Trời đã chuyển sang màu xâm xẩm, tôi vội vã đến bến xe buýt để lấy chuyến xe lúc 5 giờ về nhà. Bước lên xe, trước tôi là bà già người da đen chừng bảy mươi tuổi, dáng người gầy, mặc chiếc áo măng- tô màu tím than, bà ta đếm tiền để trả vé xe buýt nhưng thiếu 50 xu. Người tài xế yêu cầu bà bước xuống xe vì không trả đủ tiền, nhưng bà vẫn năn nỉ xin cho bà đi, người tài xế lắc đầu nhất định không chịu. Tôi vội móc túi lấy 50 xu đưa ông tài xế. Ông tài xế lúc ấy mới đưa cái ticket xe buýt cho bà. Bà bước lên xe, quay lại cám ơn tôi, tôi cười chào bà với nụ cười xã giao. Ngồi vào ghế, bà nói cảm ơn tôi nữa, tôi nói ( bằng tiếng Pháp với bà) chẳng đáng chi chuyện nhỏ thôi.
Lúc xuống xe, bà già xuống với tôi một lượt, tôi thấy bà cũng đi vào con đường dẫn đến nhà tôi. Tôi đi nghe tiếng bà phía sau:« Nhà cô ở trên con đường Westermeyer? » Tôi trả lời và bước đi không ngoái cổ nhìn lại: « Vâng, nhà tôi ở trên con đuờng này. Aurevoir madame…» Bà nói vói theo: « Số mấy? » Tôi nói: « Hai mươi mốt ».
Một tuần sau, đang nằm coi tivi thì có tiếng bấm chuông. Mở cửa, thấy bà già da đen đi cùng chuyến xe buýt với tôi hôm nọ đang đứng trước cửa. Ngạc nhiên tôi chào bà rồi hỏi tìm tôi có chuyện gì không? Bà mỉm cười cặp môi hơi dày so với khuôn mặt, tôi thấy hàm răng trên bên trái của bà mất đi hai cái. Bà nói: « Hôm đó nếu không nhờ cô, già phải lội bộ về thì khổ lắm! ».
Bà già này lộn xộn quá, chỉ có 50 xu mà cứ làm « phiền »  tôi! Tôi nói: « Bà cảm ơn hoài làm tôi ngại lắm! » Bà ta nói: « Té ra là người cùng xóm cả, cô dễ thương lắm! Hôm nay già đến đây nhờ cô nhận giùm cái này » Nói rồi bà lôi trong bóp một cái hộp đưa tôi. Tôi…ngại quá không dám nhận, thời buổi này…nguy hiểm lắm! không biết cái thứ gì trong hộp…Bà nói: « Có mấy cây viết thôi mà…» Tôi mời bà vào nhà, bụng thì nghĩ: Chỉ vì 50 xu giúp bà mà hôm nay, bà tìm đến cho cái hộp này. Đầu óc tăm tối của tôi nghĩ lung tung, chỉ có mấy cây bút thôi thì mình nhận cũng đuợc, nhưng phải mở ra ngay. Tôi mở tờ giấy ngoài, cái hộp màu đỏ hiện ra có chữ mạ vàng hiệu Dupont Paris, bên trong có ba cây viết bằng bạc. Tôi chỉ biết nói: « Bà làm tôi ngại quá! » Bà nói nếu tôi không nhận thì bà cũngbuồn lắm!.
Sau một hồi nói chuyện với bà Pecheur, trước khi ra về bà cho tôi địa chỉ nhà bà chỉ cách nhà tôi đi bộ mất 15 phút. Bà ra về, tôi mở tung cửa để bay ra hết cái mùi hôi khen khét trên người bà còn để lại. Không biết bà ăn gì mà cái mùi khai đó cứ bám theo hoài không hết với thời gian. Tôi nhận thấy bà Pecheur còn vẻ nhanh nhẹn,  nụ cười nói lên được sự dễ chịu, không thấy có điều gì ưu tư trong cuộc sống, và còn nét tinh anh trong đôi mắt, cho tôi một cảm giác rất gần gũi quí mến. Nhưng cái mùi khai khai trên da bà làm tôi không thể chịu được.
Thỉnh thoảng bà Pecheur hay điện thoại thăm tôi, còn tôi có nhiều chuyện làm nên ít khi phôn thăm bà. Tính ra từ ngày tôi quen với bà Pecheur được đã 6 tháng nay. Thời gian qua đã tô đậm thêm tình cảm của tôi với bà Pecheur đã dành cho nhau, có dịp cho tôi suy nghĩ những gì giữa tôi với người hàng xóm khác màu da. Bà đến nhà tôi mỗi tuần. Mỗi khi đến là bà đi xuống bếp, thấy ly chén tôi chưa rửa là bà rửa. Bà coi nhà tôi như nhà bà, dọn dẹp, hút bụi lau chùi nhà cửa v.v…Tôi không muốn để bà làm những chuyện lặt vặt này, nhưng bà nhất định rờ mó vào viện cớ là ở không buồn lắm! Tôi nói bà buồn thì tôi mở phim tình cảm để bà coi, bà nói từ từ bà coi. Không biết tôi có duyên nợ gì với bà mà bà quí tôi quá vậy! Bà nói bà có đứa con gái có chồng xa, mỗi năm có dịp về Paris mới tới thăm bà. Còn bà thì thích ở Paris nên không chịu về tỉnh ở với con gái vì ở một mình quen rồi. Thỉnh thoảng tôi nghe bà hát nho nhỏ dưới bếp, những lúc như vậy tôi ngưng việc im lặng lắng nghe. Tiếng hát bà tròn ấm, chắc, rõ. Chúa ơi! rõ ràng bà Pecheur  đang ca bài nhạc Summertime. Bài nhạc này không biết kiếp nào tôi mới hát được theo điệu Blue tôi phục bà giàsát đất! Đúng là nòi giống …da đen có máu nghệ sĩ cùng mình, nhất định tôi phải hỏi bà về chuyện ca hát này mới được.
Những bữa cơm giữa tôi với bà Pecheur rất đạm bạc, giản dị vì làm nhanh ít tốn thời giờ, nhưng rất gần gũi khẫu vị bà Pecheur, nên bà không bao giờ quên. Thường thường chỉ vỏn vẹn cá mặn, thịt kho, rau muống luộc, hay cà tím nướng, có khi thịt nướng, cải xào, canh chua, thịt luộc chấm mắm nêm…
Từ ngày quen với bà Pecheur, tôi chưa từng đến nhà bà lần nào, năm lần bảy lượt bà mời tôi ăn cơm, nhưng tôi cứ hẹn lần sau, và cứ thế lần sau nữa, bởi vì tôi còn dị ứng cái mùi da khen khét của bà, mỗi khi ngồi đối diện. Rốt cuộc rồi bà Pecheur cũng đã thắng tôi, tôi hết hẹn được lần sau vì chủ nhật sắp tới là ngày sinh nhật bảy mươi tuổi của bà.
Trưa chủ nhật tôi ôm bó hoa tìm đến địa chỉ bà. Tôi đến, bà vui mừng, cái mừng của bà làm tôi cảm động quá! Sinh nhật bà tôi đến là dĩ nhiên rồi, vì có quen biết có thân tình qua lại với nhau, có chi lạ mà bà rối rít lên thế!
Tôi vào phòng khách, nhà bà cũng nhỏ xíu như nhà tôi, nhưng mà sao sách vở lung tung thế này?  Đồ đạc lộn xộn, áo quần bừa bãi trên ghế! Tại sao đến nhà tôi bà siêng năng! còn nhà bà thì bề bộn lộn xộn vậy? Thấy tôi ngạc nhiên bà nói bà bị máu cao chóng mặt nên phải vào nhà thương cả tuần nay, mới từ bệnh viện về nhà chiều hôm qua bà còn mệt nên chưa dọn dẹp. Hôm nay biết tôi đến, bà phải ra ngoài mua ít trái cây và cái bánh vừa mới về. Nghe bà nói tôi rất hối hận vì sự vô tình của mình, cả tuần nay không phôn thăm hỏi bà. Tôi giúp bà dọn dẹp phòng khách lại cho ngăn nắp. Tôi sợ bà mệt bảo bà cứ nằm nghỉ đi, bà nói mệt tí thôi không sao đâu!
Sau buổi cơm trưa, tôi mau mau chào bà ra về, cũng vì cái mùi khét quái ác trong người bà làm lòng tôi « đanh đá » với bà không chịu được. Bà Pecheur bảo tôi thong thả ngồi nán lại uống cà phê với bà. Bà đưa tôi hộp kẹo có mùi bạc hà bảo tôi ăn cho thơm miệng. Tôi lấy một viên kẹo màu hồng gấc có màu chín đỏ, mút lấy như con mèo, liếm tìm vị ngọt đang thấm dần vào đầu lưỡi. Ngồi nhìn bà Pecheur đi pha cà phê, tôi thấy bà nhân hậu, còn tôi thì lúc nào cũng trầm tư, đo đếm. Bà Pecheur bỏm bẻm nhai bánh vừa pha cà phê nói:
« Cưng là đứa đa cảm.. »
Tôi nhún vai táy máy hỏi:
« Bà biết coi tướng hả?  »
« Cái mặt của cưng có lúc tàn nhẫn cũng …đểu lắm!  »
Tôi nổi quạu:
« Ngưng ngay bà già … dở hơi »
Và tôi vùng vằng đòi về, bà già cười khụt khịt giữ  tôi lại:
« Bộ mặt ngu ngơ dễ thương của cưng, chắc lừa được khối thằng… »
Ui, tôi tưởng đâu bà tử tế hoá ra bà già có ý nghĩ tối đen. Tôi tức nói không được, nước mắt « mít ướt » nhoè ra hai hột từ khoé mắt. Bà Pecheur cười dịu dàng:
« Đừng giận, già thương cưng lắm!»
Tôi nói vu vơ: « Bàø thương tôi … »
« Bộ không lẽ chỉ có đàn ông nó thương cưng? »
Tôi gọn lỏn: « Đúng »
« Cưng ngu quá! »
Tôi nhìn tận đâu đâu. Bà Pecheur nhẹ nhàng vuốt tóc tôi:
« Mắt cũng lẳng lơ ra phết, đàn bà mắt như thế là khổ một đời! »
Tôi ngước nhìn bà với gương mặt hoang vu : «  Tại sao? »
Mắt bà như  ánh pha lê trên tường. Bà nhếch mép:
« Mắt… đĩ, nhìn ai nhìn lặng phắc mà như biển thì thầm, như gió lao xao, nói mà như không nói, nhưng lên đến tận cùng của nhịp thở, khi đã tin đã yêu rồi lao vào như con thiêu thân ».
 Tôi cúi gầm mặt, thấy như nửa tối nửa sáng, ánh mặt trời vừa lướt qua bên cửa:
« Tại trong người có con ma ái tình xâm nhập, nên tôi nghĩ tình yêu nó hạnh phúc nó thiêng liêng … »
Đôi mắt bà Pecheur lấp lánh sáng lên như trong bóng đêm. Bà gằn từng tiếng âm vang như pháo nổ:
« Điên à…Žđã bị lừa chưa, mấy lần rồi?  »
Mặt tôi nghệt ra líu ríu:
«  Tình yêu mà ai lừa ai!  »
« Gìa hỏi đã bị lừa bao nhiêu lần rồi? »
« Rồi, ba lần … »
Bà Pecheur nhìn tôi lắc đầu, mái tóc quăn tít  của bà có những chùm tóc trắng bung ra.
« Biết ngay mà…lần sau nhớ đừng để lưỡi, môi họ chạm vào miệng mình, có tí nước miếng vào là đâm ra ngớ ngẩn u mê …»
Tự nhiên tôi rùng mình, đưa tay rờ lên làn môi bởi một cảm giác mơ hồ lướt qua, như ai đặt lên môi mình chiếc hôn vô hình. Tôi cảm thấy căm ghét người đàn bà da đen này, nhưng kính phục, yêu mến và tôi hình dung ra rằng đàn ông là một cái gì đó như bí mật, lố bịch, lừa dối …Bà Pecheur  giục:
« Thôi, uống cà phê đi  »
Tôi hỏi lại bà:
« Thế còn bà đã bị lừa chưa?  »
Bà Pecheur cong cớn: « Co,ù gạt…tiền »
Đanh đá bất ngờ, tôi trả đũa:
« Cũng bị gạt à! gạt tiền, gạt tình  thì  cũng giống nhau thôi »
« Mẹ kiếp toàn là thứ đói. Tởm lắm! »
« Tây mà cũng lưu manh quá! »
« Tây gì? nó là người Việt Nam đó! »
Tôi hơi chột dạ, tự nhiên cổ mình như bị cái gì đang chấn ngang. Chà, tôi đang lỡ trớn chưởi thằng Tây, khi nghe bà nói người lấy tiền bà là người đàn ông Việt Nam làm tôi chưng hửng. Tôi triết lý trong miệng:
« Đó là sự sống vô hạn và hữu hạn »
Bà Pecheur nói một hơi trong tiếng nấc như xát muối:
« Cưng gàn bỏ mẹ mà thật thà như già cũng bị chúng rót mật vào tai. Già đâu còn tuổi ngốc nghếch nằm trong cái họa để mê đàn ông như cưng nữa, nhưng quả tim già thương nó như con, không nghĩ rằng nó bất lương đến thế! Đàn ông thanh niên gì gần năm mươi tuổi, không mướn được cái nhà để ở, cái giường để ngủ, lang bạt rày đây mai đó, ở nhờ nhà người này đến nhà người kia. Nó nói với già đang chờ ký giấy để lấy nhà, nó đưa già coi giấy tờ hẳn hoi, nên già cho nó tạm ở đây không dè nó cuỗm tiền dành dụm lâu nay của già trốn mất. Bây giờ muốn đi thăm con cháu mà cũng chẳng đủ tiền để đi. Tiên sư thằng đểu!  »
« Nó tên gì? »
« Nghe bạn nó gọi nó là Sáu điên. »
Tiếng bà gằn trong hơi thở, mắt như nổ hoa phấn tuột từ trên cây rơi xuống một góc. Bà Pecheur ngồi im thu người lại trong cái dáng gầy gò như một khúc cây khô dài. Tôi lỡ hỏi một câu làm gợi nhớ đến chuyện buồn của bà, nên bà nói một hơi bặïm trợn trong uất ức. Gạt tiền hay gạt tình thì nỗi đau chắc cũng đều giống như nhau. Lòng tôi cũng đầy cảm xúc khi bắt được cái nhìn trên lớp da nhăn dưới, con mắt tức giận đầy khổ ải của bà.
Người đàn ông kia giấu tên thật, chỉ dùng tên xếp hạng trong gia đình để bạn bè gọi thôi, chắc tên này nóng tính vô cớ nên chúng bạn mới gọi là Sáu điên hay là Trâu điên gì đó. Nếu tên thật tôi hỏi bạn bè có thể ra, nhưng cái tên Sáu này thì tôi đành chịu, nhưng chịu khó thì sớm muộn gì cũng tìm ra thôi! Cộng đồng người Việt ở Paris, hễ có chuyện gì thì chuyền tai nhau cũng mau lắm! Tội nghiệp bà Pecheur sẵn trong lòng quí mến người Á châu, nên không ngần ngại cho tên Sáu điên về nhà, không ngờ bà gặp đứa bất lương, không mang ơn mà thừa lúc bà xuống bếp nó ăn cắp tiền bà bỏ chạy. Ui, tôi ngao ngán cho lòng người sao mà độc ác! Tôi muốn chia xẻ, vỗ về, phân bua với bà điều gì đó, nhưng nghĩ hoài không biết nói câu gì. Thôi thì tôi an ủi bà một câu như bao nhiêu người khi bị mất của hay than thở:
« Thôi đừng buồn bà Pecheur ạ! Của đi thay người. Đàn ông thanh niên mà đi ăn cắp tiền của đàn bà thì nhục lắm! Chắc thằng cha đó có cái nghiệp ăn cắp, có kinh nghiệm đi lừa đảo tình cảm người ta. Lấy cắp tiền dành dụm của bà thì cuộc đời nó cũng bầm dập không ra gì đâu! »
Trên con đường về nhà, về lại căn nhà hai phòng trống trơn mênh mông, dưới sương chiều mùa thu buông xuống. Mặt đường bắt đầu ẩm ướt trên vỉa hè, tôi triền miên suy nghĩ vu vơ về câu chuyện, không đầu không đuôi của tôi và bà Pecheur như khung cửa lấp kín bên trong được hé ra. Có kinh nghiệm hay chưa có tuổi kinh nghiệm, khi trong lòng trổi lên một thứ tình cảm nào đó thì khó mà đoán biết được những hậu quả về sau. Coi như tình cảm là một chuyện may rủi, may thì tốt, xui thì xấu. Tôi đâu phải tim sắt đá nên trong lòng thương cảm với bà Pecheur vô hạn.
o0o
Buổi chiều trời Paris trở lạnh, sương rơi xuống hoá thành những chấm nước. Mây trôi lơ lửng trên không trung sớm hơn mọi năm. Khu vười trụi lá bỗng bừng lên cây thông xanh tươi, treo những trái thủy tinh lơ lửng, đủ màu sắc rực rỡ lấp lánh, bên giây kim tuyến trên từng nhánh cây. Mùa Noel sắp đến mọi nơi bắt đầu nhộn nhịp, vọng trên trời xanh như những tiếng hát, làm cho lòng tôi háo hức cảm giác tươi xanh êm đềm. Tôi đã chuẩn bị tất cả để ăn réveillont với bà Pecheur dưới ngọn nến bên cạnh đức Chúa Trời giáng thế. Tôi sẽ kể cho bà nghe câu chuyện thời thiếu niên đầy ắp kỷ niệm ở quê tôi, chung quanh mênh mông sông nước, trong không khí trong lành màu xanh của cây, trong căn phòng sạch sẽ với chiếc chiếu hoa trải giữa nhà, có những cái chén bằng sành, đũa tre dã chiến của những đêm tối như thế. Tất cả những gì tươi mát ấm áp ấy vang động rất xa xôi, từ trong tâm tưởng đang rung rinh theo thời gian. Tôi sẽ giải thích cho bà Pecheur nghe chất lãng mạn huyền ảo, sáng đấy rồi tối đấy của ánh Trăng. Trăng là Nguyệt, Nguyệt là Trăng tượng trưng vào chuyện tình, làm điểm tựa thơ mộng cho tâm hồn đôi lứa. Tôi sẽ ngâm thơ cho bà nghe về hình ảnh người « mẹ già như chuối ba hương – Như xôi nếp một, như đường mía trong » vẫn thường hiện về đậm nét, dường như đứa con mãi mãi là đứa con khờ dại hôm nào dẫu có lớn khôn. Cuối cùng tôi sẽ kể vị Thần Tình Aùi bí hiểm, ích kỷ, keo kiệt, ghen ghét trong bản đồ tình yêu tôi, nhiều lần đứt đoạn, nhiều lần sụp xuống, hụt hẫng, suốt chặng đường nay xếp lại khi « Giật mình, mình lại thương mình xót xa » Đêm réveillon tôi sẽ đãi bà Pecheur món cơm rang thập cẩm đặc biệt và những món thuần tuý như chả cá, gà xào gừng, canh cá, bánh ít, bánh nậm …
Mấy hôm sau.
 Một ngày mưa vô cùng giá lạnh, tôi cảm thấy khó chịu trong người, mặt bừng bừng nóng vì máu dồn lên, trong người lạnh buốt, tôi nằm co ro trong hai cái mền mà còn run bần bật. Tôi cuống cuồng cảm giác như nằm trên đống nước đá lạnh. Đầu tôi như cơn lốc xoáy. Trời ơi! sao mệt quá thế này? Người tôi bây giờ hết lạnh, lại nóng ran như bếp lửa, mồ hôi chảy dọc sống lưng. Tôi thấy quanh tôi im lặng quá! Tôi bỗng nghĩ đến bà Pecheur, muốn gọi điện thoại cho bà nói tôi đang bị cảm, nhưng nghĩ sao tôi lại thôi. Trời chạng vạng tối, tôi nằm im duỗi dài người trên giường như mê đi. Trong mê tôi đang chạy lạng quạng trong rừng tăm tối bị những cây gai đâm vào bàn chân đau buốt. Tôi thấy xa xa bà Pecheur đi phía trước, trong tay cầm cây đuốc bập bùng, mừng quá tôi gọi bà, bà quay lại mặt cau có đầy căng thẳng, miệng thì lẩm bẩm điều gì đó, rồi tiếp tục lầm lũi bước đi. Tôi bỗng nhớ lại những ngày kỷ niệm trong căn nhà đơn sơ của tôi, nhưng đầy tình thương của bà, càng ngày tôi gần gũi bà nhiều hơn. Chúng tôi sưởi ấm cùng nhau bằng thứ tình xa quê biệt xứ. Với tôi, người đàn bà có màu da đen khét mộc mạc này, đã nói với tôi những điều thầm kín sâu sắc, sự chia sẻ, tình thương, và sự vươn lên trong cuộc sống. Trong giấc mơ tôi chạy loạng quạng theo sau bà, rồi vấp ngã trên đống lá khô bẩn thỉu, bên tai tôi nghe văng vẳng âm thanh như tiếng chuông, ré lên giữa màn đêm dày đặc rừng cây kêu lên kèn kẹt. Giật mình thức dậy tôi nhìn đồng hồ đã 11 giờ khuya. Tôi bật dậy lấy vội thuốc uống và nằm …thở. Trong thời gian và cả không gian này, tôi nhớ lại giấc mơ với ký ức rời rạc, khi gặp bà Pecheur đã lạnh lùng với tôi. Tôi với bà còn vui vẻ nói chuyện hôm kia đây mà…Mệt quá tôi lại thiếp đi.
Mười giờ sáng hôm sau thức giấc, tôi cảm thấy trong người không còn mệt nữa, cũng may nhờ ngủ một giấc dài nên lấy lại sức. Người mà tôi nhớ ngay sáng hôm nay là bà Pecheur, định bụng uống ly sữa xong tôi sẽ đi thăm bà Pecheur. Đang xỏ hai bàn chân vào đôi giày để đến bà Pecheur thì có tiếng bấm chuông. Tôi ra mở cửa thì ra bà Pecheur đến thăm tôi. Vẫn chiếc áo măng-tô tím than, những gì của thanh âm cũ. Thấy bà, tôi mừng rỡ như đứa trẻ vừa trông mẹ đi chợ về. Bà ôm tôi, tôi nằm trong vòng tay âu yếm, thương yêu của bà thật lâu, điều này thì tôi không nhớ rõ, tôi đến ôm bà hay bà đến ôm tôi trước.  Lần đầu tiên tôi ngã đầu tôi lên vai bà thật lâu. Lần này mũi tôi dính sát vào cổ bà, nhưng tôi không còn cái cảm giác, mùi da ngái ngái, khen khét của bà nữa mà là mùi cà phê đen dìu dịu nóng hổi.
Ngoài trời cơn gió nhẹ mùa đông thổi đến, làm những chiếc lá trên cây sapin ở cuối phố bay phất phơ rơi xuống mặt đường …
Bích Xuân
bichxuanparis@yahoo.com

Xem Tiếp: ----