(Truyện thực)

     -la-van! A-la-de! (À l'avant! À l'arrière!) Ấy là các thầy quyền đang thao diễn ở chốn võ tràng đó. Ký giả nhân đi chơi mát, dừng bước lại xem, chợt thấy bên mình có một ông già, trạc ngoài bảy mươi, cũng đứng xem đó, tuy râu tóc đã bạc phơ, mà dáng điệu hùng hào, trông còn quắc thước lắm. Ông già hỏi tôi rằng: «Thầy tướng binh pháp ngày nay so với ngày trước thế nào?» Tôi đáp: «Thưa cụ, thời buổi này là thời buổi văn minh, không có một sự gì là không theo cái phong trào tiến hoá mà đầy rẫy lên đến một nơi cực điểm, phương chi binh pháp là một sự rất cần cho thế giới ngày nay, mà Nhà nước Đại Pháp lại là một sở trường về nghề binh, sự đó chắc cụ đã rõ, không cần phải so sánh gì cho lắm.»
Cụ già nói: «Thầy nói có lẽ, già cũng nghĩ như thế. Xem ngay một cách Nhà nước đãi quân lính ngày nay cũng đủ biết; chứ như già ngày trước, cũng từng đã tòng chinh, bao nhiêu nỗi gian nan khổ sở, nào là lên thác xuống ghềnh, trèo non lặn suối, những sự kinh lịch đó, đến nay hãy còn phảng phất trong trí khôn; so với các thầy ấy ngày nay, thực mười phần không được một hai vậy».
Ký giả nghe ông già nói, biết là một nhà võ sĩ, chắc có nhiều sự kinh lịch hay, liền mời cụ vào một nhà hàng, và xin cụ kể cho nghe cái lịch sử khi cụ tòng chinh.
Ông cụ nhận lời ngay, tôi bèn rót đưa cụ một cốc rượu, cụ uống cạn, rồi để cốc xuống bàn nói: «Cám ơn thầy, có lòng hỏi tới, mà tôi lại được một dịp để ôn lại cái lịch sử của tôi. Nguyên tôi thuở nhỏ nhà nghèo, vẫn có chí giang hồ, đến năm 20 tuổi, bấy giờ có giặc ở Thái Nguyên, Nhà nước bắt lính. Gớm! Bấy giờ nói đến sự đi lính, thì ai cũng ghê sợ, coi như là phải xuống địa ngục âm ti; bấy giờ những con nhà có phải cắt ra đi lính, bỏ tiền thuê tôi để đi thay cho họ, tôi lấy làm mừng lắm, nhận tiền đi đầu quan ngay, ấy là ngày tôi bắt đầu đội nón đấu từ đó.
«Khi tôi mới ra đầu quân, thì được quan Tiễu ngài yêu ngay, cho làm bếp phải đi tiễu ngay, nào có được tập tành kỹ lưỡng như bây giờ đâu, song tôi đã biết ít nhiều miếng võ, mà sức tôi khỏe lắm, thường nhiều khi cướp cờ giật giáo của quân giặc luôn; một khi quan tiễu suýt bị cờ giặc úp, sao may tôi nhanh tay lấy giáo gạt được cờ giặc và đâm tên cờ đầu được một phát, thế là quân cờ đầu ngụp, quân giặc khiếp đảm phải lùi, thành ra quan quân được trận, từ đấy quan Tiễu yêu tôi lắm, cho làm đốc chiến.
«Bấy giờ tuy là đốc chiến, mà đi vào đường rừng, sự ăn uống vẫn là khổ sở lắm, cơm thổi bằng ống luồng, cứ cắt mỗi người một ống luồng xanh, chẻ đôi ra đổ gạo và nước vào trong, rồi nắp lại, trát bùn ở ngoài, nhặt những lá khô cành nỏ đun lên, lúc chín giở ra ăn; nước uống thì chứa bằng ống nứa, cứ mỗi người đeo một chiếc, uống dè uống sẻn cho đến khi có suối trong lại kín thêm vào; ấy sự ăn uống bấy giờ khổ sở như thế.
«Nhưng dẫu thế mặc lòng, tôi vẫn không lấy gì làm nản chí, sự tân khổ của con nhà binh như thế là thường, túng sử cứ được mãi như thế, mà thỏa cái lòng tứ phương hồ thỉ của tôi, thì tôi cũng vui lòng cho là một sự thích: nhưng không may cho tôi, bụng nghĩ thế mà nào có được đâu! Số là trận đánh sau, tôi cùng ba người đốc chiến nữa, theo quan Tiễu đêm đi mật tứ doanh giặc, không ngờ đến gần trại giặc, thì bị một toán tuần binh của giặc bắt gặp đuổi đánh, năm thầy trò luống cuống cả ra, chúng quả bất địch, đành phải bỏ chạy, mỗi người một ngả, quan Tiễu và ba người đốc chiến chạy thoát; còn tôi thì ngựa mẩt đàng ngựa, gươm mẩt đàng gươm, một mình lẩn quẩn trong đám rừng xanh, trời đen như mực, chung quanh mây kéo tối mù, gió thổi ào ào, trong những đám cây rậm, nghe tiếng động sột sạt mà kinh. Tôi không sao dò được lối, phải tìm một cây to, trèo lên trên ngọn, lấy giây lưng buộc mình vào cành cây, ngồi đợi cho đến sáng. Cái đêm hôm ấy thật là cái đêm khổ não nhất, bụng đói như bào chân tay rời rạc, cả đêm ngồi chòng chọc trên ngọn cây, cầu trời khẩn phật cho chóng rạng đông, chốc chốc lại nghe tiếng chim kêu vượn rú, sợ hãi không biết chừng nào! Ngồi mãi cho đến khi mặt trời mọc, bóng chiêu dương vàng rực trên ngọn cây, mới dám lần xuống, lại cứ theo hướng mặt trời mà đi về phía đông, bụng đói đầu gối cũng chẳng muốn bước, đi được độ vài cây, nghe trong mình khó chịu, chắc lại bị đau: số là đêm hôm trước ngồi sương cả đêm, mà khí hậu ở rừng, cũng chẳng được lành cho lắm; song cũng phải cố bước mà đi, độ hơn một cây nữa, thì đến một chỗ, lơ thơ mấy khóm lau thưa, có lối rẽ vào, hình như có vết người đi lại. Ở trong đám ngọn cây um tùm, lồ lộ ra một tòa cổ miếu, tôi thấy vậy mừng lắm, liền dời gót giở vào, định tìm chỗ ngả lưng một chút; rẽ lau rạch cỏ tìm vào, đến nơi thì chỉ thấy có một cái đền, ba gian nho nhỏ, giữa có một cái bệ, trên cái bình hương cổ, hãy còn nghi ngút mấy nén hương tàn, coi thật là thê lương thảm đạm, không hiểu là phụng sự vị thần gì, bệ ngoài thấy để một cái lễ mâm xôi và con vịt béo lắm. Bấy giờ bụng đói miệng thèm, đánh bạo bước lên cúi đầu cầu khẩn, xin ngài phù hộ cho kẻ vì việc nước mà phải long đong, chóng được tiêu tai thoát nạn; đoạn rồi tôi... nói ra xin nhà thầy đừng cười, phương ngôn nói, đói ăn vụng, túng làm liều... Tôi hạ ngay lễ xuống, đưa vào trong gầm bệ thờ, nằm ăn hết vài nắm xôi và nửa con vịt, thấy trong mình dễ chịu, nhưng còn mệt lắm, đành liều nằm đấy ngủ. Vừa mới nhắp mắt, chợt nghe tiếng người ì ộ bên tai, bừng mắt dậy thấy ở ngoài đông người lắm, xi xô bảo nhau, nhưng tôi không hiểu tiếng gì cả, thì ra họ nói tiếng thổ; tôi đang lúng túng, chưa biết nghĩ thế nào, thì có một đứa trông vào gầm bàn, rồi thất kinh chạy ra, bảo những người kia, rồi họ ùa cả vào, tôi đành phải bỏ ra, quì xuống xin lỗi, và ra hiệu rằng bụng đói, mình yếu, xin họ đừng đánh. Trong bọn có người biết tiếng kinh, họ hỏi tôi, tôi kể đầu đuôi cho họ nghe, thì họ thích lắm, họ thấy tôi trẻ tuổi đẹp trai, có bụng yêu, hỏi tôi có muốn làm con nuôi họ không, và họ bảo cho tôi biết lễ đây là lễ cầu tự. Tôi mừng lắm, vâng lời ngay, cả đám ai cũng vui mừng, hình như có ý tin rằng thần minh run rủi cho tôi đến làm bạn với họ. Ấy chính cái người hỏi tôi bằng tiếng kinh là ông bố nuôi tôi đó.
«Bấy giờ họ đưa tôi về, đi đã lâu lâu, đến một cái động, ở ngoài cửa hai bên toàn đá tổ ong; cứ tối đến thì lấp đá lại, qua cái cửa ấy thì vào đến trong động, cửa nhà to tát, nhưng làm lối nhà sàn cả.
«Ông già đưa tôi về đến nhà, họ hàng xóm mạc nghe tin đến xem đông lắm; ông già đưa tôi ra trình diện với họ hàng và bắt tôi phải gọi bằng om mà gọi bà mẹ nuôi tôi bằng cợ. «Om cợ cũng như ta gọi cha mẹ». Tôi bây giờ thật là thằng ngố rừng, những cái thông hoạt láu lỉnh của mình nó đi đâu mất cả, người đứng như cây gỗ, mặt ngay như cán tàn, chịu đứng làm trò vui cho những ông mán rừng, nghĩ mà ngán quá! Đoạn rồi đâu về đấy. Om cợ tôi thấy tôi yếu đuối, bàn nhau đi tìm thuốc; đến mai tôi thấy lấy về nhiều thứ lá, không hiểu là những lá gì, thứ thì uống, thứ thì xông, chỉ trong hai ngày là khỏe như thường; thế mới biết rằng thuốc Nam mình cũng nhiều thứ hay, chỉ vì mình không chịu gia công tìm xét đó mà thôi. 
«Được vài ngày, om cợ tôi đưa tôi đi chào các bà con, ai nấy tỏ ý thân yêu vui vẻ, cho các đồ vàng bạc châu báu nhiều lắm. Om cợ tôi muốn cho tôi tìm nơi kết tóc xe tơ, cho nên có ý cho tôi đi chơi các nhà hào phú trong các thung lũng; đi đâu cũng ở chơi đôi ba ngày. Lạ một cách, là cái phong tục ở đấy, con trai con gái không phân biệt quá như ta, khi đi đứng lúc ra vào, họ cư xử rất là một cách tự nhiên; nhiều khi trông thấy đàn bà con gái của họ, mình có ý hổ thẹn, thì họ lại cười mà bảo nhau rằng: «Cái kinh nó hãi đàn bà». Nghĩ ra sau mới biết rằng phong tục của họ còn thuần phác lắm, ít biết những sự trăng hoa, cho nên họ cư xử một cách tự nhiên như thế. Lắm lúc nghĩ cái văn minh phồn hoa quá đỗi của mình, mà lại phải thèm cái thói dã man thuần phác của họ.
«Nhân thể tôi xin kể qua thầy nghe một vài cái phong tục riêng của họ. Dân ở đó phần nhiều chỉ ăn cơm nếp mà áo mặc thì đúng thuần một thứ vải dầy của họ dệt ra và nhuộm sắc xanh; còn cách làm ăn của họ thì thật là cẩu thả: ruộng chỉ cấy có một mùa, những đồ làm ruộng của họ trông thật là thô lậu, cầy bừa làm xong tối lại bỏ ở đồng; trâu bò cứ thả ở ruộng không phải chăn dắt gì, thế mà không ai lấy của ai, ấy thực là một cái đặc tính của họ; cấy thì chỉ chọc lỗ bỏ thóc, đến mùa gặt xong lại đốt ngay rạ để làm tro bón ruộng, nguyên ở đấy sẵn đồ thổi, nên họ không cần gì rơm rạ lắm. Ấy cách làm ruộng của họ như thế, còn công nghệ thì rất vụng, bán buôn cũng không hay, không hiểu vì lẽ gì mà dân họ vẫn phong túc nhàn hạ hơn ta? Phương ngôn nói: «tiền rừng bạc bể», không sai, về phương diện lý tài của xứ ta, nếu gia tâm kinh tế, thì ở các nơi lâm địa có lẽ còn phát sinh ra được nhiều cái lợi đoan, hơn các chỗ khác. Ấy là kể những cái đại đoan mà thôi, còn những sự nhỏ nhặt khác không thể kể hết được.
«Khi ấy ông bà nuôi tôi định gây dựng cho tôi ở đó, song lòng tôi nào có thiết gì, nào là nỗi công danh lật đật, nào là nỗi xa cách cố hương, trăm nghìn mối bời bời trong tấc dạ, thì phỏng còn sự vui thú nào mà cầm được lòng tôi. Vả chăng người ta thường nói, lên đất mường mán mà đã lấy con gái họ, thì khó lòng mà về được, nên tôi nhất định không nghe. Tôi bảo ông già nuôi tôi rằng: «Công danh chưa lập được, thì gia thất đã vội gì». Ông bà ấy tuy không bằng lòng, song cùng để tùy ý tôi chưa muốn ép vội.
«Ông già nguyên làm nghề hàng mổ, ngày ngày đi chợ để tôi ở nhà, dặn người nhà coi giữ cẩn thận lắm, không cho dời ra lấy một bước, tôi cũng giả dại làm ngây, không tỏ ra ý tứ gì là buồn rầu mong nhớ chi cả. Tôi ở đấy được giăm tháng, bấy giờ họ đã tin tôi như con đẻ, không còn ngờ vực gì nữa. Một hôm tôi hỏi ông già tôi rằng đến mai đi chợ nào, thì ông bảo rằng ra chợ tỉnh Thái Nguyên, tôi bèn xin phép cùng đi. Từ đấy ra tỉnh, đi bộ mất hai ba tiếng đồng hồ. Khi ra đến nơi, thì tôi định ngay kế thoát thân, hiềm vì nỗi không có ai quen thuộc, tôi liền xin phép đi chơi phố một mình trong mấy phút; tình cờ không hẹn mà nên, ra phố gặp ngay người cai là người anh em bạn lính với tôi, tôi nhân được dịp may không để mất thì giờ vô ích, liền kể cho bạn nghe nông nỗi của mình và tính cách thoát thân, không ngờ đương khi nói chuyện thì ông già tôi đi tìm ngay, bắt gặp nói chuyện với một người kinh, thì sinh lòng nghi và bắt về ngay lập tức, tôi phải chào bạn mà đi. May sao trong khi nói chuyện tôi đã biết được chỗ ở của bạn.
«Khi về tôi phải nói dối ông già tôi rằng: «Người ấy là một viên quan võ, tôi muốn cậy ông ấy lo hộ cho ra làm quan, và tôi đoan rằng hễ tôi ra làm quan thì tôi sẽ lấy vợ và rước om cợ ra chỗ làm quan cùng ở cho vui». Khốn nạn! Ông bà mán tôi thật thà quá đỗi, không ngờ tôi lại là một thằng vong ân bội nghĩa như vậy. Ông già định đến ngày thứ ba thì cho tôi ra tỉnh để lo liệu, đến hôm ấy sắm sửa cho tôi một cách rất lịch sử, rồi cùng tôi ra tỉnh, tìm vào nhà người anh em bạn tôi, anh em bạn tôi đã biết ý tiếp đãi một cách rất tử tế, tôi bàn bạc với bạn tôi đâu đấy xong cả, rồi bạn tôi đưa chúng tôi đến nhà một ông đội quen, nói dối là quan Tiễu, để nói sự làm quan. Gớm làm quan như thế, thật là dung dị quá, vào nói thì quan Tiễu ngài nhận lễ ngay, ngài hẹn cho đến ngày thứ ba phải đến nhận việc, không được sai hẹn; ông già tôi mừng rỡ quá chừng. Đoạn rồi chúng tôi đưa nhau về, đến ngày hôm sau ông già tôi sắm sửa cho tôi tiền bạc lợn gạo, lễ vật để khai hạ và tạ quan.
«Đến ngày vào nhận việc, mời cả ông bà tôi vào dinh, nhà cửa trang nghiêm, lính tráng hầu hạ, coi ra oai vệ lắm, nguyên tôi đã dặn bạn tôi xếp đặt từ trước, ngày hôm ấy tân bằng mừng rỡ chật nhà, chén thù chén tạc cả ngày, tâng rước cho ông bà mán tôi lên đến một cái địa vị rất hoan hỉ, rất khoái lạc, nỗi mừng biết lấy chi cân... Ấy công danh là thế! Phú quí là thế! Cái giấc nam kha nó mê lòng ta, cái đám phù vân nó che mắt ta, nó dử ta, nó lừa ta, nó làm cho ta mê mộng suốt đời. Tùng sử bấy giờ mình có được làm quan thật, thì chắc mình cũng phải vui, cũng phải mừng, mà những người cục ngoại họ cũng coi mình như ông lão mán già đó chẳng sai.
«Tôi ở đó được năm ngày, rồi tôi bảo ông bà nuôi tôi rằng: «Nay đến kỳ tôi phải đi tuần tiễu mấy ngày mới về, tùy ý ông bà muốn ở đây hay về qua thăm nhà, đến khi tôi về sẽ ra». Ông bà tôi bấy giờ cũng hơi ngại, song đã nên danh diện một ông quan, không lẽ ngăn đón được, chịu phải để cho tôi đi. Ông bà tôi về động, thế là ngày mai tôi sắp sửa ra đi, bấy giờ giặc giã đã tan, quan Tiễu thì về triều, nên tôi thẳng bước về nhà. Gớm, bấy giờ thoát thân được, nghĩ mà sung sướng, thật như chim sổ lồng! Tuy vậy, bước đi một bước một dừng! Om ơi! Cợ ơi! Tôi thực là một người bội bạc. Không biết về sau om cợ tôi làm ra cách thế nào không biết. Đến lần quân thứ sau, tôi lại ra tòng chinh, lần vào tới nơi, thì ra cảnh cũ người xưa, bây giờ khác cả! Tình kia cảnh nọ làm cho tôi giọt lệ khôn cầm!...
«Thưa thầy, tự đó đối với lương tâm, thì hơi có chốn không phải, song tình thế bắt buộc phải làm, luân lý bắt buộc phải làm, còn gì thiết cho bằng quê cha đất tổ, còn gì thân cho bằng cha mẹ anh em, túng sử có người thực giả mà gặp cảnh ngộ như tôi, chắc cũng phải làm như tôi.
« Đắn đo lòng lại hỏi lòng,
Sao cho khỏi thẹn với trong cao đầy?»
« Ấy là câu chuyện của tôi tòng chinh lần thứ nhất, còn lần sau nữa, nhưng không có thì giờ mà kể được; chín giờ rồi, già bận việc, xin phép thầy...»
Ông cụ bước ra, ký giả về, cầm bút chép bài này.
Hoàn Bích
NGUYỄN NGỌC THIỀU

Xem Tiếp: ----