HồI nhỏ tôi sống vớI bà ngọai ở làng quê ven sông và có một thằng bạn chăn trâu tên Khánh. Đi chăn trâu mà nó nai nịch như đi thám hiểm rừng già. Áo kaki rộng quá khổ, hai túi nhét đầy đạn đất sét, cạp quần đeo lủng lẳng 1 cái ná thun. Đôi khi nó vác theo cần câu, tấm lướI rách, hay cái nơm tự nó vót tre đang lấy.Hễ thấy nó chuẩn bị những thứ này là tôi háo hức đòi đi theo cho bằng được. Khi bầy trâu đầm mình ở bãi sình ven sông, hay nhẩn nha ăn cỏ, Khánh và tôi bày trò chơi.
Tôi thích nhất là đi thổI bắt con cúc. Con cúc nhỏ chút, đào hang trên những bờ ruộng cát, xóay miệng hang thành hình cái phễu. Tôi bò dài ra hoặc quỳ lom khom, nhè nhẹ thổi cát bay đi cho miệng hang rộng hơn và con cúc trở ra dưới đáy. Nó luýnh quýnh quay đầu tứ phía tìm lối thoát thân, nhưng không biết làm sao đành giả vờ lăn ra chết. Chỉ riêng trò chơi này, tôi có thể chơi suốt ngày. Nhưng Khánh mau chán lắm. Nó rủ tôi chơi tạc-giăng. Tụi nó lấy lá chuối xé tưa ra, quấn quanh người, hái hoa dại giắt đầy đầu. Tạc-giăng có thể đi xúc cá dưới sông bằng 1 cái rổ rách được cạp lại, hay đi săn với 1 cái ná thun và đạn đất sét. Tạc-giăng thường hái về trái của các cây to như sung, trâm, cơm nguội, chùm đuông, cả trái vú bò màu cam đỏ hình thù y hệt chùm vú bò, ăn chua chua ngon như trái dâu. Tôi chỉ loanh quanh các lùm bụi, hái trái thù đù, trái sim mua, có khi chỉ hái được toàn là hoa. Buổi trưa tụi nó bày quanh mình đầy hoa trái, rồi giở mo cơm ăn với mắm sống. A, con mắm sống xé đôi, sớ thịt đỏ ao, thơm tho, mặn mòi, ăn với cơm mo cau xắn từng miếng vuông vức trắng phau, kèm theo trái ớt hiểm xanh, cắn 1 cái nghe giòn rụm và cay xé lưỡi.Ăn xong miệng lưỡi còn nóng bỏng, tụi tôi chạy ù ra mội nước trong veo, uống ừng ực cho no đến cành hông, rồi lăn ra ngủ. Đôi khi xảy ra đánh nhau, vì Khánh không phải là tạc-giăng duy nhứt trong vùng. Mấy thằng tạc-giăng khác bự con hơn Khánh nhiều, nên rốt cuộc hoà bình được lập lại vì sự tốt nhịn của tụi tôi.Với lại, mấy thằng tạc-giăng kia khoái bắn chim chứ không màng đến hoa trái dại. Khi lúa ngoài đồng được gặt cả rồi, nhà nhà phơi lúa vàng sân, chim chóc ở đâu kéo về, con tha hạt, con tha rơm, bay liệng đầy trời và ríu rít trong lùm cây bụi cỏ, con nít tụi tôi biết ngay là sắp Tết. Học trò được nghỉ học và khắp nơi đầy những kẻ đi săn, bẫy chim. Tôi khoái ăn chim nướng lửa rơm lắm, nhứt là món trứng chim lùi tro. Khi lửa tàn, vùi trứng vào đống tro còn nóng hổi, lát sau moi ra, vỏ trứng nứt rạn, cháy xém chút đỉnh; nhưng vỏ bóc ra, cái trứng trắng nõn, bốc làn khói nhạt, cho lọt thỏm vào miệng thì không còn gì thơm ngon béo bùi bằng. Thỉnh thoảng trong lúc trèo cây hái trái, thằng Khánh cũng lượm được vài cái trứng chim cho tôi. Mấy cái trứng chim bằng đầu ngón chân cái ấy chia đều cho 2 đứa thì thật chẳng thấm thía vô đâu, còn làm chúng tôi thèm thuồng thêm.
Bởi vậy, lúc Khánh chạy về cho tôi hay mới kiếm được 1 tổ chim dòng dọc, tôi hí hửng lơn tơn chạy theo nó tới nhà bác Bảy Lùn. Bác Bảy lùn thật, nhưng mấy cây dừa nhà bác cao khỏi biết. Chúng lại ngã cong cong soi bóng xuống dòng sông. Từ một trong những tán dừa thòng xuống 1 tổ chim dòng dọc bằng rơm, treo lơ lửng giữa trời và nước. Trông nó giống hệt cái vá trụng hủ tíu của bác Hoà. Hai đứa tôi đang đứng ngóc cổ nhìn thì thằng tạc-giăng khổng lồ đi tới nhéo tai 2 đứa:
- Đi chỗ khác chơi, con dòng dọc đó tao xí trước rồi.
Hai đứa đau điếng, tiu nghỉu ôm tay vừa đi vừa ngoái lại nhìn luyến tiếc. Chàng tạc-giăng đời mới đứng nghênh ngang săm soi khẩu súng săn, giơ lên nheo mắt nhắm thử. Nhưng lúc đó chim mẹ đi kiếm mồi chưa về. Anh ta đứng chống nạnh chờ 1 lát rồi quay đi, sau khi căn dặn tụi tôi:
- Thấy chim mẹ bay về, chạy qua kêu tao, nghe chưa?
Khánh do dự 1 chút rồi cho rằng có lẽ anh ta chỉ xí phần con chim, còn cái tổ nếu mình lấy được là của mình. Khánh nhìn trước nhìn sau rồi leo thoăn thoắt lên tới ngọn dừa, dùng cù móc ngoéo cái tổ chim. Trong tổ có 2 cái trứng dễ thương không thể tả. Chúng tôi còn đang chụm đầu xem thì chim mẹ bay về. Khánh vội dấu tổ chim vô lùm cỏ. Hai đứa hè nhau quơ tay múa chân ra sức hò hét xua đuổi chim mẹ bay đi. Tôi thực tình không muốn chim mẹ bay về ăn đạn. Nhưng con chim cứ đảo qua lượn lại, bay quần quần trên ngọn dừa, kêu la thảng thốt. Khánh ngây người nhìn con chim lẩm bẩm:
- Nó kiếm con nó đó mà.
“Đoàng”. Tiếng súng nổ làm 2 đứa giật bắn người. Tỉnh hồn lại, tôi vẫn còn thấy con chim bay trên bầu trời. Hú vía. Nhưng … “đoàng”. Tiếng súng thứ 2 làm con chim chấp chới đôi cánh bay vút đi tưởng mất hút. Ngờ đâu chỉ 1 lát sau, chim lại bay về kêu la đòi con. “Đoàng” tôi nhắm mắt lại chực oà khóc. Kỳ diệu thay, con chim vẫn còn bay. Khánh thét to:
- Đừng bắn nữa! chim ơi bay đi, người ta bắn mày đó!
Tiếng Khánh hét lạc cả giọng, tôi cũng phụ hoạ theo. Hai đứa hò hét múa may như 2 đứng khùng. Con chim cũng kỳ cục, cứ lao đầu xuống ngọn dừa. Chàng thợ săn “quê độ” vì bắn hụt, lại bực mình vì tiếng la hét, đá đít mỗi đứa 1 cái rồi bỏ đi. Khánh lật đật đem tổ chim treo lên cây dừa, nhưng nó không thể treo lại chỗ cũ được, đành để tênh hênh trên ngọn cây.
-Tổ của mầy đây nè!
Nhưng mặc cho chúng tôi ta hét chỉ trỏ, con chim cứ bay quần quần, có lúc tưởng như bay đi mất. Khánh gào lên gần như mếu:
- Đừng bỏ đi, tổ của mầy đây nè
Chiều xuống, tiếng kêu đau đớn của con chim nhỏ dần theo bóng nó mờ xa.
- Đừng bỏ đi chim ơi! Ai ấp ủ cho con mầy nở ra?
Khánh nghẹn ngào gọi theo cánh chim đã mù khơi. Hai đứa đứng đợi chim mẹ về cho đến khi trời tối mịt, ông ngoại tôi phải hốt hoảng đi tìm. Khánh thút thít khóc nói với ông ngoại:
- Mai ông cho con nghỉ chăn trâu. Con đi tu.
Ông ngoại bật cười:
- Sao vậy?
- Hồi má con bỏ đi rồi, bà nội con rầy cô con: “mày làm cho mẹ con lìa nhau, tội lỗi đó tu bảy kiếp mới chuộc được “. Bữa nay con làm cho chim mẹ xa chim con …
Ông tôi xoa đầu Khánh vỗ về:
- má con đi làm ăn xa như má con Thi này nè, qua năm lại về. Con chim nó cũng không dễ gì bỏ con nó đâu. Sáng mai nó lại bay về tìm, con chờ coi phải không.
Sáng hôm sau, quả thật chim bay về tổ của nó. Khánh mừng rỡ ôm chầm lấy tôi, 2 đứa nhảy tưng tưng hò reo:
- Qua năm má tôi về
Chẳng có ai trên trái đất này trông cho mau đến sang năm như 2 đứa.
Cuối cùng, má Khánh về. Má tôi thì không thể về nữa. Tôi lớn lên đã hiểu biết lẽ sống chết, nhưng sao lúc trời đất thay mùa, lòng vẫn ngong ngóng đến sang năm …