- 2 -

2/ Không gian tham trộm cắp
Mạng sống con người đã là quý, mà những tài vật nuôi sống con người cũng không kém phần quan trọng trong đời sống nhân loại.
Người nông dân chân lấm tay bùn vất vả với công việc đồng áng; anh đạp xích lô còng lưng dốc sức chở khách; công nhân quần quật suốt 8 tiếng đồng hồ nơi nhà máy; cô bán hàng thức khuya dậy sớm với đôi gánh trên vai; người giáo viên canh thâu vẫn còn ngồi bóp đầu nặn óc soạn bài... Tất cả những việc làm cực nhọc ấy không ngoài mục đích vì sự sống, vì miếng cơm manh áo. Hơn thế nữa với sự tiến bộ khoa học ngày nay, nhu cầu vật chất cao, con người làm việc không chỉ để có miếng ăn mà còn mong sao có thêm được những phương tiện cần thiết giúp cho sự sống thoải mái và mở mang kiến thức như: Nhà cửa, xe máy, ti vi, cassette... Thế nên, trèo non lặn suối, đi ngược về xuôi, thức khuya dậy sớm, buôn tảo bán tần, lao thân khổ trí cực khổ vô cùng cũng bởi đồng tiền bát gạo, bởi cuộc sống đầy đủ ấm no. Ðược nó ai cũng vui mừng sung sướng, gia đình vui vẻ ấm no. Mất nó người ta sẽ đau khổ xót xa, lo rầu thương tiếc. Từ đó có thể dẫn đến tình trạng gia đình sa sút, đời sống khó khăn khiến anh em chia lìa, vợ chồng ly cách, hạnh phúc tan vỡ.
Muốn sống con người phải có thực phẩm để ăn; muốn ấm thân cần có quần áo để mặc; muốn có cuộc sống thoải mái, đỡ vất vả người ta cần có những dụng cụ để sử dụng hằng ngày, nhất là tiền bạc, một phương tiện cần thiết trong mọi sinh hoạt đời sống nhân loại. Ắt hẳn ai ai cũng muốn giữ gìn bảo vệ nó, không thích kẻ khác xâm phạm hoặc cướp đoạt. Vì dù sao nó cũng là thành quả của biết bao công sức và mồ hôi nước mắt của họ đổ ra. Nếu chẳng may ai đó bị lường gạt, hoặc bị trộm cắp, không hiểu họ có buồn rầu đau khổ, xót xa, tiếc rẻ không nhỉ? Cứ suy lòng mình sẽ biết lòng người, của mình mình biết quý trọng giữ gìn, không lý nào lại tham lam trộm cắp của người để làm của riêng mình được. Ðiều này rất trái nguyên tắc, coi chừng có ngày vào tù thì khổ đấy.
Là Phật tử tu tại gia lại thêm bổn phận, danh nghĩa cha mẹ trong gia đình cần phải lập hạnh chân thật ngay thẳng để con trẻ noi gương. Trong sinh hoạt hằng ngày từ cây kim, cọng rau, quả ớt... nếu ta muốn xài phải mua, trường hợp không có thì hỏi xin người, chớ nên tự lấy ngang và cho vật đó là không đáng. Tục ngữ ta có câu “Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”. Nếu từ việc nhỏ nhặt ta không cẩn thận giữ gìn cho đứng đắn, lâu ngày thành quen thấy đồ vật quý của người là sáng mắt muốn “chôm chỉa” liền. Cứ nhìn những người nghiện trầu, thuốc, rượu sẽ rõ. Lúc đầu họ chỉ dùng chơi cho đỡ buồn hoặc xã giao thôi, nhưng dần dần tập nhiễm lâu ngày thành quen (ghiền). Bấy giờ không có thuốc hút sẽ ngáp lia ngáp lịa buồn ngủ vô cùng, cái miệng thiếu trầu nhai nhóp nhép thì lạt lẽo chả ra làm sao cả, bữa cơm không có ba xị đế thì mất ngon... Thế nên, muốn tránh hại lớn, ta phải cẩn thận từng hành động nhỏ ban đầu. Hơn nữa, chúng ta hay có quan niệm những vật nhỏ bé không đáng bao nhiêu có chi gọi là gian tham trộm cắp? Nếu lỡ thiếu hụt chút đỉnh lấy của người xài đỡ, cũng nên vì tình đồng bào mà hoan hỷ xí xóa cho, hơi đâu chấp nhất mần chi cho mệt người. Dạ thưa, người ta không chấp nhất những thứ cỏn con ấy đâu, nhưng khốn nỗi nhân quả có chịu tha ta đâu. Câu chuyện sau đây sẽ cho ta rõ thế nào là vay trả, dù là vật rất nhỏ nếu không xin cũng phải trả.
Ngày xưa, có một ông Phú gia nọ rất nhiều của. Mọi người trong xóm đều biết danh nhà cự phú này. Ông có nuôi một con ngựa rất khôn, đặc biệt là nó biết nói tiếng người và có linh tính biết trước các việc sắp xảy ra (?). Một hôm nó bảo với ông chủ là: “Tối nay sẽ có một toán cướp gồm mười tám tên đến đây, vậy ông hãy tránh đi nơi khác”. Ông chủ không chịu đi và nói rằng:
– Nếu quả thật bọn cướp có đến đây thì tôi sẽ đem vàng bạc cho chúng là xong, cần gì phải đi đâu cho cực.
Con ngựa bèn đáp:
– Nếu ông không đi nơi khác, e rằng chúng đến đây cướp của còn giết ông nữa thì sao? Tốt hơn ông hãy lấy vàng chia ra mười tám phần để đó rồi trốn đi nơi khác, một mình tôi ở nhà định liệu.
Ông chủ nghe xong cho là phải, lấy vàng chia ra mười tám phần để sẵn và gia đình kéo nhau đi trốn nơi khác. Tối hôm đó, mười tám tên cướp gõ cửa, con ngựa liền trả lời:
– Ai đó. Cứ việc đẩy cửa vào.
Sau khi nghe xong, bọn cướp xông vào nhà chia nhau lục soát khắp nơi mà không thấy một ai, chúng mới cất tiếng hỏi thì con ngựa trả lời:
– Chính tôi là ngựa đây, tôi biết các ông tối nay đến đây nên tôi đã dặn chủ nhà chia sẵn mười tám phần vàng cho các ông rồi, còn chủ nhà đã đi khỏi.
 Nghe xong, tất cả bọn cướp rất ngạc nhiên và hỏi ngựa tại sao biết nói tiếng người và biết hôm nay chúng đến cướp nhà này. Con ngựa đáp:
– Tôi là người tu hành trong nhiều kiếp trước, trai giới rất nghiêm minh. Chỉ vì một hôm đi hành đạo phương xa, trong lúc băng qua một cánh đồng, vì bụng đói thấy nơi đám lúa có một cây trổ bông duy nhất, tôi bèn xuống ngắt lấy ăn. Vì không xin chủ nên kiếp này phải bị làm thân ngựa để đền trả lại cho chủ nhân đây.
Sau khi nghe con ngựa kể xong, cả bọn cướp kinh hãi. Suy nghĩ về việc làm bất chính của mình từ trước đến nay. Nhà sư chỉ vì không xin một bông lúa mà phải bị đọa làm thân ngựa để đền trả như thế, huống chi cả đời cướp của hại người tránh sao cho khỏi quả báo. Từ đó, họ sám hối ăn năn quay trở về con đường lương thiện, bỏ nghề gian tham, tinh tấn tu hành về sau trở thành mười tám vị La Hán.
Cổ nhân nói: “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ”, nghĩa là người không có lễ nghĩa thì chẳng nên thân, đồ vật phi nghĩa chẳng nên lấy giữ. Vì vật phi nghĩa là của cờ bạc, của rơi rớt ngoài đường, của hối lộ móc ngoặc, của lừa gạt dối trá người... những thứ này không phải mồ hôi công sức mình tạo ra nên khó thể bền vững lâu dài với mình được. Tục ngữ ta có câu: “Của làm ra để trên gác, của cờ bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ”. Chúng ta cứ suy xét cho kỹ những kẻ tham lam trộm cắp lừa gạt của người đem về xây đắp gia đình, thử hỏi họ có bao giờ hạnh phúc dư thừa đâu? Hay lúc nào cũng phải phập phồng lo sợ đêm ngày không yên. Khi lấy của người thì muốn vơ vét cho thật đầy, thật nhiều, đến lúc bị tội lại mong thật ít, thật nhẹ. Giả sử nếu công việc trôi chảy êm xuôi, chưa chắc những của phi nghĩa ấy tồn tại với kẻ gian lâu đâu. Rồi nó cũng sẽ tiêu ma hết, hoặc xui khiến gia đình không tai kia thì tật nọ, không vợ đau thì con ốm, họa hoạn dồn dập, rốt cuộc bao nhiêu tiền phi nghĩa ấy đổ vào thuốc thang, tai nạn cũng chẳng đủ. Thế là nghèo vẫn hoàn nghèo, khổ vẫn hoàn khổ, chỉ thêm được một số lời: Ðó là tội lỗi và tính gian tham. Trong bài kệ Khất sĩ có đoạn:
Thân này chưa biết ra chi
Của kia lại có chắc gì mà ham
Bao nhiêu cho thỏa lòng tham
Càng thâu càng đắm càng làm càng say
Tiếc cho tháng rộng năm dài
Chung quy hoang phí về tay thần tiền
Ðược thua, thua được liền liền
Hả hê mới đó ưu phiền đâu đây.
Gian tham có rất nhiều hình thức, là Phật tử chúng ta nên cẩn thận và xử lý kịp thời khi phát hiện, không nên làm ngơ bỏ qua và cho rằng việc nhỏ không đáng. Chẳng hạn như: Người khác trả dư tiền mình cũng làm ngơ, mượn đồ của người biết họ quên giữ luôn xài, đi xe, qua đò không trả tiền v.v... Chính tôi khi xưa lúc vừa lên bậc Trung học, đường đi từ nhà đến trường khoảng 8 cây số phải đi bằng xe buýt. Hôm nào gần tới bến, lơ xe quên lấy tiền vé, tôi cảm thấy “mở cờ” trong bụng, ngồi êm re thầm khấn cho họ chẳng nhớ đòi. Khi xuống xe thấy êm xuôi rồi, tôi hí hửng chạy ngay đến hàng cà rem làm một cây ăn mừng cái đã. Tôi rất thích màn này diễn ra đều đều. Quả thật là trẻ con!
Muốn tránh gian tham, không có phương pháp nào hơn là giữ hạnh ngay thẳng và tâm chân thật. Nói chung từ tâm niệm cho đến hành động phải thống nhất, không nên bề ngoài ra vẻ chính trực, trong tâm lại tính toán quá chừng. Ví dụ khi ta đi đường gặp người làm rớt bóp tiền, ngó trước nhìn sau thấy có người, ta làm bộ ra vẻ chân thật, lượm lên gọi người ấy trao trả cho họ, nhưng khi đi thì trong lòng tiếc rẻ, than thầm: Nếu đừng có ai trông thấy thì mình “trúng mánh” rồi, thật xui ghê! Hành động như vậy là mâu thuẫn với tâm ý. Trái lại khi làm việc ấy ta cảm thấy vui vẻ sung sướng vì mình vừa thực hiện việc phải, giúp người khỏi bị đau khổ vì mất số tiền, tâm hồn khoan khoái nhẹ nhàng. Có thế mới xứng đáng là người Phật tử chân chính.
“Ta thà giữ đạo nghèo mà chết chứ không chịu vô đạo mà sống” (Kinh Lục Ðộ Tập)