Phần I

Chăm chú lựa chỗ gân bò vừa lọc ra từ miếng thịt đùi tươi rói, tôi mừng thầm vì đã chọn được vài lát ngon, ít bạc nhạc, có thể kho mềm với cà rốt cho cu Tuấn ăn. Nhìn tảng phi lê đỏ au, chợt nhớ ra đã lâu lắm chưa dám mua lần nào. Loại thịt đó quá mắc so với túi tiền của một nhân viên đánh máy quèn.
Nghĩ đến con, đột nhiên tôi nhận ra cu Tuấn vừa đứng túm gấu áo má đã biến đi đâu mất. Bỏ cả chỗ gân bò mất bao công chọn lựa, tôi quáng quàng phóng khắp chợ tìm con. Chỗ nào cũng chật như nêm. Tôi cuống quýt xô đẩy, rẽ vẹt đám người, mặc cho họ trợn mắt la lối rủa xả.
Toát cả mồ hôi vẫn không tìm thấy nó. Tim tôi đập thình thịch, nước mắt trào ra. Miệng gào thất thanh Tuấn ơi Tuấn à. Đúng lúc đó tôi nghe tiếng cu Tuấn khóc. Rẽ ngoặt sang dãy hàng khô, tôi bàng hoàng nhận ra thằng nhỏ đang đứng trước một gã ăn mày, tay chân băng bó chằng chịt, lớp vải mùng thấm máu đỏ lòm.
Nó khóc vì quá khiếp đảm. Tôi nhào đến, bồng con lên tay. Trước khi ấp nó vào lòng dỗ dành, tôi chợt nhìn thấy đứa trẻ khoảng một tuổi đang thiêm thiếp ngủ trong tay người đàn ông ấy.
Lòng dạ tôi nôn nao. Định quay đi thì cu Tuấn giật tay áo má, chỉ về phía đứa bé. Một người đi qua thương tình bỏ đồng bạc lẻ vào chiếc nón nát tươm đang chìa ra. Tôi ngập ngừng, bàn tay lần sờ túi. Chỗ tiền còm cõi mang theo vừa đủ mua lạng gân bò và vài củ cà rốt cho con.
Mặc cu Tuấn giãy giụa, tôi cương quyết bồng nó quay lại. May quá, chưa ai mua chỗ gân bò tôi đã chọn xong. Tôi vội vàng bốc lên cân, trả tiền và dắt con ra chỗ hàng rau quen biết gần cổng chợ. Cầm bao nilon đựng hai củ cà rốt nhỏ xíu và chỗ gân bò rẻ tiền, tôi dắt cu Tuấn ra về, vẫn chưa hoàn hồn khi nghĩ đến chuyện suýt lạc mất con.
Bữa trưa, cu Tuấn bỏ cơm. Sờ trán nó thấy vẫn mát rượi, tôi băn khoăn hỏi con đau chỗ nào, sao không chịu ăn vậy? Nó phụng phịu hồi lâu rồi nói rất ngây thơ: "Sao má hổng cho xiềng (tiền) người ta!". Tôi cười mà miệng méo xệch. Thằng nhỏ mới tròn năm tuổi, làm sao hiểu nổi má nó cũng nghèo, vẫn hay chảy nước mắt khi nghĩ đến đứa con còn non nớt đã phải nhịn thèm đủ thứ.
Đi chợ thấy của ngon vật lạ, phải quay mặt đi không dám ngó. Mua lạng thịt, biết người ta cân thiếu, thấy đau như chính mình bị tùng xẻo vậy. Tôi gượng cười nói con ăn ngoan đi, mai má sẽ cho họ tiền, được chưa? Cu Tuấn gật lẹ, xúc cơm ăn một hơi, mau hơn cả mọi ngày.
Từ bữa đó, cu Tuấn hay vòi má cho đi chợ cùng. Nó cười hào hển khi thả đồng hai trăm nhàu nhĩ vào chiếc nón nát. Nụ cười của nó sáng bừng cả khuôn mặt non tơ. Tôi đổi sẵn tiền, để dành một tuần năm tờ hai trăm đồng màu cà rốt trong chiếc hộp giấy. Mỗi lần theo má đi chợ, cu Tuấn lại mở chiếc hộp, lấy ra một tờ. Hôm nào có nó đi cùng, tôi cũng dành cho con niềm vui được đem cho người ăn mày những đồng bạc lẻ đó.
Một buổi sáng, cu Tuấn không đợi tôi, nó đi như chạy đến chỗ người đàn ông. Rất thân thiện, nó đưa tay nắm bàn chân thằng bé con lắc lắc, cười thiệt giòn. Rồi nó lanh lợi thả tờ bạc xuống chiếc nón. Từ bên hông anh ta, tôi nhận ra nụ cười của cu Tuấn chợt tắt. Ánh mắt hung hãn loé lên, anh ta giật chiếc nón lại.
Tờ bạc rớt xuống đất. Cu Tuấn nhìn sững khuôn mặt dữ dằn đó như bị thôi miên. Môi nó nhành ra như sắp khóc. Ngó thấy tôi bước tới, anh ta quay mặt đi, sau khi ném lại một cái nhìn khinh miệt. Tôi giật thót người, nhận ra vẻ quen thuộc trên khuôn mặt lem luốc kia. Anh ta giống y chang người đàn ông vẫn ngồi uống bia ở quán cóc đầu con hẻm mà tôi thường bỏ mối đậu phộng rang.
Chắc mình nhìn lầm người thôi. Người đàn ông nọ mạnh khỏe, áo quần tinh tươm, lại có tiền uống bia mỗi tối, sao có thể là gã ăn mày nhếch nhác, máu me bê bết như vầy? Tôi dắt cu Tuấn định bỏ đi, bỗng choáng cả người như bị điện giật.
Lần đầu tiên tôi phát hiện ra đứa trẻ trên tay anh ta luôn thiêm thiếp ngủ, không khi nào tỉnh giấc. Không hề la khóc như bao đứa trẻ khác. Vậy là sao? Vừa đi tôi vừa nghĩ miên man.
Từ bữa đó, tôi gửi cu Tuấn sang hàng xóm mỗi lần đi chợ. Nó dường như cũng biết sợ, không đòi theo má như mọi ngày. Tôi tránh đến gần chỗ anh ta ngồi, nhưng từ xa vẫn kín đáo quan sát đứa nhỏ. Quả thật, chưa khi nào tôi thấy nó thức. Như cục thịt vô tri vô giác, nó nằm im thin thít trong đôi tay lúc nào cũng băng bó, nhoe nhoét đỏ của anh ta.
Tối hôm đó, đi bỏ đậu phộng rang ở con hẻm nhỏ, tôi chủ tâm tìm tòi nhưng không thấy bóng dáng người đàn ông ngồi uống bia như mọi lần. Tôi càng tin mình đã lầm người.