Về ngang Sóc Ven buổi hoàng hôn xám xịt. Cơn mưa trái mùa không nhỏ không to vậy mà làm ướt mèm lữ khách.
Chặng đường từ phà Cái Tư về đến xứ quê mùa này hực mùi rơm rạ âm ẩm đốt đồng, sương sương khói khói nên phiêu phiêu một nỗi buồn xa lạ: nửa như nhớ thị thành hoa lệ, nửa tựa mơ về ký ức ngày thơ thả mình trên những cánh đồng hun khói đầu tháng tư để tìm bắt những con dế đá cứng đầu hay bay bổng ước mơ theo cánh diều khát vọng. Hun hút về phía bờ Tây mặt trời vẫn còn nguyên hình đỏ ối. Ta thanh thản chờ cho mặt trời tiếp tục buông mình vào nơi thăm thẳm, và biết rằng mình còn nhiều hoài niệm đang đợi người về để cầm tay đi tiếp cho trọn chặng đường đời hoài vọng xa xôi.
Cũng mặt trời này, ta chợt nhớ mặt trời mùa hè đi về cuối biển Singapore lúc bảy giờ tối, bàng hoàng sụp lặn vào lòng biển xanh xanh làm cho phố phường đô hội sáng bừng trong muôn ánh màu rực rỡ từ đèn đường, lấp lánh từ những tòa cao ốc lắp kính xa hoa. Chúng tôi thanh bình đi bên nhau trong những tiếng nói Tây Tàu lẫn lộn, trong mớ hỗn độn của người và xe, và giữa cái ồn ào náo nhiệt đang lắng dịu của đường Orchard vào một buổi chiều xứ lạ. Chúng tôi vẫn là chúng tôi ngày ấy, rất ngây thơ và chân thật với cuộc đời. Chúng tôi tin chắc rằng mặt trời sẽ trở lại ngày mai và chính hoàng hôn sẽ chôn vùi những bụi ta bà của ngày hôm ấy, rồi muộn phiền cũng sẽ là hư vô. Cũng chỉ mặt trời này, ta càng nhớ một mặt trời bình yên dìu dịu khi máy bay chao mình qua dòng Chao Phraya yên ả, một dòng sông hiền hòa của các vị vua, rồi trườn mình trên bờ biển Pattaya cho du khách nhớ xuyến xao đường Dương Tơ đầy đất đỏ, bãi Dương Đông lỏm chỏm đá bám hàu ở Phú Quốc quê nhà. Ta càng nhớ những mùa hoàng hôn tim tím tinh khôi của vùng hoa Jacaranda bên kia sườn đồi, sườn núi của miền Brisbane cô tịch, khiến cho một cuộc từ ly bịn rịn bỗng đượm màu thủy chung đợi chờ. Để từ đây người nỡ đành bỏ ta một mình chông chênh đi trên những chặng đường dài xa lạ, đuổi theo hoài những giấc mơ chưa bao giờ trở thành hiện thực trong những cơn mơ hão huyền vô vị của thế nhân.
Sóc Ven trầm tư, buồn hiu quạnh, nhưng chắc hiểu được tấm lòng kẻ lữ thứ như ta.
Vậy mà ta vẫn còn xa lạ với chốn quê mùa vắng lặng. Con rạch nho nhỏ chạy dài đầy ắp nước lợ biển Tây, miên man chở hoài những chiếc ghe chở người, chở lúa lặng thinh, chiếc chẹt miệt mài chở bò chở trâu từ miệt đồng xứ ruộng xa xa. Cớ sao người vẫn âm thầm đi đi lại lại, chầm chậm trầm mình trong cơn mưa phùn tơi tả, lành lạnh một nỗi buồn không rõ nguồn cơn? Cuộc sống ấy chắc bình yên lắm, chứ sao người vẫn cười cười nói nói vu vơ như thể một ngày dài đến tận bến cuối của dòng kinh! Chùa Khơ-me im lìm lạnh ngắt dưới tàn cây thốt nốt âm u, lặng lẽ chờ hoài đến ngày lễ hội rước nước tháng tám rồi đưa nước tháng mười để xóm làng vui vầy tụ hội. Tháng rộng ngày dài chỉ đơn thuần là những buổi hoàng hôn đìu hiu buồn cô quạnh. Đôi ba đứa nhỏ nhởn nhơ đi ngoài đường, tay thọt vào đít quần gãi sồn sột giữa đất và trời lồng lộng gió, tựa cuộc đời là một buổi chơi rong. Vạt tràm ở tít ngoài mép xa, trông về một cõi xa xăm không bến bờ neo đậu, sống khép mình bàng quan với thế cuộc đổi vời.
Ta dừng lại bên đường, vẹt tàu lá chuối rảy đầy nước mưa ngòn ngọt để nhìn về hướng Tây, nơi có đường chân trời mờ mịt, và phát hiện ra rằng sóc làng ven rạch như một đường trung tuyến nơi đất và trời giao lại. Tại nơi giao nhau của muôn trùng vũ trụ, ta cảm thấy mình thật tầm thường và nhỏ nhặt hơn cả một cọng cỏ bên lề đường vì nó biết vươn mình đón nhận từng hạt mưa, hiểu rõ lẽ sinh tồn và nhu cầu chan hòa cùng đồng loại trong cuộc đời vốn dĩ bát ngát mênh mông. Chắc mình còn lắm đỗi sân si, bao nỗi khát khao và điều thất vọng đã khiến tâm hồn ai nhuốm thêm mấy phần mê muội. Thôi thì ta hãy gởi lại vùng ven bao lao dịch cuộc đời cho bước phiêu bồng nhẹ tênh, cho ta cứ mãi được ngắm hoàng hôn thanh bình nằm tít xa đỏ ửng, mơ về một ngày bình yên, không ồn ào hư ảo, không thảng thốt những khắc giây mơ thấy mình mất những gì đã mất, để không buồn nếu biết lẽ đời lọc lừa và bạc bẽo như mưa...
Sóc Ven trầm ngâm, buồn hiu hắt, chắc cũng mở lòng bao dung đón những tan tác mà cuộc đời vứt lại.
Ngã ba Gò Quao, ngã ba Giồng Riềng đành lòng chia lối đời hai ngã. Ta phải chọn hướng đô thành về Minh Lương, Rạch Sỏi, bỏ lại vùng quê mà ngày nào cũng đón biết bao kẻ lữ hành qua lại. Dường như Sóc Ven đã quen âm thầm nhận lấy những hững hờ mà người đời cố tình hay vô tình trút lại nên mang một nét buồn man mác tựa tinh thần của một kẻ sĩ qui ẩn chốn điền dân. Mặc kệ giang hồ xáo động; rộng lượng và bao dung. Hình như đất trời Sóc Ven cũng rất đỗi bình dân như tấm lòng của một người bạn mà ta vừa chia biệt, luôn mở rộng vòng tay ve vuốt những nhọc nhằn, hờn giận và lắng nghe những chuyện thu phong từ những mảnh đời khác biệt. Hình như ta nghe được tiếng vọng từ Sóc Ven, sự cảm thông cho những những mất mát trong chuyến đi dài của hành trình mưu sinh vì lẽ sinh tồn của nhân loại. Hình như ta chạm được trái tim rất yên bình của vạt rừng lặng lẽ, vẫn bình yên đứng đấy cùng nắng mưa tựa bao lần ta từng qua lại vùng biển Tây.
Ta biết khi mình vừa rẽ phải, giây phút đi ngang xóm làng này sẽ hóa thành kỷ niệm. Ta vẫn biết khi mình tiếp tục chấp nhận bước đi, mình có thể đành bỏ lại một người và đánh mất một điều gì đó quí giá trong tim. Nhưng chỉ khi bước đi rồi ta mới nhận ra rằng kỷ niệm không bao dung cho nỗi đau lòng từ ly mà người phải gánh chịu. Có những niềm đau lớn hơn kỷ niệm êm đềm, và đấy là khi ta nhận ra rằng ta đang đồng hành cùng với sự cô đơn như lẽ đời vốn vậy.
Đi về Kiên Giang và đi tiếp một chặng đường. Nỗi tịch liêu vô thường ta đành gửi lại chiều Sóc Ven.

Xem Tiếp: ----