1. DẤU CHÂN CON NGỰA THẦN

    
rong mấy ngày gần đây cứ mỗi lần thức dậy là Sơn nghe tiếng con chim non kêu chiêm chiếp trước nhà. Hình như nó vừa bay vừa kêu. Tiếng kêu nhỏ, thơ ngây, theo gió đưa tới rồi to dần lên khi ngang qua trước cửa. Ðó là lúc Sơn còn ngái ngủ. Sơn nghe mơ hồ có tiếng cái lá dầu to, nặng nề rơi xuống mái nhà.
Tiếng chim đã bay qua nhưng vẫn còn vang mãi trong trí nhớ của cậu bé. Nó gợi dậy nỗi bơ vơ, lạnh lẽo cô đơn của kiếp vô gia đình.
Tại sao con chim ấy cứ bay đi đâu một mình vào lúc sáng sớm như thế?
Ðến ngày thứ tư Sơn quyết định trở dậy từ khi nghe gió đưa tiếng chim tới. Em đi ra cửa, ghé mắt nhìn qua khe. Tiếng chim tới gần nhưng đồng thời trên con đường mòn nhỏ trước nhà cũng hiện dần một cái bóng đen mảnh khảnh. Bóng đen ấy mang tiếng chim đến.
Thì ra không phải tiếng chim mà là tiếng một bộ phận nào đó trong chiếc xe đạp trành của người nọ cọ xát khi ông đạp xe.
Sơn quay vào giường nhưng chợt thấy ánh lửa sáng rực trong bếp, em tỉnh ngủ hẳn và lại gần má.
-Khoai chín chưa má?
Má Sơn mở nắp nồi, lấy chiếc đũa tre cắm thử vô một củ khoai, thấy còn cứng, bà đậy nắp vung lại.
-Chưa chín. Sao bữa nay con dậy sớm vậy?
-Con nghe tiếng chim, nhưng dậy coi thì là một người cưỡi xe đạp, đạp cút kít đi đâu về hướng Bến Nôm. Ba bốn bữa nay rồi đó.
-Mấy người đi làm rẫy.
-Không phải. Ông này như ở đâu mới lại.
Bà mẹ không để ý đến câu nói của con nữa, quay sang sửa soạn ấm nước trà, diêm quẹt là những thứ mà bà phải mang theo xuống đò.
Sơn để dành khoai lang cho má trong cái rổ nhỏ đan bằng tre xong giúp má đem các thứ ra bến đò. Bà má nhìn về phía chân trời ửng hồng:
-Bữa nay nắng tốt đây. Con đi học xong về nhà liền, giúp ba phơi bánh dầu nghe chưa.
Sơn dạ và xô thuyền của má ra giữa dòng rồi em leo dốc bờ sông, theo lối mòn đầy cỏ ống đi lẫn vào trong đám mì xanh rậm rạp. Bình minh bắt đầu thắp sáng những ngọn cây cao vút mọc hai bên con đường đất vàng xám. Bao giờ từ trong đám mì, đám mía hay từ dưới suối lên đường cái em cũng có cảm giác vui mừng như tìm lại được một cái gì thân yêu mặc dù con đường nhỏ ngoằn ngoèo này Sơn đã qua lại nhiều lần. Những buổi sáng như thế này em thấy con đường trở nên thân mật lạ lùng. Con đường nhỏ, vào những buổi sáng tinh sương cũng hiền lành như con chó đốm nằm ngủ bên đụn rạ sau nhà. Nó yên lặng, thanh thản và nhiều khi có vẻ mơ mộng. Lát nữa, những tia mặt trời đầu tiên sẽ giọi xuống những chòm hoa cỏ may, làm sáng lên những giọt sương đọng long lanh trên các mạng nhện giăng ở đó. Con đường nằm đợi Sơn không một tiếng động. Bước chân của Sơn là bước chân đầu tiên khua trên đoạn đường này. Cả những con gà cũng chưa ra tìm trùn ở đây. Những con trùn to như ngón tay, nâu sậm và có vằn như những con rắn con, bò chậm chạp từ bên này bờ cỏ sang bên kia bờ cỏ. Lũ gà ở ấp Thanh Giang II này chẳng cần phải đi tìm mồi đâu xa mà vẫn mập ú nhờ những con trùn chậm chạp và ngu dại này.
Lát nữa đây thì không còn con trùn nào nữa trên đường cái, con đường sẽ đón nhận những dấu chân của đàn trẻ nhỏ, những guốc dép hay bàn chân trần nhỏ xíu, mốc thếch. Nó đón nhận cả tiếng noí chuyện rầm rì, tiếng cười khúc khích, tiếng la hay tiếng chân đuổi nhau.
Sơn thấy mình may mắn hơn những đứa trẻ khác bởi chỉ mình em biết được vẻ tĩnh lặng của con đường lúc chưa có ai đi qua, cũng như cái hoang vắng lạ thường của những buổi trưa đứng gió Sơn đi học về, ăn cơm xong, sửa soạn ra bến đò thay cho má trở về. Và những chiều tối con đường thu hẹp lại, trũng xuống như một dòng suối nhỏ câm lặng nằm nghe tiếng giun dế rỉ rả. Ðó là những lúc Sơn cột thuyền ở bến sông và trở về nhà với mấy con cá ngựa câu được lúc đợi khách. Buổi chiều là những lúc Sơn nhớ má nhất, dẫu chỉ mới xa có một buổi, dẫu lát nữa đây em sẽ trở về ngồi bên mâm cơm có ba, có má và con chó đốm. Bao giờ tới đầu dốc em cũng thấy cái mái tôn xi-măng xám bạc và tưởng tượng ra cảnh gia đình sum họp, thế rồi em bước nhanh hơn.
Nhưng những sáng tinh sương như hôm nay, không bao giờ đem lại cho Sơn tình cảm đó. Khi lên tới đầu dốc em nhìn mặt trời đang lên, đỏ chót trên những đọt mì xám đen và lòng cậu bé rộn lên một nỗi vui, náo nức lạ thường. Em bước đi nhanh, miệng huýt sáo.
Người cha đã trở dậy, ông ngồi yên lặng uống trà trên cái phản gỗ, cổ quấn một chiếc khăn rằn lớn. Sơn biết ông đang buồn nên em thôi không huýt sáo nữa. Người đàn ông thì cũng chẳng ngó ngàng gì tới con. Sơn lấy cặp, quẹo vô bếp.
-Ba ăn khoai chưa, ba?
-Con ăn đi.
-Con ăn rồi. Thôi, con đi học.
Sơn nhảy qua hàng rào xương rồng và đi thẳng đến trường.
Vào khoảng giữa tiết thứ hai có mấy anh trên ấp đến trường quyên tiền cho công trình thủy điện Trị An. Mấy lần trước các anh cũng có đến nói chuyện xây đập, làm nhà máy thủy điện, rồi sau đó đi đâu Sơn cũng nghe nói chuyện ấy. Những người lớn hơn thì bàn tán chuyện dọn nhà đi chỗ khác. Có người vui, có người buồn rầu lo lắng, có người tức giận. Sơn hiểu đại khái là nhà mình phải dời đi vì nước sẽ ngập qua đó, ngập luôn cả vườn trái cây của ba nên ba tức. Nhưng thủy điện là cái gì mà phải buộc người ta dời nhà đi?
Sơn bắt chước mấy đứa bạn đóng góp năm mươi xu, rồi khi mấy anh trên ấp đi rồi em mới hỏi thầy giáo:
-Chừng nào xây đập, thầy?
-Sắp xây.
-Sao người ta không đem ít cái máy điện về chạy mà phải xây thủy điện làm gì cho khổ vậy thầy?
-Sao khổ? Thầy giáo hỏi lại. Xây nhà máy xong mình có điện xài chớ.
-Nhưng phải dời nhà đi chỗ khác biết ở đâu?
Một đứa khác hỏi:
-Nhưng sao xây đập mà có điện được thầy?
-Ồ nói ra mấy em không hiểu đâu. Ðại khái là minh không cần dầu, mình chỉ cần ngăn nước lại, cho nước ở trên cao đổ xuống làm quay máy điện. Khỏi tốn xăng.
-Nhưng sao nước trên cao đổ xuống lại làm quay cái máy điện được. Bộ nó không làm ngập cái máy à?
Thầy giáo bực mình
-Thôi, hết giờ. Các em hiểu đại khái vậy được rồi. Lấy vở toán ra.
Tiếng lật vở loạt xoạt khắp nơi. Sơn vừa lật vừa nghĩ: không có điện thì mình thắp đèn dầu cũng được chớ có gì quan trọng đâu mà phải khổ vậy. Và lòng em cứ băn khoăn mãi cho đến khi về tới nhà dọn cơm cho ba, nhìn thấy những giọt mồ hôi to chảy dọc xuống lưng ba, Sơn thương ba quá. Em đến phụ ba lấy xác đậu phộng ra khỏi khuôn, rải trên cái nong lớn. Ba Sơn uống một bát chè nóng và lấy mo cau quạt phành phạch. Những ngón tay ông dính đầy đậu phộng bóng nhảy. Sơn lấy khăn đưa cho ba lau rồi mời ông ăn cơm. Người cha uống một chút rượu, tươi tỉnh hơn. Ông nói:
-Lúc nãy đi qua vườn con có nghe mùi gì không?
-Con không để ý.
-Ba đứng trong này ép dầu mà nghe mùi mít chín. Lát ăn xong con ra kiếm thử. Ðể chuột nó phá.
Ðó là việc Sơn thích nhất. Cây mít cao tán rộng, lá không dày lắm nhưng mượt và to bản. Sơn chuyển ra nhánh lớn, mũi hít hít đánh hơi, bàn tay vỗ lên những trái mít lớn lòng thòng.
Mùi thơm đã dẫn em đến đúng chỗ. Trái mít chín vỗ nghe bịch bịch như vỗ vào cái túi nước. Sơn đổi thế ngồi cho chắc rồi một tay bợ phía dưới một tay cắt cuống. Em ôm trái mít như ôm con heo con trong lòng.
Sơn đặt trái mít dưới chân ba, ông Thái dùng ngón chân cái lăn lăn nó rồi nói:
-Trời ơi, cây trái tốt tươi như thế này. Công lao của cha con mình đổ ra biết là bao nhiêu.
Sơn ngoảnh nhìn ra vườn. Những hàng cây ăn trái vẫn xanh mượt, lấp lánh trong nắng trưa, tạo ta những bíng mát thần tiên, những lối mòn đầy kỷ niệm với hang dế, hang chuột, những tổ chim bất ngờ nơi một cành cao, những cây cong như mái vòm với chiếc võng cột bên dưới đong đưa, đong đưa trong những trưa thanh vắng. Sơn khó có thể tưởng tượng được một ngày nào đó mình sẽ rời bỏ khu vườn đầy kỷ niệm này để đi đến một vùng nào xa lạ.
Một con cò trắng bất ngờ từ ngọn cây xoài vụt bay lên. Sơn giật mình đứng bật dậy.
-Con đi thay má.
Em vơ lấy một cuốn sách toán và nhảy qua hàng rào xương rồng. Em băng qua đám mì thật nhanh và tụt xuống bờ cỏ. Những con cào cào bị quấy rầy bay lên lách tách. Tiếng nước chảy róc rách qua những khe đá nhỏ nghe đã rõ dần. Có ai đó đi giặt ở bến sông về, tiếng bước chân dẫm lên lá khô dòn. Ði được một lúc nữa đã nghe tiếng các em lớp một đi học buổi chiều. Chúng nói chuyện ríu rít, rúc rích như lũ gà con giành ăn thóc.
-Má anh có ngoài bến không?
-Má anh mới đưa tụi em qua. Một đứa bé gái nói.
Sơn tát nhẹ vào cái má bầu bĩnh của cô bé:
-Cảm ơn. Chiều nay anh sẽ đưa mấy em về.
Sơn vừa nói vừa nhảy xuống đò. Bà Thái hỏi:
-Sao con ra trễ vậy?
Sơn đáp:
-Ba biểu con hái mít. Hôm nay nhà mình có trái mít chín má à.
Bà Thái gom mớ rau càng cua bỏ vô rổ rồi lên bờ đi về. Sơn cho thuyền trở đầu và thả trôi nhẹ xuống theo dòng nước. Buổi trưa nắng rực rỡ trên sông. Nắng vàng tươi nhưng vẫn dịu mát êm ả. Bóng cây ngã xuống mặt nước lăn tăn, rập rình, nhấp nhô.
Sơn không đi đâu xa, em cho thuyền ghé lại một bến đá quen thuộc, chờ những bác thợ rừng để đưa họ đi làm buổi chiều ở lâm trường Mã Ðà. Sơn đưa được mấy chuyến thì không còn ai nữa, em cho thuyền vào dưới bóng cây quen thuộc của mình bên một tảng đá lớn. Ðó là giang sơn riêng của Sơn, một hang động nho nhỏ, một gốc cây sung già có cành sù sì, chi chít những trái xanh, đỏ, có chỗ nước xoáy tung bọt trắng xóa. Nơi đây không cách xa thác Trị An bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước nên nằm ngửa trên tảng đá Sơn có thể nghe thác gầm lên khúc nhạc hùng tráng của nó, khúc nhạc mạnh mẽ bất tận giữa một vùng mây nước, rừng núi và vách đá hùng vĩ.
Và nơi đây, ngay trên nóc hang, một hôm tình ngờ nằm ngửa mặt nhìn lên Sơn khám phá ra một dấu vết gì in lờ mờ trên đá xanh. Sơn bật dậy, lấy cái que nhỏ khều những cát đất bám nơi đó và để lộ ra những vết in khá sắc sảo của một vật gì có hình như cái móng ngựa nhưng lại có nhiều khía đều nhau, nhin kỹ thì lại giống như một đóa hoa cúc. Những đường nét đặc biệt và rất đều đặn ấy không thể nào là những vết rạn nứt tự nhiên được. Nhưng ai đã khắc lên hình cái móng ngựa này?
Sơn đã dẫn mấy đứa bạn đến và chỉ cho chúng xem nhưng cũng chẳng đứa nào biết đó là cái gì. Cả ba má Sơn đều không biết. Hôm trước Sơn có hỏi thầy giáo nhưng thầy bảo phải tới coi tận mắt mới thì mới có thể biết nó là cái gì. Ðến nay vẫn chưa có dịp nào thầy giáo đến tận nơi xem xét và vì thế mà bọn trẻ – trong khi chờ đợi lời giải đáp – tạm gọi đó là “dấu chân con ngựa thần” vì theo chúng thì chỉ có ngựa thần mới có thể in được vết chân của mình trên đá cứng và chỉ có ngựa thần mới có thể lưu lại vết chân của mình nơi tảng đá lửng lơ trên cao. Sơn còn tưởng tượng ngày xưa có một hoàng tử rất đẹp trai, vì phạm lỗi nên hóa thành rồng và bị đày xuống ở dòng sông này. Về sau có nàng công chúa tuyệt đẹp bị chim đại bàng bắt, bay ngang qua thác Trị An. Rồng thấy vậy bèn bay lên đấu với đại bàng, hạ được con ác điểu và hóa thành con ngựa thần đưa nàng công chúa về triều đình. Khi đi ngang qua cái hang của Sơn, con ngựa thần lấy đà vọt bay lên mây vì thế mà để lại dấu chân trên tảng đá. Ðó là câu chuyện hoàn toàn do Sơn tưởng tượng nhưng khi đem kể cho tụi bạn nghe đứa nào cũng khen hay. Sơn kể đi kể lại nhiều lần, càng kể Sơn càng bịa ra thêm nhiều tình tiết gay cấn. Ðến nay trong đám học trò ai cũng rành câu chuyện cổ tích đó nhưng không ai ngờ là do Sơn đặt ra.
Sơn nằm cười một mình rất thú vị về chuyện đó. Vết chân ngựa thần vẫn còn đây, ở ngay trên đầu Sơn, chỉ cách em có hai thước. Nằm im một chỗ Sơn có thể quan sát nó, càng nhìn em càng thấy nó giống hệt một cái hoa cúc, lớn như một cái bàn tay, sắc sảo, đều đặn. Có lẽ mình phải nghĩ ra một câu chuyện cổ tích nào khác về đóa hoa cúc kỳ lạ này và nó bắt đầu nghĩ, nhưng chợt nhớ ra cái me chín còn nằm trong túi quần, Sơn lấy ra bóc vỏ, cầm cái cuống lôi tuộc trái me ra, đưa lên miệng cắn ngay đầu chỏm. Thế là nó không còn nghĩ ngợi gì đến câu chuyện cổ tích về cái hoa cúc. Trái me chín ngọt lịm và gió sông mát mơn man trên bụng Sơn. Nó thấy khoan khoái dễ chịu lạ thường. Ðằng kia dòng thác vẫn rầm rì tung bọt trắng xóa. Ánh nắng chiếu xiên trên mặt sông làm cho thác ngời lên nhiều vẻ sáng long lanh. Khu rừng bên kia sông đứng im lặng, vươn những thân cây cao to và thẳng tắp lên trời và nổi rất rõ trên cái nền xanh đen nhiều tầng, nhiều sắc độ của lá và bóng mát. Từ trong ruột rừng sâu đó thỉnh thoảng vọng ra tiếng rú của máy cưa và tiếng chim chèo bẻo la hoảng lên rối rít.
Rừng và sông chứa trong nó biết bao nhiêu điều vĩ đại và bí mật. Cả đá nữa, trong sự lặng câm ngàn đời của đá chứa muôn ngàn thần thoại nhưng tuổi thơ không cần biết đến những điều đó. Sơn có thắc mắc của em về rừng, về sông về đất đá nhưng em lại có cách giải thích riêng của em, tự thú vị về những điều đó và vì thế em sống hồn nhiên giữa thiên nhiên, coi thiên nhiên như người bạn tốt chăm chỉ, ân cần và dịu dàng. Có khi Sơn thấy như cả dòng sông này là của riêng mình, là căn nhà của mình. Em thuộc lòng những khúc quanh, những hóc đá, những gốc cây. Em biết cón rắn nước kia lúc nào thí quấn mình trên ngọn dây leo, chùm phong lan nọ sáng nay nở mấy cái hoa, cũng như em biết là đến mấy giờ thì thợ rừng về và lúc nào phải đến bến để đưa các em nhỏ lớp I sang sông. Chính những hình ảnh quen thuộc đó khiến em yêu mến dòng sông của mình hơn và em nghĩ rằng ngàn đời sau nó vẫn vậy.
Nhưng em có như hôm nay mãi đâu, em phải lớn lên, se trở thành người thợ, một người lính hay là thầy giáo… thì dòng sông có khi cũng phải lớn lên để trở thành một cái gì đấy, và cả trái đất này nữa, nó cũng phải ngày càng lớn lên để trở thành một cái gì khác hơn bây giờ chứ.
Trong giấc mơ có chàng hoàng tử đẹp trai từ hình ngựa biến thành hình người đã đến bên Sơn và nói với em như thế.
-Nhưng dòng sông này sẽ biến ra như thế nào?
-Một cái hồ nước khổng lồ. Hoàng tử bế Sơn đặt lên lưng ngựa và nói, một nhà máy điện khổng lồ và điện thắp sáng rực rỡ như những chùm quả chín mọng trên từng nhánh cây quanh hồ.
-Nhưng lúc đó nhà em ở đâu?
Sơn tự nhiên thấy mình và vị hoàng tử đang ngồi trên ngựa đi thong dong bên bờ hồ rộng bao la và lộng gió. Hoàng tử chỉ một ngôi nhà gỗ xinh xắn trong khu rừng thưa bên bờ hồ và nói:
-Ðó là ngôi nhà của em.
-Nhưng ba, má em đâu? Có còn làm nghề ép dầu nữa không? Và chiếc thuyền nhỏ của em đâu?
Tức thì Sơn thấy mình và hoàng tử đang ngồi trên thuyền và lướt đi trên mặt hồ sóng lăn tăn. Gió mát làm Sơn cười khúc khích. Em thức giấc trong tiếng cười ấy. Giấc mơ nhẹ nhàng làm Sơn nuối tiếc. Em vẫn nằm im nghe thác reo trầm ấm đàng xa. Kỳ lạ thật, em vẫn rất yêu mến ngôi nhà và khu vườn của mình, vẫn không bao giờ nghĩ đến chuyện lìa bỏ chúng để ra đi. Em cảm thấy rằng mình sẽ mãi mài sống bên cạnh vùng thiên nhiên bao la xanh tươi này.
Sơn ngồi dậy, con đò vẫn còn đậu ở đó, rập rềnh trong bóng mát. Rồi bỗng nhiên, ở đầu gió thoảng đưa lại tiếng con chim non chiêm chiếp mà Sơn vẫn nghe lúc sáng sớm.
Sơn biết rằng người đàn ông bí mật ấy sắp đi ngang qua đây.
Bỗng “tiếng chim” ấy im bặt. Sơn chờ đợi một lúc nhưng vẫn không nghe nó kêu lại. Một lúc sau có tiếng chân dẫm trên lá khô và từ trong đám mì thấp xuất hiện một người đàn ông gầy gầy, có trán cao, khuôn mặt khắc khổ. Ông ta dựng chiếc xe đạp trành của mình bên một gốc cây và mở xách lấy đôi kính trắng đeo vào mắt.
Ông băng theo bờ dốc đi xuống mé sông.
Sơn hơi nép mình vào trong hang để xem ông ta định làm gì. Người đàn ông đã xuống tới mé nước và chọn một tảng đá bằng phẳng có bóng mát ngồi nghỉ mệt.
Ðó là một người trung niên khắc khổ, mặc một chiếc quần tây đen, sơ mi màu xám đã cũ. Ông không mang gì theo ngoài một cuốn sổ tay, máy ảnh, và cây bút chì. Thoạt đầu Sơn tưởng đó là một người ở thành phố xuống tìm mua gỗ hay mua đậu phộng, nhưng bây giờ nhìn kỹ em thấy người này có dáng băn khoăn riêng, có cái nhìn đăm chiêu xuống dòng thác đang cuồn cuộn chảy và không biết cái gì trên mặt ông, có lẽ là vầng trán hay đôi mắt, đã đem lại cho Sơn niềm kính trọng.
Người đàn ông mở cuốn sổ tay ra ghi chép những gì trên giấy rồi vẽ hình lòng sông. Ông vạch những nét xiên, những đường gãy gập rồi dừng lại nghĩ ngợi, rồi lại tiếp tục vẽ. Sơn tò mò và cũng có lẽ vì một tình cảm thân ái vô danh nào đó vừa nhóm lên trong lòng em. Sơn lần xuống mấy bực đá và bước rất nhẹ đến bên người đàn ông.
-Bác vẽ gì vậy, bác?
Người đàn ông giật mình quay lại, gọng kính sệ xuống sống mũi. Ông bỏ mắt kính ra.
-Cháu ở đâu lại đây?
-Cháu đưa đò ở bến này. Bác có muốn qua sông không?
Người đàn ông tiếp tục quan sát dòng sông nhưng vẫn trả lời cậu bé:
-Ít hôm nữa sẽ có dịp bác nhờ cháu. Bây giờ thì không. Cháu vẫn đậu chỗ này chớ?
-Cháu đậu nhiều bến. Khi thì đưa thợ, khi thì đưa học trò. Nhưng buổi sáng cháu đi học thì má cháu đưa. Bác muốn qua lâm trường hả?
-Không. Bác sẽ cùng đi với mấy người nữa ra cái cù lao giữa dòng kia kìa.
Ông đưa tay chỉ cái cù lao nhiều cây mọc. Sơn nói:
-Cháu đến đó hoài. Chẳng có gì đẹp đâu. Bác muốn chụp hình thì lên thác mà chụp. Thác đẹp lắm.
Người đàn ông quay lại cười với Sơn và gấp cuốn sổ tay lại. Ông cất các thứ vào túi xách, thân mật vỗ lưng Sơn và hỏi:
-Cháu học lớp mấy rồi?
-Cháu học lớp năm.
-Cố học nhé. Thôi bác đi đây. Hẹn gặp lại.
Nói xong ông bước qua một nhánh cây gãy, đi tắt qua lối mòn tiến về phía chiếc xe đạp trành.
Khi ông dắt chiếc xe đạp đi khuất vào trong đám mía rồi Sơn mới nhớ là đáng lẽ mình phải hỏi xem cái gì trong chiếc xe đạp của ông lại kêu lên giống tiếng chim non như vậy.