Mở đầu

Lạ nhỉ ngọn gió nào thổi đến
Ngọn gió nào lạ nhỉ thổi hồn nhau…
P.Q. Đ.
 
Ông Nhị Nguyễn là một trung tá về hưu 85 tuổi. Lạ là càng về già ông như trẻ ra, những năm gần đây chưa ai đoán đúng tuổi ông cả. Dáng thanh thanh đi lại nhanh nhẹn, tóc mới lốm đốm bạc, da mặt đỏ au chưa một nốt ruồi và chiều nào đúng vào giờ ấy ông đạp xe đi đánh cầu lông. Ai mới gặp cũng bảo cái số ông sướng và đều muốn ông chia xẻ bi quyết kéo dài tuổi xuân, ông thường cười đưa ra lời khuyên: đơn giản mọi chuyện phức tạp. Không nghĩ ác. Có vậy!
 
Sắp đến kỷ niệm 55 năm sư đoàn Trường Kỳ, ông trong số những cán bộ hiếm hoi còn sót lại từ buổi đầu đơn vị ra đời, ban tổ chức năm làn bảy lượt mời ông tham gia vào nội dung cuốn sử truyền thống. Cái ngày lĩnh sổ hưu, một nhát là ông về luôn bên bà xã, không so đo, cấn cái.. Và ông còn chế ra một câu châm ngôn sống thi thoảng vẫn hay đọc cho bạn hữu nghe: sông vô tư, ăn từ từ, đi đột ngột. Nay nhận lời với đơn vị là phải mệt óc, mẹt sức, sao mà vô tư được! Nhưng ông có tính cả nể, thấy các chú sư trưởng chính uỷ khoản nài mãi mà phải gật. Sư đoàn liền cử một trợ lý tuyến huấn đến, mang theo cái máy ghi âm to đùng băng cối ghi lại lời ông về các sự kiện thời chống Pháp, chống Mỹ ông đành hẹn làm việc ba buổi, mỗi buổi một tiếng Buổi đầu, buổi thứ hai suôn sẻ, ông vẫn giữ đúng nếp, xong việc ăn uống nghỉ ngơi chiều xách xe đến sân chơi liền. Buổi thư ba mới được khoảng nửa giờ, ông bỗng thấy đầu ong ong, ngực trâi thì nhoi nhói. Lâu lâu mới thấy cảm giác ớn như thế. Cậu trợ lý tuyên huấn bảo, hôm nay kết thúc sớm, cháu cũng hòm hòm tư liệu rồi, giọng bác nghe cứ yêu yếu thế nào ấy. Giá mà cậu ta báo đông thêm cho ông biêt một điều khác thường nữa, là chợt thấy mồm ông meo méo thì có thể mọi chuyện đã khác. Song do non kinh nghiệm, cậu ta cứ tưởng mình ngồi nhìn nghiêng nên thấy mồm ông hơi bị lệch như vậy. Thực ra đó là dấu hiệu nghiệt nghèo nhất của tuổi già, khi hệ tim mạch đã quá xuống cấp cơn lụt não sẽ xảy ra ngay sau đó nếu không được cấp cứu kịp thời.
 
Nhưng với mỗi đời người làm gì có “giá mà” bởi đây là định mệnh, định mệnh chẳng đã nằm ngay trong tâm nguyện “đi đột ngôt” của ông đấy thôi! Sau lúc cậu trợ lý về không lâu cuộc đời ông bất ngờ lất sang trang mới, trang cuối ngắn ngủi mà bi thảm, thân thể đóng khuôn vào cái giường thép nâng hạ được trước khi đông khuôn vĩnh viễn, hạ thổ trong cỗ áo gỗ.
 
Ông Nhị Nguyễn nằm thiêm thiếp, bất động hàng tháng. Các giáo sư, bác sĩ liên tục hội chẩn đưa ra những quyết định dù là trúng cả thì cũng chỉ có thể giúp cho linh hồn ông không rời khỏi thẻ xác ngay trong thời điểm một đoạn mạch của não bộ phụt đứt, tưới đám máu ra xung quanh. Máy đo nhịp tim, đo huyết áp ở đầu giường ông vẫn liên tục vẽ biểu đồ thăng giáng xanh lét. Thế nghĩa là ông vẫn sống dù toàn thân đã thành khối bê tông cứng ngắc, phải tiếp năng lượng bằng cái ống nhựa nhỏ luồn qua thực quản. Ngày ngày vợ con và người giúp việc tất bật việc bơm thức ăn nước uống và lâu rửa khi ông bài tiết.
 
Đến một hôm con mắt ông chợt mở bừng. Mọi người reo “cơn lụt” đã bắt đầu “rút”! Giờ thì ai đến thăm nhìn vào đôi mắt biết ông còn giao tiếp cảm nhận, tai còn thực hiện được chức năng nghe. Và trong những ngày đó nửa bộ não không bị lụt dường như vẫn gắng gỏi làm việc thay cho cả bộ não. Đó là niềm ký ức sâu thẳm nén chặt bây lâu nay được đánh thức; đó còn là trạng thái kỳ lạ nhất mà không phải lúc sắp giã biệt cuộc đời ai cũng có được cảm giác như ông ngày ngày phiêu bồng với cõi vô thức cùng hữu thức.
 
Ông nằm vậy được thêm tám ngày đêm nữa cộng với nửa ngày thứ chín. Trớ trêu thay, tính theo thang cuộc đời ông một ngày là mười năm!