Dịch giả: Văn Hòa
Chương 1

     gôi nhà đồ sộ đứng sừng sững trên một đỉnh đồi ven biên thành phố Manchester, trong vùng Vermont. Đó là một trang viên cũ kỹ xây cất từ một thế kỷ nay, trước khi người đàn bà cuối cùng của dòng họ Winsten qua đời, và trước ngay người con gái của bà, cô Elinor kết hôn với ông William Asher. Dù ngôi nhà từ đó đã qua tay chủ khác, vẫn được người trong vùng gọi bằng tên cũ ngày xưa. Ông William đâu bận tâm về điều đó. Đánh mất danh hiệu của mình trong một ngôi nhà đã mang tên người khác, đó là điều ông không nghĩ đến. Ông thích ngôi nhà vì nó là như vậy. Nhờ có tâm hồn quảng đại mà ông giữ được bản lĩnh thoát mọi ảnh hưởng khách quan, và vui vẻ hòa mình vào sự nghiệp của bà Elinor. Tại Long Island còn có một ngôi nhà của dòng họ Asher, ông William có thể giữ nó lại với tư cách là con trai duy nhất trong gia đình, song ông đã bán đi sau ngày cha mẹ ông qua đời mà không hối tiếc. Ông đã trải qua những mùa hè dịu dàng và xanh mượt thời thơ ấu tại xứ Vermont, nên ông đã làm quen và ưa thích thành phố Manchester với những ngọn đồi yên tĩnh bao quanh.
Ngôi nhà của dòng họ Winter rất kiên cố và rộng mênh mông, các thế hệ đã nối tiếp nhau sinh sống ở đó, không phải sửa sang gì thêm. Người sáng lập, ông Adam Winsten, từ đầu thế kỷ 19, trước khi qua đời đã tự cho mình có trách nhiệm phải có đủ chỗ cho con cái ông: tất cả 12 đứa, trong đó có 9 đứa đã đến tuổi trưởng thành. Mặc dù ông có ý mở rộng thêm ra mãi, các cháu ông vẫn cảm thấy thiếu chỗ ở, và thiên cư gần hết về hướng tây. Nhờ mỏ vàng và thiết lộ, các cháu ông đã làm giàu nhanh chóng, đến độ về sau họa hoằn mới nhớ đến nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Trong thế kỷ trước, dòng họ Winsten, người này kế tiếp người kia, cho đến đời ông Adam Winsten, là người cuối cùng có vóc dáng của cây du khô héo trong mùa đông, và là thân sinh của cô Elinor. Không đứa nào trong các con ông muốn giữ một gia cư quá rộng như thế, đến nỗi kẻ đến xin giúp việc trong nhà, chỉ nhìn thấy những mái nhà vô tận, cũng tự động rút lui. Các con trai và con dâu của ông từ chối giữ lại bà già nấu ăn, tên là Bertha, vì bà đã ở quá lâu năm trong nhà.
Dần dần tất cả đều bỏ đi, trừ cô Elinor, người con út, mẹ cô và bà Emma, người chị em bạn dì già yếu, là ba người sống luôn luôn ở đó. Trong thơi gian ấy, hết mùa hè nọ đến mùa hè kia. Ông William ngày một say mê cô Elinor tha thiết. Họ đã kết hôn cách rất đơn giản ít lâu sau khi bà Winsten qua đời: Bà này đã bị sốc mạnh trong một buổi chiều xuân, khi bà cố sửa những bụi hoa hồng rậm rạp của bà. Sau đám cưới của họ, ba Emma tuyên bố ý định về sống ở New York. Bà luôn ước mơ điều ấy, và với số tiền bà Winsten quá cố đã để lại cho bà, đủ để bà thực hiện ước vọng đó.
Cô Elinor và cậu William thừa hưởng ngôi nhà. William rất ưa thích ngôi nhà này, vì ông yêu mến xứ sở này. Trước kia ông thương tiếc rẻ vì trong mùa he chỉ đến đó chốc lát với gia đình thôi. Ông mở một văn phòng nhỏ ở Manchester, cạnh cổng trường luật Harvard, và ông tiếp tục giữ nó vì lý do tình cảm, mặc dù hiện tại và nhiều năm về sau, là một luật sư nổi tiếng, văn phòng chính của ông đặt tại New York. Ông đã do dự khi chọn giữa Boston và New York, nhưng dòng họ Asher đến từ New York và tiếp tục đời sống luật sư ở đó, tạo nên một liên hệ mật thiết giữa xưa và nay.
Ngôi nhà lớn không hề đổi thay hình thức. Bên ngoài vẫn màu trắng với những cửa lá sách màu xanh lá cây. Vách gạch đã ghép ván bên ngoài làm cho các khuôn cửa sổ tăng thêm chiều sâu. Nhà mở rộng theo chiều dài, chẳng kể gì cân đối hay không. Một bên có hai cánh, bên kia có ba, hơi thụt về sau một chút đối với căn nhà chính. Nhà có ba tầng lầu, mặt tiền bằng phẳng có vẻ khắc khổ, chỉ trừ cửa chính bằng gỗ có chạm trổ.
Con đường dài trồng cây du đưa đến thảm cỏ xanh ở trước nhà. Các cây đã quá già cỗi, mỗi năm ông William phải kiểm tra lại, chống đỡ thêm, phòng khi ngọn gió Đông từ núi thổi xuống. Ông tổ Adam đã trồng các cây này cách khoảng nhau rất xa, để cho con đường có vẻ rộng thênh thang và bước vào người ta có cảm giác mênh mông bát ngát. Cái cảm giác này tồn tại khi người ta mở cửa chính ra. Một gian đại sảnh chạy dài ở chính giữa ngôi nhà, sâu bên trong cánh của lớn lồng kính, người ta có thể nhìn thấy trọn cảnh khu vườn có tường bao bọc chung quanh. Hai cánh cầu thang chụm lại bên trên và mỗi bên có một phòng khách, thường vẫn gọi là phòng khách Đông, phòng khách Tây.
Đồ đạc trong nhà còn đẹp, tạo thành một vẻ hài hòa ưa nhìn, những món mà gia đình đã mua sắm, mỗi khi một ít, bất chấp kiểu dáng, tùy sở thích cá nhân. Bà Elinor cảm thấy các gian nhà quá vướng vít vì đồ đạc, bà mời các anh chị chọn lấy cái nào thích thì mang về, để làm kỷ niệm những ngày thơ ấu chung sống. Dòng họ Winsten giữ lại những vật gì dính dấp với cái nhà xưa, như ghế bành và trường kỷ bọc nhung ánh vàng, những khuôn kính cao theo kiểu Pháp cẩn ở các cửa sổ mặt tiền. Lấy các vật đó mang đi, các anh chị cầm bằng nhổ các cây sơn mai già, các cây hoa xoan và các cây du cổ thụ.
Hai mươi lăm năm về trước, vào một buổi chiều xuân, khi chàng rể William bước chân vào nhà, chàng cảm thấy thật là thân mật. Chàng đã thường đến đây vào mùa hè để gặp lại các bạn hữu và cũng chính là mấy người anh của Elinor, và mỗi năm tình yêu của chàng mỗi tăng. Cuối cùng, chàng cũng làm thân được với vợ chồng Bertha và Heinrich, người giúp việc trong nhà, và sai bảo họ một cách tự nhiên. Chàng cảm thấy khó gần gũi với cô bé Jessica, đứa con đẻ muộn của họ. Sự ra đời của con bé có vẻ buồn cười, nếu ta nhìn lại đôi vợ chồng chậm chạp vụng về và luống tuổi này. Cô bé đã chào đời sau hôn lễ của gia chủ một năm.
Bà chủ đã cười ngất khi cho phép Bertha đặt tên cho con gái mình là Jessica, giống tên của mẹ là bà Winsten. Vợ chồng Bertha và Heinrich có vẻ thẹn vì có con muộn, và em bé lớn lên trong nhà bếp, bên lề ngôi nhà lớn. Ông William xem ra không lý gì đến cuộc đời của con bé, trừ khi ông thấy nó và tự hỏi tương lai của nó sẽ ra sao. Cô bé mảnh khảnh, đôi mắt có màu xanh loang loáng, mái tóc mềm mại với màu vàng kim truyền thống, khó mà tin rằng cô là con của vợ chồng người giúp việc.
Nhiều năm về trước, một lần khi ông William về nhà mở cửa phòng khách phía Đông, thấy Jessica ở đó, bây giờ nó mới lên bảy, ngồi trên một ghế bành bọc nhung, giẻ lau cầm tay, vì bà Bertha đã bắt đầu gọi con đi theo giúp mình. Nhưng Jessica không lau phủi gì cả, nó ngồi chễm chệ trên ghế, đôi mắt sáng ngồi, ngó nhìn lơ lửng, một nụ cười mỉm duyên dáng nâng cao hai khóe miệng. Cô bé múa may bàn tay xinh xắn, mũm mĩm, trắng ngần, một bàn tay không mấy có liên hệ với bàn tay của một mụ bồi phòng.
Khi ông William nhìn nó ngạc nhiên, nó bối rối kêu lên, rồi bình tĩnh trở lại.
- Ôi, thưa ông Asher, con không nghe tiếng ông đi vào. - Nó lúng túng trong miệng, nhảy vọt khỏi chiếc ghế và trốn chạy về phía nhà bên.
Ông gọi nó bảo không có sao, nó chỉ là một đứa bé, dù ông có tính không thích trẻ con, ông cũng không nỡ làm cho một cô bé xinh đẹp như thế sợ hãi, nhưng cô bé không dám trở lại. Tuần sau Bertha gởi con vào một tu viện ở Canada, thưa với bà Elinor rằng các dì phước người Anh có thể nghiêm hơn các dì người Pháp.
Với một chút áy náy lương tâm, bà Elinor phân tích cho chồng nghe:
- Nó còn bé quá mà gởi nó đi tận đâu đâu.
- Đứng vậy, nó còn bé quá! - Chồng bà trả lời.
Nhưng không có gì làm nao núng Bertha, và bắt bà ta đổi ý được, nên vợ chồng ông chủ phải để Jessica ra đi. Vào mùa hè, thỉnh thoảng cô bé trở về nhà, song bà Bertha nhận thấy không chịu nổi con bé, nên khi ông Heinrich, chồng bà nhắm mắt, lúc Jessica lên mười, bà bắt con phải ở lại trong tu viện suốt mấy tháng hè. Cô bé chỉ được ra khỏi đó khi đến tuổi làm việc được, lãnh vai bồi phòng ở nơi nhà lớn. Từ đó, ông bà chủ thường xem cô bé như thế. Cô ta không có được tính nghiêm trang như Bertha, nên bà Elinor thấy rằng cô phải lấy chồng. Cũng trong sớm mai ấy, bà Elinor có nhận xét: “Lấy ai? Nếu không phải là Herbert”, tài xế và hầu bàn, vào làm việc đã bảy năm, để thay thế cho Heinrich, sau khi một số người đã được gọi tới mà thiếu khả năng. Herbert từ giây phút đầu đã mê tít Jessica. Anh ta cố ở lại trong ngôi nhà cũ cũng vì yêu cô, mặc dù bị cô khước từ, khi thì mỉa mai, khi thì cộc cằn. Anh ta vẫn kiên trì nài nỉ theo cái kiểu của anh.
Những khuấy động thế này ở dưới bếp, theo lời ông William nói, cũng mang đến cho vợ chồng ông cơ hội giải trí. Bà Elinor lại có tài tường thuật một cách trào phúng và linh hoạt. Khi ông William mệt mỏi từ văn phòng trở về, nghe vợ kể chuyện, ông cũng lấy làm vui. Ban đêm, khi bà lo dỗ con ngủ, ông chỉ nghe bà nói câu được câu mất. Bây giờ các con đã lớn cả rồi, Winston đã lấy vợ, Edwin và Susan thì đang học ở trường trung cấp, chỉ có hai ông bà sống một mình trong ngôi nhà lớn.
Đoàn tàu lửa chạy đong đưa giữa vùng đồi núi xứ Vermont, rồi bỗng ngừng hẳn lại sau một cái sốc mạnh khi đi vào sân ga. Ông William đã sẵn sàng để xuống, ông thu nhặt giấy tờ, nhét vào cái cặp luật sư bằng da đen, quà giáng sinh bà biếu ông năm trước. Trước tiên, bà đã mua cho ông một cái cặp màu nâu. Màu sắc có ảnh hưởng nơi tòa án, nên ông đã để lộ sự hoài nghi của mình.
Bà Elinor tức cười, bà kêu lên:
- William, thì anh trả nó lại cho em, em sẽ đổi cho anh một chiếc khác màu đen. Từ ngày về với em, anh chẳng có cái cặp nào khác, em muốn xem sự thay đổi có ảnh hưởng nơi anh như thế nào.
- Không phải ảnh hưởng nơi anh, mà nơi thân chủ của anh, họ tin vào màu sắc trang nhã.
Elinor chỉ mỉm cười, một nụ cười dịu dàng với đôi mắt ngời sáng, nhưng cách một vài ngày sau, ông William cảm thấy khoan khoái khi nhìn thấy chiếc cặp da đẹp, màu đen, có in những chữ đầu tên ông bằng kim nhũ.
Anh tài xế Herbert xin nghỉ phép ngày hôm ấy, vì vậy mà ông William trở về bằng tàu lửa. Ông thích nghiêng đầu ra ngoài toa xe để nhìn thấy vợ ông đang chờ đón ông trên sân ga. Hôm nay bà tự lái lấy chiếc xe hơi nhỏ màu xanh sẫm mui trần của bà. Bà không bao giờ bỏ mui ra, nhưng hôm nay ngày cuối hè, các cửa kính đều hạ xuống. Bà ngồi băng trước, hút thuốc, dáng điệu nhàn nhã, duyên dáng tự nhiên. Bà là một phụ nữ trẻ trung, thon thả, và không bao giờ cắt mái tóc màu vàng hoe của mình. Tóc bà nhỏ sợi và mượt mà, dù chưa qua khỏi tuổi bốn mươi lăm, nhưng đã bắt đầu điểm sương và bà đã bới thành búi sau ót. Ông William gần như không nhìn thấy điều đó. Nếu bà không được duyên dáng như thế, với dáng mảnh khảnh đẹp đẽ như thế, người ta có thể xem bà như là một phụ nữ tầm thường, đằng này người ta tự cho là một sơ suất khi bắt gặp bà ăn mặc có vẻ cẩu thả. Ông William đã quen nhịn khi nhìn thấy cái cổ áo lụa của bà không cài nút, có ý để người ta đoán lấy bộ ngực đặc biệt trẻ trung của bà. Ông biết ông có nói ra cũng chẳng thay đổi được gì, chỉ làm cho bà mỉm cười, hoặc sẽ nhún vai một cái thôi. Mũi kim khâu có thể thu hẹp cái khuy nút quá rộng, nhưng chẳng bao giờ được thi hành, một chiếc kim băng và vô số những trang sức có kim găm mà ông đã biếu bà, cũng không bao giờ thay thế mũi kim khâu khuy áo cả.
- Herbert chưa về à? - Ông William vừa hỏi vừa bước lên xe, mắt nhìn đi nơi khác.
Bà chuồi mình theo băng ghế để nhường tay lái cho ông. Ông lái xe cẩn thận hơn bà, bình tĩnh hơn, vì trên đường có nhiều xe đến mấy cũng không làm cho ông khó chịu. Ông bà đã thỏa thuận với nhau, khi mùa hè biến Manchester thành nơi nghỉ mát, thì ông dành quyền lái xe trong buổi xế trưa. Khách sạn “Xuân - Phân” tràn ngập những khách chọn lọc, còn đoàn xe ca của hãng Cook thì cọt kẹt ngoài đường, trong khi một số du khách đổ xô đi tìm những khách sạn rẻ tiền hơn.
- Em đi một mình, vì em muốn tin cho anh biết Jessica đã chịu lấy Herbert rồi. - Bà Elinor nói.
- Thế nào được?
- Được, sau cùng... anh chị biến mất suốt cả ngày hôm nay.
Ông William lái xe sang phía tay mặt, đi qua mấy khu nhà, rẽ vào một con đường khác và chạy tiếp xuống hai dặm nữa, giữa cảnh vật xanh tươi vắng lặng, cho đến khi giáp con đường riêng của gia đình.
Ông ngạc nhiên lẩm bẩm.
- Phải qua đúng bảy năm trời!
- Em luôn luôn nghĩ rằng, kiên trì rồi Herbert cũng sẽ chiếm được con bé.
Ông William đáp lại cách hững hờ và mơ mộng:
- Anh tự hỏi, cô ta có thật hạnh phúc không?
Bao giờ lái xe lên ngôi nhà cũ trên đỉnh đồi, ông cũng cảm thấy một niềm vui luôn luôn mới mẻ. Ông cho xe chạy chậm lại. Bà Elinor nói một cách khô khan:
- Em không muốn hình dung Herbert trong tư cách là một người chồng.
Ông William mỉm cười. Bà Elinor có những nhận thức đôi khi quá tế nhị. Bà không ưa Herbert, nhưng bà cũng chẳng có gì để phiền trách anh ta. Anh ta gương mẫu, tận tụy, lương thiện, ít nói, siêng làm, âm thầm có một sức mạnh nảy lửa. Bà đâu mất nhiều thì giờ để khám phá ra rằng sức mạnh nay chỉ để chinh phục Jessica cho kỳ được mới thôi.
Ông William nhắc lại những ký ức xa xưa:
- Tính từ mùa hè này, cách đây sáu năm, em đã bảo anh là Herbert yêu Jessica, mà Jessica thì ghét anh chàng thậm tệ.
- Đúng, và anh lại bảo em, hắn nhọc công như thế cũng chẳng đến đâu. Lúc ấy em đã chỉ cho anh thấy, nếu hắn bền bỉ, hắn sẽ thắng cuộc.
William day qua nhìn nửa gương mặt vợ, ông nhận thấy bà có vẻ bí hiểm, đôi môi đẹp, mỏng và luôn mím lại, chân mày nhướng lên. Gió thổi bạt mái tóc bà ra đang sau, để lộ vầng trán. Bà có vầng trán rộng, cao và bóng láng, đẹp và thông minh. Tất cả biểu lộ ý bà muốn cho câu chuyện chấm dứt ở đây. Ông làm thinh, biết rằng khi nào bà thấy tiện thì mới nói, và không cần bắt buộc bà cũng sẽ giải thích cặn kẽ mọi chuyên.
Ông cho xe đi vào con đường nhỏ và ngừng đúng chỗ ông muốn, mở cửa xe cho bà và xuống xe.
Vào lúc đó, Herbert xuất hiện nơi cửa hông. Anh ta bước tới và cầm tay lái để cho xe vào ga-ra. Anh mặc bộ đồ xanh, khoác áo vét sọc ngày chúa nhật. Anh nói:
- Kính chào ông Asher.
- Chào Herbert. - Ông William đáp.
Ông do dự, mặc dù đã bước chân lên bậc tam cấp đầu tiên của lối vào nhà có nhiều cột. Những cột đá này do ông nội của Elinor xây thêm cách đây năm mươi năm về trước. Ông nói tiếp:
- Tôi biết đã đến lúc phải chúc mừng anh, Herbert.
Herbert không còn đỏ mặt nữa, anh giữ được màu da mặt tự nhiên, màu của những viên gạch, anh nói:
- Jessica đã nhận lời cầu hôn của cháu hôm nay rồi.
Miệng của anh ta như chắng có môi, song cặp mắt anh màu nâu lợt, lại tỏ ra là người tốt bụng. Ông William nói:
- Hay lắm, anh đã tỏ ra rất trung thành!
Herbert đáp:
- Cháu chẳng bao giờ nhìn một người đàn bà nào khác, thưa ông.
Giọng nói của anh trầm buồn và cố chấp, tương xứng với thân thể phì nộn của anh. Anh thừa hưởng tổ tiên người Hòa Lan của anh vóc dáng của một công sự chiến đấu, và những bàn tay thô tháp này.
Ông William mỉm cười bước lên bậc tam cấp, và Herbert đưa xe vào ga-ra. Bà Elinor đã ở trong nhà, bà bước lên thang lầu bằng đá cẩm thạch, với những bước chân nhẹ nhàng, nhanh nhẹn như ngày xưa. Bây giờ có lẽ bà đang ở trong nhà bếp, trên lầu hay ở ngoài vườn, ông William không thấy bà đâu cả. Ông đi vào một mình trong ngôi nhà im vắng. Ông không cảm thấy thiếu vắng con cái, vì ông biết ở lứa tuổi nào đó, chúng vuột khỏi tầm tay, biến vào hầm tối của thời gian, để rồi sau đó bước ra thành những chàng thanh niên, như chính cậu Winston cũng thế. Cha cậu chuyện trò với cậu như kẻ ngang hàng, nhưng Edwin thì giữ mãi cương độ thanh xuân không tin nổi, tư tưởng của cậu rất ư là dứt khoát. Cô Susan lại trở thành một người đàn bà xa lạ đối với ông, bởi vì hình dáng cô bé ngày xưa bây giờ đâu còn nữa. Ông đã nhanh chóng chấp nhận ý kiến của bà Elinor, khi bà quả quyết con gái họ sẽ đáp ứng nguyện vọng của ông, và trong lúc chờ đợi, ông có thể vui sướng vì con gái ông quá đẹp. Ông chỉ thấy tiếc vì cô con gái không thừa hưởng nét mảnh dẻ của mẹ mà có khuynh hướng đẫy đà. Cô ta phải canh chừng đường nét thanh thoát của cô, như chính ông đã làm. Khi đến tuổi ba mươi, ông đã bê trễ về chuyện này, và bà Elinor, đã tỏ vẻ nhàm chán ông, nhờ đó ông mới biết sợ và xếp đặt lại đời sống cho có trật tự. Bao lâu ông còn sống là ông còn nhớ mãi cái cảnh đã xảy đến cho vợ chồng ông trong lúc nửa đêm ấy.
Bà Elinor đã quay đầu tránh né làm ông phải kêu lên:
- Elinor, em hết thương anh như trước sao?...
Bà đã lẩm bẩm gì đó không rõ.
Ông William đang thèm muốn bà đến tột đỉnh, vẫn cầm mình lại. Ông nâng cằm bà lên và nói:
- Xem nào, nói thật cho anh nghe đi!
Bà cảm thấy thẹn thùng, nhưng bị ông thúc ép, sau cùng bà phải thú thiệt. Đêm đó ông mới nhận thức được sự khác biệt giữa Elinor và ông, giữa người nam và người nữ. Nơi bà, sự ham muốn giống như mạch suối ánh bạc, kín đáo, len lỏi. Bên ông lại giống con sông đang vồ vập, tuôn thẳng đến đích bất chấp mọi điều. Nơi bà, một cảm giác bực bội, một cử chỉ gắt gỏng, cả những ý nghĩ che đậy, cũng có khả năng cắt đứt nguồn cảm hứng.
Các con trai thuộc dòng họ Winsten, qua một ngẫu húng nào đó của luật di truyền, đều cao lớn, tóc vàng hoe, đẹp trai quá cỡ, nhất là cậu Edwin. Cô Susan có mái tóc đen cuốn lọn. Ông yêu thương Susan một cách đặc biệt dịu dàng, kín đáo mà ông tự chữa mình bằng cách nghĩ rằng vì cô là con gái duy nhất của ông.
Ông gặp Jessica trên thềm cầu thang, cô xuất hiện với dáng đi quen thuộc, nhanh nhẹn, nhẹ nhàng. Cô đi ngang qua gian phòng rộng lớn, áo dài màu xanh nhạt bồng bềnh chung quanh người, và với cái tạp dề màu trắng có xếp li, dầy buộc ngang lưng phất phơ trông có vẻ trẻ trung hơn cái tuổi hai mươi bốn của cô rất nhiều.
- Jessica, cô đừng vội vã quá thế - Ông nói - Ngày nào đó cô sẽ làm gãy đổ cả cầu thang đấy.
- Thưa ông Asher, nếu điều đó có xảy ra, cháu cũng chẳng quan tâm.
Cô ta ôm một mớ đồ vải trước ngực, tay cắp đầy khăn ăn vừa mới ủi xong, mùi thơm phảng phất quanh người cô. Người cô sạch bóng, với những bím tóc màu vắng hoe cuốn trên đầu, còn những lọn nhỏ, ướt mồ hôi thì bao quanh mặt.
Ông William cằn nhằn:
- Bao giờ cũng vội vã, chỉ nhìn cô là tôi đã thấy mệt rồi. Qua bao nhiêu năm như thế này, rồi cuối cùng cô cũng lấy Herbert.
Jessica bỗng cười toáng lên:
- Ô hô, anh chàng ấy, trước sau gì cháu cũng bỏ. Mẹ cháu chịu trách nhiệm, bà ấy bảo là đến lúc lấy chồng rồi. Anh chàng này hay anh chàng khác thì cũng thế thôi.
Đã là một thiếu nữ nhưng Jessica vẫn còn rất trẻ con. Có lúc chỉ nhìn thấy cô ta thôi, cũng tự nhiên nổi máu lên muốn chọc ghẹo. Cô bận những áo dài màu xanh nhạt, màu hồng đào, hay xanh lá cây, thêm vào đó những cái tạp dề nhỏ bé có xếp li và những chiếc mũ vải cô chít trên đầu, trông cô như đang đóng vai một nữ tì trên sân khâu.
Ông chủ lại lấy vẻ nghiêm nghị chưa từng thấy, ông nói:
- Tôi chẳng thấy làm thế nào gạt bỏ một người đàn ông ra khỏi đời mình lại bằng cách lấy chính anh ta làm chồng được?
Cô ta đáp:
- Ít ra anh ta thôi không van nài cháu nữa.
Giọng nói của cô rất trong trẻo, hoàn hảo, kết quả những năm cô sống trong dòng tu. Bà Bertha còn giữ giọng nói trong họng của người Đức, còn Heinrich không bao giờ nói tiếng Anh rành rọt. Ngược lại, con gái họ có những nhấn giọng ngọt ngào, biết nhận thức đứng đắn trong khi chọn từ để nói. Một hôm ông lưu ý bà Elinor về việc Jessica, từ khi rời khỏi tu viện thì nói tiếng Anh như một thiên thần. Bà vặn lại:
- Vậy các thiên thần nói tiếng Anh sao?
- Nói nhiều thứ tiếng, trong đó tiếng Anh là đẹp hơn cả. - Ông đáp. Ông thích tiếng Anh nói trôi chảy và thường tỏ ra đòi hỏi cao trong văn chương. Ông thường tự bảo, nếu có thời giờ thì ông có thể trở thành văn sĩ.
Ông lại nói với Jessica, khi cô đang đứng lại, hai tay đầy những đồ vải thơm phức.
- Sau cùng, tôi nghĩ là cô ý thức được chuyện cô làm. Những người trẻ tuổi xem ra tự tin lắm.
Ông đi vào phòng, tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng như thường lệ để ông đi tắm, và Jessica mang ra ngoài áo xống ông đã mặc buổi chiều, cô cũng lo liệu cho bà Elinor như vậy, và họ sẽ thiếu Jessica nếu cô không tiếp tục việc làm đó nữa. Nhưng chắc chắn điều ấy không vừa lòng Herbert, vì anh ta mong chóng đến ngày thành hôn để được tăng lương.
Ông William xua đuổi ra khỏi tâm trí hình ảnh cuộc hôn nhân của Herbert và Jessica. Bao nhiêu hình ảnh kế tiếp nhau lẻn vào tâm trí ông, tựa như quay lại một cuốn phim bí mật, thân xác một con vật ục ịch ôm quấn lấy nàng Jessica trắng ngần và tinh tế. Ông tự cho mình là một con người văn minh tiến bộ, và những trò phiêu lưu của đầu óc con người làm cho ông cảm thấy nặng lòng. Ông không muốn nghĩ đến hình ảnh của Herbert Morris, nó chỉ gợi lên cho ông một sự nhờm tởm, khác với hình ảnh thường ngày của anh ta, chững chạc và đường hoàng, mặc đồng phục tài xế hay người hầu bàn. Trong những gì liên quan đến ông, ông chỉ quan niệm về anh ta như thế, đâu có cần ông lo lắng về nước da trắng ngần và cách đối xử tế nhị của cô hầu phòng Jessica. Ông tự cho mình có tâm hồn thanh khiết trong chọn lọc và thưởng thức, vì vậy, nếu trí khôn ông cợt đùa ông như thế, dựng lên hình ảnh một con vật trong vô thức của ông, thì đối với những người khác ít kềm chế hơn ông, thì thế nào?...
Điều này không đáng ông để tâm, ông xua đuổi khỏi đầu óc những trò phiêu lưu tình cảm này, và bắt trí khôn chăm chú vào những vấn đề minh bạch và không lệ thuộc vật chất. Hiện ông đang bị thu hút vào một ca lý thú liên quan đến hai nhà phát minh. Không quen biết nhau, không quan hệ với nhau, nhưng trong cùng thời gian, cả hai đã phát minh được cách làm tốt hơn giống hệt nhau, để áp dụng vào máy giặt và sấy. Ai trong hai người đã có ý hướng đầu tiên, ai đã khéo léo đủ để được nhận bằng phát minh trước người kia. Đắm chìm vào những suy tư lành mạnh này, ông tắm gội xong và xuống ăn tối với tâm hồn bình yên và thoải mái. Herbert và Jessica dưới con mắt ông trở lại nguyên hình là những người tôi tớ.
Nhưng ông bị một cú sốc nặng, ông đang đi xuống trên những bậc thang trải thảm, bước chân ông không gây tiếng động, ông chợt thấy Jessica trong phòng khách phía Đông. Chắc là cô ta lợi dụng thời gian rảnh rỗi trước bữa ăn. Cô đang ngồi trên một chiếc ghế bành bọc nhung mà cô đã xê dịch lại đối diện với cái gương soi lớn, treo giữa hai cửa sổ. Cái tạp dề và mũ chít đầu đã bỏ ra, mái tóc buông xõa tạo nên một áng mây vàng óng ánh quanh gương mặt, cô phát âm khá rõ ràng bằng giọng dịu dàng như mật rót vào tai. Ông William đứng sững nơi bậc thang, hơi có vẻ bực mình, nhớ lại cũng một màn, mấy năm về trước, đã làm cho bà Bertha nhất quyết gởi cô ta vào dòng tu. Nhưng lần này nghiêm trọng hơn nhiều: Jessica đang thốt ra những lời tình tự với một nhân vật vô hình. Cô ta nói:
- Anh yêu quý của em, anh chẳng thấy là anh yêu em sao? Tất cả những gì em làm là làm cho anh. Nhà này, vườn này, em đây, nếu chẳng vì anh thì em có còn quan tâm đến nữa không? Em có thể sang nước Anh, sang Pháp, sang Ý, thì em ở lại đây làm gì, nếu không phải là để gần gũi anh?
Jessica mỉm cười với ai đó một cách ngọt ngào, hất mái tóc ra đàng sau và đưa hai cánh tay về đàng trước.
Ông William lấy làm quái gở, tức giận, ông mừng thầm, may mà bà Elinor không có mặt ở đấy. Ông cương quyết bước vào và Jessica tỏ vẻ sợ hãi.
- Trời ơi, thế ra là ngài! - Cô hốt hoảng kêu lên.
Mặt cô ta biến sắc, trở nên tái mét, cô chộp chiếc mũ và cái tạp dề, mang và đội vào một cách vội vã, hai tay run bắn lên. Ông hỏi cô một cách duyên dáng:
- Cô tưởng tượng là cô đang ở trên sân khấu và đang đóng kịch đấy à?
Cô ta ngó ông không hiểu, và thỏ thẻ:
- Em van ông, đừng nói cho ai biết.
- Vậy là cô mặc cảm mình có lỗi?
Cô ta lại nói:
- Em van ông.
Ông William nghiêm khắc nói:
- Thật là ngớ ngẩn!
Jessica lại nhìn ông một cách sợ hãi, khó hiểu, và băng mình về phía nhà bếp. Ông chần chờ giây lát, mày nhíu lại, miệng có vẻ nghiêm khắc, rồi ông quyết định bỏ qua. Điều Jessica nói trước tấm gương soi nghe ra quá buồn cười, thì nói lại với bà Elinor làm chi.

*

Ở nhà bếp, anh Herbert và bà Bertha nhìn Jessica tuôn vào như một con lốc, mũ và tạp dề xốc xếch.
Herbert có ý tốt, thử chọc Jessica:
- Tưởng có ai đuổi theo cô đằng sau lưng chứ?
- Tôi chạy xuống cầu thang quá nhanh. - Cô đáp. Rồi cô cô giữ để điều hòa hơi thở trở lại.
Bà Bertha nói:
- Nó luôn luôn chạy, tại sao thế? Khéo làm ngược đời!
Nhưng bầu không khí quả là tốt lành. Jessica cảm thấy ngày hôm đó không có ai phiền trách cô. Cô quay lưng lại và đặt mấy cái tô đựng canh lên chiếc mâm bạc.
Đời cô là một cuộc đời riêng biệt xa cách cuộc đời của những người còn lại trong nhà, một cuộc đời trong một cuộc đời, chỉ liên kết nhau trong vấn đề phục vụ, không có quan hệ nào về mặt tinh thần. Mặc một chiếc áo dài vải xám, bà Bertha to lớn dềnh dàng, biết xét đoán, gương mặt cả quyết, ngồi nơi bàn nhà bếp, cắt những lát thịt quay ra cho Herbert. Jessica vẫn đứng, các dĩa ăn vất bừa bãi trên các mặt bàn trừ trên bàn chính giữa hình bầu dục, đã dọn sẵn phần ăn với những mảnh cói đan và những dao nĩa cán màu đỏ của nhà bếp. Herbert ngồi ở đầu bàn, chỗ Heinrich ngồi khi còn sống. Sáu năm về trước, ngày bà Bertha mời cậu Herbert ngồi vào đó, thì anh ta đã hiểu bà là đồng minh của anh. Bảy năm dài đã qua trước khi anh thuyết phục được Jessica chịu lấy anh làm chồng. Nhìn lại đằng sau, Herbert có cảm nghĩ, giá như ông Heinrich còn sống đến nay, chắc anh còn phải đeo đuổi Jessica lâu hơn, và chưa chắc cô ta đã chịu. Cha của cô luôn bênh vực cô.
- Mời cô bé ngồi xuống. - Herbert nói với giọng kẻ cả.
Jessica ngồi xuống và bắt đầu ăn một cách nhỏ nhẹ những gì mẹ cô chất quá lố trên dĩa riêng của cô. Mẹ cô không bao giờ hiểu được rằng, thấy một số thức ăn nhiều như vậy sẽ làm cho con gái bà ăn mất ngon, và từ lâu Jessica đã không buồn cự nự mẹ về điều đó nữa.
Bà Bertha lại nói:
- Bà chủ Elinor đã bảo tôi lấy một chai sâm banh uống để cầu phúc.
Bà đứng lên một cách nặng nề, và núng na núng nính đi đến lấy chai rượu sâm banh đang ướp trong tủ lạnh.
Herbert đưa mu bàn tay lên chùi mồm và nói:
- Ồ! Một ý kiến hay. Uống bia rồi thì sâm banh là nhất! Một ly bia ướp lạnh luôn luôn hợp với gu của tôi.
Nói thế không có nghĩa là tôi chống lại việc uống sâm banh.
Bà Bertha nói:
- Jessica, con ăn đi. Hôm nay là ngày trọng đại cho mẹ già của con đấy!
Jessica ngước mắt lên, phân vân, rúng động, cảm thấy quá bé nhỏ trước hai gương mặt đang quan sát mình, mỗi cái có một ham hố riêng và đáng sợ, đến độ cô coi mình như một con chuột nhắt giữa hai con mèo to đang tỏ vẻ khoan dung. Cô mỉm cười, bằng một nụ cười nhanh nhẩu và rạng rỡ, vũ khí tự vệ của cô.
- Vâng, con ăn đây. - Cô kêu lên với giọng nói dịu dàng của cô, và tiếp tục mỉm cười khi mẹ cô rót rượu óng ánh ra những chiếc ly dùng cho nhà bếp.
Họ nâng ly thật cao, theo cung cách của dân Đức, Herbert luống cuống khó theo được với tình cảm chân chất của bà Bertha.
- Mẹ uống mừng cho hai con, hãy hạnh phúc bên nhau và sớm có cháu cho mẹ bồng. Herbert, con hãy tử tế với con gái của mẹ, và con, Jessica, con hãy làm một người vợ tốt, như mẹ đã dạy bảo.
Cả ba đều uống: Bertha uống một cách long trọng và chậm rãi, Herbert ực từng búng to, còn Jessica thì nhấp tùng ngụm nhỏ và nhanh.
Bà Bertha đặt ly xuống và nói:
- Mẹ nhớ đến cha của con. Ước gì có cha con hôm nay, ông hạnh phúc biết chừng nào!
- Xin mẹ đừng nhắc đến cha con...! - Jessica kêu lên.
- Phải, phải, con có lý, hôm nay đùng nói đến chuyện gì buồn. Bây giờ con hãy ăn đi! Con của mẹ.
Bà cầm con dao lên và cắt từng miếng thịt vuông, lớn, trong dĩa mình và mạnh dạn ăn bữa tối.
Herbert đã ăn là không nói. Anh ta đã được giáo dục trong một nông trại, nơi mà người ta không nghĩ đến việc nói chuyện trong khi ăn. Anh ta bốc mạnh chiếc nĩa lên, cầm nó đứng thắng trong tay mặt, còn tay trái thì dùng dao mà cưa khúc thịt bò của mình. Jessica đã chỉ cho anh ta là cầm nĩa như vậy không đúng cách. Thật ra thì anh chàng làm gì có cơ hội học biết những điều đó như cô. Cô đã hầu bàn và thấy rõ những người lịch sự ăn uống làm sao.
Ông Asher sử dụng những đồ đạc trong nhà một cách khéo léo, nên khi ngồi ăn, ông không làm gì khó coi cả. Từ bé, Jessica đã luôn luôn quý mến ông. Cuộc hôn nhân của ông với cô Elinor vốn là một huyền thoại, như trong truyện thần tiên. Một chàng thanh niên trẻ đẹp, da ngăm ngăm, phong cách trác tuyệt, giọng nói truyền cảm, không có gì bất nhã. Jessica ngó vào dĩa của mình, chọn những miếng nhỏ nhất, ăn không nhìn mẹ và Herbert, vì chỉ nhìn hai người ăn là cô đã chán ăn rồi. Cô đã đến tuổi hai mươi tư mà chẳng có ma nào xin cưới cả, vì chẳng bao giờ cô cho phép làm như vậy; cô mơ tưởng đến ai bây giờ: một chàng trai làm nghề đồ tể, một tay bán đồ gia vị, một tên chạy hàng? Dễ có đến sáu năm rồi, cô thường lẩn tránh Herbert, nhưng anh ta đeo cô như đỉa đói. Luôn luôn anh hiện diện để lặp đi lặp lại vào tai cô chỉ mỗi một điều, đương khi mẹ cô kiên trì nhắc nhở, bảo cô phải lấy chồng, như vậy tại sao không ưng Herbert cho xong. Anh ta cũng là một con người lương thiện và tốt bụng? Vợ chồng họ sẽ dọn về ở nông trại, nơi có trại nuôi gà. Nơi đó sẽ là chỗ cư trú cho cả ba, tính cả bà Bertha, khi bà đã hết tuổi làm việc.
- Jessica, con đừng làm bộ làm tịch nữa, ăn uống thoải mái đi.
Đột nhiên, cô hết muốn ăn. Khi còn là một con bé tí tẹo, xanh mét, mẹ cô thường tọng đồ ăn vào miệng cô, và cố cầm đồ ăn lại trong đó bằng bàn tay to tướng của bà, ngăn không cho cô nhổ ra. Một hôm nọ, cô đã cắn vào tay mẹ và bà đã vả một cái thật mạnh vào mồm cô đến nỗi chảy máu môi và ê ẩm cả răng, nhiều ngày sau mới hết. Dầu vậy, mẹ cô cũng đã quá yêu thương cô, nên nếu cô không thương yêu bà là điều xấu xa.
Herbert đưa cái nĩa đã ghim một miếng thịt lớn lên cao và nói:
- Cô hãy ăn nhiều thịt vào để che lấp xương xẩu của cô đi, sau đó cô sẽ khỏe khoắn hơn.
- Thế này tôi đã mãn nguyện rồi.
Có tiếng chuông ở phòng ăn nhà trên reo vang. Jessica đứng dậy, phóng nhanh ra cửa vừa kêu lên:
- Họ đã đến rồi!
Bà Bertha bồi thêm:
- Có chồng rồi nó sẽ khôn ra.
Herbert đáp:
- Đúng như vậy, thưa mẹ.
Bà lại bảo:
- Cha nó thuộc loại người thiếu đầu óc, không bền chí, quá tỉ mỉ, dễ xúc động. Cưới nhau xong, mẹ phải thu xếp sắp đặt mọi việc cho ông ta đấy. Mẹ đã hành động như mẹ đã làm với Jessica, từ khi nó ở tu viện trở về. Nó nghe mẹ thì rồi nó cũng sẽ nghe con thôi, để rồi xem.
Herbert nói:
- Dù gì đi nữa, thì con cũng sẽ cư xử tốt với em con.
- Đúng vậy. Mẹ tốt với nó, cũng như con, tại sao lại không nhỉ, mẹ chỉ có một mình nó?

*

Mùa thu là mùa William thích nhất. Mùa xuân không được như vậy. Tuy nhiên, chính chàng đã si mê Elinor trong mùa xuân, và chàng không mấy tin là mùa xuân đã ảnh hưởng đến việc chàng bị nàng thu hút mạnh mẽ đến thế. William đã hai mươi tuổi, và cho đến lúc đó, chàng chưa hề có ý nghĩ về một mối tình có thể hình thành giữa hai người. Mùa hè trước đây, chàng mơ hồ mình phải lòng một thiếu nữ hoàn toàn khác với Elinor, tên là Marion Hayworth, láng giềng của Elinor, ở gần nhà họ, tại Manchester. Mỗi lần gặp lại cô ta, dù bây giờ đi nữa, William vẫn cảm nhận sắc đẹp của cô, song chàng không lấy đó làm quan trọng. Chàng chỉ ngạc nhiên về sự xoay chuyển của cuộc đời. Marion đã tỏ ra đứng đắn với Elinor khi cú sốc ban đầu đã giảm bớt. Thật ra thì chính Marion, trong khi bắt lỗi William, đã nêu lên cho chàng biết sức mạnh của sự đam mê mới này. Bản chất nó là dứt khoát, và khi cô ta đặt chàng đối diện với những gì đã xảy ra, chàng đã nghiêng mình nói:
- Anh rất lấy làm ân hận, nhưng đó là sự thật.
Thế nhưng, chàng có ân hận bao giờ đâu. Giờ phút này, Elinor không những chỉ là vợ chàng mà còn là người yêu nhất đời của chàng, sau bao năm chung sống, chàng tự nhủ, đó là một điều họa hiếm. Chàng đã chờ đợi cho mùa hè trải qua khá lâu mới tỏ tình. Trong dịp đầu hè, vào một ngày cực kỳ mệt nhọc, nóng bức và ẩm ướt, sau khi đã chèo thuyền trên thượng nguồn con sông gần nhà, chàng đã ngỏ lời xin cưới nàng làm vợ, và nàng đã nhận lời ngay. Elinor không tỏ vẻ ngạc nhiên như chàng đã tưởng, nàng đã trả lời một cách bình thản.
- Em đang chờ đợi, Marion nói cho em biết những gì anh đã nói với cô ấy.
Sự bộc trực như thế giữa hai người đàn bà, sự bộc trực mà chẳng biết rõ, vẫn làm cho chàng bực tức. Hai người đàn ông sẽ không bao giờ nói với nhau về những điều thiêng liêng như thế. Mỗi lần nghĩ đến, chàng cảm thấy mình bị xúc phạm, nhưng sự việc đã như thế rồi. Những người chơi bài Brít với Elinor đã cho chàng thấy rõ điểm đó. Mặc dầu không muốn, chàng cũng đã nghe lõm được những lời bình phẩm của bảy cô bạn tốt nhất của Elinor ở Manchester hay ở quanh vùng. Những người chồng của họ, cũng là bạn rất tốt của chàng tại câu lạc bộ trong vùng và cảm thấy phật lòng mỗi khi nghe được những lời nói hớ hênh như thế. Chàng không thể nào tin được Elinor cũng thật thà một cách ác độc như bảy người đàn bà nhẹ dạ kia, nhưng chàng đâu dám đặt câu hỏi với nàng. Chàng tiếp tục chỉ tin tưởng được vào một mình nàng trong đám phụ nữ, gần như là hoàn toàn. Chàng vẫn cảm thấy rung động vì vui sướng mỗi khi nhìn thấy chiếc đầu duyên dáng của nàng trên cần cổ khá cao thon thả, với một búi tóc ánh vàng lấp lánh trên gáy. Mỗi lần nàng đi ngang qua, chàng không thể cầm mình mà không táy máy chân tay, chàng vuốt ve mái tóc nàng, rồi men theo vòng tròn quanh chân tóc, hoặc khẽ đặt tay lên đôi nhũ hoa chắc nịch của nàng.
Mùa thu là mùa ông William vui thích nhất. Mùa này ở Vermont khởi sự từ cuối tháng tám và kéo dài cho đến khi tuyết bắt đầu rơi. Ông là loại người ưa sống ngoài tròi, nhưng không phải để săn bắn. Ông thích nhìn ngắm những ngọn đồi dợn sóng khá thấp quanh núi rừng, và những màu sắc đổi thay của cây cối. Sáng hôm ấy, đang trên lầu đi xuống, ông bắt gặp tại phòng khách một chiếc lông chim bé tí, màu xám, trên tấm đệm màu hung đỏ, và lượm lên. Đó là chiếc lông của một con chim nhỏ ở lùm cây mà gió đã đưa vào khi người ta mở cửa, có thể là khi Jessica quét nhà.
Vui thích biết bao khi ở trong một ngôi nhà lớn mà cũng bắt gặp trên đệm một chiếc lông chim. Ông kẹp chiếc lông chim vào giữa những trang giấy của một quyển sách để trên bàn riêng. Đó là tác phẩm của nhà văn Proust, quyển sách ông thường đọc trong lúc chờ đợi bà xuống điểm tâm. Ông đau khổ khi nghĩ đến câu chuyện xem ra đã xa vời, xa cách nước Pháp của thời nay, xa cách tất cả mọi phần đất khác của thế giới. Ông cảm thấy một nỗi nhớ nhung da diết và thầm kín mà những người cùng lứa tuổi với ông phải cảm nhận, khi nhớ lại một thời đại mà họ đã biết, những người trẻ trung của những năm tháng yên bình, an lạc, hạnh phúc bỗng dưng biến mất mà không ai hiểu được. Bấy giờ người ta coi ông như một con người cấp tiến, đã làm cho cha mẹ ông lo sợ, như chính ông bây giờ đã áy náy về cậu Winston và Edwin, không phải vì niềm tin cấp tiến của chúng, không phải vậy, mà bởi vì chúng quá bảo thủ, quá thận trọng, quá bận tâm một cách nguy hiểm vào một cái gì đó có thể đưa đến một hình thức dấy loạn. Hai người thanh niên không còn được che chở như hai đứa con của ông nữa, và ông giấu không cho họ biết những nghi vấn và những lo lắng của ông về mặt chính trị ông còn đặt mình vào hạng những người tự do, tự do bảo thủ dĩ nhiên, nhưng chắc chắn ông là một người tự do có cánh nhìn làm cho con cái ông chán ông. Về Susan, con gái của ông, thì cho đến nay, cô không tỏ ra tò mò chút nào đến các vấn đề chính trị hay thế giới, cô chỉ quan tâm đến chính mình cô và những cơ may để lập gia đình. Đôi khi ông cảm thấy nhục nhã thấy cô kiên tâm theo đuổi để tìm kiếm một tấm chồng. Ngày xưa, bà Elinor chắc chắn đã không có quyết tâm và táo bạo như vậy. Theo lời Susan nói thì trên tất cả, cô gớm ghét, khinh chê, những người đàn ba ngày xưa đã tận tụy đấu tranh cho nữ quyền, hay như ông William gọi là tranh đấu cho nam nữ bình đắng. Chính bà ngoại cô vừa là trợ lý vừa là bạn thân của bà mệnh phụ Stanton, và Susan đã van ông đừng nhắc đến điều ấy. Trong số các ảnh chụp của gia đình, có ảnh của hai bà đứng bên nhau, mặc váy bùng xùng, và những lọn tóc bao quanh gương mặt họ. Khi xem những tấm ảnh ấy, Susan kêu lên một cách khinh miệt:
- Những người đàn bà như loại này làm cho đàn ông xa cách chúng tôi mà chúng tôi vô phương cứu vãn.
- Giải thích nghe coi. - Ông nói.
Susan kêu lên:
- Thưa ba, ba không biết những người đàn bà như thế đã làm cớ cho đàn ông chê ghét chúng con sao?
Ông William trả lời:
- Ngu xuẩn, ba không thể chê ghét một người đàn bà nào cả.
Cô ta cãi lại với đôi chút xảo trá:
- Ba không thích cho con làm luật sư phải không?
- Ba nghĩ rằng, con không thể làm một luật sư tốt được, con không có đầu óc lôgíc.
Cô ta nói với vẻ đắc thắng:
- Thế đấy! Con đã nói đúng. Không có những bà như bà Stanton hoặc tương tự, thì có bao giờ ba bận tâm nghĩ đến loại người có đầu óc như con, và con làm những gì mà con thích.
Ông chờ đợi trong giây phút để lựa lời, rồi nói:
- Phải chăng con thích nghề luật sư?
Cô rất bình tĩnh, đáp:
- Chắc là không rồi: đó là một cái bẫy.
Ông không nói đến nữa. Ông chẳng hiểu tí nào về thế hệ này. Khó mà nói chuyện nghiêm túc với chúng nó. Ông sẵn sàng bán linh hồn của ông để mua một tiếng nói thông minh, nhưng đó lại là cách ông ghét, như thế là hủy hoại chẳng những cách nói chuyện phải chăng, mà còn kém cả văn minh nữa.
Bà Elinor bước xuống lầu đúng vào lúc đó. Ông đặt cuốn sách xuống và đưa cho bà chiếc lông bé tí màu xám.
- Em hãy xem cái này, anh lượm được nơi tấm đệm, gió thu mang vào đấy.
Bà quan sát chiếc lông chim rồi mỉm cười, lơ đễnh nói:
- Em nghĩ đây chỉ là chiếc lông chim sẻ. Chắc có hai con trong tụi nó đánh nhau. Luôn luôn có trận chiến trên mái nhà.
Ông đặt chiếc lông lại trong cuốn sách. Có những lúc bà bắt ngay trạng thái tinh thần của ông và đối đáp lại một cách hết sức tế nhị, chuẩn xác, đến nỗi ông cao hứng ôm bà vào lòng. Đối với người khác, trái lại bà không bao giờ làm thế, và ông cũng hiểu cái đó có ý nghĩa ra sao. Sớm mai này bà có vẻ xa vắng, xem ra bà muốn được yên tĩnh, không nên ôm bà mà siết bà quá mạnh. Bà sống xa vắng trước ngày ông lại ra đi, bà sống những giây phút mà bà sắp phải sống không có ông, mặc dù ông có cảm thấy hay không. Ông phải mất một thời gian khá lâu, ít ra cũng gần mười năm trời để hiểu nổi hôn nhân, phần lớn dựa vào sự tìm hiểu trạng thái tâm hồn của người phối ngẫu, có thể đó là tính ích kỷ, để sống một cuộc sống chung. Ban đầu, vợ chồng thường va chạm nhau, vì ông coi như điều mà ai cũng chấp nhận là người vợ phải phục tùng chồng mình, thật sự đâu phải thế, nhưng là người vợ phải nghĩ đến chồng trước khi nghĩ đến bản thân. Ông đã nhận thấy từ lâu rằng, dù tâm tình tế nhị, bà Elinor vẫn đã được tạo nên bằng chất liệu bền vững hơn. Bà không cần đến ông một cách dễ dàng, hơn là ông cần đến bà, và khi ông đau khổ về điều đó thì bà nhẫn tâm để ông tự gắng sức thoát ra khỏi sự đau khổ ấy.
Những gì ông quan sát được nơi bà, ắt phải có nơi tất cả các người đàn bà khác. Họ biết tự thu xếp để sống cuộc sống của mình, một cách công khai theo kiểu bà Elinor, hoặc một cách âm thầm. Dù vậy, ông hoàn toàn hạnh phúc với vợ. Điều đó đôi khi làm cho ông bỡ ngỡ, nhưng ông vẫn yêu vợ tha thiết, mặc dù đôi khi bà có thể làm cho ông nổi giận.
Hai ông bà ngồi vào bàn ăn sáng, một thói quen ông rất thích: ông than phiền thay cho các ông chồng mà các bà vợ đã không chịu dậy sớm để cùng ăn sáng chung với nhau. Ba Elinor cũng vui thích như ông, mặc dù sớm mai này, bà có vẻ xa vắng, và khi bà thấy ông không định hôn bà, thì bà đứng lên và hôn vào đỉnh đầu ông. Ông đã từng kinh nghiệm trong trường hợp như thế, đừng có làm tới, ông đã được đền bù bởi những đáp ứng của bà, những bước chân nhẹ nhàng, thứ ân huệ thanh thoát thật khó mà nhận thấy, và xem ra chẳng có giá trị gì nhiều. Một chiếc hôn lên mái tóc, nhưng ông vẫn thích thú biết bao! Cảm thấy bà gần gũi dường ấy, ông muốn ôm bà vào vòng tay, nhưng ông đã cầm mình lại, và một lần nữa, bà vừa ngồi xuống, vừa nhìn ông bằng con mắt nồng nàn biết ơn.
- Bộ đồ màu xám với chiếc cà vạt màu hạt dẻ của anh rất vừa ý em. - Bà nói.
- Cám ơn em, anh nhận thấy là chúng rất hài hòa với nhau. - Ông nói cách tự nhiên.
Bữa ăn sáng kéo dài như thường lệ, trong một bầu không khí hòa hợp, thông hiểu nhau. Một lát sau, ông ra khỏi nhà đi đến văn phòng ở Manhattan. Mặc dù khi ra đi bà đã hôn ông nồng nàn, ông vẫn có thể đắm mình hoàn toàn vào công việc khi ở trong văn phòng. Cuộc hôn nhân của ông là một thành công trọn vẹn. Ông có thể cảm thấy an toàn.
Ngôi nhà yên tĩnh mà ông đã xa rời buổi sáng, đã trở nên hỗn loạn khi ông trở về buổi chiều. Bà Elinor đón ông nơi cửa, ngón trỏ đặt lên môi và đôi mắt nhìn một cách có ý nghĩa về phía nhà bếp.
- Lại gì nữa đây? - Ông hỏi, giọng hơi trầm buồn.
Bà Elinor thở dài, nói:
- Bertha lại giận con nữa rồi! Không ai nói với ai lời nào. Jessica ở trên lầu và khóa chặt cửa. Bertha thì đang phun sấm sét vào bếp lò của bà ta.
Đối với kẻ ăn người ở trong nhà, ông không chịu nhẫn nhục được như bà Elinor, nhưng ông phải thừa nhận lòng nhẫn nại truyền kiếp của dòng họ Winsten, nhờ đó mà bà Bertha trung tín với gia đình này dài lâu. Không khác gì một viên ngọc trai trong một con sò, người này cũng như người kia, quý mến nhau và cùng cáu kỉnh với nhau.
- Herbert không nói gì sao? - Ông William hỏi và nghĩ đến Herbert lúc lái xe đưa ông về, đã ngồi như phỗng đá trên ghế tài xế.
- Có thể là anh ta chưa hay biết. - Bà Elinor đáp.
Ông lại nói:
- Hễ đối xử với tôi tớ trong nhà quá tình cảm, thì phiền phức đến liền! Chán gì đầu bếp giỏi hơn Bertha. Sao em không kiếm người khác?
- Tội nghiệp cho Bertha!
- Này, này, em đừng có để cho bọn tôi tớ trong nhà lộn xộn. - Ông vừa nói vừa quàng tay sau lưng bà. Ông muốn kể lại cho bà nghe cái cảnh Jessica trước tấm gương soi mà ông đã thấy.
- Em không thể ngờ Bertha và Jessica lại như vậy. - Bà nói.
Nói xong bà mrong cánh tay chồng đi vào phòng khách một cách vui vẻ. Chính bà đã đặt ở đó khay cốc tai, thay cho Jessica, vì cô ta tự khóa mình trong phòng. Bà đã lấy ly rượu thập cẩm ướp đá cho ông.
Ông nói:
- Em yêu quý, đợi anh một chút. Anh đi rửa ráy đã, rất tiếc vì đã về trễ.
Khi ông William từ lầu trở xuống, thì Herbert đã đợi, mặc áo trắng bồi bàn và cảnh nhà xem ra đã trở lại cái vẻ bình thường của những buổi chiều thu đẹp trời. Các cửa phòng ăn mở rộng, và trên bàn đã dọn sẵn phần ăn cho hai người.
Ông đã từng hình dung cảnh tượng lũ trẻ đã vào trường, bà Elinor và ông sẽ cảm thấy cô đơn, tòa nhà như rộng lớn hơn ra, và thật là hiu quạnh, thật là trống vắng sau khi không còn tiếng trẻ con nô đùa giỡn cợt. Song chỉ vài ngày sau, những gì ông cảm thấy trước đó đều sai bét. Tòa nhà trở nên tĩnh lặng một cách thú vị, những tiếng nói trẻ trung cao vút, những bước chân chạy thình thịch trên cầu thang, những tiếng la hét từ các cửa sổ trên cao, vẫn không thiếu vắng. Thật là thích thú lượn quanh các phòng đã trở lại trật tự, tìm được ngay cuốn sách nơi mình đã đặt, đâu còn thấy những tranh ảnh buồn cườì vứt bừa bãi đó đây.
Chỉ ban đêm, đôi khi không ngủ được, ông đi lang thang trong nhà, thì những hình ảnh của lũ con ông mới hiện ra. Winston khi mười tuổi, mái tóc đỏ hoe, thân hình mảnh khảnh, luôn luôn chạy nhảy, vội vàng băng qua đại sảnh, Edwin da sẫm, ngồi lún sâu trong chiếc ghế banh ở thư viện, là chiếc ghế cậu ta ưa thích, đầu cúi xuống một cuốn sách, mê mải đọc. Thường thường, khi ông đến ngồi trên cái ghế bành đó, ông còn cảm thấy hơi ấm của cậu con trai. Và bóng dáng của Susan, máu thịt của máu thịt ông, nay đã là một phụ nữ, nhưng muôn đời khác xa ông.
Ban đêm thì chúng hiện về đủ mặt, dưới hình bóng trẻ con của thuở ban đầu, mà chính ông tha thiết muốn nhìn thấy lại. Lũ con ra đi làm cho ông có cảm giác tuổi già của mình càng đến gần. Dù chúng có về trong dịp lễ Nô en, hay trong dịp nghỉ hè, vẫn không phải là một cuộc trở về thật sự. Đối với chúng, chẳng qua chỉ là cuộc dừng chân ngắn ngủi trên con đường đi đến định mệnh cuối cùng. Nhưng mà đối với ông, chúng có mất hẳn đâu. Ông đã thấy chúng, ngày mới sinh ra, yếu ớt, bất lực, nhỏ bẻ, rồi tập đi, tập nói, để trở thành những cậu học trò sôi nổi, phá phách trong tuổi thiếu niên. Đó là hình ảnh của những đứa con mà ông còn giữ lại trong chính ông: những hình ảnh khác của chúng, ông cũng không quên. Những chàng thanh niên chững chạc, vụng về, trở về nhà trong chốc lát, để tìm lại một chỗ để tắm gội, mặc áo quần trước khi nhảy nhót hay ăn trưa, một chỗ có thể ăn và ngủ mà khỏi trả tiền. Đôi khi ông tự hỏi, chúng nó đã nghĩ gì về mẹ chúng, về ông, và cảnh biết bao thân mật ngày xưa không còn nữa. Khi quan sát chúng, ông lại nghĩ rằng, chúng không tiếc nuối gì, và cũng không suy nghĩ gì. Chúng đang trên đường tiến về chốn vô thức, bay bổng trong luồng gió ước vọng riêng tư.
Song đó chỉ là những tư tưởng ùn đến vào ban đêm, còn sớm mai, ông thức giấc khỏe khoắn trong yên tĩnh, tắm rửa và thay áo quần xong, nhìn vào gương, hình bóng ông không phải là một con người đang bước vào tuổi già, mà là phản ảnh của con người hiện tại, tràn đầy sức sống, tóc hơi hoa râm, ngoại trừ hai bên thái dương, và chưa có dấu hiệu hói đầu. Nhưng ông đã thừa hưởng mái tóc bờm xờm của tổ tiên, giống như một đống rơm thực thụ. Ông đã phải tìm một thợ hớt tóc ở thành phố đủ sức làm cho chúng khuất phục bằng những đường kéo khéo tay... Không, ông đâu thiếu vắng con cái. Nhờ chuyện trò thân mật trong lúc đầu gối tay ấp, mà ông đã phục hồi được sự hăng say của mình.
- Anh nhớ con à? - Bà hỏi với vẻ sáng suốt.
- Sao em biết?
Ông đã quen với cách nhìn nội tâm, cách nhìn trực giác, cách nhận thức viễn cảm của bà, dù có đặt tên gì cho nó đi chăng nữa, thì ông cũng hết sợ hay có cảm giác như lúc còn xuân thì. Từ khi lấy bà, ông hoàn toàn tin cậy vào bà, không còn gì phải giấu diếm, ngay cả ý muốn ngày xưa hết sức quyết tâm tìm cách giữ gìn cá tính mình.
- Em biết cái tình cảm cha con nơi anh...
Giọng nói của bà Elinor đậm đà và dịu dàng đặc biệt, mà hồi con trẻ ông đã từng ghen tị với các con, vì sợ bà yêu thương chúng hơn mình, và đam mê không dứt tất cả những gì liên quan đến bà.
- Anh tự hỏi, con cái có cảm thấy thiếu vắng chúng ta chút nào không?
- Chắc là không rồi, chẳng vậy thì hóa ra là chúng ta đi giựt lùi.
Ông lại tiếp tục thú nhận:
- Vậy thì, nếu anh không cảm thấy thiếu vắng chúng, đâu có gì là xấu? Được ở nhà một mình với em, như trước khi chúng mình có con, là một điều hết sức thú vị.
Hồi ấy, ông cho tòa nhà là quá rộng và nôn nóng muốn thấy con cái đông đúc trong nhà. Nhưng bây giờ ông không còn cảm giác như thế nữa, có thể vì những xuất hiện nho nhỏ, vui vui, mà ông có thể hình dung ra bất cứ lức nào. Đời sống đã được sống ở đấy, và sẽ tồn tại ở đấy. Nhưng Elinor và ông rất khác xa với những cặp vợ chồng trẻ vừa gia nhập vào đây. Chúng lại phải trực diện với cuộc sống của chúng, nhưng cuộc sống đó sẽ ra sao? Khi con cái ông ra đi, ông có phần nào do dự, không biết những đôi vợ chồng trẻ yêu nhau sẽ đối xử với nhau thế nào khi trở về già. Ông tự hỏi, sự nhiệt tình đổi mới này có làm vui lòng bà không, nhưng ông tin tưởng nơi bà. Sụ an ủi của ông là chỗ đó. Ông biết có những người chồng sợ già với vợ họ. Ông cảm thấy mình được ưu đãi trong cuộc sống chung với bà. Sự ưu ái này không phải đến do tình yêu của ông đối với bà mà thôi, nhưng bởi vì cách suy nghĩ của họ trùng hợp nhau. Bà không có vẻ gì là một người đàn bà trí thức, bà không quan tâm gì đến những vấn đề luật pháp, chính đó là điều ông cảm kích, nhưng những phán đoán của bà lại chân thành, cách bà đề cập đến con người thật là độc đáo, sống động, và hơn nữa, bà không dối trá bao giờ.
- Em có cảm thấy thiếu vắng con cái không? - Ông hỏi.
Câu hỏi này ông đã có sẵn trên môi, song ông không dám nói ra.
Ba Elinor đẩy cái ly của mình ra và trong phút chốc, bà nhìn sững vào ly rượu trong veo màu hổ phách, cái màu mà bà thích một cách say mê, ông tự nhủ, bà say mê các dáng vẻ màu sắc, kể cả màu sắc của các thức ăn. Bản chất tự nhiên của bà, tính không thẹn thùng của bà, đã bảo toàn tuổi thanh xuân của bà đến độ người ta không thể đoán được tuổi tác của bà. Không có gì làm khô héo con người bằng sự giả vờ làm ra vẻ đáng kính, hoặc đoan trang ngoài mặt, để khỏi bị người ta chê cười. Chẳng hạn, như không bao giờ dám gia nhập một thứ tổ chức bắt buộc các thành viên mặc những chiếc áo dài rộng thùng thình, giả làm người Á Đông. Họ đã họp thường niên tuần trước tại New York, và người ta đã chứng kiến trò hề của những ông già trang sức lố bịch, bụng lớn, giò teo, cả lũ đều buồn cười như nhau. Ông William đã phải cho xe chạy vòng ra xa để tránh họ.
- Có, em cảm thấy thiếu vắng chúng. Em tự hỏi tại sao?
- Mấy năm sau này, chúng ta ít thấy chúng, - Ông đáp - chúng sống đời sống riêng của chúng quá sớm đối với thời đại của chúng ta.
Bà suy luận:
- Em cho là điều đó đã bắt đầu từ khi chúng ta có máy truyền hình, chiều nào chúng cũng tụ tập xem trong một căn phòng khác với phòng của chúng ta.
Herbert xuất hiện nơi cửa lớn, to xù trong cái áo vét có sọc màu trắng.
Bà Elinor đứng lên, đưa bàn tay ra để ông William cầm lấy và luồn xuống dưới cánh tay ông. Bà nói:
- Đi đi, anh yêu...
Rồi một cách nửa đùa nửa thật, hai ông bà tiến vào phòng ăn một cách trịnh trọng, theo sau tấm lưng hộ pháp của Herbert.
Trong khi ông kéo nhẹ chiếc ghế ngồi cho vợ, bà nói:
- Em luôn luôn biết ơn anh, vì xưa nay bao giờ anh cũng vẫn vậy.
Ông ngồi xuống, và xuyên qua làn hơi bốc lên từ chén xúp nóng mà Herbert đặt trước mặt, ông mỉm cười với bà. Ông bắt gặp ánh mắt của bà, và thấy tình yêu của bà ngời lên trong đó, như một tia sáng êm đềm, bền vững. Ông tự nhủ lòng, con người khi vươn đến tuổi già mà còn thấy được tia sáng của tình yêu, và còn cảm nhận nó sẽ tồn tại cho đến mãn đời, thì thật là được trời đất ưu đãi. Ông cúi đầu, và trong yên lặng kéo dài, ông nghe rõ tiếng khóc ấm ức từ xa.
Ông đặt cái muỗng xuống, trong khi Herbert đã đi ra ngoài.
- Có phải tiếng khóc của Jessica đấy không? - Ông hỏi.
- Phải đấy - Rồi bà nói thêm với vẻ nghiêm khắc khác thường - Jessica khóc to như vậy mà không biết xấu hổ!
- Nhưng, này em yêu...
Bà chận ông lại và nói:
- Không, quả thật, William, em không thể nào thông cảm được với một người đàn bà khóc to như thế. Thật là sỗ sàng, nếu tất cả đàn bà chúng tôi đều làm như thế, thì thế giới này sẽ thành thế giới của một lũ điên...
Bà đứng lên, đóng cửa sổ lại, và không còn nghe gì nữa. Ôrig William không đáp lời. Bà ám chỉ ai khi nói tất cả những người đàn bà đang khóc? Ông chưa từng thấy bà để rơi một giọt nước mắt nào. Ông nghĩ bà là một người đàn bà có quá nhiều hạnh phúc. Qua hai mươi lăm năm chung sống thân mật đến thế mà ông vẫn chưa hiểu được bà trọn vẹn. Đó chẳng qua là một câu nói hời hợt không ngụ ý gì, nhưng khi ông suy nghĩ lại, ông cảm thấy có mũi nhọn trong đó. Ông lặng lẽ ăn hết chén xúp, Herbert bước vào, dọn dẹp các chén không.