Lấy máu

     ôi buồn nản bảo Năm Sàigòn:
- Cứ thế này mãi sao? Đến lúc anh phải đổi cách khác đi, nó quen thuộc quá rồi, người ta chẳng thèm ngó lại nữa đâu, cả đến trẻ con nữa.
- Làm những gì nữa?
Năm Sàigòn chẳng thèm ngó, hắn cúi lom khom để khoảng lưng lớn vòng lên, tay nhặt chồng ống bơ sữa bò ném loảng xoảng vào cái bao tải, tôi thu nốt cái chậu thau xóc những đồng hào kêu lẻng xẻng. Năm Sàigòn lấy tay phủi bụi, háp miệng thổi thổi vỉa hè rồi xoay người ngồi xuống, hắn móc túi lấy hộp thuốc lá đã đen sì đưa ngón tay chấm nước bọt dính lấy một tờ giấy cuộn điếu thuốc tổ sâu để lên miệng bặt diêm châm hút, hắn thở ra hơi khói đầu dài một cách khoái trá.
Tôi thấy buồn nản nhỏ bé vô tri nằm trước mặt, ống bơ, chậu thau, đống thuốc bao bạc, thuốc đau răng hiệu Con Bướm và mấy cuốn sách làm trò ảo thuật. Tôi cảm con búp bê bẩn thỉu đầu đội chiếc khăn đỏ - “ông thần” của Năm Sàigòn sai khiến mỗi khi làm trò mua vui - lúc này chẳng còn cái vinh dự đứng ngang nhiên hách dịch, cử động trên bàn tay thô bạo và vạm vỡ của hắn.
Tôi ân hận, mối ân hận và tiếc một cái gì - có phải chiến tranh đã bắt tôi sống như thế này không? Hay một số mệnh nào đó, điều này tôi không thể hiểu được. Nhưng có một điều dù tôi muốn sống với người khác tôi cũng không thể làm theo ý mình, rời Năm Sàigòn chắc chắn tôi chết đói, tôi nhớ lại hôm mẹ tôi chết. Đã hơn ba tháng rồi, mẹ tôi bị đạn trong một trận càn quét rồi được đưa ra nhà thương Phủ Doãn để cứu chữa, nhưng vô hiệu, viên đạn nằm hai ngày trong mạng mỡ, đến khi mổ để lấy ra mẹ tôi cũng vừa chết, ở Hà Nội lạ nước lạ cái, chẳng quen thuộc một người tôi chỉ còn biết vuốt mắt mẹ tôi thẩm thì: “Tại sao mẹ bỏ con, con sẽ sống với ai? Làm sao con về được nhà”. Những điều ấy mẹ tôi không nghe, không trả lời và tôi cũng không biết nói với ai. Tôi ngồi ở nhà thương, bên xác mẹ tôi cho đến khi có một chiếc xe đến khuân những xác không có ai nhận chôn cất. Tôi không hiểu họ sẽ chôn như thế nào, họ sẽ đào một hố lớn rồi đổ xuống đó là xong? Thật không thể biết được. Sau đó tôi ra ngồi ở cổng nhà xác bên những hàng cắt tóc che bạt, kê một chiếc ghế ngoảnh vào một tấm gương treo vào tường.
Tôi ngồi đó ngó những đám ma đi ra có tiếng khóc, tiếng kèn đưa tiễn, tiếng kêu gào. Tôi ngắm nghía những vòng hoa, những cờ đen, đôi trướng bay phấp phới. Tôi nghe tiếng khóc để mình khóc tấm tức trong họng không nước mắt, tôi chẳng biết tìm cách nào để lấy cái ăn vào miệng ngoài việc ngồi ngó những bát cơm đầy cắm đôi đũa bông kẹp ở giữa một quả trứng - tôi muốn được bưng bát cơm đó mà ăn - nhưng khó quá. Cho đến lúc không thể chịu được nữa, tôi xô đến quờ mạnh lên, bát cơm đổ theo, và người ta cũng vừa chụp được tôi mà đánh cho một trận nên thân. Tôi nghĩ: sao tôi không có bát cơm đó. Mấy hôm sau tôi mới tìm được một chút đồ ăn, tình cờ tôi ngó thấy một chiếc xe bò đen đậu ở nơi cổng nhà xác, có một người gánh từng gánh cơm ở trong nhà thương đi ra đổ vào những chiếc thùng để trong xe.
Tôi mừng rỡ tới bốc mà ăn - cơm đã có mùi thiu, nát nhẽo - họ thầu về cho lợn ở ngoại thành ăn thì phải, mỗi ngày tôi chờ đợi để được ăn một bữa như vậy rồi tôi về ngồi ở mái hiên ngõ Chân Cầm, cạnh một đăngxinh mà ngủ. Một hôm tôi ra ăn cơm như mọi khi thì bị người gánh đuổi không cho ăn. Hắn ta quát lớn: “Mày ăn cho tao sạt nghiệp à - đồ chó đói” Tôi nhoẻn miệng cười cho đỡ buồn và hắn đuổi đi không cho ăn. Tôi ngồi ở vỉa hè mút những ngón tay nhớp nhúa. Tôi thấy có một người đứng lại ở đằng sau, tôi ngoảnh lại. Hắn nói: “Mày có muốn được tao nuôi không?” - “Thưa ông con đang chết đói”. Hắn rủ tôi về một căn nhà đổ nằm ngay nơi ngõ Hàng Hành, trong một xó bếp chưa đổ hẳn, là nơi hắn cư ngụ - người đó chính là Năm Sàigòn đang ngồi trước mặt tôi đây.
Tôi ở với hắn và làm những việc rất kỳ cục - việc trước tiên là hắn mang tôi vào nhà tắm công cộng ở Ngõ Gạch cùng với hắn tắm cho sạch, hắn kiếm một nút rơm mà kỳ cọ cho tôi, hắn vứt bỏ quần áo rồi đưa cho tôi một cái áo của người lớn đã cắt cho ngắn bớt, tôi mặc lụng thụng, và một cái quần lót đen - chắc là của chính hắn. Mái tóc tôi dài quá mang tai nhưng hắn để nguyên mà ngắm nghía miệng kêu “Được! Được!”. Hắn nhận là “Năm Sàigòn” và bắt chước giọng nói trọ trẹ. Mỗi ngày hắn mang tôi đi theo bán thuốc ở bờ Hồ hoặc ở các chợ. Đồ nghề của hắn được thu trong một cái bao tải: nào ống bơ, que, vải đỏ - và thuốc giun, đau răng. Hắn cho tôi cầm cái thau đồng và một cái que, trước khi đi hắn bôi vào gò má tôi một chút phẩm đỏ tròn như hai đồng tiền trinh, hắn đội cho tôi một chiếc mũ bằng giấy cao như tụi hề vẫn đội.
Mỗi lần tới chỗ đất rộng hắn trải ra một tờ báo bày ra những thứ đó, tôi đi quanh gõ lớn chiếc thau đồng, hắn lăng xăng vỗ tay miệng lặp đi lặp lại - “Bà con cô bác ghé lại, ghé lại coi trò quỷ thuật, vô cùng lạ lùng hấp dẫn của chú Năm Sàigòn. Chưa bao giờ có! Chưa bao giờ - ê các em ngồi xuống, rộng ra và yên lặng để coi...” Tôi gõ chiếc thau nhăn nhở cười, pha trò theo hắn dạy, nào trồng cây chuối, nhào lộn cho mọi người tụ lại - khi đông hắn làm trò rồi bán thuốc - tôi đưa thuốc cho người nào hỏi và chìa chiếc chậu thau đồng cho người ta bỏ tiền vào đó.
Chúng tôi kiếm chẳng được nhiều dù Năm Sàigòn đã xoay xở nhiều cách cả đến việc làm thuốc giả mà bán nữa. Tôi ăn uống không được đầy đủ nên mỗi ngày một gầy ốm đi, mái tóc dài thêm, khuôn mặt tóp mãi lại và đôi mắt lồi ra. Có lần đứng trước tấm gương của một tiệm tạp hóa tôi đã ngỡ ngàng không biết tôi có phải là tôi không? Có còn tôi những ngày ở nhà quê dù lam lũ chăn trâu cắt cỏ đi mướn? Tôi nhớ mẹ tôi. Tôi chẳng biết mẹ tôi có nhìn ra tôi không nếu mẹ tôi sống lại. Tôi chắc là không. Tôi thường tự nghĩ về một bộ mặt. Tôi tưởng tượng một buổi tối trời nào tôi đẩy cửa vào một căn nhà có trẻ con, người lớn đang vui đùa, quây quần bên nhau nếu thấy tôi xuất hiện thì họ cho đó là ma ngay và đánh cho chết đi dù tôi nhận là một đứa trẻ hay là một người. Tôi miên man nghĩ những điều không đâu, mãi khi Năm Sàigòn đứng lên đập vào chiếc thau đồng làm tôi giật mình đứng dậy:
- Thôi, về!
- Còn sớm mà?
- Nhưng làm gì, gào thét cho chóng chết đói à?
- Thế mai?
- Tính sau.
- Em thấy tụi hát xẩm nó chả bán gì mà cũng xin được tiền nhiều lắm, hay ta cũng làm thế chứ chịu chết à?
- Nhưng tao không biết hát, và tao hay mày không mù thì ai người ta cho.
- Ờ! Phải mù kia, mình đeo kính vào ai biết đâu. Đó coi mấy ông đeo kính đó thì biết, trông họ như mù vậy thôi, ở Sài Gòn chắc anh biết hát cải lương chứ?
- Tao đâu ở Sài Gòn. Tao ở Thái Bình. Thôi đi đừng nói nữa.
Vừa nói, hắn vừa cầm tóc lôi tôi đứng lên, tôi cắp chiếc thau đi theo. Thế ra hắn không phải dân Sài Gòn.
- Nhưng sao anh nhận là Năm Sàigòn.
- Nhận là gì không được, phải vậy mới dễ làm ăn chứ. Thôi đi nhỏ ơi, tao chán mày hết chỗ nói.
Sau khi vào một quán ở ngay lề đường ăn cơm, về nhà hắn suy nghĩ ra vẻ lung lắm, tôi lặng thinh rúc vào đống khố tải ngủ. Tôi thấy thương hại hắn như thương chính tôi. Hắn cũng chẳng có ai thân thích gì, hẳn hồi nhỏ hắn cũng như tôi - và có lẽ bởi thế hắn chẳng bao giờ nói đến cha mẹ, anh em, làng xóm. Có lúc tôi định nói cho hắn nghe về bố tôi, tôi muốn bảo bố tôi là một người ghê gớm lắm - bởi vì bố tôi xa nhà lúc tôi còn nhỏ, về sau có một đôi lần về nhưng chẳng ở lại lâu. Tôi cũng không hiểu bố tôi làm gì. Mẹ tôi chỉ nói là bố tôi có việc phải ở xa, mỗi khi tôi gặng hỏi. Trong gia đình ít ai nhắc đến - nhất là sau khi ông tôi bị bắn chết thì chả còn ai - ngoài mẹ tôi và tôi ra. Tôi nhớ căn nhà lá nhỏ ở xóm Ngang, chẳng hiểu bây giờ ra sao. Những con chim khuyên vàng có còn về làm tổ nơi cây ngâu đầu nhà, những con chim sẻ có còn làm tổ nơi ống tre đầu bếp nữa không, những đứa bạn tôi, thằng Sừng, thằng Thịnh bây giờ ra sao, và con trâu của ông chánh Thú bây giờ ai cho nó ăn cỏ... Tôi muốn tôi về ngay đó - nếu như tôi bôi một chút phẩm đỏ, đội cái mũ làm hề kia về, chắc cả làng tôi phải chạy ra mà cười ồ, nhưng liệu họ có còn đủ sức để cười nữa không. Chiến tranh đã đến làng tôi từ lâu rồi và trước hồi tôi theo mẹ tôi đi cũng đã nhiều người chết, nước mắt và những nấm đất mới nơi bãi tha ma. Tôi nghĩ chắc chẳng bao giờ còn được về đó và nếu về thì những nơi cũ có còn không?
Năm Sàigòn loay hoay với những đồ làm trò như tìm một mứu kế mới rồi tôi thấy hắn mỉm cười, chắc đã có cách, tôi liền hỏi:
- Sao anh cười vậy? Có trò mới à?
- Tao nghĩ đến trò hồi xưa. Mai ta làm.
- Trò gì vậy?
- Trò “nực cười”, mai mày sẽ biết.
Chẳng nói thêm, hắn đi ra ngoài - hồi sau mang về mấy tờ giấy bóng đỏ, ít hồ dán. Hắn ngồi cắt giấy và làm những cái bao nhỏ bằng nửa bàn tay. Tôi chẳng hiểu hắn định làm gi, tôi ngồi mãi mỏi mắt nên lăn ra ngủ lúc nào không biết.
Sáng hôm sau, hắn khua tôi dậy sớm, cũng vẫn mang những đồ dùng cũ. Hắn đưa tôi lên chợ Đuổi. Trước tiên chúng tôi vào nơi chỗ đổ rác ở trong chợ, mùi thối đến ngạt thở, ruồi nhặng bay vo ve cùng khắp, hắn bỏ ra một cái vợt bằng vải chụp vào chỗ nào có nhiều ruồi nhất, hắn bắt từng con một, bỏ vào mỗi túi hai con rồi vê miệng lại cho khỏi bay ra, người đi chợ có kẻ đi qua hiếu kỳ ngó măt vào và không hiểu chúng tôi bắt ruồi làm gì, cả ngay chính tôi. Có người cất tiếng. Năm Sàigòn mỉm cười nói nhẹ nhàng: “Nhà tôi nuôi chim”.
Chỉ bắt một lúc đã được khá nhiều, những bao giấy phồng có nhốt ruồi được bỏ vào chiếc hộp, hắn cặp vào nách rồi chúng tôi xuống bến xe điện bờ Hồ. Hắn giải tờ báo bày vài vật, bảo tôi gõ thau đồng, miệng hắn nói liên tiếp: “Thưa bà con cô bác, một dịp may hiếm có, một trò lạ chỉ có một lần không hai, xin ghé lại, chúng tôi không bán thuốc, không xin tiền mà muốn được trao ông bà cô bác một kỷ niệm, đó là gói ‘nực cười’. Xin dừng lại, xin dừng lại quý ông bà cô bác suốt ngày cực nhọc lo nghĩ, những ai buồn vì chồng chết, con chết, những ai sầu vì cha con, anh em ngăn cách, vì chiến tranh loạn lạc làm mọi người buồn bã... tất cả mọi phiền muộn ưu tư, sẽ chắp cánh bay đi nhờ một gói kỷ niệm ‘nực cười’, xin dừng lại để cùng nhau cười một chút cho đời sống bớt khổ ải. Một liều thuốc tiên giá chỉ một đồng sẽ được cười một trận vô giá không dễ gì mua được - các bạn sẽ không nhịn được cười, chúng tôi cam đoan như thế... xin hãy dừng lại...” Những người qua đường bắt đầu đông đảo, tôi vừa gõ chậu thau vừa nhắc lại những câu cuối của Năm Sàigòn:
- Xin mời bà con cô bác dừng lại...
-... Dừng lại.
- Trò vui “nực cười”...
-... Nực cười rất nực cười.
- Ai nhanh tay mau miệng...
-... Miệng - một đồng một trò, chúng tôi có rất ít xin bà con cô bác nhận ngay kẻo hết...
- Kẻo hết...
Mọi người nhao nhao giơ tay, Năm Sàigòn thu tiền xong mới cầm lấy hộp đựng ruồi - hắn rỉ vào tai tôi:
- Thu xếp đi để nếu có đứa nào nó nổi sùng đánh thì chạy cho gấp không mất mạng toi.
- Xin gửi bà con...
Vừa nói hắn vừa đưa từng gói cho người qua đường. Tôi ngắm một người cầm cẩn thận trên tay gói giấy bóng, gương mặt nghiêm trang chờ đợi. Khi vừa mở được gói chưa kịp tìm kỹ thì hai con nhặng đã bay ngay vào mặt, vội vàng vứt gói giấy, há hốc mồm - có tiếng cười của những người đứng coi vang lên, cười vì những người mắc lừa - có lẽ thế. Có tiếng chửi:
- Đồ bịp! Đồ bịp! Bà con cô bác ơi đánh bỏ mẹ nó đi.
- Mình dốt, ngu để người ta dạy khôn cho như thế mà mất có đồng bạc còn gì nữa...
Giữa lúc mọi người điều qua tiếng lại thì Năm Sàigòn cũng đã tìm cách chuồn lẹ. Hắn ra hiệu cho tôi vác chiếc bao tải chạy theo. Tôi còn nghe thấy những tiếng nói ở phía sau: Đứng lại, bắt lấy nó, bắt lấy nó, tụi bịp, tụi bịp... Chạy một lúc lâu tôi mới bắt kịp được Năm Sàigòn. Hắn bán được khá, còn lại một ít gói ruồi hắn vứt bỏ xuống lề đường.
- Rất may, rất may, chạy thoát nếu không cũng ăn đòn hội chợ.
- Thôi mai đừng dại làm trò này nữa.
- Mai mình sẽ làm trò “đấm kẹo”.
- Sao lại “đấm kẹo”.
- Mình đi bán kẹo ở trường học, cứ mỗi đứa bỏ ra một đồng hoặc năm hào rồi đưa tay bốc lấy kẹo theo như ý nó muốn, được bao nhiêu thì lấy.
- Thế thì hết.
- Không dễ, cứ cho bốc, nhưng bốc rồi nó phải đưa tay cho mình đấm một cái vào tay nắm kẹo, nó giữ được bao nhiêu thì lấy, mình sẽ tùy từng đứa mà đấm mạnh hoặc khẽ, như thế tức là mình bán kẹo mua vui dạy luân lý cho những đứa ít tiền mà tham có nhiều kẹo: một trò rất lương thiện, không ai nói được mình... hồi xưa tao đã từng làm trò đó nhưng trò này không kiếm được bao nhiêu, rồi cũng phải kiếm trò khác làm ăn...
Đúng như Năm Sàigòn nói, sau bữa bán kẹo chúng tôi không kiếm được bao nhiêu và chúng tôi nghỉ không làm gì, Năm Sàigòn đi suốt ngày tối về rúc vào xó ngủ vùi. Có bữa hắn say lảo đảo trở về la thét đập phá rồi khóc, cười cho tới lúc xỉu mà ngủ đi. Tôi buồn bã nằm bên hắn ngửi mùi rượu nồng nặc, mùi mồ hôi nóng bức. Chúng tôi chẳng khác gì mấy kẻ hành khất, nhưng chúng tôi không có được như họ một đôi mắt mù, cụt bớt chân tay để đi hát xẩm hay đứng ở đầu đường mà kêu gào lòng thương hại của mọi người, hoặc được gửi vào một nơi nuôi nấng bố thí nào đó. Tôi cũng đã có lần đứng nơi cửa đền Ngọc Sơn nghe nhiều người tàn tật kêu gào về cảnh huống của họ, nào khói lửa chiến tranh, tai ương bom đạn, cha chết, mẹ chết, không cơm ăn, việc làm, nhà cửa... Tôi cũng muốn kể lể như thế. Nhưng sao tôi thấy những người chung quanh quá thản nhiên, chuyện đó đã thành thường, thành thản nhiên rồi sao? Ngó vào một xác chết cũng như ngó vào một con lợn bị làm thịt, ngó vào một người thường cũng như ngó vào một người tàn tật?... Chiến tranh nằm ngồi chung quanh cuộc sống quen thuộc. Bao nhiêu thảm khốc có thêm cũng không thay đổi cuộc sống bi thảm đã sẵn có một khuôn mặt tệ hại, không gây thêm xúc động hay mối thương tâm, mọi người đã chung chịu những bom đạn, đói khát, nỗi bi thảm đến từ ống bơ, chiếc thau đồng, nhà cửa con phố, con trâu. Nơi nào chiến tranh cũng ngự trị. Người ta sống vất vưởng cùng những lo âu từng giờ phút bởi de dọa của cái chết. Tôi nhủ thầm: chắc con chết khác mẹ, rồi một ngày nào đó, bụng rỗng không, chân tay rời rá, miệng khát con sẽ ngã xuống và đi theo mẹ, rồi người ta nhặt xác con đi...
Tôi không muốn nghĩ đến điều đó, tôi không muốn chết, và có lẽ cả Năm Sàigòn, chúng tôi không muốn chết, như mọi người, nhưng cái chết như nằm ngay bên cạnh cuộc sống của chúng tôi.
Một hôm, Năm Sàigòn đi nhận ở đâu về một thủng thuốc cao dán, hắn nói với tôi:
- Có người bằng lòng thuê mình bán thuốc cao gia truyền, nhiều hoa hồng và còn được trả lương nữa, của một thằng lang băm mà, thuốc của nó chắc làm bằng nhựa đường cũng nên, nhưng mặc cha nó, miễn sao mình bán cho được nhiều là có tiền. Như vậy phải làm sao quảng cáo cho gay cấn, hắn nói thuốc cao này có thể cầm ngay máu khi đang chảy.
Hắn nghĩ cách quảng cáo, hắn đi đi lại lại suy nghĩ, hắn bắt tôi tập hát, giả làm một thằng ngọng đi hỏi vợ, hắn dạy tôi pha trò cảnh cô gái kia chửa hoang, cái bụng cô tỏ tò to, vì cô ăn phải cái gân bò già... Tôi làm đủ cách nhưng không gây được buồn cười, hắn thất vọng nhìn tôi:
- Mặt mũi mày như một đứa chết trôi vậy, cười tao coi, cười đi.
Tôi nhe răng cười và gặng ra thành tiếng, tôi thấy tôi kỳ cục vì tôi không biết phải cười ra sao.
Năm Sàigòn la lên:
- Khỉ, nhe ráng dọa ai vậy, cười mà cũng không biết cười thì làm ăn cái gì... cười lại tao coi. Mày thử tưởng tượng một cái gì thật tức cười, như khi mày được mẹ mày cho kẹo chẳng hạn, nhớ chưa, cười đi...
Tôi rưng rưng nước mắt. Hắn nhìn tôi chán nản, thất vọng. Tôi cúi đầu. Đã lâu tôi không biết thế nào là cười. Tôi cũng quên đi cảnh mẹ tôi cho kẹo, hay đánh mắng... Tôi mất đi những gì đó, tôi tấm tức nói với hắn:
- Tôi chưa được kẹo bao giờ, thôi kiếm trò gì cho tôi khóc chắc dễ hơn.
- Có ra mà khóc đường, khóc mướn cho đám ma, ai người ta còn muốn coi trò khóc làm gì. Mày ngu thì cũng ngu vừa vừa thôi chứ. Cứ thử một vài lần nữa coi.
Tôi thử nhiều lần nhưng không ăn thua gì, cuối cùng hắn đành bỏ vậy, hắn ngồi hút thuốc nhìn tôi, lúc sau hắn đứng lên, hai tay giữ lấy vai tôi nhìn kỹ vào mặt, hắn nắn vai tôi miệng lẩm nhẩm: “Cũng chẳng còn gì, hết rồi...” Tôi chẳng hiểu gì cả. Hắn đi đi lại lại hai tay bỏ trong túi quần, một lúc hắn dừng lại, nói với tôi:
- Mày có can đảm không?
- Làm sao?
- Chẳng hạn khi mày bị đứt tay mày có khóc không?
- Đời nào, tôi bị đứt tay là thường.
- Thế à, nghĩa là không khóc, nhất định không khóc chứ?
- Không hề, cam đoan như thế.
- Vậy được rồi. Chiều nay sẽ bắt đầu.
- Nhưng làm trò gì mới được chứ?
- Mình cũng giáo đầu như mọi khi, nhưng đặc biệt ở chỗ mình sẽ chứng minh tận mắt rằng thuốc rất công hiệu. Tao sẽ cắt tay mày cho chảy máu ra rồi rịt thuốc vào đó, mày phải tỏ ra can đảm, lúc cắt thì phải kêu đau, nhăn nhó... Khi đã dịt thuốc vào xong một lúc thì phải tươi tỉnh như không còn đau một tí gì cả... Khi họ đã thấy thuốc cao công hiệu như vậy thì họ sẽ đổ xô vào mua mỗi miếng giá năm đồng, trong khi mình mua có năm hào bạc, mày thấy không, mình sẽ hốt bạc, mình sẽ sướng hơn. Chứ sống mãi như con chó như thế này được sao...
- Liệu thuốc có hết đau thật không?
- Ngu quá đi con ơi, thuốc ấy thì vứt đi, nhưng miễn sao mình bán được thuốc, rồi mình sẽ lấy thuốc khác công hiệu mà chữa khi về nhà chứ...
Buổi chiều đó, ở ngay dưới gốc đa đền Bà Kiệu chúng tôi diễn trò, vì đúng là ngày thứ bảy nên thiên hạ rong chơi rất đông, thấy có trò lạ đứng bu quanh đông nghẹt. Năm Sàigòn khua chân múa tay, la thét, tôi gõ thau đồng nhảy múa chung quanh, sau khi biểu diễn mấy trò ảo thuật Năm Sàigòn mới bắt đầu giới thiệu thuốc cao:
- Thưa bà con cô bác, hôm nay, lần đầu tiên, thầy chúng tôi là Đại Hán Đường có cho phép chúng tôi ra đây giới thiệu với bà con cô bác một thứ thuốc cao gia truyền mà thầy chúng tôi đã công lao nghiên cứu thêm hơn gần ba chục năm cho công hiệu. Đó là thuốc cao Giang Đông. Thuốc cao Giang Đông chuyên trị bá chứng, từ đau xương, nhức mỏi, mụn nhọt, đau đầu, công hiệu của nó như thần, ngay như một vết thương ra máu nó cũng có thể cầm ngay lại được, chúng tôi có thể chứng minh ngay để bà con cô bác thấy rõ, thuốc chỉ đắp vào trong năm phút là máu hết chảy, không đau nhức và sau đó lành thịt. Nhỏ đâu?
Tôi chạy đến, vén cao tay áo đưa ra cho Năm Sàigòn cầm lấy, hắn cầm tay tôi kéo đi chung quanh cho mọi người nhìn thấy:
- Em nhỏ đây mạnh khỏe, bây giờ tôi sẽ cắt một chút để thấy rõ công hiệu của thuốc cao.
Tôi nghe tiếng xì xào ở người: vô nhân đạo, thằng nhỏ thế kia mà thành một con khỉ cho nó cắt tay à. Tôi muốn bảo: dù nó vô nhân đạo nhưng nó cho tôi ăn để sống, tôi đổi máu để lấy những miếng cơm cho vào miệng, câm đi, đừng nhân đạo giả, thì ai đã cho tôi một hào bạc nào chưa, chúng tôi như nhau, như những con chó. Tôi nhìn vào con dao díp mà rùng mình, hôm trước con dao còn rỉ, Năm Sàigòn đã mài xuống vỉa hè cho sáng và sắc hơn. Hắn cầm chặt lấy tay tôi, tôi rùng mình chờ đợi. Cả người tôi run rẩy. Tôi cố gắng trấn tĩnh. Lưỡi dao chạm vào da tôi và cảm giác đau đớn tràn ngập thân thể. Con dao nhụt khiến Năm Sàigòn phải cứa đi cứa lại máu mới chảy ra. Tôi có nhiều máu hơn tôi vẫn tưởng. Những giọt máu đỏ từ từ ứa ra chảy ròng xuống tay. Năm Sàigòn cầm lên nói lớn:
- Đây bà con cô bác hãy nhìn rõ, một vết thương lớn, máu chảy nhiều, một sự thật không thể giấu diếm, bịp bợm, che đậy. Em nhỏ đây đang đau đớn, như các em nhỏ ở nhà khi không may bị đứt tay chảy máu, có khi ở bất cứ chỗ nào, bất cứ vì tai nạn gì làm xây xát thân thể, gây thương tích, chảy máu. Cả những vết thương vì bom đạn trong khi chưa được cứu chữa. Bà con cô bác hãy dùng thuốc cao Giang Đông, thứ thần dược cấp cứu, thầy chúng tôi đã dành gần hết đời mình để hiến cho bà con cô bác một thứ thần dược có một không hai dùng trong những phút nguy hiểm cho tính mạng. Đây, bà con cô bác hãy nhìn công hiệu của thần dược, thuốc rịt vào máu sẽ cầm ngay tức khắc...
Năm Sàigòn lấy một miếng thuốc lớn dán cho kín ngón tay, nhức nhối ở vết thương chừng như còn tăng lên:
- Đây bà con cô bác coi, em nhỏ vừa xong còn đau đớn, máu còn chảy nay đã như thường, nơi đó sẽ liền thịt và lên da non, chỉ một miếng thuốc là như thường.
Hắn quay lại nháy mắt nói với tôi như một kẻ xa lạ.
- Em đã hết đau chưa?
- Hết đau rồi.
Tôi cố gắng thu hết can đảm, mím môi giữ cho mình khỏi bật khóc.
- Em thấy dễ chịu không?
- Như thường...
- Bà con cô bác thấy chưa. Chỉ một miếng thuốc cao Giang Đông đã khiến cho các em nhỏ đau đớn khi vô ý, trở lại vui đùa như thường không còn kêu khóc làm mất vui trong gia đình. Một dịp may duy nhất... Xin bà con cô bác nhanh tay mau miệng lên tiếng lấy thuốc dùng thử, ở đây chúng tôi muốn gửi tặng bà con cô bác thêm một miếng nữa để mọi người đều được dùng thử thần dược, giá mỗi miếng mười đồng, tặng thêm một miếng, chỉ mất năm đồng bà con sẽ tai qua nạn khỏi khi không may...
Tôi cầm thuốc cao tới trước mặt từng người, có những con mắt nhìn tôi thương hại, và những câu nói cùng bàn tán: Nó thuê em bao nhiêu thế - Thật khổ thằng nhỏ - Em không biết đau ư?
- Tội nghiệp con nhà ai không biết.
- Chắc là lạc, hay cha mẹ chết cả rồi, chứ ai đang tâm để cho con cái phải thế kia?
- Trông nó xanh xao vàng vọt thế kia, rồi máu chảy ra nhiều, mấy mà chết. Cái thằng nó làm trò ác quá.
Tôi thấy đau đớn ở tay - và ở trong thâm tâm những giọt máu của tôi đã chảy ra đó và những con mắt ngó vào bàn tán - dễ chừng họ chưa nhìn thấy máu bao giờ sao? Mà thương tâm, bàn tán như vậy có ích gì cho tôi - và cho cả họ. Máu tôi nhỏ ra vì miếng cơm. Nhưng còn những giọt máu của mẹ tôi do viên đạn bắn vào mạng mỡ đó - để đổi lấy cái gì - chẳng lẽ để đổi lấy cái chết do chính mẹ tôi gánh chịu - và cho tôi như thế này. Tôi tươi tỉnh chìa thuốc cao ra miệng nói:
- Cám ơn cô bác, tôi phụng sự sức khỏe mọi người, thuốc cao tài tình lắm, tôi chẳng hề đau đớn chút xíu...
Tôi cười hô hố nghe rất kỳ cục - cũng có người mua thuốc. Tôi luôn miệng cám ơn.
Có lẽ nhờ cái trò lạ mắt - cắt tay một đứa nhỏ cho chảy máu để chứng minh một thứ thuốc vứt đi - mà người ta đổ xô vào mua để rồi một chút thương tâm, khen một câu can đảm.
Trong ngày hôm đó tôi phải cắt tay như thế ba lần. Buổi tối về tay tôi nhức nhối và có vết đã bắt đầu sưng lên. Tôi mở bỏ thuốc cao nhìn những vết dao cắt - hai mép da co sang bên để lại ở giữa màu thịt đỏ tím, ba ngón tay gần mang ba vết cắt đó. Ngón tay đau không cử động thường được. Mỗi lần cụp ngón tay lại thì những vết thương đau đớn. Những vết máu đọng còn nằm trong lòng tay bẩn. Tôi dùng một ngón tay cạo cạo, một cảm giác buồn buồn dễ chịu. Tôi nghĩ đến những lần đứt tay hồi nhỏ - mẹ tôi căn dặn giữ chắc lấy chỗ đứt, ra bờ rào kiếm một cây duối bứt lấy ít lá bỏ vào miệng nhai rồi đắp lên, hoặc kiếm một ít mạng nhện ở góc nhà quấn lại, cùng lắm là một chút thuốc lào - nhưng tôi còn được thấy gương mặt mẹ tôi lo sợ cuống quít miệng xuýt xoa: có đau không con, mẹ đã bảo chơi đùa, hay làm gì phải cẩn thận mà, nếu không có lần đứt mất ngón tay thì xấu lắm đấy - nghe mẹ không. Nhưng bây giờ thì chẳng phải nghịch ngợm hay vô ý, tôi đưa tay ra cho người ta cắt, cho máu chảy mà chẳng ai thương xót - nỗi thương xót máu mủ ruột thịt - cũng như người ta đã thản nhiên giết nhau hằng ngày không lý do - hay vì ai xui khiến cho người ta ham muốn chứng kiến sự chết chóc, máu đổ. Ở nơi này tôi cũng không kiếm đâu ra lá duối, thuốc lào, mạng nhện. Tôi chẳng còn nước mắt để khóc, chẳng còn ai để than van. Cả người gần tôi nhất ngồi kia - Năm Sàigòn - đối với tôi cũng chỉ là một sự trao đổi về đời sống. Cả hai ở với nhau chẳng qua cũng như hai con chó đói trong một bầy chó đói cần phải giúp nhau dành lấy một mẩu xương mà gặm, nhưng chúng tôi là một thứ chó hoang, vô chủ, là thứ chó của một giai cấp chó hạng bét. Tôi cũng chẳng thể hiểu chúng tôi phải sống như thế này làm gì. Hắn kiếm ra tiền để ăn, để có mấy điếu thuốc và khá ra như hôm nay đi kiếm một con điếm mang về rúc rích ở xó tối, rồi một hôm nào đó lăn ra chết, và tôi nữa. Người ta sống vì sự có mặt của người thân yêu - tôi hay hắn chỉ có một mình - vì làng xóm, vì đất nước, điều sau này tôi chẳng hiểu ra sao cả... những sự thật diễn ra trước mắt đây... Những giọt máu chảy ra đó. Tôi thấy khổ hơn cả một con vật - cho cả những con vật được người ta nuôi để ăn thịt đi nữa - nhưng trong khi nuôi cho béo không bao giờ bị đánh đập - và một lần chết như người ta. Còn tôi hay cả hắn... thật hồi xưa chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phải tự hành hạ thân mình để kiếm lấy miếng ăn mà nuôi lại cái thân bị hủy hoại dần mòn đi đó.
Tôi nhìn Năm Sàigòn đang nằm kia - hắn hút thuốc lá một cách khoan khoái - từ mấy tháng nay hắn chưa bao giờ có một vẻ thảnh thơi như thế - có phải vì mấy giọt máu của tôi không? - Chiều tối nay chúng tôi đã được ăn một bữa khá và Năm Sàigòn say sưa hơn. Lúc ngậm trong miệng một chút xương cá, tôi mới nghĩ ra rằng có nhiều điều hanh phúc không đến với đời sống tôi - nên dù chỉ ngậm một chút xương cá tôi cũng không muốn nhả ra vì tiếc, nhưng nuốt vào sợ hóc. Tôi ăn uống được hơn nhờ đồng bạc của những kẻ lạ mặt, nhờ Năm Sàigòn thương hại tôi? Hay là họ chỉ muốn nuôi tôi cho có nhiều máu mà cắt ra cho họ ngắm nghía? Thật là một sự trao đổi khốn kiếp và bỉ ổi.
Trông dáng điệu của Năm Sàigòn tôi khó chịu. Tôi thấy hắn xa lạ - nó là một người khác. Một kẻ lạ mặt như mọi người ở trong đám đông đời sống vây quanh tôi đây. Tôi ngồi ôm mặt khóc thút thít, Năm Sàigòn khó chịu quát lớn:
- Ê khóc cái gì? Cha mày chết đó à... câm đi cho người ta ngủ chớ, còn mai phải làm nữa.
- Mai tôi không làm, tôi đau lắm không chịu được.
- Ê điên hả, người ta đang dễ làm ăn. Mày ăn cơm cá đó không thấy ngon hả?
- Thôi tôi nhịn cho chết còn hơn.
- Mày không muốn ở với tao nữa thì đi đi, tao kiếm đứa khác cho xong, mới có một chút mà ồn.
Tôi không nói nữa và cứ khóc, Năm Sàigòn cáu tiết đứng dậy cầm cây đánh vào lưng tôi túi bụi, tôi ngước mặt lên nhìn hắn - đau quá không sao khóc hay kêu được, tôi bò lết mà chạy. Vì cử động mạnh làm những vết cắt ở tay chảy máu tung tóe. Tôi ngồi ôm lấy tay mà bảo.
- Cứ việc đánh cho chết - hãy ngó vào tay đây này. Tôi cũng cần chết ghê lắm.
Hắn nhìn xuống tay tôi thấy máu chảy tung tóe nên thôi không đánh nữa. Hắn cúi xuống cầm lấy tay tôi co đi.
- Ra đây, ra đây tao buộc cho - mày phải biết chẳng bao giờ tao muốn như thế - nhưng mày thấy chưa: còn làm thế nào để có miếng mà đút vào lỗ mồm. Phải giữ thân không chết uổng mạng.
- Uổng mạng?...
Hắn bỏ tay tôi vào chậu nước, hắn loay hoay rửa bàn tay thô bạo của hắn chỉ muốn làm một cách dịu dàng cũng vẫn thô lỗ, vụng về như chưa bao giờ cầm đến một bàn tay kẻ khác - và chắc cử chỉ đó hắn chưa bao giờ được nhìn thấy ai chỉ dạy cho. Tôi cảm động ngoan ngoãn ngồi yên cho hắn rửa. Có lẽ vì gặp nước lạnh tay tôi đỡ đau, và máu cũng chảy ít thôi. Xong hắn kiếm cái khăn lau cho ráo, xé một miếng giẻ rách buộc chặt lấy chỗ đau. Tôi bảo:
- Sao không dán thuốc vào.
- Mày ngu - dán vào cho thối tay mày ra à. Để mai tao kiếm một chút thuốc đỏ bôi vào là lành.
- Còn mai.
- Cứ việc cắt vào chỗ gần đó nó quen rồi và không đau nữa đâu mà sợ.
Hắn dỗ tôi, hứa sẽ may quần áo cho tôi và để một hôm nào sẽ cho đi coi cải lương ở Quảng Lạc. Khi sắp ngủ hắn cho tôi một cái kẹo bạc hà, hắn nằm bên kể cho tôi nghe một câu chuyện tiếu lâm tuc tĩu, tôi chẳng thể cười được và ngủ thiếp đi.
Qua một tuần lễ như thế tay trái tôi đã gần nát ra rồi, có những vết tay mưng mủ và thối, nó rỉ nước vàng. Mỗi bữa bưng bát cơm không nổi tôi phải dùng cùi dĩa mà xúc ăn như một kẻ tàn tật. Thấy không thể tiếp tục cắt máu ở bàn tay đó nên Năm Sàigòn bắt đầu cắt ở bàn tay phải. Người ta vẫn xúm đông xúm đỏ lại coi, và mua thứ thuốc vứt đi đó. Con vật thí nghiệm bịp bợm con mắt mọi người đó vẫn phải đổ máu ra. Trong một lần ở ô Chợ Dừa trong khi Năm Sàigòn đang cắt tay tôi, bỗng có người lớn tiếng:
- Phải đi báo cảnh sát chứ sao để cho thằng đó nó cứ cắt tay đứa bé mãi, hôm trước tôi trông thấy đứa bé còn khá, mà chỉ mới có mấy bữa đã vàng và đét hẳn đi. Trong người nó còn được mấy giọt máu mà chảy nữa. Bà con hãy coi bàn tay kia của nó thì biết, hàng chục vết cắt bắt đầu thối ra đó - thuốc gì mà thuốc - là nhựa đường hoặc đất bùn gì đó. Bây giờ nó còn định làm hư nốt bàn tay nữa của đứa nhỏ - và liệu được mấy bữa nữa mà chết vì hết máu.
Có một giọng khác.
- Có lẽ gần hết rồi - coi đó thì thấy, nó cắt dao vào tay mà chỉ có một vài giọt - chắc ở trong người còn độ vài cù-dìa nữa thôi. Đứa nhỏ chết đến chân rồi.
Người ta bàn tán xôn xao, chẳng ai còn chú ý tới những lời khoa trương của Năm Sàigòn. Hôm nay tôi mới nghe thấy giọng hắn đã bắt đầu khàn khàn như một thứ ống bơ rỉ, hay có khi cuống họng hắn đã vỡ ra rồi cũng nên, hắn cứ phải la lên, nếu tôi phải làm như thế chắc cũng không còn hơi để thở nữa. Trông cái bộ dạng lom khom khổ não cứ loay hoay, cúi xuống ngẩng lên, chân tay khoai múa, tóc tai bù xù, mồ hôi ướt đẫm mà thương hại. Nhưng nói chán, chìa thuốc ra cũng chẳng ai hỏi đến một câu. Những trẻ con ở lại sau chót cũng đã quay ra nô đùa với nhau rồi - và mọi người bỏ quên hai con vật múa rối muốn mang thuốc đến để bảo vệ sức khỏe cho họ, và chính hai con vật đó cũng không cứu được chính nó.
Trời nắng thiêu đốt trên đầu chúng tôi. Hai bàn tay tôi đều đau rần, tôi đứng ở khoảng đất bột nhìn xuống bóng mình dưới chân, tôi hoa mắt trước những bóng sáng quay cuồng đảo lộn xanh đỏ trước mắt, tôi ngồi bệt xuống mặt đất nóng rẫy. Tôi muốn lê vào một mái lều chợ cách đó độ mười bước nhưng hai chân run lên không cất được nữa. Hai mắt mỏi phải nhắm nghiền lại - “chắc trong người nó chỉ còn độ vài ‘cù-dìa’ máu mà thôi” - tôi muốn áng chừng xem tôi đã cắt ra bao nhiêu máu, nhưng chẳng thể nào áng được, chắc nhiều lắm, rất nhiều đối với số máu tôi có. Với thân hình gầy đét, và nước da vàng tái này tôi đủ hiểu, những người khỏe mạnh, hồng hào béo tốt ra hết máu còn chết, huống hồ là tôi.
Có lẽ tôi đã chết đến chân thật rồi, chứ sao mọi hôm tôi thấy đôi chân còn khỏe mà hôm nay nó mềm và run lên như thế. Cái chết đến từ từ, rồi nó lên đến bụng, đến ngực, đến cổ là tôi sẽ nằm sóng soài ra và tắt thở. Cái chết đó. Cái chết đó. Không thể được. Tôi đưa hai bàn tay đau nhức lên dụi vào hai mắt cho tỉnh ra để đứng dậy - Năm Sàigòn đang thu xếp. Hắn thấy tôi ngồi yên thì kêu lên:
- Thôi đi chứ, hay là phải để tao gọi xe đến đón quan lớn!
Tôi muốn mở miệng quát lớn cho hắn nghe - nhưng miệng tôi khô và khát quá độ. Tôi cố đứng dậy cầm cái thau đồng theo hắn sang bên kia đường. Chân tôi rời rã, mắt vẫn hoa lên, tôi bước đi lảo đảo. Mặt nhựa nóng bỏng dưới gan bàn chân, tôi nghe tiếng còi xe cộ nhưng cũng không còn để ý đến. Bỗng tôi nghe tiếng kêu thất thanh:
- Kìa, đồ chó chết.
Rồi một cánh tay rất mạnh xô tôi vào hè đường, một tiếng phanh xe tắc-xỏng rít lên. Rồi những âm thanh ồn ào vang động vây lấy thân thể tôi. Khi tôi đủ sức bò dậy, thấy người bu lấy chung quanh, tôi kiếm gọi Năm Sàigòn, nhưng chẳng thấy - tôi ngó ra giữa đường thì thấy hắn nằm ở ngang đầu chiếc G.M.C của nhà binh. Một bên chân kẹp vào dưới xe. Tôi hoảng hốt bò đến.
- Làm sao vậy, làm sao đấy anh...
Hắn không trả lời được nữa. Chiếc khố tải những thuốc cao, ống bơ tung tóe chung quanh. Tôi chẳng hiểu vì sao tai nạn đã xảy ra. Có người đứng ngoài bàn tán với nhau.
- Trời đất, xe nhà binh mà, coi thường mất mạng như chơi. Thằng bán thuốc cao hả?
- Đúng nó. Tại nó trông thấy thằng nhỏ của nó đang đi và gần như sắp ngã ở giữa đường trong khi xe phóng tới, hắn nhào ra đẩy đứa nhỏ vào trong, nhưng chính nó không chạy kịp. Thật khổ.
Bây giờ tôi đã hiểu câu chuyện. Sao tôi lại không chết? Sao lại hắn, hóa ra tại tôi, vì tôi hắn bị nạn. Chiếc xe cứu thương thét còi chạy đến. Chiếc xe G.M.C. đã lùi lại một chút để gỡ chân Năm Sàigòn ra, dưới bụng hắn máu chảy đầm đìa. Trông ghê khiếp hơn cả vũng máu của mẹ tôi hồi bị đạn nữa. Người ta khiêng hắn bỏ lên băng-ca đẩy vào lòng xe, tôi vứt bỏ cả chậu thau leo lên theo.
- Mày là đứa nào?
- Tôi là em ông ta, cho tôi lên với.
Xe mở máy chạy và những hồi còi réo lên nhức óc. Năm Sài gòn nằm mê mệt trên băng-ca, đầu ngoẹo sang một bên mặt tái mét, một bên chân bị nát, máu bết cả quần áo đỏ lòm và vẫn còn dỏ giọt xuống sàn xe. Tôi thấy những giọt máu đỏ cũng giống máu của tôi, và mẹ tôi.
Người ta đưa vào nhà thương Phủ Doãn, chính ở đây mẹ tôi đã chết - người ta vội vã đưa vào phòng cứu cấp, máu chảy ra quá nhiều, người ta lo băng bó chân - và tìm máu để tiếp cho Năm Sàigòn, và sau khi thử máu người ta không có sẵn loại máu của hắn vì có bao nhiêu người từ những mặt trận mang về đều thiếu máu cả, mà người cho máu không có, chỉ có một vài loại khác còn nhưng không thể tiếp cho hắn được - người y tá nói cho tôi biết thế. Tôi ngỏ ý:
- Dạ thưa bà có thể lấy máu của tôi tiếp cho anh tôi được không, anh tôi cần được cứu chữa.
Người nữ y tá nhìn tôi từ đầu đến chân - dễ tôi không là con người sao?
- Nhưng trông em gầy yếu thế này sợ không đủ sức.
- Thưa bà không sao, tôi rất mạnh.
- Để tôi nói với bác sĩ.
Vị bác sĩ cũng nhìn tôi như người y tá - tôi khẩn khoản với ông ta. Sau khi thử, máu tôi cùng loại với máu của Năm Sàigòn. Nhưng đến khi lấy thì không được bao nhiêu. Với số máu ít ỏi đó không đủ để cứu hắn sống.
Tôi nhủ thầm bên tai cho Năm Sàigòn nghe:
- Anh biết không, đáng ra anh không chết nếu em có đủ máu - nhưng máu của em đã phải cắt ra cho mọi người coi để đổi lấy miếng cơm nên chẳng còn để cứu anh nữa - làm sao bây giờ? Tại em mà anh chết đấy...
Năm Sàigòn cố mấp máy, tôi phải háp tai vào tận miệng hắn mới nghe được.
- Không phải tại em, tại chính anh... Phải cố... cố...
Tôi cũng chẳng còn sức để khóc hắn. Tôi trở ra tìm vị bác sĩ. Tôi chìa hai bàn tay sưng thối ra trước mặt ông. Tôi muốn nói: Con muốn được chết thêm ở nhà thương này. Thưa mẹ, con cũng chả hơn gì, đó mẹ thấy chưa?
1961