Dịch giả: Bảo Sơn
Phần thứ nhất -Chương 1

     húng tôi dạo ấy đương để tang mẹ chúng tôi mất hồi mùa thu, và mùa đông năm ấy trơ trọi có mấy người với nhau ở nhà quê, dì Cát, em Xuyến và tôi.
Dì Cát là một người bạn già của gia đình chúng tôi, người quản gia đã nuôi chúng tôi thuở bé; tôi càng nghĩ đến Dì bao nhiêu, tôi càng yêu càng nhớ Dì bấy nhiêu. Xuyến là em gái tôi. Chúng tôi ở một cái nhà cổ của chúng tôi ở Bắc [1]. Mùa đông năm ấy buồn quá. Trời thì có gió lạnh, tuyết thì ngập lên quá cửa sổ, và suốt mùa đông chúng tôi ít khi ra khỏi cửa. Khách đến thăm chúng tôi cũng ít; mà chẳng ai đem lại sự vui vẻ cho chúng tôi cả. Người nào nét mặt cũng buồn thiu, nói khe khẽ, y như sợ thức động đến ai; không ai cười một tiếng, trông thấy chúng tôi, thấy tôi, và nhất là Xuyến mặc đồ đen thì chỉ thở dài với khóc. Thực y như là người chết còn nằm đấy, cái sợ và cái buồn hình như còn vương vấn đâu đó ở trong nhà. Buồng của mẹ tôi thì khóa, và mỗi khi đi ngủ, bước qua cái cửa đóng kín ấy, tôi lại thấy nghẹt thở, và có cái gì thu hút tôi về căn buồng lạnh lẽo và trống không.
Lúc bấy giờ tôi mười bảy, và chính cái năm mẹ tôi mất, mẹ tôi định đưa tôi ra tỉnh ở để cho giao thiệp vời đời. Mất mẹ thực là cái khổ nhất đời tôi, và tôi cũng phải thú thực rằng ngoài cái đau khổ ấy ra tôi còn cảm thấy một điều khác nữa: theo lời mọi người thì tôi trẻ đẹp và tôi bất mãn vì lại phải sống thêm một mùa đông nữa ở nhà quê hiu quạnh, hoàn toàn vô vị. Về cuối mùa lạnh, cái cảm giác đau thương cô quạnh và lòng chán nản mỗi ngày một tăng lên đến nỗi tôi không buồn bước ra khỏi cửa buồng, rờ đến cái dương cầm và mở đến quyển sách nữa. Khi dì Cát khuyến khích tôi làm việc này việc nọ, thì tôi đáp: “Tôi không thích làm, tôi không thể làm được”, mà trong lòng tôi thì nghĩ thầm: “Làm để làm quái gì khi những năm tươi đẹp nhất đời mình bị trôi đi một cách hoàn toàn vô ích? Làm để làm quái gì cơ chứ?” Và tôi chỉ còn biết khóc để trả lời những câu: “Để làm quái gì” ấy.
Người ta bảo lúc ấy tôi gầy và xấu đi, tôi cũng chẳng cần. Để làm cái quái gì? Cho ai?... Cả cái đời tôi hình như là phải giam hãm trong cái xó xa xôi trong cái cảnh đau buồn không thuốc nào chữa khỏi này, mà một thân một mình, tôi không còn đủ sức hay còn muốn thoát ra khỏi nữa. Đến cuối đông, dì Cát lấy làm lo lắng cho tôi và nhất định thế nào cũng đưa tôi đi xa. Nhưng muốn vậy thì phải có tiền, mà chúng tôi thì không biết di sản của mẹ tôi còn để lại cho được bao nhiêu; hết ngày này sang ngày khác, chúng tôi đợi người đỡ đầu của chúng tôi đến để thanh toán mọi việc.
Mãi tháng Ba người ấy mới đến.
Hôm ấy tôi đương đi thơ thẫn trong vườn từ góc nọ ra góc kia, như một cái bóng, đầu óc trống rỗng chẳng nghĩ ngợi thiết tha gì cả, bỗng dì Cát đến bảo tôi:
- Thực là trời phù hộ cho mình: Ông Sách đã đến, ông ấy cho người lại hỏi tin tức chúng mình và hẹn lại đây ăn cơm.
Dì Cát lại nói thêm:
- Mai phải cất nhắc lên một tí chứ, nếu không ông ấy sẽ nghĩ ra làm sao? Ông ấy yêu Mai lắm kia đấy!
Sách là một người láng giêng ở ngay cạnh chúng tôi, lại là một người bạn của thầy tôi. Sách đến làm cho chúng tôi có hy vọng rời khỏi nhà quê, vả lại ngay từ thuở bé tôi đã yêu mến và kính trọng Sách rồi; Dì Cát đã đoán trúng khi nói: trong số những người quen thuộc chỉ có đối với Sách là tôi muốn phô bày tất cả cái hay cái đẹp của mình ra. Tất cả mọi người trong nhà, từ Dì Cát và em Xuyến cho đến anh đánh xe ngựa, theo thói quen đều mến Sách, nhưng đối với tôi, Sách còn tiêu biểu một cái gì khác nữa, vì một lời nói của mẹ tôi trước mặt tôi. Mẹ tôi đã ngỏ ý mong cho tôi lấy được một người chồng như Sách. Thành thử tôi thấy ngạc nhiên và nghe chướng tai nữa, vì người chồng lý tưởng của tôi thì khác hẳn, người mảnh dẻ, xanh xanh, và buồn. Còn Sách thì tôi coi hình như trẻ hơn, cao lớn, khỏe mạnh và bao giờ cũng vui vẻ, nhưng dù sao thì lời nói của mẹ tôi cũng ám ảnh tâm tưởng tôi. Và sáu năm trước, khi tôi mới mười một tuổi, Sách còn xưng hô mày tao với tôi, chơi đùa với tôi và gọi tôi là con bé hoa tím. Đã có lần tôi dám tự hỏi nếu đột nhiên Sách muốn lấy tôi làm thế nào?
Sách đến vào trước bữa ăn, hôm ấy Dì Cát làm thêm một món bánh kem và một món rau nấu xốt. Trông qua cửa sổ, tôi thấy Sách đi xe đến; khi xe vừa rẽ quẹo đi một cái tôi vội vàng chạy ra phòng khách, làm ra vẻ tình cờ gặp Sách, nhưng khi tôi nghe thấy tiếng Sách và bước chân của Dì Cát ở phòng ngoài, tôi không thể cầm lòng không chạy ra đón được. Sách đương cầm tay Dì Cát, cười và nói lớn. Trông thấy tôi, Sách im bặt ngay lại và ngắm tôi một lúc lâu quên cả chào. Tôi thấy ngượng và đỏ mặt lên.
Sách giơ hai tay ra, tiến về phía tôi nói bằng một giọng tự nhiên và quả quyết:
- A! Có lẽ nào. Cháu đấy à? Sao lại có thể thay đổi đến thế được? Trông lớn lắm rồi! Thực là bông hoa tím! Đúng là một bông hoa tím!
Tay Sách nắm lấy tay tôi thân mật, mạnh và chặt đến nỗi tôi gần thấy đau. Tôi nghĩ chắc Sách sẽ hôn tay tôi, tôi khẽ nhích người một chút, nhưng Sách vẫn có những thái độ chất phác, có vẻ mặt sáng sủa nhưng hơi thô, đôi mắt thông minh và cái cười nhã nhặn nhưng hơi trẻ con.
Năm phút sau, đối với tất cả mọi người, ngay cả với những người ở, Sách không còn là một người khách đến chơi nữa, mà là một người nhà; xem cách những tôi tớ hầu Sách thì đủ biết là thấy Sách họ vui vẻ lắm.
Sách không giống các bà các ông láng giềng khác, sau khi mẹ tôi mất, tưởng rằng đến thăm chúng tôi thì bắt buộc phải lặng thinh, hay phải khóc lóc; trái lại Sách tỏ ra lắm mồm, lắm miệng, vui vẻ, mà không đả động gì đến mẹ tôi cả, đến nỗi lúc đầu tôi thấy một người bạn thân đến như thế mà có thái độ lãnh đạm ấy thì thực là lạ lùng và bất nhã quá; về sau tôi mới hiểu không phải Sách lãnh đạm, nhưng Sách thành thực và không có tính câu nệ. Buổi chiều, đến giờ uống nước trà, Dì Cát vẫn quen lệ ngồi chơi ở chỗ cũ trong phòng khách, như hồi mẹ tôi còn sống, để hầu trà; em Xuyến và tôi ngồi cạnh Dì Cát; lão Goa đem cho Sách cái điếu tẩu cũ của thầy tôi, nhân dịp hôm ấy mới lại đem ra dùng; còn Sách thì vẫn giống như ngày trước, cứ đi đi lại lại ở trong phòng.
Sách bỗng đứng lại nói:
- Mỗi khi nghĩ đến, lại thấy có những sự thay đổi ghê gớm ở trong cái nhà này!
Dì Cát vừa đậy nắp cái ấm đun nước lại vừa nhìn Sách, muốn khóc, thở dài rồi đáp:
- Vâng.
Sách nói với tôi:
- Chắc cháu nhớ thầy cháu?
Tôi trả lời:
- Thưa ít lắm ạ.
Sách nhìn tôi lẩm bẩm nói, vẻ mơ màng:
- Nếu thầy cháu còn tới ngày nay thì thực là hay cho cháu biết mấy!
Rồi Sách lại nói thêm, khẽ hơn, và tôi thấy hình như mắt Sách sáng lên:
- Chú mến thầy cháu lắm!
- Và ngay cả mẹ cháu nữa, Trời cũng bắt đi mất!
Dì Cát vừa nói dứt, đặt ngay cái tách trà xuống để rút khăn tay ra và òa lên khóc.
Sách quay đi và nhắc lại:
- Ừ những sự thay đổi trong nhà này thực là ghê gớm.
Ngừng lại một chút, Sách lại nói:
- Xuyến đem đồ chơi ra đây xem nào.
Nói xong Sách đi ra phòng khách. Khi Sách đi khuất rồi, tôi rưng rưng nước mắt nhìn Dì Cát.
Dì Cát nói:
- Thật là một người bạn tốt quá!
Quả thực tôi thấy một người tốt như vậy mà trong lòng phấn khởi và bình tĩnh lại.
Chúng tôi nghe thấy tiếng em Xuyến kêu la và tiếng của Sách trêu đùa từ phòng khách đưa lại. Tôi bảo người nhà bưng nước trà cho Sách; chúng tôi thấy Sách ngồi vào trước dương cầm và cầm ngón tay của em Xuyến đập lên phím đàn.
Rồi có tiếng Sách gọi:
- Mai ơi! Lại đây, đánh một bản đàn gì nghe nào!
Thấy được một người trên đối đãi thân mật như thế, tôi thích lắm; tôi đứng lên đi vào phòng khách.
Sách mở tập nhạc của Beethoven [2] ra chỉ một bản bảo tôi:
- Cháu đánh bài này đi. Thử xem chơi ra làm sao nào.
Sách nói rồi vừa cầm chén trà ở tay vừa đi ra một góc phòng.
Không hiểu vì sao đối với Sách tôi thấy không thể từ chối được, mà cũng chẳng nói dáo đầu rằng ngón đàn của tôi còn kém lắm; tôi ngoan ngoãn ngồi vào trước cái đàn, đem hết tài ra đảnh, lòng phấp phỏng không biết Sách nghĩ ra làm sao, vì tôi biết Sách thích và hiểu âm nhạc. Bản đàn thích hợp với tâm tư tôi lúc bấy giờ, sau khi chúng tôi vừa nói chuyện với nhau xong, và tôi chắc là tôi chơi không đến nỗi dở lắm. Nhưng Sách không để cho tôi đánh đoạn sau, vừa lại gần tôi vừa nói:
- Không, đoạn này cháu chơi không hay được đâu, thôi để đấy; quãng đầu không đến nỗi dở, hình như cháu cũng hiểu âm nhạc.
Lời khen phải chăng ấy làm tôi vui mừng khoan khoái đến nỗi đỏ cả mặt lên. Thực là một điều mới lạ đối với tôi, và tôi rất dễ chịu thấy một người bạn, một người ngang hàng với thầy tôi, nói chuyện riêng với tôi một cách đứng đắn, và không coi tôi trẻ con như ngày trước nữa. Lúc ấy Dì Cát đã đưa em Xuyến lên gác ngủ, chỉ còn có hai chúng tôi ở trong phòng khách.
Sách nói về thầy tôi, về cái quãng đời sung sướng hai người đã sống với nhau hồi trước, khi tôi hãy còn mải học và ham chơi và trong câu chuyện của Sách, lần đầu tiền tôi biết thầy tôi là một người giản dị và dễ thương lắm; thế mà trươc tôi không biết gì cả. Sách hỏi tôi có những sở thích gì, đọc những sách gì, có ý định làm gì và Sách khuyên bảo và khuyến khích tôi. Tôi thấy Sách không còn là một người hay pha trò, nói khoác, thích trêu chọc tôi và bày ra những trò chơi với tôi như hồi tôi còn nhỏ nữa, nhưng là một người nghiêm trang giản dị và đáng mến. Tự nhiên lòng tôi thấy vừa kính vừa mến Sách. Khi nói chuyện với Sách, tôi thấy hoạt bát, vui vẻ nhưng dầu sao vẫn có vẻ ngường ngượng. Tôi hễ nói là y như lại run run; tôi cố làm thế nào để xứng đáng với lòng Sách thương mến tôi vì tôi là con gái của bạn Sách.
Dì Cát cho em Xuyến ngủ rồi, lại xuống với chúng tôi; dì phàn nàn với Sách rằng từ khi mẹ tôi chết, tôi đâm ra thờ thẫn không muốn làm gì cả.
Sách lắc đầu tỏ ý không tán thành, và cười bảo:
- Thế mà cháu Mai đã giấu tôi đều cốt yếu ấy.
Tôi đáp:
- Thưa có gì đâu mà nói, cứ kể ra thì cũng phiền nhưng chắc nó cũng qua đi.
Sự thực tôi đã có ngay cảm tưởng rằng không những tôi sẽ hết ưu phiền, mà hình như tôi không ưu phiền bao giờ cả.
Sách nói:
- Không chịu nổi cảnh cô đơn hiu quạnh thì không tốt. Cháu đã hẳn là một thiếu nữ chưa?
Tôi cười đáp lại:
- Hẳn chứ ạ!
- Không, nếu cháu chỉ cốt sống để được người ta ca tụng thì xấu lắm; vừa mới bị cô đơn đã chuốc lấy những điều ưu phiền, không còn cho đời là vui nữa, cháu chỉ cốt chưng bày bề ngoài thôi, còn đối với chính cháu thì chẳng có gì cả.
Tôi nói để mà nói:
- Ý kiến của chú về cháu lạ quá!
Sách im lặng một lúc rồi nói:
- Không! Cháu giống thầy cháu, không phải là không hay đâu; cháu có một cái gì...
Sách âu yếm nhìn tôi khiến cho tôi khoan khoái và hơi ngường ngượng.
Chỉ có lúc ấy tôi mới nhận thấy, ngoài cái nét mặt thoạt mới trông thì vui vẻ, Sách lại có một cái nhìn đặc biệt nữa là lúc đầu thì rất trong trẻo, nhưng dần dần trở nên chăm chú và buồn buồn.
Sách nói:
- Cháu không nên buồn mà cũng không được buồn. Cháu biết âm nhạc để tiêu khiển này, cháu có sách để xem này, cháu lại có cả một cuốc đời ở trước mắt cần phải lo chuẩn bị nữa, kẻo sau này lại hối hận. Để một năm nữa thì hỏng hết.
Sách nói với tôi như một người cha hay một người chú, nhưng tôi thấy Sách có ý giữ mực ngang hàng với tôi. Tôi vừa tức thấy mình bị coi như người dưới, lại vừa thích thấy Sách biết điều thay đổi thái độ riêng đối với tôi.
Rồi Sách bàn tính công việc với Dì Cát từ đấy cho đến khuya, xong việc Sách lại cầm tay tôi, nói:
- Thôi, chú về đây.
Dì Cát hỏi:
- Bao giờ chúng tôi mới lại được gặp ông?
Sách vẫn không rời tay tôi, đáp:
- Đến ra Giêng; bây giờ tôi đi về Đàn Lư dã (Đàn Lư là một gia sản khác của chúng tôi); tôi xem tình hình ra làm sao để thu xếp công việc, rồi tôi về Mốt-Cu lo công việc riêng của tôi; sang hè thì chúng ta có thể gặp nhau luôn.
Tôi hết sức buồn bã hỏi:
- Tại sao lại lâu thế mới gặp nhau?
Sự thực tôi đã nuôi cái hy vọng gặp nhau hằng ngày, nay bỗng nhiên tôi cảm thấy lo lắng buồn rầu, sợ rồi tôi lại âu sầu phiền muộn. Chắc những tình cảm ấy đã lộ ra ở mặt và ở giọng nói của tôi.
Sách nói, giọng đối với tôi có vẻ lạnh lùng quá:
- Này, phải; cháu hãy làm việc đi đấy nhé, đừng có chán nản nhẻ!
Rồi không nhìn tôi Sách vừa buông tay tôi ra, vừa nói tiếp:
- Ra Giêng, chú sẽ khảo lại đấy.
Đêm hôm ấy Dì Cát và tôi khó ngủ quá; chúng tôi không nói gì đến Sách cả, nhưng tính chuyện đến mùa hè sẽ làm gì và đến mùa đông sau sẽ ở đâu. Tôi không nghĩ tới cái câu đáng sợ: “để làm quái gì” kia nữa. Tôi thấy hết sức giản dị và rõ ràng rằng tôi phải sống để được sung sướng, và chắc rằng tương lai tôi có nhiều hạnh phúc lắm. Thực y như là cái nhà cổ, tối om ở Bắc của chúng tôi bỗng nhiên đầy hào quang và sinh khí.
Chú thích:
[1] Pokrowkoé.
[2] Một nhạc sĩ người Đức.