TỰA

Viết hồi ký mà viết tựa, vô duyên quá phải không, nhất là tự mình viết cho mình. Nhưng tôi thấy có những lời cần được thưa thốt trước khi độc giả mở vào những trang hồi ký của tôi. Cái tựa đặt cho “Hồi ký viết trên GÁC BÚT”. Cái tựa đã láo lại có điều xấc xược. Gác bút hiểu theo nghĩa đen hoặc nghĩa bóng đều được cả. Căn gác của một nhà văn, của thi nhân của kẻ hàn sĩ để làm ra thơ, văn, nhạc, họa cũng được hoặc tự gác cây bút lên giá, không viết nữa cũng xong. Tập hồi ký của tôi cũng có thể mang cả hai ý nghĩa ấy: danh từ hay động từ, căn gác cũ ở căn nhà xưa của tôi ở ấp Đông Ba Gia Định. Nay là khu giải tỏa Rạch Miễu. Tôi đã ở đó từ hơn bốn chục năm nay, từ ngày khởi nghiệp viết văn làm báo tuổi còn trẻ măng, đến nay tôi đã là một lão già hơi lẩm cẩm, ưa giận hờn, cáu kỉnh lo chuyện trời sập. Nhà tôi thuộc khu giải tỏa, chắc chắn sẽ bị ủi sập, căn gái kia phải được kéo đổ. Vì lo chuyện trời sập mà sau nhiều năm gác bút nay tôi lại cầm bút lên viết hồi ký “trối già” trên căn gác bút. Cầm cây bút lên bây giờ nặng nề lắm, nhất là viết hồi ký. Hồi ký tất nhiên nằm trong một đời người. Đời tôi, một người viết văn, sống bằng nghề viết cả nửa đời người ở trên quê hương mình. Một đời cầm bút của tôi, tôi chưa hề viết nổi một truyện ngắn, truyện dài trữ tình nào. Cái chất trong văn chương của tôi từ xưa tới nay vẫn là những bão táp cuộc đời, đời sống. Nay viết hồi ký, hẳn nhiên là hồi ký của của tôi, đời tôi. Tôi nhặt ra những mẩu đời sống của mình hẳn nhiên chẳng mấy đẹp đẽ. Viết hồi ký, là sự thật, không thể hư cấu đề đánh bóng cho đẹp đẽ, dọc lên nghe du dương cho tâm hồn bay bổng. Không có điều đó trong tập hồi ký này. Tôi giới hạn tấp hồi ký này từ năm 1975 đến hôm nay, cuối năm 1997. Viết tất nhiên có người đọc đến bị ngộ nhận, tôi không muốn hồi ký của mình mang màu sắc chính trị. Ngộ nhận đến bị xuyên tạc không mấy xa. Tôi hiểu điều đó, vẫn cố tránh khi viết. Để nói rõ hơn, tôi chỉ muốn nói đến con người, vấn đề nhân bản. Trong đời sống và quanh bằng hữu, tốt,xấu, đau khổ hay vui cười. Hoặc đau khổ quá mà bật ra tiếng cười. Từ xưa đến nay tính chất của tôi vẫn là tưng tửng trong đời sống. Theo chủ nghĩa Mackênô (tức là Mặc kệ nó). Muốn đến đâu thì đến.
Nói thế thì nói chứ, tôi vẫn còn có những ích kỷ một con người đang sinh tồn. Từ năm năm nay tôi vẫn lo cho căn nhà tôi bị giải tỏa, giải tỏa trắng toàn khu Rạch Miễu, ấp Đông Ba xưa được coi là khu qui hoạch, nghĩa là nhà tôi sẽ bị giật sập, căn gác riêng tư của tôi bị kéo đổ. Nấn ná suy nghĩ mãi tôi mới quyết định viết hồi ký, để kỷ niệm nơi mình đã ngồi viết từ thuở đầu đời, theo đuổi nghiệp dĩ. Tôi cố gắng viết cho xong. Lẩm cà lẩm cẩm tôi ngồi thâu đêm suốt sáng như thuở còn niên thiếu. Buổi sáng buông bút tôi ngồi nghe tiếng chim hót sau vườn chùa Huê Nghiêm, uống ly trà lạnh để qua đêm rồi tập tễnh vào xóm rủ bạn già đi uống cà phê Chú Lì. Nói ba điều bốn chuyện với bạn lối xóm.
Cũng ở nơi này, tôi những đứa con của tôi đã ra đời, tôi đã làm nên nhiều tác phẩm, những nhân vật của tôi hoặc còn sống hoặc đã chết. Ngôi mả đá xưa cũ kia, tôi đã chẳng từng hư cấu thành một truyện dã sử đó sao. Ngày loạn quân Lê Văn Khôi nổi dậy chống sự hà khắc của triều đình.
Tôi muốn yên hưởng tuổi già. Tôi viết hồi ký. Nghề cầm bút tưởng là gác bút được, nay lại ngồi viết trên gác bút.
Những ngày tháng cuối năm trời trở lạnh, tin khí tượng cho biết có cơn bão thổi qua Việt Nam. Tin thủy văn báo nước dâng trên sông Tiền, sông Hậu ở đồng bằng sông Cửu Long. Đồng bào tôi phải làm nhà cao cẳng chống lũ lụt. Mọi năm lũ lụt làm ngập úng bao nhiêu là lúa gạo, cuốn trôi nhà cửa, người và gia súc. Dân tôi gom góp cứu trợ, lá rách đùm lá nát. Vậy mà có những kẻ nỡ ăn cắp cả đồ cứu trợ của kẻ sắp chết đuối để làm giàu cho mình. Điếu đó không phải tôi nói mà báo đài nói.
Tôi nhâm nhi uống cà phê, vân vê những sợi râu bạc suy nghĩ chuyện đời. Bạn già lối xóm hỏi tại sao tôi lại cười khan. Tôi không trả lời.
Ông bạn già nói vu vơ, như uống rượu đế mà chẳng có đồ đưa cay.