-truyện kể-

Xế trước đình làng tôi, cạnh lối vào làng hơi lùi xa một tí, gần một cây đề cổ thụ hiếm hoi còn sót lại ở làng quê, có một con chó đá ngồi chồm hỗm, to lớn, không nhe răng mà mắt dường như cụp xuống. Con chó đá này hẳn là từ thời câu chuyện “Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng”. Tôi tin vậy. Các bạn còn nhớ chuyện ấy không? Chuyện rằng: Ngày xửa, ngày xưa, có một anh học trò hễ đi học về ngang qua một con chó đá là nó đứng dậy vẫy đuôi “Chào cậu! Sau này, cậu sẽ đỗ ông Nghè”. Ông Nghè là ông tiến sĩ ấy, chắc các bạn đều biết cả. Anh ta liền hỉnh mũi lên. Cha mẹ anh ta cũng hỉnh mũi lên. Trong làng, trong tổng, ai làm gì phật ý họ là họ đe: “Đợi đấy! Con ta đỗ ông Nghè rồi sẽ biết tay!”. Con chó đá bèn thôi đón chào anh học trò nọ. Rồi anh ta thi khoa nào cũng trượt. Giá con chó đá đón chào tôi như vậy nhỉ! Tôi sẽ chẳng dại gì mà sớm hỉnh mũi. Có điều, chó đá đứng lên vẫy đuôi, nói thành lời e rằng khó. Trong giấc mơ thì có thể được. Các đấng thần linh có thể báo mộng mà. Con chó đá trong truyện kia ắt là chó thần rồi. (Lí ra phải gọi là “ông chó” hoặc “ngài chó”, nhưng hơi sượng miệng, đành chịu tội bất kính chút chút vậy). Một hôm, buổi hoàng hôn, lựa lúc mọi người đã về nhà hết, tôi mới lân la đến bên chó đá lẩm nhẩm khấn: “Chó đá báo tin vui cho tôi đi! Rồi tôi sẽ lau sạch bẩn trên mình cho, và dọn sạch sẽ chung quanh cho khỏi ô nhiễm(!)”. Tối hôm đó, chó đá hiện về thật, trong mơ. Chó chỉ buồn buồn nhìn tôi, mắt chớp chớp, nhưng tôi nghe rõ ràng có tiếng nói phát ra: “Cậu bé ơi! Cậu mặc cả với ta hơi kĩ đấy. (Chó mà xưng “ta” với người quả có hơi trối, nhưng đành cứ nghe đã). Ta chẳng phải là chó thần trong truyện Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng đâu. Ta là con chó ngao trong truyện Lưu Bình- Dương Lễ, vì giúp kẻ ác nên bị hoá đá đày giữa trần gian từ bấy đến nay. Ta không nỡ để cậu nuôi hi vọng hão”. “Ề, truyện Lưu Bình- Dương Lễ tôi đọc rồi, làm gì có chó ngao nào?”. “Cậu hỏi bà cậu ấy!” Tôi tỉnh giấc, vừa chán chường, vừa hồ nghi. Sáng ra, dậy chưa kịp rửa mặt, tôi đã chạy đến bà:
- Bà ơi! Chó ngao trong truyện Lưu Bình - Dương Lễ ra sao hở bà?
- Ai bảo cháu đấy? - Bà cười móm mém- “Chuyện đời xưa” tích Lưu Bình- Dương Lễ còn phần sau, nhưng người ta quen chỉ kể, chỉ diễn phần đầu. Lâu ngày, rồi ít ai nhắc tới nữa.
- Bà kể cho cháu nghe đi, bà!
- Dài lắm. Cháu còn phải sửa soạn mà đi học chứ.
Dù nôn nóng, tôi cũng phải chờ đến tối, sau khi đã học bài xong xuôi, mới được nghe bà kể.
Thì ra, về sau Dương Lễ và Lưu Bình đều được làm quan tại triều. Nàng Châu Long (chuyện kể gọi bà vậy) đã từng nổi tiếng vì đẹp lại càng nổi tiếng vì ba năm thay chồng nuôi bạn chồng ăn học mà vẫn giữ được tiết sạch giá trong. Ai cũng ngưỡng mộ và khối kẻ ước ao có được người như vậy. Cả nhà Dương Lễ đang sống những ngày hạnh phúc thì tai hoạ bỗng ập xuống.
Ngày nọ, quan thái sư- quan đầu triều- vào tâu riêng với vua rằng:
- Tâu bệ hạ, triều chính không sáng, kỉ cương không vững là do trong triều gian ngay không phân. Thần có một con chó rất quí vào loại linh khuyển. Ai trung thần, ai gian thần, nó biết ngay.
- Vậy thì buổi chầu ngày mai, - vua phán- khanh hãy đưa nó vào triều cho thử luôn.
Hôm sau, khi các quan đã hội đông đủ hai hàng dọc đứng đối diện nhau, bên phải và bên trái ngai vàng từ chân bệ trở ra, quan thái sư cho dắt một con chó ngao vào. Chó ngao là loại chó săn rất khôn và rất dữ. Người ta đồn rằng dưới âm phủ, Diêm Vương hay dùng chó ngao để trị những kẻ gian tham trên trần chết đi bị đày xuống địa ngục. Con chó của thái sư vừa thấy Dương Lễ đã nhảy chồm tới cắn toạc bụng ông ra. Họ Dương bị qui là gian thần và bị giết cả nhà.
Quan thái sư xin vua tha cho nàng Châu Long lấy cớ nàng là vợ lẽ, không con, lại ở riêng. Rồi quan tỏ lòng thương nàng bơ vơ, hỏi làm vợ bé. Nàng nhận lời nhưng đòi hai điều kiện: - một, được tự do hoàn toàn trong dinh cơ của thái sư; -hai, sau ba năm, đoạn tang chồng cũ rồi mới chung chăn gối. Nàng nghi có chuyện mờ ám trong cái thảm án nhà họ Dương. Quả nhiên, chưa đầy nửa năm, nàng đã moi được trong kho đồ cũ nhà thái sư pho tượng gỗ giống y Dương Lễ. Nhờ Lưu Bình và các quan công tâm khác, màn kịch được diễn lại.  Trước vua và triều thần, con chó ngao xông vào tượng gỗ như đã xông vào Dương Lễ ngày nào. Sự thật được phơi bày.
Quan thái sư vốn có máu dê (lạ thật! trong các chuyện xưa, ít có quan thái sư tốt). Thèm muốn Châu Long, ngài quyết hại Dương Lễ. Ngài cho làm tượng đứng Dương Lễ, mặc phẩm phục họ Dương vào. Bụng tượng rỗng có thể phanh ra được. Cứ đến bữa, đích thân ngài đặt thức ăn, thường là lòng tươi, vào trong bụng tượng đóng lại. Ngài gọi chó đến mở bụng tượng cho nó ăn. Con chó quen dần, đến một lúc nó tự phanh bụng tượng ra tìm cái ăn. Trước hôm được chủ cho dắt vào triều con chó ngao còn bị bỏ đói một bữa, trách nào…
Thái sư bị bêu đầu. Vua ngậm ngùi than tiếc- quá là muộn mằn- cho nhà họ Dương. Bấy giờ Lưu Bình mới tâu xin cho lập lại dòng dõi Dương Lễ. Trong cơn đại nạn của bạn, Lưu Bình xót họ Dương tuyệt tự đã đưa một đứa con trai của mình đánh tráo đứa trai út của bạn để thế mạng. May mà qua được mắt thái sư. Nàng Châu Long ở vậy nuôi đứa con côi sót lại của chồng nên người.
Hẳn là vua cũng đã ra lệnh chém đầu con chó ngao, nhưng nó đã hoá đá. Có khi bị bêu vậy khổ hơn là chết. Chẳng hiểu sao nó phiêu bạt đến làng tôi. Điều này thì chắc là bà tôi chẳng biết đâu.
Nghe chuyện bà tôi kể rồi, tôi không còn coi trọng con chó đá và càng không sợ nó. Mắt nó cụp xuống là phải. Tôi hay rủ bạn bè ra nghịch nó, cưỡi lên nó, - hơi khó cưỡi vì nó ngồi chứ không đứng. Cũng chẳng sao.
Một đêm, con chó lại đến trong giấc ngủ của tôi: “Mai cậu hãy một mình ra dò bụng của tôi xem! Rồi cậu sẽ tự biết phải làm gì”. Hôm sau, tan buổi học chiều, tôi cố ý nán lại sau, rồi lỉnh tới chỗ con chó đá. Tôi cúi nhòm bụng nó, sờ đi sờ lại chẳng thấy gì. Bực mình, tôi vỗ mạnh một cái. “Bộp”, bụng nó rỗng! Tôi lại dò tìm. A! Rất khéo! Rất khéo! Bí mật nằm giữa hai chân sau, dấu kín dưới bộ sậu “của quí” được tạc rất khéo của con chó. Tôi moi ra một cái hộp nhựa tròn bằng quả quít to chứa đầy nữ trang hẳn là đắt tiền lắm. Ai giấu vào đây nhỉ? Chắc là của gian. Làm gì đây? Vẳng lời chó đá “Cậu tự biết phải làm gì?”. Mang trả - trả ai?- hay đem nộp công an? À, phải rồi! Tôi đặt cái hộp vào chỗ cũ rồi chạy bay đi. Khuya hôm đó, một bóng đen lò dò đến bên con chó đá cúi xuống mò mẫm, một lát sau đứng lên định chuồn. Ngay lúc đó, năm chiếc đèn pin cùng loé lên chiếu tập trung vào chỗ hắn. Tên gian lộ nguyên hình. Một vụ trộm được phanh phui.
Mấy hôm sau, đi qua chỗ con chó đá, tôi thấy mặt mũi nó có vẻ phởn, mắt hơi ngước lên chứ không cụp xuống nữa. Tôi ngạc nhiên, thốt lên: “Như là một con chó khác ấy nhỉ?”.
Thế rồi có một hội nghị, được tài trợ hẳn hoi (không có tài trợ thì còn "khuya" nhá!), về con chó đá làng tôi. Mấy vị đeo kính hoặc không đeo kính, tóc bạc hoặc tóc chưa bạc, tranh luận mãi không xong: những nét chạm, khắc trên thân hình con chó là thuộc thời Lê hay thời Nguyễn? Là điển hình nghệ thuật dân gian hay pha tạp nghệ thuật miếu đường? Cuối cùng thì con chó đá cũng được xếp hạng “di vật văn hoá”, và được rước vào trong đình làng, một di sản văn hoá đã được công nhận từ trước. Con chó được gắn chặt vào một cái bệ xi-măng hình chữ nhật xây hơi chếch phía trước bàn thờ thành hoàng để làm vệ sĩ cho ngài. Nhưng lí do chính, theo lời anh tôi, là để phòng bọn hay trộm cổ vật tuồn ra nước ngoài.
Con chó ở chỗ ngồi cao, mắt nó hướng phía trên đầu lũ trẻ, nom có vẻ oai vệ và khinh khỉnh. Nhưng bọn nhóc chúng tôi đã quen với nó ở ngoài không gian thoáng đãng thì trông nó thộn thộn thế nào ấy. Vì không phải chỗ? Hay vì không phải nó?
 
 Hải Phòng, 3- 1999

Xem Tiếp: ----