân, lại có đức kiên trì học tập đến cùng "Học, học nữa, học mãi!" theo giáo huấn của thánh nhân. Xưa nay, người cách tân thường phải là những vĩ nhân mà cũng chỉ những vĩ nhân mới dám nói chuyện đổi mới. Lương Khải Siêu, Vương An Thạch, Hồ Quý Ly.., thoáng trong đầu quan Thượng Thư  những cao danh của người xưa. Hãnh diện vì điều ấy, sau lễ dâng hương ngài đi bách bộ trên con đuờng rải sỏi quanh Văn Miếu, suy ngẫm, suy ngẫm.
Ngài chê Tần Thuỷ Hoàng Đế vì khi muốn thay cái cũ, Hoàng Đế này đã phải đốt sách và chôn bớt học trò. Thế là kém, ngài lắc đầu, vẻ chê bai hiện rõ. Học trò thì càng đông càng tốt. Quốc gia đông người đi học mới là một quốc gia văn minh, vả lại phú ông cho con đi học sẵn sàng nuôi chục ông thày, còn đám áo rách thì chục đứa cũng nuôi chưa nổi nửa ông thày. Vậy nên phải đông học trò, dốt cũng chẳng sao, ngồi nhầm lớp cũng đuợc. Học trò nó ngồi nhầm lớp đâu đáng ngại bằng việc bố chúng nó ngồi nhầm chỗ.
Còn sách thì việc gì phải đốt. Cứ cho in ra thật nhiều, mà in làm sao để sang năm ngay con ruột của thằng đại hà tiện cũng không dám dùng lại, nếu thực lòng hắn không muốn con mình hỏng thi. Vừa cách tân vừa thêm chức  việc, tạo phúc lộc cho  đám phu tử, để khi  cần có thể nhất hô bá ứng..
Nhưng phải có đủ độ cứng để bỏ ngoài tai những tâu cáo hàm ý chê bai của vài ba đồng liêu. Sự thanh thản trong lòng bỗng dưng chìm xuống khi ngài nhớ tới đám mũ cao áo dài khác của Triều đình. Chúng mỉa rằng trăm năm nô lệ chúng dân chỉ biết có ba thứ học là tiểu, trung với đại. Nhờ sự mạnh dạn cách tân của Thượng Thư  bộ Lễ mà ngày nay dân trí mới biết thêm những học đuờng lạ, đến đại Bách Khoa Toàn Thư do học giả cả hoàn cầu xúm nhau lập ra cũng không giải thích đuợc cho hết nghĩa, như kiểu "Học đuờng giáo dục luôn luôn". Lại còn vô khối các truờng lớp  lạ, các cuộc thi tân kì bội phần thi Hương, thi Hội, thi Đình ngày xưa, khiến sứ thần các nuớc cũng phải chắp tay bái phục.
Chúng nói nhờ có hiện sinh mới đuợc chứng kiến bao nhiêu chuyện lạ của thời canh tân, đuợc thấy những mụ đàn bà tiếp thu nền giáo hoá của bộ Lễ, nghĩ ra sáng kiến "gửi thông điệp" tới nhân quần bằng cách hạ chùng cạp váy, chẳng ngại việc chổng ra đuờng khoe "của" và toang toác kể một cách chi tiết, chuyện ngủ với đàn ông sướng khổ như thế nào. Lại có những đứa phô phang tính bản thiện bằng cách viết sách hoặc rủ nhau ra đuờng chửi toáng bố mẹ chúng lên, để cho thiên hạ biết hậu sinh là khả uý... 
Mặc xác chúng nó! - Ngài cương cảm gạt khỏi đầu những phiền toái. Chốn quan truờng là thế, có tránh nó thì thời nay cũng chẳng còn chốn yên tĩnh nào mà ở ẩn. Quan vén rèm lên xe riêng để quay về với công việc hàng ngày. Hàng đống việc đang chờ bàn tay canh tân của ngài.
Thế nhưng "Sinh ư nghệ, tử ư nghệ". Bỗng dưng quan Thượng bị miễn nhiệm truớc thời hạn. Mọi thứ đuợc trong cuộc đời ngài là do canh tân, đổi mới, thế rồi ngài cũng bị mất chính do sự canh tân đổi mới của người ta.
Đúng là thiên hạ ngày nay còn lâu mới có sự tri ân một cách công bằng. Bao nhiêu năm ngài cúc cung tận tuỵ với canh tân, thế mà cách tân nó cách mất bệ của ngài. Ngài suốt đời lo học và bày cách kiếm bằng này bằng nọ, khi treo ấn rồi vẫn còn cố đi tu nghiệp mà Triều Đình nỡ cắt nguồn học phí.
Mấy đồng liêu của ngài rỉ tai nhau rằng tân Thượng Thư  tuy cũng thuộc hàng đổi mới nhưng lại có tích thích đồ cổ xịn, những loại đồ cổ từ bao đời nay thiên hạ đã chép tay vào Kinh Thư như  "Canh tân phải xem cái tân mang lợi cho ai, cho nhân quần hay chỉ một ít quan trường, phu tử" và  "hiếu học không chỉ để vinh thân phì da  mà còn phải phục vụ quốc kế dân sinh". Nhưng giờ thì ngài càng mặc xác chúng nó.
Đã khăn gói sẵn sàng sang trời Âu ở ẩn, thế mà quan còn phải phiền lòng, khi nghe thấy vị Thượng Thư cáo lão đã lâu bên láng giềng dặn dò đứa con chuẩn bị đi tu nghiệp: Tu thì ở đâu cũng tốt, nhưng đừng tu  như quan Thượng bên bộ Lễ vì tu kiểu ấy thì chỉ tạo nghiệp.. báo
Ngọc Châu