Phần I

    
 ẹn với H. đi uống cà phê vào khoảng 4 giờ chiều. Chỉ trước đó nửa giờ thì cả bầu trời vần vũ mây đen, tiếng sấm sét rì rầm cả một góc trời, tôi thầm nhủ kiểu này chắc lại lội mưa đi uống cà phê rồi.Và mưa đổ ấp xuống một cách nhanh chóng, mưa xối xả, mưa ngập cả lối đường.
Đứng bên trong cửa sổ, tôi nhìn ra giòng nước xoáy bị tắt nghẽn cứ cao dần lên, khoảnh khắc sau là con hẻm nhỏ trở thành một giòng kênh bềnh bồng rác rưởi. Lạ một điều là thường thì sáng nào cũng có người quét đường làm việc rất sớm, (tôi thích nghe tiếng chỗi lạc xạc mỗi sáng từ ngày về thăm lại Sài gòn) vậy mà mới có nửa ngày đã có rác.
Mưa Sài gòn, ai cũng biết rơi nhanh và rất chóng tạnh. Sau trận hồng thủy bất ngờ ấy, giòng nước vẫn chưa thoát hết nên có mấy đứa trẻ nhỏ chạy ra vọc nước, đúng ra là lội nước mới phải. Tôi ngao ngán nhìn và thắc mắc sao bọn nhỏ lại có thể chơi vui trong giòng kênh đầy sình lầy như vậy được.
Quay lại nhìn các dì dượng đang ngồi trò chuyện vui vẻ, tôi bật hỏi:
- Nước mưa bị ứ ngập, dơ thấy phát sợ mà sao người ta để cho con cái chơi được vậydì dượng?
Dượng út tôi đỡ lời:
- Sống vậy quen rồi con, tụi bây hồi nhỏ có bao giờ được thả lỏng đâu. Rồi sang sống bên xứ sở văn minh nên đâu biết trò lội nước mưa như con nít bên này. Tội nghiệp!
Tôi quay trở lại phía cửa sổ và chợt nhớ thời trẻ con của mình, lúc mưa thì chạy ra sân thượng tắm mưa với hai thằng em, dành nhau chổ đứng dưới máng xối từ nóc nhà. Ba tôi cấm tuyệt chơi với trẻ nhỏ hàng xóm, cửa nhà lúc nào cũng đóng kỹ và Vú Hai là người chịu trách nhiệm an ninh của ba đứa con ông. Đi học chạy giỡn bị té chút trầy chân tay là ba tôi la lối từ Vú hai lan qua tới Măn tôi. Nếu kể hết những cấm đoán và sự giữ con khó khăn (ai ai cũng biết) của ông thì chắc tôi phải dành riêng ra một vài chương sách mới đủ.
Đang lơ mơ với ‘tuổi thơ ơi và ngày xưa ấy’, tôi đưa tay ngó đồng hồ thì giựt mình, đã hơn bốn giờ rồi, mưa lầy lội vậy thì làm sao H. có thể vào tận nhà được. Chắc vì vậy mà trễ tràng, tôi phone cho H. định nói đừng lo chuyện trễ giờ:
- H. đang ở đâu vậy? Mưa lớn và bất ngờ quá có sao không?
Bên kia đường dây, giọng H. tỉnh bơ:
- H. đang ở ngoài quán trú mưa, mà cái địa chỉ M. cho, H. đến gõ cửa thì người ta nói không có M. ở đó.
- Ủa sao lại vậy? Nãy giờ M. thấy có ai tới đâu, mà H. đọc lại địa chỉ M. cho đi.
- Ờ, số này…, đường đó… nè.
Tôi quay qua hỏi nhỏ em họ:
- Địa chỉ nhà mướn này phải vậy không cưng?
Nhỏ em họ la hoảng lên:
- Chị cho địa chỉ nhà em chứ đâu phải đây. Thiệt tình nha, chắc còn say nắng Sài- gòn hay sao vậy chị?!
Trong đầu lại nghĩ thầm mong H. không cho là tôi chơi trò phá phách.
Một lát sau thì có tiếng xe rì rì trước cổng nhà. Tiếng chuông cửa reo, cả đại gia đình nãy giờ ngồi bàn tán xôn xao, vui vẻ với đàn cháu về thăm quê hương chạy hết ra sau nhà. Tôi biết ai cũng muốn coi mặt người bạn lớn lạ hoắc của tôi ra sao? Tròn méo thể nào, có đáng tin cậy hay không? Hơn thế nữa là M. lại hẹn đi uống cà phê mới ghê gớm ấy chứ!!! Chỉ còn có mỗi tên em trai đứng xớ rớ bên cạnh, hắn làm tôi nghĩ tới lúc nhỏ, đạp xe đi chơi với bạn vẫn phải luôn luôn ‘đèo’ thằng em út phía sau, nhiều lúc muốn liệng hắn ra giữa chợ cho khỏe sức!
Tôi ra mở cửa và đầy xúc động. Trời ơi, H. đây sao?’ Bụi đời sang’ hơn tôi tưởng tượngnhiều! Tóc hơi dài và đã khá nhiều sợi bạc, nụ cười tự nhiên đầy chất ’ lãng tử còn bám lại từ thời thanh xuân’. Da sạm nắng, cao vừa tầm.
Màn chào hỏi không kéo dài bao lâu, tôi mượn đỡ cái nón bảo hiểm của bà dì và chào cả nhà đi chơi chút.
Thằng em kế tình bơ:
- Chị nhớ về sớm nghen!
Trời ạ, tự nhiên hắn đóng vai anh hai của mình và kiểm soát bà chị giùm anh rễ hắn hồi nào vậy nè!
Tôi lýnh quýnh ngồi sau chiếc xe máy cà tàng nhưng rất có giá, lúng túng hỏi:
- M. vịn vào đâu đây?
H. tỉnh bơ cười:
- Thì ôm eo H. chứ đâu giờ.
Tôi trả treo:
- Ờ há, lỡ M. mà rớt xuống giữa phố, thì đâu có ai hay mà lượm.
Xe chạy ra lộ lớn rất yên tịnh sau cơn mưa, đây là điều hiếm thấy thường ngày ở Sài gòn, H. rồ máy, nhấn ga chạy thật nhanh.
H. đưa tôi đến một quán cà phê rất đông khách, len lỏi tìm bàn trống. Tôi nghĩ chốn này chắc là điểm hẹn quen thuộc của dân Sài gòn vì cách trang trí có chiều hướng ngoại, những người có mặt ở đó đều có vẻ như những tay làm ăn hoặc giới nghệ sĩ thị thành. Đi hết một vòng lớn không thấy được một góc nào hợp ý, H. lắc đầu bảo thôi đi chổ khác nha. Thú thiệt, lúc ấy nếu H. mà chọn được chổ ngồi nơi đó chắc tôi sẽ giống như ngồi trên lò than đang bốc lửa vậy, vốn dĩ tôi ghét sự ồn ào chốn đông người và những cái nhìn soi mói.
Lần này H. chở tôi đến nơi rộng rải, đường đi vào quán có bóng tre trúc rất thanh nhã. Rất vắng khách, chọn bàn xong, chúng tôi bắt đầu trò chuyện trong lúc chờ đợi thức uống.
Tôi vẫn không ngờ mình đang ngồi trước mặt H., đã từng trao đổi cảm nhận về tranh ảnh, vui đùa rất thoải mái trên diễn đàn chung, đôi lần chia xẻ những nỗi niềm nhận xét về tình người giao lưu. Từng chứng kiến những cơn tam bành giữa H. và người khác.
Tôi thấy mình cũng như một đứa nhỏ, lâu lâu được anh bạn lớn lôi đầu ra để nghe tấu khổ đoạn trường tân thanh vậy.
H. có nhiều người bạn rất thân, có người với tính ghen và vòi vĩnh đến chỉ cần đọc bài viết đủ biết. Dĩ nhiên rồi, một tay bay bướm, ăn nói ngọt và hay chìu lòng ‘quý nương’ thì làm sao không được lòng cả thiên hạ chứ. Và những lần tôi nhắc nhở về các người bạn ấy của H. thì H. trả lời tình như sáo:
- Tại họ tấn công H. trước nên mới vậy.
Mèn ơi, biện minh gì mà ba phải kinh khủng luôn. Tôi chỉ tin H. đến vậy, phần còn lại tôi luôn nghĩ chỉ là chuyện đùa cho vui. Chơi trên diễn đàn với H. rất thoải mái lúc đầu, lúc H. chưa bị mang ‘gọng kềm’ kìa. Chứ sau này tôi ngại kinh luôn, nói gì cũng phải suy nghĩ trước, cho dù chỉ là lời chơi vui! Có nhiều lúc tôi có cảm giác như đang nhắm mắt đi vào bãi mìn nổ chậm vậy. Vì bạn bè H. mà không vừa ý ( chắc vì họ hay nghĩ lung tung thì phải!) là lênh láng nước mắt từ nơi nào đó trên địa cầu và trôi rềnh ràng tới tận VN, sau đó là M. phải dọn dẹp bài vở và nghiêng mình tạ lỗi tứ phía. Chán bỏ xừ, cứ thế rồi dần dà tôi im luôn và xa lạ cho khỏi phiền hà.
Ừ, giờ những chuyện đó như phù phiếm xa xôi, đã trôi mất biệt vào vùng xa xăm gọi là quá khứ.
Người phục vụ mang tách cà phê VN chính hiệu tới, Bây giờ họ lịch sự ghê, luôn luôn có ly nước lạnh kèm với thức uống.
Tôi lặng lẽ quan sátnhững cử chỉ nhỏ xem H. lịch lãm với người khác phái ở trình độ nào, H. lụng vụng xin lỗi:
- Lâu quá H.quên hết những galanteries rồi.
Tôi cười nhẹ nhưng trong đầu tự nhủ:’ Trời ạ, không chịu mượn cớ tập tành cung điệu lịch sự với bạn bè em út, mai mốt người yêu về thăm lúc đó đứng có than thởvà lỡ lủng củng khù khờ nghen’.
Khi nhâm nhi ngụm cà phê đầu tiên, tôi nhăn mặt:
- Kinh khủng quá, sao ngọt dữ thần vậy nè.
Tôi chỉ quen dùng cà phê đen, khi nào mệt lắm mới cho một viên đường nhỏ để có tác dụng chống triệu chứng chóng mặt. Còn tách cà phê này họ bỏ bao nhiêu sửa ngọt và đường vậy trời?!
H. cười:
- Ờ, bên này cà phê là vậy đó, ngọt ngào lắm!
Tôi năn nỉ:
- H. gọi cho M. thêm ly nước nóng để pha loảng ra được không?
Chúng tôi cứ thể chuyện dài, chuyện ngắn trao đổi với nhau. H. sống nhiều với đời nên có rất nhiều điều để kể, tôi nghe nhiều hơn nói. Giọng H. nghe cũng khá êm tai. H. đeo chiếc vòng gì đó với những hạt đá giống như vòng chuổi hạt Tây tạng vậy, tôi tò mò:
- Bộ H. tu hay sao mà đeo vòng hạt vậy?
- Ồ, đây là một chuyện khác, có dịp sẽ kể M. nghe sau.
Lý thú nhứt là H. kể tôi nghe cái hứng gợi thành thơ của mấy ông nhà văn, nhà thơ bên Việt nam khi họ gặp gỡ nhau trong một buổi tiệc nhậu nhẹt nào đó. Tôi nghe mà tròn mắt ngạc nhiên, nhưng ngạc nhiên là phải vì hơn hai mươi năm qua tôi không sống bên cạnh một cộng đồng người Việt nào cả.
Trò chuyện với H., tôi vẫn ngó vào gói thuốc lá của H., thấy nó được cầm lên, rút điếu đều đặn, chừng như khói thuốc giúp H. cởi mở dễ dàng những câu chuyện phiếm bên tách cà phê.
Mưa lại rỉ rã rơi bên thềm quán, nhìn cách trang trí tương đối dễ nhìn tuy có vài khiếm khuyết, H. và tôi lại chuyển cuộc đàm đạo sang vấn đề trang trí. À há, đây là điểm trọng yếu vì tôi có cái nhìn và quan sát theo cảm thức, còn H. là người trong nghề chuyên môn.
Thời gian trôi thật nhanh, cơn mưa rớt khi tạnh, khi ồ ạt, sự ẩm ướt lành lạnh vào lúc xế chiều của sài gòn rất dễ chịu. Nhìn đồng hồ đeo tay tôi chỉ biết nhỏ nhẹ:
- Đã chiều tối rồi, H. đưa M. về nha.
Khi H. dừng xe trước cổng nhà, tôi xuống xe và tần ngần bạo dạn hỏi:
- Cho M. mượn đôi bàn tay của H. xem tay họa sĩ nghệ thuật tới cỡ nào được không?
H. phì cười và trình diện đôi bàn tay ra trước mặt tôi, tôi nhẹ nhàng cầm lấy và tỉnh bơ nhận xét:
- Khá mềm mại, lòng bàn tay da khô mịn chứ không chai cứng, cảm ơn H. nghen!
Lại là một thói quen cố hữu, khi gặp bất cứ ai tôi thường để ý bàn tay của họ, chỉ âm thầm quan sát thôi, vì tôi ghét sự lộ liễu trơ trẽn, không tế nhị! Mỗi người một cung cách sống và đôi bàn tay họ cũng theo đó mà cho ta nhận xét một cách bàng quang họ là người như thế nào.
Đối với cá nhân tôi, một bàn tay đẹp không phải là những ngón thuông tháp bút, trau chuốt màu sơn lộng lẫy cầu kỳ ở giới phụ nữ, hay mềm nhão không cá tính ở đàn ông. Có những dịp tôi bắt tay bác nông dân hay một người đàn bà lao động cực nhọc tôi lại yêu thích và quý trọng làn da chai sạm, khô cứng ấy, họ thường có những cái bắt tay rất chặt chẽ, ấm áp. Có lẽ vì họ sống rất chân thật. Điều tôi ghét nhứt là những kẻ có cái bắt tay hời hợt, lỏng lạc, họ cho tôi cảm giác khó mà đặt lòng tin tưởng ở họ. Chỉ cần một lần bắt tay với những người đó là không bao giờ tôi nhận thêm cái bắt tay khác, nếu quá bất khả dĩ vì lịch sự, tôi chỉ nghiêng đầu chào cho đúng lễ nghi, phải phép mà thôi.