Dịch giả: Trịnh Huy Ninh và Bùi Chuẩn
Quyển II - Chương 1
(The Chronicles of Captain Blood, or Captain Blood Returns)

PHÁT SÚNG BÁO GIỜ

Cuốn nhật ký tàu do Jeremy Pitt để lại đã kể về cuộc đối đầu dai dẳng giữa Peter Blood với thuyền trưởng Easterling, kẻ được số phận dùng làm công cụ định đoạt vận mệnh của các tù nhân đã cướp tàu "Cinco Llagas" để chạy trốn khỏi Barbados. Những người này chỉ còn biết trông đợi vào vận may. Giá như lúc đó gió mạnh lên hay yếu đi một tí hoặc hướng gió thay đổi một tí thì cuộc đời họ rất có thể đã bị ngoặt sang ngả khác rồi. Số phận của Peter Blood hẳn là do cơn bão tháng mười nọ định đoạt. Cơn bão này đã xô đẩy chiếc xà lúp mười pháo của thuyền trưởng Easterling vào vịnh Cayona[1] nơi con tàu "Cinco Llagas" lững lờ buông neo đã gần một tháng ròng.
Thuyền trưởng Blood đang cùng những người chạy trốn với mình trú lại trong cái sào huyệt cướp biển trên đảo Tortuga này vì biết rằng họ có thể ẩn náu tạm ở đây khi chưa quyết định được tiếp theo nên làm gì. Họ chọn bến này vì trong vùng biển Caribe thì đó là nơi duy nhất họ sẽ không bị quấy nhiễu bởi những câu hỏi khó chịu.
Không một vùng dân cư nào của Anh lại chịu bỏ qua quá khứ của họ để chứa chấp họ. Với Tây Ban Nha thì họ bị coi là kẻ thù bất cộng đới thiên không chỉ bởi họ là người Anh mà chủ yếu là vì họ đang chiếm giữ một chiếc tàu Tây Ban Nha. Họ sẽ không cảm thấy an toàn trong bất kỳ một thuộc địa nào của Pháp bởi lẽ giữa Pháp và Anh đã có một thỏa ước mà theo đó cả hai bên có trách nhiệm phải bắt giữ và dẫn về nguyên xứ những tên tù trốn. Chỉ còn lại Hà Lan giữ trung lập. Nhưng Peter Blood cho rằng tình trạng trung lập đó đầy những bất ngờ bởi vì nó để mặc mọi bên tự do hành động. Bởi vậy chàng đã tránh xa vùng bờ biển thuộc Hà Lan cũng như những khu định cư khác và đưa tàu thẳng đến đảo Tortuga của Công ty Tây Ấn thuộc Pháp và trên danh nghĩa là đất Pháp, song chỉ là danh nghĩa thôi, thực chất nó không thuộc một nước nào nếu "Hải hồ huynh đệ " như bọn hải tặc tự xưng - không được coi là một quốc gia. Ít ra luật pháp của Tortuga cũng không hề ngáng trở luật lệ của đám cường khấu hùng mạnh đó. Chính phủ Pháp đã tỏ ra lưu tâm che chở những kẻ ngoài vòng pháp luật ấy để rồi họ sẽ giúp lại nước Pháp kìm bớt lòng tham của Tây Ban Nha.
Do vậy, ở Tortuga, những kẻ đào thoát bị kết án phản loạn kia đã cặp bến bình an trên con tàu "Cinco Llagas" cho tới khi Easterling đến quấy phá sự bình yên đó, buộc họ phải hành động và mưu tính cho tương lai - điều mà, nếu không có hắn, họ hẳn còn tiếp tục trì hoãn.
Tên thuyền trưởng Easterling này - ghê tởm như bất cứ tên vô lại nào trong vùng biển Caribe - chở theo mấy tấn ca cao vừa cướp được từ một chiếc thương thuyền Hà Lan từ quần đảo Antilles về nước. Chiến tích này ngay sau đó hắn thấy đã không làm hắn đẹp mặt hơn, bởi lẽ trong con mắt của tên cướp biển ấy vinh quang được đo bằng giá trị của món đồ cướp được, mà món lợi này thì quá nhỏ nhoi, không đủ sức nâng cao cái giá trị vốn đã thấp kém của hắn trong giới "Hải hồ huynh đệ". Giá Easterling biết trước rằng trên chiếc thương thuyền Hà Lan kia của cải chỉ có vậy thì hắn đã để nó đi yên lành rồi. Nhưng sau khi đã áp mạn bắt được chiếc tàu hàng, Easterling cho rằng bổn phận đối với đám lâu la dưới quyền buộc hắn phải chiếm lấy những gì nhặt nhạnh được. Nếu trên tàu không còn gì đáng giá hơn ca cao thì dĩ nhiên là do cái số không may, hắn nghĩ vậy. Vận xui này gần đây cứ lẵng nhẵng bám theo hắn, khiến hắn ngày càng khó thu mộ bọn tay chân hơn. Ngẫm nghĩ về điều đó và mơ đến những chiến tích vĩ đại, hắn đưa chiếc xà lúp "Bonaventura" của mình vào vịnh Tortuga nằm khuất sau các vách đá dường như chính thiên nhiên đã dành nó làm nơi đậu tàu chắc chắn. Những vách đá dựng đứng chắn hai đầu cái vịnh hẹp, muốn vào được bên trong phải đi qua hai eo nhỏ - đòi hỏi tài nghệ của một hoa tiêu lão luyện mới qua lọt. Bàn tay con người lại làm tiếp công việc của tạo hóa, dựng lên ở đó một pháo đài dữ tợn án ngữ lối vào: pháo đài Chóp Núi. Bến cảng này đã bị bọn cướp biển Pháp và Anh biến thành sào huyệt của mình, từ đấy chúng tha hồ ngang nhiên thách thức sự hùng cường của vua Tây Ban Nha, tên vua mà chúng căm ghét hơn cả vì đã xua đuổi, bức hại chúng, biến chúng từ những dân cư hiền lành thành cướp biển hung hãn.
Nhưng vừa vào đến vịnh, Easterling đã quên hết những mơ mộng của mình, điều đang biểu hiện trước mắt hắn còn lạ lùng hơn cả giấc mơ. Điều phi thường kia là hình dáng một chiếc tàu lớn màu sơn đỏ thắm, ngạo nghễ vượt lên trên những chỉếc thuyền nhỏ bé như một con thiên nga trong đàn ngỗng. Lúc đến gần hơn, Easterling đọc thấy dòng chữ vàng to tướng ở mạn tàu:
CINCO LLAGAS CADIZ
Đó là tên con tàu và tên hải cảng mà nó đăng ký. Easterling giụi mắt đọc lại lần nữa. Sau đó hắn chỉ biết đứng đực ra, ngơ ngác đoán xem vì cớ gì một chiếc tàu Tây Ban Nha oai phong lẫm liệt thế kia lại chui vào cái hang ổ trộm cướp Tortuga này.
Con tàu thật tuyệt - từ những nét khắc chạm thếp vàng đằng mũi với những nòng pháo lấp lánh ánh đồng dưới mặt trời cho đến tận tầng lái cao sừng sững, vừa đẹp vừa dũng mãnh - con mắt sành sỏi của Easterling đã đếm được bốn chục nòng pháo giấu sau những lỗ ở mạn tàu đóng kín cửa.
"Bonaventura" bỏ neo cách con tàu lớn mười sải về phía Tây vụng biển, ngay dưới chân pháo đài Chóp Núi. Sau đó thuyền trưởng Easterling lên bờ, vội vàng đi tìm lời giải đáp cho điều bí ẩn kia.
Đến bãi chợ sau kè, hắn lẩn vào đám đông ô hợp ở đó. Đủ thứ con buôn thuộc mọi chủng tộc đang lăng xăng ồn ào nhưng phần lớn là người Anh, Pháp, Hà Lan. Ở đây có cả những kẻ lãng du và dân thủy thủ đủ loại: dân Flibustier[2] còn giữ đúng phép lẫn đám Flibustier đã công khai trở thành hải tặc, dân sơn cước, thợ mò ngọc trai người Ấn, nô lệ da đen, những người lai bán trái cây và đủ hạng người ngày ngày kéo đến vịnh Cayona, kẻ đến mua bán, người chỉ lượn lờ dạo chợ.
Easterling chẳng khó nhọc gì tìm được ngay hai tay thóc mách, biết rất lắm chuyện và hai gã này vui vẻ kể lại cho hắn nghe câu chuyện kỳ lạ về con tàu tuyệt vời xứ Cadiz đang bỏ neo trong vịnh Cayona cùng một nhóm tù trốn kia.
Câu chuyện không những đã làm Easterling thích thú mà còn khiến hắn ngạc nhiên. Hắn muốn biết tỉ mỉ hơn về những con người đã làm cái việc động trời kia và được biết rằng họ cả thảy chỉ có chừng hai chục mống, tất cả đều là chính trị phạm ở phe Monmouth bên Anh và không bị lên giá treo cổ chỉ vì các đồn điền Tây Ấn đang cần nô lệ. Hắn được thông báo tất cả những gì được biết về tay thủ lĩnh của họ là Peter Blood. Trước đây người này là thầy thuốc, chúng bảo thế và kể thêm vài chi tiết nữa.
Nghe đồn Peter Blood đang muốn trở lại nghề thầy thuốc, vì thế anh ta cùng với phần lớn những người cùng cảnh ngộ quyết định có dịp là đưa tàu về lại châu Âu ngay. Chỉ có vài ba tay liều lĩnh nhất quá gắn bó với biển là tỏ ra muốn ở lại gia nhập giới "Hải hồ huynh đệ" thôi.
Đó là điều Easterling nghe được ở bãi rác đằng sau chân kè trong khi con mắt sắc như dao của hắn không ngừng xem xét đánh giá con tàu lớn màu đỏ.
Giá hắn có một con tàu thế này, hắn đã làm được bao nhiêu việc kinh thiên động địa! Easterling lim dim mắt mơ màng. Tiếng tăm của Henry Morgan, kẻ một thời đã từng là chủ soái và sư phụ của hắn trong nghề cướp biển, sẽ bị lu mờ trong tên tuổi hắn! Bọn tù trốn khốn khổ chắc là rất mừng bán cho hắn chiếc tàu lợi hại của chúng và chắc không đòi giá quá cao. Nguyên chỗ ca cao chở trên "Bonaventura" cũng đủ chán.
Thuyền trưởng Easterling vuốt bộ râu đen xoăn tít của mình và tủm tỉm cười. Hắn thừa đủ lọc lõi để nhận thấy những khả năng lớn lao của con tàu đứng phơi ra ngoài bến trước mặt mọi người đã một tháng trời nay. Đầu óc hắn hơn người thì hắn phải ăn hơn mới phải chứ. Hắn thất thểu bước lên con đường lầm bụi san hô chạy qua những ngôi nhà tồi tàn đi suốt sang đầu bên kia thành phố. Con đường trắng toát bụi vôi dưới nắng chói chang đến nhức mắt khiến người ta bất giác phải nhìn ra những đốm râm của những cây cọ xơ xác hai bên đường.
Hắn bước mải miết đến nỗi lúc đi ngang quán "Triều kiến vua Pháp" cũng không thèm để ý đến tiếng mời chào rủ rê hắn vào làm vài chén với đám cướp biển ồn ào vui nhộn ăn mặc đủ kiểu hổ lốn quái đản. Công việc buộc hắn mới sớm sủa thế này đã đến quấy rầy ngài d'Ogeron, đức ông thống đốc đáng kính và nhã nhặn của Tortuga, người đại diện cho Công ty Tây Ấn của Pháp, có nghĩa là đại diện cho chính nước Pháp, dùng uy phong của một quan lớn mà làm những trò mập mờ nhưng chắc chắn là có lãi cho Công ty.
Trong tòa nhà đẹp đẽ bằng đá trắng với những cửa sổ xanh, êm đềm náu mình giữa lùm hồ tiêu và những bụi cây thơm ngát, ngài thống đốc - một người Pháp gầy gò ăn mặc đỏm dáng đem dư vị hào hoa phong nhã của điện Versailles đến cái xứ sở hoang dã này - đã đón tiếp Easterling một cách xã giao lịch sự.
Vừa từ ngoài đường chói chang vôi trắng bước vào gian phòng rộng mát mẻ chỉ có những khe cửa chớp để ánh sáng lọt vào, thuyền trưởng Easterling thấy như chui vào một cái hũ kín và mãi một lúc sau mắt hắn mới dần dần quen với bóng tối trong phòng. Quan thống đốc mời hắn ngồi và tiếp chuyện hắn.
Về khoản ca cao thì không có gì khó khăn cả. Ngài d'Ogeron không mảy may quan tâm món hàng ấy ở đâu ra. Tuy nhiên trong vấn đề này ngài không hề có một tí ảo tưởng nào, cứ xem cái giá mà ngài trả cho món hàng thì đủ biết. Ngài chỉ trả chừng nửa giá thị trường. Thống đốc d'Ogeron chăm sóc quyền lợi của Công ty Tây Ấn thuộc Pháp hết lòng.
Easterling còn cố kèo nèo thêm nhưng không được gì, hắn cò kè một lúc rồi cũng đành ưng thuận và chuyển sang vấn đề chính. Hắn nói ý định muốn mua con tàu Tây Ban Nha đang thả neo ngoài bến và hỏi ngài d'Ogeron có chịu thay mặt hắn đến gặp toán tù trốn đang làm chủ con tàu giúp hắn được không.
Ngài d'Ogeron không trả lời ngay.
- Nhưng nhỡ người ta lại không muốn bán thì sao? - ngẫm nghĩ một lát ngài nói.
- Không muốn bán? Lạy Chúa lòng lành, bọn khố rách áo ôm khốn khổ ấy thì cần con tàu làm gì mới được chứ?
- Tôi chỉ muốn nói rằng có khả năng như thế thôi, - d'Ogeron đáp. - Mời ông tối nay đến đây tôi sẽ trả lời về vấn đề này.
Đúng hẹn, thuyền trưởng Easterling lại đến và thấy d'Ogeron đang có khách. Lúc ngài thống đốc đứng dậy đón hắn, một người đàn ông cao dong dỏng khoảng ngoài ba mươi cũng đứng dậy theo.
Cặp mắt xanh của người ấy trông rắn rỏi và sắc sảo trên khuôn mặt nhẵn nhụi rám nắng kiểu dân Bohemian như thu hồn người ta. Nếu trang phục và cử chỉ của ngài d'Ogeron buộc ta nhớ đến điện Versailles thì ông khách của ngài lại nhắc nhở người ta đến Alameda[3]. Người này vận bộ đồ đen sang trọng may theo kiểu Tây Ban Nha, tay áo và cổ áo đính đăng-ten xếp nếp lồng bồng, mái tóc giả đen nhánh loăn xoăn buông xuống vai.
Ngài d'Ogeron giới thiệu khách:
- Ông Thuyền trưởng, đây là ông Peter Blood, ông ta sẽ đích thân trả lời câu hỏi của ông.
Easterling cứ đứng ngây ra, vẻ ngoài của người này chẳng giống chút nào với cái mà hắn đã hình dung trong đầu. Tên thuyền trưởng đã chắc mẩm rằng bộ y phục Tây Ban Nha sang trọng kia hẳn là cướp được của viên cựu thuyền trưởng "Cinco Llagas", nhưng anh chàng tù trốn khác thường kia đã chào hắn bằng vẻ hào hoa của một quý tộc cung đình. Tuy nhiên thuyền trưởng Easterling còn nhớ đôi điều về người này.
- A ha! Phải rồi, anh bạn là thầy thuốc mà! - hắn phá lên cười, chẳng ăn nhập vào đâu cả.
Peter Blood lên tiếng. Giọng chàng rất hay, ít nhiều chất thép đã làm dịu bớt thổ âm Ai-len của chàng. Thế nhưng lời chàng nói ra chỉ làm thuyền trưởng Easterling bực mình - té ra là ông Blood không có ý định bán tàu "Cinco Llagas".
Tên cướp biển đến đứng trước mặt anh chàng Peter Blood phong nhã với điệu bộ hăm dọa, ngang tàng, hung hăng, trong chiếc áo vải thô và chiếc quần da, đầu buộc một chiếc khăn hoa vàng đỏ trên mái tóc húi ngắn. Hắn cao giọng đòi Blood giải thích: vì lẽ gì lại muốn giữ lại con tàu mà cả chàng lẫn những tên tù trốn đồng lõa của chàng đã chẳng cần đến nữa.
Câu trả lời của Peter Blood rất lịch sự và nhỏ nhẹ, vì thế chỉ càng làm Easterling thêm khinh thị chàng. Ông Blood đoán rằng thuyền trưởng Easterling đã nghĩ lầm. Rất có thể những tù nhân từ Barbados đến muốn chiếc tàu này để trở về Châu Âu, về Pháp hay Hà Lan chẳng hạn.
- Có lẽ chúng tôi không giống những người mà ngài đã nghĩ đâu, thưa ông thuyền trưởng. Trong chúng tôi có một người là tay lái tàu từng trải và người khác đã từng phục vụ ở các cương vị khác nhau trong Hải quân Hoàng gia Anh quốc.
- Ghê nhỉ! - Easterling hét tướng lên, biểu thị sự khinh miệt cùng cực của hắn. - Thế nào, anh điên à? Đi biển đâu phải là chuyện đùa, hở anh. Thế ngộ nhỡ người ta tóm được các anh thì sao? Dám thế lắm chứ! Anh bạn sẽ làm gì lúc đó với cái mớ tép con ấy? Anh bạn đã nghĩ đến chuyện này chưa?
Nhưng Peter Blood vẫn phớt tỉnh như không.
- Chúng tôi có ít người thật, nhưng khá nhiều pháo và vô số đạn hạng nặng. Đưa tàu vượt đại dương có lẽ tôi không đủ tài, nhưng nhỡ có phải đánh nhau thì tôi thừa sức chỉ huy con tàu chiến đấu. Tôi đã được chính De Ruyter truyền nghề cho đấy.
Cái tên tuổi lừng lẫy đó đã xóa đi nụ cười ngạo nghễ trên mặt Easterling trong chốc lát.
- Ruyter?
- Phải, cách đây mấy năm tôi đã từng phục vụ dưới quyền ông ấy.
Mặt Easterling thộn ra.
- Thế mà tôi tưởng anh là thầy thuốc trên tàu.
- Tôi cũng đồng thời là thầy thuốc, - chàng Ai-len điềm nhiên khẳng định.
Tên cướp biển liền bày tỏ sự sửng sốt của mình bằng mấy câu cảm thán chen đầy những lời thô tục. Nhưng đến đó thì thống đốc d'Ogeron thấy đã nên kết thúc cuộc tiếp kiến.
- Ông thấy đấy, mọi việc đã rõ cả rồi, thưa thuyền trưởng Easterling, không còn gì để nói nữa.
Xem ra mọi việc đã rõ cả rồi nên thuyền trưởng Easterling đành phải cáo từ. Nhưng trên đường trở ra kè hắn cáu kỉnh bước, mồm làu bàu chửi rủa, hắn nghĩ rằng nếu quả thật không còn chuyện gì để nói thì vẫn còn có cái để làm. Đã nghĩ là con tàu "Cinco Llagas" oai phong sẽ là của mình còn lâu hắn mới chịu tha không chiếm nó.
Còn về phần mình, thống đốc d'Ogeron chắc hẳn cảm thấy còn có thể nói thêm vài lời và ngài đã làm như vậy khi Easterling vừa khuất sau cánh cửa.
- Easterling là một tên đê tiện và rất nguy hiểm, - ngài nói. - Tôi khuyên ông nên lưu ý, ông Blood.
Nhưng Peter Blood lại khá thờ ơ với lời báo trước đó.
- Ngài không hề làm tôi ngạc nhiên đâu, thưa ngài. Dù tôi không biết hắn là cướp biển đi nữa thì chỉ cần nhìn qua cũng rõ hắn là tên khốn kiếp rồi.
Một chút bực mình thoáng qua trên những đường nét thanh thoát của ngài thống đốc Tortuga.
- Ồ monsieur Blood, flibustier không nhất thiết phải là một tên khốn kiếp, có lẽ ông không nên coi thường nghề flibustier mới phải. Trong số họ có không ít người đã lập nên công trạng hiển hách cho cả nước ông lẫn nước tôi, ngăn chặn được lòng tham của nước Tây Ban Nha hung bạo. Mà nói cho cùng thì chính sự tham tàn kia đã sinh ra họ. Giá không có dân flibustier thì Tây Ban Nha đã hoàn toàn là bá chủ và tha hồ làm mưa làm gió ở những vùng biển mà cả Pháp lẫn Anh đều không thể duy trì hạm đội của mình được. Xin đừng quên rằng đất nước ông đã đánh giá cao công lao của Henry Morgan, ban cho ông ta danh hiệu hiệp sĩ và tấn phong ông ta làm thống đốc Jamaica. Mà ông ta lại là cướp biển còn đáng gờm hơn cả ngài Drake[4] hay Hawkins, hay Frobisher hay tất cả những cướp biển khác mà đất nước ông đến ngày nay vẫn còn nhớ rõ kia.
Tiếp theo, thống đốc d'Ogeron, người đã có những món thu nhập đáng kể dưới hình thức thuế cảng đánh vào những báu vật cướp được đưa về Tortuga, bằng những lời lẽ cực kỳ trang trọng đã khuyên Blood theo gương những bậc tiền bối anh hùng đã nói trên. Peter Blood, một kẻ lang thang không nhà bị đặt ngoài vòng pháp luật, thế mà lại có một con tàu tuyệt hảo và một thủy thủ đoàn tuy ít ỏi nhưng hết sức thành thạo nên ngài d'Ogeron không chút nghi ngờ rằng với những tài năng có một không hai của mình Blood sẽ lập nên những kỳ tích nếu chàng chịu gia nhập giới "Hải hồ huynh đệ".
Bản thân Peter Blood cũng không mảy may nghi ngờ điều đó, tuy vậy chàng không muốn ngả theo chiều hướng này. Và có lẽ không bao giờ chàng nghĩ đến chuyện ấy dù số đông những người theo chàng có xúi giục thế nào đi nữa, nếu không có những sự kiện xảy ra sau đó.
Trong số những người theo chàng hăng hái nhất là Pitt, Hagthorpe và lão hộ pháp Wolverstone, người đã mất một mắt trong trận đánh ở Sedgemoor. Họ bảo Blood có mơ trở về châu Âu cũng dễ thôi. Chàng đã sẵn nghề thầy thuốc nhàn nhã, thể nào cũng kiếm sống dễ chịu ở Pháp hay Hà Lan. Nhưng còn họ là thủy thủ, ngoài đi biển ra chẳng còn biết gì khác. Rồi cả Dyke, người trước khi lao đầu vào chính trị và theo quân khởi loạn đã từng là hạ sĩ quan trong hải quân, cũng có ý kiến gần giống như họ, còn Ogle, tay pháo thủ, thì đòi quỷ thần hoặc chính Blood nói thử anh ta nghe xem trong Bộ Hải quân Hoàng gia có thằng ngốc nào lại chịu giao một khẩu pháo cho một kẻ đã từng chiến đấu dưới cờ của Monmouth không.
Thấy rõ là Peter Blood chỉ còn mỗi một cách: chia tay với những con người đã từng chia sẻ cùng chàng những hiểm nguy và tai ách kia. Chính vào thời điểm nút ấy số phận trớ trêu đã đặt thuyền trưởng Easterling đứng ngáng đường Peter Blood.
Ba hôm sau cuộc sơ ngộ với Blood trong dinh thống đốc, sáng sớm thuyền trưởng Easterling chèo một chiếc xuồng nhỏ sang "Cinco Llagas" và leo lên tàu. Hắn hùng hổ bước trên boong, cặp mắt sành sỏi soi mói khắp các ngóc ngách. Hắn nhận thấy "Cinco Llagas" không chỉ là một con tàu chắc chắn mà còn được trông nom hết sức chu đáo. Các boong trên dưới đều kín, buồm dây được bảo quản không chê vào đâu được, mọi thứ đều được xếp đặt rất trật tự đúng chỗ. Súng trường dựng ở các giá súng bên cột buồm giữa, toàn bộ những phần bọc đồng và các cửa mạn đều sáng bóng dưới nắng, óng ánh sắc vàng. Xem ra cái đám tù trốn mà Blood đã thu nhập làm thủy thủ đoàn này cũng không phải là đồ bỏ đi.
Còn kia là Peter Blood, mặc tuyền đồ đen diềm ngân tuyến hệt như một ông lớn Tây Ban Nha.
Chàng bỏ chiếc mũ đen gắn lông đà điểu đỏ thẫm và cúi chào thật thấp, những búp tóc giả đen nhánh đung đưa qua lại gần như che kín mặt chàng. Đứng bên cạnh chàng là Nathaniel Hagthorpe, một trang nam nhi khôi ngô tuấn tú trạc tuổi Blood, mặt mày nhẵn nhụi, cái nhìn điềm tĩnh của người có giáo dục. Sau chàng còn ba người nữa: Jeremy Pitt, chàng hoa tiêu tóc vàng trẻ tuổi xứ Somersetshire; gã lực sĩ thấp lùn Nicholas Dyke, hạ sĩ quan hải quân, đã từng phục vụ vua James khi hắn mới là quận công xứ York; thứ ba là lão hộ pháp Wolverstone.
Trông các vị này chẳng có vẻ gì là bọn khố rách áo ôm mà Easterling đã tưởng tượng trong đầu. Ngay cả lão Wolverstone dềnh dàng cũng phủ lên những bắp thịt rắn chắc của mình lớp kim tuyến Tây Ban Nha cho thêm phần long trọng.
Giới thiệu họ với khách xong, Peter Blood mời tên thống đốc của "Bonaventura" vào buồng thống đốc rộng rãi và bày biện sang trọng vượt xa mọi thứ mà Easterling đã từng trông thấy trên các tàu.
Người hầu da đen - một gã trai vừa lấy ở Tortuga lên làm trên tàu - mặc áo trắng, bưng lên ngoài những thứ thông thường như rượu rum, đường và chanh tươi còn một chai vang xứ Canari vàng óng lấy từ hầm rượu của tàu và Peter Blood vui vẻ mời vị khách không mời nếm thử.
Nhớ lời dặn của thống đốc d'Ogeron, Peter Blood thấy tốt hơn cả là nên tiếp ông khách đáng gờm này một cách thật lễ độ, và cũng tính rằng Easterling khi cảm thấy tự nhiên có lẽ sẽ để lộ ra những ý đồ gian trá của hắn.
Ngả mình trong chiếc ghế bành mềm mại trước cái bàn gỗ sồi đen bóng, Easterling uống thả cửa thứ rượu vang Canari và luôn mồm khen ngon. Sau đó hắn chuyển sang chuyện công việc, hỏi Peter Blood xem chàng có nghĩ lại mà thay đổi quyết định chịu bán con tàu cho hắn không.
- Nếu anh chịu bán, - hắn đưa mắt nhìn thoáng qua bốn người bạn của Blood và nói thêm, - tôi sẽ không keo kiệt đâu, bởi lẽ anh còn phải chia cho mọi người kia mà.
Nếu thuyền trưởng Easterling định dùng cách ấy để gây ấn tượng cho những người đối thoại thì phải nói rằng vẻ mặt tỉnh khô của họ đã phần nào làm hắn thất vọng.
Peter Blood lắc đầu.
- Ông chỉ mất công vô ích thôi, thuyền trưởng. Dù chúng tôi có quyết định thế nào thì chúng tôi vẫn giữ "Cinco Llagas".
- Dù các anh có quyết định thế nào à? - Cặp lông mày sâu róm đen sì trên cái trán thấp tịt của Easterling sửng sốt nhướn lên. - Vậy là các anh vẫn chưa quyết định trở về châu Âu? Thế thì để tôi vào việc luôn. Một khi các anh không muốn bán con tàu tôi xin đưa ra cho các anh một đề nghị khác. Chúng ta sẽ chung lưng với nhau làm một việc, đỡ phải ngồi không vô tích sự. - Đoạn, khoái chí với câu khôi hài của mình, Easterling cười hô hố, phô ra hàm răng trắng ở giữa chòm râu đen rối tung.
- Cám ơn ông đã có lòng hạ cố, song chúng tôi không định đi ăn cướp đâu.
Easterling không cáu, mặt vẫn trơ như đá. Hắn chỉ đưa bàn tay to tướng vung vẩy như muốn xóa đi lời nhận xét không hay.
- Nào tôi có rủ rê các anh đi ăn cướp đâu!
- Vậy ông đề nghị gì?
- Tôi có thể cởi mở với các anh được không? - Hắn hỏi, mắt lại lướt qua tất cả những bộ mặt.
- Tùy ông, có điều tôi e rằng dù thế nào ông cũng chỉ phí thời gian vô ích thôi.
Nói như vậy rõ ràng khó mà hy vọng gì được. Tuy nhiên Easterling vẫn vào việc.
Họ có biết rằng trước đây hắn đã từng đi biển với Morgan không? Hắn đã cùng Morgan đi suốt qua eo đất Panama và ai cũng biết rằng khi đem món của cải cướp được của một thành phố Tây Ban Nha ra chia thì bọn cướp biển mới ngã ngửa ra, thấy ít hơn nhiều so với chúng tưởng. Nghe đồn rằng Morgan chia gian, rằng hắn đã giấu bớt một phần lớn các báu vật cướp được. Bọn cướp nói vậy không phải không có nguyên cớ. Chính Easterling đây dám cam đoan thế. Sự thực Morgan đã lén giấu đi một lượng ngọc trai và đá quý rất lớn lấy được ở San Felipe. Nhưng khi tin đồn đại loang ra thì hắn lại run. Hắn sợ bọn lâu la mà moi được chỗ châu báu hắn giấu thì hắn đi đứt. Thế rồi một đêm khi đi qua eo Panama hắn đã đem chỗ của cải ăn gian của đồng bọn chôn ở đâu đó trên bờ.
Trên đời này chỉ có mỗi một người biết chuyện đó thôi, thuyền trưởng Easterling cao giọng tuyên bố với những người đang chăm chú lắng nghe (một tin như vậy thì ai mà chả chăm chú). Đó là kẻ đã giúp Morgan chôn của, chứ một mình thì còn xơi mới xoay sở được với đống châu báu ấy. Vậy thì người duy nhất nọ chính là tôi đây. Easterling dừng lại để cái tin chấn động ấy ngấm sâu vào đầu người nghe rồi mới nói tiếp.
Hắn đề nghị toán tù trốn cùng hắn làm một chuyến viễn du trên chiếc "Cinco Llagas" để lấy số châu báu rồi sau đó sẽ chia nhau theo luật lệ của giới "Hải hồ huynh đệ".
Số của cải Morgan chôn giấu ít nhất cũng phải đến bốn triệu real[5].
Số tiền như vậy đã khiến tất cả phải trố mắt kinh ngạc kể cả thuyền trưởng Blood. Thực ra Blood ngạc nhiên vì nguyên nhân khác.
- Kể cũng lạ thật đấy. - Chàng trầm ngâm thốt lên.
- Ông bảo cái gì lạ ông Blood?
Thuyền trưởng Blood đáp lại bằng một câu hỏi:
- Trên tàu "Bonaventura" của ông có bao nhiêu người?
- Quãng hai trăm.
- Thế mà hai chục người của tôi lại có thể khiến ông quan tâm đến mức ông phải đánh tiếng mời tôi cộng tác ư?
Easterling cười hềnh hệch vào mặt chàng.
- Xem ra anh chưa hiểu gì cả. Tôi không cần người, tôi cần một con tàu chắc chắn để cất giữ số của cải kia cho thật an toàn. Trong hầm một con tàu như của các anh phải nói là vững như thành, tha hồ yên tâm. Lúc ấy tôi chấp hết cả lũ tàu galleon của bọn Tây Ban Nha đấy. Chúng biết mặt tôi ngay.
- Mẹ khỉ, bây giờ thì rõ cả rồi. - Wolverstone thốt lên. Pitt, Dyke và Hagthorpe cũng gật gù tán đồng.
Nhưng cặp mắt xanh lạnh lẽo của Peter Blood vẫn nhìn tên cướp biển phục phịch không chớp và vẻ mặt chàng vẫn không hề thay đổi.
- Rõ cả rồi, Wolverstone nói đúng đấy. Nhưng nếu đem chia đều ra thì phần của "Cinco Llagas" chỉ bằng một phần mười số của cải kiếm được. Như vậy chúng tôi không chịu đâu.
Easterling phồng mang trợn mắt, vung nắm tay to tướng của mình lên.
- Thế anh đòi bao nhiêu?
- Cái đó chúng tôi phải bàn đã. Nhưng ít nhất cũng không được dưới một phần năm.
Mặt tên cướp biển ngay đuỗn ra. Hắn lặng ngắt cúi cái đầu quấn khăn sặc sỡ xuống. Một lúc sau hắn nói:
- Sáng mai anh đem hết các anh bạn đây sang tàu "Bonaventura", ta nhậu nhẹt với nhau một trận rồi làm giao kèo.
Peter Blood dường như phân vân một lát. Sau đó chàng nhận lời, lễ phép cám ơn hắn. Nhưng khi tên cướp biển đã đi khỏi, chàng vội vàng ngăn bầu máu nóng của các bạn lại.
- Tôi đã được bảo trước rằng Easterling là một tên nguy hiểm. Tôi nghĩ người ta chỉ tâng bốc hắn đấy thôi. Một người nguy hiểm nhất định phải có đầu óc, nhưng tay thuyền trưởng Easterling này thì không có.
- Tôi thấy cậu có vẻ chủ quan, Peter, - Wolverstone nhận xét.
- Chẳng qua tôi chỉ đoán xem việc gì hắn lại phải gọi mình hợp tác và ngẫm nghĩ lời giải thích của hắn thôi. Chắc là hắn không nghĩ ra được cái gì hay hơn khi bị hỏi vỗ mặt đấy.
- Chuyện đó đơn giản thôi. - Hagthorpe nóng nảy xen vào. Anh ta cảm thấy Peter Blood cố tình bới chuyện.
- Đơn giản thôi! - Blood bật cười. - Thậm chí còn quá đơn giản nữa là khác. Quá đơn giản, quá rõ ràng chỉ cần ta chịu nghĩ kỹ một chút. Phải, thoạt nhìn thì quả là hắn đã đưa ra một đề nghị hấp dẫn nữa. Nhưng không phải trông ngon ăn là đã ăn ngay được. Một con tàu chắc chắn như một pháo đài chứa bốn triệu real châu báu. Thế mà chúng ta lại là chủ của con tàu đó! Cái tay Easterling này đến là cả tin, một tên bịp bợm mà cả tin như hắn trên đời chỉ có một.
Các trợ thủ của Blood ngẫm nghĩ và đã thấy ngờ ngợ. Nhưng Pitt lại nói:
- Hắn không còn cách nào khác. Hắn tin rằng chúng ta thật thà, không bao giờ lại lừa hắn.
Peter Blood giễu cợt nhìn anh chàng:
- Tôi không nghĩ rằng một đứa có cặp mắt gian như Easterling lại có thể tin vào một cái gì ngoài chuyện cướp giật. Nếu quả thực hắn muốn dùng con tàu của chúng ta để chứa châu báu (chỗ này tôi cho rằng hắn không nói dối) thì có nghĩa là hắn định chiếm con tàu luôn. Hắn mà chịu tin bọn mình ngay đấy, tưởng bở! Một đứa không còn biết tử tế là gì như hắn mà lại chịu tin rằng vào một đêm nào đó bọn mình không lẻn ra đi cuỗm luôn kho châu báu của hắn và cho vài phát pháo chìm béng chiếc tàu nát của hắn được ư? Cậu ngớ ngẩn lắm, Jeremy.
Lại đến lượt Hagthorpe có chỗ chưa rõ.
- Thôi được, thế nó dây dưa với mình làm gì?
- Thì hắn chẳng nói rồi là gì. Hắn cần con tàu của chúng ta! Hoặc là để chở món của cải - nếu quả thực có đống của ấy - hoặc để làm gì đó. Chả phải đầu tiên hắn đã định mua con tàu của chúng ta đấy ư? Phải, hắn cần con tàu, điều đó đã rõ như ban ngày. Nhưng chúng ta thì hắn không cần và hắn cố gắng thanh toán chúng ta càng sớm càng tốt, cái đó các bạn khỏi phải nghi ngờ nữa.
Tuy nhiên triển vọng được chia chác kho báu của Morgan quá ư hấp dẫn, Peter Blood nhận thấy thế, nên các bạn chàng không muốn gạt bỏ đề nghị của Easterling. Bị lôi cuốn bởi mục đích của mình, người ta thường sẵn sàng đánh liều, sẵn sàng tin vào chuyện may rủi. Cả Hagthorpe, Pitt lẫn Dyke, đúng là thế. Họ cho rằng Blood quá thành kiến, rằng thống đốc d'Ogeron nói xấu Easterling với chàng để nhằm mục đích gì đó cho mình. Gì thì gì, ăn với Easterling một bữa để nghe xem hắn đưa ra điều kiện gì thì đã làm sao nào?
- Thế các anh có chắc là hắn không phục thuốc độc không? - Blood hỏi.
- Chà, làm gì mà đa nghi quá thế? - Các bạn chàng bèn cười chàng một trận. - Làm sao Easterling lại đầu độc mình được, hắn cùng cùng ăn cùng uống với mình kia mà! Với lại hắn làm thế thì được gì? Hắn có nhờ đó mà chiếm được tàu "Cinco Llagas" của mình đâu chứ?
- Được quá đi chứ? Hắn kéo bọn cường đạo lên đánh úp anh em mình, không có chỉ huy, anh em khác gì rắn mất đầu.
- Sao? - Hagthorpe gào lên. - Ở Tortuga này à? Trong cái sào huyệt cướp biển này ấy à? Thôi đi, Peter! Tôi nghĩ ngay cả bọn cướp biển cũng có khái niệm về tín nghĩa chứ!
- Tất nhiên cậu nghe sao tùy cậu. Tôi thì tôi nghĩ khác. Có lẽ không ai coi tôi là thằng yếu bóng vía, song tôi muốn ngăn các anh chớ nên nông nổi thôi.
Tuy vậy số đông không đồng tình với chàng.
Cả đội tàu đều nóng lòng muốn tham gia cuộc viễn chinh khi vừa được nghe truyền đạt lại lời đề nghị của bọn cướp biển.
Hôm sau, khi đồng hồ vừa điểm tám tiếng, thuyền trưởng Blood đã cùng Hagthorpe, Pitt và Dyke bước lên boong tàu "Bonaventura" ngập ngừng nửa muốn nửa không. Wolverstone phải ở nhà để giữ tàu "Cinco Llagas". Easterling với bọn đầu trâu mặt ngựa xúm xít xung quanh ồn ào chào khách. Toàn bộ đội tàu của hắn đều có mặt. Hơn trăm rưởi tên cướp biển vật vờ ở khắp mặt boong - boong giữa, boong lái và boong mũi - đứa nào đứa nấy đều vũ khí giắt lưng.
Peter Blood không cần lưu ý các bạn đồng hành về chi tiết khác thường ấy: việc gì bọn cướp lại phải túm tụm cả trên tàu thay vì thả rông lên bờ mà vui vẻ với nhau trong các quán rượu? Cả ba người bạn của Blood cũng đã thầm nhận ra điều đáng ngờ đó.
Những nụ cười đểu cáng của bọn cướp không qua được mắt họ và mỗi người đã thoáng nghĩ trong đầu rằng rốt cuộc có lẽ những nghi ngại của Peter Blood có lý và không biết có phải họ đã bị sa bẫy rồi không?
Nhưng nghĩ chuyện rút lui lúc này đã muộn mất rồi. Easterling đứng đón khách trên boong giữa, bên cạnh cầu thang xuống buồng tàu.
Peter Blood hơi chậm bước một chút và ngẩng lên nhìn bầu trời trong xanh, nhìn những đỉnh cột buồm với những con hải âu bay lượn. Sau đó chàng đưa mắt nhìn tòa pháo đài xám xịt đứng sừng sững trong ánh nắng chói chang trên mỏm núi, nhìn dải kè bến lúc ấy vắng hoe, rồi cuối cùng chàng nhìn con tàu đỏ thắm, hùng dũng và uy nghi soi bóng xuống mặt vịnh phẳng như gương. Các bạn chàng những tưởng chàng đang tìm xem lúc nguy ngập có thể trông chờ sự cứu viện từ phía nào... Sau đó, theo lời mời của Easterling, Peter Blood bước xuống cầu thang nhập nhoạng và các bạn chàng cũng xuống theo.
Gian buồng nào cũng bừa bộn bẩn thỉu giống hệt con tàu, không thể sánh với buồng thuyền trưởng của tàu "Cinco Llagas"được. Trần buồng thấp lè tè, đến nỗi cao như Blood và Hagthorpe thì gần như chạm đầu.
Cách bày biện trong tàu cũng tàn tạ chẳng kém. Vài cái rương chất gối đặt xung quanh một cái bàn mộc toàn vết dao băm đã lâu không lau rửa. Tuy cửa sổ ăn ra đằng lái đã mở toang nhưng không khí trong buồng vẫn hôi hám và khó thở toàn mùi dây nhợ và nước tù dưới hầm tàu.
Bữa ăn cũng chẳng khá hơn. Thịt rán cháy cứng như đá, rau nấu nhũn nhùn, thành thử cái dạ dày tinh tế của Blood khó dung được cái món phải nhắm mắt mới nuốt được ấy.
Đám bạn nhậu Easterling mời cũng thật là hợp cảnh hợp tình. Khoảng nửa toán đầu trâu mặt ngựa tập hợp thành đội danh dự của hắn. Easterling bảo rằng đội tàu tín nhiệm chọn bọn này để soạn thảo và ký kết giao kèo thay mặt cho tất cả. Ngoài ra lại còn một nhân vật nữa - một gã người Pháp còn trẻ tên là Joinville, thư ký của thống đốc d'Ogeron, hình như được ngài cử đến để hợp pháp hóa giao kèo. Nếu như sự có mặt của cái gã ấm ớ có đôi mắt trống rỗng kia là nhằm xoa dịu phần nào sự lo ngại của Blood thì phải nói rằng nó chỉ càng làm chàng đề phòng hơn mà thôi.
Gian buồng bé xíu chật như nêm. Đội cận vệ của Easterling được bố trí xen kẽ với người của Blood, chia cắt các ông khách từ "Cinco Llagas" sang. Peter Blood và thuyền trưởng tàu "Bonaventura" ngồi ở hai đầu bàn.
Vừa ăn xong, gã hầu bàn da đen lui ra và mọi người vào việc ngay. Lúc đang ăn bọn cướp biển vui đùa thoải mái, ném ra những câu đùa chối tai mà có lẽ chúng tưởng là thâm thúy lắm. Cuối cùng trên bàn không còn gì khác ngoài mấy chai rượu, lọ mực, bút lông và hai tờ giấy - một tờ để trước mặt Easterling, tờ kia trước mặt Blood, - rồi tên thuyền trưởng "Bonaventura" bắt đầu trình bày các điều kiện hợp đồng, lần đầu tiên hắn cho phép gọi ông khách cũng là thuyền trưởng. Không dài dòng văn tự, hắn thông báo ngay cho Blood biết rằng số một phần năm mà chàng đòi, đội tàu “Bonaventura” cho là quá đáng.
Peter Blood hoạt bát hẳn.
- Thế thì ông làm dứt điểm luôn cho xong nhé, thuyền trưởng. Hình như ông muốn nói rằng đội tàu của ông không đồng ý với những điều kiện tôi đưa ra thì phải?
- Chứ còn hiểu thế nào được nữa?
- Nếu vậy, thưa thuyền trưởng, chúng tôi xin phép được cám ơn các ông đã đón tiếp, cam đoan với ông rằng chúng tôi rất trân trọng sự quen biết thú vị với các ông, nó đã mở mắt cho chúng tôi rất nhiều. Bây giờ thì chúng tôi xin cáo từ các ông vậy.
Tuy nhiên cái lịch thiệp hào hoa của tất cả những lời cực kỳ khách sáo ấy không hề có tác dụng gì làm thay đổi tên Easterling mặt dày mày dạn. Hắn quay bộ mặt đỏ bầm về phía Blood, ngạo ngược chĩa cặp mắt gian giảo của mình vào chàng rồi vừa lau mồ hôi vừa hỏi lại:
- Cáo từ à? - Cái giọng khàn đặc của hắn nghe có vẻ chế nhạo - Tôi muốn anh nói rõ hơn một tí xem. Tôi thích những người thẳng thắn, có gì cứ nói toạc móng heo ra. Thế nào, anh định bảo rằng anh không chịu làm ăn với chúng tôi chăng?
Lập tức hai ba tên tay chân liền lặp lại câu hỏi của chủ tướng, nghe cứ ầm ầm như sấm vọng.
Thuyền trưởng Blood - giờ thì ta sẽ gọi chàng với đầy đủ tước vị mà Easterling mới phong cho chàng - dường như có phần bối rối trước bước ngoặt của sự việc. Như thể ngỡ ngàng, chàng đưa mắt nhìn các bạn, tuồng như đang chờ họ mách nước cho, nhưng họ cũng chỉ biết trố mắt nhìn chàng mà thôi.
- Nếu các ông thấy điều kiện của chúng tôi là không thể chấp nhận được - cuối cùng chàng lên tiếng, - tôi thiết tưởng các ông không muốn thảo luận vấn đề này nữa và chúng tôi không còn cách nào khác, đành phải chia tay các ông thôi.
Vẻ lúng túng trong giọng nói của Peter Blood đã khiến các bạn chàng sửng sốt - xưa nay họ chưa thấy thuyền trưởng của mình run sợ trước bất kỳ hiểm họa nào bao giờ. Còn với Easterling thì câu nói của chàng đã làm hắn tủm tỉm khinh miệt, hắn thừa hiểu cái tay lang băm số trời run rủi phải dấn thân đi tìm vận may này rồi.
- Này, anh lang, - hắn nói, - tốt hơn hết là anh nên trở về với những chai lọ của anh đi, tàu bè thì để đấy cho ai biết hẵng dùng.
 Trong đôi mắt xanh lạnh lùng chợt lóe lên ánh chớp rồi tắt ngay. Song bộ mặt rám nắng của Blood vẫn giữ nguyên vẻ lúng túng. Bấy giờ Easterling lại quay sang viên thư ký của ngài thống đốc ngồi bên tay phải hắn.
- Còn Me-xừ Joinville thì nói thế nào?
Anh chàng người Pháp tóc trắng ẻo lả nhìn Peter Blood mỉm cười hạ cố.
- Thuyền trưởng Blood, ông có nghĩ ông chấp nhận điều kiện mà thuyền trưởng Easterling đưa ra là thức thời và khôn ngoan hay không?
- Tôi đã nghe các điều kiện ấy rồi, nhưng nếu…
- Không nhưng gì hết, anh đốc, - Easterling thô lỗ ngắt lời chàng. - Điều kiện của tôi như hôm nọ tôi nói rồi đấy. Mọi thứ sẽ được chia đều cho tất cả mọi người của anh lẫn của tôi.
- Nhưng nếu vậy thì "Cinco Llagas" chỉ được chưa đến một phần mười.
Bây giờ cả Blood cũng quay sang Joinville.
- Thưa ông, ông thấy như vậy có hợp lý hay không? Tôi đã giải thích cho thuyền trưởng Easterling biết rằng tuy chúng tôi ít người hơn nhưng tàu chúng tôi nhiều pháo hơn, mà tay pháo thủ của chúng tôi thì, dám thề với ông đấy, đó là tay pháo thủ cự phách nhất xưa nay ở vùng biển Caribe này. Hắn tên là Ogle. Ned Ogle. Hắn là tay pháo thủ có một không hai đấy. Thật không phải là pháo thủ nữa, đúng thiên lôi chứ chẳng sai. Giá ông được trông thấy hắn đánh đắm tàu bè bọn Tây Ban Nha ở Bridgetown nhỉ!...
Xem ra chàng còn có thể ba hoa nhiều về tài nghệ của anh chàng pháo thủ Ned Ogle nữa nếu như Easterling không ngắt lời chàng.
- Quỉ tha ma bắt anh đi, anh bạn! Thằng cha pháo thủ ấy thì liên quan gì vào đây? Tưởng là ghê lắm đấy!
- Phải, giá hắn là pháo thủ bình thường như người ta thì đã một nhẽ. Đằng này hắn lại là pháo thủ tài ba, thiện xạ, bách phát bách trúng đấy. Pháo thủ mà được như Ned Ogle thật sánh ngang với thi nhân. Thi nhân sinh ra đã là thi nhân, pháo thủ sinh ra đã là pháo thủ. Cái tay Ned Ogle ấy hắn bắn chìm tàu người ta cứ như thò tay vào túi lấy vật gì ấy thôi.
Easterling cáu tiết đấm xuống mặt bàn.
- Cái thằng pháo thủ của anh thì dính dáng gì vào đây?
- Biết đâu hắn lại dính cũng nên. Nói thế chẳng qua tôi muốn lưu ý ông rằng được một đồng minh như chúng tôi thì đáng giá như thế nào thôi.
Đoạn Blood lại hết lời ca tụng tay pháo thủ của mình.
- Chả là cái cậu Ned Ogle ấy đã từng phục vụ trong Hải quân Hoàng gia. Cái ngày mà cậu ta điên khùng đi dây vào chính trị quả thực là một ngày xui xẻo cho hạm đội của nhà vua…
- Này, quẳng mẹ cái thằng Ogle của anh đi, - một gã đầu bò to vâm trong đám sĩ quan tàu "Bonaventura" tên là Chard gầm lên, - cứ ba hoa xích đế thế này có mà hết ngày.
Easterling văng một câu chửi để tỏ ý khích lệ thằng tay chân.
Peter Blood nhận thấy rằng bọn cướp biển không đứa nào thèm giấu giếm ác cảm của mình và từ giờ phút này chàng đã hiểu rõ thái độ chúng, hiểu rõ chúng muốn gì.
Tới đó thì Joinville xen vào.
- Thuyền trưởng Easterling, có lẽ ông cũng nên nhượng bộ một tí chăng? Nói cho cùng thì lý lẽ của thuyền trưởng Blood cũng có mặt đúng. Ông ta có thể mộ một thủy thủ đoàn đủ trăm người và như vậy sẽ được chia một phần lớn hơn nhiều cơ mà.
- Phải, cứ lấy thêm người đi rồi hãy hay. - Tên kia gằn giọng đáp.
- Không cần lấy thêm người tôi vẫn cứ phải được chia nhiều hơn, - Blood không chịu, đáp.
- Có mà nhiều cái này này! - Easterling sừng sộ nói và búng ngón tay ngay trước mũi Blood.
Blood biết Easterling đang cố trêu tức chàng nổi cáu rồi kéo bọn cường đạo của hắn xông vào đâm chém chàng và các bạn chàng. Sau này hắn sẽ bắt Monsieur Joinville làm chứng trước mặt ngài thống đốc rằng bọn chàng đã gây sự trước. Bây giờ chàng mới rõ Easterling cần cái gã người Pháp ấy ở đây để làm gì.
Trong lúc đó thì Joinville vẫn tiếp tục nỉ non:
- Kìa, kìa, thuyền trưởng Easterling! Cứ thế này ông sẽ chẳng đi đến thỏa thuận được đâu. Ông quan tâm đến chiếc tàu của thuyền trưởng Blood, muốn vậy thì phải sòng phẳng mới được. Tôi thiết nghĩ ông có thể chia cho ông ta một phần bảy hay một phần tám gì đó cũng được.
Chard lại gào lên phản đối. Easterling mắng át đi, đoạn lấy giọng khá hòa nhã hỏi:
- Ý thuyền trưởng Blood thế nào?
Thuyền trưởng Blood không trả lời ngay mà nghĩ ngợi một lúc. Sau đó chàng mới nhún vai.
- Tôi biết nói thế nào được? Các ông biết đấy, tôi chưa thể nói bất kỳ điều gì khi chưa tham khảo ý kiến của mọi người bên tôi. Hay là để tôi về hỏi xem sao, lần khác ta lại thảo luận tiếp vậy.
- Anh nói cái chết tiệt gì thế! - Easterling gầm lên, - Anh định giễu tôi chắc? Chẳng phải họ cũng có quyền thay mặt toàn bộ đội tàu như các sĩ quan của tôi sao? Ở đây tôi quyết thế nào thủ hạ của tôi đều chịu tất. Luật lệ của "Hải hồ huynh đệ" là thế đấy. Có nghĩa là tôi cũng có quyền đòi hỏi anh cũng phải tuân thủ nó. Me-xừ Joinville,- ông làm ơn giải thích cho anh ta một tí xem nào.
Gã Pháp cau có gật đầu. Easterling lại tiếp tục gào thét.
- Bố khỉ, chúng ta có phải trẻ con đâu. Ta họp nhau ở đây không phải để chơi mà để bàn công việc vì vậy trước khi thỏa thuận được với nhau mà tôi lại thả các anh về thì tôi chỉ là con chó.
- Bảo là không thỏa thuận được với nhau dễ nghe hơn đấy. - Thuyền trưởng Blood điềm nhiên buông một câu. Bây giờ thấy rõ vẻ lúng túng của chàng đã không còn sót lại tí nào nữa rồi.
- Không thỏa thuận là thế nào? Anh định nói cái quái gì thế? - Easterling nhảy dựng dậy tỏ vẻ cực kỳ tức giận, song theo Blood thì hắn chỉ làm bộ thế thôi, chẳng qua là bôi bác thêm vào màn hài kịch đang diễn ở đây.
- Tôi định nói một điều hết sức giản đơn: có thể chúng ta sẽ không thỏa thuận với nhau được. - Xem chừng Blood cho rằng đã đến lúc phải bắt bọn cướp biển lật hết chủ bài ra. - Nếu chúng tôi với các ông không thống nhất thì đành chấm dứt thôi.
- Ô hô, chấm dứt ấy à, hay nhỉ! Đừng hòng, thà cứ treo cổ tao lên! Đến đây chưa chấm dứt đâu mà có lẽ chỉ mới bắt đầu thôi.
- Tôi cũng đã tính trước thế rồi mà. Nào, ông làm ơn nói rõ xem cái gì sẽ bắt đầu, thuyền trưởng Easterling?
- Thật thế, ông thuyền trưởng! - Joinville cũng gào lên. - Ông định nói gì vậy?
- Tôi định nói gì ấy à? - Thuyền trưởng Easterling nhìn chòng chọc vào mặt gã người Pháp. Xem ra hắn đã điên tiết lắm rồi. - Gì à? Monsieur nghe đây này. Cái thằng lang băm Blood, cái thằng tù trốn kia định moi ở tôi điều bí mật về kho báu của Morgan và giả vờ sốt sắng hợp tác với tôi. Còn khi đã moi được rồi, hắn giẫy ra định đánh bài chuồn, như ông thấy đấy. Giờ thì hắn làm như không muốn ăn chia với chúng tôi nữa nên mới giở bài chạy. Monsieur Joinville ạ, tôi nghĩ rằng ông cũng đã rõ tại sao hắn định chạy và chắc ông cũng đoán được tại sao tôi không thể bỏ qua việc ấy.
- Một trò bịa đặt vụng về làm sao! - Blood giễu cợt thốt lên. - Tôi đã moi được bí mật gì ghê gớm ngoài những chuyện hoang đường về một kho báu nào đó được chôn ở đâu đó?
- Không, không phải ở đâu đó. Mày biết rõ là ở đâu rồi. Tao ngu quá mới đem nói hết với mày.
Blood phá lên cười không cần giữ gìn làm bạn bè chàng sợ mất mật. Lúc ấy họ đã rõ là việc này lành ít dữ nhiều rồi.
- Phải rồi, ở đâu đó trên eo Darien[6]? Vị trí mới chính xác ghê, xin thề đấy! Biết thế rồi tôi chỉ việc đến tận nơi đào về là xong? Những điều khác thì tôi xin ông Joinville lưu ý cho rằng ở đây người giở trò chây không phải là tôi. Tôi không thể ký giao kèo với thuyền trưởng Easterling chừng nào người ta chưa bảo đảm chia cho chúng tôi một phần năm như tôi đã đề nghị từ đầu. Nhưng bây giờ, khi mà những lo ngại của tôi đã được khẳng định, tôi không muốn dây dưa gì với ông ta nữa, dù ông ta có chia cho chúng tôi một nửa kho báu, giả dụ như cái kho đó là có thật, tuy nhiên riêng tôi thì tôi không tin.
Nghe đến đây bọn cướp nhất loạt chồm cả dậy như theo hiệu lệnh, hùng hổ như muốn đánh nhau.
Tiếng la ó hỗn loạn nổi lên, nhưng Easterling đã phất tay bắt chúng câm họng. Khi tiếng ồn ào lắng xuống thì Monsieur Joinville yếu ớt lên tiếng:
- Ông không biết điều tí nào cả, thuyền trưởng Blood ạ.
- Để xem, để xem, - Blood hờ hững đáp. - Lời tối hậu còn chưa nói ra kia mà.
- Thế thì đã đến lúc nói ra rồi đấy, - Easterling lên giọng thông báo. Bỗng nhiên hắn trở nên trầm tĩnh đến phát sợ: - Tôi muốn báo trước để anh biết rằng một khi anh đã biết được bí mật của chúng tôi, anh sẽ không rời khỏi được chiếc tàu này chừng nào anh chưa ký giao kèo. Nhưng anh đã công nhiên biểu lộ ý đồ của mình rồi thì còn báo trước gì nữa.
Không thèm đứng dậy, thuyền trưởng Blood ngước mắt nhìn cái thân thể kềnh càng của tên thuyền trưởng tàu "Bonaventura" đang hằm hè đứng trước mặt chàng. Ba người trợ thủ của chàng vừa ngơ ngác vừa lo sợ thấy chàng vẫn mỉm cười.
Lúc đầu chàng có vẻ rụt rè sợ sệt rất lạ, thế mà bây giờ lại ung dung chững chạc đến mức trêu ngươi! Không hiểu cách ứng xử của chàng là thế nào nữa. Chàng im lặng, Hagthorpe bèn lên tiếng:
- Ông định nói gì đấy, thuyền trưởng Easterling? Ông có ý gì chăng?
- Có ý thế này này: gô cổ tất cả chúng mày nhốt xuống hầm tàu để khỏi vướng cẳng mọi người.
- Ơ kìa, thuyền trưởng... - Hagthorpe định phản đối nhưng giọng nói bình thản, rành rọt của thuyền trưởng Blood đã ngăn anh ta lại.
- Ông Joinville, cả ông cũng để mặc người ta lộng hành mà không hề lên tiếng gì sao?
Joinville giang tay, trề môi và nhún vai:
- Chính ông đã cố tình muốn thế đấy thôi, thuyền trưởng Blood.
- Ra ông có mặt ở đây là vì thế đấy! Để ông sau này về bịa chuyện với thống đốc d'Ogeron cho khớp chứ gì? Hay lắm! Hay lắm! - Đoạn Blood bật cười, không khỏi có chút cay đắng.
Đột nhiên thinh không bỗng rung lên trong tiếng thần công làm tất cả cùng giật bắn mình.
Những con hải âu hốt hoảng kêu toáng lên, mọi người ngơ ngác nhìn nhau, thế rồi giọng Easterling vang lên phá tan sự im lặng. Hắn lo lắng hỏi trống không:
- Lại còn chuyện quỷ quái gì nữa thế không biết?
Đáp lời hắn là thuyền trưởng Blood, bằng một giọng cực kỳ nhã nhặn:
- Ông chớ bận tâm nhiều, ông thuyền trưởng thân mến. Chẳng qua đó là súng chào ông đấy thôi. Đó là Ogle, pháo thủ kỳ tài của chúng tôi, bắn từ "Cinco Llagas" đấy. Không biết tôi đã kể cho ông nghe về hắn chưa ấy nhỉ? - Đoạn Blood nhướng mày nhìn cả đám ra ý hỏi.
- Súng chào? - Easterling lắp bắp như tiếng vọng. - Âm ti dịch hạch thật rồi. Còn chào chiếc gì nữa cơ chứ?
- Phép lịch sự thông thường ấy mà, nó nhắc nhở chúng tôi và khuyến cáo các ông rằng chúng tôi đã quấy quả các ông suốt một giờ đồng hồ rồi, không nên lạm dụng lòng mến khách của các ông nữa. - Thuyền trưởng Blood đứng lên, vươn vai đứng thẳng người, ung dung và lịch lãm trong bộ quần áo Tây Ban Nha màu đen thêu ngân tuyến. - Xin chúc các ông vui vẻ nốt thời gian còn lại, thưa thuyền trưởng.
Mặt mũi bừng bừng giận dữ, Easterling rút súng lục từ thắt lưng ra.
- Mày không bước nổi một bước ra khỏi tàu này đâu thằng hề khốn nạn, đồ mồm mép thối thây kia!
Nhưng thuyền trưởng Blood vẫn cười ngạo nghễ:
- Nếu vậy thì thật đáng buồn cho con tàu và cho tất cả những ai đang có mặt tại đây, kể cả Monsieur Joinville thật thà, người thực sự tin rằng ông sẽ trả cho ông ta món lời đã hứa lấy từ cái kho báu tưởng tượng của ông, nếu ông ta chịu làm chứng gian trước mặt thống đốc d'Ogeron để bôi nhọ tôi và biện bạch cho việc phải cướp đoạt con tàu của tôi. Ông thấy đấy, tôi không phải háu ăn như ông tưởng đâu, ông thuyền trưởng thân mến ạ. Với tư cách là một tên đểu giả thì ông khá ngù ngờ đấy.
Easterling vung vẩy khẩu súng lục và luôn mồm văng ra những lời chửi bới, dọa dẫm. Nhưng hắn vẫn không dám động thủ, một nỗi lo sợ mơ hồ gì đó đã giữ tay hắn lại, thuyền trưởng Blood có vẻ bất cần hắn quá.
- Ta mất thời gian vô ích đấy, - Blood ngắt lời hắn. - Thế mà bây giờ mỗi giây đều quý như vàng, xin cứ tin lời tôi. Có lẽ phải cho các ông hiểu qua sự tình một tí mới dược. Ogle đã được lệnh của tôi là nếu sau mười phút kể từ phát súng chào này mà tôi và các bạn tôi chưa rời khỏi tàu "Bonaventura'' thì hắn có bổn phận phải đục một lỗ thật khéo ở giữa thân tàu các ông, ngay tại vạch mớn nước, sau đó phải đục tiếp cho đủ số lỗ để đưa con tàu của ông xuống thăm hà bá. Mà hình như cũng không cần nhiều lắm thì phải. Tay Ogle này bắn tàu khủng khiếp, phải nói là quỷ khốc thần sầu. Hắn ta đã từng chứng tỏ tài năng mình lúc còn phục vụ trong Hải quân Hoàng gia đấy. Có lẽ chuyện đó tôi đã kể các ông nghe rồi.
Im lặng lại bất thần trùm xuống trong chốc lát, lần này thì do Monsieur Joinville lên tiếng phá tan:
- Tôi hoàn toàn không dính dáng gì vào chuyện này hết!
- Câm ngay, không léo nhéo nữa, con chuột cống Pháp kia! - Easterling nổi khùng rống lên. Vẫn vung vẩy khẩu súng lục, hắn quay sang trút hận lên Blood. - Còn mày, thằng lang băm chết tiệt kia! Cái đồ bọ hung mọt sách kia! Tốt hơn cả mày hãy về mà múa may với đống chai lọ và đỉa mòng của mày như tao bảo đi!
Thấy rõ là hắn sẽ không ngần ngại gây đổ máu. Nhưng Blood lại nhanh tay hơn nhiều. Chưa ai kịp hiểu chàng định làm gì, chàng đã vớ luôn chai rượu vang trước mặt và giáng thẳng vào đầu Easterling.
Tên thuyền trưởng tàu "Bonaventura" ngã dúi vào vách ngăn. Peter Blood khẽ cúi chào nhìn theo thân hắn chúi vào vách.
- Tiếc rằng tôi không sẵn chai lọ hay đỉa mòng ở đây, - chàng nói. - Nhưng các ông thấy đấy, trích huyết thì chỉ cần chai rượu này là đủ.
Easterling ngất xỉu đổ huỵch xuống dưới chân vách ngăn. Bọn cướp biển nhao nhao nhảy xông vào thuyền trưởng Blood. Những tiếng la ó chối tai nổi lên, có đứa đã chộp được vai chàng.
Nhưng giọng nói sang sảng của chàng đã át tiếng ồn ào:
- Liệu đấy! Thời gian không còn mấy nữa đâu. Sắp hết mười phút rồi, hoặc tôi và các bạn tôi sẽ rời tàu các anh ngay bây giờ hoặc chúng ta sẽ cùng chết chìm với nhau cho có bạn một thể.
- Vì Chúa tối linh, các ông hãy nghĩ lại đi! - Joinville hét lên the thé và lao bổ ra cửa.
Nhưng một tên trong bọn cướp, một đứa có đầu óc khá thực tế, đã kịp cân nhắc. Hắn túm lấy cổ áo Joinville và ẩy sang bên.
- Này thằng kia - hắn quát thuyền trưởng Blood,- Mày đem bọn lâu la của mày cút đi. Nhanh chân lên! Chúng tao không muốn bị chết chìm như lũ chuột đâu.
Cả bốn người leo lên boong như tên kia vừa nói. Những lời chửi rủa dọa dẫm tới tấp bay theo.
Bọn cướp biển còn trên boong hình như không biết ý đồ của Easterling hay có đứa nào đã ra lệnh rồi nên không tên nào ngăn cản Blood và các bạn chàng rời tàu cả.
Mãi lúc chiếc xuồng đã đi được nửa đường Hagthorpe mới lại mở miệng nói được:
- Thề có quỷ thần chứng giám, tôi tưởng mình phen này chết cả nút rồi, Peter ạ.
- Cả tôi cũng thế, - Pitt cũng hăng hái phụ họa. - Nói gì thì nói, chúng thịt bọn mình dễ như bỡn. - Anh chàng quay về phía lái nhìn Peter Blood. - Thế nhỡ vì một lý do gì đó mà bọn mình không thoát ra được trước mười phút, rồi Ogle cứ thế nã đạn vào thì sao nhỉ?
- Ồ, - Peter Blood đáp. - Cậu ta đâu có định bắn chác gì, thế mới thật là gay chứ!
- Sao, anh đã dặn cậu ta rồi cơ mà?
- Tôi lại quên mất có mỗi việc ấy mới chết chứ. Tôi chỉ dặn cậu ta rằng sau một giờ thì bắn một phát không đạn để báo hiệu thôi. Dù thế nào đi nữa tôi nghĩ mình cũng chẳng thiệt gì. Và nói có trời, hình như cũng không thiệt thật. Chà, bố khỉ! - Blood bỏ mũ, rồi dường như không nhận thấy vẻ ngơ ngác của các bạn chàng lau mồ hôi trên trán. - Nóng kinh người! Cứ như hun trong lò ấy thôi!
 
Chú thích:
[1] Cayona là thành phố lớn nhất của vùng hành chính hải ngoại Guyane thuộc Pháp của nước Pháp.
[2] Flibustier: Cướp biển chuyên cướp bóc tàu Tây Ban Nha và thuộc địa Tây Ban Nha ở châu Mỹ (thế kỷ XVII-XVIII).
[3] Tên một đại lộ ở Madrid (Tây Ban Nha).
[4] Phó Đô đốc Francis Drake, (1540 - 28 tháng 1 1596) là một nhà thám hiểm hàng hải, thuyền trưởng người Anh, người đi tiên phong, chính trị gia, công trình sư của Nữ hoàng Elizabeth I. Ông là người thuyền trưởng đầu tiên đi chu du bằng đường biển vòng quanh thế giới và bị chết trên chuyến đi xa đó (người đầu tiên thành công là Juan Sebastián Elcano). Ông đã sử dụng quyền lực ở hạm đội Anh chống lại hạm đội Tây Ban Nha năm 1588. Ông ta đã chết vì bệnh kiết lỵ trong khi mà không thành công chống lại San Juan, Puerto Rico năm 1596.
[5] Đồng tiền bằng bạc ở một số nước châu Âu và Mỹ Latinh thế kỉ XV-XIX.
[6] Eo Darien - eo biển Caribe nằm giữa Panama và Colombia.