Mùa hè ấy tôi từ Hội Văn nghệ giải phóng về khu V xuống công tác ở tỉnh N. Sau khi cho biết khái quát tình hình chung trong tỉnh, các anh ở Ban Tuyên huấn khuyên tôi nên xuống công tác ở huyện X. Cơ quan huyện X đóng ở vùng rừng núi phía nam tỉnh. Vì là đường núi nên từ tỉnh xuống huyện không có trạm giao liên, cán bộ bộ đội đi công tác phải tự hỏi đường mà đi. Các anh bảo hình như bên Ban Đấu tranh chính trị có người sắp xuống huyện X công tác nên tôi qua đó để cùng đi.
Người được Ban Đấu tranh chính trị cử đi công tác là Ba. Cha cô gốc người tỉnh N. nhưng lấy vợ và sinh cô ở miền bắc. Cô vào chiến trường đã hai năm nhưng da dẻ còn hồng hào chứ không xanh bủng như chị em khác. Có lẽ cô ít bị sốt rét. Chân cô dài và đặc biệt cô có khuôn ngực cao.
- Có anh đi, em càng vui, nhất là các anh nhà báo thì chắc có nhiều chuyện vui lắm. Cô vui vẻ nói.
Ngày hôm sau, chúng tôi lên đường. Những giờ đầu, chúng tôi theo con đường liên huyện nên gặp nhiều người đi công tác, gùi cõng. Nhưng đến gần trưa thì vắng hẳn người. Đường về huyện X lại lắm đèo dốc và rừng rậm. Đến chân một dốc, Ba đang đi trước, quay lại bảo tôi:
- Đoạn này biệt kích hay phục, em đi trước, anh đi sau một đoạn, có việc gì anh chạy lùi còn mọi việc để em tự giải quyết.
Chúng tôi im lặng leo dốc. Dốc cao và cái nắng hừng hực ban trưa làm chúng tôi rất mệt. Khi qua dốc xong, chúng tôi gặp một con suối.
- Nghỉ lại đây ăn trưa anh ạ. - Ba dừng lại nói.
Cô trì cái gùi đựng đồ đạc làm bằng bao bột mì tôi đang mang trên lưng xuống cười ngặt nghẽo:
- Sao gùi rách thế này. Bộ chưa có cô nào may vá hộ sao?
- Chưa.
- Thực hay đùa? - Cô hỏi. - Các anh nhà báo thì tán giỏi lắm mà.
- Thực mà. - Tôi nói.
Cô nhìn tôi, đôi mắt lúng liếng:
- Các anh hay vờ vịt lắm, vợ con đề huề mà cứ chưa chưa.
Tôi quay đi giả làm mặt giận, cô vỗ lưng tôi:
- Đùa tí ông anh. Mà ông anh người tỉnh P. à?
- Sao biết giỏi thế?
Cô nói nhỏ nhẹ:
- Em cũng có một người bạn trai quê trong đó. Chúng em đi một đoàn từ bắc vào Khu. Anh ấy giúp đỡ em rất nhiều. Đến Khu, ảnh được phân về trong ấy, em về đây.
Nói xong, cô bước xuống suối để rửa chân tay. Tôi thú thật, mắt tôi như dán vào cặp đùi trắng ngần của cô...
- Sao không xuống suối rửa tay chân rồi ăn trưa. - Cô nói, - đây là chân em có gì mà nhìn.
- Nó đẹp quá không nhìn sao được. Tôi nói liều rồi bước xuống bên cô.
Trong bữa ăn, cô nhường cơm và thức ăn cho tôi:
- Em nghe nói các anh ở trên Khu chỉ ăn sắn và dớn. Giờ thì anh ăn nhiều cơm và ruốc thịt đi. Tụi em ở gần đồng bằng, dễ lấy gạo và kiếm thức ăn hơn.
Ăn xong, chúng tôi lại tiếp tục đi. Con đường cứ lên dốc xuống dốc liên tục. Người ai cũng ướt đẫm mồ hôi. Chiếc áo mỏng dán vào lưng Ba làm cho tôi thấy rõ làn da trắng hồng của cô. Tự nhiên, tôi muốn ôm riết cái thân thể ngồn ngộn sức sống kia và hôn... Đã 25 tuổi, tôi chưa được ôm hôn cô gái nào.
- Này đi sau đừng tranh thủ nhìn lưng người ta đấy. Cô quay lại mỉm cười giơ tay dọa.
Chiều hôm ấy, chúng tôi dừng lại bên một dòng suối. Một con đường mòn nhỏ cỏ lu lấp dẫn xuống bến nước. Giữa suối có một tảng đá to bằng phẳng cứ gợi cho tôi nhớ những ngày ở Khu cùng bạn bè ngồi uống trà ngắm dòng Nước Nghêu sủi bọt quanh những chiếc bàn đá như thế. Sát bên bờ suối là một khóm cây săng lẻ cao vút thuận tiện cho việc mắc tăng võng. Có lẽ những người đi trước cũng hay dừng nghỉ ở đây nên tôi thấy trên những thân cây còn in dấu cột võng và cạnh đó là ba hòn đá làm ông táo... Ba bảo tôi nhóm lửa nấu cơm còn cô xuống suối hái rau và tranh thủ tắm một chút. Khi tôi bắc xong nồi cơm thì cô cũng vừa về, trên tay mang một nắm rau mương và môn dóc. Cô rút từ gùi mình ra một cái hăng-gô, một ống lương khô thịt heo mà tôi được ăn từ trưa. Cô đem hăng-gô xuống suối múc nước rồi đem lên đặt cạnh hăng-gô cơm. Khi nước sôi, cô nghiêng ống lương khô bốc một nắm ruốc thật to bỏ vào hăng-gô canh:
- Sao cho lương khô vào canh nhiều thế. Phải tiết kiệm chứ. Tôi nói.
- Lo gì anh - Cô bảo - Xuống huyện xuống xã bà con lại cho đầy ống đấy mà. Em đã bảo hôm nay em đãi anh mà.
Trăng vừa lên. Dưới ánh trăng cảnh vật bỗng trở nên mơ màng như phủ một lớp sương mỏng. Tôi có cảm giác như không còn chiến tranh, không còn bom đạn, không còn địch phục. Chỉ có cảnh thanh bình như một ngày đã xa, như một ngày mai tới. Chỉ có tôi và cô gái mới gặp nhưng đã trở thành thân thiết qua một ngày đi đường vất vả. Tôi nhìn cô thấy người con gái vốn xinh đẹp ấy lại càng xinh đẹp hơn. Cô đang lom khom trải ni-lông, dọn cơm canh. Tôi nhìn lướt qua cổ áo rộng của cô, đưa mắt từ chiếc cổ trắng ngần đến khuôn ngực có cặp vú cao đang phập phồng...
Chúng tôi ngồi đối diện nhau ăn cơm, như hai anh em, như hai vợ chồng. Cô nhường cơm, thức ăn cho tôi như vợ nhường cho chồng, em nhường cho anh, như đức tính vốn có ở những người con gái Việt Nam...
- Anh nói anh chưa có vợ thì có thể tin. Nhưng mà... cô ấp úng - anh biết đàn bà chưa...
- Biết. Đàn bà thì ở đâu không gặp.
Cô cười hồn nhiên:
- Kìa, là... là em hỏi anh đã... với cô nào chưa?
- Chưa!
- Phịa.
- Thật đấy. Lúc nhỏ thì không nói rồi. Lúc vào Đoàn thì sợ kỷ luật Đoàn, vào Đảng thì sợ kỷ luật Đảng... giờ thì...
- Ngộ nhỡ hai bên cùng đồng ý thì sao?
- Sợ lắm. Mình còn chưa dám hôn cô nào nói chi...
- Giờ anh có muốn... Cô cười phá lên.
Ăn xong, trong khi tôi ra suối tắm, Ba còn ngồi nấu một hăng-gô nước rồi lấy trà từ trong túi ra pha vào bình tông của tôi.
Khi tôi vừa từ suối lên, cô đã rối rít:
- Uống trà anh. Anh đừng cười em con gái mà cũng uống trà. Ba em làm công nhân Khu gang thép Thái Nguyên. Từ nhỏ em ở vùng trà nên uống trà quen rồi.
- Uống trà rất tốt, có sao đâu, sợ không có mà uống ấy chứ.
Chúng tôi cùng cười rồi ngồi bên nhau uống cho đến khi cạn bình tông. Cô lại múc nước nấu một hăng-gô nữa chế vào bình tông rồi nói:
- Thôi lên võng nằm nói chuyện anh.
Trăng đã lên cao. Mặt trăng tròn và sáng rỡ. Dưới ánh trăng, cả núi rừng những trảng tranh và dòng suối hửng lên một mầu vàng rực rỡ.
- Hồi nhỏ, những đêm trăng thế này em và các bạn học hay ra ngọn đồi sau nhà chơi, có khi chơi tới khuya. Ba vừa đưa võng vừa nói với tôi.
- Về có bị ông già mắng không?
- Không, ông cụ rất thương em. Em là con út mà.
- Nhà có mấy anh em?
- Dạ có ba. Anh cả học ở Nga, anh hai học tàu thủy ở Ba Lan, chỉ còn em ở nhà. Mới tốt nghiệp trung cấp kiến trúc thì em xin vô đây. Vô đây, không có nghề xây dựng, các chú chuyển sang Ban Đấu tranh chính trị.
- Ông già cũng cho Ba đi Nam sao?
- Thì cũng phải cho. Em nói nhà mình có ba anh em, hai anh đã học nước ngoài, còn em không đi thì nhà mình chẳng có gì đóng góp cho cách mạng miền nam cả. Mà mình là người miền nam nữa! Thanh niên miền bắc xung phong vào nam chiến đấu ào ào chẳng lẽ mình không đi. Thế là ông già chịu. Hôm em đi bà già khóc như mưa. Còn ông già rót cho em chén trà, bảo: "Thôi con đi, bằng chị bằng em" rồi ông quay mặt đi. Thế rồi trên đường đi, em gặp anh ấy. Anh ấy mang giúp hai ruột nghé gạo cho em, cột võng tăng cho em, cõng luôn ba lô cho em lúc em bị trặc chân. Anh ấy rủ em cùng vào tỉnh P. với anh ấy. Em tính đi rồi, nhưng trên phân về đây. Thế còn ba má anh giờ ở đâu?
- Ba má và các em mình đều ở miền nam chiến đấu cả. Mình đi tập kết có một mình lúc lên mười tuổi.
- Mọi người biết anh về Khu chưa?
- Biết rồi. Mình có nhận được thư ba mình. Vậy mà năm năm nay chưa về công tác ở tỉnh để kết hợp thăm gia đình được.
- Tội nghiệp. Anh xa gia đình lâu quá. Cô dừng một chút rồi nói - Thôi nghỉ đi anh.
Chúng tôi cùng im lặng. Mi mắt tôi đã cứng đờ. Qua một ngày đi đường giờ đây tôi mới thấy mỏi nhừ từng đốt xương. Tôi thiu thiu ngủ bỗng chợt giật mình. Tôi nghe có hơi thở gấp gáp phả vào mặt tôi. Không mở mắt, tôi cũng biết đó là Ba. Toàn thân tôi rung động như có luồng điện chạy qua. Nhưng tôi cố nằm im.
- Anh ấy ngủ rồi. Ba nói - Rồi se sẽ bước về phía võng mình.
Một lúc sau, cô lại bước sang võng tôi. Lần này cô áp ngực lên ngực tôi và đưa tay vuốt tóc, vuốt đầu tôi. Cả người tôi tê dại, tôi có cảm giác thèm muốn ghê gớm. Tôi muốn vùng dậy ôm chặt cô rồi ra sao thì ra. Nhưng tôi lại sợ, và cái sợ lẩn quẩn lại bắt tôi cố nằm im.
Cô quay về võng. Tôi nghe cô đưa võng thật mạnh rồi cô thở dài. Một lúc sau, cô đứng dậy và bước ra suối. Bây giờ thì tôi thấy mình hết sức thèm muốn. Tôi lò mò dậy, len lén bước ra phía bờ suối. Tôi thấy Ba ở trần đang ngâm mình dưới suối. Cô kỳ cọ, kỳ cọ rất lâu rồi để trần bước lên ngồi trên tảng đá lớn giữa suối. Bây giờ thì cả thân thể trắng ngần với cặp vú của cô rõ mồn một. Nỗi thèm muốn như con nước mỗi lúc một dâng cao trong người tôi. Tôi muốn quên tất cả, cả chiến tranh, cả nỗi sợ để chạy xuống suối ôm cô vào lòng, riết thật chặt. Tôi nghe cô thở dài lần nữa rồi lại xuống suối ngâm mình. Tôi nuốt nước bọt rồi se sẽ đi về võng mình. Tôi ngồi trên võng đưa thật nhanh thật lực và cố nghĩ đến những công việc sắp tới để hạ cơn thèm muốn xuống. Thế rồi, có lẽ do đầu óc quá căng thẳng, tôi ngủ thiếp đi.
Khi tôi tỉnh dậy thì trời đã sáng rõ. Ba đang ngồi bên bếp nấu cơm. Mặt cô hơi buồn và hốc hác.
- Anh dậy rồi à - Ba nói - dậy ăn cơm rồi đi. Chỉ một đoạn ngắn là tới thôi. Hôm qua ráng đi cũng tới nhưng...
Trong bữa ăn, cô ít nói hơn hôm qua mà lặng lẽ xới cơm, gắp thức ăn cho tôi.
- à anh, em đổi cái gùi của em cho anh rồi đấy. Ai lại mang gùi rách xuống huyện các cô cười cho đấy. Các cô ở Ban Tuyên huấn huyện xinh lắm. (Sau này, đến cơ quan huyện tôi mới phát hiện ra cô đã bỏ trong gùi cho tôi ống lương khô và bao gạo của cô).
- Cảm ơn Ba. Nhưng Ba ở dưới này đi công tác nhiều hơn, cần gùi chắc hơn.
- Không lo em xuống tới huyện là các cô các chị cho gùi mới liền - Cô nhìn tôi - hồi hôm anh ngủ ngon chứ?
- Ngon lắm, không biết trời đất gì. Ba ngủ ngon không?
- Ngon lắm. Đang nói chuyện với anh thì mắt em díp lại ngủ luôn một giấc sáng bảnh mới dậy.
Tôi biết cô nói dối và tự tôi cũng nói dối. Nhưng thôi cái gì đã qua thì quên đi...
Chúng tôi lại tiếp tục đi. Hai tiếng sau, chúng tôi lại đến một con suối. Từ bên kia suối vọng sang tiếng chặt cây, tiếng đài bán dẫn, tiếng người. Ba dừng lại nói:
- Thôi anh đi về đường này - Cô chỉ một con đường nhỏ bên kia suối - Còn em cũng đến cơ quan ở gần đây. Anh đi khỏe nhé.
Chúng tôi chia tay nhau như hai người vừa mới gặp nhau trước đó một lúc chứ không phải đã từng đi với nhau hai ngày qua. Chúng tôi không quay lại nhìn nhau, không vẫy tay lưu luyến. Tôi vừa đi vừa nghĩ lại chuyện đêm qua. Có phải vì tôi sợ kỷ luật mà không dám đến với Ba, hay tôi muốn giữ Ba cho người đồng hương của tôi? Hay vì điều gì nữa...
Từ đó tôi không bao giờ còn gặp Ba nữa. Không biết bây giờ Ba còn sống hay đã mất. Nếu còn sống thì Ba lấy người đồng hương của tôi hay người khác? Ba có được sung sướng hay bất hạnh? Ba ơi, anh mãi mãi cầu mong em hạnh phúc.
Đêm 14-6-1997.
(Văn nghệ số 51, 19-12-1998)

Xem Tiếp: ----