THOMAS ALVA EDISON
THOMAS ALVA EDISON
NGƯỜI CÓ 2.500 BẰNG PHÁT MINH

 
Cách đây chín mười năm, một nhật báo nọ đăng tin một nhà giáo ở Nam Việt kiện người cha một học sinh của ông. Cậu này làm biếng, lại nghịch ngợm, bị thầy học rầy và bắt quỳ gối, mắc cỡ với bạn, uất ức về méc ba; và ba cậu, mà địa vị trong tỉnh hình như cao hơn ông giáo một chút, nổi cơn lôi đình lên, dắt cậu con lại nhà ông giáo để mắng ông giáo đến mất mặt. Nhà giáo đưa đơn kiện, và vị thẩm phán, hồi đó còn là người Pháp, xử ông giáo thắng, lại tặng thêm cho người cha nóng tính nọ một bài luận lý về phép cư xử với thầy học của con. Tờ báo đó kết luận đại ý như vậy: Dân tộc mình nổi tiếng là biết trọng ông thầy, nên có câu “quân, sư, phụ”; mà bây giờ có kẻ để cho người Pháp dạy lại mình bài học kính thầy đó thì thực là xấu hổ quá.
Chắc bạn cũng trách người cha đó là lỗ mãng, vô lý, mười phần có lỗi cả mười. Nhưng xin bạn đọc một câu chuyện tương tự dưới đây, xảy ra ở Mỹ cách nay khoảng một thế kỷ, vào năm 1854.
Bạn biết tên Edison chứ, nhà phát minh kỳ tài sáng chế ra đèn điện và máy hát? Hồi bảy tuổi, ký tính ông rất kém, học cái gì quên cái đó, luôn luôn “đội sổ”, ở trong lớp thì hoặc mơ mộng, hoặc nói chuyện làm cho thầy giáo thất vọng. Nhiều bác sĩ coi đầu ông vừa lớn dị thường, vừa móp, đoán rằng: ông sẽ đau óc.
Một buổi chiều, ở trường về, ông hỏi bà mẹ:
- Má, thế nào là “trật đường rầy”, má?
Bà cụ phì cười:
- Một chuyến xe lửa trật đường rầy, mà con không hiểu sao?
- Hiểu chứ, má; nhưng một đứa nhỏ trật đường rầy là nghĩa làm sao?
- Nghĩa là nó hơi khùng, chứ làm sao?
- Và thế nào là “không bình thường” má?
- Không bình thường? Nghĩa là… Nhưng con nghe ai nói vậy?
- Chiều nay ông Thanh tra tới thăm trường, má ạ. Ông có hỏi thầy về các học trò. Con thấy thầy chỉ con cho ông Thanh tra, rồi bảo rằng con “trật đường rầy”, con “không bình thường” như những trò khác, và dạy dỗ con chỉ là tốn công vô ích.
Tức thì bà cụ nhảy choi choi lên, la:
- A, thầy giáo bảo con như vậy, hả? Đi ngay với má, má lại làm một trận cho thầy ấy biết tay con mụ này.
Và bà cụ, mắt long lên, nắm tay cậu con lôi đi, hùng dũng tiến lại nhà ông giáo. Tới nơi, bà cụ chỉ mặt nhà giáo, bảo:
- Nè, thầy nói những gì với ông Thanh tra về thằng Al của tôi - Edison chính tên là Thomas Alva Edison, trong nhà thường gọi là Al - tôi biết hết. Thầy bảo nó là “trật đường rầy”, tôi truyền đời cho thầy hay: có kẻ nào trật đường rầy thì là thầy, chứ không phải nó. Tôi chỉ cầu cho thầy thông minh bằng nửa nó thôi.
Rồi bà nắm tay đập lên bàn nhà giáo, gầm lên:
- Thầy nhớ kỹ, nghe không? Một ngày kia người ta sẽ nhắc đến tên tuổi nó, còn cái đời thầy không ai thèm biết tới đâu.
Tội nghiệp ông giáo, cứ nín thinh thôi, không dám hó hé một lời.
Nói xong, bà bảo cậu con:
- Thôi, từ nay, con khỏi tới trường nữa, ở nhà má dạy cho.
Và quay gót bước ra.
Bà đã giữ đúng lời đó. Bà dạy con lấy và Edison sau thành một thiên tài bực nhất thế giới.
Tôi cũng nhận bà cụ “Trương Phi” quá, nhưng bảo bà là vô lý, thì tôi không dám. Nếu bà cho lời ông giáo là phải, mà rầy con, bắt con tiếp tục đi học, thì có lẽ Edison đã “trật đường rầy” thật, mà ngày nay chưa chắc chúng ta đã có đèn điện để dùng. Và tôi tự hỏi nếu cậu bé đã gây ra vụ kiện tôi kể ở trên, sau này thành một vĩ nhân, thì lời phán đoán của chúng ta về hành vi của thân phụ cậu có thay đổi chút nào không nhỉ?

°
°
 
Thân mẫu Edison có tánh Trương Phi như vậy một phần do ông nội bà là nhà Cách Mạng cầm quân dưới thời Washington. Chồng bà cũng có máu hảo hớn. Từ mấy đời trước, giòng Edison vẫn nổi danh là cương cường, bất khuất. Quê quán ở Hà Lan, tổ tiên Edison làm nghề đánh cá, có óc mạo hiểm, qua Gia Nã Đại lập nghiệp ở tỉnh Vienne.
Thân phụ Edison là cụ Sammuel cùng với vợ mở một quán cà phê ở đó, tụ hợp các người chống chính quyền Anh, noi gương Huê Kỳ phất cờ khởi nghĩa để giành độc lập cho Gia Nã Đại. Việc thất bại, Sammuel phải đào tẩu, qua Huê Kỳ lập nghiệp ở Milan, trên bờ hồ Erié. Alva Edison sanh tại đó ngày 11 tháng 2 năm 1847.
Mấy năm sau, một đường xe đầu tiên xuyên qua miền ấy. Cụ Sammuel tiên đoán rằng đường xe lửa đó sẽ làm cho sự buôn bán ở Milan suy sút, bèn rời nhà qua Port Huron, mở một tiệm buôn lúa. Lúc đó Alva bảy tuổi, vào học trường làng. Nhưng cậu chỉ học có ba tháng, rồi, như trên tôi đã kể, thân mẫu cậu cho cậu học tại nhà. Cụ hồi trước cũng đã dạy học, nên săn sóc sự giáo dục cho con rất chu đáo. Edison rất quý mẹ, sau này viết: “Nhờ có má tôi, tôi mới được như ngày nay. Tôi quyết tâm không khi nào làm cho người thất vọng. Người rất thành thực, rất tin ở tôi. Người là lẽ sống của tôi. Luôn luôn tôi nhớ tới người.

°
°
 
Alva học ở nhà được ba bốn năm. Cậu rất thích môn hóa học, và có óc rất thực tế. Sau nhà có một khu đất, song thân cậu cho tự ý muốn trồng gì thì trồng. Cậu bèn trồng rau để bán cho hàng xóm, dành dụm được một số tiền kha khá, biếu bà cụ một nửa, còn một nửa dùng để mua sách và các chất hóa học về thí nghiệm.
Người hỏi mua rau mỗi ngày một nhiều mà sức cậu trồng không được mấy. Cậu nảy ý đi buôn rau. Cậu xin phép song thân đi lại Dettroit mua rau, chở xe lừa về bán. Hai cụ mới đầu không chịu nghe; đồ con nít, mới mười hai tuổi đầu, mà đòi đi buôn! Nhưng cậu năn nỉ quá, song thân đành phải cho.
Alva thích lắm. Xe lửa tới Dettroit, cậu nhảy xuống đi mua rau xong rồi còn thì giờ lang thang hết phố phường, ngắm nhà cửa, hàng hóa, kẻ đi người lại gần tới giờ về, mới hấp tấp lại ga, leo lên xe với một thúng lớn đầy rau.
Nhưng đi lang thang hoài cũng chán, sau cậu nghĩ cách dùng thì giờ rảnh ở trên xe và trong khi đợi xe sao cho có lợi. Cậu xin vô một hội thanh niên để được mướn sách ở thư viện. Cậu lại xin chân bán báo cho công ty xe lửa, như vậy khỏi phải trả tiền xe mà lại kiếm thêm được tiền. Cậu bán tờ Dettroit Free Press cho hành khách trên xe và các nhà ga. Công ty xe lửa cho cậu một khu trong một toa chở hàng để cậu chứa rau, báo, sách và các chất hóa học, vì cậu vẫn mê hóa học, lúc nào rảnh là làm những thí nghiệm hóa học, ngay trong toa.
Mới nhỏ tuổi, mà cậu đã có tài đầu cơ nữa chứ. Hồi đó gặp lúc nội chiến đương phát dữ, Dettroit mới nhận được tin tướng Johnston tử trân ở Shiloh. Cậu yêu cầu nhân viên điện tín nhà ga đánh điện cho các ga trên đường về Port Huron để dán một tờ báo cáo nhỏ cho hay rằng chiều sẽ có nhật báo đăng đủ chi tiết về trận Shiloh. Rồi cậu lại nhà báo Dettroit Free Press xin mua chịu thêm 800 số nữa, cộng với 200 số trả mặt thường lệ là 1.000 số.
Giá báo cứ tăng vọt lên từ ga này tới ga sau; Edison bán hết cả ngàn số.
Hôm sau chàng dùng ngay số tiền đó để mua một cái máy in cũ. Gọi là máy in chứ sự thực nó chỉ là một cái máy ép rất đơn sơ quay bằng tay.
Và… đã hùng tâm ghê gớm chưa? - từ hôm đó chàng thành ông chủ báo. Tờ báo lấy tên là Weekly Herald, mỗi tuần ra một số. Tòa soạn là toa chở hàng của công ty xe lửa. Edison, lúc đó mới mười lăm tuổi, vừa làm giám đốc vừa làm chủ bút, vừa làm thợ sắp chữ, thợ in, vừa lấy tin tức cùng quảng cáo, vừa viết, vừa phát hành. Báo in hai trang, mỗi kỳ bốn trăm số. Chàng khôn lanh, nhận thấy rằng tờ Detroit Free Press chỉ đăng tin trong nước mà thiếu tin trong miền, nên chỉ lượm toàn những tin trong miền, bán rẻ ba xu một số, và ai mua tháng thì chỉ phải trả tám xu. Không biết bán báo có chạy không, nhưng đã có một tiếng vang tới tận Luân Đôn… Tờ Times, lớn nhất ở Luân Đôn phải nhắc tới nó, nhận rằng chưa có tờ nào in trong một toa xe lửa như nó.
Mừng chẳng bao lâu, ông “chủ báo” Edison bị người xếp xe của công ty hỏa xa bạt tai và xô xuống đường: một buổi sáng năm 1862, chuyến xe lửa chở “tòa soạn” của Edison đương chạy hết tốc lực để khỏi trễ, thì ở toa chở hàng, có khói đen bốc lên. Còi xe rít lên rùng rợn. Xe chạy chậm lại rồi ngừng. Người thợ máy nhảy xuống đường, lại toa chở hàng, rồi hết thảy nhân viên trên xe đều xách nước lại dập lửa. Họ liệng từ trong toa ra nào là rau, sách vở, báo chí, pin điện, máy in, ống thuốc. Một thanh niên độ 16 tuổi, bị xô xuống đường. Người xếp xe mặt đỏ gay, bạt tai thanh niên đó, mắng:
- Mày chừa đốt xe của tao chưa?
Edison vừa xoa tai, vừa lượm đồ, thu lại một chỗ. Tai nạn đó xảy ra vì trong lúc thí nghiệm, chàng sơ ý để cho một thỏi lân tinh rớt trê sàn xe rồi bốc lửa, cháy lan qua đống báo. Từ bữa đó, chàng nặng một bên tai, không nghe được những tiếng động nhỏ.
Nhưng chàng không thất vọng. Chàng không hề biết thất vọng là gì. Lần thất bại đó là lần đầu. Sau này chàng còn thất bại nhiều lần nữa, mà lần nào cũng vậy, cứ sau mỗi thất bại, chàng lại hăng hái thêm một chút.
Về nhà, chàng đặt máy in trong cái hầm của cha, đổi tên báo là Paul Pry, không đăng tin vặt trong miền nữa mà viết những mục trào phúng để chỉ trích các nhà tai mắt ở Port Huron. Số độc giả tăng lên mạnh; nhưng những người bị chỉ trích nổi đóa lên, và một kỹ nghệ gia giận quá, chạy lại nhà Edison, nắm cổ chàng kéo xềnh xệch ra tới bờ sông và liệng chàng xuống nước. Chàng lóp ngóp lội vào và ngưng nghề làm báo.
Cách đó không lâu, một dịp may xảy tới, và chàng tìm được một hướng đi cho đời mình. Một hôm, chàng thơ thẩn trong ga Mount Clements, nhìn một toa hàng rời đầu máy mà chạy một mình trên một đường dốc về chỗ tránh của nó. Thình lình chàng hoảng hồn: một em nhỏ đương chơi trên con đường rầy mà toa xe sắp tới. Chàng đâm bổ lại, vừa kịp kéo đứa nhỏ ra thì bánh xe chạm vào gót chân chàng. Người xếp ga chạy ra, rất cảm động:
- Cậu đã cứu sống con tôi. Tôi làm cách nào đền ơn cậu được? Tôi giúp cậu được việc gì không?
Edison suy nghĩ một chút, đáp:
- Tôi muốn học nghề điện báo. Ông dạy tôi được không?
- Được lắm! Tôi rất sẵn sàng. Bao giờ cậu lại học? Sáng mai nhé?
Hồi đó điện tín mới được áp dụng ở Mỹ và dọc theo các đường xe lửa, chỗ nào người ta cũng dựng những cột dây thép mới. Edison rất ham nghiên cứu về phát minh mới đó, muốn học thuộc những dấu Moóc (Morse) nhất là tìm hiểu xem có cái sức gì làm cho người ta gõ máy ở đầu dây đằng này mà ở đầu dây đằng kia cách cả ngàn cây số máy cũng chạy.
Trong buổi học đầu, chàng hỏi người xếp ga. Viên này đáp:
- Có gì đâu. Cậu cứ tưởng tượng có một con chó lùn, mình dài cả ngàn cây số, đuôi ở Edimbourg mà đầu ở Luân Đôn. Nếu mình kéo đuôi nó ở Edimbourg thì có phải nó sủa lên ở Luân Đôn không? Máy điện tín là vậy.

°
°
Óc của Edison quả là “không bình thường”, luôn luôn suy nghĩ, tính toán, tìm tòi. Cậu không tin lời giảng đó,  tra cứu thêm và sau bốn tháng, cậu biết cặn kẽ về khoa điện tín, được viên xếp ga cho làm việc. Hồi đó cậu mười bảy tuổi; nghĩ ra được một phát minh nhưng chính vì tài phát minh đó mà cậu bị mất việc.
Bổn phận của cậu là phải gác đêm trong một ga nhỏ, ga Stratford. Mỗi giờ cậu phải đánh về ga chánh dấu hiệu “6” để cho ga chánh biết rằng cậu vẫn thức. Đêm nào, số “6” cũng được đều đều truyền đi. Rồi một đêm ga chánh gọi ga Stratford mà không thấy trả lời. Viên kiểm soát tức thì đến Stratford để coi xem vì lẽ gì, và thấy Edison đương ngủ khò trong một góc phòng!
Thì ra cậu Edison làm biếng, không chịu thức, chế ra được một cái máy cứ đúng giờ là truyền số “6” đi. Máy có một cái đồng hồ, nối với một bánh xe có răng, khi bánh xe quay thì hơi điện khóa, mở, thành một vạch dài và bốn chấm, tức con số sáu.
Sau vụ đó, Edison xách va li về nhà. Luôn trong năm năm sau, chàng tiếp tục làm điện tín viên cho nhiều công ty xe lửa khác, vừa làm việc, vừa thí nghiệm về hóa học, vừa phát minh. Một lần, thấy trong phòng nhiều gián quá, chàng đóng vào tường hai miếng giấy bạc nối với hai điện cực của một cái pin, rồi kiên nhẫn ngồi đợi gián bay tới, đậu vào giấy bạc, bị điện giật mà chết.
Chàng học thêm về điện, về hóa học, hí hoáy chế tạo, làm việc gần hai chục giờ một ngày. Chàng nói: “Tôi có nhiều việc làm quá, mà đời thì ngắn quá nên tôi phải làm gấp!”
Chàng lập một xưởng nhỏ, chế tạo được một kiểu máy ghi số thăm, và trình chính phủ để xin chứng chỉ phát minh. Chứng chỉ đó là chứng chỉ đầu tiên, và sau này Edison còn xin được hai ngàn rưỡi chứng chỉ khác nữa. Máy ghi sổ thăm đó rất tinh xảo; ta chỉ cần nhấn một cái nút, rồi máy sẽ làm lấy hết mọi việc. Nhưng khi đem máy lại Hoa Thịnh Đốn, trình quốc hội, thì quốc hội không chịu dùng. Edison ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao vậy? Ông cũng thấy rằng máy ghi đúng lắm mà!
- Phải. Nó ghi rất đúng. Nhưng chính vì nó ghi đúng quá, nên không thể dùng nó được. Đúng quá thì người ta không thể nghi ngờ về giá trị của cuộc bỏ phiếu nữa, và như vậy người ta không thể chống nhau, gây lộn với nhau được nữa, chú em hiểu không?
Edison đứng ngây người một lúc rồi ra về. Chàng nghĩ cách chế một cái máy điện tín kiểu mới cho các nhà doanh nghiệp dùng, và năm 1869, chàng xa quê, lên Nữu Ước làm ăn. Tới Nữu Ước, chàng chỉ còn có mỗi một Mỹ kim.

°
°
 
Cũng may chàng kiếm được một bạn đồng nghiệp cũ, ở nhờ trong phòng điện tín của người đó. Một hôm, đúng lúc mà các nhà buôn, các nhà doanh nghiệp ở Wall Street (Nữu Ước) mong đợi tin tức về giá vàng, thì máy điện thoại hư, điện tín viên loay hoay chữa không được. Ba trăm người chạy việc cho các hãng lớn khắp châu thành ùn ùn tới phản đối. Ông chủ thị trường vàng, ông Laws cũng lại coi tình hình. Edison nói là có thể sửa được. Chàng thay một cái ruột gà gẫy và máy chạy lại. Ông Laws mừng quá, cho chàng làm giám đốc kỹ thuật, với số lương ba trăm Mỹ kim mỗi tháng. Chàng nghe số tiền khổng lồ đó mà sướng quá muốn hóa điên. Thần tài đã bắt đầu gõ cửa.
Con người lạ lùng đó có tánh lúc nào cũng mong kiếm được nhiều tiền, nhưng kiếm tiền chỉ là để có phương tiện tìm tòi, phát minh, chứ không phải để làm giàu.
Có tiền trong tay rồi, chàng mở một xưởng thí nghiệm. Ông giám đốc mới của công ty Gold and Stock Telegraph Company, tức tướng Lefferts, bảo chàng chế tạo một máy điện tín in được dấu. Chàng chế tạo xong, xin giấy chứng chỉ. Tường Lefferts muốn mua lại, hỏi chàng đòi bao nhiêu tiền.
Chàng suy nghĩ: đòi được 5.000 Mỹ kim thì là nhất, không có thì 3.000 cũng được. Nhưng nếu đòi nhiều quá, sợ Lefferts mắng vào mặt, rồi đuổi cổ đi thì tai hại. Chàng lanh trí, xin Lefferts cho biết có thể mua được với giá nào.
Lefferts đáp:
- Bốn vạn Mỹ kim được không?
Sau này Edison chép lại chuyện đó, viết: “Nghe số tiền đó thành công muốn té xỉu. Nhưng thành công cũng ráng đứng vững, lắp bắp bảo rằng giá đó cũng vừa phải”.
Ba ngày sau, chàng ký xong giao kèo và lãnh một chi phiếu 40.000 Mỹ kim.
Chàng còn quê mùa, lần đó là lần đầu cầm một chi phiếu, chưa biết cách dùng nó, thấy trên chi phiếu để tên nhà ngân hàng, chàng đem lại ngân hàng, đưa cho viên phát ngân. Viên này trả lại chàng và nói một câu gì mà chàng nghe không ra, vì một bên tai vẫn còn nặng sau vụ “đốt xe lửa” mấy năm trước. Chàng lủi thủi bước ra, lẩm bẩm:
- Ông già đó chơi mình một vố cay thật! Mà mình khờ làm sao mà khờ! Đời thủa nhà ai mà trả cái máy đó bốn vạn đồng không? Bốn vạn đồng mình làm mười một năm chưa kiếm được số tiền đó, mà máy đó chế tạo ra tốn công gì đâu. Vậy mà mình cũng tin chứ! Rồi tới khi ông ấy chìa cái miếng giấy lộn này ra mà mình cũng nhận!
Nghĩ vậy chàng vò nát tấm chi phiếu trong túi quay về phòng giấy ông Lefferts, hậm hực, định nói mỉa mấy câu cho hả dạ. Ông Lefferts bình tĩnh nghe từ đầu đến cuối, rồi phá lên cười:
- Ngốc! Thầy phát ngân bảo anh ký vào sau lưng chi phiếu đó rồi thầy ấy sẽ phát tiền cho. Có vậy thôi. Trở lại mà lãnh tiền đi.
Edison bẽn lẽn, xin lỗi rồi chạy một mạch tới ngân hàng. Viên phát ngân biết rằng chàng khờ khạo, cũng đùa chàng một vố, trả cho chàng toàn bằng giấy một đồng. Chàng lóng cóng thồn vào túi trên, túi dưới, túi trong, túi ngoài,người chàng phồng lên như một cái bị, về nhà, luýnh quýnh, không biết cất tiền vào đâu cho kỹ, đành thức suốt đêm để canh.
Sáng hôm sau, chàng lại thồn đủ số giấy bạc vào đầy các túi, lại phòng ông Lefferts vấn kế. Ông Lefferts cười một hồi nữa rồi chỉ cách cho chàng đem gởi bớt lại ngân hàng.
Từ đó chàng mới bắt đầu khôn.
Gởi tiền xong, chàng viết thư về báo tin mừng cho cha mẹ hay: “Bây giờ ba má có thể nghỉ ngơi được rồi. Ba đừng làm quá sức nữa, và má muốn thứ gì thì xin ba cứ mua cho má. Hễ thiếu tiền thì có con... Con bận việc lắm: con có một cái xưởng dùng 18 người thợ, và đương lập một cái xưởng khác dùng tới một trăm rưỡi thợ. Con đã thành một “kỹ nghệ gia” có hạng rồi”.
Nhưng chàng giấu, không cho song thân hay rằng phải làm việc mười chín, hai mươi giờ mỗi ngày, không có thì giờ ăn, không có thì giờ ngủ nữa. Và chàng giữ mức làm việc đó gần nửa thế kỷ.
Luôn luôn trong đầu chàng nảy ra những ý mới, bắt chàng phải thực hành liền. Có lần chàng thực hành bốn mươi lăm phát minh một lúc! Ghê gớm chưa?
Từ năm 1870 đến năm 1875, chàng gần như chuyên phát minh về máy điện tín. Chàng chế được một máy gởi đi một lúc được bốn điện tín, thành thử trong một phút có thể đánh đi được ba ngàn rưỡi tiếng.
Nhiều kỹ thuật gia trẻ tuổi lại cộng tác với chàng; một số được chàng dìu dắt mà sau nổi danh. Ai cũng trọng chàng là tính tình ngay thẳng, giản dị, nhưng bề ngoài có vẻ bẩn thỉu, lôi thôi.

°
°
 
Một hôm chàng gặp một thiếu nữ tên là Mary Stilwel. Trời mưa. Nàng đi ké dù chàng, rồi kể lể tâm sự:
- Tôi mới thôi học, ở nhà buồn quá. Làm cái thân con gái, nghĩ mà chán. Cứ ngồi bó gối đợi cho người đàn ông nào tới rước đi.
- Sao cô không kiếm việc làm?
- Đâu được? Con gái tử tế ai lại đi kiếm việc làm. Vả lại tôi không biết khâu. Còn vô một xưởng để làm như mọi thì tôi không chịu.
- Tôi có việc làm cho một thiếu nữ thông minh. Cần biết vật lý, hóa. Cô biết không?
- Biết lờ mờ.
Thế là Mary giúp việc cho Edison, tỏ ra vừa tận tâm, vừa có khả năng.
Một bữa nọ, hai người cùng thí nghiệm với nhau. Bỗng nhiên chàng ngưng công việc, ngó nàng trân trân:
- Cô Mary..
- Thưa, chi?
Edison móc túi ra, lấy một đồng tiền, đánh điện tín bằng dấu Moóc lên mép bàn: Hồi này tôi nghĩ hoài đến cô...(chấm) cô chịu cưới tôi không (chấm hỏi).
Mary đỏ mặt lên, mỉm cười, cũng gõ dấu Moóc, đáp: “Làm vợ ông em sung sướng lắm”.
Cuối năm đó 1871 họ làm lễ cưới.

°
°
Từ khi lập gia đình, hai ông bà làm việc còn hăng hơn trước. Ông kiếm một miếng đất rộng ở Menlo Park, cách Nữu Ước bốn chục cây số, cất một xưởng mới, và làm việc tại đó cho tới khi mất. Xưởng của ông sau nổi tiếng khắp thế giới vì phòng thí nghiệm trong xưởng lớn vào bực nhất thời đó.
Năm 1878,  là năm kỷ niệm độc lập bách châu niên của Huê Kỳ. Tại Philadelphie có cuộc triễn lãm lớn. Người ta bày rất nhiều máy móc mới phát minh. Edison lại coi và xem xét tỉ mỉ máy điện thoại của Bell. Về nhà ông nghĩ cách cải thiện máy đó cho tiếng nói được rõ hơn và ông suýt phát minh được máy vô tuyến điện.
Từ hồi thượng cổ, loài người vẫn có ý muốn ghi được thanh âm. Theo một truyền kỳ la mã, một tên nô lệ nọ khám phá được rằng vua Midas có tai lừa, nói ra thì sợ tới tai vua mà bị tội, còn giữ kín trong lòng thì tức tối, chịu không nổi. Hắn bèn kiếm một chỗ hoang vắng, trên bờ sông, chung quanh toàn là lau sậy, rồi la lớn lên cho hả: “Midas, vua Midas có tai lừa!” Nhưng những cây sậy ghi được câu đó, lào xào nhắc lại cho nhau suốt ngày suốt đêm, rút cục cả xứ đều hay tin vua Midas có tai lừa.
Vậy cổ nhân đã ngờ rằng có cách ghi lại được thanh âm, nhưng trong mấy ngàn năm, chưa ai tìm được thứ sậy ghi thanh âm đó, cho tới một ngày kia, năm 1877, Edison bị kim đâm vào ngón tay.
Ông đương sửa một máy ghi dấu điện tín, miệng trò chuyện với người cộng sự, tay kéo cây kim ghi những gạch lên trên một ống bằng sáp. Khi ông thốt ra một tiếng hơi lớn, thì cây kim nhảy lên và đâm vào đầu ngón tay ông. Việc đó, người khác chắc không ai để ý tới; nhưng óc tìm tòi, tò mò của ông không bỏ qua nó được.
Ông ngưng công việc lại, suy nghĩ, kiếm nguyên nhân tại sao cây kim nhảy. Tại tiếng nói của ông lúc đó lớn, làm rung chuyển một miếng thép đính với cây kim. Như vậy, ông có thể kiếm cách ghi tiếng nói được. Tức thì ông vẽ phác kiểu máy gồm một miệng loa mà đáy có một miếng thép mỏng dính với một đầu kim, đầu kim này chạy trên một ống bằng kim thuộc có tay vặn.
Máy đóng xong, ông bao ống đó bằng một tờ giấy thiếc, rồi ông vừa quay tay vặn, vừa kề miệng vào gần ống loa, đọc một bài thơ cho trẻ em:

Mary có một con trừu nhỏ

Mà lông trắng như tuyết...
Trong lúc đó, mũi kim vẽ một đường trên tờ giấy thiếc. Đọc xong bài, ông ngưng lại, đặt đầu kim trở về chỗ cũ, rồi kề tai vào miệng loa, nghe rõ ràng thấy máy lập lại câu thơ:

Mary có một con trừu nhỏ...

Mấy người giúp việc đứng trân trân, kinh khủng. Chính ông cũng ngạc nhiên vô cùng. Sau này, chép lại chuyện đó, ông viết: “Trong đời tôi, chưa lần nào tôi choáng người như lần ấy. Thực ra, mỗi khi một cái máy mới phát minh chạy lần đầu tôi cũng thấy sờ sợ”
Vậy, do một sự cố bất ngờ, do một mũi kim đâm vào đầu ngón tay ông mà máy hát ra đời, Edison nổi tiếng khắp thế giới; các báo chí không ngớt nhắc đến cái “máy nói” của “nhà phù thủy ở Menlo Park”. Người ta đổ xô nhau lại phòng thí nghiệm của ông để coi, đông đến nỗi công ty Hỏa xa phải đặt thêm những chuyến xe riêng. Ông được mời tới Hoa Thịnh Đốn để trình máy đó cho các nhân viên cao cấp coi. Có kẻ không tin, ngờ rằng chính ông nói trong bụng – nghĩa là nói mà không cử động môi lưỡi – để gạt họ, chứ “máy gì mà biết nói?”
Nhưng tờ giấy thiếc ông dùng để ghi thanh âm chưa phải là một giải pháp tốt: máy chỉ dùng được ít lần là nghe không rõ nữa và phải bỏ. Chẳng bao lâu, người ta quên nó. Mười năm sau, năm 1888, ông mất năm ngày năm đêm liên tiếp để cải thiện, thay miếng thiếc bằng một lớp sáp chế tạo theo một cách đặc biệt, và thay tay vặn bằng một máy đồng hồ. Lần này máy được hoan nghênh trên thị trường, làm giàu cho ông và nhiều con buôn. Sau này EmilBerliner, một người Huê Kỳ, cải thiện nữa mà thành máy hát chúng ta dùng ngày nay.

°
°
 
Danh tiếng của ông lên đến cực độ khi ông chế tạo được bóng đèn điện. Ông phải tốn công bốn năm, từ năm 1878 đến năm 1882. Người ta thường lấy câu: “Thất bại là mẹ thành công” để khuyên thanh niên và lấy gương Edison để chứng thực câu đó. Ông đã thất bại không biết bao nhiêu lần rồi mới kiếm được thứ chỉ để đốt trong bóng đèn, và mỗi lần thất bại lại đưa ông tới gần thành công hơn một chút.
Ý chế tạo đèn điện nẩy ra khi ông thấy một khí cụ phát ánh sáng của William Wallace. Khí cụ đó rất đơn sơ, gồm một cái khung bằng gỗ đỡ hai cây ngang di động được, đầu mỗi cây có một cục cac bon hiện ra một vòng ánh sáng xanh xanh, chóa mắt. Chất cac bon tiêu dần đi rồi ánh sáng tắt.
Ông quyết chí cải thiện phương pháp, tuyên bố trên báo chí rằng chỉ trong hai năm sẽ có đèn điện. Ông viết: “Một ngày kia trong một tỉnh lớn, người ta chỉ cần xây vài trung tâm phát điện là có đủ ánh sáng cho mọi nhà. Muốn thắp đèn, người ta chỉ phải vặn một đinh vít. Ánh sáng sẽ trắng, không chập chờn như ánh đèn dùng ngày nay. Không có khói, không hại vệ sinh; tường, trần, đồ đạc khỏi bị ám khói”.
Tin đó phát ra gây một nỗi hoảng sợ trong đám hội viên các công ty khí đèn vì hồi đó ở Mỹ cũng như ở Âu châu, đèn thắp bằng khí. Người ta chế nhạo ông, mạt sát ông.
Ông hăng hái bắt tay vào việc, dùng một kíp thợ từ bốn chục đến năm chục người làm việc không ngừng, thay phiên nhau mà thức suốt đêm. Ông ăn, ngủ ngay trong phòng thí nghiệm, ca hát với các người cộng sự.
Ông để hết tinh thần vào sự tìm tòi nên nhiều lúc đãng trí. Một lần ông lại tòa án đóng thuế, đứng nối hàng sau những người khác. Khi phiên ông tới, ông quên hẳn tên của mình, lắp bắp, lúng túng. Một người quen đứng bên cạnh phải nhắc là Thomas Edison.
Một lần khác, trong khi đợi điểm tâm, ông gục xuống bàn ngủ, vì đã làm việc suốt đêm trước. Một người giúp việc muốn phá ông, ăn xong phần của mình rồi, đặt những chén đĩa dơ trước mặt ông. Một lát sau, ông tỉnh dậy, giụi mắt, thấy những chén đĩa dơ đó, tưởng mình đã ăn rồi, châm điếu thuốc hút rồi lại bàn làm việc. Cả phòng cười rộ lên, ông mới hay rằng mình bị gạt.
Ông cho làm những bóng đèn bằng thủy tinh rồi rút hết không khí trong bóng ra, để khi điện chạy vô, đốt một chất chứa trong bóng thì chất này sáng mà không cháy tan mất. Chỗ khó là kiếm chất gì để dùng. Giấy đốt thành than, cháy rất sáng nhưng chỉ được vài giây thôi. Bạch kim sáng lâu hơn nhưng đắt quá. Mà mục đích của ông là chế tạo những bóng đèn rẻ tiền ai mua cũng được. Ông thử đủ thứ than: đốt giấy bồi, vỏ dừa, vỏ bào, bấc, xen-luy-lo-it, cả râu người nữa. Không thứ nào được vừa ý: Ông phí công trọn một năm mà chưa trông thấy kết quả. Mắt ông nhức nhối chịu không nổi mà ông không dám tỏ cho người giúp việc hay. Những người bỏ vốn cho ông thí nghiệm bắt đầu nản lòng, bực tức vì ông đã tiêu hết tiền của họ.
Rồi một buổi tối tháng mười năm 1879, ông ngồi hút thuốc, lo lắng không biết kiếm cách nào, tay mân mê nút áo, thì nút áo đứt ra, nằm gọn trong tay ông với một khúc chỉ.
Ông nhảy phắt lên, chạy vô phòng thí nghiệm, bảo các người giúp việc:
- Các anh em đã thử dùng thứ này chưa? Sao không thử? Lấy một cuộn chỉ, cắt ra từng khúc ngắn, đốt ra than rồi bỏ vào bóng đèn xem sao.
Họ thử ngay, kiên nhẫn, cẩn thận từng tí, đốt sợi chỉ ra than rồi đặt vào bóng đèn sao cho sợi không gẫy. Sau họ rút không khí ra, mắc điện vào. Một ánh sáng vàng vàng hiện lên. Nó sáng được bao nhiêu lâu? Người đoán một giờ, kẻ đoán nửa giờ; không ai ngờ rằng nó cháy được bốn chục giờ!
Bốn chục giờ, vẫn chưa đủ cho ông mãn nguyện. Ông bỏ ra một thời gian nữa để cải thiện cho nó cháy được năm trăm giờ. Bấy giờ ông mới tin rằng ngọn đèn của ông có giá trị về thực tế.
Ông bèn mới thiên hạ lại Menlo Park coi bóng đèn của ông. Cuối năm 1880, trong đêm giao thừa, hàng ngàn người dắt nhau lại coi và được thấy một cảnh thần tiên chưa hề có trên trái đất: hàng trăm bóng đèn mắc trên dây ở hai bên đường từ nhà ga tới Menlo Park, ở xa coi tựa hai dãy sao gần chân trời. Người ta trầm trồ khen ngợi, lấy làm lạ rằng đèn chúc ngọn xuống mà vẫn cháy. Ông tuyên bố với mọi người rằng ông sẽ làm cho một khu ở Nữu Ước dùng toàn đèn điện.
Ông lại bỏ ra hai năm nữa để san phẳng mọi trở ngại về tài chính, kỹ thuật và tổ chức, mà xây được một nhà máy điện, mắc mấy cây số dây điện trong chín trăm nhà và đặt mười bốn ngàn bóng đèn điện, một mình ông đứng chỉ huy mọi việc. Ông tin rằng sự nghiệp đó lớn nhất trong đời ông. Ông lựa ngày mùng bốn tháng chín năm 1882 để làm lễ hoàn thành.
Tờ New York Herald chép: “Nhà phát minh đại tài ra lệnh, người ta hạ một tay vặn xuống, tức thì, cùng một lúc, hàng ngàn bóng đèn trong mọi căn nhà cháy lên, tỏa một ánh sáng ấm áp. Ôi! Lạ lùng, ngọn đèn không chập chờn như ngọn đèn khí, mà cháy đều đều, làm cho chúng ta có thể ngồi viết hàng giờ mà không ngờ rằng ánh sáng đó là ánh sáng nhân tạo!...”
Ngày đó, Edison đã mở màn cho kỷ nguyên điện.
Thân mẫu ông đã đoán đúng: “một ngày kia người ta sẽ nhắc đến tên tuổi con tôi...” Dân thành Nữu Ước đổ xô nhau lại coi những bóng đèn mới và coi vẻ mặt sáng sủa, khả ái, cương quyết và ngây thơ, vừa mơ mộng vừa hoạt động của ông. Khắp thế giới nhắc đến tên ông, đặt ông vào hàng vĩ nhân bực nhất đương thời, và câu nói: “Thiên tài là một phần trăm hứng và chín mươi chín phần trăm toát mồ hôi” được người ta truyền lại cho hậu thế.

°
°
Năm 1884, bà Mary mất, ông càng cặm cụi làm việc để quên nỗi đau lòng. Hai năm sau, ông cưới bà vợ kế, bà Mina Miller d’Akron.
Từ đó đến đầu đại chiến thứ nhất, ông phát minh được rất nhiều máy mới nữa, và máy được nhiều người hỏi tới là máy chiếu hình (kinétoscope). Máy đó tức là bước đầu tiên của máy chiếu bóng. Ông chụp bằng phim một loạt hình liên tiếp nhau của mỗi cử động rồi chiếu nhanh lên một tấm màn, thành thử ta có cảm tưởng thấy người và vật cử động trên màn.
Không hiểu tại sao ông không cải thiện máy đó thành máy chiếu bóng ngày nay, mà chỉ chế thành một máy nhỏ chiếu những người khiêu vũ, những trẻ em chơi trong khi một máy hát phát ra một bản nhạc hợp với cảnh.
Mấy năm sau ông thất bại liên tiếp, tiêu hết cả vốn. Một hôm, ông bảo các người giúp việc:
- Chúng ta hết nhẵn tiền rồi, nhưng đã được dịp tiêu khiển thú quá, phải không anh em?
Vâng, suốt đời ông chỉ là một cuộc tiêu khiển say mê, không ngừng,và những khi ông làm việc hai mươi giờ một ngày chính là những lúc vui nhất của ông.
Hồi đại chiến thứ nhất nổ ra ở châu Âu, ông đã gần bảy chục tuổi, bỏ việc nhà mà tình nguyện giúp chính phủ để kiếm những thuốc uống và thuốc nhuộm thay thế  những thuốc không nhập cảng được của Đức nữa.
Ông làm việc cho gần tới khi mất, ngày 18 tháng 10 năm 1931, thọ tám mươi bốn tuổi. Người ta coi ông gần như một bực thánh về phát minh. Trước ông, chỉ có  Léonard de Vinci, ở thế kỷ 15, là ví được với ông; mà sau ông thì chắc không có ai nối gót ông được; vì hiện nay chúng ta đã bước vào thời đại chuyên môn, không ai có đủ sức để tìm tòi về nhiều lĩnh vực rất rộng như ông.