CHƯƠNG 13

     ai anh em ông cả Khang, ông Mạc đứng ở cổng cúi đầu chắp tay vái người mặc lễ phục áo dài rộng, khăn đóng xanh, thắt lưng đỏ, mang giày trắng, cầm mâm quả đi đầu. Những người khác cũng khăn đóng áo the dần bưng những mâm quả khác phủ nhiễu đỏ, lấp lánh ren vàng bước theo sau.
 Đám đông ùn ùn chạy theo, cũng đã bám kịp đàng trai, lại bắt đầu xô đẩy cãi nhau chí choé, đoán già đoán non xem người đứng đầu mang gì trong mâm quả mà trang phục đẹp đẽ uy nghi hơn hết thảy người đi sau?. Kẻ cho đó là cặp đèn, kẻ đoán trà rượu, kẻ bảo bánh trái cũng có kẻ hăng lên dám cược cả một ngày làm thuê để chỉ đoán trong mâm quả đi đầu ắt hẳn là nữ trang.
Cứ thế lễ vật nhà trai lần lượt được mang vào nhà gái. Áp chót hai người cầm lọng, bốn người khiêng mâm trầu, bốn người khiêng hủ rượu, sau rốt bốn người khiêng chú lợn nằm trong cái củi.
Nãy giờ dì Lam sốt ruột cứ nghểnh cổ  ra nhìn, tìm kiếm chú rể. Dì lần lượt  nhận ra chú Sinh, ông bà mai  trong đoàn người và ô kìa chú rể đây rồi! Dì chắc  thế vì chàng nổi bật giữa đám đông, trang phục vóc dáng đẹp đẽ đang bước vào nhà.
Khi nhìn thấy hai anh em ông hương trưởng trịnh trọng vái chào một mệnh phụ phu nhân đi bên cạnh chú rể, dì hiểu ra, vội ân cần chạy lại dìu bà đến cái trường kỷ bóng loáng đặt giữa căn phòng đèn hoa thắp sáng lộng lẫy.
Bà Chánh đã an vị, không khí bỗng trở nên trầm lắng hơn, chỉ có tiếng thì thầm. Mặc áo gấm, vấn khăn nhung nâu đỏ, vóc dáng bệ vệ bà tỏ ra là người có cái uy ngầm dù chưa thốt lên lời nào.Quầng mắt bà  hơi thâm nhưng ánh nhìn rạng rỡ, có một chút gì đó nôn nóng chờ đợi. Tùng đứng giữa chú Sinh và Dân em họ con của chú, làm rể phụ. Mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía chàng. Từ khi bước lên thuyền, Tùng hành động như một con rối dưới sự điều khiển của chú, giờ đã thấm mệt muốn lại gần mẹ ngồi nghỉ thì nghe chú Sinh nhắc nhở:
_Xin chú rể khai trầu rượu cho!
Người đi đầu đoàn, người lúc nãy mang lễ cưới tiến lại gần Tùng dâng cái mâm quả có phủ nhiễu đỏ. Đã được chú dặn dò cẩn thận, Tùng trịnh trọng mở khăn ra, nhấc cái hộp đỏ  có hai ngăn tiến lại gần bàn thờ tổ tiên đặt xuống. Dân, là rể phụ bước tới, nhấc cái nậm rượu ở ngăn trên rót rượu vào hai cái chén chung đặt vào cái khay trong đó có têm sẵn hai miếng trầu cánh phượng, hai miếng cau trao cho Tùng. Chú Sinh quay lại mọi người, cất giọng nghiêm trang:
_Thưa  các vị niên trưởng, tộc trưởng ông bà thân gia đàng gái,  y kỳ đính ước hôm nay đàng trai đã đem lễ vật sang quý phủ xin được làm lễ nghinh thân.
 Vừa dứt câu, ông đưa tay nhấc cái khay ở ngăn dưới. Trên khay có một cái đĩa men màu lam thật đẹp trang trí hình long phụng lấp lánh đầy những món trang sức đủ kiểu. Ông vừa đưa qua đưa lại trước mặt mọi người vừa trình bày:
_Dạ đây là đôi bông tai hột xoàn, dạ đây là đôi xuyến ngọc, còn đây kiềng vàng, nhẫn vàng…Tất cả đồ nữ trang này tôi đại diện nhà trai, tâu trình với hai họ xin được tặng cô dâu, kính mời bên gái thâu nhận để cô dâu đeo, lát nữa làm lễ từ đường ạ!
. Dì Lam bước lại cúi đầu cảm tạ nhận lễ vật bằng cả hai tay. Tay dì cứ run lên khi nhìn thấy các món nữ trang. Quả thật đẹp quá! Không thể tưởng tượng được. Vân Sa nhà này đúng là có phúc thật!
Tùng đứng như trời trồng, cứ hết nhìn bàn thờ lại nhìn mọi người lăng xăng giở mấy mâm quả, đèn, trà rượu.
Lễ vật gồm mười hai mâm để đầy ngợp phòng thờ. Ông cả Khang loay hoay tự gắn đôi đèn cưới màu đỏ chạm rồng phượng với thái độ rất trang trọng không cho ai chạm tay vào. Ông Mạc lại gần Tùng ghé tai thì thào:
_ Con lại ngồi với mẹ đi con. Đứng làm gì cho mỏi. Khi nào lên đèn, thắp nhang hẵng hay.
Tùng nhìn cha vợ tương lai ngượng nghịu đáp:
_Dạ thưa không sao đâu ạ! Con đứng đây nhìn cho biết. Con ít khi có dịp tham gia một đám cưới nào kỹ càng nên đến lượt mình cứ thấy vụng về sao ấy!
Ông Mạc mỉm cười ngắm con rể ra chiều hết sức hài lòng. Ông thấy quá đỗi tự hào. Thật ra ông không dám mơ sẽ có một người rể như Tùng. Bên ngoài mọi người xầm xì bàn tán. Ông thừa biết họ nói gì bàn gì. Họ cũng như ông thôi! Tận mắt nhìn đám cưới tưng bừng như lễ hội, mọi người hầu như không còn thắc mắc tại sao bây giờ mới nhìn thấy chàng, tại sao gia đình ông lại tiến hành đám cưới vội vã. Tất cả đã được xí xoá cho qua một cách dễ dàng.
Bỗng giọng ai đó hô to:_Đứng dạt ra cho cô dâu bước vào nào!
Tùng quay đầu lại, mọi người tự động đứng ra hai bên thành một lối nhỏ.
Óng ả thướt tha, Vân Sa bước ra khẽ cúi chào mọi người nhưng không ngước lên nhìn ai cả.
Nãy giờ Dân cố tìm xem ai là dâu phụ nhưng khi Sa bước ra chàng quên ngay không tìm dâu phụ nữa, cứ ngẩn người nhìn cô dâu chính, ngạc nhiên sửng sốt như thể không tin vào mắt mình. Cô em họ được chỉ định là dâu phụ cho có, lùi vào trong đứng nép mình khiêm tốn lặng lẽ nhìn đám cưới diễn ra. Mọi người xuýt xoa trầm trồ. Tùng cũng đang nhìn Sa không chớp mắt. Là người sống lâu ở kinh thành nên sự dịu mềm của  váy lĩnh hoa chanh, thắt lưng lá mạ quấn quanh vòng eo thon như buông lơi không phải cái chàng chú ý. Bản thân cô dâu toát ra một ma lực khiến một người đã từng tiếp xúc với biết bao quốc sắc thiên hương như Tùng cảm thấy xao động. Chưa bao giờ chàng bị choáng như thế!
Bà Chánh lúc này mới đứng lên tiến lại gần sờ tay vào cái kiềng vàng nổi bật trên cái cổ cao thon trắng ngần, nhìn ngắm đôi xuyến ngọc và hoa tai lấp lánh trên làn da trắng mịn như bông không thể giữ vẻ nghiêm trang thêm được nữa bà vuốt má cô dâu khẽ mỉm cười. Bây giờ thì bà tin vào cặp mắt và những điều tâm sự của chồng khi thuyết phục bà chấp nhận một nàng dâu bà chưa hề biết mặt. Đang hân hoan phấn chấn bỗng chú rể phụ cầm cái đĩa trên có hai cái nhẫn đến gần cô dâu. Nhìn thấy cô dâu cứ cúi gầm mặt không động đậy không dám ngửng lên nhìn, bà đoán cô dâu e thẹn ngượng ngùng. Vừa lúc  ông cả Khang mồi lửa vào đôi đèn cưới, hai ngọn nến bừng cháy thật nhanh chóng. Bà Chánh nhón cái nhẫn trên dĩa, cầm tay Vân Sa khẽ khàng đeo nhẫn cho nàng. Rồi bà nhón cái nhẫn còn lại quay qua cầm tay Tùng đeo nhẫn vào cho chàng. Cử chỉ điềm đạm chừng mực. Mọi việc xảy ra quá nhanh chóng khiến Tùng cứ đờ người ra.Chỉ khi chú Sinh bấm nhẹ tay chàng mới giật mình nhớ ra những gì mình phải làm. Chàng bước lại gần Vân Sa. Ông hương trưởng chỉ dẫn cả hai sánh vai bước tới trước bàn thờ làm lễ từ đường. Lúc này Sa hơi ngước lên thoáng thấy cái áo gấm xanh của vị hôn phu chập chờn bên cạnh mình, cái áo gấm y hệt cái áo bác cả mặc hôm xử chị Lạc, nỗi mệt mỏi chán chường nãy giờ cố hết sức để kìm giữ lại, bỗng bừng bừng như thể không chịu đựng thêm được nữa. Hai chân nàng bắt đầu run lên bần bật, nhưng may quá bác Cả nhắc nàng hãy lạy ngồi.Tiếng bác Cả cứ dõng dạc vang lên trong không khí trang nghiêm im phăng phắc, “nhứt bộ nhứt bái”.
Theo tiếng hô Tùng bước tới quỳ chân phaỉ xuống, hai tay chống gối rồi rút chân phải về cúi đầu lạy. Đoạn chàng lại dựng gối trái lên chống hai tay lên gối, đứng lên xá một cái rồi khởi lạy tiếp. Vân Sa  lạy ngồi  “chè he” nên cũng không rườm rà lắm, nàng không để ý mình phải lạy bao nhiêu cái, có ăn rập gì với chú rể không?. Cuối cùng phận sự của hai người cũng xong, Sa cố gắng gượng đứng lên nhưng không được, hình như chú rể đang tiến lại phía nàng thì phải. Nàng tránh không ngước nhìn  nhưng hai tà  gấm xanh lấp lánh ánh bạc của chú rể lại đập vào mắt nàng. Mắt hoa lên rồi tất cả mờ đi…
Thấy Sa loạng choạng Tùng vội trờ tới. Sa xỉu ngã về phía chàng. Cái va chạm nhẹ, mùi hương từ làn tóc nàng khiến Tùng bấn loạn bủn rủn một thoáng. Dì Lam vội chạy tới đỡ kịp Sa, dìu nàng vào phòng. Ông Khang chạy lại trấn an Tùng:
_Không sao đâu con! Em nó khoẻ lại ngay ấy mà! Thôi con thay Vân Sa tiếp khách đi con.
Tùng lo lắng hỏi:
_Cô ấy có đau ốm gì không? Sao trông mệt mỏi thất thần vậy bác?
Bác cả gái xen vào:
_Cháu đừng lo! Cái ngaỳ trọng đại này nếu không biết giữ gìn sức khoẻ các cô dâu hay bị đuối sức lắm! Nhất là em nó từ trước tới giờ cũng không được dai sức. Có lẽ mấy bữa nay thức trắng hồi hộp lo lắng đó mà! Cháu thông cảm cho em nó nhé!
Tuy chứng kiến sự việc xảy ra bất ngờ nhưng mọi người không ai nao núng. Họ vẫn nói chuyện cười đùa uống trà ăn bánh vui vẻ, Tùng cũng vậy. Không hiểu sao lòng chàng lúc này lại nhẹ nhõm đến lạ kỳ, điều chàng không ngờ tới.  Hồi sáng thấy vẻ mặt hạnh phúc của mẹ Tùng nghĩ rằng mình sẽ gắng vượt qua sự chán nản tuyệt vọng khi phải lấy người mình không hề quen biết mặc dù điều này ắt hẳn sẽ không dễ chịu chút nào! Tất cả những gì chàng thực hiện cho đám cưới này chỉ vì cha mẹ và dòng tộc. Làm như vậy đâu có khác gì một hành động mạo hiểm hay đánh một canh bạc? Hy vọng sẽ mau thoát khỏi cái cảm giác “phải chịu đựng” đã là may lắm rồi! Cũng lạ thật! Chưa bao giờ chàng có biểu hiện như lúc nãy. Có phải lần đầu va chạm với phụ nữ đâu? Làm ngự y trong triều, bệnh nhân nữ nhiều hơn nam mà! Đang phân vân ông Mạc tiến lại thì thào: “Đi theo bố lần lượt chào mọi người đi con! Trà nước một chút còn chuẩn bị đưa dâu cho kịp giờ tốt”.
Tùng bước theo ông Mạc đi từng bàn nhận lời chúc tụng. Cả thảy tiệc cưới có mười bàn. Không kể đàng trai, khách khứa thân thuộc khoảng năm mươi người. ông không mời nhiều khách. Khách mời do anh ông, hương trưởng Khang chọn lọc kỹ càng.  Họ đều là người có chức sắc máu mặt trong làng hay là những kẻ sĩ có tiếng mẫu mực trong vùng mới được dự đám cưới. Hơn ai hết ông hiểu con gái ông thật may mắn mới lọt vào mắt xanh của quan ngự y, giờ mới được về làm dâu nhà ấy. Ông không thể để mọi người bình phẩm gia đình ông chỉ giàu chứ không sang, không xứng với người ta. Quả thật bà xui gia nãy giờ tỏ rõ là bậc mệnh phụ. Bà đi đứng ngay thẳng, ngồi cũng khoan thai, ít nói ít cười, có hỏi mới nói. Cử chỉ điềm đạm êm thắm hoà dịu, giọng nói rõ ràng mà thanh.
Ông Mạc vừa tiếp khách vừa lén nhìn bà xui. Bà Chánh thỉnh thoảng nhấp ngụm trà, ăn tấm bánh bác Cả gái mời…thế thôi!
Ông và con rể đi từng bàn. Đi tới đâu cũng nhận được sự thăm hỏi ân cần cùng với những ánh nhìn ngưỡng mộ dõi theo. Cô dâu mệt không cùng chú rể tiếp khách nên Tùng càng nổi bật. Đi bên cạnh chàng rể, lòng ông Mạc như nở hoa. Càng hãnh diện ông càng cảm thấy lo lắng không biết con gái ông có làm tròn vai trò vợ hiền dâu thảo hay không? Thoạt mới nhìn Tùng, ông mừng hết sức! Thấy chàng giản dị ông cũng bớt lo. Chính ông cũng không giải thích được tại sao một trang nam nhi tuấn tú công danh sáng chói nơi kinh thành lại là con rể ông? Tại sao cha Tùng lúc đó còn đương triều lại chọn con gái ông mà không phải con gái của bậc quyền quý ngang hàng với gia đình ông ta?. Nghe đồn rằng ngoài tài chữa bệnh cứu người, ông sui gia còn là người bấm độn coi tướng số kinh dịch rất hay. Hôm trước, khi cùng bàn bạc hôn lễ, chú Sinh có kể đến tài bấm độn siêu việt của quan ngự y khi còn sinh thời. Rằng là có một người mất số tiền rất lớn, trong nhà gia nhân con cái đông đến hàng mấy chục không thể nghi ngờ cho ai nên hốt hoảng tìm đến ông nhờ bấm độn xem. Ông nhẩm tính rồi phán: “Số tiền ấy vẫn còn trong nhà! Nó nằm ở nơi nước không có nguồn chảy qua”
Người mất của ngơ ngác hỏi: “ Sao nước lại không nguồn? Vậy ra ở đâu?”
Quan ngự y suy nghĩ một hồi rồi nói: “Ông mau về tìm ở trên cái máng nước mái nhà ấy! Nước mưa từ trên trời rơi ngay xuống đó làm gì có nguồn?” Người kia về làm theo y lời, quả số tiền ở đó! Người đánh cắp chưa tẩu tán đi xa được đành giấu tạm đấy! Nghĩ tới đây ông Mạc thấy trong lòng mạnh mẽ tự tin hơn. Một người như vậy không thể lầm tướng Vân Sa được! Mặc dù bây giờ con này tỏ ra bướng bỉnh nếu không nói cứng đầu cứng cổ khó dạy!. Ông quên tuốt luốt cái vụ cống Hải làm ông bực mình, cũng không lo Vân Sa sẽ làm gì đó khiến đám cưới bị trục trặc. Hồi nãy nó xỉu chắc tại mệt mỏi căng thẳng, mình hạc xương mai nắng không ưa mưa không chịu giống mẹ nó lúc sinh thời thế cũng thường, chẳng có gì đáng lo. Một bàn tay đập khẽ lên vai khiến ông giật mình quay lại. Chú Sinh chỉ tay về phía bàn bà sui nói:
_Anh và cháu đi hết một lượt rồi, giờ lại đấy ngồi nghỉ đi.
Ông Mạc muốn đứng gần con rể để trò chuyện nên hơi ngần ngừ. Thấy vậy Tùng lên tiếng:
_Bố lại bàn mẹ con ngồi đi ạ! Chút con lại sau. Để con đến chỗ mấy người hồi nãy bưng lễ cảm tạ rồi nhờ họ chuẩn bị võng có lọng che cho mẹ con và em Sa.
Ông Mạc gật đầu ngay.
Ông hương trưởng tiếp thêm trà vào tách mẹ Tùng, còn ông Mạc cầm đĩa trầu têm cánh phượng ân cần mời bà. Bà nhận dĩa trầu cau nhưng đặt xuống trước mặt nói:
_Được, ông cứ để tôi tự nhiên. Người nhà với nhau rồi khách sáo làm gì!
Nói rồi bà nhìn về phía trong, nơi lúc nãy dì Lam dìu Vân Sa vào, hỏi khẽ bác cả gái:
_Cô dâu có sao không? Nếu còn mệt sang giờ mùi đi cũng được, cứ gì phải đúng giờ? Bày vẽ!
Mọi người đồng loạt phản đối. Ông cả Khang kêu lên:
_Ôi không được đâu bà ạ! Cái giờ đưa dâu quan trọng lắm. Chúng tôi lo là lo cho bên trai đó.
Dì Lam trấn an:
_Sa nó chỉ mệt chút thôi mà! Đang thay trang phục cô dâu ở trong ấy. Chút nữa đi võng có lọng che  đến bờ sông đã ngồi thuyền rồi, mệt nhọc chi đâu!
_Ấy tôi lo là lo khúc đó đó! Không biết cô dâu sao chứ tôi ngại ngồi thuyền lắm. Thấy nước cứ chóng mặt. Nói ông bà đừng cười chứ đời tôi tuy ở gần sông nhưng ít đi đò lắm!
Hàn huyên một lúc đã đến giờ đưa dâu. Vân Sa lại xuất hiện trong bộ lễ phục mới.. Một tay mân mê mép áo rộng màu xanh tay kia xách nón quai tơ (quai thao) đứng lặng cúi đầu nhìn mũi hài cong cong thêu chỉ ngũ sắc, tránh nhìn bất cứ ai. Tất cả mọi người lục tục đứng lên. Mọi cắp mắt lại dồn về phía nàng. Sa biết rõ thế nên dù muốn liếc nhìn ra ngoài để tìm kiếm Hải trong đám đông nhưng lại không dám. Nàng băn khoăn không hiểu Hải nghĩ sao nếu thấy mình trong cảnh lụa là chải bới gọn gàng như thế này?

 

Hải đứng chờ trên bãi cỏ, cách đoàn thuyền hoa không bao xa. Khi thấy đoàn người đưa dâu bắt đầu tiến về phía bờ sông ánh nhìn bừng lên mong mỏi của Hải mau chóng tắt lịm. Chàng căng mắt tìm kiếm Sa và “tình địch” trong đám lố nhố nhưng không thấy rõ chỉ thoáng thấy cái võng có lọng che. Chàng vội chạy tới một ụ đất gần đó, đến bên cái cây có dáng xoãi ra, để đôi guốc lại phía dưới mò mẫm trèo lên một cành đang ở thế nghiêng gần như nằm ngang đu đưa trên mặt nước. Vòm cây rậm rạp, ở vị trí này chàng có thể quan sát rõ ràng an toàn không bị ai để ý. Khi đoàn người tới thuyền hoa chàng men ra đầu cành. Đang loay hoay  chưa thấy được gì thuyền hoa đã rời bến. Hải ngẩn ngơ nhìn theo gọi thầm: “Sa ơi! Anh muốn trở thành bóng chim con thuyền đi theo em, anh ghen với những hàng cây mái nhà nơi em sẽ về đó làm dâu.” Ký ức về làn môi mọng, suối tóc mềm tất cả như vẫn còn phảng phất đâu đây! Đôi môi mọng kia đêm nay sẽ không còn là của ta nữa! Chưa chạm được chưa nếm được nhưng biết chắc sẽ ngọt đến lịm người. Sao chiều ấy ta không cố rướn chạy theo nàng cho kịp để hưởng trọn cái vị mê mẩn ấy? Níu giữ làn hương thật lạ như thể hương trinh nữ? Chỉ thoáng qua rồi lẫn trong xao xác gió, giữa chập chờn đồi cỏ, âm thầm mời gọi. Làn môi ấy, khoảnh khắc ấy, hương thoáng ấy trời ơi sẽ không bao giờ phai nhạt, sẽ quyện đến trăm năm, ngàn năm, mãi mãi. Thuyền hoa đã khuất dạng. Vân Sa đã thực sự bỏ chàng ra đi. Bốn bề trở nên vắng lặng. Tiếc nuối hụt hẫng ngập tràn. Kỷ niệm trên đồi cỏ lại dằn vặt, chàng nghiến răng cắn ngón trỏ bật máu để ngăn không rú lên những tiếng kêu đau đớn. Máu trên ngón tay nhỏ giọt. Chàng rút trong túi áo lá thư Sa gởi bà bán rượu với vài dòng ngắn ngủi. Chàng dùng ngón tay trỏ đang nhỏ máu viết tiếp những gì chàng đang nghĩ về Vân Sa, người làm chàng xiết bao điêu đứng:
“Vân Sa mây gió vô thường,
Mong manh tơ khói sao thành bão giông?
Môi hờ nồng ướp men say
Dâng lên một thoáng, ôi ngây ngất tình!
Dáng hình hay nắng phai phai?
Khắc vào nỗi nhớ sắc màu thiên thu”
Viết xong chàng xé nát bức thư vứt xuống sông. Trong phút chốc tất cả chỉ còn là những mảnh tan tác đang từ từ bị nước cuốn đi, nhưng những hờn căm vẫn không chịu lắng xuống vẫn làm chàng run rẩy. Chàng nhớ lại nét mặt Vân Sa lúc tưởng chừng sắp được nàng thì nàng lại trở nên mơ màng xa cách, hoặc trầm mặc thẫn thờ. Lẽ nào lúc đó đã có ý lừa dối? Đang tính chuyện phản bội? Đúng rồi mặc dù thường nàng tỏ ra rất thiết tha nhưng cũng có khi như thế! Thật khó hiểu! Nay đã rõ! Nàng đã phụ ta! Nàng vờ ân cần để ta tưởng bở mà không làm rắc rối thêm cho gia đình, thanh danh nhà nàng. Bây giờ đã cao chạy xa bay hưởng vinh hoa phú quý.  Vậy mà còn nói phải đợi ư? Thật nực cười! Lố bịch! Ôi Hải ơi sao mày dại thế!. Đã chịu bước lên thuyền  hoa về nhà người thì nàng có còn là của mày đâu? Uất hận Hải rướn người giơ chân đạp liên tục lên vòm cây. Một cành khô thoắt gãy vì cái đạp phũ phàng. Tiếng rơi xao động mặt nước. Những cụm mây hoa bềnh bồng phủ kín cành rung lên bần bật. Một trận mưa hoa tơi tả. Những cánh hoa mong manh rời cành khi còn đang độ tươi thắm làm chàng liên tưởng đến mối tình vừa chớm nở nhưng bất hạnh của mình. Hải cúi xuống dòng nước. Cách chỗ chàng ngồi không xa xác pháo hồng còn sót lại bập bềnh như muốn đùa cùng tia nắng lấp lánh. Vạt lụa trắng với những dòng thêu chỉ đỏ đầy ắp yêu thương chàng quấn quanh cổ giờ đang lỏng dần phất phơ la đà, mặt nước xanh lam.in bóng chàng lồng trong bóng hoa. Vô tình nước chảy, man mác hoa trôi…Thất vọng tan hoang chợt dâng trào vỡ oà chàng ngửa mặt lên trời gào lên:
_Không! Em không thể là của ai khác! Không! Không!
Tiếng “Không” cuối cùng chưa dứt  còn vang vọng  chàng đã lao đầu gieo mình xuống sông. Cứ thế xác thân trôi giữa dòng lưu lạc. Khi bị ném ra, khi lại bị cuốn xiết vào, rồi  chơi vơi vật vờ tuỳ theo sự cuồng điên phũ phàng hay lạnh lùng hững hờ của con nước.  Cuối cùng ánh sáng mờ dần chàng chìm trong sâu thẳm tối tăm.