ới có ba ngày, thằng Điều đã tiêu hết cả món tiền hai đồng đánh xóc đĩa được. Phung phí xong đồng hào cuối cùng. Điều lại bắt đầu thèm thuồng khó chịu. Còn bộ quần áo chúc bâu mới may, Điều đem bán nốt. Với tám hào ấy, Điều và thằng Tý Sáu thân thiết nhất của Điều, ăn gỡ một bữa cho thỏa thuê. Rồi lại chia tay đi kiếm chác.
Điều lên chợ, ra bến tàu thủy, lộn về phố Khách tìm tòi đã nhiều mà vẫn chưa nhặt nhạnh được thứ gì. Điều đã mệt nhoài, đầu gối như sắp rời ra. Nó phải tạt vào vườn hoa, nằm duỗi dài trên bãi cỏ...
Nhiều hình ảnh rực rỡ hiện ra trước mắt lim dim của Điều. Nào cảnh rạp chớp bóng phim mới chật ních người xem, rạp hát huyên náo với tiếng hò hét oai nghi của các kép võ... nào hàng phở, hàng thang cuốn, hàng kem... nào những đám “cát tê”, bất, chẵn lẻ ầm ĩ... Điều mơ màng la cà trong các chốn ấy với hai túi xóc xách những tiếng xu hào.
Gió mát thổi rộng. Các chòm cây rung lao xao, quạt dài lên mặt Điều. Điều thiếp dần.
Chợt Điều bò nhỏm dậy, dụi mắt nhìn ngơ ngác. Một vật gì vừa bò buồn buồn vào mũi Điều, vào tai Điều. Thì ra thằng Tý Sáu nó trêu. Điều phát cáu, nắm chắc tay, chực đưa một quả đấm móc vào quai hàm bạn. Tý Sáu tránh được, túm lấy cánh tay Điều, cười khì khì:
- Dậy đi thôi, mau lên, có tiền đây rồi.
Điều vội vàng:
- Đâu? Đưa đây ông xem.
Nhưng, khi thấy Tý Sáu luồn năm đầu ngón tay qua cái lỗ thủng ở túi áo mà vẫy vẫy thì Điều thuỗn mặt ra. Tý Sáu phá lên cười.
- Có nhưng phải dậy đi mới được chứ.
Điều nhăn mặt:
- Tao chịu thôi, mỏi chân lắm!
Tý Sáu giọng quả quyết:
- Không, gần ngay đây, mau lên đi.
Điều còn đang bỡ ngỡ thì Tý Sáu dìu cánh tay Điều kéo đi; cả hai đứa chạy lại đằng góc vườn. Đến gần bụi rậm, Tý Sáu ra hiệu bảo Điều đi rón rén chứ. Hai đứa bước chân rất nhẹ rồi cùng dừng lại. Theo ngón tay Tý trỏ, Điều chăm chú nhìn, tưởng ai, đó là một ông lão, đầu râu bạc phếch, mắt mù, quần áo rách mướp, ôm trong lòng một oái bị, một cái rá có một tảng xôi đã khô, mấy miếng thịt gà gặm dở và một con chó vàng ngồi dưới nách. Ông lão ăn mày mà Điều gặp luôn luôn đi rong các phố!
Điều vừa bực vừa buồn cười, thét lên. Con chó vàng nhảy xổ ra ngay, há rộng cái mõm tua tủa những ranh năng nhọn hoắt, sủa vang, cả hai đứa hoảng sợ ù té chạy.
Đã xa, thằng Tý níu cánh tay Điều bảo đứng lại. Mắt nó gờm gờm nhìn Điều:
- Mày là thằng đồ tồi!
Điều cáu hơn:
- Có mày ấy! Tưởng gì đi “trõm” của lão ăn mày.
Tý Sáu sùi bọt mép, lại chửi Điều mấy câu nữa. Đoạn, Tý Sáu vùng vằng đi ra chỗ khác. Điêu phải chạy theo, bá vai Tý ngọt ngào nói:
- Ê, ê có thế mà đã cáu rồi! Thế mày định kiếm chác gì với ông lão ấy nào?
Tý Sáu chau mày lại:
- Tiếc quá đến bao giờ mới được một món như thế?
Điều gạn hỏi:
- Món thế nào?
Tý Sáu rất nhanh:
- Món của ông lão ăn mày chứ còn món nào... một cọc xanh căng, một cọc hào đôi, một cọc hào con.
Điều cười dài:
- Lại trộ em rồi!
- Tao thề này!
Điều nghe giọng nói chắc chắn của Tý đã hơi tin.
- Rành rành mày trông thấy từng ấy tiền chứ?
Tý Sáu thong thả kể cho Điều nghe từ khi nó trèo sấu bị bắt vào bóp bến tàu trôn ra, chạy vào vườn hoa thì ông lão này lấy ra một túi vải con giấu ỏ dưới gói quần áo cất trong bị. Tý lạ lùng nhìn ông lão đếm xanh căng và hào. Thấy ông lão mù lại không cất trong người, Tý đã toan lấy, nhưng đếm tiền xong, ông ăn mày lại cất cẩn thận vào bị, ôm khư khư trong lòng. Gần đấy, có mấy ngươi phu lục lộ uể oải sửa các bồn cỏ. Không sao được. Tý phải đi tìm Điều để cùng Điều tìm cách làm con chó rời ông lão ăn mày và lấy món tiền đó. Tý Sáu vừa dứt lời, Điều mỉm cười nói:
- Như thế làm gì mà chả lấy được!
Vừa lúc ông lão ăn mày dắt chó từ trong bụi rậm ra, Tý và Điều đi ngay theo sau. Nhưng mỗi khi chúng chực đến gần ông lão, con chó vàng lại quay ngoắt lại vừa gầm gừ vừa day mõm vào chân chủ. Trước còn tưởng trẻ con nó trêu, sau thấy nó không gầm gừ nữa mà sủa váng chồm lên cái bị, ông lão ăn mày vội vàng một tay khua gậy, một tay ôm chặt lấy bị, vừa đưa con mắt sâu hoắm nhìn trước nhìn sau.
Đã tối trời, Điều và Tý vẫn đi theo ông lão ăn mày. Nhưng không thể nào đến gần người ông. Gần tám giờ, ông ta dắt chó về một phố sau chợ, rẽ sang một con đường nhỏ về một nghĩa địa. Sau cùng, ông len lỏi vào một xóm nhỏ, xóm của dân lão ăn mày.
Điều và Tý phải bỏ rời ông lão ăn mày có con chó quái ác nọ.

*

Một đêm đã khuya, hai đứa đang nằm ấm chỗ trong một chiếc ô tô hỏng, thằng Tý Sáu kéo Điều ngồi dậy. Nó vỗ vai Điều trỏ ra ngoài trời:
- Mày trông kìa, trời mưa to lắm.
Điều vừa ngáp vừa lè nhè đáp:
- Ôi, mặc kệ.
- Không được, phải đi với tao.
Điều nhăn mặt:
- Lại đi “trõm” lão ăn mày? Chịu thôi. Lão ấy tỉnh ngủ và con chó vàng dữ lắm.
Tý Sáu nhất định kéo Điều dậy:
- Không, đêm nay trời tối và mưa to, cả ngày nhọc mệt, chó và chủ phải ngủ, mình lấy phải được.
Điều bùi tai, nhận lời. Hơn nữa, tưởng đến lúc đếm chia nhau nào hào đôi, nào hào con những ánh tiền lấp lánh đầy lòng bàn tay, Điều càng ham thích.
Kim đồng hồ ở nhà thờ đã chập lại ở số mười hai. Dưới lớp mưa đổ ầm ầm. Điều và Tý Sáu đội chung một cái áo tơi trùm lên một cái nón. Chúng bì bõm lội qua bao nhiêu quãng đường ngập nước. Lắm lúc đến những quãng đường mờ mịt, Điều níu áo Tý Sáu, bảo trở về nhưng Tý Sáu nhất định kéo đi. Qua một cái chợ hoang, Điều và Tý phải xắn cao quần lên trước khi rẽ vào con đường lầy bùn. Trống ngực Điều bắt đầu nổi mạnh, rồi càng dồn dập, hơn cả mọi lần. Các vùng dứa dại um tùm vẳng lên những tiếng xào xạc trong tiếng gió gào thét. Điều yên lặng đi, đăm đăm nhìn về một góc vườn hoang càng quyết liệt với một ý muốn hắc ám phải lấy bằng được túi tiền của lão ăn mày. Qua khỏi bãi tha ma, Điều và Tý vòng đến sau chỗ ông già ở. Giờ chúng dò từng bước, sợ động tới tai con chó vàng quái ác.
Mưa đã ngớt. Vầng trăng xanh nhợt hé sáng qua lần mây xám mờ. Dưới vòm trời nặng nề, một cây gạo khổng lồ vươn rộng những cành lá lơ thơ trên những mái lá, mái kẽm phủ đầy chiếu rách.
Điều lắng tai nghe. Không một tiếng động ngoài tiếng gió vu vu. Tý Sáu đã rón rén đi lại gần gốc cây. Chợt nó dừng ngay bước, mày chau lại, đầu hơi nghiêng. Có tiếng lục sục dưới cái mái kẽm ở cuối dãy và tiếng cào lạo sạo lên lớp chiếu che làm cửa. Tý Sáu hồi hộp ngẫm nghĩ một lúc rồi quay gót. Nó ghé miệng vào tai Điều.
- Con chó vẫn thức mày ạ. Mà tao biết hai thằng mình khờ rồi. Ban ngày đi xin, ông lão ăn mày mới bỏ gói quần áo vào bị, chứ khi đi ngủ, thế nào bố già chả lẳn vào người. Mà bên bố lại có con chó tai quái kia thì có giời lấy được.
Chớp sáng bỗng vụt lên, vẻ mặt rắn lại của Điều thoáng hiện rõ rệt:
- Ức thật, hai thằng sáng mà lại chịu thua con chó của bố mù.
Tý Sáu dằn từng tiếng:
- Phải làm cho con chó quỷ quái nọ chết mới được.
Thằng này vừa dứt lời, con chó vàng đã sủa rống lên. Tấm chiếu rách từ trên mái kẽm rủ xuống mấy lần bật tung nhô hai chân trước và cái mõm nhọn hoắt những chiếc răng dữ tợn.

*

Lần này theo dõi ông lão ăn mày, Điều và Sáu vui sướng vô cùng. Nhưng chúng không sao khỏi bồn chồn khi đã về chiều, ông lão vẫn còn dong chó đi hết phố này sang phố khác, luôn mồm kêu xin. Ông ta tham quá. Lắm người sợ con chó vàng của ông nằm lỳ lâu trước cửa, phải mau mau cho ông hàng bát cơm hay cả một xu. Hình như ông muốn làm giàu với số tiền cóp nhặt ăn mày lòng thương của những người hiền từ. Chả thế mà ông có mấy cọc xu, hào khiến hai thằng tốn công theo dõi.
Thỉnh thoảng để đỡ sốt ruột, Điều lại muốn trêu con chó vàng cho nó sủa váng lên. Nhưng nó chỉ cúi gằm đầu, yên lặng dắt chủ. Có lẽ cả ngày đi, chiều rồi nó đã mệt. Điều nháy Sáu, giơ một gói tròn như quả cam ra dứ nó:
- Lại muốn ăn thức này phỏng. Hừ, gớm thật.
Thằng Tý Sáu vội cướp lấy gói nọ.
- Bố mày “lộ tẩy” thì mày chết với tao!
Điều mỉm cười thì thầm vào tai Tý:
- Dứ dần đi thì vừa. Cu cậu quen hơi thèm ăn chốc nữa mình càng chóng việc.
Con chó vẫn hếch mõm đón lấy cái mùi thơm ở gói tròn đưa ra. Hai lỗ mũi ướt đen nhánh của nó phập phồng, lưỡi đỏ thè lè liếm luôn quanh mép.
Điều lại nháy Tý:
- Hít nữa vào! Hít nữa vào!
Ông lão mù đã về chỗ ở. Ông vén cái chiếu rách lên chui vào cái lỗ tối mờ ấy. Vài phút sau ông đem một cái chiếu rách trải ra trước nhà. Ông đặt ở giữa chiếu một cái vỉ buồm và bốn chiếc bát to đã cờn miệng, ông đổ cơm, thức ăn vào bát đó. Bữa ăn bắt đầu giữa người và một con vật.
Ông lão ăn mày hễ và xong vài miếng cơm lại xúc một thìa nước canh đổ vào bát của con chó ngồi chồm chỗm đối diện chủ. Ông móm mém nhai, con chó cũng móm mém ăn. Chủ và tớ ăn rất ngon lành. Miếng xương có thịt nào nhằn ra là âu yếm đưa vào miệng con chó. Nó nhanh nhẹn đốp lấy nhai ngâu ngẩu, đoạn ve vẩy đuôi, thè lè cái lưỡi đỏ lăm le liếm tay chủ.
Bữa cơm đã xong. Con chó vẫn còn thèm thuồng. Nó lấm lét trông ông lão ăn mày bằng cặp mắt ướt đen nhánh, đuôi vật đi vật lại. Sau cùng, khi ông già chui vào “nhà” con chó vàng nhổm dậy, đến sục mõm vào mảnh vại nước gần đấy.
Điều vội vàng bửa nắm cơm bả quăng cho con chó. Hộc... hộc... hộc... Nhanh như chớp, con chó chạy lại vồ ngay lấy. Mà miếng ấy vừa nuốt xong, nó ngoạm luôn ngay miếng nữa, nhai nhau nháu như sợ bị tranh cướp.
Mắt Điều và Tý sáng quắc lên, trống ngực đập mạnh, đầu gối run run.
Mẩu cơm còn lại đã hết. Con chó vàng ưỡn dài cổ lên kêu nức mấy tiếng khẽ. Ở cái mõm há hốc của nó rãi rớt chảy tong tong. Và ở cặp mắt trắng dã nước ri rỉ chảy ra. Dần dần nó khuỵu xuống đất, hai chân trước cào sào sạo mặt đất, và nằm ềnh ra, bốn cang chổng lên, bụng trắng hếu thoi thóp. Ánh nắng vàng nhạt sắp tắt hẳn trên hai con ngươi ướt át của con chó ngoái trông ông lão ăn mày sau vài tiếng sủa ú ớ.
- Quít! Quít! Quít! Quít đâu rồi? Đâu rồi?!
Nghe tiếng chủ gọi con chó vàng bò nhổm dậy, nhưng chưa đứng lên được một giây nó đã nằm ềnh ra.
- Quít! Quít! Quít! Quít đâu rồi? Con ơi!...
Con chó vàng sủa lên vài tiếng khàn khàn đáp lại. Bốn chân nó nhoài mãi, nhoài mãi để đến kịp với ông già quờ quạng tiến lại phía nó. Bàn tay ông lão mù đã chạm vào lông con vật. Ông liền ôm choàng lấy nó, áp mặt vào mồm nó, vừa vuốt từ đầu xuống sống lưng nó.
Con chó vàng lại sủa lên mấy tiếng ú ớ nữa rồi nó thúc cái mõm há hốc đầy rãi rớt vào mũi ông già mù. Ông lão ăn mày chớp mắt mấy cái đoạn bê xốc nó vào lòng, vừa ghé mũi ngửi mồm nó. Trên cánh tay ông con chó dần duỗi mềm chân ra, rồi hai lòng trắng mắt đã trợn ngược lên lẩn vào làn da mỏng mọng nước. Con chó đã tắt thở.
Mặt ông già mù tái lại, ông hít vào luôn mấy cái, đoạn lùa tay vuốt xuôi lên bụng con chó. Nhưng trong phút chốc, bàn tay khẳng khiu của ông tuột xuống đất, đồng thời mắt ông chớp liên tiếp... từng giọt lệ mọng từ từ lăn trên gò má hốc hác. Gục mặt vào cái bụng căng thẳng của xác con vật cứng đờ, ông thở dốc lên mấy tiếng:
- Nó bỏ bả chết con Quít của tôi rồi! Tôi chết mất giời ơi!
Rồi ông ôm chặt lấy con chó vàng, nằm lăn ra đất. Cái bị quần áo của ông cũng lăn ra theo.
Một luồng khí lạnh chạy ran khắp người Điều. Điều run cầm cập lùi dần bước. Thì, nhanh như cắt Tý Sáu chạy đến cướp lấy cái bị. Điều vội nhắm mắt lại và quay mặt đi chỗ khác...
- Kìa! Điều ơi! Chạy đi.
Nhưng Tý Sáu ngạc nhiên vô cùng.
Điều giằng lấy cái bị và ném lại vào lòng ông già. Và Điều ôm lấy mặt lắc đầu nói:
- Con chó ấy chết thì ông lão chết mất! Ông lão chết mất! Tội nghiệp ông lão! Tội nghiệp cho ông lão...
1937

Xem Tiếp: ----