ôi vốn mang trong người nhiều tình cảm, thuở còn cắp sách đến trường các bạn tôi đã cho nhận xét như vậy rồi, đôi lúc tôi chưa đồng ý với chúng bạn nhận định về tôi như trên, tôi nghĩ phàm là người chắc ai cũng vậy, những chuyện vui, buồn trong cuộc đời, những ân tình kỷ niệm với nhau thì chắc rằng cho dù ai cũng vậy, sẽ biểu lộ cảm xúc theo hoàn cảnh khi sự việc xảy ra, hoặc bất chợt một lúc nào đó tâm trí bổng dưng chuyên chở ta về vùng kỷ niệm nào đó khiến mình phải bùi ngùi thương nhớ chớ đâu phải riêng tôi.

Tháng ba lại về mang theo cái nắng chói chang, ông mặt trời như muốn thử thách giới hạn sự chịu đựng của con người, từng vạc nắng vàng hoe mang theo hơi nóng hầm hập đã khiến tôi liên tưởng lại những ngày tôi chập chững gia nhập vào "Thiếu Niên Thần Phong" của Phi Trường Biên Hòa thuộc Không Đoàn 23, với cái nắng đỗ lửa của những ngày như thế đó, chúng tôi luyện tập, học hành vui chơi với cái ước vọng sẽ trở lành một người lính không quân hào hoa phong nhã...

Anh Ba người quê Long An tính người chân chất thật thà, anh không cao lắm nhưng cũng đủ tiêu chuẩn làm một "Cánh chim bạt gió" trong ngành không quân, tôi có diễm phúc quen với anh là do" Ông tơ bà nguyệt" đã se duyên cho anh cùng chị Ba con Ông Bà Tư thợ hồ gần bên nhà tôi, ngày đầu anh về ở rể anh mặc bộ quân phục ủi hồ láng cón, tôi bị mê hoặc bởi những Phù hiệu anh mang trên áo, nhất là cái Phù hiệu con Rồng xanh trên túi áo, nó mang cái biểu tượng đi mây về gió trong bầu trời xanh thẳm bao la, thế là tôi có cái mơ ước ngày nào đó tôi sẽ được mặc bộ quân phục này, lúc ấy tôi chỉ nghĩ đơn giản nhằm để khoe với các cô bạn học, vì thời bấy giờ các cô nàng thường mơ mộng sánh vai cùng những "Cánh chim" này tung tăng dưới phố ngày cuối tuần, mơ ước là vậy nhưng thực tế tôi không biết mình có đủ khả năng để nối bước anh Ba hay không, tuy vậy tôi vẫn nung nấu trong đầu khi có điều kiện tôi cũng tham gia cho thỏa lòng ước mơ, đôi lúc hứng chí tôi hát thầm bản nhạc (Một chuyến bay đêm) hát hoài mà không thấy chán, nhất là nghe cô Thanh Thúy hát bản nhạc này trên đài phát thanh Sài gòn thì nó làm tôi phấn chấn vô cùng.
  Rồi thì cơ hội cũng đến, một sáng nọ tôi thấy chiếc xe GMC đậu trước nhà ông bà Tư thợ hồ, anh Ba cùng hai người lính cùng anh tài xế lần lượt xuống xe, chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì anh Ba đã nói với tôi:
  - Phương nè! Anh chị dọn về Biên Hòa ở, ở đây xa phi trường quá khi có việc gấp chạy cong đuôi mới kịp.
Thoáng một chút buồn, vì hai anh em quen nhau chưa bao lâu nhưng rất tâm đầy ý hợp vậy mà giờ phải xa anh xa thần tượng của mình thử hỏi làm sao không buồn, tôi cố nén lòng và vặn hỏi anh:
  - Sao gấp rút vậy anh Ba, anh còn chưa kể hết những chuyến bay, những lần cấm trại xa nhà, và nhất là mấy cô học sinh tìm cách làm quen nữa, vậy mà anh lại dọn đi rồi.
  Anh Ba cười hiền, vẫn nụ cười cố hữu của anh do chiếc răng khểnh đã góp phần cho nụ cười của anh thêm phần lôi cuốn, anh nói:
  - Biên Hòa cách Sài Gòn có ba mươi cây số thôi, cuối tuần Phương rảnh thì ra ga Gò vấp leo xe lửa lên đó chơi.
  Dứt câu nói anh vào nhà lấy tờ giấy caro anh vẽ sơ đồ đường đến nhà anh, tôi thấy từ đường Nguyễn Hữu Cảnh đi vòng vèo rồi đi ngang thánh thất Cao Đài, nhà anh  dừng lại cách đó chắc không xa mấy trên thực địa,  theo cách vẽ thì căn nhà của anh nằm sát hàng rào cổng Sau của Phi trường, tôi cầm tờ giấy mà trong lòng dâng lên một nỗi buồn, tôi lại nhớ có bài hát nọ có câu:
" Thôi là hết chia tay từ đây", bài hát này nói lên chia tay đôi lứa, trong hoàn cảnh này tôi tạm mượn để nói lời chia tay cùng anh, một người anh kết nghĩa thật chân tình của tôi.
  Anh chị Ba dọn đi cả tuần rồi là cả một tuần tôi mang tâm trạng buồn hiu hắc, chị Ba cũng thường cho tôi quà cáp khi chị còn ở đây, trong lòng tôi lúc nào tôi cũng xem chị là người thân ruột thịt của mình, chẳng qua nhà tôi chẳng có cô chị gái nào để tôi vòi vĩnh nên tình cảm tôi dành cho chị thật nhiều, tôi còn nhớ lần nọ trong giờ học cô giáo gọi tôi lên trả bài, nếu hôm ấy ai thấy được gương mặt tôi thì chắc họ cũng phải cười nghiêng ngã, nhằm hôm đó tôi mê chơi chểnh mảng việc học hành nên không thuộc bài, với gương mặt méo xẹo tôi lững thững đi lên bụt giảng rồi đứng chịu trận không thốt được một lời, cô Hương cô giáo kính yêu của tôi "Thưởng" vô bàn tọa bốn roi và kèm theo lời mời phụ huynh vô để cô mắng vốn tiếp. Đòn roi dù có đau tôi vẫn chịu đựng được, còn việc mời phụ huynh vào mới đúng là phương thuốc "Đặc trị" cho những đứa không thuộc bài như tôi hôm đó, một phần vì sợ cha mẹ bỏ công việc để đi hầu, một phần tôi sợ ba tôi khi nghe tin này ông sẽ sốc và thể nào cũng "Thưởng" thêm cho tôi một mớ "Chả lông gồi" thì nguy, trong lúc đau đầu với suy nghĩ này tự nhiên tôi nảy sinh ra một ý khá táo bạo, đúng như câu người ta thường nói:
"Nhân cùng tất biến".
  Trưa hôm đó đi học về quăng cái cặp lên bàn, tôi chạy u qua nhà Bà Tư, ngó quanh không thấy chị Ba ở đâu, chỉ có bà Tư đang ngồi dọn dẹp gánh xôi do bà đi bán mới về, bà vừa xếp đống tiền lẻ bà vừa hỏi tôi:
  - Bây đi đâu vậy, bà Tư còn hai gói xôi đậu đen nè, đem về bển ăn đi, qua đây có gì không con.
  Nhận hai gói xôi trên tay bà Tư trao cho, tôi trả lời:
  - Con tìm chị Ba có chút việc, bà Tư biết chị ba ở đâu không?
  - Nó đang cho Vịt, chi Heo ăn phía sau vườn kia chứ đâu, mà có chuyện gì cứ nói, nếu được bà giúp cho cần chi đến con Ba.
  Sợ bể chuyện không hay ho gì của mình, tôi vội vàng nói trớ đi:
  -Con tìm chị ba để nghe chỉ kể chuyện đời xưa cho con nghe, chỉ kể hay lắm nghe bà Tư.
  Bà buông tay khỏi và để nắm tiền vô cái rổ và nói:
  - Cha hôm nay ngộ nha bây, trưa trờ trưa trật không lo ngủ nghê, giờ này ai ở không mà kể chuyện ông con ơi, mà bà thấy cái mặt bây hôm nay nó gian gian sao đó, hi hi hi
  Điếng hồn cứ sợ bà Tư biết tẩy, tôi lật đật cáo lui sau khi "Thanh minh thanh nga" vài lời để đánh tan cái nghi ngờ của bà, số là tôi muốn nhờ chị Ba đóng thế vai má tôi để đi gặp cô Hương, vậy mà không biết chị có đồng ý hay không. Về nhà tôi mượn cớ để đi gặp cho bằng được chị Ba để giải quyết cho xong cái lo lắng của mình, nghĩ là làm liền, tôi xách con dao phay ra sàn nước sau hè, đến gần đám chuối hột tôi lựa một cây nhỏ vừa sức để vác, tôi đốn liền cây chuối chặt bỏ phần ngọn tôi vác phần thân qua nhà bà Tư, tôi đi thẳng một lèo ra đàng sau may phước bà Tư bận bịu gì trong buồng nên không thấy tôi, gặp chị Ba tôi mừng hết lớn,trao cây chuối cho chị để dành băm cho heo ăn rồi tôi nói thiệt đầu đuôi câu chuyện trong lớp và ý định nhờ chị cứu cho mình tai qua nạn khỏi. Chị Ba cầm cây chuối chị nói:
  - Cha mới bây lớn mà biết lo lót rồi hén, thôi dược để chị Ba giúp cho, bác Năm biết được ổng cạo đầu khô hai chị em mình luôn đó, lần này thôi nghe anh hai, học hành có nhiêu đó hà, học dở mai mốt sao thành phi công được.
  Nghe chị Ba lên lớp tôi có hơi buồn và hơi bị quê, tôi tự hứa với lòng nếu qua truông lần này nhất định tôi sẽ:
  "Đừng đi nước mặn mà hà ăn chân".
  Cũng may cô Hương không phát giác ra "bà má trẻ" của tôi do chị Ba đóng thế vai thật đạt, mà cái đạt nhất là khi nghe cô Hương mắng vốn tôi xong, chị Ba xoay người sang tôi chị nói:
  - Phương nè, má nói con hoài, ráng học hàng đừng để cô thầy buồn sao con không nghe, cho chừa nè.
  Sau câu nói này chị Ba xáng cho tôi hai cái bạt tai vào má đau điếng, bất chợt bị đánh đau, tự nhiên theo phản xạ tôi định cự nự chị Ba sao chị nặng tay với mình, may phước tôi chực nhớ hoàn cảnh hiện tại nên tôi "Thắng" cái miệng mình lại trước khi " Bể mánh".
  Đến tuần thứ hai phần thì nhớ anh chị Ba thật nhiều, tôi rủ thằng Cảnh cháu cậu Tư tắc xi ở chung xóm cùng đáp xe lửa đi Biên Hòa, trước để thăm anh chị Ba cho biết nhà biết cửa, sau nữa dạo một vòng Biên Hòa xem cuộc sống bà con ra sao.
   
Sau hai giờ loay hoay chúng tôi cũng đến đúng cái nhà mà anh Ba đã vẽ sơ đồ cho tôi, gặp tôi và thằng Cảnh anh chị mừng và hỏi thăm rối rít như những người thân ở xa mới về, không gian thoáng mát của căn nhà lá lợp tole thiếc bên trên, chung quanh nhà ruộng lúa mọc xanh rì, khung cảnh lạ lẫm nhưng đẹp như bức tranh đã làm tôi và thằng cảnh chìm đắm vào giấc mơ đang sống trong xứ sở thần tiên nào đó, chừng khi nghe tiếng hát của cô ca sỹ Mai Mệ Huyền cất tiếng hát bản nhạc " Túp liều lý tưởng" trong chiếc Radio của nhà ai đang mở vọng đến, lúc ấy chúng tôi mới qyay về thực tại, tôi hỏi anh Ba:
  - Một mái nhà tranh hai quả tim vàng là nhất rồi há anh Ba, ở những nơi như thế này giống"Từ thức lên tiên" tụi em thích lắm.
  Chiều đến anh chị đãi chúng tôi bữa cơm chiều thuộc về hàng "Quốc yến", ăn uống xong anh Ba mới cho tôi hay một tin mừng mà suốt đêm ấy tôi cứ trằn trọc mãi vì quá vui, vui đến bất ngờ và xem như món quà tinh thần vô giá anh đã mang đến cho tôi thời bấy giờ:
  - Phương nè, đây là cái đơn xin gia nhập Thiếu niên thần Phong, em đem về cho chú thím Năm điền đơn và ký vô, khi nào xong giao lại cho anh, anh chỉ có quyền đưa một người vô thôi, em ưu tiên lắm nghe vì cháu anh Ba cả đống mà có đứa nào được như em đâu.
  Cầm lá đơn tôi rối rít cảm ơn anh Ba vì anh thật sự dành cho tôi cái đặc ân này mà đám con cháu anh nằm mơ cũng chẳng bao giờ có được.
  Đêm về ngoài trời tiếng côn trùng, tiếng ếch nhái đang hòa tấu khúc nhạc đồng quê nghe buồn đến não nuột, chuẩn bị đi ngủ tôi thấy anh Ba thay bộ quần áo kaki cũ phèn dính bàng cả hai cái ống quần, thấy lạ tôi hỏi liền:
  - Ủa giờ này anh còn đi đâu, mà bộ đồ này cũ sì vậy anh Ba.
  - Có hai đứa ở Sài gòn lên chơi anh kiếm mớ cá để mai mấy anh em mình lai rai.
  Nói xong anh nhớm người đưa tay quơ máy trăm cái cần câu cắm để trên cái kệ tre gần đó, anh móc mồi nhanh chóng và hỏi:
  - Sao hai đứa có muốn theo anh tham gia "Một chuyến câu đêm" không? Thú vị lắm đó, đi một lần cho biết không dễ gì có lần thứ hai đâu.
Nghe anh quảng cáo hấp dẫn quá khiến tôi và thằng Cảnh hưởng ứng tức thì.
Theo chân anh Ba chúng tôi đi dọc những bờ ruộng phủ đầu cỏ và thấm ướt sương đêm, do không quen địa hình và ánh đèn pin của anh Ba không đủ sáng khiến chúng tôi phải lần mò trong đêm, tôi với thằng Cảnh bị "Chụp ếch" lia lịa, có lúc té xuống ruông ướt như chuột lột, càng về khuya trời càng lạnh nhưng chúng tôi thích thú với chuyến câu đêm nên thời tiết có thế nào cũng chẳng làm chúng tôi nao lòng, anh Ba giao mỗi đứa vài chục cần câu, chia nhau đi cắm dài dài trong mấy thửa ruộng, không quen với sình lầy chúng tôi cứ bì bõm như trâu đang cày ở ruộng sâu, câu đêm thật cực thân nhưng rất vui.
  Ngồi túm tụm lại trên một bờ đê lớn, anh Ba móc gói thuốc Ruby ra đốt một điếu, ánh lửa của điếu thuốc lập lòe trong đêm khiến tôi liên tưởng như ánh ma trơi mà tôi thường nghe kể trong các câu chuyện về khuya, lấy cái bi đông rượu nếp than và bịch khô mực nướng anh mời chúng tôi thưởng thức để chờ đến giờ đi thăm câu. Hơi ấm của rượu, mùi thơm khô mực và vị ngọt của nó khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng trong đêm khuya.
  Chừng một tiếng sau kể từ khi cắm các cần câu xuống ruộng lúa, chúng tôi tỏa ra để thăm câu, hấp dẫn của câu đêm đã bắt đầu, nào là cá Trào, cá lóc, cá  trê vàng dính câu thấy mê, nhưng có một thứ dân nhậu mê hơn khi nó dính câu đó là rắn nước các loại vì nó làm mồi nhậu thì không chê vào đâu, tôi lần mò đến đám câu của mình đã cắm, dưới ánh sáng lờ mờ của của con Trăng hạ tuần, tôi thấy một cần câu cong vút với sợi dây nhợ thật căng, lấy cành cây khô tôi khiều sợi dây nhợ rồi nắm nó kéo lên, cố mãi mà không lôi được con mồi ra khỏi mặt nước, một chút sợ sệt tôi kêu anh Ba đang ở gần:
  - Anh Ba lại xem con gì nó kéo dây cước căng lắm, em kéo hoài mà không lên, lại phụ em với.
  Bằng cặp mắt nhà nghề anh Ba nói:
- Thôi rồi nó đó, Phương để anh trị nó cho, rắn đó Phương ơi.
Nghe xong câu nói của anh Ba tôi lật đật quăng hết mọi thứ có trên tay và co giò phóng thẳng lên bờ, anh Ba và thằng Cảnh cười nắc nẻ, thằng Cảnh còn lợi dụng cơ hội nó phang theo tôi một câu:
  -Cái thằng quỷ Phương này nó nhát khích hà anh Ba, để đó cho em.
Chừng không yên tâm, anh Ba hỏi thằng Cảnh:
  - Liệu được Không Cảnh, còn không để đó cho anh.
Không chờ anh Ba nhúng tay vào, thằng Cảnh nó nhào tới sợi dây câu chẳng biết bằng cách nào nó lôi con rắn nước thật to lên khỏi mặt nước.
  Anh ba mừng quá, vì thấy con mồi to anh vỗ vai thằng Cảnh và nói:
- Giỏi lắm nghe Cảnh, thôi gom đồ mình  về.
Xa xa phía hướng bắc phi trường đột nhiên có những đóm hỏa châu từ mặt đất phóng lên soi sáng cho đêm trường để chúng tôi khỏi lạc bước khi quay về.

Buổi sáng cuối tuần đầu tiên tôi khoác bộ đồng phục "Thiếu niên Thần Phong", bộ đồ đen thật gọn ghẽ, phù hiệu đầy đủ y như chú lính không quân thứ thiệt, cái nón kết đen trên đầu có phù hiệu tròn hình con rồng há to miệng phía bên dưới có hai chữ Thần phong rất đẹp,  vừa đến bến xe Lô Sài Gòn Biên Hòa tôi gặp hai người cũng mặc bộ quần áo y như tôi đang chờ xe để đi Biên Hòa, khi đến gần tôi chợt nhận ra thằng Trọng và thằng Hạnh, mừng rỡ vô cùng vì có bạn đường vừa có đồng đội thì còn gì bằng, khi hỏi ra thì tôi được biết anh em thằng Trọng vô Thần Phong là do anh Hai nó là sỹ quan của Phi trường này đưa vô.
  Chúng tôi được huấn luyện đủ thư trên đời, từ văn hóa đến đồng đội,kỷ thuật hướng đạo, mưu sinh thoát hiểm v.v...
  Vậy là ước mơ vỗ cánh chim bằng trên các vùng trời quê hương của tôi đã một phần thành sự thật, nhưng cuộc đời không phải là mơ, không phải hoa hồng lúc nào cũng rãi đầy như tấm thảm nâng gót phiêu bòng cho ta đi suốt đoạn đời.
  Từ lúc khoát bộ đồng phục này, đám bạn học của tôi biết được đứa nào cũng trầm trồ khen ngợi có thằng nói:
  - Ông Phương nè, công nhận ông chơi bộ đồ nàu oai phong lẫm liệt lắm nhe, nếu có hoa mai nở trên ve áo nữa là hết phản luôn. Mấy con bé bên trường Chân Phước Liêm nhìn lén ông hoài đó nghe.
( vụ này có hôm cao hứng tôi mặc vô trường sau giờ tan trường để khoe ấy mà).
  Nghe đám bạn bình phẩm tôi cảm thấy vui mừng, giờ nhìn lại thấy lúc ấy sao mình làm hơi lố.

  Thời gian trôi qua, tôi đi Thần Phong được chừng hai măm, gia đình gặp nhiều chuyện không may, không còn khả năng và thời gian tham gia với anh em thằng Hạnh thằng Trọng nữa, tôi đành giã từ đồng đội trong tiếc nuối, tội nhất là anh Ba khi nghe tôi không tham gia nữa anh dậm cẳng kêu trời, đương nhiên anh sẽ bị cấp trên quở trách việc tôi vắng mặt, nhưng anh kêu trời vì anh muốn tôi được chắp cánh bay cao thoát khỏi cảnh tăm tối của cuộc đời trong xóm nghèo thân thương mà không được
Anh Ba ơi, vật đỗi sao vời nên em không thể theo con đường anh chọn cho em, xin nợ anh một món nợ ân tình, ngàn lần xin lỗi anh, giờ này anh ở đâu, một vùng quê nào đó ở Long An hay vùng trời xa tít nào đó, em cũng mong anh chị được an lành, riêng em kỷ niệm của cái thuở biết buồn ngày xưa lúc nào cũng có hình ảnh anh chị ngự trị trong đó.
Viết xong 17.3.2016 Tại cà Phê Phố

Xem Tiếp: ----