Lời Mở Đầu

    
ác bạn,
Dù sao thì ba chữ Nguyễn Thái Học tới nay cũng là một tên trên lịch sử.
Không phải trên lịch sử của dân tộc Việt Nam bị xiềng xích, mà là trên lịch sử cúa cả nhân loại, hiện nay còn quằn quại đau thương!
Đó không phài là ý riêng tôi, một bạn cùng thề với Anh.
Nhưng là ý chung của hết thảy những kẻ hữu tâm ở thế gian này, chẳng hạn như những nhà văn Nhật Bản khi họ viết cuốn “An Nam Lê Minh ký” hay “Nam phương dân tộc vận động sử”.
Trong các cuốn sách ấy, người ta đã vì công lý, vì nhân đạo mà nói nhiều về Nguyễn Thái Học.
Vậy mà quốc dân ta, các đồng bào của Anh, đối với thân thế Anh, nhiều người mong đưọc biết qua loa mà không thể được!
Bao nhiêu là đợi trông!
Bao nhiêu là tủi nhục!
Cho nên trong lúc này, là lúc có thể được, tôi cần phải viết ngay cho Anh một cuốn tiểu sử.
Tôi tự nhận đó là một nghĩa vụ.
Nghĩa vụ đối với quốc gia, vì thân thế Anh chính là một tấm gương phấn đấu, hy sinh, cần phải nêu ra để khích lệ tất cả mọi ngưởi trong nước. Nghĩa vụ đối với văn hóa, vì thân thế Anh chính là một kết tinh phẩm của hai giáo lý Phật và Khổng, nó đã cho phương Đông ta nở ra một ánh sáng riêng.
Sau hết, nghĩa vụ đối với khoa lịch sử học, vì tôi với Anh chẳng những là ngưởi đồng thời, còn là bạn đồng chí. Có lẽ trong các cây bút ở đây khó có ai hiểu biết về Anh hơn tôi nữa.
Bởi vậy, tôi đã cố lục lọi sách báo cùng trí nhớ, để viết nên cuốn sách nhỏ này.
Tôi rất mừng rỡ đã cho xuất bản bản kịp trước ngày 17 thâng sáu…
Ngày mà Tỉnh đảng bộ Yên Bái đã xây xong mộ Anh và lập cho Anh cùng các đồng chí hy sinh vì Đảng một đài kỷ niệm.
Ngày mà các đồng bào đã công khai làm lễ truy điệu Anh ở khắp mọi nơi.
Anh Học!
Hãy đem tinh thần bất tử mà lãnh đạo cho Quốc dân trên con đường tranh đấu lấy một địa vị ở dưới ánh mặt trời!
Các anh em!
Hãy giúp thêm tôi về tài liệu để những lần xuất bản sau, cuốn lịch sử này có thể thêm đầy đủ.
Ngày 28 tháng 5 năm đầu Độc lập
Nhượng Tống