Chữ "Hàng" Gợi cảm

H à Nội ba mươi sáu phố phường, mỗi phố là một phường hay mỗi phường là một phố? Không hẳn thế. Bởi mỗi nghề còn giữ lại trên tên phố Hà Nội nay đã qua bao thay đổi, còn đến hơn sáu mươi phố bắt đầu bằng chữ Hàng như Hàng Đào, Hàng Tre, Hàng Sắt, Hàng Mành, Hàng Bún, Hàng Bè... trong hơn ba trăm sáu mươi phố của Hà Nội hiện nay. Hà Nội lớn lên không ngừng. Gương mặt từng phố ngày mỗi đổi thay và hẳn trong lòng nó, trong lòng mỗi phố, trong lòng mỗi căn nhà và mỗi con người Hà Nội. Cuộc đời là một dòng sông chảy đi bất tận, mang lớp lớp phù sa mới bồi đắp vào cuộc đời mình. Có những phố nguyên có chữ Hàng nhưng đã được mang tên mới như Hàng Cỏ (Trần Hưng Đạo), Hàng Đẫy (Nguyễn Thái Học), Hàng Giò (Bà Triệu phía trên), Hàng Lọng (Đường Nam Bộ rồi Lê Duẩn), Hàng Nâu (Trần Nhật Duật), Hàng Kèn, (Quang Trung), Hàng Bột (Tôn Đức Thắng) v.v...
Trong ký ức của những người Hà Nội, một căn nhà, một góc phố, một gốc cây, có khi chỉ là một âm thanh, một làn hương, một màu sắc... cũng hiện lên bao hình ảnh thân yêu, gợi cảm. Đương nhiên cái mới phải sinh ra, phải vươn lên, cái cũ phải nhường chỗ. Măng thay tre. Con sông tiếp nhận những dòng suối. Nhưng cây măng chớ quên bụi tre đã ôm ấp che chở mình. Dòng sông hình thành sao được nếu không có những con suối cần cù năm tháng trong rừng sâu im vắng? Người Hà Nội hôm nay đi quanh Hồ Gươm, đi vòng Hồ Tây, đi thuyền trên hồ Thống Nhất, thả hồn trên đường Thanh Niên có hoa phượng hoa ban tím (còn gọi là cây móng bò), vào bảo tàng Hồ Chí Minh, ngắm vườn hồng đường Bắc Sơn, ra Điện Biên nhìn lại Cột Cờ cổ kính, vòng về chợ Đồng Xuân, rẽ ra bờ sông Cái có cầu Chương Dương, bước lên con đê xanh... có bao giờ quên được những tên phố thân thương, gợi nhớ cả một thời xa xưa oanh liệt và trữ tình. Hà Nội có những nghề cổ truyền, có đám, có phường, có những món ăn thanh lịch, những cảnh trí thơ mộng và cả những niềm vui mộc mạc giản dị của một vùng quê Bắc Bộ. Hàng Bài không còn là bài lá, tam cúc, tổ tôm có những cây xe hồng, tịnh vàng xuất hiện trên ổ rơm những ngày tết ấm cúng trong bao gia đình, những cây bát sách, cửu vạn mà câu ca dao đã phải thốt lên: "Làm trai biết đánh tổ tôm, uống trà mạn hảo, xem nôm Thúy Kiều" là ba cái thú, ba sự lịch lãm một thời; những quân bài đã thành kỷ niệm in trong ký ức bao thế hệ. Nay ở đây có trường Trưng Vương, nhà triển lãm, hiệu bán sách khoa học, bán băng nhạc, có cửa hàng bách hóa lớn nhất Thủ đô. Hàng Bạc không còn những cô gái kiêu kỳ kiểu công chúa cấm cung, ăn cái giá đỗ cũng phải ngắt làm đôi, cái phố từng sản xuất những vòng, xuyến, kiềng vàng cho lớp giàu sang, sản xuất những đôi khuyên vàng và tích bạc cho cô dâu về nhà chồng, cho những vùng xa về kinh kỳ kẻ chợ sắm cưới; chỉ còn rạp Tố Như cũ (rạp Chuông Vàng-Văn Lang) nơi sinh ra Trung đoàn Thủ đô bất tử trong những ngày kháng chiến oanh liệt của Liên khu Một năm 1946.
Nhà cô Bé Tý đã thay đổi hoàn toàn, không còn ai nhớ đến nữa, đình Hàng Bạc cũng hoang tàn, những người thợ bạc Châu Khê (Cẩm Bình Hải Hưng) có đình thờ riêng, nay lang bạt đi đâu, hiệu thuốc cam có Con Hươu, còn đấy, nhưng em bé nào còn ăn thứ thuốc cam ấy (có đến bốn năm hiệu cùng có Con Hươu, cũng hơi phiền). Hàng Chuối từng có những bãi chuối bạt ngàn để chăn đàn voi cho nhà vua phủ chúa, nay là một phố dài cây xanh rợp bóng, những biệt thự yên lặng như vầng trán trầm tư trong tịch mịch. Cái màu xanh đất bãi ấy mất đi chăng? Không, nó lại hồi sinh trong màu lá hai bên đường cây, để xuân về, óng ả, tơ non, tạo ra cái mái nhà xanh của thủ đô rất Hà Nội. Trụ sở Hội Phụ nữ lúc nào cũng có bóng cây dịu mát, cái dịu mát của cây hay của người phụ nữ Việt Nam? Bàn tay nào khéo léo, tâm hồn nào giàu rung động, để đã từ một ống tre, một quả bầu khô, một miếng da rắn... tạo ra cây nhị cây hồ nhất là cây đàn bầu bất hủ. Hàng Đàn hẳn một thời náo nhiệt những giai nhân tài tử, nghệ sĩ đến so dây, nắn phím. Những trái tim ấy đã ra đi nhưng tài hoa còn lại với đất nước nghìn năm văn vật. Hẳn họ cũng đã quá bước tạt sang Hàng Quạt bên cạnh để thửa cái quạt thước, chiếc quạt tím trang kim, chiếc quạt gỗ đàn hương thoảng gió thơm, chiếc quạt gỗ trầm ngào ngạt, khiến yêu cái quạt yêu cả người cầm quạt, nói như nữ sĩ Xuân Hương: "Mười bẩy hay là mười tám đây Cho ta yêu dấu chẳng rời tay...
... Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày..." Quạt tạo ra gió mát, quạt còn che nửa mặt hoa cho khỏi rám má hồng trưa nắng, làm duyên cho tao nhân... Hàng Nón sao lại không từng tặng liền anh liền chị đất Kinh Bắc những chiếc nón thúng quai thao để: "Yêu nhau gửi nón cho nhau Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay..." Những chiếc nón ấy đã ở lại mãi mãi với câu ca say đắm lòng người, trường tồn với dân tộc tài hoa và tha thiết. Hàng Khay có những người thợ khảm trứ danh. Từ mảnh gỗ đơn sơ, từ chiếc vỏ con trai chẳng giá trị gì, họ đã tạo ra những tác phẩm thực sự, óng ánh, bảy sắc cầu vồng; những đường nét, phong cảnh, tưởng như đang hiển hiện trước mắt mà ta đang bước vào đó trên đoạn đường ta đang đi dạo. Bến sông Nhị Hà xưa còn ăn sâu vào đất liền hơn bây giờ nhiều. Từ rừng núi, theo những con ngựa thồ, những chiếc xe thô sơ và cả những con thuyền lớn... những củ nâu xù xì nhưng bền bỉ sắc màu dân dã quê hương đã về đây để nhuộm cho mẹ cho chị những tấm áo che một nắng mấy sương. Dọc Hàng Nâu xuống Hàng Chĩnh, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Tre. Nước Mắm Nghệ, muối chợ Cồn Văn Lý, ang chĩnh Thổ Hà, tre vầu rừng Bắc... đã theo những mảnh buồm, những bè nổi lênh đênh về với kinh kỳ. ôi những con thuyền đã rong ruổi bao dặm trường sóng nước, neo vào bến Cầu Đất, gửi cho Hà Nội những món quà bền chắc, nồng mặn đậm đà, để mà nhớ nhau mãi mãi như câu ca dao: "Gừng cay muối mặn xin đừng..."
Người Hà Nội tài hoa, tao nhã, hiếu học, Hàng Giấy, Hàng Bút còn đó. Những khoa thi nào, anh khóa, cậu tú, bác cử đi chọn giấy bút để tung hoành trên trường văn trận bút. Cái "công danh xa mã" ấy từng đã làm khổ bao người, những anh đồ dài lưng tốn vải, những người phụ nữ ước mơ võng anh đi trước võng nàng theo sau, lụi cụi cả một đời cho tuổi trẻ trôi qua lúc nào không biết. Tuy nhiên chúng ta cũng tự hào còn lưu lại được nhiều áng thơ văn thiên cổ kỳ tài, những tuổi tên còn khắc đầy trên hơn tám chục tấm bia đá nơi Văn Miếu kia. Còn cuộc đời thường của người dân lao động với những nhu cầu không thể thiếu được thì đã có Hàng Gạo, Hàng Cá, Hàng Đường, Hàng Khoai, Hàng Đậu, Hàng Dầu, Hàng Bột (Tôn Đức Thắng). Muốn sắm sửa thì lên Hàng Bát Đàn, Bát Sứ, Hàng Đũa (Ngô Sĩ Liên). Cha già mẹ héo cần một cỗ áo thì đã có Hàng Sũ gần kia. Tháng chín tháng mười giở trời, đau cả xương cốt, món rươi của vùng Hải Đông (Hải Dương Hải Phòng ngày nay) đổ về kinh kỳ không ít. Khen ai là người đầu tiên đã biết chọn vỏ quýt làm gia vị cho món chả rươi, quả là tài tình, quả là nghệ thuật. Cái lưỡi con người tinh tế đến thế là cùng. Hàng Rươi cũng là nơi họp chợ hoa ngày tết. Cô gái đi mua hoa, cành đào hay cành mận, nhánh hải đường hay bông vạn thọ, cô có thể sắm thêm gương lược mà điểm trang cho thêm nhan sắc, cho đẹp cả mùa xuân, có Hàng Lược đó. Hà Nội có một cái dốc khá cao. Đó là Hàng Than. Cái thời chưa có điện, chưa có than đá, than quả bàng, hẳn ở đây luôn luôn bận rộn những hàng bán than hoa để thơm lừng vị chả nướng, để ấm nồng những lồng ấp, để thanh tao những chén trà của các cụ đồ trong sương sớm. Sau này, Hàng Than còn nổi tiếng với món bánh cốm ngon lạ thường, một món quà đặc biệt, chỉ Hà Nội mới có tài làm ngon đến thế. Cốm xanh biếc, nhân đỗ xanh vàng hươm, cùi dừa trắng tinh, điểm vài viên hạt sen nhừ tơi; được gói trong lá chuối tươi, lại một màu xanh óng chuốt của quê hương đồng bãi, buộc chặt bằng chiếc lạt đỏ cánh sen, gợi mùa cưới chan chứa ân tình. "Nằm đất với chị hàng hương"...
Hàng Hương cô hàng, người thơm tho gỗ hoàng đàn, thoảng mùi xạ, phảng phất hương trầm... Tết, ngày giỗ mà không có hương sao còn gọi là tết, là giỗ? Ngôi chùa cổ Việt Nam, ngôi đình làng trang nghiêm sao có thể thiếu được những nén hương đen, những cuộn hương vòng, những cây hương sào thắp một ngày chưa hết, phố Hàng Hương tuy nhỏ nhưng thực sự là một phố mang lại cái cần thiết cho Hà Nội, cho cả vùng về đây mà mua mà cất, một cái duyên riêng vậy. Màu sắc óng ánh trong chiếc thắt lưng hoa lý, hoa đào, hồ thủy, thiên thanh, dải yếm đỏ, áo đổi vai nâu non... cứ phấp phới lên trên phố Hàng Đào, nhất là những ngày phiên chợ tơ. Các thứ lụa tơ từ Ba La Trinh Tiết của tỉnh Đơ, của Đồng Tỉnh Huê Cầu của tỉnh Bắc... mang đến. Còn Hàng Vải thâm là nơi đi về của người dân áo vải. Cô gái Đình Bảng, Cầu Lim mặc váy cửa võng cạp điều mang vải về đây nhuộm hoặc trả cho khách hẳn từng làm xao xuyến bao chàng trai kinh thành. Trung thu, tiếng trống ếch rộn ràng. Trường học nào cần bưng lại mặt trống da trâu để kịp khai trường, đình làng nào cần một chiếc trống đẽi để vào đám giêng hai, Hàng Trống sẵn sàng chờ đón. Phố này đến nay vẫn còn mấy nhà có nghề làm trống cổ truyền, dựng tang trống, thuộc da, lên mặt trống... đều bằng phương pháp thủ công nhưng chiếc trống hàng chục năm vẫn kêu vang, không hỏng. Hà Nội đã sống gần ngàn năm dưới chế độ vua quan. Có bao cái đẹp và cũng có bao cái phải mất đi nhường cho cái mới. Hàng Lọng (phố Lê Duẩn) có ga Hàng Cỏ tấp nập ngày đêm, đón và đưa những con tàu Nam Bắc, ra cảng Hải Phòng, lên tỉnh có chè ngon nổi tiếng Thái Nguyên... Với trên sáu mươi phố mang chữ Hàng, vẻ xa xưa chưa hết, Hàng Mành vẫn làm mành. Hàng Hòm vẫn đóng hòm, va li gỗ, Hàng Thiếc làm thùng tôn, ống máng, cắt kính, làm đồ chơi trung thu cho trẻ, chỉ tiếc đồ chơi ít thay đổi, không theo kịp sự phát triển của xã hội và lớn nhanh của tâm lý thiếu nhi. Hàng Mã vẫn làm đèn lồng hoa giấy. Hàng Bông vẫn còn nhiều nhà làm cốt chăn bông. Bên cạnh đó nhiều phố mang tên cũ nhưng không còn một ai làm nghề cũ ấy nữa: Hàng Gà, Hàng Cá, Hàng Gai, Hàng Bún, Hàng Cót, Hàng Bồ... Vẫn cảm động khi bước chân đến những khu nhà khấp khểnh như tranh Bùi Xuân Phái: Hàng Cân, Hàng Chỉ, Hàng Chai, Hàng Hành, Hàng Bè, Hàng Giấy, Hàng Vôi, Hàng Cháo...
Thế kỷ hăm mốt sắp đến, chưa hình dung nổi những đổi thay. Những con người vừa sinh ra trong thập kỷ cuối này sẽ làm chủ đất nước, làm chủ Hà Nội. Họ thật là hạnh phúc. Họ sẽ sung sướng hơn chúng ta, vừa ý đẹp lòng hơn chúng ta cũng như chúng ta sung sướng hơn cha ông chúng ta xưa. Qua những chữ Hàng, ta càng yêu Hà Nội hơn, yêu như yêu máu thịt mẹ cha cho, bởi chính đó là một trong những khía cạnh của nền văn hóa Việt Nam từ bốn nghìn năm.